Monday, November 30, 2020

Vong2 - Dọn đường và đón mừng Chúa đến bằng cách nào?




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 2 Mùa Vọng

(06-12-2020)



Dọn đường và đón mừng Chúa đến bằng cách nào?



ĐỌC LỜI CHÚA

  Is 40,1-11: (3) Có tiếng hô: «Trong sa mạc, hãy mở một con đường cho Đức Chúa, giữa đồng hoang, hãy vạch một con lộ thẳng băng cho Thiên Chúa chúng ta. (4) Mọi thung lũng sẽ được lấp đầy, mọi núi đồi sẽ phải bạt xuống, nơi lồi lõm sẽ hóa thành đồng bằng, chốn gồ ghề nên vùng đất phẳng phiu».

  2 Pr 3,8-14: (11) Muôn vật phải tiêu tan như thế, thì anh em phải là những người tốt dường nào, phải sống đạo đức và thánh thiện biết bao. 


  TIN MỪNG: Mc 1,1-8

Ông Gioan Tẩy Giả rao giảng

(1) Khởi đầu Tin Mừng Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa: (2) Trong sách ngôn sứ Isaia có chép rằng: Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con. (3) Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. (4) Đúng theo lời đó, ông Gioan Tẩy Giả đã xuất hiện trong hoang địa, rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội. (5) Mọi người từ khắp miền Giuđê và thành Giêrusalem kéo đến với ông. Họ thú tội, và ông làm phép rửa cho họ trong sông Giođan. 

(6) Ồng Gioan mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, ăn châu chấu và mật ong rừng. (7) Ồng rao giảng rằng: «Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người. (8) Tôi thì tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần».





CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1. Tại sao Tin Mừng Máccô lại bắt đầu bằng câu chuyện của Gioan Tẩy giả, mà không bắt đầu bằng chuyện Đức Giêsu giáng sinh? Việc dọn đường của Gioan có ý nghĩa gì đặc biệt đối với người Rôma?
2. Dựa theo tinh thần bài Tin Mừng, để dọn đường đón Chúa đến, chúng ta cần làm gì một cách cụ thể? Những hình ảnh «dọn sẵn con đường của Đức Chúa», «sửa lối cho thẳng để Người đi» có ý nghĩa gì?
3. Việc dọn đường Chúa đến có liên hệ gì với những quan hệ của ta với tha nhân không?

Suy tư gợi ý:

1. Gioan Tẩy Giả, người dọn đường để Đức Giêsu đến 

Khởi đầu Tin Mừng Máccô là chuyện Gioan Tẩy Giả loan báo và dọn đường cho Đức Giêsu đến, khác với Tin Mừng Mátthêu và Luca khởi đầu bằng chuyện Đức Giêsu giáng sinh. Tại sao? Vì Tin Mừng Máccô được viết cho người Rôma. Theo quan niệm và thông tục của người Rôma, các nhân vật quan trọng đi đến đâu đều phải có người dùng loa thông báo cho dân chúng biết trước mấy ngày, vừa để làm nổi bật sự quan trọng của nhân vật đó, vừa để dân chúng sửa sang những con đường trong vùng cho ngay thẳng, bằng phẳng, sạch sẽ, vừa để dân chúng đón tiếp hai bên đường cho long trọng nếu vấn đề an ninh cho phép. Vì thế, để giới thiệu Đức Giêsu cho các Kitô hữu Rôma mà khởi đầu Tin Mừng bằng câu chuyện của Gioan Tẩy Giả thì sẽ hiệu quả và lôi cuốn sự chú ý của người Rôma hơn. Ngoài ra, để nói lên tính cách đặc biệt thần thiêng của việc dọn đường ấy, thánh sử Máccô còn trích dẫn lời của 2 ngôn sứ Isaia và Malakia đã loan báo trước đó khoảng 450-550 năm (tương đương với thời của các vị giáo chủ các tôn giáo châu Á): Ngôn sứ Malakia loan báo: «Này Ta sai sứ giả của Ta đến dọn đường trước mặt Ta» (Ml 3,1), còn ngôn sứ Isaia viết: «Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi» (x. Is 40,3).

Phần chúng ta, khởi đầu năm phụng vụ mới, chúng ta cũng cần chuẩn bị đón mừng kỷ niệm Đức Giêsu đến trong nhân loại, đồng thời đón mừng Ngài đến trong tâm hồn mỗi người chúng ta. Vì thế, thiết tưởng bản thân mỗi người cũng như toàn Giáo Hội hãy dọn đường đón mừng Ngài. Dọn đường thế nào thì Isaia và Gioan Tẩy Giả đã chỉ cho chúng ta.




2. Dọn đường đón mừng Chúa đến

Ngôn sứ Isaia viết: «Trong sa mạc, hãy mở một con đường cho Đức Chúa, giữa đồng hoang, hãy vạch một con lộ thẳng băng cho Thiên Chúa chúng ta. Mọi thung lũng phải được lấp đầy, mọi núi đồi phải bạt xuống, nơi lồi lõm phải hóa thành đồng bằng, chốn gồ ghề phải trở nên vùng đất phẳng phiu» (Is 40,3-4). Như vậy, theo ngôn sứ Isaia, để đón Chúa đến, việc đầu tiên là phải «mở một con đường». Muốn thế, phải bạt núi, san đồi, lấp thung lũng, đổ đầy các hố rãnh. Đó là nói theo ngôn ngữ hình tượng. Còn trong thực tế thì phải làm gì?

a) Phải mở một con đường, nghĩa là phải mong muốn và quyết tâm gặp gỡ Chúa

Chúa đến để gặp gỡ và đem lại cho chúng ta sự cứu độ, không chỉ ở đời sau mà còn ở ngay đời này nữa. Sự cứu độ ở ngay đời này là đạt được một sự bình an và hạnh phúc siêu nhiên, tuyệt vời, không phải thứ bình an hạnh phúc kiểu thế gian vốn bị lệ thuộc vào những điều kiện trần tục (x. Ga 14,27). Nhưng để việc gặp gỡ đó thành hiện thực, chính chúng ta cũng phải mong muốn và quyết tâm gặp gỡ Ngài. Ngài không thể đến với ta nếu chính ta không tích cực muốn điều đó. 

Do đó, trở ngại lớn nhất khiến chúng ta không thể gặp gỡ Ngài chính là chúng ta không thật sự muốn gặp gỡ Ngài. Vì khi gặp gỡ Ngài, Ngài sẽ đòi hỏi chúng ta phải đối diện với sự thật của chính bản thân chúng ta. Nhưng chúng ta thường muốn trốn tránh sự thật, tránh việc phải đối diện với lương tâm mình… Vì điều này đòi buộc ta phải chỉnh đốn lại cách sống của mình, phải từ bỏ những đam mê, những thói xấu, những bất công vốn đem lại cho ta vui thú, lợi lộc, quyền lực, danh vọng là những thứ ta rất ham thích. 

Như vậy muốn Chúa đến với ta, ta phải khai phá một con đường, con đường ấy chính là tâm trạng sẵn sàng đón Chúa đến, sẵn sàng đến với Ngài, gặp gỡ Ngài với bất cứ giá nào.

b) Con đường phải thẳng ngay, bằng phẳng, nghĩa là tâm hồn ta phải chính trực, ngay thẳng

Với những ai muốn đón Chúa đến, Gioan Tẩy Giả yêu cầu: «Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi» (Mc 1,3). Khi đón một nhân vật quan trọng đến một vùng nào, người vùng đó phải dọn dẹp đường cho ngay thẳng, bằng phẳng, sạch đẹp. Cũng vậy, để đón Chúa đến, ta cũng phải sửa lại những con đường trong tâm hồn ta cho ngay thẳng, bằng phẳng, sạch đẹp. Nghĩa là tâm hồn ta phải luôn ngay thẳng, chính trực, không quanh co, gian dối, giả tạo…

Ngay thẳng là một trong những yếu tố chính yếu của sự công chính, thánh thiện. Thiết tưởng người Kitô hữu cần phải tạo cho mình một tư cách ngay thẳng, chính trực, nói gì hay làm gì cũng phải «công minh chính đại», «đường đường chính chính», không lén lút, giấu giếm, không làm ai phải nghi ngờ điều gì. Tư cách của người Kitô hữu phải là tư cách của một người quân tử, tôn trọng sự thật, nghĩ thế nào nói thế nấy, và nói thế nào làm thế nấy, như Đức Giêsu đòi buộc: «Hễ “có” thì phải nói “có”, “không” thì phải nói “không”, thêm thắt điều gì là do ác quỷ» (Mt 5,37). Nghĩ một đằng nói một nẻo, hay nói một đằng làm một nẻo là tư cách của tiểu nhân, của phường gian ác, không thể là tư cách của người Kitô hữu. Sách Châm Ngôn viết: «Đường lối của kẻ gian ác thì quanh co, hành động của người trong sạch thì ngay thẳng» (Cn 21,28); Thánh Phaolô cũng viết: «Thiên Chúa ưa điều chính trực, ghét điều gian ác» (Thư Do Thái 1,9); Sách Châm Ngôn cũng thêm: «Ngài ghê tởm tâm địa quanh co» (Cn 11,20).

Nguyên nhân biến con người thành quanh co, giả hình, mưu mô… chính là tâm địa ích kỷ, lắm tham vọng, muốn phình to bản ngã. Tâm địa này khiến người ta cố gắng đạt được những điều mình ham muốn –là danh vọng, quyền lực, tiền bạc– với bất cứ phương tiện nào, kể cả phương tiện xấu, và bằng bất cứ giá nào, kể cả tội ác. Từ đó con người bị tham vọng và đam mê của mình thu hút, mê hoặc, dẫn đưa mình vào con đường cong queo của tội ác. 

Do đó, «sửa lối cho thẳng để Người đi» một cách căn bản là dần dần diệt bỏ khuynh hướng ích kỷ, thích đặt nặng «cái tôi» của mình. Khuynh hướng này gây nên tất cả mọi lồi lõm, mọi cản trở khiến Chúa khó đến với ta, và ta khó đến với Chúa. Hãy noi gương Gioan Tẩy giả, sống thanh đạm: ông «mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, ăn châu chấu và mật ong rừng» (Mc 1,6); không tham vọng, không ham đề cao «cái tôi» của mình, sẵn sàng nhìn nhận sự thật hèn kém của mình. Khi có người tưởng ông là Đấng Cứu Thế, ông nói: «Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người».

c) Đường đến với Chúa cũng là con đường đến với tha nhân

Thiên Chúa của chúng ta là một Thiên Chúa luôn luôn tự đồng hóa với tha nhân của ta. Do đó, người Kitô hữu không thể quan niệm Thiên Chúa độc lập với tha nhân của mình, không thể yêu mến Thiên Chúa mà không yêu tha nhân, không thể đến với Thiên Chúa bằng một con đường khác với con đường đến với tha nhân

Ngược lại, con người không thể thật sự yêu thương tha nhân mà không yêu mến Thiên Chúa, không thể đến với tha nhân bằng con đường khác với con đường đến với Thiên Chúa. Chủ trương chỉ yêu tha nhân không cần đếm xỉa gì đến Thiên Chúa, hay ngược lại, chỉ yêu Thiên Chúa mà không đếm xỉa gì đến tha nhân đều là những tình yêu giả tạo, không thực tế. Do đó, muốn đến và gặp gỡ Thiên Chúa không gì tốt đẹp và chắc chắn bằng đến hay gặp gỡ Ngài nơi tha nhân của ta. Và muốn đến và gặp gỡ tha nhân không gì bảo đảm và tạo hạnh phúc cho họ bằng đến và gặp gỡ họ trong Thiên Chúa. Đối với người Kitô hữu, không thể tách rời Thiên Chúa khỏi tha nhân, và tách rời tha nhân khỏi Thiên Chúa.

Vậy, đón Chúa đến, không gì làm Chúa hài lòng bằng sửa sang lại mọi quan hệ của ta với tha nhân cho tốt đẹp hơn, tình nghĩa hơn: làm sao để cha mẹ ta cảm thấy ta thật sự là con hiếu thảo, con cái ta thấy ta thật sự là cha mẹ tốt, anh chị ta thấy ta là người em tốt, các em ta thấy ta là người anh tốt, bạn bè ta thấy ta là người bạn tốt, những nhà chung quanh ta thấy ta là hàng xóm tốt… Hãy sống làm sao để không mấy ai có thể chê trách ta được, ai cũng cảm nhận được tình thương của ta.




CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, Cha là một Thiên Chúa luôn luôn đồng hóa với tha nhân của con. Nhờ đó, con có thể gặp gỡ Cha trong những người sống chung quanh con, đồng thời yêu thương và phục vụ Cha bằng việc yêu thương phục vụ họ. Vì thế, chuẩn bị đón Cha đến trần gian, không gì tốt đẹp hơn làm cho môi trường con đang sống biến thành một môi trường yêu thương. Xin giúp con thực hiện điều Cha mong muốn nhất ấy.

Nguyễn Chính Kết

Thursday, November 26, 2020

Vong01 - Chuẩn bị ngày Chúa đến bằng bản tính yêu thương của ta




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 1 Mùa Vọng

(29-11-2020)


Chuẩn bị ngày Chúa đến
bằng bản tính yêu thương của ta




ĐỌC LỜI CHÚA

  Is 63,16b-17; 64,1.3b-8: (4) Ngài đón gặp kẻ công chính vì họ sống theo đường lối Ngài chỉ dạy. Và Ngài phẫn nộ vì tội lỗi chúng con. (5) Tất cả chúng con đã trở nên như người nhiễm uế, mọi việc lành của chúng con khác nào chiếc áo dơ. Tội ác chúng con đã phạm, tựa cơn gió, cuốn chúng con đi.

  1Cr 1,3-9: (6) Lời chứng về Đức Kitô đã ăn sâu vững chắc vào lòng trí anh em, (7) khiến anh em không thiếu một ân huệ nào, trong lúc mong đợi ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, mặc khải vinh quang của Người.


  TIN MỪNG: Mc 13,33-37

Phải tỉnh thức và sẵn sàng

(33) «Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức, vì anh em không biết khi nào thời ấy đến. (34) Cũng như người kia trẩy phương xa, để nhà lại, trao quyền cho các đầy tớ của mình, chỉ định cho mỗi người một việc, và ra lệnh cho người giữ cửa phải canh thức. (35) Vậy anh em phải canh thức, vì anh em không biết khi nào chủ nhà đến: Lúc chập tối hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng. (36) Anh em phải canh thức, kẻo lỡ ra ông chủ đến bất thần, bắt gặp anh em đang ngủ. (37) Điều Thầy nói với anh em đây, Thầy cũng nói với hết thảy mọi người là: phải canh thức!»





CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1. Mua bảo hiểm để đề phòng rủi ro bất ngờ có phải là khôn ngoan không? Ta có bảo hiểm cho sự sống vĩnh cửu đời sau không? Bảo hiểm tránh rủi ro đời này có quan trọng bằng bảo hiểm tránh rủi ro đời sau không?
2. Ngày Chúa đến cần được hiểu thế nào? Ngày ấy có bất ngờ không? Nếu biết ngày ấy sẽ đến bất ngờ thì ta phải chuẩn bị thế nào cho khôn ngoan?
3. Cách chuẩn bị ngày Chúa đến cách khôn ngoan nhất là gì? Có cách chuẩn bị nào vừa thường hằng suốt cuộc đời ta, vừa  lại không làm ta bị căng thẳng, hồi hộp, vì Chúa đến bất kỳ lúc nào và cách nào thì ta vẫn luôn sẵn sàng không?


Suy tư gợi ý:

1.  Sự khôn ngoan đòi hỏi phải đề phòng rủi ro đến bất ngờ

Hiện nay, các công ty bảo hiểm làm ăn rất phát đạt, vì càng ngày người ta càng cảm thấy cần thiết phải đề phòng những rủi ro bất ngờ xảy đến: bệnh tật, tai nạn, chết chóc… Có bảo hiểm, khi những rủi ro xảy đến, họ không đến nỗi bị thiệt hại vì sẽ được đền bù. Điều khiến người ta lưu tâm và phải quyết định bảo hiểm đó là tính bất ngờ của sự rủi ro. Vì nếu người ta biết trước hay dự đoán trước được chính xác ngày giờ xảy đến và xảy đến thế nào, thì gần đến ngày giờ ấy, người ta mới phải chuẩn bị đề phòng. Nhưng nếu nó xảy ra bất ngờ, và có thể xảy đến bất kỳ lúc nào, thì người ta phải luôn luôn đề phòng, và đề phòng không ngừng. Và lỡ có lúc nào không thể chuẩn bị hay đề phòng, thì lúc đó người ta không an tâm. Chính vì thế, người ý thức được tính bất ngờ của những rủi ro thì tìm cách mua bảo hiểm càng sớm càng tốt, để tâm hồn họ luôn luôn được bình an.


Những rủi ro, và thiệt hại từ rủi ro, có tính nhất thời và có ảnh hưởng nhất thời thì con người biết lo xa, đề phòng. Nhưng thật buồn cười và phi lý thay, những rủi ro và thiệt hại to lớn hơn vô cùng, có ảnh hưởng vĩnh viễn, đời đời, thì rất nhiều người lại chẳng thèm quan tâm, chẳng đề phòng hay chuẩn bị gì cả. Lý do rất đơn giản là vì họ không nghĩ đến, hay chưa đủ tin rằng có một cuộc sống vĩnh cửu sau cái chết, và cuộc sống đó hạnh phúc hay đau khổ tùy thuộc vào đời sống ngắn ngủi hiện tại. Họ có thể tin rằng nếu công cuộc làm ăn mà họ đang tiến hành bị thất bại, thì họ sẽ lâm vào thế kẹt khoảng 10 năm, vì thế họ phải cố gắng hết sức để thành công trong cuộc làm ăn này. Nhưng họ không quan tâm bao nhiêu đến sự thành bại của cả cuộc đời họ, đến cái hậu quả hết sức bi thảm và kéo dài vô tận nếu đời sống tâm linh của họ ở đời này bị thất bại.




2.  Tính bất ngờ của ngày Chúa đến

Điều quan trọng mà chúng ta cần phải lưu tâm đó là tính bất ngờ của ngày Chúa đến. «Ngày Chúa đến» ở đây có thể hiểu cách thực tế và cụ thể nhất là ngày Chúa gọi ta về với Ngài, tức ngày tận cùng của đời ta. Nếu ngày đó được ta chuẩn bị chu đáo, thì nó không có gì đáng sợ hay khủng khiếp đối với ta, vì đó là ngày mà ta bước vào một cuộc sống mới vĩnh cửu đầy hạnh phúc. Nhưng nếu ngày đó không được chuẩn bị tốt đẹp nên chúng ta phải ra trước tòa Chúa với một tình trạng tội lỗi, nghĩa là tâm hồn thiếu vắng tình yêu, đầy tính vị kỷ, thì ngày ấy đến với ta có thể sẽ rất khủng khiếp. Vì ta hoàn toàn chưa sẵn sàng để đối diện với sự phán xét công thẳng của Ngài. Ngày Chúa đến cũng có thể hiểu theo nghĩa lớn rộng hơn, là ngày tận cùng của toàn nhân loại, ngày Đức Giêsu trở lại để phán xét toàn nhân loại. 

Dù hiểu theo nghĩa nào, ngày Chúa đến vẫn là ngày bất ngờ: bất ngờ chẳng những về thời gian mà còn về cách thức nữa. Người ta chẳng những không ai biết được mình sẽ chết ngày nào giờ nào, mà ngay cả chết cách nào cũng không ai chắc chắn được. Người chết trên giường bệnh, kẻ chết ngoài đường vì tai nạn xe cộ, người chết khi đang làm việc, kẻ chết khi đang nghỉ ngơi, người chết trong tình trạng sẵn sàng ra đi, kẻ chết không nhắm mắt vì còn tiếc nuối một điều gì, người chết trong hy vọng một số phận vĩnh cửu tốt đẹp, kẻ chết trong lo sợ vì không biết số phận đời sau mình ra sao… Và cũng chẳng ai biết được ngày Chúa đến phán xét toàn nhân loại sẽ xảy ra thế nào, rất có thể khác hẳn với những gì người ta dự kiến

Kinh nghiệm khi Đức Giêsu đến lần thứ nhất cho thấy: mặc dù đã được các ngôn sứ tiên báo từ mấy trăm năm trước, nhưng khi Ngài đến thì chẳng mấy ai biết, vì họ không ngờ được Ngài lại đến theo cách ấy, hoàn toàn ngoài dự kiến của họ. Giới lãnh đạo tôn giáo thời ấy có ngờ trước được rằng chính họ lại là chủ mưu trong việc xúc phạm và giết chết Ngài bao giờ đâu? Họ luôn nghĩ rằng họ là người công chính nên ai phản đối họ, lên án họ thì đều là kẻ phá hoại tôn giáo và đáng giết chết! Thế mà Đức Giêsu lại là người phản đối và lên án họ nặng nề nhất! Vì cố chấp vào thành kiến của mình, nên con người thường không học được những bài học từ kinh nghiệm lịch sử!

Chính vì tính bất ngờ của cái chết mà người khôn ngoan luôn luôn phải chuẩn bị sẵn sàng để có thể ra trước tòa Chúa bất kỳ lúc nào, dẫu Ngài đến dưới bất kỳ hình thức nào thường là không ngờ trước được! Phải chuẩn bị cách nào để bất kỳ lúc nào Chúa gọi, ta cũng ở trong tình trạng đẹp lòng Thiên Chúa, nghĩa là tâm hồn ta luôn tràn ngập tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân. Chuẩn bị như thế chính là sống thái độ «tỉnh thức» mà Đức Giêsu đề nghị trong bài Tin Mừng này.




3.  Tỉnh thức nhưng lại phải hoàn toàn an tâm

Nếu chúng ta sống trong tâm trạng hồi hộp, lo âu đón chờ Chúa đến, thì đó không phải là cách tỉnh thức mà Đức Giêsu muốn chúng ta có. Tâm trạng hồi hộp, âu lo, sợ sệt là điều bất lợi cho tâm lý và thần kinh của ta. Ngài muốn ta tỉnh thức nhưng đồng thời lại hoàn toàn an tâm, không phải lo âu hồi hộp chút nào. Ngài muốn ta chuẩn bị trong tâm trạng bình an, vui tươi, thoải mái và hạnh phúc. Muốn chuẩn bị thế, ta cần củng cố tình yêu trong lòng chúng ta. 

Một người sống trong tâm trạng yêu thương –yêu Thiên Chúa và thương mọi người– chắc chắn là một người đẹp lòng Thiên Chúa. Nếu yêu thương đã trở thành bản tính của ta, thì ta không thể sống mà không yêu thương. Dù yêu thương là tình trạng tâm hồn hay được thể hiện thành hành động, nếu yêu thương đã trở thành bản tính của ta, thì ta không thể làm bất kỳ việc gì mà không phải do yêu thương. Biến yêu thương trở thành bản tính của ta, đó là chuẩn bị ngày Chúa đến cách tốt nhất, hoàn hảo nhất. Lúc ấy yêu thương không còn là một hành động nhất thời khi thì có lúc thì không, mà là bản tính hay tâm trạng thường hằng của ta. Tất cả mọi hơi thở, mọi cử động, mọi tư tưởng, lời nói và việc làm của ta, dù là vô tình hay hữu ý, đều thấm nhuần tình thương. Tình thương phải là phản xạ tự nhiên trong tất cả mọi sinh hoạt của đời sống ta. Người có bản tính yêu thương thì nói lời yêu thương hay hành động yêu thương còn dễ dàng hơn là nói lời khó nghe hay hành động vị kỷ.

Muốn có được bản tính yêu thương như thế, trước tiên ta phải giác ngộ thâm sâu rằng tha nhân chính là bản thân nối dài của ta, hay nói cách khác, tha nhân chính là «cái tôi khác» của ta. Bất cứ điều gì ta làm cho tha nhân cũng là làm cho chính ta, và cũng là làm cho chính Thiên Chúa. Bất kỳ điều tốt đẹp nào ta làm cho tha nhân thì sự tốt đẹp ấy cũng trở về với chính ta. Và bất kỳ điều xấu ác nào ta làm cho tha nhân thì sự xấu ác ấy sớm muộn gì cũng trở về với chính ta. Vì toàn thể nhân loại chỉ là một «cái tôi» hay một thân thể duy nhất, trong đó Đức Giêsu là đầu, còn tất cả mọi người đều là chi thể (x. 1Cr 12,12-26). Cái tay mà làm cho con mắt bị mù, thì rồi cái tay sẽ bị mất hẳn năng lực của mình, chẳng còn làm được nhiều việc như xưa nữa. 

Giác ngộ được như thế rồi, ta còn phải luyện tập để sống phù hợp với sự giác ngộ ấy. Lâu dần, sự luyện tập trở thành thói quen, và thói quen được duy trì sẽ trở thành bản tính. Bản tính sẽ chi phối toàn bộ con người ta, từ quan niệm, tư tưởng, đến lời nói và hành động. Một người có bản tính là yêu thương như thế thì trở nên giống Thiên Chúa. Đó chính là thánh thiện, là đạo đức đúng nghĩa nhất. Và một khi ta đã đạt được bản tính yêu thương đó, thì cả cuộc đời ta sẽ chẳng còn cần phải chuẩn bị chút nào cho ngày Chúa đến nữa, chính bản tính yêu thương của ta là sự chuẩn bị tốt đẹp nhất, chu đáo nhất cho cái ngày trọng đại ấy. Chuẩn bị như thế, chẳng bao giờ ta phải sống trong hồi hộp lo âu cả. Tâm hồn ta sẽ luôn luôn bình an và hạnh phúc.





CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, Đức Giêsu yêu cầu con phải tỉnh thức để khi Ngài đến thì con lúc nào cũng sẵn sàng trong tình trạng tốt đẹp. Nhưng lúc nào cũng tỉnh thức thì sẽ làm con dễ mệt mỏi và căng thẳng. Con nghĩ ra một cách tỉnh thức mà không bị mệt mỏi, đó là làm sao để bản tính của con giống như bản tính của Cha, đó là bản tính yêu thương. Nghĩa là yêu thương không chỉ còn là những hành động nhất thời lúc có lúc không, mà là một tâm trạng, một thái độ thường hằng in sâu trong bản chất của con. Chuẩn bị một lần thay cho tất cả, thì con sẽ chẳng phải sống trong tình trạng căng thẳng của sự tỉnh thức chuẩn bị. Và đó chính là cách tỉnh thức tốt nhất. Xin Cha giúp con chuẩn bị ngày Ngài đến theo cách ấy.

Nguyễn Chính Kết

 


Tuesday, November 17, 2020

TN34b - Thiên Chúa phán xét theo tiêu chuẩn duy nhất: tình yêu đối với tha nhân




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 34 Thường Niên
Lễ Chúa Kitô Vua

(22-11-2020)

Bài đào sâu


Thiên Chúa phán xét theo tiêu chuẩn duy nhất: 
tình yêu đối với tha nhân



  TIN MỪNG: Mt 25, 31-46

Cuộc Phán Xét Chung




CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1. Ngày phán xét, Vua Vũ Trụ sẽ phán xét con người dựa trên tiêu chuẩn nào? Ngài đã báo trước tiêu chuẩn ấy trong Tin Mừng chưa?
2. Ngài chỉ phán xét theo tiêu chuẩn duy nhất ấy thì có hợp lý không? Ta phải sống thế nào để trở nên công chính trong ngày phán xét ấy?

Suy tư gợi ý:

1. Phải tôn vinh Đức Giêsu là Vua của bản thân ta trước đã

Chúng ta tôn vinh Đức Giêsu là Vua Vũ Trụ, điều đó thật chính đáng. Nhưng nếu Ngài chỉ là Vua vũ trụ, chứ không phải là vua chính bản thân ta, nghĩa là vua của bản thân ta vẫn luôn luôn là «cái tôi» của ta, là những tham vọng của ta, thì việc tôn vinh ấy ích lợi gì? Ngài muốn được thật sự làm Vua của lòng ta, hơn là muốn ta tôn vinh, thờ phượng Ngài như là Chúa Tể của những gì không phải là ta. Chỉ khi nào Ngài thật sự là Vua của lòng ta, thì việc ta tôn vinh Ngài là Chúa Tể vũ trụ mới có ý nghĩa. Chỉ khi ấy, bản thân ta mới trở thành Nước Trời: «Nước Trời ở trong anh em» (Lc 17,21). Chính bản thân mỗi người có trở thành Nước Trời, thì gia đình, đoàn thể, Giáo Hội và thế giới mới trở thành Nước Trời được. Vậy, để xây dựng Nước Trời, ta phải bắt đầu từ chính bản thân ta đã, tương tự như lộ trình mà Khổng Tử đã đề ra: «tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ». 

Vậy, điều trước tiên ta phải làm là nhận Đức Giêsu là Vua của bản thân mình đã. Nghĩa là trong mọi tình huống cuộc đời, ta phải coi Ngài quan trọng hơn chính bản thân và tất cả mọi thứ khác, thánh ý của Ngài quan trọng hơn ý riêng của ta hay của bất kỳ ai, nghĩa là hoàn toàn quy phục Ngài, tuân theo thánh ý Ngài được biểu lộ qua những đòi hỏi của tình yêu trong lòng ta. 

bản chất của Ngài là tình yêu, nên nhận Ngài làm Vua của lòng mình, trong thực tế là luôn luôn làm theo đòi hỏi của tình yêu trong lòng mình. Đó cũng chính là nội dung giới luật yêu thương của Ngài, và cũng là tiêu chuẩn chính yếu nhất và duy nhất để vào được Nước của Ngài. Làm sao ta vào được Nước của Ngài khi ta chưa nhận Ngài là Vua của bản thân ta, khi tình yêu đối với Ngài chưa thật sự thống trị lòng ta?



2.  Ngày phán xét, Thiên Chúa phán xét theo tiêu chuẩn nào?

Bài Tin Mừng này mặc khải cho ta biết vào ngày phán xét, Ngài xét đoán mọi người theo tiêu chuẩn nào. Bài Tin Mừng cho thấy Thiên Chúa chỉ phán xét theo một tiêu chuẩn duy nhất, đó là mỗi người đã yêu thương tha nhân, đặc biệt những người nghèo hèn bé mọn như thế nào. Bài Tin Mừng không nói đến việc Ngài xét về chuyện ta đã thờ phượng Thiên Chúa ra sao, đã cầu nguyện nhiều hay ít, có siêng năng tham dự hay cử hành các nghi thức tôn giáo hay không, có góp phần xây dựng thánh đường, Giáo Hội không, có vào hội đoàn nào hay không…

Tất cả những sinh hoạt tôn giáo ấy đều chỉ là những phương tiện nhằm giúp con người đạt được mục đích duy nhất là trở nên giống Thiên Chúa, Đấng mà bản chất là tình yêu. Nhờ đó con người trở nên yêu thương nhiều hơn, tốt hơn, cao thượng hơn, từ đó mạnh mẽ hơn, bình an và hạnh phúc hơn. Nếu thực hiện những sinh hoạt tôn giáo mà không đạt được mục đích ấy, thì ích lợi gì? Có được những chiếc xe tuyệt hảo, tối tân, đắt tiền để đi đến một nơi cần thiết nào đó, nhưng cuối cùng chẳng tới được, thì đâu ích lợi bằng một người đi bộ mà đến được đích. Nếu không đạt được tình yêu chân thật trong lòng, điều ấy có nghĩa là có một điều gì không ổn trong những sinh hoạt tôn giáo của ta. Có thể ta chưa nắm rõ mục đích của những sinh hoạt ấy, hoặc thực hiện chúng với tâm tình vị kỷ, vụ lợi, hoặc chưa thật sự gặp gỡ được Thiên Chúa trong những sinh hoạt ấy…

Để vào Nước Trời, Nước của Tình Yêu, điều kiện tất yếu không có không được, đó là tình yêu chân thực đối với Thiên Chúa, được thể hiện thành tình yêu đối với tha nhân. Vì không ai có thể vào được Nước của Thiên Chúa, nếu người ấy không giống Thiên Chúa. Mà bản chất của Thiên Chúa là tình yêu (x. 1Ga 4,8.16), nên giống Thiên Chúa có nghĩa là có tình yêu, hay nói đúng hơn, là trở nên hiện thân của tình yêu.




3. Tiêu chuẩn duy nhất để phán xét là tình yêu đối với tha nhân

Ngày phán xét, Thiên Chúa chỉ xét theo tiêu chuẩn duy nhất là tình yêu thì thật là hợp lý. Vì khi Đức Giêsu xuống trần gian để thành lập Nước Trời, Ngài chỉ ban cho con người một giới răn duy nhất, đó là: «Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em» (Ga 13,34). Nếu Ngài còn đưa ra nhiều giới răn khác, thì khi phán xét, Ngài sẽ phải xét theo nhiều tiêu chuẩn khác nữa. Nhưng Ngài đã chỉ đưa ra một giới răn duy nhất, nên khi phán xét, Ngài không thể phán xét theo một tiêu chuẩn nào khác với giới răn duy nhất Ngài đã ra. Thật là vô lý khi chỉ yêu cầu mọi người tuân giữ một điều duy nhất, rồi đến khi phán xét lại xét theo nhiều tiêu chuẩn khác ngoài điều duy nhất ấy!

Đức Giêsu đã nhấn mạnh đến giới răn này và nhấn mạnh tầm quan trọng của nó đến nỗi không hề đưa ra một giới răn nào khác, để những người theo Ngài tập trung nỗ lực vào điều duy nhất ấy, không quá phân tâm vào những chuyện phụ thuộc khác. Bài Tin Mừng này rõ ràng lại nhấn mạnh thêm một lần nữa điều quan trọng ấy. Nhưng thật lạ lùng và buồn cười thay, nhiều Kitô hữu lại chẳng quan tâm đến điều Ngài đã nhấn mạnh rõ ràng đến như thế, mà lại cứ quan tâm những chuyện phụ thuộc khác! Vì thế, công giữ đạo của họ cuối cùng hóa ra «công cốc», đúng như câu: «Dã tràng xe cát biển Đông, nhọc nhằn mà chẳng nên công cán gì»! 

Ngài đã từng trách những người Pharisêu biết bao nhiêu lần, là cứ đặt quá nặng những điều phụ thuộc, còn điều chính yếu thì lại coi quá nhẹ, lại còn dạy người ta như thế nữa: «Các người nộp thuế thập phân về bạc hà, thì là, rau húng, mà bỏ những điều quan trọng nhất trong Lề Luật là công lý, tình thương và lòng chân thành» (Mt 23,23; x. 23,16-22). Vì thế, Ngài đã gọi họ là «quân dẫn đường mù quáng!» (Mt 23,16.24; x. 15,14). Thế mà lạ lùng thay, ta lại cứ đi vào vết xe đã đổ của họ!



4.  Đừng để mình phải ngạc nhiên trong ngày phán xét

Điều đáng ta suy nghĩ và quan tâm là sự ngạc nhiên của cả người được chúc phúc và người bị chúc dữ. Cả hai loại đều hỏi Chúa hai câu tương tự nhau: «Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà (không) cho ăn, khát mà (không) cho uống; v.v…» (Mt 25,37-39.44). Rất có thể vào ngày đó, chính chúng ta cũng ngạc nhiên như vậy, cho dù Ngài đã từng báo trước rất rõ ràng trong các sách Tin Mừng rằng Ngài sẽ phán xét theo tiêu chuẩn duy nhất ấy, và Ngài tự đồng hóa Ngài với tha nhân của ta. 

Suốt cuộc đời ta, chẳng bao giờ ta thấy Ngài hiện ra trước mặt để ta có thể làm một điều tốt lành nào đó cho Ngài cả. Thế thì tại sao Ngài lại khen những người bên phải là đã làm cho Ngài đủ chuyện, và trách những người bên trái là đã chẳng làm cho Ngài điều gì? Thật ra, Ngài luôn luôn hiện thân thành những tha nhân bên cạnh ta: cha mẹ, vợ con, anh chị em, bạn bè, hàng xóm, người cùng sở làm… Và hiện thân cụ thể nhất của Ngài chính là những người nghèo khổ, ốm đau, bị áp bức, tù đày… Tất cả những gì ta làm cho họ là làm cho chính Ngài, và ta trở nên công chính chính vì ta đã thể hiện tình thương với họ. Và tất cả những gì ta không làm cho họ, cũng là không làm cho chính Ngài, và ta trở nên người bị chúc dữ chính vì ta đã không thể hiện tình thương với họ.

Nhưng theo thói thường, ta chỉ tỏ ra yêu thương và đối xử tốt với những người mà ta hy vọng có thể đem lại cho ta lợi lộc, chức quyền, danh vọng: những kẻ giàu có, quyền thế, có địa vị… Thật ra, khi đối xử tốt với những người này, là ta đối xử tốt với chính ta chứ không phải với Thiên Chúa. Đức Giêsu khuyên: «Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng mời bạn bè, anh em, hay bà con, hoặc láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại ông, và như thế ông được đáp lễ rồi. Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc» (Lc 14,12-14). Nói chung, chỉ khi nào ta làm điều gì cho người khác vì tình yêu, một cách vô vị lợi, không nhằm ích lợi gì cho mình về sau, thì mới là làm cho chính Thiên Chúa.




CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, con muốn nhận Đức Giêsu là Vua của cõi lòng con. Ngài chính là Tình Yêu. Xin cho cõi lòng con trở nên Nước Trời, Nước của Tình Yêu, để Tình Yêu thống trị lòng con, chi phối mọi ý tưởng, lời nói và hành vi của con suốt cuộc đời.


TN34a - Yêu thương tha nhân là tiêu chuẩn duy nhất để biết ta có tin và yêu Thiên Chúa đích thật hay không




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 34 Thường Niên
Lễ Chúa Kitô Vua

(22-11-2020)


Yêu thương tha nhân
là tiêu chuẩn duy nhất để biết
ta có tin và yêu Thiên Chúa đích thật hay không



ĐỌC LỜI CHÚA

  Ed 34,11-12.15-17: (11) Chính Ta sẽ chăm sóc chiên của Ta và thân hành kiểm điểm. (12) Như mục tử kiểm điểm đàn vật của mình vào ngày nó ở giữa đàn chiên bị tản mác thế nào, thì Ta cũng sẽ kiểm điểm chiên của Ta như vậy.

  1Cr 15,20-26.28: (22) Như mọi người vì liên đới với Ađam mà phải chết, thì mọi người nhờ liên đới với Đức Kitô cũng được Thiên Chúa cho sống. 


  TIN MỪNG: Mt 25,31-46

Cuộc Phán Xét Chung

(31) Khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người. (32) Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê. (33) Người sẽ cho chiên đứng bên phải Người, còn dê ở bên trái. 

(34) Bấy giờ Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên phải rằng: «Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. (35) Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; (36) Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han». (37) Bấy giờ những người công chính sẽ thưa rằng: «Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; (38) có bao giờ đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước; hoặc trần truồng mà cho mặc? (39) Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù, mà đến hỏi han đâu?» (40) Đức Vua sẽ đáp lại rằng: «Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy». 

(41) Rồi Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên trái rằng: «Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó. (42) Vì xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống; (43) Ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã không cho mặc; Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã chẳng thăm viếng». (44) Bấy giờ những người ấy cũng sẽ thưa rằng: «Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói, khát, hoặc là khách lạ, hoặc trần truồng, đau yếu hay ngồi tù, mà không phục vụ Chúa đâu?» (45) Bấy giờ Người sẽ đáp lại họ rằng: «Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy». (46) Thế là họ ra đi để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính ra đi để hưởng sự sống muôn đời.




CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1. Người đời chúng ta dựa vào tiêu chuẩn nào để phân biệt người tốt kẻ xấu? Khi Thiên Chúa phán xét nhân loại, Ngài có phân biệt theo kiểu của chúng ta không? Ngài có mạc khải về những tiêu chuẩn phân biệt của Ngài không? 
2. Thiên Chúa phân biệt kẻ xấu với người tốt dựa trên tiêu chuẩn nào? Tại sao vậy? Phân biệt theo tiêu chuẩn ấy có hợp lý không? 
3. Qua bài Tin Mừng này, bạn có rút ra được bài học gì mới cho việc nên thánh của bạn không? Quan niệm về nên thánh của bạn có gì thay đổi không?

Suy tư gợi ý:

1.  Viễn cảnh cánh chung: Thiên Chúa tách biệt chiên và dê

Bài Tin Mừng cho thấy một viễn cảnh sẽ xảy ra vào ngày cánh chung, nghĩa là vào thời điểm tận cùng của thời gian, cũng là tận cùng của trần thế này. Ngày ấy, Thiên Chúa sẽ phân mọi người trên trần gian thành hai loại: một bên là những kẻ thật sự tin theo Ngài, bên kia là những kẻ không tin, hay những kẻ tự xưng là tin Ngài bằng lời nói, nhưng qua hành động lại tỏ ra không tin. 

Để ám chỉ hai hạng người này, bài Tin Mừng dùng hình ảnh chiên và dê, là hình ảnh mà ngôn sứ Êdêkien đã dùng (x. Ed 34,17-24). Vì chiên và dê là hai loài thú cùng được chăn nuôi chung trong một đồng cỏ, ở chung với nhau trong một ràn. Chỉ đến thời kỳ xén lông thì người ta mới phân rẽ chúng theo loại. 

Dụ ngôn lúa và cỏ lùng (x. Mt 13,24-30) cũng cho thấy hai loại cây cùng sống chung với nhau –không phân biệt được– trên cùng một thửa ruộng. Cả hai cùng lớn lên bên cạnh nhau cho tời mùa gặt, chỉ tới lúc đó chúng mới bị phân rẽ: «cỏ lùng thì bó thành bó mà đốt đi, còn lúa thì thu vào kho lẫm» (13,30)

Tương tự, chỉ tới ngày cánh chung, kẻ tin và không tin, kẻ thật sự tin và kẻ có vẻ tin mới được phân chia và tách biệt. Chúng ta hãy thử tự xét xem, vào ngày đó, mình thuộc loại nào?



2.  Tiêu chuẩn để phân loại

Chỉ có Thiên Chúa, với trí tuệ sáng suốt vô cùng, nhìn thấu suốt tâm can con người, mới có thể xét từng người để xếp họ vào loại nào. Tin Mừng cho ta thấy: 

– ngày ấy, toàn nhân loại chỉ được phân ra thành hai loại: chiên và dê, tượng trưng cho người hiền và người dữ, kẻ tin và không tin Thiên Chúa, không có loại thứ ba. 

– ngày ấy, Thiên Chúa phán xét theo hành động chứ không theo lời nói của con người. Vấn đề là có làm hay không và làm như thế nào, chứ không phải là có nói hay không, có tuyên xưng hay không, hay nói và tuyên xưng thế nào. 

– ngày ấy, Thiên Chúa chỉ phán xét và phân loại dựa theo một tiêu chuẩn duy nhất: cách mỗi người đối xử với tha nhân chung quanh mình.
 
Dường như không có một tiêu chuẩn nào khác: Thiên Chúa không cần phân biệt ai là giáo hoàng, ai là giám mục, ai là linh mục, ai là giáo dân; không cần biết ai giàu ai nghèo, ai có địa vị ai là thường dân; thậm chí không cần biết ai đi lễ nhiều, ai đọc kinh nhiều, ai lần chuỗi nhiều, ai hành hương nhiều, ai cúng vào nhà thờ nhiều, v. v… Ngài chỉ xét có một điều: mỗi người đã làm gì và không làm gì cho tha nhân. Như thế, chính hành động của chúng ta –chứ không phải lời nói hay cái gì khác– quyết định chúng ta thuộc loại này hay loại kia.




3. Đó chính là tiêu chuẩn thực tế để Chúa phán xét ai tin và ai không tin


a) Tin vào Đức Giêsu là điều kiện để được cứu độ

Trên nguyên tắc, ai tin vào Đức Giêsu thì sẽ được cứu độ (x. Cv 16,31; Rm 10,9; 10,13), và người ta được nên công chính là nhờ đức tin (x. Rm 1,17; 3,22.26.30; 9,30; 10,4) chứ không phải nhờ việc làm (x. Rm 3,28; 9,32; Gl 2,16; 3,11; ). Thật vậy, người ta không trở nên công chính nhờ vào việc làm, hay nhờ việc tuân giữ nghiêm chỉnh các điều luật dạy. Thật vậy, rất nhiều người có những hành động rất tốt, rất thiện hảo, thậm chí rất vĩ đại, nhưng không phát xuất từ đức tin hay tình yêu thương, mà từ một động lực vị kỷ, nhằm lợi lộc cho mình. Nhiều nhà tỉ phú bỏ tiền ra xây bệnh viện, trường học để phục vụ người nghèo với điều kiện là bệnh viện hay trường học đó phải mang tên mình, để mình được lưu danh muôn thuở là người đạo đức, biết yêu thương người nghèo. Hành động bố thí như thế không làm cho người ấy nên công chính, vì không phát xuất từ đức tin hay tình thương.

b) Đức tin ấy phải đích thực, được chứng tỏ bằng việc làm

Người ta chỉ trở nên công chính nhờ đức tin. Nhưng đức tin làm cho người ta nên công chính phải là đức tin đích thực: «Quả thế, có tin thật trong lòng mới được nên công chính» (Rm 10,10). Đức tin đích thực không phải là loại «đức tin rẻ tiền», là thứ đức tin chỉ được tuyên xung ngoài môi miệng mà không đi vào cuộc sống, không được chứng tỏ bằng việc làm hay hành động. Hàng rẻ tiền thường là hàng giả. Đức tin đích thực phải là thứ «đức tin đắt giá», không chỉ được tuyên xưng ngoài miệng, mà được chứng tỏ bằng hành động, bằng những hy sinh cụ thể theo sự đòi hỏi của đức tin. Đức tin của chúng ta luôn luôn đòi hỏi một thái độ, một sự lựa chọn thích hợp. Vì không thể vừa tin, mà lại vừa có đời sống trụy lạc, hèn nhát, tham lam, ích kỷ… Thánh Giacôbê xác định: «Đức tin không việc làm là đức tin chết» (Gc 2,14.17)

c) Việc làm của đức tin là việc làm gì? 

Tin ở đây là tin vào Thiên Chúa, vào Đức Giêsu. Mà bản chất của Thiên Chúa chính là Tình Yêu, và Đức Giêsu chính là hiện thân của Tình Yêu Thiên Chúa giữa nhân loại. Do đó, những ai thật sự tin vào Thiên Chúa, vào Đức Giêsu, ắt phải yêu mến Ngài và trở nên giống Ngài, nghĩa là trở nên một hiện thân của tình yêu giữa những người chung quanh, gần gũi với mình nhất, đặc biệt với những người đau khổ, túng thiếu, bị áp bức, bất công, cần lòng thương xót

Như vậy, muốn biết ai tin vào Ngài, thì cứ xem cách người ấy cư xử với những người chung quanh, những người gần gũi nhất (vợ con, cha mẹ, anh chị em ruột thịt, bạn bè thân thiết…), và những người nghèo khổ cần được cứu giúp. Nếu tin Thiên Chúa đích thực, người ấy ắt sẽ phải cư xử với họ bằng tình thương, cụ thể qua sự hy sinh, chấp nhận mất mát đau khổ vì họ. 

Vả lại, những người chung quanh ta, đặc biệt những người đang đau khổ cần được ta nâng đỡ, cứu giúp, chính là hiện thân của Thiên Chúa hay của Đức Giêsu bên cạnh chúng ta. Đức Giêsu xác định rõ điều ấy trong bài Tin Mừng hôm nay. Vì thế, yêu Ngài thì ắt nhiên cũng phải yêu hiện thân của Ngài bên cạnh chúng ta. Do đó, tới ngày phán xét, Ngài chỉ cần dùng một tiêu chuẩn để xét xem chúng ta có tin vào Ngài không, là dựa vào cách cư xử của chúng ta với tha nhân

Để tóm gọn lại cách nên thánh cho chúng ta, Đức Giêsu nói: «Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau» (Ga 13,34-35). Tóm lại, yêu thương tha nhân chính là tiêu chuẩn để phân biệt giữa môn đệ đích thực của Đức Giêsu với những người khác.




CẦU NGUYỆN

Tôi nghe Đức Giêsu nói với tôi: «Anh tin Thầy và sống đạo của Thầy thế nào, Thầy chỉ cần dựa vào cách anh đối xử với những người chung quanh anh là Thầy biết ngay. Chắc chắn anh không thể tin Thầy đích thực khi anh đối xử với những người chung quanh anh không ra gì. Họ chính là hiện thân của Thầy bên cạnh anh. Anh đối xử với họ thế nào là đối xử với chính Thầy như vậy. Anh yêu họ chính là anh yêu Thầy. Anh làm điều gì cho họ, chính là anh làm điều đó cho Thầy».


Tuesday, November 10, 2020

TN33b - Đạo đức không chỉ là tránh điều ác, mà là làm những gì tình yêu đòi hỏi.




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 33 Thường Niên

(15-11-2020)

Bài đào sâu

Đạo đức không chỉ là tránh điều ác, 
mà là làm những gì tình yêu đòi hỏi.



  TIN MỪNG: Mt 25,14-30

Dụ ngôn những yến bạc




CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1. Người có một yến bạc đem chôn giấu đi, có làm điều gì thiệt hại cho ông chủ, hay làm điều gì gian ác đối với ông không? Tại sao người ấy bị phạt? Lý do bị phạt là gì? 
2. Người chỉ cố gắng tránh điều ác chứ không nỗ lực làm điều thiện, có được gọi là người đạo đức, tốt lành chưa? Quan niệm của Đức Giêsu về vấn đề này thế nào? 
3. Tài năng Thiên Chúa ban cho ta là để ta hãnh diện với mọi người hay là để ta đem ra phục vụ mọi người? Ta có trách nhiệm gì khi được Thiên Chúa ban cho nhiều ơn huệ hơn mọi người không? 


Suy tư gợi ý:

1.  Trách nhiệm đối với những ân huệ Thiên Chúa ban

Dụ ngôn những yến bạc của bài Tin Mừng hôm nay nói lên một sự thật đang xảy ra trong thực tế đời sống hằng ngày của ta. Đó là Thiên Chúa ban cho chúng ta nhiều ơn huệ khác nhau: sức khỏe, trí khôn, tài giỏi, năng khiếu, thì giờ, nhà cửa, tiền bạc, nghề nghiệp, cha mẹ, anh chị em, vợ con, bạn bè, v.v… kẻ ít người nhiều, người được ân này kẻ được ân khác. Đó là những yến bạc mà Thiên Chúa ban cho mỗi người cách khác nhau. 

Điều quan trọng cần nhấn mạnh ở đây là mỗi người đều có trách nhiệm đối với những ân huệ đã nhận được. Chúng ta phải sử dụng ân huệ ấy đúng ý Thiên Chúa, phải dùng những ân huệ ấy để sinh lợi ích cho Ngài, cho tha nhân bên cạnh chúng ta. Người được Ngài ban cho nhiều thì cũng bị Ngài đòi hỏi nhiều, người được ban ít thì bị đòi hỏi ít. Và chúng ta ai nấy đều phải trả lẽ trước mặt Ngài về những ích lợi mình làm ra được từ những ân huệ ấy. 

Như vậy, những ân huệ Ngài ban, ta có nhiệm vụ quản lý chúng chứ không phải là làm chủ chúng. Nghĩa là ta không nên sử dụng chúng theo ý riêng ta, mà theo ý của Ngài. Do đó, đừng vội mừng vì được Ngài ban cho nhiều, và cũng đừng vội buồn vì được Ngài ban cho ít. Được ban nhiều thì đòi hỏi cũng nhiều, được ban ít thì đòi hỏi cũng ít. Thế mới công bằng! Dù nhiều hay ít, ai cũng phải sử dụng những ân huệ Ngài ban để tạo ích lợi cho Ngài, cho Giáo Hội Ngài, cho tha nhân. 




2.  Quan niệm về đạo đức theo dụ ngôn những yến bạc

Điều chúng ta cần lưu tâm là người được một nén tuy không hề làm điều gì ác, không làm mất mát hay thiệt hại gì cho ông chủ, thế mà bị ông chủ phạt, bị «quăng ra chỗ tối tăm bên ngoài: ở đó, sẽ phải khóc lóc nghiến răng» (Mt 25,30). Anh ta bị phạt vì đã được chủ giao cho một yến bạc, nhưng không làm lợi ra được thành một yến khác vì đã cất kỹ nó vào một chỗ. 

Suy nghĩ về dụ ngôn này này khiến chúng ta phải thay đổi ít nhiều quan niệm về đạo đức. Chúng ta thường tưởng rằng hễ mình không làm điều gì ác thì mình là người vô tội, công chính. Nhưng không phải thế. Theo tinh thần của dụ ngôn, một khi đã lãnh nhận ân huệ của Thiên Chúa mà ta lại không dùng ân huệ đó để tạo lợi ích cho Thiên Chúa và tha nhân, thì ta trở thành kẻ có tội, cho dù ta không hề làm một điều gì thất đức cả. Đó là ý nghĩa của cụm từ «những điều thiếu sót» trong kinh Cáo Mình: «Tôi đã phạm tội nhiều, trong tư tưởng, lời nói, việc làm, và những điều thiếu sót». Ít ai quan tâm tới tội phạm do thiếu sót. Nhưng rất có thể trong cuộc đời ta, thứ tội lớn nhất và nhiều nhất của ta khiến ta bị luận phạt nhiều nhất lại chính là tội «những điều thiếu sót» này. Dù là tội gì, thì căn bản của tội vẫn là do thiếu tình yêu.



3.  Đạo đức không chỉ là trách điều ác

Cũng vậy, trong bài Tin Mừng về ngày phán xét cuối cùng, những kẻ bị kết án không phải chỉ là những người đã từng làm điều ác, mà còn là biết bao người không hề làm một điều gì ác. Lý do khiến họ bị kết án chính là: «Vì xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã không cho mặc; Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã chẳng thăm viếng» (Mt 25,42-43). Chữ «Ta» trong câu này chính là Đức Giêsu được hiện thân thành tha nhân của ta, nhất là những kẻ nghèo hèn bé mọn. Như vậy, theo Đức Giêsu, người không làm điều gì ác chưa phải là người đạo đức, tốt lành, giống như biết bao Kitô hữu đang quan niệm. Thật vậy, nhiều Kitô hữu, kể cả trí thức, người dạy giáo lý, hễ cảm thấy mình không làm điều ác thì liền nghĩ mình vô tội, thậm chí còn tự hào mình đạo đức nữa.

Nguyên tắc đạo đức chung của con người là «tránh ác, hành thiện». Nếu ta chỉ tránh điều ác nhưng không cố gắng làm điều thiện, thì ta mới thực hiện được một phần rất nhỏ của nguyên tắc ấy thôi. Vì tránh ác thì tương đối dễ, còn hành thiện trong những trường hợp mà lương tâm đòi buộc thì đòi hỏi phải hy sinh, vất vả hơn rất nhiều. Tránh ác hay không làm ác thì không cần nhiều khả năng, vì làm một điều gì đó thì mới cần tới khả năng chứ không làm thì cần gì khả năng? Thật vậy, một trẻ nhỏ, một con vật, có khả năng gì đâu, thế mà chúng vẫn có thể không làm điều gì ác cả. Thiên Chúa đã ban cho ta mỗi người một số khả năngđể ta làm điều thiện, nhất là để làm theo những đòi hỏi của tình yêu trong lòng ta. Nếu khả năng Thiên Chúa ban cho ta mà ta không chịu dùng để làm những điều ích lợi, thì ta sẽ chịu trách nhiệm trước mặt Ngài. Do đó, nhiều khi ta tưởng mình vô tội, tưởng mình đạo đức khi thấy mình chưa hề nhúng tay làm điều gì ác. Nhưng rất có thể Thiên Chúa vẫn kết án ta là tội lỗi, chỉ vì ta đã không làm những gì mình phải làm. Tuy nhiên, hai người cùng ít làm điều thiện y như nhau, người nào có nhiều khả năng hơn thì tội người ấy lớn hơn.




4.  Càng nhiều khả năng, trách nhiệm càng lớn

Vì thế, người có nhiều khả năng, nhiều điều kiện để làm điều thiện, thì càng phải ý thức trách nhiệm của mình. Thông thường, càng nhiều khả năng, nhiều tài, nhiều của, càng có địa vị cao, chức vụ lớn, càng trí thức, càng giỏi giang, càng được suy tôn, thì ta càng cảm thấy sung sướng và hãnh diện trước mặt người đời, nhất là trước những người kém cỏi hơn mình. Nhưng khi đọc dụ ngôn này, ta càng cảm thấy run sợ trước trách nhiệm của ta. Trong quá khứ, có biết bao trường hợp ta phải ra tay, phải hành động, phải can thiệp, phải cứu giúp, phải lên tiếng bênh vực, phải nói lên sự thật, phải minh oan, phải khuyên can… mà ta đã không làm gì cả, đang khi ta có thể làm những điều ấy tốt hơn và hữu hiệu hơn ai hết. Thậm chí ta có sứ mạng hay trách nhiệm hành động hay can thiệp. Tệ hơn nữa, ta không hề cảm thấy mình có lỗi gì cả, vẫn cứ tự hào mình vô tội, mình đạo đức, và chẳng thấy cần hối hận điều gì. Chỉ vì ta thấy mình không hề làm điều gì gian ác! Dụ ngôn này cho thấy quan niệm như thế là sai lầm! 

Điều ngăn trở khiến ta không muốn là điều thiện, điều cần thiết hoặc ích lợi cho tha nhân, cho xã hội, đó chính là ta thiếu tình yêu. Tình yêu chính là yếu tố thiết yếu nhất của đạo đức, của sự thánh thiện. Chính tình yêu làm ta nên giống Thiên Chúa hơn bất kỳ điều gì khác, vì bản chất của Thiên Chúa là tình yêu (1Ga 4,8.16). Nhưng rất nhiều Kitô hữu lại quan niệm cốt yếu của đạo đức hay thánh thiện là ở một điều gì khác: kẻ thì bảo hệ tại việc giữ luật lệ cho hoàn hảo, người cho rằng hệ tại việc cầu nguyện cho nhiều, kẻ khác cho rằng hệ tại việc thực hành chăm chỉ các nghi thức tôn giáo, kẻ khác nữa cho rằng hệ tại làm điều tốt này việc tốt kia… Thật ra, tất cả những chuyện ấy đều tốt, nhưng chúng chỉ là phương tiện để giúp ta hình thành hay củng cố tình yêu trong lòng ta. Nếu chúng không nhắm hay không đạt được mục đích ấy thì chúng đều trở thành vô ích. Thánh Phaolô xác định điều ấy: «Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi» (1Cr 13,3).





CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, con được Cha ban cho biết bao ơn huệ, thậm chí hơn rất nhiều người. Thế mà con chỉ biết cám ơn Cha, ca tụng tình yêu thương của Cha, chứ không hề nghĩ đến trách nhiệm phải sử dụng những ơn huệ ấy để làm ích lợi cho Cha, cho Giáo Hội, cho xã hội và tha nhân chung quanh con. Biết bao lần lương tâm và tình yêu trong con đòi buộc con phải ra tay cứu giúp, bênh vực, minh oan cho người khác, nhưng con đã không làm. Xin giúp con nhận ra đó là tội lỗi. Con chưa hề có ý thức tội lỗi về những việc phải làm mà không làm. Xin tha thứ cho con. Con cảm thấy cần phải sám hối và thay đổi lại quan niệm của con.