CHIA SẺ TIN MỪNG
Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu
(08-6-2018)
(08-6-2018)
Tình yêu «yêu đến tận cùng» của Chúa Giêsu
• Hs 11:1.3-4.8c-9: (1) Khi Ít-ra-en còn là đứa trẻ, Ta đã yêu nó, từ Ai-cập Ta đã gọi con Ta về. (4) Ta lấy dây nhân nghĩa, lấy mối ân tình mà lôi kéo chúng. Ta xử với chúng như người nựng trẻ thơ, nâng lên áp vào má; Ta cúi xuống gần nó mà đút cho nó ăn.
.
.
• Eph 3:8-12.14-19: (17) Xin cho anh em được bén rễ sâu và xây dựng vững chắc trên đức ái, (19) để nhận biết tình thương của Đức Kitô, là tình thương vượt quá sự hiểu biết. Như vậy anh em sẽ được đầy tràn tất cả sự viên mãn của Thiên Chúa.
• TIN MỪNG: Ga 19:31-37
Trái tim Ðức Giêsu bị lưỡi đòng đâm thâu
(31) Hôm đó là ngày áp lễ, người Dothái không muốn để xác chết trên thập giá trong ngày sabát, mà ngày sabát đó lại là ngày lễ lớn. Nên họ xin ông Philatô cho đánh giập ống chân các người bị đóng đinh và lấy xác xuống. (32) Quân lính đến, đánh giập ống chân người thứ nhất và người thứ hai cùng bị đóng đinh với Ðức Giêsu. (33) Khi đến gần Ðức Giêsu và thấy Người đã chết, họ không đánh giập ống chân Người. (34) Nhưng một người lính lấy giáo đâm cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra. (35) Người xem thấy việc này đã làm chứng, và lời chứng của người ấy xác thực; và người ấy biết mình nói sự thật để cho cả anh em nữa cũng tin.
(36) Các việc này đã xảy ra để ứng nghiệm lời Kinh Thánh: «Không một khúc xương nào của Người sẽ bị đánh giập.» (37) Lại có lời Kinh Thánh khác: «Họ sẽ nhìn lên Ðấng họ đã đâm thâu.»
CHIA SẺ
(31) Hôm đó là ngày áp lễ, người Dothái không muốn để xác chết trên thập giá trong ngày sabát, mà ngày sabát đó lại là ngày lễ lớn. Nên họ xin ông Philatô cho đánh giập ống chân các người bị đóng đinh và lấy xác xuống. (32) Quân lính đến, đánh giập ống chân người thứ nhất và người thứ hai cùng bị đóng đinh với Ðức Giêsu. (33) Khi đến gần Ðức Giêsu và thấy Người đã chết, họ không đánh giập ống chân Người. (34) Nhưng một người lính lấy giáo đâm cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra. (35) Người xem thấy việc này đã làm chứng, và lời chứng của người ấy xác thực; và người ấy biết mình nói sự thật để cho cả anh em nữa cũng tin.
(36) Các việc này đã xảy ra để ứng nghiệm lời Kinh Thánh: «Không một khúc xương nào của Người sẽ bị đánh giập.» (37) Lại có lời Kinh Thánh khác: «Họ sẽ nhìn lên Ðấng họ đã đâm thâu.»
Câu hỏi gợi ý:
1. Thánh Gioan mô tả tình yêu của Đức Giêsu là «yêu đến tận cùng». «Yêu đến tận cùng» là yêu thế nào? và Ngài yêu những ai?
2. Đức Giêsu đã thể hiện tình yêu đối với Thiên Chúa và đối với con người thế nào? Hai tình yêu ấy xung đột với nhau hay bổ túc lẫn nhau?
3. Đức Giêsu chết trên thập giá vì yêu thương con người, nhưng tại sao Giáo Hội lại coi đó là hành vi thờ phượng Thiên Chúa của Đức Giêsu?
Suy tư gợi ý:
I. Yêu đến tận cùng
Trái tim là biểu tượng của tình yêu. Tháng 6 này là tháng đặc biệt tôn kính Thánh Tâm hay Trái Tim Chúa Giêsu. Nghĩa là tháng này là dịp để chúng ta suy niệm hay chiêm ngắm tình yêu của Chúa Giêsu đối với Thiên Chúa, đối với nhân loại, và cách riêng đối với mỗi người chúng ta.
Nói về tình yêu của Chúa Giêsu, Tin Mừng Gioan viết: «Chúa Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng» (Ga 13,1).
Tình yêu của Chúa Giêsu là thứ tình yêu «yêu đến cùng», nghĩa là yêu thương đến mức độ tận cùng, không ai có thể yêu thương hơn thế được. Và dấu chỉ hữu hình của tình yêu thương ấy chính là cái chết nhục nhã và thê thảm trên thập giá. Đã chết rồi mà Ngài vẫn tiếp tục tỏ tình yêu thương: Sự kiện «một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người, tức thì, máu cùng nước chảy ra» (Ga 19,34) là một biểu tượng rất hùng hồn và đầy ý nghĩa cho thứ tình yêu «yêu đến cùng» của Ngài. Khi vừa mới chết, Ngài hầu như đã đổ hết máu của mình ra, chỉ còn một ít máu còn đọng lại trong tim không thể chảy ra được thì Ngài cũng đổ ra cho bằng hết nhờ lưỡi đòng đâm vào cạnh sườn Ngài.
II. Yêu ai?
a) Yêu mọi người
Ngài yêu đến tận cùng, nhưng yêu ai? Thánh Gioan đã trả lời: Ngài «yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian» (Ga 13,1). Nhưng những kẻ thuộc về Ngài còn ở trần gian là những ai?
Trước hết là các tông đồ, những môn đệ rất thân tín của Ngài. Kế đến là những Kitô hữu, cũng là những môn đệ của Ngài tiếp nối các tông đồ qua dòng thời gian. Nhưng không chỉ có thế, Ngài đến trần gian là để cứu cả nhân loại, vì tất cả mọi người đều là anh em con của một Cha Chung trên trời, cũng là Cha của Ngài. Ngài chính là Anh Cả của cả một đàn em đông đảo là cả nhân loại. Vì thế, mọi người trên trần gian, dù nhân lành hay độc ác, thánh thiện hay tội lỗi, đều là em con cùng một Cha với Ngài.
Vì thế, tất cả mọi người đều là những kẻ thuộc về Ngài mà Ngài yêu thương đến cùng. Ngài đến trần gian vì tất cả mọi người. Tuy nhiên, Ngài đến vì những người tội lỗi, độc ác, sống xa hoặc quên lãng, không biết đến Thiên Chúa hơn là vì những người tốt lành, thánh thiện, thường xuyên nghĩ tới Thiên Chúa. Thật vậy, Ngài nói: «Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi» (Mt 9,13; xem thêm Lc 15,7).
b) Yêu Chúa Cha
Nhưng đối tượng căn bản nhất mà Ngài yêu thương chính là Thiên Chúa, hay Chúa Cha, là Cha Ngài. Chúa Cha và Ngài cùng với Thánh Thần đều là Thiên Chúa, mà bản chất của Thiên Chúa là tình yêu, nên Ba Ngôi phải yêu thương nhau vô hạn. Tình yêu giữa Ba Ngôi với nhau chính là nguồn mạch cho mọi tình yêu trên trần thế. Do đó, tình yêu căn bản nhất của Chúa Giêsu là tình yêu đối với Cha Ngài. Nhiều nhà thần học cho rằng tình yêu giữa hai Ngôi, Cha và Con, chính là Ngôi thứ ba, tức Thánh Thần.
III. Hai tình yêu ấy chỉ là một
Nơi Chúa Giêsu, yêu Chúa Cha và thương mọi người chỉ là một tình yêu duy nhất. Tình yêu của Ngài đối với Chúa Cha được thể hiện cụ thể thành tình yêu đối với nhân loại. Yêu nhân loại và hy sinh đến tận cùng cho mọi người ở trần gian là cách Ngài thể hiện tình yêu thương của Ngài đối với Chúa Cha. Vì con người, hay nhân loại, chính là hình ảnh của Thiên Chúa, của Cha Ngài, nên đối với Ngài, yêu nhân loại cũng chính là yêu Thiên Chúa, Cha Ngài.
Việc Ngài chết trên thập giá có hai ý nghĩa và hai mục đích không tách rời nhau, tương tự như hai mặt của một tờ giấy duy nhất: đó là cứu chuộc nhân loại và thờ phượng Thiên Chúa. Ngài thờ phượng Thiên Chúa bằng cách cứu chuộc nhân loại. Hành động đến trần gian rao giảng Tin Mừng và chịu chết để cứu chuộc nhân loại của Ngài chính là hành vi thờ phượng và yêu mến Thiên Chúa một cách tuyệt hảo nhất.
Thời Cựu ước, hai giới luật «mến Chúa và yêu người» có vẻ là hai giới luật tách rời nhau đến nỗi người ta nghĩ rằng có thể mến Chúa mà không yêu người, hoặc yêu người mà không mến Chúa. Nhưng Chúa Giêsu là người tổng hợp hai tình yêu ấy lại thành một tình yêu duy nhất: mến Chúa thì phải yêu người, và chính khi yêu người là mình mến Chúa. Do đó, đối với con người, cách yêu mến và thờ phượng Thiên Chúa làm đẹp lòng Ngài nhất chính là yêu thương và hy sinh cho tha nhân.
Không thể có sự yêu mến hay thờ phượng Thiên Chúa đúng đắn tách biệt với việc yêu thương và hy sinh cho tha nhân. Cũng như không thể có tình yêu đối với tha nhân đúng nghĩa tách biệt với việc yêu mến và thờ phượng Thiên Chúa. Rất tiếc nhiều người Kitô hữu thời nay vẫn quan niệm và hành xử như hai thứ tình yêu –yêu Chúa và yêu người– có thể tách rời nhau, nghĩa là có thể mến Chúa mà không yêu người, hay yêu người mà không mến Chúa.
IV. Gương yêu thương của Chúa Giêsu
Gương của Chúa Giêsu cho chúng ta thấy điều ấy. Ngài xuống thế làm người vì yêu thương nhân loại. Ngài sống cuộc đời trần thế với bao khổ đau như mọi người cũng vì yêu thương nhân loại. Ngài chịu khổ hình và chết nhục nhã trên thập giá cũng vì yêu thương nhân loại. Chính vì yêu thương nhân loại, mà tất cả những hành vi yêu thương và sự hy sinh cho nhân loại của Ngài như xuống thế, sống đời trần thế, chịu khổ hình và chết trên thập tự, và ngay cả hành vi lập phép Thánh Thể của Người cũng đều là những hành vi được Giáo Hội nhìn nhận là những hành vi thờ phượng Thiên Chúa, và là hành vi thờ phượng Thiên Chúa chính danh nhất, đúng nghĩa nhất. Nơi Ngài, yêu thương nhân loại và thờ phượng Thiên Chúa chỉ là một hành vi duy nhất. Nói khác đi, theo Ngài, yêu thương nhân loại cũng chính là thờ phượng Thiên Chúa.
Dường như nơi Người không có sự phân biệt giữa hai việc: yêu mến Thiên Chúa và yêu thương con người. Hễ yêu mến Thiên Chúa thì tất nhiên phải yêu thương con người. Mà yêu thương và hy sinh cho tha nhân cũng chính là yêu mến và thờ phượng Thiên Chúa tuyệt hảo nhất. Hai điều đó, hai giới răn đó tự bản chất chỉ có thể phân biệt chứ không bao giờ có thể tách biệt nhau. Tách rời nhau được thì chúng không còn là yêu mến Thiên Chúa hay yêu thương tha nhân đúng nghĩa nữa.
Thờ phượng Thiên Chúa bằng yêu thương tha nhân có giá trị hơn những nghi thức tôn giáo, vì điều cốt yếu nhất trong việc thờ phượng là sự hy sinh: mọi sự thờ phượng từ nguyên thủy đều đòi hỏi sự hy sinh, mất mát, thiệt thòi nào đó. Hy sinh một vật ngoài mình không giá trị bằng hy sinh chính mình hay hy sinh một cái gì đó thân thiết nhất của mình: mạng sống, hạnh phúc, an toàn bản thân, người mình yêu, vật mình quý, ý muốn, danh dự, uy tín, sức khỏe, thì giờ, tiền bạc, tiện nghi…
Rất nhiều nghi thức thờ phượng trong tôn giáo không hề đòi hỏi kẻ thờ phượng phải hy sinh, chấp nhận đau khổ, nếu có thì chỉ đòi hỏi hy sinh những gì bên ngoài mình, không mấy thân thiết với mình. Nếu đòi hỏi phải hy sinh bản thân hay những thứ thân thiết nhất với mình mới là sự thờ phượng chân chính, ắt số người thờ phượng đúng nghĩa sẽ ít hơn rất nhiều.
Hành vi nào của Đức Giêsu ở trần gian cũng đều vừa là yêu thương con người, vừa là thờ phượng Thiên Chúa. Đó là một hành vi nhưng có hai giá trị gắn liền nhau không thể tách rời. Và có thể nói, nơi Ngài, yêu thương con người và thờ phượng Thiên Chúa là một hành vi duy nhất, một giới răn duy nhất, không phải là hai giới răn tách biệt nhau.
Thiết tưởng trong tháng kính Thánh Tâm này, khi suy niệm về tình yêu của Chúa Giêsu, ta cần bắt chước cách yêu thương của Ngài. Đó là kết hợp hai giới luật của Cựu ước thành một giới luật duy nhất, là: «yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn» (Mt 22,37) bằng cách «yêu người thân cận như chính mình» (Mt 22,39).
CẦU NGUYỆN
Lạy Cha, chúng con thường hát Kinh Hòa Bình của thánh Phanxicô Salê, trong đó có câu: «Xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người». Hát như thế, nhưng cách mến yêu và phụng sự Chúa trong đời sống chúng con dường như không phải là trong mọi người, mà chỉ là trong nhà thờ, hay trong những giờ dâng lễ, đọc kinh, cầu nguyện, v.v... Cách đó có đúng với cách Đức Giêsu yêu mến Cha không? Dịp kính Thánh Tâm Đức Giêsu, xin giúp con yêu mến Cha đúng như cách Đức Giêsu đã yêu mến Cha.
Nguyễn Chính Kết
Bấm vào đây để đọc bài chia sẻ Chúa nhật thứ 10 Thường Niên:
Tội «phạm đến Thánh Thần» và «chẳng đời nào được tha» là thứ tội gì?
(http://chiasethanhuu.blogspot.com/2018/06/tn10.html)
Tội «phạm đến Thánh Thần» và «chẳng đời nào được tha» là thứ tội gì?
(http://chiasethanhuu.blogspot.com/2018/06/tn10.html)
No comments:
Post a Comment