Monday, March 7, 2022

Chia se Tin Mung nam 2022

 

Chia sẻ Tin Mừng
năm C - 2022


Lễ Thánh Maria, Mẹ Chúa Trời (1-1-2022): Tại sao Maria được chọn làm Mẹ Đấng Cứu Thế?

 

CN Lễ Hiển Linh (02-01-2022): Dân ngoại vẫn có thể gặp được Thiên Chúa, trong khi dân có chính đạo vẫn có thể không gặp Ngài.

● Bài đào sâu: Điều trớ trêu trong Tin Mừng Lễ Hiển Linh có thể xảy ra cho chính chúng ta.

 

CN 1 Thường Niên (09-01-2022): Đức Giêsu chịu phép rửa để đại diện cho nhân loại tội lỗi sám hối trước mặt Thiên Chúa.

● Bài đào sâu: Người rao giảng về Đức Giêsu, phải biết tự xóa mình để Ngài nổi bật lên.

 

CN 2 Thường Niên (16-01-2022): Phép lạ Cana: biểu tượng của kế hoạch cứu chuộc sau khi kế hoạch sáng tạo bị hư hoại.

 

CN 3 Thường Niên (23-01-2022): Công việc quan trọng mang tính xã hội của người ngôn sứ.

 

CN 4 Thường Niên (30-01-2022): Cốt yếu của sự thánh thiện nằm ở chỗ sống có tình có nghĩa.

 

CN 5 Thường Niên (06-02-2022): Sống thuận theo ý Chúa thì khôn ngoan hơn sống theo ý mình.

● Bài đào sâu: Hãy để Chúa làm chủ công việc mình đang làm.

 

CN 6 Thường Niên (13-02-2022): Những mối Phúc và mối Họa đích thực.

● Bài đào sâu: «Nhân» và «duyên» của sự sống đời đời.

 

CN 7 Thường Niên (20-02-2022): Tinh thần công bằng và yêu thương Kitô giáo.

● Mời xem Video: Giải Ảo Cuộc Sống.

 

CN 8 Thường Niên (27-03-2022): Gương Đức Giêsu: «facere et docere» = Làm trước, dạy sau (Cv 1,1).


Thứ Tư Lễ Tro (02-03-2022): Ăn chay cách nào mới đẹp lòng Thiên Chúa?

CN 1 Mùa Chay (06-03-2022): Chiến thuật của ma quỷ trong việc cám dỗ.

 

CN 2 Mùa Chay (13-03-2022): Thần tính nơi Đức Giêsu và nơi mỗi người chúng ta.

● Bài đào sâu: Hãy sống đúng với bản chất cao quí của mình, là con cái Thiên Chúa.

 

CN 3 Mùa Chay (20-03-2022): Đừng đoán xét người khác, hãy tự xét chính mình.

● Bài đào sâu: Khiêm nhường nhận lỗi mình thì đẹp lòng Thiên Chúa hơn là đạo đức mà tự mãn.

 

CN 4 Mùa Chay (27-03-2022): Hãy vui mừng đón nhận những người tội lỗi hối cải.

● Bài đào sâu: Thái độ cần có đối với những người sai lầm, tội lỗi.

►Video: Đức Giêsu trả lời câu hỏi: «Ai là người thân cận của tôi?»

 

CN 5 Mùa Chay (03-04-2022): Luật yêu thương đòi hỏi thông cảm và tha thứ.

● Bài đào sâu: Hãy thông cảm và tha thứ để được Chúa thông cảm và tha thứ.

 

CN Lễ Lá (10-04-2022): Hãy ý thức: Con người yếu đuối, dễ thay đổi.

● Bài đào sâu: Hãy dành ưu tiên cho công việc của Thiên Chúa.

 

Thứ Năm Tuần Thánh (14-04-2022): Đức Giêsu đã làm gương để chúng ta yêu thương nhau.

 

CN Phục Sinh (Lễ đêm, 17-04-2022): «Con người cũ» phải phục sinh thành «con người mới».

● Bài đọc thêm: Làm sao tin Đức Giêsu đã thật sự sống lại?

 

CN 2 Phục Sinh (24-4-2022): «Con người mới» sống bằng đức tin.

● Bài đọc thêm: Những bài học từ sự kiện Chúa phục sinh

 

CN 3 Phục Sinh (01-05-2022): Thiên Chúa Quan Phòng luôn quan tâm lo liệu cụ thể cho những người toàn tâm làm công việc của Ngài.

● Bài đọc thêm: Thiên Chúa có hàng trăm ngàn cách thức khác nhau để hỗ trợ những ai lo lắng cho công việc của Ngài.

 

CN 4 Phục Sinh (08-05-2022): Người mục tử phải nhìn thấy hình ảnh Thiên Chúa nơi người tín hữu mình hướng dẫn.

● Bài đọc thêm: Mục tử nhân lành yêu đàn chiên bằng tình yêu đích thực.

 

CN 5 Phục Sinh (15-05-2022): Tình yêu đối với tha nhân là thước đo của tình yêu đối với Thiên Chúa.

● Bài đọc thêm: Yêu thương và phục vụ Thiên Chúa trong mọi người là điều kiện để phát triển tâm linh.

 

CN 6 Phục Sinh (22-05-2022): Hãy nhạy bén với sự chỉ dạy của Thánh Thần.

● Bài đọc thêm: Yêu Chúa thì giữ lời Chúa.Giữ lời Chúa thì yêu thương mọi người.

 

Lễ Chúa Lên Trời (29-05-2022): Đức Giêsu về trời để hiện diện tại trần gian một cách mới mẻ.

● Bài đọc thêm: Đức Giêsu trao trách nhiệm gì cho người Kitô hữu trước khi Ngài về trời?

 

Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống (05-06-2022): Tại sao Giáo Hội hiện nay kém phát triển về số lượng?

● Bài đào sâu: Bình an là quà tặng của Thiên Chúa.

 

Lễ Ba Ngôi Thiên Chúa (12-06-2022): Phải tiếp nhận Thần Khí Sự Thật thế nào?

● Bài đào sâu: Ba Ngôi: mẫu gương yêu thương, hiệp nhất trong khác biệt và đa dạng.

 

Lễ Mình Máu Thánh Chúa (19-06-2022): Tinh thần của Nước Trời là chia sẻ cho nhau.

● Bài đào sâu: Hãy trở nên «của ăn, của uống» cho tha nhân, như Đức Giêsu đã yêu cầu.

 

CN 13 Thường Niên (26-06-2022): Tinh thần từ bỏ của người theo Chúa.

● Bài đào sâu: Từ bỏ «cái tôi» là điều kiện tiên quyết để thật sự theo Chúa.

 

CN 14 Thường Niên (31-06-2022): Tinh thần của người tông đồ đích thực là gì?

● Bài đào sâu: Loan báo Tin Mừng chỉ là phương tiện để cứu độ nhân loại; cứu độ nhân loại mới là mục đích.

 

CN 15 Thường Niên (03-07-2022): Yêu thương tha nhân để biến họ thành «người thân cận».

● Bài đào sâu: Tính mới mẻ của Tân Ước: hành động vì yêu thương, hơn là vì lề luật.

 

CN 16 Thường Niên (10-07-2022): Cần cân bằng giữa cầu nguyện và hành động.

● Bài đào sâu: Cầu nguyện và hành động, cả hai đều cần thiết cho đời sống tâm linh.

 

CN 17 Thường Niên (17-07-2022): «Xin cho con hôm nay lương thực đủ dùng cho một ngày».

● Bài phụ thêm: Đức Giêsu dạy ta gọi Thiên Chúa là Cha khi cầu nguyện.

 

CN 18 Thường Niên (24-07-2022): Đừng tham muốn cách ích kỷ; hãy tham muốn cách vị tha.

● Bài đào sâu: Người Kitô hữu cần phát triển đời sống tâm linh.

 

CN 19 Thường Niên (07-08-2022): Hãy chuẩn bị hành trang cho cuộc sống mai sau.

● Bài đào sâu: Cầu nguyện bằng hành động: một cách tỉnh thức chờ Chúa đến.

 

CN 20 Thường Niên (14-08-2022): Đức Giêsu nói: Ngài đến để đem gươm giáo và chia rẽ, điều đó nghĩa là gì?

● Bài đào sâu: Sự khác biệt trong nhận thức và mức độ dấn thân trong điều tốt cũng là nguyên nhân gây chia rẽ và xung đột.

 

CN 21 Thường Niên (21-08-2022): Nên thánh bằng «cửa hẹp» nghĩa là gì?

● Bài đào sâu: Điều quan trọng nhất trong việc sống đạo là tuân hành thánh ý Thiên Chúa.

 

CN 22 Thường Niên (28-08-2022): Thái độ về «cái tôi» khiến ta nên thánh thiện hay tội lỗi.

● Bài đào sâu: Hãy khiêm nhường thật, đừng khiêm nhường giả.

 

CN 23 Thường Niên (04-09-2022): Những điều kiện cần thiết nhất để theo Chúa.

● Bài đào sâu: Cần lượng sức mình khi quyết tâm theo Chúa.

 

CN 24 Thường Niên (11-09-2022): Tình yêu đòi hỏi ta cứu người tội lỗi chứ không phải xa lánh họ.

● Bài thứ hai): Thiên Chúa là người Cha đầy tình thương, sẵn sàng thông cảm và tha thứ cho con cái tất cả mọi lỗi lầm.

 

CN 25 Thường Niên (18-09-2022): Chúng ta chỉ là người quản lý những gì chúng ta đang có.

● Bài đào sâu: Những gì chúng ta đang có đều là tạm bợ, Hãy biến chúng thành những giá trị vĩnh cửu.

 

CN 25 Thường Niên (25-09-2022): Người giàu có không nên sống ích kỷ, mà hãy sống yêu thương, biết chia sẻ.

● Bài đào sâu: Vô tâm trước những đau khổ của tha nhân cũng là tội ác.

 

CN 26 Thường Niên (30-09-2022): Cần xét xem mình có đức tin thật sự không.

● Lễ Đức Mẹ Mân Côi (07-10-2022): Tình yêu, lòng khiêm nhượng, tinh thần tự hủy mới là tiêu chuẩn của sự thánh thiện.

 

CN 27 Thường Niên (02-10-2022): Lòng biết ơn là đặc tính của người cao thượng.

● Bài đào sâu: Hãy biết ơn Thiên Chúa và làm ơn cho tha nhân.

 

CN 28 Thường Niên (09-10-2022): Hiệu lực của việc kiên trì cầu nguyện.

● Bài đào sâu: Hãy cầu xin như một người con, đừng xin như một ăn mày.

 

CN 29 Thường Niên (16-10-2022): Sự công chính theo quan niệm của Đức Giêsu rất khác với quan niệm của chúng ta.

● Bài đào sâu: Khiêm nhường tự hạ có khả năng biến tội lỗi thành thánh thiện, bất chính thành công chính.

 

CN 30 Thường Niên (23-10-2022): Phải vượt qua trở ngại để tìm gặp Chúa và đem Chúa đến với mọi người.

 

● Lễ Các Linh hồn (02-11-2022): Những suy nghĩ về luyện ngục và đau khổ.

 

CN 31 Thường Niên (30-10-2022): Cuộc sống hiện tại là để chuẩn bị cho cuộc sống vĩnh cửu.

● Bài đào sâu: Đời sống mai hậu sau khi chết sẽ ra sao?

 

CN 32 Thường Niên (06-11-2022): Tình trạng suy thoái trong các tôn giáo.

● Bài đào sâu: Thế gian đang qua đi.Đừng sống như thể ta và mọi sự quanh ta sẽ tồn tại mãi.

 

CN 33 Thường Niên – Lễ Chúa Kitô Vua (13-11-2022): Ta đã nhận Đức Giêsu là Vua của tâm hồn ta chưa?Và đã sống đúng như vậy chưa?

● Bài đào sâu: Phải chăng Đức Giêsu là Vua Vũ Trụ, nhưng chưa phải là Vua của chính bản thân ta?

 

CN 01 Mùa Vọng (27-11-2022): Tỉnh thức và sẵn sàng, một thái độ sống đạo tốt đẹp.

● Bài đào sâu: Những bất ngờ không thể ngờ được vào ngày Chúa đến.

 

CN 02 Mùa Vọng (04-12-2022): Sám hối đích thực đòi hỏi sự thay đổi toàn diện.

● Bài đào sâu: Cốt yếu nhất của việc sám hối là chỉnh lại quan niệm của mình theo quan điểm của Đức Giêsu trong Tin Mừng.

 

CN 03 Mùa Vọng (11-12-2022): Hãy sống theo quan niệm mới của Đức Giêsu.

● Bài đào sâu: Coi chừng kẻo mình vấp ngã khi Đức Giêsu đến lần thứ hai.

 

CN 04 Mùa Vọng (18-12-2022): Tình yêu vị tha và dâng hiến.

● Bài đào sâu: Hai thứ tình yêu: vị kỷ và vị tha.

 

Lễ Chúa Giáng Sinh (25-12-2022): Bài học đầy nghịch lý trong sự kiện Chúa Giáng Sinh.

● Bài đào sâu: Quên mình & chấp nhận hy sinh, là bí quyết xây dựng hạnh phúc gia đình.

 

CN Lễ Thánh Gia (30-12-2022): Nghịch cảnh và đau khổ trong gia đình có thể là phương tiện thánh hóa của Thiên Chúa.

● Bài đào sâu: Tâm hồn cao thượng và sự hy sinh rất lớn lao của Thánh Giuse.


Tuesday, December 22, 2020

Thanh-Gia ‒ Gia đình là môi trường lý tưởng nhất để thực tập yêu thương




CHIA SẺ TIN MỪNG

Lễ Thánh Gia

(27-12-2020)


Gia đình là môi trường lý tưởng nhất 
để thực tập yêu thương





ĐỌC LỜI CHÚA

  Hc 3,3-7.14-17a: (3) Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm, (4) ai kính mẹ thì tích trữ kho báu. (5) Ai thờ cha sẽ được vui mừng vì con cái, khi cầu nguyện, họ sẽ được lắng nghe. (6) Ai tôn vinh cha sẽ được trường thọ, ai vâng lệnh Đức Chúa sẽ làm cho mẹ an lòng.

  Cl 3,12-21: (18) Người làm vợ hãy phục tùng chồng, như thế mới xứng đáng là người thuộc về Chúa. (19) Người làm chồng hãy yêu thương chứ đừng cay nghiệt với vợ. (20) Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là điều đẹp lòng Chúa. (21) Những bậc làm cha mẹ đừng làm cho con cái bực tức, kẻo chúng ngã lòng.


  TIN MỪNG: Lc 2,22-24.39-40

Tiến dâng Đức Giêsu cho Thiên Chúa

(22) Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Môsê, bà Maria và ông Giuse đem con lên Giêrusalem, để tiến dâng cho Chúa, (23) như đã chép trong Luật Chúa rằng: «Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa», (24) và cũng để dâng của lễ theo Luật Chúa truyền, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non.

Hài nhi Giêsu tại Nadarét

(39) Khi hai ông bà đã làm xong mọi việc như Luật Chúa truyền, thì trở về nơi cư ngụ là thành Nadarét, miền Galilê. (40) Còn Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa.




CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1. Thiên Chúa có ba ngôi, sống và yêu thương nhau tương tự như trong một gia đình. Như vậy gia đình phải chăng là hình ảnh của Thiên Chúa Ba Ngôi? Nếu như thế, gia đình phải sống thế nào mới đúng bản chất của mình?
2. Lý do thông thường nhất khiến cho một gia đình trở nên bất hạnh là gì? Muốn gia đình trở nên hạnh phúc phải bắt đầu từ đâu?
3. Vai trò của gia đình trong việc huấn luyện con người biết yêu thương như thế nào? Vậy, các bậc cha mẹ phải tập cho con cái yêu thương như thế nào?

Suy tư gợi ý:

1.  Gia đình là hình ảnh 
        của Ba Ngôi Thiên Chúa

Nếu con người là hình ảnh của Thiên Chúa, thì có thể nói rằng gia đình là hình ảnh của Ba Ngôi Thiên Chúa. Thiên Chúa của chúng ta không phải là một Thiên Chúa sống đơn độc, mà là một Thiên Chúa mang tính gia đình, trong đó Ba Ngôi khác biệt nhau nhưng yêu thương nhau, sống chung, làm việc chung, và kết hợp với nhau thắm thiết như trong một gia đình, tới mức độ tuy là Ba Ngôi nhưng chỉ là một Thiên Chúa duy nhất. Nếu Thiên Chúa là tình yêu, thì «Tập Thể Ba Ngôi» là một môi trường để Ba Ngôi Thiên Chúa thể hiện tình yêu của mình với nhau. Vì Ba Ngôi yêu thương nhau vô cùng, nên sự hiệp nhất của Ba Ngôi đạt được mức độ tối đa là trở thành một Thiên Chúa duy nhất. Tình yêu và sự hiệp nhất ấy tạo nên thiên đàng hay hạnh phúc của Ba Ngôi.

Cũng vậy, nếu gia đình là hình ảnh của Ba Ngôi, thì mọi thành viên trong đó phải yêu thương nhau, hòa hợp với nhau đến mức hiệp nhất với nhau. Nhờ đó gia đình trở thành một thiên đàng tại thế. Như vậy, mọi thành viên của gia đình đã được hưởng nếm trước phần nào hạnh phúc của thiên đàng mai sau. Hạnh phúc trong những gia đình yêu thương nhau – được biểu lộ và hình thành cụ thể bằng việc quan tâm, lo lắng và hy sinh cho nhau – chính là hình ảnh trung thực của thiên đàng vĩnh cửu. Trái lại, nếu các thành viên trong gia đình không yêu thương nhau, không sẵn sàng hy sinh cho nhau, thì họ sẽ biến gia đình thành hỏa ngục tại thế, là hình ảnh của hỏa ngục vĩnh cửu. Trong 8 cái khổ mà Đức Phật kể ra, có cái khổ gọi là «oán tắng hội khổ», nghĩa là khổ vì không ưa nhau, ghét nhau mà lại phải sống chung với nhau.




2.  Tính ích kỷ, nguồn gốc bất hạnh 
           của mọi gia đình

Nhìn vào bất cứ một gia đình bất hạnh nào – nghĩa là một gia đình không hạnh phúc – ta luôn luôn thấy bóng dáng tính ích kỷ của một thành viên nào đó trong gia đình. Chính tính ích kỷ của thành viên này là nguồn gây nên đau khổ trong gia đình. Nếu thành viên ích kỷ ấy là người cha hay người mẹ, thì đau khổ trong nhà sẽ hết sức lớn lao. Gia đình nào càng có nhiều người ích kỷ, gia đình ấy càng bất hạnh. Gia đình mà càng có nhiều người sống vị tha, biết hy sinh cho người khác, gia đình ấy càng ít bất hạnh. Một gia đình mà mọi thành viên đều vị tha, đều quan tâm, chăm sóc và hy sinh cho nhau, đều sẵn sàng thông cảm và tha thứ cho nhau, gia đình ấy chắc chắn hạnh phúc.

Câu chuyện minh họa về thiên đàng và hỏa ngục sau đây thật phù hợp với thiên đàng và hỏa ngục của gia đình. Cả thiên đàng và hỏa ngục đều dùng bữa với những thức ăn y như nhau, trong khung cảnh giống y hệt nhau, trong đó mỗi người đều phải dùng một đôi đũa dài cả thước để ăn. 

Thiên đàng và hỏa ngục chỉ khác nhau ở chỗ này: trên thiên đàng, mọi người không ai tự gắp thức ăn cho mình, mà gắp cho người khác ăn, vì thế, ai cũng được ăn no. Còn trong hỏa ngục, mọi người chỉ biết nghĩ đến mình, chỉ biết gắp thức ăn cho mình, nhưng vì đũa quá dài, chẳng ai gắp cho mình được gì cả, thế rồi chẳng ai được no, hết giờ ăn mà đói vẫn hoàn đói, từ đó họ trở nên căm thù nhau. 

– Cũng vậy, trong gia đình, không ai tự tạo hạnh phúc cho mình được mà không cần đến người khác, nên nếu ai cũng chỉ biết lo cho hạnh phúc của mình, thì chẳng ai hạnh phúc cả, và rồi sẽ phát sinh đủ thứ đau khổ. Tuy nhiên trong gia đình, người ta có thể tạo hạnh phúc cho người khác, vì thế, nếu mọi người trong nhà đều biết lo cho nhau, tạo hạnh phúc cho nhau, thì ai nấy đều hạnh phúc.

Con người là hình ảnh của Thiên Chúa, mà Thiên Chúa là tình thương, nên bản chất của con người cũng là tình thương. Vì thế, chỉ khi con người sống phù hợp với bản tính của mình là yêu thương, và thể hiện cụ thể tình yêu thương ấy với những người chung quanh, thì con người mới hạnh phúc. Nếu con người sống ích kỷ, tức ngược lại bản chất yêu thương của mình, con người sẽ đau khổ và làm cho những người chung quanh đau khổ.




3.  Làm sao để có tình yêu thương?

Nhưng làm sao người ta có thể yêu thương nếu không có một động lực, một nguồn yêu thương ngay từ trong lòng mình phát xuất ra? Làm sao có được nguồn yêu thương ấy? – Vì «tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa» (1Ga 4,7), nên chính «Thiên Chúa là nguồn yêu thương» (2Cr 13,11). Vì thế, muốn yêu thương, muốn loại trừ tính vị kỷ, con người phải kết hợp làm một với Thiên Chúa, nguồn tình thương. Kết hợp với Thiên Chúa là luôn luôn ý thức rằng mình «là hình ảnh của Thiên Chúa» (St 1,27; 9,6; Ep 4,24), được tạo dựng giống như Thiên Chúa (x. St 1,26; 5,1), và «được thông phần bản tính của Thiên Chúa» (2Pr 1,4), một Thiên Chúa mà bản chất là yêu thương (x.1Ga 4,8.16)

Nếu bản chất của Thiên Chúa là yêu thương, mà ta giống Ngài, là hình ảnh của Ngài, được thông phần bản tính Ngài, tất nhiên bản chất của ta cũng là yêu thương. Ta không yêu thương hay không yêu thương đủ, là ta sống không đúng với bản chất của ta. Nhờ thường xuyên ý thức như thế, tình yêu và sức mạnh của tình yêu ngày càng lớn mạnh trong ta, khiến ta ngày càng yêu thương mọi người cách dễ dàng, và sẵn sàng làm tất cả để mọi người được hạnh phúc. Sống đúng với bản chất của mình là yêu thương, là hình ảnh Thiên Chúa, chính là sống thánh thiện.




4.  Gia đình là trường thực tập yêu thương

Để giúp con người có một môi trường thuận lợi để phát triển và thực tập tình yêu thương, Thiên Chúa đã tạo dựng và đặt con người sống trong gia đình. Khi vừa sinh ra, mọi người đều nhận được một tình thương dồi dào, vô điều kiện và vô vị lợi của cha mẹ – một tình yêu thuộc loại tốt đẹp nhất trên thế gian – đồng thời được mời gọi đáp lại tình yêu thương ấy. Đó là một bài tập hết sức dễ dàng về yêu thương mà mỗi người đều có thể thực tập ngay từ thuở nhỏ. Không gì dễ dàng bằng yêu thương người đã hết lòng yêu thương mình và hy sinh cho mình. Tình yêu đáp trả này tự phát sinh do mình nhận được từ cha mẹ mình quá nhiều. Đây là thứ tình yêu nhận nhiều hơn cho. 

Lớn lên một chút, mỗi người khám phá ra, ngoài cha mẹ mình, thì các anh chị em mình cũng yêu thương mình bằng một tình yêu tương đối vô vị lợi. Với tình yêu này, con người phải tập cho nhiều hơn và nhận ít hơn so với tình yêu đối với cha mẹ. 

Ngoài gia đình, mỗi người còn có bạn bè do chính mình chủ động chọn lựa và yêu thương. Đến khi trưởng thành, con người có tình yêu hôn nhân. Tình yêu này là một tình yêu do mình chọn lựa và tương đối có điều kiện: mình yêu và đòi hỏi người kia phải yêu lại, nếu đơn phương thì tình yêu sẽ khó tồn tại. Con người chủ động hiến thân và hy sinh cho người mình yêu với một ý chí tương đối tự do. 

Đến khi có con cái, con người tự nhiên yêu thương con bằng một tình yêu vô vị lợi, vô điều kiện, không lựa chọn. Đó là tình yêu cao cả nhất và phản ảnh trung thực nhất tình yêu của Thiên Chúa mà con người kinh nghiệm được trong đời sống gia đình.

Như vậy con người thực tập yêu thương – từ dễ đến khó – trong môi trường gia đình. Trong gia đình, con người kinh nghiệm tình yêu một cách tự nhiên và sâu xa: con người được yêu và chủ động yêu, nhận hy sinh từ người khác và chính mình cũng hy sinh cho người khác. Nhưng con người còn được mời gọi yêu một cách rộng rãi hơn, vượt khỏi phạm vi gia đình, để đến với những người ngoài, không ruột thịt máu mủ. Các tín đồ trong các tôn giáo, đặc biệt người Kitô hữu, còn được mời gọi yêu thương cả những người không hề quen biết, thậm chí cả kẻ thù. Yêu như thế khó hơn rất nhiều, nhưng nhờ áp dụng những kinh nghiệm về yêu thương đã có trong gia đình, việc yêu thương người ngoài gia đình, thậm chí kẻ thù, trở nên khả thi hơn. Như vậy, vai trò của gia đình trong việc đào luyện tình yêu cho con người thật hết sức quan trọng, không gì thay thế được. 

Nếu những người trong gia đình – là những người cùng máu mủ ruột thịt, những người tự nhiên yêu thương ta nhất và ta dễ yêu thương nhất – mà ta không yêu thương được, thì làm sao ta có thể yêu những người xa lạ, những người khó có cảm tình, nhất là những người thường gây bất lợi cho ta? Kinh nghiệm cho tôi thấy, những ai đối xử không tốt với chính cha mẹ, vợ/chồng con, anh em mình, thì khi họ đối xử tốt với những người khác, sự tốt ấy thật đáng nghi ngờ! Rất có thể chỉ là giả tạo để đạt một mục đích nào đó, chứ không thể là thực tình được!

Vậy, các bậc cha mẹ hãy cho con cái mình những kinh nghiệm về yêu thương tốt đẹp nhất có thể. Đó là những gì tốt đẹp nhất mà họ có thể làm cho con cái họ!




CẦU NGUYỆN

Lạy Mẹ Maria, Mẹ và thánh Giuse đã làm cho gia đình của mình trở thành một gia đình gương mẫu vì mọi trong đó đều yêu thương nhau. Xin cho mọi người trong gia đình con thực tập từ bỏ tính ích kỷ để biết yêu thương nhiều hơn, hy sinh cho nhau nhiều hơn, để nên thánh thiện hơn.

Nguyễn Chính Kết



Saturday, December 19, 2020

Giang-sinh ‒ Đối tượng ưu tiên trong sứ mạng của Đức Giêsu là những người nghèo hèn, đau khổ, tội lỗi




CHIA SẺ TIN MỪNG

Lễ Giáng Sinh

(25-12-2020)


Đối tượng ưu tiên trong sứ mạng của Đức Giêsu
là những người nghèo hèn, đau khổ, tội lỗi 
ĐỌC LỜI CHÚA

  Is 9,1-3.5-6: (3) Cái ách đè lên cổ dân, cây gậy đập xuống vai họ, ngọn roi hà hiếp họ, Ngài đều bẻ gãy. (4) Vì mọi giầy lính nện xuống rần rần và mọi áo choàng đẫm máu sẽ bị Ngài đem thiêu, làm mồi cho lửa.

  Tt 2,11-14: (14) Người đã tự hiến để cứu chuộc chúng ta thoát khỏi mọi điều bất chính, và để thanh luyện chúng ta, khiến chúng ta thành Dân riêng của Người, một dân hăng say làm việc thiện.


  TIN MỪNG: Lc 2,1-14

Đức Giêsu ra đời.
Những người chăn chiên đến viếng thăm

(1) Thời ấy, hoàng đế Augúttô ra chiếu chỉ, truyền kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ.  (2) Đây là cuộc kiểm tra đầu tiên, được thực hiện thời ông Quiriniô làm tổng trấn xứ Xyri.  (3) Ai nấy đều phải về nguyên quán mà khai tên tuổi.  (4) Bởi thế, ông Giuse từ thành Nadarét, miền Galilê lên thành vua Đavít tức là Bêlem, miền Giuđê, vì ông thuộc gia đình dòng tộc vua Đavít.  (5) Ông lên đó khai tên cùng với người đã thành hôn với ông là bà Maria, lúc ấy đang có thai.  (6) Khi hai người đang ở đó, thì bà Maria đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa.  (7) Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ.

(8) Trong vùng ấy, có những người chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ đàn vật.  (9) Bỗng sứ thần Chúa đứng bên họ, và vinh quang của Chúa chiếu toả chung quanh, khiến họ kinh khiếp hãi hùng.  (10) Nhưng sứ thần bảo họ: «Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân:  (11) Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít, Người là Đấng Kitô Đức Chúa.  (12) Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ».  (13) Bỗng có muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa rằng:  (14) «Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương».





CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1. Tại sao Thiên Chúa lại để hoàn cảnh lịch sử gây khó khăn đau khổ cho Giuse và Maria, là những người đang cộng tác vào công việc quan trọng của Ngài? Ngài có thật sự thương các vị ấy không? Sao Ngài lại làm như vậy?
2. Tại sao Con Thiên Chúa vô cùng giàu sang lại sinh ra trong cảnh cơ cực, nghèo nàn và nhục nhã đến như vậy? Muốn người mình yêu thương được hạnh phúc nhưng ta không chấp nhận đau khổ cho họ thì có được không?
3. Tại sao thiên sứ lại báo tin cho các mục đồng mà chẳng hề báo tin cho các vị lãnh đạo tôn giáo Do Thái? Thiên Chúa hành động ngược đời quá chăng?
4. Đối tượng cần được quan tâm phục vụ nhất của những người theo Chúa, những người loan báo Tin Mừng là hạng người nào? Thực tế thế nào?

Suy tư gợi ý:

1.  Sự việc xảy ra trong lịch sử không vượt ra ngoài sự an bài của Thiên Chúa

Việc Đức Giêsu sinh ra ứng nghiệm những lời tiên báo trước đó về Đấng Cứu Thế: Ngài là con người chứ không phải thiên thần (x. St 3,15; Dt 2,16), là người Do Thái, con cháu Abraham, chứ không phải dân tộc khác (St 12,1-3; Ds 24,17), thuộc dòng tộc Giuđa (St 49,10), là con cháu Đavít (2Sm 7,1-17), sinh tại Bêlem (Mk 5,2) bởi một người nữ đồng trinh (Is 7,14)

Sự việc hoàng đế Augúttô ra lệnh kiểm tra dân số khiến Giuse và Maria phải rời Nadarét ở miền Bắc để vào Bêlem, quê hương của Giuse ở miền Nam, để khai tên tuổi xem ra là ý muốn của vị hoàng đế này. Điều này khiến gia đình vừa thành lập của Giuse và Maria phải điêu đứng khổ sở, và Đức Giêsu cũng phải chịu cực theo từ khi còn nằm trong bụng mẹ. Nhưng sự việc này không nằm ngoài sự xếp đặt của Thiên Chúa. Ngài là chủ tể của lịch sử, là Đấng điều khiển lịch sử. Nhờ đó, lời tiên tri nói Ngài sẽ sinh ra tại Bêlem mới ứng nghiệm. Ta nên nhận ra thánh ý và cách thế hành động của Ngài qua những biến cố lịch sử.

Qua sự việc trên, ta nhận ra rằng có những sự việc trong đời ta và trong lịch sử có vẻ hết sức phi lý dưới con mắt loài người, nhưng chúng không bao giờ vượt khỏi quyền năng và sự an bài khôn ngoan kỳ diệu của Thiên Chúa. Cũng qua sự việc này, ta thấy cách Thiên Chúa huấn luyện những người mà Ngài đặc biệt yêu thương như thế nào. Gia đình Ngài yêu thương nhất mà còn phải trải qua biết bao thử thách, đau khổ và nhục nhã như thế để được thánh hóa, để góp phần vào công việc cứu chuộc của Thiên Chúa, lẽ nào chúng ta muốn nên hoàn thiện, muốn góp phần vào việc của Ngài lại không phải trải qua đau khổ?




2.  Tại sao Đức Giêsu sinh ra nghèo hèn, nhục nhã như thế?

Điều đáng chúng ta suy nghĩ là Ngôi Hai Thiên Chúa giàu sang vinh hiển vô cùng lại hạ sinh làm người trong một hoàn cảnh nghèo khổ, cơ cực nhất trần gian. Ngài đã giáng sinh trong một chuồng súc vật hôi hám, lấy máng ăn dơ bẩn của chúng làm nôi để nằm. Tự đặt mình trong hoàn cảnh của Ngài, chắc chắn chúng ta sẽ cảm thấy nhục nhã lắm! Ngài chấp nhận như thế chỉ vì yêu thương con người, vì muốn nâng con người lên và muốn họ được hạnh phúc

Thánh Phaolô viết: «Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có» (2Cr 8,9). Thật vậy, muốn tha nhân hạnh phúc mà mình lại không muốn hy sinh, không chấp nhận ít nhiều đau khổ vì họ, thì đó là một ước muốn không tưởng! Muốn nâng người khác lên mà lại cứ muốn trèo lên đầu lên cổ họ là một ước muốn phi lý! Người thật sự theo Chúa không thể hành động ngược lại với phương cách mà Ngài đã dùng. Nếu không theo cách của Ngài, ta chỉ là một kẻ theo Chúa giả hiệu mà thôi.



3.  Tại sao các mục đồng lại được loan báo đầu tiên?

Tại sao tin mừng về việc Đức Giêsu sinh ra lại được loan báo trước tiên cho các mục đồng chứ không phải là các thượng tế, giới chức sắc và kinh sư trong tôn giáo? Đúng ra giới lãnh đạo Do Thái giáo phải được loan báo tin này trước nhất mới phải chứ? Thiên Chúa không hành động như thế. Các mục đồng tượng trưng cho giai cấp thấp hèn nhất, bị bỏ rơi nhất trong xã hội và tôn giáo. Điều này cho thấy trước rằng sứ mạng của Đức Giêsu là đến vì những người nghèo khổ, bị áp bức, những kẻ thấp cổ bé miệng nhất trong xã hội… 

Tin Mừng Ngài đem đến là thứ tin mừng giải phóng, chỉ những ai đang bị áp bức, bị giam hãm trong đau khổ, tội lỗi, mới cần được giải phóng. Vì thế, nó phải được loan báo đặc biệt ưu tiên và trước tiên cho những hạng người này. Cũng như Đức Giêsu, các ngôn sứ đích thực đều ưu tiên phục vụ, tranh đấu, lên tiếng bênh vực những người nghèo hèn, bé mọn hoặc tội lỗi. Hành động như thế thường gây bất lợi cho giới cầm quyền trong xã hội cũng như tôn giáo, vì thế các ngôn sứ thường bị họ căm ghét, mạ lị và bách hại (x. Lc 6,23)

Chỉ có các ngôn sứ giả mới ưu tiên phục vụ những kẻ giàu sang, quyền thế, nhờ vậy mà họ được giới này ca tụng và ưu đãi (x. Lc 6,26). Họ chỉ muốn phục vụ cho cơ cấu hay tập thể đang đem lại địa vị, sự ưu đãi và quyền lợi cho họ. Phục vụ Thiên Chúa hay phục vụ tha nhân nhiều khi chỉ là chiêu bài họ dùng để được quần chúng ủng hộ mà thôi. Họ chỉ quan tâm phục vụ và củng cố những cơ cấu đem lại lợi ích trần tục cho họ, chứ không thật sự quan tâm phục vụ Thiên Chúa hay những người cùng khổ. Ngôn sứ thật và ngôn sứ giả khác nhau ở điểm này, mặc dù bên ngoài họ không mấy khác nhau

Tuy nhiên phân biệt ngôn sứ thật và ngôn sứ giả rất dễ, chỉ cần nhìn vào việc làm hay cách hành xử của họ là nhận ra ngay. Đức Giêsu nói: «Hễ cây tốt thì sinh quả tốt, cây xấu thì sinh quả xấu. Cây tốt không thể sinh quả xấu, cũng như cây xấu không thể sinh quả tốt» (Mt 7,17-18). Những ai chỉ ưu đãi hoặc coi trọng những người giàu sang quyền thế, đồng thời coi thường hay bạc đãi những người nghèo hèn khốn khổ, chắc chắn không thể là một ngôn sứ đích thực. 

Ngôn sứ thật thì hành động như Đức Giêsu: luôn luôn dành thì giờ và năng lực của mình ưu tiên cho những người bé mọn, hèn kém, đau khổ. Tâm tư Ngài lúc nào cũng hướng đến hạng người này, luôn tìm cách nâng đỡ, bênh vực họ. Dấu hiệu để nhận ra Ngài có phải là Đấng Cứu Thế hay không, được chính Ngài xác nhận: «Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe: Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng» (Mt 11,5-6). Ngài thường tự đồng hóa mình với người nghèo hèn đau khổ, đến nỗi ai làm gì cho những người này là làm cho chính Ngài (x. Mt 25,40.45)

Ngài đòi hỏi những ai muốn theo Ngài phải yêu thương người nghèo như một điều kiện tiên quyết phải có để theo Ngài và để có sự sống đời đời: «Hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi» (Mt 19,16.21; x. Mc 10,17.21). Các ngôn sứ đích thực xưa nay đều có tinh thần ấy. Trong thời đại chúng ta, vẫn luôn có những con người như Martin Luther King (Mỹ da đen), ĐGM Oscar Romero (Salvador), LM Jerzy Popieluszko (Ba Lan)… Các vị này đã coi việc bênh vực người nghèo, người bị áp bức quan trọng hơn cả sự an toàn bản thân, thậm chí hơn cả mạng sống mình. Họ chính là gương mẫu của những người theo Chúa đích thực.



CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, Đức Giêsu đã sinh ra nghèo hèn, đã sống như người nghèo, đã chịu biết bao đau khổ, đã bị bách hại áp bức. Ngài đã yêu thương người nghèo khổ, tội lỗi, đã ưu tiên dành thì giờ và sức lực để phục vụ họ. Con là một Kitô hữu, một người muốn theo Ngài. Xin giúp con nhận thức được rằng, theo Đức Giêsu không phải chỉ là lãnh nhận bí tích rửa tội, thêm sức hay bất kỳ bí tích nào khác. Không phải chỉ là vào một hội đoàn, một dòng tu hay chủng viện. Cũng không phải chỉ là làm một giáo dân, linh mục hay tu sĩ, v.v… Mà là sống theo tinh thần của Ngài, tức tinh thần từ bỏ mình, quên mình, để xả thân cho anh chị em mình, nhất là những người đau khổ, nghèo hèn, thấp cổ bé miệng. Chính Đức Giêsu là gương mẫu cho con về tinh thần này, suốt từ khi sinh ra nghèo hèn đến khi chết thê thảm trên thập giá. Xin giúp con bắt chước Ngài, sống đúng tinh thần của Ngài.

Nguyễn Chính Kết