CHIA SẺ TIN MỪNG
Chúa Nhật Lễ Mình Máu Thánh Chúa
(3-6-2018)Bài đào sâu
Đức
Giêsu là lương thực tâm linh,
làm sao ăn được lương thực tâm linh ấy?
1. Hai loại sự sống, hai loại đồ ăn thức uống
Đức Giêsu
nói về bánh hằng sống sau khi dân chúng đến tìm kiếm Ngài để mong Ngài làm phép
lạ hóa bánh ra nhiều như Ngài vừa mới làm trước đó một ngày (x. Ga 6,1-15).
Ngài biết rõ tâm ý họ khi đến với Ngài là để tìm của ăn vật chất: «Các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các
ông đã được ăn bánh no nê» (Ga 6,26). Lợi dụng việc họ tìm kiếm bánh vật chất,
Đức Giêsu giới thiệu cho họ bánh hằng sống hay bánh tâm linh. Cũng như khi gặp
người phụ nữ Samari muốn kín nước vật chất để uống, Đức Giêsu lợi dụng cơ hội
này để giới thiệu nước hằng sống hay nước tâm linh. Bánh hay nước hằng sống đều
chính là Đức Giêsu.
Thông
thường, con người thời nào cũng ham mê tìm của ăn thức uống vật chất, là nhu
cầu cấp thiết của con người về sự sống, vì không ai sống được mà không cần ăn
hoặc uống. Ngoài mục đích duy trì sự sống thể chất, con người còn muốn hưởng
thụ khoái lạc trong việc ăn uống và trong mọi phương diện thể chất khác nữa.
Nói chung, con người quá mải mê lo lắng cho sự sống thể chất.
Nhưng con người
đâu chỉ có sự sống thể chất, mà còn một sự sống khác nữa quan trọng hơn gấp
bội, đó là sự sống tâm linh. Sự sống thể chất kéo dài nhiều lắm chừng trăm năm,
sự sống ấy dù hạnh phúc hay đau khổ thì cũng chỉ hạnh phúc hay đau khổ khoảng
trăm năm, rồi chấm dứt. Còn sự sống tâm linh, là sự sống chủ yếu của con người,
ngoài việc tạo cho sự sống thể chất một ý nghĩa, và làm cho sự sống thể chất
hạnh phúc hay đau khổ hơn bội phần, còn là thứ sự sống kéo dài muôn đời. Nếu
đời sống tâm linh đau khổ thì sẽ là đau khổ muôn đời, và nếu nó hạnh phúc thì
cũng sẽ hạnh phúc muôn đời.
Do đó, đúng ra con người phải quan tâm tới sự sống
tâm linh nhiều hơn bội phần. Nếu sự sống thể chất có thức ăn thức uống để nuôi
dưỡng và phát triển nó, thì sự sống tâm linh cũng có đồ ăn và thức uống
riêng của nó. Đức Giêsu muốn giới thiệu và giúp con người ý thức về thứ đồ ăn
thức uống nuôi dưỡng sự sống tâm linh ấy.
2.
Đồ ăn thức uống tâm linh
Khi giới
thiệu nước hằng sống, Đức Giêsu nói với người phụ nữ Samari: «Ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát
nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại
sự sống đời đời» (Ga 4,14). Còn giới thiệu về bánh hằng sống, Đức Giêsu nói: «Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn
bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi
đây, để cho thế gian được sống» (Ga 6,51).
Nghe câu ấy, lập tức người Do
Thái hiểu ngay theo nghĩa đen: «Làm sao
ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?» (Ga 6,52). Cũng tương tự
như người phụ nữ Samari: «Xin ông cho tôi
thứ nước ấy, để tôi hết khát và khỏi phải đến đây lấy nước» (Ga 4,15). Ngay
cả các tông đồ đã được Đức Giêsu giáo dục mấy năm, khi nghe Ngài nói: «Thầy phải dùng một thứ lương thực mà anh em
không biết» (Ga 4,32), cũng chỉ biết hiểu theo nghĩa đen. Họ sầm xì với
nhau: «Đã có ai mang thức ăn đến cho Thầy
rồi chăng?» (Ga 3,33). Nhưng Đức Giêsu cho biết chữ «lương thực» mà Ngài dùng ở đây không có nghĩa vật chất: «Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của
Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người» (Ga 4,34).
Người
hướng về vật chất mà hiểu về tâm linh thì ngây ngô làm sao! Làm sao tâm linh
lại có thể sống bằng thức ăn vật chất được? Thức ăn cho tâm linh đương nhiên
cũng phải là tâm linh! Và chỉ tâm linh mới ăn được thức ăn tâm linh thôi! Thể
xác làm sao ăn được thức ăn tâm linh?
Thật vậy, giả như Đức Giêsu có lấy thịt và
máu vật chất trong thân xác của Ngài cho con người ăn, thì thịt và máu ấy chỉ
có thể nuôi sống thể xác họ, chứ làm sao nuôi sống tâm linh họ được? Cũng tương
tự như việc gặp gỡ Đức Giêsu: gặp gỡ Ngài chỉ là gặp gỡ đích thực và có ích lợi
nếu sự gặp gỡ đó là gặp gỡ bằng tâm linh. Nếu chỉ gặp gỡ mặt thể chất thì chẳng
ích lợi gì cho tâm linh cả. Biết bao kinh sư Do Thái xưa đã từng gặp Ngài, nói
chuyện với Ngài nhiều lần, nhưng sự gặp gỡ ấy có ích lợi gì cho tâm linh họ
đâu?! Vì «hữu duyên thiên lý năng tương
ngộ, vô duyên đối diện bất tương phùng» (=Có duyên thì dù ở xa nhau ngàn dặm vẫn có thể gặp nhau, không có duyên thì dù có đối diện cũng không gặp nhau). Có duyên với nhau thì đã là gặp gỡ nhau trong tâm linh rồi!
3.
Đức Giêsu là lương thực tâm linh
Đức Giêsu
nói: «Thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi
thật là của uống. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại
trong người ấy» (Ga 6,55-56). Câu này phải hiểu thế nào? – Thịt và máu là
cái gì chính yếu nhất cấu tạo nên con người, nên nó tượng trưng cho bản thân
con người ấy. Thức ăn là vật dùng để nuôi sống. Nó hiện hữu không vì chính nó,
mà hoàn toàn vì sự sống của người ăn nó. Không gì mang tính vị tha bằng thức
ăn. Đức Giêsu hiện hữu tại trần gian không phải vì bản thân Ngài, mà vì sự sống
vĩnh cửu của con người. Nên một cách nào đó, Ngài chính là thức ăn cho sự sống
vĩnh cửu của trần gian.
Ý nghĩa ấy còn trở nên rõ ràng hơn khi Ngài nói trong bữa tiệc ly: «Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy» (Mt 26,26), «Đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội» (Mt 26,28). Chung quy lại là Ngài chết vì sự sống của con người. Vì thế, Ngài đã trở nên của ăn để nhân loại được sống. Ngài đã trở nên «chiếc bánh bị ăn», nói theo ngôn từ của linh mục Prado.
4.
Phải dùng thức ăn tâm linh thế nào?
Đức Giêsu chính là lương thực tâm linh, nhưng ăn Ngài thế nào là cả một vấn đề
cần phải nắm vững. Nhiều Kitô hữu quan niệm rằng cứ nuốt Đức Giêsu vào bụng một
cách vật chất dưới hình dạng bánh thánh, thì chính là ăn Ngài, nhờ đó ích
lợi cho linh hồn và đời sống tâm linh mình. Bánh và rượu sau khi được linh mục chủ tế truyền phép thì trở nên thịt và máu Đức Giêsu như chúng ta và toàn Giáo Hội tuyên xưng, nhưng hành động ăn Đức Giêsu dưới
dạng vật chất −nghĩa là thịt thật, máu thật− cũng cần phải được thực hiện một cách tâm
linh từ trong nội tâm. Điều quan trọng là phải có hành động ăn Ngài một
cách tâm linh ở bên trong thì hành động ăn một cách thể chất kia mới thật sự có ý nghĩa và
đem lại lợi ích thật sự cho tâm linh.
Ăn uống
Mình và Máu Đức Giêsu chính là nội tâm hóa Ngài, biến Ngài thành bản thân ta.
• Nội tâm hóa Ngài là
gì? – Trước đây, ta quan niệm Đức Giêsu như là một con người
hoàn toàn ở bên ngoài ta. Việc Ngài sinh ra, sống, chịu đau khổ, chết đi và
sống lại đều là những biến cố độc lập xảy ra bên ngoài bản thân ta, tương tự
như bao biến cố lịch sử khác. Nội tâm hóa Đức Giêsu là làm cho Ngài trở thành
thực tại sống động ở ngay trong ta, có khả năng ảnh hưởng thật sự trên mọi quan
niệm, tư tưởng, lời nói, hành vi của ta. Những biến cố trong cuộc đời Ngài
không còn là những biến cố xảy ra trong quá khứ bên ngoài ta, mà là đang xảy ra
cách sống động trong ta, tại đây và lúc này .
• Biến Ngài thành bản
thân ta là gì? – Khi ta ăn một thức ăn gì, thức ăn đó sẽ được tiêu
hóa để trở thành máu xương, da thịt của ta. Nghĩa là thức ăn đó sẽ trở thành cái gì đó của
ta, thành bản thân ta. Cũng vậy, ăn Đức Giêsu là biến Đức Giêsu trở thành một
phần của bản thân ta. Nghĩa là: con người của Ngài, cùng với quan niệm, tư
tưởng, cách nói năng, cách hành xử thấm nhuần yêu thương của Ngài sẽ trở thành
con người ta, thành quan niệm, tư tưởng, cách nói năng, cách hành xử thấm nhuần
yêu thương của ta. Và đến một lúc nào đó, ta có thể nói được: «Tôi sống, nhưng không còn là tôi sống, mà là
Đức Kitô sống trong tôi» (Gl 2,20).
Cuối cùng,
ta trở thành một con người được nội tâm hóa, được tâm linh hóa, hay được kitô
hóa, thành một «con người mới» (Ep 4,24; Cl 3,10), «thụ tạo mới» (2Cr 5,17; Gl 6,15), với một «đời sống mới»
(Rm 6,4; 8,11) và «tinh thần mới» (Rm 7,6), chủ yếu «sống theo thần khí» (=sống bằng tinh thần, sống nội tâm, có đời sống tâm linh) hơn là «sống theo xác thịt» (Rm 8,4-6; 1Cr 3,1; Gl 5,17). Lúc đó ta mới cảm nghiệm được thiên đàng tại thế là
gì? Và Thiên Chúa hay Đức Giêsu dịu ngọt dường bao!
Đức Giêsu
chính là của ăn tâm linh. Biết bao người biết rất rõ điều ấy, nhưng đã hiểu
điều ấy một cách rất vật chất, nên đã chẳng «ăn» được Ngài. Vì «ăn»
Ngài một cách rất vật chất, nên suốt bao năm «ăn» Ngài, tâm linh ta chẳng tiến bộ được bao nhiêu. Ta vẫn «sống theo xác thịt» chẳng khác gì bao
người chưa hề «ăn» Ngài. Tệ nhất là
thay vì «ăn» Ngài, hoặc bắt chước
Ngài trở nên «bánh» cho người khác «ăn» (ý tưởng của linh mục Prado), thì ta
lại «ăn» người khác, bắt người khác
phải hy sinh và chịu đau khổ, thiệt thòi vì mình.
Điều kỳ diệu là tâm linh ta chỉ mạnh mẽ lên khi ta «ăn» Ngài hoặc trở nên «bánh» cho người khác «ăn» mình; và trở nên yếu đuối hoặc bị bệnh trầm trọng khi ta lại «ăn» người khác. Xin Chúa giúp chúng ta biết cách «ăn» thức ăn tâm linh bằng chính tâm linh của ta chứ không phải bằng thể xác của ta; đồng thời biết trở nên «bánh» cho mọi người cùng «ăn». Có thế ta mới nhận được sức mạnh tâm linh thật sự từ Thiên Chúa, qua Đức Giêsu.
Nguyễn Chính Kết
Bấm vào đây để trở về bài chia sẻ:
Lễ toàn thiêu của Đức Giêsu cho thấy tình yêu vô biên của Ngài: vừa đối với Thiên Chúa, vừa đối với con người.
http://chiasethanhuu.blogspot.com/2018/05/minh-mau-thanh-chua.html
Lễ toàn thiêu của Đức Giêsu cho thấy tình yêu vô biên của Ngài: vừa đối với Thiên Chúa, vừa đối với con người.
http://chiasethanhuu.blogspot.com/2018/05/minh-mau-thanh-chua.html
No comments:
Post a Comment