Monday, July 1, 2019

TN13b - Từ bỏ «cái tôi» là điều kiện tiên quyết để thật sự theo Chúa

CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 13 Thường Niên

(26-06-2022)


Từ bỏ «cái tôi» là điều kiện tiên quyết để thật sự theo Chúa



  TIN MỪNG: Lc 9,51-62

Một làng miền Samari không đón tiếp Đức Giêsu

Đức Giêsu đòi hỏi môn đệ phải bỏ mọi sự



Câu hỏi gợi ý:
1.      Tại sao hai tông đồ tức giận với người Samari? Tức giận là vì bản thân bị xúc phạm? hay vì Đức Giêsu bị xúc phạm? Hay vì cả nhóm bị xúc phạm? Nếu tức giận là vì Đức Giêsu, vì thiện chí muốn loan báo Tin Mừng, thì sự tức giận ấy có đáng khuyến khích không? Tại sao?

2.      Tại sao Đức Giêsu lại đòi hỏi những kẻ theo Ngài phải từ bỏ mọi sự? Từ bỏ nào là căn bản nhất? Nếu đòi hỏi phải từ bỏ cả cha mẹ, thì có quá đáng không? Từ bỏ như thế phải chăng là bất hiếu? Phải hiểu sự từ bỏ như thế nào?


Suy tư gợi ý:

1.  Thái độ thiếu khoan dung và thiếu bao dung của các tông đồ

Trong bài Tin Mừng, ta thấy người Samari không chịu đón nhận Đức Giêsu và các môn đệ chỉ vì các ngài là người Do Thái. Vì thế, hai ông Giacôbê và Gioan tức giận, đến nỗi muốn trả đũa lại. Các ông đã bị Đức Giêsu quở mắng vì thiếu khoan dung và bao dung, là những đức tính hết sức cần thiết trong việc loan báo Tin Mừng.

Có lẽ các ông nghĩ rằng Đức Giêsu và cả các ông nữa đang là những nhân vật hết sức quan trọng. Đối với các ông, Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, từ trời xuống để giải phóng dân Do Thái, sau này Ngài sẽ làm vua. Còn các ông, những kẻ theo Ngài, nếu Ngài là số một, thì ắt các ông phải thuộc hàng thứ hai, cũng là những nhân vật hết sức quan trọng trong dân. Các ông rất có lý khi nghĩ như thế. Vì thế, từ chối đón tiếp Đức Giêsu và những nhân vật quan trọng của Ngài là một xúc phạm lớn.



2.  Thái độ đầy tính tự hủy của Đức Giêsu

Một điều rất đáng ghi nhận là đang khi các tông đồ  cụ thể là Giacôbê và Gioan  lại cảm thấy bị xúc phạm, thì Đức Giêsu, Đấng quan trọng nhất trong nhóm, lại có vẻ như không cảm thấy bị xúc phạm. Tại sao? Vì Đức Giêsu đã tự hủy «cái tôi» của Ngài ngay từ trong bản chất của Ngài, trước khi quyết định nhập thể làm người: «Vốn dĩ là Thiên Chúa, Nhưng Người không nhất quyết phải duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, (7) mà đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống người phàm, sống như người trần thế. (8) Người lại còn hạ mình, là vâng lời cho đến chết, chết trên cây thập tự» (Pl 2,6-8). 

Đã chấp nhận mặc lấy thân nô lệ, trút bỏ mọi vinh quang, tức là đã chấp nhận cho người ta đối xử với mình sao cũng được, đâu còn muốn đòi hỏi gì? Đòi hỏi người ta phải coi mình là cái chi chi, tức chưa tự hủy triệt để. Còn các tông đồ  tuy được Đức Giêsu tuyển chọn nhưng vẫn còn coi «cái tôi» của mình là quan trọng. «Cái tôi» ở đây không chỉ là «cái tôi cá nhân», mà còn có thể là «cái tôi tập thể» trong ý thức của mỗi ông. «Cái tôi tập thể» ấy gồm Đức Giêsu và cả các ông nữa.

Thái độ quở mắng của Đức Giêsu chứng tỏ Ngài không đồng tình với việc quan trọng hóa «cái tôi tập thể», cho dù trong ấy Ngài là người số một. Nếu không có tinh thần tự hủy, chắc chắn chính Ngài sẽ cảm thấy bị xúc phạm mạnh hơn các tông đồ rất nhiều, vì Ngài là Con Thiên Chúa xuống trần gian, một nhân vật vô cùng quan trọng. Khi sống tinh thần tự hủy như Đức Giêsu, nghĩa là tự coi mình chẳng là gì cả, coi tài đức của mình chỉ là những hồng ân Chúa ban, và coi những việc tốt lành mình làm như chẳng phải mình làm, mà chỉ là do Thiên Chúa thúc đẩy và ban ơn để mình làm, thì ta sẽ không cảm thấy bị xúc phạm. 

Cảm thấy bị xúc phạm đến mức bực bội là dấu cái tôi của ta chưa được thuần hóa bằng tinh thần tự hủy của Đức Giêsu. Nếu cảm thấy «cái tôi» dù là cá nhân hay tập thể của mình bị xúc phạm, mà phản ứng lại bằng cách trả đũa như ông Giacôbê và Gioan, thì còn gì là tinh thần yêu thương, tha thứ, quảng đại của người theo Chúa? Và như thế làm sao loan báo Tin Mừng và cứu rỗi được người Samari?



3.  Làm môn đệ Chúa, cần khoan dung và bao dung

Trong phần trên của đoạn Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu đòi hỏi những kẻ theo Ngài không những phải từ bỏ hay tự hủy «cái tôi cá nhân» mà còn cả «cái tôi tập thể» ở trong mỗi người nữa. Tự mãn về tập thể mình, tuyên dương và đề cao tập thể của mình trước các tập thể khác, coi tập thể của mình là cao nhất, tốt nhất, thì có gì khác với một cá nhân tự mãn về mình trước các cá nhân khác, tự tuyên dương đề cao mình, coi mình là tốt nhất? Phong cách cá nhân hay tập thể như thế chắc chắn không thu phục được nhân tâm!

Điều quan trọng trong công việc tông đồ là Thiên Chúa được vinh danh, mọi người được cứu độ và hạnh phúc, chứ không phải là cái tôi cá nhân hay tập thể của mình được vẻ vang, phát triển. Và Thiên Chúa được vinh danh ở đây không nhất thiết phải là Thiên Chúa được quan niệm theo cái tôi cá nhân hay tập thể của mình, mà là Thiên Chúa đúng như Ngài là, vốn siêu việt (transcendent) và siêu nghiệm (transcendental): không thể dùng những ý niệm nghèo nàn và hạn hẹp của con người để diễn tả Ngài một cách trung thực đúng như Ngài là được.



4.  Theo Chúa, phải từ bỏ chính mình

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu đòi hỏi những người đi theo Ngài phải từ bỏ tất cả mọi sự để sẵn sàng chấp nhận cuộc sống không có chỗ tựa đầu như Ngài. Từ bỏ cả những ràng buộc tình cảm thiêng liêng nhất như tình cảm đối với cha mẹ, anh em ruột thịt, v.v. Thật ra, chữ từ bỏ ở đây phải hiểu theo nghĩa tương đối nhưng rất triệt để. Tương đối, vì nó không có nghĩa là từ bỏ thật sự theo nghĩa đen, mà là coi tất cả mọi sự nhẹ trước công việc chính và quan trọng nhất của những kẻ theo Ngài, là thực hiện Nước Thiên Chúa trong đời sống của mình. Triệt để ở chỗ khi có sự xung đột giữa bổn phận ấy với những sự khác thì phải luôn dành ưu tiên cho việc thực hiện Nước Thiên Chúa.

Nhưng điều đó quan trọng nhất cần phải từ bỏ là chính «cái tôi» của mình. Nếu theo Chúa mà còn coi trọng «cái tôi» của mình, thì tất cả những từ bỏ khác đều chỉ là giả tạm. Từ bỏ tất cả mọi sự mà chưa từ bỏ chính «cái tôi» của mình  dù là «cái tôi» cá nhân hay tập thể cùng với ý riêng mình, tự ái của mình, thì sớm muộn cái tôi ấy sẽ quơ lại tất cả những gì nó đã từ bỏ trước đó

Rất nhiều người Kitô hữu thánh thiện đã từ bỏ được «cái tôi cá nhân», nhưng chưa từ bỏ được «cái tôi tập thể» là hội đoàn mình, là chính Giáo Hội trước sự đòi hỏi của việc thực hiện Nước Thiên Chúa. Vì thế, đôi khi chính tập thể của mình lại trở thành vật cản trở không cho Nước Thiên Chúa phát triển trong xã hội hay trên thế giới chỉ vì những người trong tập thể chưa từ bỏ «cái tôi tập thể» của mình. Ta vẫn còn coi «cái tôi tập thể» của mình quá quan trọng, coi nó như mục đích thay vì như phương tiện của Nước Thiên Chúa, đồng thời chưa coi nhẹ mình đủ để khoan dung và bao dung, để tôn trọng sự khác biệt giữa mình và người khác. Có tôn trọng và chấp nhận sự khác biệt của người khác, họ mới có thể tôn trọng và chấp nhận sự khác biệt của ta, nhờ đó ta mới đem Chúa đến với họ và phục vụ họ được.



CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa, xin ban cho con lòng bao dung quảng đại, biết từ bỏ chính mình, biết sống tinh thần tự hủy để có thể yêu thương và ôm trọn thế giới và mọi người vào trong lòng mình, bất chấp những khác biệt về văn hóa, về cách quan niệm hay lề lối suy tư, để đem Chúa đến với họ, và đem họ về với Chúa, hầu biến thế giới thành Nước Trời tại thế.

Nguyễn Chính Kết




No comments:

Post a Comment