CHIA SẺ TIN MỪNG
Chúa Nhật thứ 23 Thường
Niên
(4-9-2016)
Tinh thần “từ bỏ” của
người theo Chúa
Đọc
Lời Chúa
· Kn 9,13-18b : (16) Những gì thuộc hạ giới, chúng con
đã khó mà hình dung nổi, những điều vừa tầm tay, đã phải nhọc công mới khám phá
được, thì những gì thuộc thượng giới, có ai dò thấu nổi hay chăng ? (17) Ý định của Chúa, nào ai biết được,
nếu tự chốn cao vời, chính Ngài chẳng ban Đức Khôn Ngoan, chẳng gửi thần khí
thánh ?
· Plm
9b-10.12-17 : (9b) Tôi, Phao-lô, một người đã già và
hơn nữa, một người đang bị tù vì Đức Ki-tô Giê-su, (10) tôi van xin anh cho đứa con của
tôi, đứa con tôi đã sinh ra trong cảnh xiềng xích, đó là Ô-nê-xi-mô, (12) tôi xin gửi nó về cho anh ; xin anh
hãy đón nhận nó như người ruột thịt của tôi.
· TIN MỪNG :
Lc 14,25-33
Vác thập giá mình mà đi
theo Đức Giê-su
(25) Có rất đông người cùng đi đường với
Đức Giêsu. Người quay lại bảo họ: (26) «Ai
đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống
mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được. (27) Ai không vác
thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được.
Từ bỏ hết những gì mình có
(28) «Quả thế, ai trong anh em muốn xây một cây tháp,
mà trước tiên lại không ngồi xuống tính toán phí tổn, xem mình có đủ để hoàn
thành không ? (29) Kẻo lỡ ra, đặt móng rồi mà không có khả
năng làm xong, thì mọi người thấy vậy sẽ lên tiếng chê cười mà bảo : (30)
“Anh ta đã khởi công xây, mà chẳng có sức làm cho xong việc”. (31)
Hoặc có vua nào đi giao chiến với một vua khác, mà trước tiên lại không ngồi xuống
bàn tính xem mình có thể đem một vạn quân ra, đương đầu với đối phương dẫn hai
vạn quân tiến đánh mình chăng ? (32) Nếu không đủ sức, thì
khi đối phương còn ở xa, ắt nhà vua đã phải sai sứ đi cầu hoà. (33)
Cũng vậy, ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm
môn đệ tôi được».
Chia
sẻ
Câu hỏi gợi ý :
1. Muốn làm môn đệ Chúa, phải
từ bỏ tất cả (kể cả cha mẹ, và những người thân yêu nhất). Từ bỏ như thế thì
làm sao sống được trên đời? Làm sao tránh được tiếng bất hiếu, vô tình vô nghĩa?
Cần phải hiểu hai chữ «từ bỏ» theo nghĩa nào?
2. Tại sao Đức Giêsu lại
yêu cầu những người theo Ngài phải lượng sức mình: có từ bỏ tất cả mọi sự được
thì hãy theo, không thì thôi?
3. Không lượng sức mình
mà cứ theo Chúa, thì đã sao? Có tai hại gì đâu? Khối người theo Chúa có phải từ
bỏ gì đâu, họ còn được thêm là đằng khác?
Suy tư gợi ý :
1. Muốn làm môn đệ Chúa,
phải từ bỏ tất cả
Bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu nói
lên một cách quả quyết, rõ ràng và dứt khoát là: muốn theo Ngài, muốn làm môn đệ
Ngài, phải sẵn sàng từ bỏ tất cả: người, vật, ý riêng, thậm chí những người
thân yêu nhất như cha mẹ, vợ con, và ngay cả bản thân hay mạng sống mình nữa. Sự
rõ ràng và dứt khoát ấy trở nên rất rõ nét nhờ hai dụ ngôn về một người muốn
xây nhà và một ông vua muốn chiến đấu. Muốn xây nhà thì phải dự tính xem có đủ
tiền không, kẻo đang xây dở dang mà hết tiền, thì sẽ không có nhà ở! Hai dụ
ngôn này nhấn mạnh rằng nếu có ý định theo Chúa, thì cần phải lượng sức mình
trước, xem mình có thể từ bỏ được như Chúa đòi hỏi không. Nếu không được, thì
hãy từ bỏ ý định theo Chúa, kẻo sau đó bị dở dang «thầy không ra thầy, thợ
không ra thợ», lỡ việc, lỡ cả cuộc đời, và có thể lỡ cả đời sau.
2. Cần phải hiểu «từ bỏ»
theo hai nghĩa
Khi Đức Giêsu đòi hỏi những người
theo Ngài phải từ bỏ, điều ấy không có nghĩa là những kẻ theo Ngài luôn luôn phải
rời xa cha mẹ, vợ con, và sống như người không có gì. Hiểu theo nghĩa đen như
thế không hẳn là sai, nhưng chỉ đúng với ơn gọi của một số ít người. Từ bỏ ở đây
nên hiểu theo nghĩa tinh thần nhiều hơn. Nghĩa là người theo Chúa cần phải có
tinh thần từ bỏ. Có tinh thần từ bỏ là luôn luôn coi Chúa và những việc của
Chúa là quan trọng hơn tất cả mọi sự khác, nên sẵn sàng hy sinh những cái không
quan trọng cho cái quan trọng khi thực tế đòi buộc như vậy. Từ bỏ không phải là
không quí những điều mình từ bỏ, mà là không quí bằng một cái khác quí hơn, nên
sẵn sàng hy sinh cái quí nhỏ cho cái quí to. Mạng sống, cha mẹ, vợ con, anh em,
nhà cửa, ruộng vườn… đều là những thứ mà người theo Chúa phải quí trọng, thậm
chí rất quí, nhưng đối với người theo Chúa, thì phải coi tất cả những thứ đáng
quí ấy không quí bằng việc thực hiện Nước Thiên Chúa.
Và khi đã có tinh thần từ bỏ, thì
tinh thần ấy sẽ được thể hiện thành những hành động từ bỏ. Nếu những hành động
từ bỏ không phát xuất từ tinh thần từ bỏ thì không có giá trị lắm. Tuy nhiên, nếu
tinh thần từ bỏ mà không được thể hiện thành những hành động từ bỏ cụ thể, thì
chắc chắn đó không phải là tinh thần từ bỏ đích thực.
3. Phải lượng sức mình
khi theo Chúa
Có thể Chúa không đòi hỏi tất cả mọi
người phải có tinh thần từ bỏ như thế. Nhưng Ngài đòi hỏi những ai theo Ngài phải
có tinh thần ấy. Vì thế, trong hai dụ ngôn của bài Tin Mừng hôm nay, Chúa yêu cầu
những ai theo Ngài phải lượng sức mình xem mình có thể có được tinh thần từ bỏ
như vậy không. Nếu không có, thì đừng theo Ngài, Ngài không trách phạt những
người bình thường nếu họ không có tinh thần ấy. Nhưng Ngài sẽ trách phạt những
ai theo Ngài mà lại không có tinh thần từ bỏ ấy. Chính vì thế, mà cần phải lượng
sức mình kẻo có hại cho sự phát triển hay vinh quang của Nước Chúa, đồng thời
cho chính bản thân mình.
Rất tiếc là tinh thần từ bỏ này chưa
được đặt nặng đúng mức nơi những người mang danh là theo Chúa. Trong nhiều Giáo
Hội địa phương, những người mang danh theo Chúa lại được nhiều đặc quyền đặc lợi
hơn những người bình thường (được hết sức kính trọng vì danh nghĩa là người
theo Chúa chứ không vì tài đức bản thân, dễ dàng có quyền hành, địa vị, chức tước,
tiền bạc hơn người bình thường…) Vì thế, có biết bao người theo Chúa vì những động
lực trần tục ấy. Theo Chúa, thay vì từ bỏ hay mất đi nhiều thứ mình đang có,
thì lại có thêm hay chiếm hữu được nhiều thứ mình chưa có. Do đó, với tinh thần
chiếm hữu thay vì từ bỏ, những người mang danh theo Chúa ấy không thể thực hiện
được những bổn phận hay trách nhiệm mà những người theo Chúa phải gánh vác
trong những hoàn cảnh cụ thể mà Nước Chúa đòi buộc (chẳng hạn phải tranh đấu
cho người nghèo, cho người bị áp bức, chống lại sự ác, bất công…) Họ không dám
từ bỏ, không dám dấn thân, không dám hy sinh trong những việc đòi hỏi họ phải
chấp nhận nguy hiểm đến mạng sống, đến sự an toàn bản thân, đến danh dự, đến
quyền lợi… Đương nhiên họ vẫn có thể hy sinh trong những việc nhỏ, miễn sự hy
sinh ấy đừng lớn hơn cái lợi trần gian họ đạt được. Cũng như một người đi buôn
sẵn sàng hy sinh tiền bạc, công sức để thu vào một cái lợi lớn hơn.
Những người theo Chúa kiểu ấy sẽ rất
bỡ ngỡ vào ngày sau hết, khi Chúa bảo họ: «Ta không biết các anh từ đâu đến.
Cút đi cho khuất mắt ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính!» (Lc
13,27). Và lúc ấy họ sẽ lên tiếng thắc mắc: «Chúng tôi đã từng được ăn uống
trước mặt ngài, và ngài cũng đã từng giảng dạy trên các đường phố của chúng tôi»
(Lc 13,26). Hoặc «Nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Chúa mà nói
tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó
sao?» (Mt 7,22). Chính vì thấy trước viễn tượng ấy, mà Đức Giêsu đã yêu cầu
những ai muốn theo Chúa phải lượng sức mình. Nếu không thể từ bỏ mọi sự được
như thế (nên hiểu theo nghĩa tinh thần), thì nên rút lui sớm kẻo vừa hại cho Nước
Chúa vừa hại cho phần rỗi của mình.
4. Một đề nghị
Trong các Giáo Hội Á châu, việc Giáo
Hội khuyến khích giáo dân tôn kính và dành nhiều đặc quyền đặc lợi cho những
người theo Chúa có rất nhiều điều hay, nên làm, nhưng thiết tưởng cũng nên ý thức
và quan tâm tới mặt trái của nó để hành xử cho khôn ngoan. Sự tôn trọng của
giáo dân và những đặc quyền đặc lợi mà Giáo Hội dành cho những người theo Chúa
có thể khiến cho những Kitô hữu không có tinh thần siêu nhiên, sẽ theo Chúa
không phải vì Chúa, vì Giáo Hội hay các linh hồn, mà vì một động lực trần tục.
Thật vậy, nếu những ai mang danh
theo Chúa mà lại được tôn kính, trọng vọng một cách mặc nhiên bất chấp họ có xứng
đáng hay không; nếu những điều kiện sinh sống của họ cũng mặc nhiên trở nên dễ
dàng gấp bội so với những giáo dân bình thường chỉ vì họ mang danh hiệu đó mà
thôi, thì việc mang danh theo Chúa sẽ trở nên rất hấp dẫn đối với những
ai thiếu tài đức nhưng lại ham muốn trèo cao và muốn có điều kiện sống dễ dàng
hơn mọi người mà đỡ vất vả. Nếu những điều kiện để được mang danh là theo Chúa
lại dễ dàng hơn những điều kiện để mang những danh hiệu khác ngoài đời, thì số
người «muốn theo Chúa» với động lực trần tục sẽ đông lên gấp bội. Điều ấy
sẽ ảnh hưởng rất xấu đến chất lượng của những người mang danh theo Chúa.
Nếu những người theo Chúa vì động lực trần tục chiếm đa số, thì thật là
tai hại cho Giáo Hội. Họ sẽ không thể dấn thân thật sự cho Giáo Hội khi Giáo Hội
cần đến sự dấn thân ấy. Giáo Hội sẽ đầy gương xấu đến từ giới được coi là ưu tú
nhất, và bị đình trệ không phát triển được. Và những người muốn theo Chúa thật
sự (chiếm thiểu số) sẽ nản lòng và sẽ chẳng hoạt động hữu hiệu được, thậm chí sẽ
không muốn vào, mà lại muốn ra khỏi hàng ngũ ấy để … khỏi bị thiên hạ đánh giá
kiểu «cá mè một lứa»!
Vì thế, những người hữu trách trong
Giáo Hội nên tìm cách tránh cho Giáo Hội tình trạng đồ giả lan tràn như ngoài đời.
Làm đồ giả vừa thực hiện dễ dàng lại vừa kiếm được nhiều lợi nhuận hơn làm đồ
thật, nên thị trường tràn lan đồ giả. Đồ giả càng tinh vi thì bên ngoài càng giống
đồ thật, thậm chí nhiều loại đồ giả còn «có vẻ thật» hơn cả đồ thật.
Đương nhiên chất lượng của đồ giả thì luôn luôn kém cỏi. Nếu không có biện pháp
xử lý khôn ngoan, thì trong Giáo Hội cũng có thể lan tràn những người có
vẻ theo Chúa, nghĩa là theo Chúa một cách «hữu danh vô thực»,
không có tinh thần «từ bỏ» làm bảo chứng.
Cầu
nguyện
Lạy Cha, xin ban cho Giáo Hội ngày
càng tăng số người muốn theo Cha thật sự, nghĩa là những người sẵn sàng chấp nhận
tinh thần từ bỏ mà Cha đòi hỏi và mong muốn. Xin cho chúng con dù là giáo dân
hay giáo sỹ, cũng có tinh thần từ bỏ đích thực để xây dựng Nước Thiên Chúa tại
trần gian, đặc biệt trên quê hương con.
Amen.
(Nguyễn
Chính Kết)
No comments:
Post a Comment