Friday, January 25, 2019

TN4a - Cốt yếu của sự thánh thiện nằm ở chỗ sống có tình có nghĩa




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 4 Thường Niên

(30-01-2022)


Cốt yếu của sự thánh thiện nằm ở chỗ
sống có tình có nghĩa



ĐỌC LỜI CHÚA

  Gr 1,4-5.17-19: (17) Giavê nói với Giêrêmia: «Còn ngươi, hãy thắt lưng. Hãy chỗi dậy! Hãy nói với chúng tất cả những gì Ta truyền cho ngươi. Trước mặt chúng, ngươi đừng run sợ».

  1Cr 12,31–13,13: (12,31)Trong các ơn huệ của Thiên Chúa, anh em cứ tha thiết tìm những ơn cao trọng nhất. Nhưng đây tôi xin chỉ cho anh em con đường trổi vượt hơn cả. (13,1) Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm chọe xoang xoảng (…) (3) Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì. (…) (7) Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả. Đức mến không bao giờ mất được (…) (13) Hiện nay, đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến.

  TIN MỪNG: Lc 4,21-30

Không ngôn sứ nào
biệt đãi quê hương mình


Khi ấy, (21) Đức Giêsu bắt đầu nói với họ: «Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe». (22) Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người.  Họ bảo nhau: «Ông này không phải là con ông Giuse đó sao?» (23) Người nói với họ: «Hẳn là các ông muốn nói với tôi câu tục ngữ: Thầy lang ơi, hãy chữa lấy mình! Tất cả những gì chúng tôi nghe nói ông đã làm tại Caphácnaum, ông cũng hãy làm tại đây, tại quê ông xem nào!»

(24) Người nói tiếp: «Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình. (25) Thật vậy, tôi nói cho các ông hay: thiếu gì bà goá ở trong nước Ítraen vào thời ông Êlia, khi trời hạn hán suốt ba năm sáu tháng, cả nuớc phải đói kém dữ dội, (26) thế mà ông không được sai đến giúp một bà nào cả, nhưng chỉ được sai đến giúp bà goá thành Xarépta miền Xiđon. (27) Cũng vậy, thiếu gì người phong hủi ở trong nước Ítraen vào thời ngôn sứ Êlisa, nhưng không người nào được sạch, mà chỉ có ông Naaman, người xứ Xyria thôi».

(28) Nghe vậy, mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ. (29) Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành thành này được xây trên núi. Họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực. (30) Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi.



CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1. Lý do nào khiến Đức Giêsu không làm nhiều phép lạ tại quê hương của Ngài như ở những nơi khác? Có phải Ngài chủ trương bạc đãi quê hương Ngài không? 
2. Có phải mình là đạo gốc, là người theo chính đạo, thì mình sẽ chắc chắn được cứu rỗi hơn người ngoại giáo không? Mình có những thuận lợi hơn họ để được cứu rỗi là những thuận lợi nào?

Suy tư gợi ý:

1.  Chú giải về đoạn Tin Mừng

Trong đoạn Kinh Thánh này chúng ta thấy câu Đức Giêsu nói: «Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào được biệt đãi tại quê hương mình» (với động từ ở thể thụ động) có vẻ không phù hợp với ngữ cảnh của toàn đoạn văn. Nếu đổi động từ sang thể chủ động thì ý nghĩa của câu sẽ phù hợp hơn với đoạn trước đó và đoạn sau đó: «Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào biệt đãi quê hương mình».

Thật vậy, khi Đức Giêsu về thăm quê hương, những người đồng hương yêu cầu Ngài hãy làm những phép lạ tại quê hương của Ngài, như Ngài đã từng làm ở những nơi khác. Họ muốn yêu cầu Ngài hãy biệt đãi quê hương mình một chút, và có vẻ như muốn trách Ngài là đã bỏ quên quê hương mình.

Đức Giêsu đáp lại bằng cách kể hai câu chuyện của ngôn sứ Êlia và ngôn sứ Êlisa trong Cựu Ước như sau: Vào những năm đói kém dữ dội, Êlia chẳng cứu giúp bà góa nào ở quê hương ông, mà lại giúp cho một bà góa ở Siđôn (x. 1V 17,7-16), trong khi Siđôn là một vùng thuộc dân ngoại thờ ngẫu tượng, tính tình hung dữ, là một địa danh mà Cựu Ước coi là xấu xa (x. Is 23,2). Chính Đức Giêsu cũng nói đến vùng Siđôn và vùng Tyrô như những vùng tội lỗi (xem Mt 11,21-22)

Còn Êlisa thì đang khi tại Ítraen có biết bao người phong cùi, thế nhưng ông chẳng chữa cho ai, mà lại chỉ chữa cho Naaman, một vị quan người Syria, cũng là một dân thờ ngẫu tượng (xem 2V 5,1-19)

Đức Giêsu muốn minh chứng rằng các ngôn sứ xưa không ưu đãi quê hương riêng của mình, nên Ngài cũng vậy. Chính vì thế, dân thành Nagiarét mới bực tức và muốn hãm hại Ngài.

Tuy nhiên, nếu hiểu câu nói trên của Chúa Giêsu theo nghĩa thụ động thì cũng vẫn đúng, vì nói chung, không mấy ngôn sứ được quê hương của mình, tức những người đồng hương, bạn bè mình chấp nhận và nể phục (xem Mt 13,54). Điều này cũng đúng cho Đức Giêsu tại quê hương Ngài.



2.  Lý do khiến Đức Giêsu không thi ân giáng phúc tại quê hương

Đoạn Tin Mừng hôm nay (Lc 4,21-30) không nói lý do tại sao Đức Giêsu lại không làm phép lạ ở Nagiarét giống như Ngài đã làm ở những nơi khác. Nhưng Tin Mừng Mátthêu nói rõ: «Họ xúc phạm đến Người» (Mt 13,57), và «Người không làm nhiều phép lạ tại đó vì họ không tin» (Mt 13,58).

Đúng ra, ngôn sứ nào cũng có quê hương, và chắc hẳn theo tình cảm tự nhiên thì cũng muốn ưu đãi quê hương mình. Nhưng sự đời lắm chuyện chéo ngoe: nơi mình muốn ưu đãi thì nhiều khi lại không xứng đáng với sự ưu đãi ấy. 

Êlia cứu bà góa thành Sarépta, vì bà ấy rất xứng đáng được cứu giúp (xem 1V 17,9tt). Năm đó vùng ấy bị hạn hán, nhà bà chỉ còn một chút bột để làm bánh. Bà định làm bánh nốt số bột đó để bà cùng các con ăn xong rồi chết. Nhưng khi ngôn sứ Êlia xin ăn, thì bà sẵn sàng nhường chiếc bánh đầu tiên làm được cho ông ăn. Vì thế, để thưởng lòng quảng đại yêu thương của bà ta, Chúa đã làm phép lạ cho hũ bột của bà không bao giờ cạn hết, nhờ vậy mà bà và gia đình sống qua nạn đói. Bà được cứu giúp vì bà xứng đáng được cứu giúp. 

Đức Giêsu không làm được phép lạ nào ở Nagiarét vì người đồng hương của Ngài xúc phạm đến Ngài, và vì họ cứng lòng tin (x. Mt 13,58). Nguyên do nằm ở nơi họ, chứ không phải ở nơi Ngài.


3.  Chúng ta có thể rút ra bài học gì từ đoạn Tin Mừng 

Đừng quá tự hào mình là Kitô hữu, hay là người đạo gốcTa thấy cách xét đoán và xử sự của những ngôn sứ và của chính Đức Giêsu không giống như cách ta thường nghĩ. Các Ngài dường như lúc nào cũng dành ưu tiên cho dân tộc của mình, cho dân riêng của mình, rồi mới tới dân ngoại. Thật vậy, khi sai các tông đồ đi loan báo Tin Mừng, Đức Giêsu nói: «Anh em đừng đi về phía các dân ngoại, cũng đừng vào thành nào của dân Samari. Tốt hơn, hãy đến với các con chiên lạc nhà Ítraen» (Mt 10,5-6), hay «Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc của nhà Ítraen mà thôi» (Mt 15,24)

Nhưng khốn nỗi những người được Ngài dành ưu tiên –tức Dân Ngài, những người mang danh là đạo đức trong Dân Ngài– thì lại tự kiêu và không thèm tin Ngài cũng như không chịu thực hành những điều Ngài dạy là sống yêu thương. Trái lại, chính những người tội lỗi (gái điếm, thu thuế) và lương dân lại tin theo và thực hành lời của Ngài (xem Mt 21,31-32; Cv 8,5; 13,5)

Ngài đã bất bình với chính Dân của Ngài và nghiêng chiều về phía dân ngoại. Ngài nói: «Khốn cho ngươi, hỡi Khoradin, khốn cho ngươi, hỡi Bếtsaiđa, vì nếu các phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm tại Tyrô và Siđôn, thì họ đã mặc áo vải thô, rắc tro lên đầu để tỏ lòng sám hối. Vì thế, Ta nói cho các ngươi hay: đến ngày phán xét, thành Tyrô và Siđôn sẽ được xử khoan hồng hơn các ngươi» (Mt 11,21-22).

Vấn đề quan trọng trong ngày phán xét không phải chuyện chúng ta là đạo Công giáo hay là người ngoại, là đạo gốc hay đạo mới, đạo theo, mà là chúng ta có tin thật sự vào Thiên Chúa, vào Đức Giêsu, và sống có tình có nghĩa với mọi người chung quanh hay không. 

Trong bài đọc 2, thánh Phaolô cho chúng ta thấy «con đường trổi vượt hơn cả» là sống đúng theo những đòi hỏi của yêu thương (x. 1Cr 13,1-3). Ngài xác định hết sức rõ ràng và lập đi lập lại rằng nếu không có tình yêu đích thực ở trong lòng, thì dù có tài năng siêu quần bạt chúng, dù có đức tin chuyển núi dời non, dù có làm được những việc tốt lành vĩ đại, thì tất cả chỉ là những con số không to tướng, chẳng có giá trị gì trước Thiên Chúa cả. 

Và Ngài cũng phân biệt giữa tình yêu thương đích thực và những hành động có vẻ yêu thương: bố thí hết gia tài để được mọi người khen là người đạo đức, được ca tụng là người biết yêu thương, thì chỉ là có vẻ yêu thương, chứ không phải là yêu thương đích thực. Biết bao người trong chúng ta làm những việc bác ái chẳng phải do thương người, mà là để được khen! (x. Mt 6,1-4).

Chúng ta là người Kitô hữu, nên chúng ta là đối tượng ưu tiên của Nước Trời, chúng ta được dạy dỗ và ban ơn để sống tốt lành nhiều hơn người ngoại. Nhưng thật vô phúc cho chúng ta, nếu chúng ta lại sống ích kỷ, lỗi công bằng, thiếu bác ái hơn người ngoại. Biết bao người ngoại nếu được dạy dỗ như chúng ta, có điều kiện học hỏi về Chúa như chúng ta, thì họ đã tốt hơn chúng ta nhiều. Họ đáng được Thiên Chúa ân thưởng hơn chúng ta đấy!



CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, xin cho con biết sống theo ý Chúa, sống tinh thần của Chúa là tinh thần yêu thương. Cho con xác tín rằng tình yêu chân thật đối với mọi người chính là điều cần thiết nhất để nên thánh, nên trọn lành, và cũng là điều Chúa yêu quí nhất. Lạy Cha, xin tăng triển tình yêu trong lòng chúng con. Amen.

Nguyễn Chính Kết



No comments:

Post a Comment