Saturday, September 10, 2016

TN24 - Tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại tội lỗi



CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 24 Thường Niên
(11-9-2016)

Tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại tội lỗi


ĐỌC LỜI CHÚA

·    Xh 32,7-11.13-14 : (7) Đức Chúa phán với ông Mô-sê : «Hãy đi xuống, vì dân ngươi đã hư hỏng rồi, dân mà ngươi đã đưa lên từ đất Ai-cập. (8) (Mô-sê thưa:) (12b) Xin Ngài nguôi cơn thịnh nộ và xin Ngài thương đừng hại dân Ngài. (14) Đức Chúa đã thương, không giáng phạt dân Người như Người đã đe.

·    1 Tm 1,12-17 : (13) Trước kia, tôi là kẻ nói lộng ngôn, bắt đạo và ngạo ngược, nhưng tôi đã được Người thương xót, vì tôi đã hành động một cách vô ý thức, trong lúc chưa có lòng tin.

·    TIN MỪNG : 15,1-32 (bài dài) hoặc 15,1-10 (bài ngắn)
Xin chia sẻ về đoạn sau (Lc 15,11-32) của bài dài:


Dụ ngôn người cha nhân hậu

(11) Khi ấy, Đức Giêsu nói: «Một người kia có hai con trai. (12) Người con thứ nói với cha rằng : “Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng.” Và người cha đã chia của cải cho hai con. (13) Ít ngày sau, người con thứ thu góp tất cả rồi trẩy đi phương xa. Ở đó anh ta sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình.

 (14) «Khi anh ta đã ăn tiêu hết sạch, thì lại xảy ra trong vùng ấy một nạn đói khủng khiếp. Và anh ta bắt đầu lâm cảnh túng thiếu, (15) nên phải đi ở đợ cho một người dân trong vùng; người này sai anh ta ra đồng chăn heo. (16) Anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho. (17) Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ : “Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói ! (18) Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người : “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, (19) chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy.”

 (20) «Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha. Anh ta còn ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để. (21) Bấy giờ người con nói rằng : “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa ...” (22) Nhưng người cha liền bảo các đầy tớ rằng : “Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, (23) rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng ! (24) Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy.” Và họ bắt đầu ăn mừng.

 (25) «Lúc ấy người con cả của ông đang ở ngoài đồng. Khi anh ta về gần đến nhà, nghe thấy tiếng đàn ca nhảy múa, (26) liền gọi một người đầy tớ ra mà hỏi xem có chuyện gì. (27) Người ấy trả lời : “Em cậu đã về, và cha cậu đã làm thịt con bê béo, vì gặp lại cậu ấy mạnh khoẻ.” (28) Người anh cả liền nổi giận và không chịu vào nhà. Nhưng cha cậu ra năn nỉ. (29) Cậu trả lời cha : “Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè. (30) Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng !”

 (31) «Nhưng người cha nói với anh ta : “Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con. (32) Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy».


CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý :

1.   Bình thường, cha mẹ có còn yêu thương con cái khi chúng bất hiếu hay tệ bạc với mình không? Tại sao? Thái độ của Thiên Chúa thế nào?

2.   Giữa hai thái độ: tha thứ và kết án, thái độ nào là thái độ của bậc cha mẹ? thái độ nào có tác dụng làm người tội lỗi trở lại với đường ngay nẻo chính hơn? Những người lãnh đạo trong Giáo Hội, trong các hội đoàn nên có thái độ nào?

Suy tư gợi ý :

1.  Thiên Chúa là người Cha đầy tình thương, sẵn sàng thông cảm và tha thứ cho con cái tất cả mọi lỗi lầm

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu dùng một hình ảnh, một câu chuyện cụ thể để mô tả chân dung của Thiên Chúa, vừa là Cha chung của toàn thể nhân loại, vừa là Cha của mỗi người chúng ta. Trong chân dung ấy, có hai đặc tính nổi bật: tình thương vô hạn và sự tha thứ vô điều kiện.

a.   Tình thương vô hạn của Thiên Chúa: Thiên Chúa được Đức Giêsu mạc khải là một người Cha (chắc hẳn nếu phải nói về Thiên Chúa trong một nền văn hóa mẫu hệ thì Ngài sẽ mạc khải Thiên Chúa là một người Mẹ). Cha mẹ nào mà chẳng thương yêu con cái bằng một tình thương tự nhiên, vô điều kiện, nghĩa là bất chấp con cái tốt xấu, hay dở, có lợi hay gây hại cho mình, bất chấp cả việc chúng đối xử tệ bạc với mình tới đâu. Tình thương đích thực luôn luôn tự động biểu lộ thành hành động. Bản chất của tình thương là như thế, nếu không như thế thì không phải là tình thương đích thực. Tình thương không biểu lộ thành hành động chỉ là tình thương ngoài môi miệng (x. Gc 2,16.26). Và hai cách biểu lộ rõ rệt nhất của tình thương là: ­(1) sự tha thứ vô điều kiện, và (2) sẵn sàng chấp nhận đau khổ hoặc chết cho người mình yêu thương. Tình yêu của Thiên Chúa đối với con người đã được biểu lộ qua cả hai cách ấy nơi con người Đức Ki-tô: «Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là người tội lỗi. Đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta» (Rm 5,7).

b.   Sự tha thứ vô điều kiện của Thiên Chúa: Trong dụ ngôn bài Tin Mừng hôm nay, người con hoang đàng đã đối xử thật tệ bạc với cha, đã rời bỏ cha mẹ mình để đi hoang, không còn biết nghĩ đến nỗi cô đơn, thương nhớ và đau khổ của cha mẹ khi mình bỏ đi, lại còn tiêu tán hết gia sản cha mẹ dành cho mình. Thế mà khi đứa con bội bạc ấy trở về, thái độ của người cha là: khi «anh ta còn ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để» và ngay tức khắc ra lệnh cho «các đầy tớ: “Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng!». Ông làm như đứa con ấy chưa hề phạm một lỗi nhỏ nào đối với mình. Tội lỗi của đứa con hết sức to lớn nhưng ông làm như không nhìn thấy, chỉ nhìn thấy nó đã trở lại với mình, như thể nó «đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy». Tình thương, lòng tha thứ và quảng đại chỉ có thể biểu lộ đến thế là cùng.

Chúng ta đã từng nghe nói có biết bao cha mẹ đã đến thăm nuôi đứa con tệ bạc và bất hiếu với mình hiện đang bị tù đày, bất chấp xa xôi, hiểm nguy hay trước đó nó đã làm phiền lòng mình tới đâu. Cho dù cha mẹ đó có là phường xấu xa trộm cướp, cũng vẫn có thể đối xử tốt với đứa con tệ bạc của mình như vậy. Có thế mới là bậc cha mẹ! Có nghĩ như thế, ta mới thấy được ý nghĩa vô cùng sâu xa khi Đức Giêsu mạc khải cho ta biết Thiên Chúa là Cha Mẹ của chúng ta. Tình thương đầy khiếm khuyết của cha mẹ trần gian còn như thế, huống gì tình thương hoàn hảo của Thiên Chúa! Ngài đã được thánh Gioan định nghĩa là Tình Thương (x. 1 Ga 4,7-8), một tình thương vô hạn của bản tính Thiên Chúa, nên sự tha thứ của Ngài cũng vô hạn. Đây quả là một thông tin hết sức vui mừng và vô cùng quí báu cho tất cả mọi con người, vốn yếu đuối và đầy lầm lỗi!

2.  Hãy tin tưởng vào tình thương và sự tha thứ vô bờ bến của Thiên Chúa

Động lực nào đã làm cho đứa con quay trở về nhà mình? Chắc chắn không phải vì thương cha mình, mà vì sự khốn khổ nó đang phải chịu do sự ngu xuẩn và bất hiếu của nó. Tóm lại, nó về là vì nó thương bản thân nó hơn là thương cha. Chắc chắn khi thấy nó trở về với «thân tàn ma dại», cha nó cũng biết nó về vì động lực gì. Nhưng đối với ông, điều ấy không quan trọng. Điều quan trọng là nó đã trở về, vì nó tưởng như «đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy». Động lực khiến người cha tha thứ và vui mừng đón nhận nó trở về hoàn toàn vì yêu thương con, vì muốn cho nó hạnh phúc, bất chấp quá khứ lầm lỗi của nó.

Đó cũng chính là tâm tình của Thiên Chúa đối với những người con tội lỗi. Chỉ cần người tội lỗi quay trở về với Thiên Chúa và nói lên lời hối hận: «Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa...», thì lập tức trước mặt Thiên Chúa, họ trở thành người vô tội, trở thành con cái trong nhà, được yêu thương, bảo vệ, được hưởng mọi quyền lợi của một người con y như trước. Vì thế, dù ta có phạm một tội tầy đình, nếu ta biết trở về với Chúa, Ngài sẽ tha thứ tất cả, và coi ta như con cái hiếu thảo trong nhà.

Mẹ Giáo Hội của chúng ta đã từng có những hành vi như thế. Chẳng hạn, Âu-Tinh, một thanh niên đã từng sống trụy lạc, ăn chơi, và có những đứa con rơi rớt không kém gì đứa con hoang đàng trong Tin Mừng. Thế mà khi trở về với Giáo Hội, Giáo Hội đã mở rộng vòng tay đón nhận. Sự đón nhận trở nên hoàn toàn khi Giáo Hội chấp nhận chàng vào tu viện, và khi thấy chàng xứng đáng, đã phong chức giám mục cho chàng. Nhờ sự tha thứ quảng đại ấy của Giáo Hội, Âu-Tinh đã trở nên một vị thánh. Giáo Hội xưa là như thế, Giáo Hội ngày nay thì sao? Thiết tưởng Giáo Hội không nên quá chú trọng đến vấn đề lý lịch hay quá khứ của những người muốn trở về với Thiên Chúa và với Giáo Hội. Chúng ta không nên lấy cớ khôn ngoan để hành xử giống như những thế lực trần gian. Đức Giêsu đã trao cho Giáo Hội quyền tha và buộc (x. Mt 16,19; 18,18), thiết tưởng Giáo Hội nên tha nhiều hơn là buộc, nên có thái độ của bậc cha mẹ yêu thương con cái hơn là thái độ của các quan tòa. Các bậc làm cha mẹ cũng cần có thái độ quảng đại như thế đối với những đứa con hư hỏng. Đọc Tin Mừng, tôi chỉ thấy Đức Giêsu kết án có một loại người duy nhất là bọn kinh sư và biệt phái giả hình hoặc các tiên tri giả mà thôi!

Người con hoang đàng sẽ không dám quay trở về khi đoán rằng cha mẹ mình sẽ không tha thứ, sẽ ruồng rẫy nó khi nó trở về. Nếu biết như thế thì trở về làm gì? Vì thế, nếu cha mẹ vẫn luôn luôn tỏ thái độ yêu thương chăm sóc khi chúng bất hiếu và tệ bạc với mình, thì sẽ khiến chúng trở về với đường ngay nẻo chính hơn là thái độ bỏ rơi, ruồng rẫy chúng. Thái độ kết án, ruồng rẫy chỉ làm cho con cái xa lìa và chống lại cha mẹ mà thôi. Lịch sử Giáo Hội cũng như chuyện đời thường chứng minh điều ấy.

Dụ ngôn người cha và đứa con hoang đàng của Đức Giêsu là một bài học cho nhiều loại người: không chỉ cho những người tội lỗi cần quay trở về, mà còn đề nghị với các bậc làm cha mẹ và với cả những người tốt lành ở trong Giáo Hội cách đối xử với những người con hay anh em đang sống trong lầm lạc tội lỗi. Không nên có thái độ như người anh kém quảng đại trong bài Tin Mừng chỉ biết ganh tị với em, mà không hề tỏ một tâm tình yêu thương gì với cha và với em cả.


CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, Đức Giêsu đã cho con thấy khuôn mặt đầy tình thương và giàu lòng tha thứ của Cha qua dụ ngôn người cha nhân hậu và đứa con hoang đàng. Xin cho con luôn ý thức tình yêu thương ấy của Cha để sẵn sàng quay trở về với Cha ngay khi lầm lỗi, đồng thời cũng luôn luôn bắt chước Cha trong việc quảng đại tha thứ vô điều kiện cho con cái, cũng như cho tất cả mọi người có lỗi đối với con. Amen.    
(Nguyễn Chính Kết)



No comments:

Post a Comment