Thursday, June 7, 2018

TN10 - Tội «phạm đến Thánh Thần» và «chẳng đời nào được tha» là thứ tội gì?




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 10 Thường Niên

(10-6-2018)


Tội «phạm đến Thánh Thần»
và «chẳng đời nào được tha» là thứ tội gì?




ĐỌC LỜI CHÚA

  St 3:9-15: (13) Thiên Chúa hỏi người đàn bà: «Ngươi đã làm gì thế? Người đàn bà thưa: «Con rắn đã lừa dối con, nên con ăn.» (14) Thiên Chúa phán với con rắn: «Mi đã làm điều đó, nên mi đáng bị nguyền rủa nhất trong mọi loài súc vật và mọi loài dã thú. Mi phải bò bằng bụng, phải ăn bụi đất mọi ngày trong đời mi.«»

  2Cr 4:13-5:1: (17) Thật vậy, một chút gian truân tạm thời trong hiện tại sẽ mang lại cho chúng ta cả một khối vinh quang vô tận, tuyệt vời.

  TIN MỪNG: Mc 3:20-35

Thân nhân của Ðức Giêsu lo ngại

(20) Người trở về nhà và đám đông lại kéo đến, thành thử Người và các môn đệ không sao ăn uống được. (21) Thân nhân của Người hay tin ấy, liền đi bắt Người, vì họ nói rằng Người đã mất trí.


Các kinh sư nói: Ðức Giêsu lấy quyền Bêendêbun mà trừ quỷ

(22) Còn các kinh sư từ Giêrusalem xuống thì lại nói rằng Người bị quỷ vương Bêendêbun ám và Người dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ. 

(23) Người liền gọi họ đến, dùng dụ ngôn mà nói với họ: «Satan làm sao trừ Satan được?» (24) Nước nào tự chia rẽ, nước ấy không thể bền; (25) nhà nào tự chia rẽ, nhà ấy không thể vững. (26) Vậy Satan mà chống Satan, Satan mà tự chia rẽ, thì không thể tồn tại, nhưng đã tận số. (27) Không ai vào nhà một người mạnh mà có thể cướp của được, nếu không trói người mạnh ấy trước đã, rồi mới cướp sạch nhà nó. 

(28) «Tôi bảo thật anh em: mọi tội của con cái loài người, kể cả tội nói phạm thượng, và nói phạm thượng nhiều đến mấy đi nữa, thì cũng còn được tha. (29) Nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì chẳng đời nào được tha, mà còn mắc tội muôn đời». (30) Ðó là vì họ đã nói «ông ấy bị thần ô uế ám»..



Ai mới thật là thân nhân của Ðức Giêsu?

(31) Mẹ và anh em Ðức Giêsu đến, đứng ở ngoài, cho gọi Người ra. (32) Lúc ấy, đám đông đang ngồi chung quanh Người. Có kẻ nói với Người rằng: «Thưa Thầy, có mẹ và anh em chị em Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy!» (33) Nhưng Người đáp lại: «Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?” (34) Rồi Người rảo mắt nhìn những kẻ ngồi chung quanh và nói: «Ðây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. (35) Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi.”



CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1. Đức Giêsu đã làm biết bao phép lạ và lời giảng của Ngài đã làm biết bao người tin rằng Ngài từ Thiên Chúa đến. Thế nhưng các kinh sư và Pharisêu chẳng những tỏ ra không tin, mà còn cắt nghĩa rằng Ngài đến từ Satan, và dùng quyền của Satan để chữa người quỷ ám. Có thật là họ nghĩ từ trong bụng như vậy chăng? Hay họ cố tình xuyên tạc và nói ngược lại điều họ nghĩ? 
2. Mọi tội lỗi của con người, dù là «nói phạm thượng nhiều đến mấy đi nữa, thì cũng còn được tha». Tại sao tội «nói phạm đến Thánh Thần, thì chẳng đời nào được tha, mà còn mắc tội muôn đời»? Tội phạm đến Thánh Thần là tội gì? Tại sao lại không được tha? Chúng ta có phạm thứ tội ấy bao giờ không?


Suy tư gợi ý:

1. Thái độ thù nghịch của các kinh sư và Pharisêu đối với Đức Giêsu

Trong suốt 3 năm rao giảng Tin Mừng Nước Trời, Đức Giêsu đã làm biết bao phép lạ để chứng minh nguồn gốc của mình là từ Thiên Chúa mà đến: như hóa bánh ra nhiều, biến nước  thành rượu, trừ quỷ ám, chữa bệnh, làm kẻ chết sống lại, v.v... Nhiều sự kiện hay dấu chỉ cho mọi người thấy Ngài đến từ Thiên Chúa, chẳng hạn: «Khi Ðức Giêsu chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì kìa các tầng trời mở ra. Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người. Và kìa có tiếng từ trời phán rằng: Ðây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người”» (Mt 3,16-17). Rất nhiều người đã tin Ngài là Đấng Mêsia.

Những tư tế, kinh sư và Pharisêu, là những người có địa vị trong tôn giáo Do Thái, họ đều biết rất rõ những phép lạ cũng như những dấu chỉ chứng minh Ngài từ Thiên Chúa đến. Với những dấu chứng ấy, nếu họ cảm thấy cần phải dè dặt trong phán đoán, chưa thể tin chắc hay xác quyết được, thì ít ra họ cũng phải nghi ngờ rằng rất có thể ông Giêsu này là người của Thiên Chúa, hay đến từ Thiên Chúa, và không dám xác quyết gì cả. Nhưng đằng này, họ chẳng những đã cố tình tỏ ra không tin Ngài đến từ Thiên Chúa, mà còn nói ngược lại rằng Ngài đến từ Satan

Thật vậy, Tin Mừng Máccô viết: «Các kinh sư từ Giêrusalem xuống thì lại nói rằng Người bị quỷ vương Bêendêbun ám, và Người dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ» (Mc 3,22). Khi nói Ngài đến từ Satan hay từ «quỷ vương Bêendêbun», họ đã không đưa ra được một dấu chứng nào rõ ràng hay thuyết phục chứng tỏ điều ấy, mà hoàn toàn là một sự chụp mũ. Đức Giêsu đã bác bỏ lời kết án của họ: «Satan làm sao trừ Satan được?… Satan mà chống Satan, mà tự chia rẽ, thì không thể tồn tại» (Mc 3.23.26)

Dẫu vậy, họ vẫn cố tình tỏ ra không tin, vẫn nhất quyết chống lại Ngài tới cùng. Thậm chí họ còn muốn làm hại Ngài (x. Mt 22,18a), tìm cách bắt Ngài (x. Mt 21,46), gài bẫy Ngài (x. Mt 22,15.18; Lc 11,54), họ từng «lôi Ngài lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực» (Lc 4,29), và cuối cùng họ đã thật sự giết Ngài.


2. Tội phạm đến Thánh Thần là thứ tội gì?

Thấy cách hành xử của họ như vậy, Đức Giêsu liền nói: «Tôi bảo thật anh em: mọi tội của con cái loài người, kể cả tội nói phạm thượng, và nói phạm thượng nhiều đến mấy đi nữa, thì cũng còn được tha. Nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì chẳng đời nào được tha, mà còn mắc tội muôn đời» (Mc 3,28-29). Qua câu trên, Đức Giêsu cho thấy mọi tội lỗi, dù nặng hay nhiều đến đâu, đều có thể được tha. Nhưng có một loại tội không thể tha được, đó là tội «phạm đến Thánh Thần».

Như vậy, tội «phạm đến Thánh Thần» là thứ tội gì? Có bao giờ ta phạm thứ tội ấy chăng? Đức Giêsu đã cho biết thứ tội ấy là gì, khi Ngài nói: «Ðó là vì họ đã nói: “ông ấy bị thần ô uế ám”» (Mc 3:30). Qua đó, ta biết được chính các kinh sư và người Pharisêu, một khi đã thấy những dấu chứng chứng tỏ Đức Giêsu đến từ Thiên Chúa, nếu họ không tin, và không phản ứng gì, thì chưa phải là «phạm đến Thánh Thần». Nhưng nếu họ đã nhận ra phần nào rằng Đức Giêsu đến từ Thiên Chúa qua những dấu chứng cùng những phép lạ Ngài làm, mà họ vẫn cố tình nói họ không tin, lại còn xác định Ngài từ ma quỷ hay Satan đến, và nói những phép lạ trừ quỷ ám của Ngài là «dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ» (Mc 3,22b), thì đó chính là tội «phạm đến Thánh Thần».

Xét việc các kinh sư và người Pharisêu kết luận những phép lạ trừ quỷ ám của Đức Giêsu là «dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ» (Mc 3,22b), ta không thấy họ đả động gì đến Thánh Thần cả, thế mà Đức Giêsu lại xác định đó là tội «phạm đến Thánh Thần», và thứ tội này là tội không thể tha được. Như vậy, tội «phạm đến Thánh Thần» không nhất thiết là cứ phải nói động chạm tới Thánh Thần mới là phạm thứ tội ấy. Vậy, tội «phạm đến Thánh Thần» là gì? Khi nào thì ta phạm thứ tội ấy?

Để vấn đề được sáng tỏ hơn, ta hãy suy nghĩ xem: Tại sao các Kinh sư và Pharisêu lại hành xử như vậy? − Nhiều nhà chú giải Kinh Thánh cho rằng sở dĩ họ căm giận, thù ghét Đức Giêsu đến như vậy (x. Lc 11,53; Ga 15,18), mặc dù Ngài chẳng làm hại gì họ, mà chỉ vì họ đố kỵ, ganh tị với Ngài (x. Mt 27,18). Khi thấy Ngài, chỉ là một tín hữu, một thứ «giáo dân» không được đào tạo trường lớp, lại được dân chúng tín nhiệm, tin theo... hơn họ, thậm chí còn so sánh: «Đám đông sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Ðấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư của họ» (Mt 7,28-29), họ cảm thấy «bị lép vế», bị mất ảnh hưởng, nên mới tìm cách chê bai, hạ thấp Ngài xuống. Và họ cảm thấy vui mừng khi đã giết được Ngài, đã hạ nhục Ngài tới «tận đất đen». 

Tội «phạm đến Thánh Thần» là thứ tội tương tự như vậy. Đức Giêsu cũng mô tả thứ tội này: «Giả như Thầy không làm giữa họ những việc không một ai khác đã làm, họ đã không có tội. Nhưng nay họ thấy rồi mà vẫn ghét cả Thầy lẫn Cha Thầy» (Ga 15,24). Thánh Phaolô cũng viết: «Họ thừa biết phán quyết của Thiên Chúa là: hễ ai làm những điều như vậy thì đáng chết. Thế mà không những họ cứ phạm những tội đó, lại còn tán thành những kẻ làm như vậy» (Rm 1,32); «Những kẻ đã một lần được chiếu sáng, đã được nếm thử ân huệ bởi trời, đã được thông chia Thánh Thần, đã được thưởng thức Lời tốt đẹp của Thiên Chúa và được cảm nghiệm những sức mạnh của thế giới tương lai, những kẻ ấy mà sa ngã, thì không thể được đổi mới một lần nữa để sám hối ăn năn, vì họ đã tự tay đóng đinh Con Thiên Chúa vào thập giá một lần nữa và đã công khai sỉ nhục Người» (Dt 6,4-6); «Thật vậy, nếu chúng ta cố tình phạm tội sau khi đã học biết sự thật, thì không còn hy lễ nào đền tội được nữa» (Dt 10,26).


3. Tội «phạm đến Thánh Thần» trong đời sống thường nhật

Qua bài Tin Mừng trên, ta có thể nhận ra: nhiều khi ta đã hành xử tương tự như các kinh sư và người Pharisêu xưa. Chẳng hạn: khi ta biết một người nào đó nói đúng, nói hay hơn ta, phù hợp với lẽ phải, với Thiên Ý hơn ta, hay làm được những việc tốt đẹp lớn lao hơn ta, thành công hơn ta, nhưng vì một lý do ích kỷ nào đó như ganh tị, đố kỵ, sợ người khác coi người ấy tốt hơn, giỏi hơn ta, cao hơn ta, nên ta tìm cách hạ thấp người ấy xuống một cách gian dối, bất công. Rất có thể người ấy là người đẹp lòng Thiên Chúa, được Thiên Chúa tuyển chọn để làm công việc của Ngài. Nếu ta xúc phạm người ấy, xuyên tạc, vu vạ, hạ nhục người ấy, thì ta đã hành động y hệt những kinh sư và Pharisêu ngày xưa. Như vậy, biết đâu, ta đã mắc tội «phạm đến Thánh Thần» chăng?

Hay khi ta thấy một người kém ta nhiều mặt −học vấn, bằng cấp, uy tín, địa vị trong Giáo Hội hoặc trong xã hội, v.v...− nhưng lại được mọi người thán phục, nể nang, yêu quý hơn ta; ta biết những điều người ấy nói là đúng, là chí lý, nhưng vì ganh ghét, ta đã chê bai, tìm cách chứng tỏ người đó nói sai, thậm chí kết án là rối đạo, phá đạo, tội lỗi, chụp mũ tội này tội khác. Đương nhiên những người bình dân, thiếu thông tin hoặc thiếu hiểu biết, sẽ tin ta hơn, khiến người đó bị tẩy chay, những việc tông đồ hay cứu tế xã hội của người đó bị vô hiệu hóa. Như thế, ta đã hành xử y hệt những kinh sư và Pharisêu xưa. Phải chăng, ta đã mắc tội «phạm đến Thánh Thần»?


4. Đặc tính của thứ tội «phạm đến Thánh Thần»

Đức Giêsu từng trách những kinh sư và Pharisêu xưa là: «Các người nộp thuế thập phân về bạc hà, thì là, rau húng, mà bỏ những điều quan trọng nhất trong Lề Luật là công bình, lòng nhânthành tín» (Mt 23,23). Qua đó, ta có thể xác định được 3 điều quan trọng nhất trong luật Chúa, 3 nền tảng của đạo đức hay thánh thiện là: sự công bằng, tình thương và sự thành thật. Người nào thiếu một trong 3 điều quan trọng và nền tảng này, không thể là người đạo đức hay thánh thiện được. 

Hành động của những kinh sư và Pharisêu đối với Đức Giêsu, hay những hành động tương tự như họ, đều thiếu cả 3 điều nền tảng ấy:
1) không công bằng, mà bất công;  
2) không tình thương, mà ghen ghét, ganh tị;  
3) thiếu thành thật, vì làm chứng dối, chụp mũ một cách vô căn cứ.
Thiếu cả 3 yếu tố quan trọng của lề luật, đó chính là một trong những đặc tính căn bản của thứ tội «phạm đến Thánh Thần». Và cũng chính vì thế mà tội này trở thành tội khó được tha thứ, hoặc không thể tha thứ được.



CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, hiện nay, tội «phạm đến Thánh Thần», thứ tội mà Đức Giêsu nói là «chẳng đời nào được tha» (Mc 3,29), dường như rất ít khi được các bậc thầy trong Giáo Hội định nghĩa một cách rõ ràng chính xác. Nhưng Đức Giêsu đã xác định hành động của những kinh sư và Pharisêu đối với Ngài −vì ganh tị mà làm nói một cách gian dối rằng những việc trừ quỷ của Ngài đến từ Satan− là tội «phạm đến Thánh Thần, và chẳng đời nào được tha». Có lẽ cuộc đời con đã từng có những hành động ít nhiều tương tự như vậy. Liệu những hành động như thế của con có phải là «phạm đến Thánh Thần» chăng? Những hành động ấy rõ ràng là thiếu cả 3 điều quan trọng nhất trong lề luật là công bằng, tình thương và lòng thành thật. Xin Cha giúp con tránh xa thứ tội nguy hiểm ấy.


No comments:

Post a Comment