Friday, November 1, 2019

TN31b - Những suy nghĩ về luyện ngục và đau khổ




CHIA SẺ TIN MỪNG

Lễ Các Linh Hồn

(2-11-2022)


Những suy nghĩ về luyện ngục và đau khổ


1.  Niềm tin của người Công giáo về luyện ngục

Hôm nay và suốt tháng 11 này, người Công giáo chúng ta đặc biệt quan tâm cầu nguyện cho những người quá cố. Chúng ta thường nghĩ họ đang phải chịu thanh luyện bằng đau khổ để trở nên hoàn hảo. Sự thanh luyện đó được Giáo Hội định tín: «Linh hồn kẻ chết chưa đền tội hoàn toàn sẽ được thanh luyện sau khi chết với những hình phạt được gọi là “Thanh Luyện”» (DS 856/464).

Mục đích của việc thanh luyện là làm cho linh hồn trở nên hoàn hảo, hoàn toàn vị tha, đầy tình thương, không còn một chút tâm địa ích kỷ, độc ác, tham lam nào nữa. Thiên Đàng đòi hỏi một sự hoàn hảo như thế thật là hợp lý, vì đó là một «nơi» hoàn toàn hạnh phúc, hoàn toàn thánh thiện, là «nơi» chúng ta sẽ trở về để hưởng hạnh phúc muôn đời. 

(Gọi Thiên Đàng, Hỏa ngục và Luyện ngục là «nơi» thì chỉ là tạm gọi, vì thật ra, Thiên Đàng, luyện ngục hay hỏa ngục không phải là nơi chốn, là không gian vật lý cho bằng là những tình trạng tâm linh hoặc tâm lý, mang tính «siêu nghiệm», nghĩa là vượt khỏi khả năng hiểu biết hay kinh nghiệm của con người. Chẳng hạn: Thiên Đàng là tình trạng tâm linh hoàn toàn hạnh phúc, không còn một chút đau khổ, của những tâm hồn hoàn hảo, thánh thiện. Còn Hỏa Ngục là tình trạng tâm linh hết sức đau khổ của những tâm hồn độc ác, xấu xa, ích kỷ...)

(Hỏa ngục là từ vừa dịch vừa giải thích của bản dịch Việt Nam theo quan điểm thần học trước đây, dịch từ chữ «Gehenna» trong bản dịch Vulgata tiếng Latinh của Giáo Hội [từ Mt 5,22.29-30; 10,28; 23,33; 25,41], trong đó «hỏa» có nghĩa là «lửa» [Quan điểm thần học trong Giáo Hội trước đây cho rằng trong hỏa ngục có lửa]. Chữ «Gehenna» được dịch sang tiếng Anh là «Hell» và tiếng Pháp là «Enfer», v.v... không bao hàm chữ «fire» hay «feu» nghĩa là «lửa» trong đó. «Lửa» trong những câu Thánh Kinh vừa kể chỉ là hình ảnh Đức Giêsu tạm dùng để diễn tả sự đau khổ của một tình trạng «siêu nghiệm» mà người thời ấy và cả thời nay chưa thể hiểu hay quan niệm được. Tương tự như một người mẹ đã tạm dùng hình ảnh người ăn xin, người bán vé số… để diễn tả cho đứa con còn nhỏ về tình trạng tương lai của nó nếu nó không chịu khó học hành bây giờ. Vì đầu óc nó lúc ấy không thể hiểu nổi tình trạng thực trong tương lai mà mẹ nó muốn diễn tả). (Xin xem chú thích thêm về chữ «Gehenna» ở cuối trang này)




2.  Thiên Đàng đòi hỏi người trong đó phải thật hoàn thiện

Không cần phải xét về phía Thiên Chúa, mà ngay chính chúng ta cũng đòi hỏi rằng: để vào Thiên Đàng thì phải thật trọn hảo. Thật vậy, thử hỏi, khi trở về «nơi» lý tưởng đó để hưởng hạnh phúc, ta có thể hoàn toàn hạnh phúc khi phải sống chung với những thân nhân, bạn bè vẫn còn những tính nết xấu như họ đang có bây giờ không? Nếu người ở Thiên Đàng mà còn ích kỷ, còn ác ý, còn lãnh đạm, còn hẹp hòi, còn hay nghĩ xấu cho người khác, dù chỉ một chút xíu, thì chính bản thân họ sẽ đau khổ, đồng thời còn gây nên đau khổ cho người khác nữa. 

Như vậy, nếu chưa hoàn hảo mà đã được sống ở Thiên Đàng thì ta sẽ làm ô nhiễm cái hạnh phúc tinh tuyền của Thiên Đàng, và biến Thiên Đàng trở thành một cái gì không còn là Thiên Đàng nữa. Do đó, Thiên Đàng đòi hỏi những người bước vào phải hoàn toàn trong sạch, tốt lành, nếu còn chút gì xấu xa thì phải thanh luyện cho hết. Tình trạng thanh luyện ấy được gọi là «Luyện Ngục».


(Đau khổ có tác dụng thanh luyện con người nên hoàn hảo hơn, giúp con người thông cảm dễ dàng hơn với những đau khổ của tha nhân, nhờ đó trở nên vị tha hơn. Chính Đức Giêsu cũng được Thiên Chúa Cha tinh luyện bằng đau khổ. Thật vậy, trong thư Do Thái, thánh Phaolô viết: «Thiên Chúa đã làm một việc thích đáng, là cho Đức Giêsu trải qua gian khổ mà trở thành vị lãnh đạo thập toàn, dẫn đưa họ tới nguồn ơn cứu độ» [Dt 2,10]. Chỗ khác, ông viết: «Dầu là Con Thiên Chúa, Đức Kitô đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục; và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người» [Dt 5,8-9]. Và qua đau khổ, con người mới có thể cùng được hưởng vinh quang với Đức Kitô, Đấng đã phải chịu rất nhiều đau khổ vì chúng ta: «Một khi cùng chịu đau khổ với Đức Kitô [nghĩa là chịu đau khổ vì tình yêu đối với Thiên Chúa hay tha nhân], chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang với Người» [Rm 8,17]; «Nếu ta cùng đau khổ với Đức Kitô, ta sẽ cùng hiển trị với Người» [2Tm 2,12])

(Do đó, nếu chúng ta sẵn sàng chấp nhận đau khổ vì yêu thương tha nhân ngay ở đời này để thanh luyện tâm hồn mình, để mình trở thành người hoàn hảo, có tâm hồn vị tha, luôn luôn yêu thương mọi người, và sẵn sàng biểu lộ tình yêu của mình bằng việc chấp nhận hy sinh, thiệt thòi, đau khổ vì tha nhân, để mình không còn một chút vị kỷ, thì không cần phải thanh luyện nữa, và Luyện Ngục không còn là nơi thích hợp với mình nữa, mà Thiên Đàng mới chính là nơi thích hợp.)




3.  Tội lỗi hay tính vị kỷ là đầu mối gây đau khổ

Chắc chắn Thiên Chúa không bao giờ muốn con người phải đau khổ. Việc Ngài sai Con Một mình xuống chịu chết một cách thảm thương để cứu nhân loại chứng tỏ điều ấy. Nhưng Ngài không thể trực tiếp cứu chúng ta khỏi đau khổ, mà chỉ có thể cứu chúng ta khỏi những nguyên nhân gây nên đau khổ là tội lỗi

Trong sách Khải Huyền, thánh Gioan viết: «Người đã yêu mến chúng ta và lấy máu mình rửa sạch tội lỗi chúng ta» (Kh 1,5). Đau khổ chỉ là ngọn, còn tội lỗi mới là gốc. Muốn tránh khổ thì phải tránh tội lỗi. Diệt khổ thì chỉ là diệt ngọn, khổ vẫn có thể tiếp tục phát sinh. Diệt tội lỗi mới là diệt khổ tận gốc. 

Nhưng con người vì còn u mê nên thường sợ khổ chứ không sợ nguồn gốc phát sinh ra đau khổ là tội lỗi, là tính ích kỷ. Họ vẫn cứ tiếp tục phạm tội, sống ích kỷ. Vì thế, dù tìm đủ mọi cách để tránh khổ, con người vẫn cứ rơi vào đau khổ, hết khổ này đến khổ khác. Trong việc cứu khổ cho người khác, cho các linh hồn được thanh luyện, con người cũng chỉ nghĩ tới việc cứu họ khỏi đau khổ, chứ không nghĩ tới việc cứu họ khỏi những nguyên nhân gây đau khổ.

Nguồn gốc của tội lỗi chính là tính ích kỷ, chỉ biết nghĩ tới đau khổ và hạnh phúc của mình chứ không quan tâm hay biết đến đau khổ và hạnh phúc của người khác. Vì thế, nguyên nhân sâu xa hơn của đau khổ chính là tính ích kỷ.



4.  Tình yêu hóa giải đau khổ và đem lại hạnh phúc

Nếu ích kỷ là nguồn gốc phát sinh đau khổ, thì ngược lại, tính vị tha hay tình yêu chính là nguồn tạo nên hạnh phúc. Do đó, người ta chỉ có thể vào được Thiên Đàng khi họ có đầy tràn tình yêu trong tâm và không còn chút tính ích kỷ nào nữa. Nắm vững điều này, ta mới hiểu được ý nghĩa sâu xa câu nói Đức Giêsu, khi có người –vốn đã giữ rất chu đáo các lề luật– hỏi Ngài về cách đạt được sự sống đời đời, Ngài trả lời: «Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi» (Mc 10,21). Điều đó có nghĩa là phải biết yêu thương và thật sự thể hiện tình yêu ấy thì mới được sự sống đời đời, tức được hạnh phúc đích thực. Kho tàng ở trên trời mà mọi người muốn lên đó phải sắm cho mình chính là kho tàng tình yêu.

Người trộm lành cùng chịu đóng đinh cạnh Đức Giêsu đã thể hiện được tinh thần vị tha và tình yêu ấy. Trong cảnh khổ như thế mà anh không hề nghĩ tới đau khổ của bản thân mình, mà chỉ nghĩ tới đau khổ của Đức Giêsu, thương cho Ngài bị hàm oan: «Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái!». Chính vì thế, anh đã được Đức Giêsu nói: «Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng» (Lc 23,41-43). Người trộm lành tuy đầy tội lỗi, nhưng cuối cùng anh đã phát tâm yêu thương, và tình yêu đã biến anh thành người tốt lành, xứng đáng với hạnh phúc Thiên Đàng. Đúng như câu nói của thánh Phêrô: «Tình yêu che phủ muôn vàn tội lỗi» (1Pr 4,8).



5.  Chấp nhận đau khổ vì tình yêu là bí quyết của hạnh phúc

Câu chuyện về người trộm lành trên làm tôi nghĩ đến một câu chuyện trong truyền thuyết của đạo Phật về Đức Phật: Trong một tiền kiếp nọ của ngài, ngài đã phạm một trọng tội khiến ngài bị đọa vào địa ngục. Tại đó, ngài cùng nhiều người khác bị đau khổ ghê gớm. Khi nhìn thấy những người trong đó đang quằn quại với những cực hình vô cùng đau đớn như mình, ngài thương họ vô cùng. Tình thương ấy khiến ngài phát tâm nguyện rằng: Tôi nguyện sẵn sàng chịu thay cho mọi người trong địa ngục này tất cả những đau khổ mà họ đang phải chịu, để họ thoát khỏi những cực hình ghê gớm này! Vừa nguyện như thế xong thì ngài tự nhiên thoát khỏi cảnh đau khổ ấy ngay lập tức. Còn những người kia thì vẫn tiếp tục ở lại đấy chịu đau khổ.

Tôi chỉ coi chuyện trên như một dụ ngôn. Tuy không có thực, nhưng nó nói lên một chân lý mà chính tôi đã thực nghiệm thấy rất đúng. Khi tôi chỉ quan tâm chú ý tới những đau khổ tôi đang phải chịu, thì tôi thấy đau khổ ấy –một cách chủ quan– tăng lên gấp bội. Nhưng khi tôi quan tâm tới những đau khổ của người khác đang phải chịu, khi tôi muốn làm giảm bớt đau khổ cho họ, khi tôi chấp nhận chịu đau khổ thay cho họ, hay sẵn sàng chịu khổ nhiều hơn nữa để họ bớt khổ hay để họ được hạnh phúc, thì lập tức tôi cảm thấy tâm hồn mình mạnh mẽ lên. Lúc ấy những đau khổ tôi đang chịu –tuy dù một cách khách quan không hề thay đổi, mà có thể còn tăng lên– bỗng nhiên mất đi tính dữ dội hay thảm khốc của chúng đối với tôi. Chúng không còn làm tôi đau khổ được như trước.

Áp dụng kinh nghiệm này vào đời sống gia đình, tôi nhận thấy: khi tôi sẵn sàng chấp nhận mọi vất vả, mọi đau khổ, mọi buồn phiền để làm những người thân yêu của tôi bớt khổ và được hạnh phúc, thì điều lạ lùng tôi cảm nghiệm được là tôi không hề đau khổ mà lại thấy hạnh phúc hơn. Tôi hạnh phúc hơn vì tôi thấy nhờ đau khổ, hy sinh, vất vả ấy của tôi mà những người tôi yêu thương được hạnh phúc hơn. Điều làm họ hạnh phúc nhất, là họ thấy tôi yêu thương họ, hết mình với họ. Và chính vì thế, họ cũng chẳng để tôi phải vất vả hay chịu đau khổ thay cho họ, ngược lại họ lại sẵn sàng chịu đau khổ thay cho tôi. Và thế là cả gia đình tôi –trong đó có tôi– đều cảm thấy hạnh phúc trong bầu khí đầm ấm yêu thương. 

Thế là chỉ vì tôi sẵn sàng chấp nhận mọi vất vả, cực nhọc, đau khổ thay cho những người thân yêu, mà tôi biến gia đình tôi thành một gia đình hạnh phúc. So với nhiều người chủ gia đình khác, tôi thấy mình hạnh phúc hơn họ nhiều, xét cả mặt khách quan lẫn chủ quan. Tôi nhận thấy: không phải khi mình sẵn sàng chịu đau khổ thay cho người khác thì tất nhiên mình sẽ phải chịu đau khổ nhiều hơn đâu! Mà ngược lại, thái độ quên mình ấy lại đem lại hạnh phúc cho cả tôi lẫn những người chung quanh tôi. Đó là kinh nghiệm của tôi trong gia đình. Và tôi đang áp dụng kinh nghiệm này ra ngoài gia đình, trong xã hội… và tôi vẫn thấy nó đúng. Xin chia sẻ với mọi người kinh nghiệm có thật này để may ra hữu ích cho ai đó!


_____________

Chữ «Gehenna» là từ trong bản Vulgata (tức bản dịch chính thức của Giáo Hội từ bản gốc sang tiếng Latin) trong các câu Mt 5,22.29-30; 10,28; 23,33; 25,41, và trong bản Hy Lạp là «Ge-hinnom». Đây là tên hay địa danh của một thung lũng nằm ở phía tây nam núi Sion. [Tiếng Do Thái là «Ge-hinnom» biến từ tiếng Aramaic là «Ge-hinnam», có nghĩa là «thung lũng Con của Hinnom»].

Tại thung lũng này, trước thời Chúa Giêsu, có một tượng thần Môléc bằng đồng rất lớn đối diện với một sườn núi có tên là Olivet. Nơi đây, dân ngoại đã từng thiêu các trẻ em bằng lửa để tế thần. Vua Giôsia đã bãi bỏ cách thờ phượng dã man này và rải những xương người ra khắp nơi khiến nơi này trở nên ô uế, dơ bẩn, hầu ngăn cản dân chúng tiếp tục những nghi lễ tế thần ở đó (xem 2 Vua 23,10). Những tập tục thờ phượng vô nhân đạo này đã tạo cho thung lũng này thành một nơi khủng khiếp, và khiến cho tên của nó thành một từ để nguyền rủa, chửi bới và nó được sử dụng như một từ để diễn tả một nơi đau khổ.

Để diễn tả nỗi đau khổ tâm linh mà con người chưa hề có kinh nghiệm để hiểu, vốn là hậu quả gây ra do tội lỗi, Đức Giêsu đã sử dụng hình ảnh thung lũng này (như «lửa không hề tắt», «giòi bọ không hề chết») để diễn tả thực tại siêu nghiệm ấy. Tương tự như đã nói ở trên, để giúp đứa con lười học hành hiểu phần nào hậu quả tai hại của sự lười biếng ấy trong tương lai khi nó lớn lên, người mẹ không thể mô tả thật sự những hậu quả ấy vì nó không thể hiểu nổi, mà chỉ đưa ra một hình ảnh tượng trưng, chẳng hạn như hình ảnh vất vả, nghèo nàn của những đứa trẻ bán vé số, đánh giày hay những người ăn xin, v.v... để nó dễ hiểu và có thể nhìn thấy hay tưởng tượng được. Như vậy có tác dụng giúp nó chăm chỉ học hành hơn.

Trong Thánh Kinh của tất cả mọi tôn giáo, có rất nhiều sự thật siêu nghiệm được mô tả tương tự như vậy, nghĩa là bằng những hình ảnh cụ thể để trở nên dễ hiểu, dễ tưởng tượng, nó mang tính văn chương chứ không phải là những mệnh đề triết học hay toán học. Chẳng hạn như để mặc khải cho con người về một sự thật siêu nghiệm, vượt khỏi khả năng suy nghĩ hay quan niệm của con người thời trước, sách Sáng Thế mô tả Thiên Chúa dựng nên vũ trụ vạn vật trong vòng 7 ngày (x. St 1,1-31), và lấy bùn đất nặn nên con người (x. St 2,7) và lấy xương sườn của Adam dựng nên Eva (x. St 2,18-25). Không thể coi những đoạn trong sách Sáng Thế ấy như một bài tường thuật tin tức với những dữ kiện có thực được. 

Văn chương trong Thánh Kinh của các tôn giáo cũng hay dùng những hình thức phóng đại. Chẳng hạn Thiên Chúa hứa với ông Abraham là con cháu ông sẽ đông như sao trên trời, cát dưới biển (x. St 22,17), hay Đức Giêsu nói: có đức tin bằng hạt cải là có thể chuyển núi dời non (x. Mt 17,20; Lc 17,6). Trong ngôn ngữ thường ngày, chúng ta cũng thường dùng cách phóng đại ấy, chẳng hạn như «nhà này cao quá trời», «vẻ đẹp chim sa cá lặn», «con mà không học là bố đánh chết đấy!», «những anh hùng ấy sẽ sống muôn đời với dân tộc», v.v... Do đó, Thánh Kinh mặc khải những sự thật cần thiết cho đời sống tâm linh bằng những ngôn ngữ bình dân, có chút ít tính văn chương; vì thế, đừng bao giờ hiểu tất cả mọi lời trong Thánh Kinh như những mệnh đề triết học, hay toán học, hay luật học… 

Mọi chữ trong những mệnh đề triết học, toán học hay luật học cần phải hiểu chính xác theo nghĩa mặc định của nó, và thường chỉ có một cách hiểu duy nhất chính xác mà thôi. Nhưng những câu nói mang tính văn chương, những câu nói thường tình của dân gian, người ta không thể hiểu theo cùng một cách như thế. Rất tiếc là nhiều người trong các tôn giáo đã hiểu những câu nói của các vị giáo chủ mặc khải những chân lý siêu việt và siêu nghiệm như những mệnh đề triết học, toán học hay luật học... khiến điều họ hiểu trở thành những điều phi lý.

No comments:

Post a Comment