Tuesday, November 10, 2020

TN33a - Người khôn ngoan luôn ý thức trách nhiệm về những thuận lợi mình đang được hưởng




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 33 Thường Niên

(15-11-2020)


Người khôn ngoan luôn ý thức trách nhiệm
về những thuận lợi mình đang được hưởng




ĐỌC LỜI CHÚA

  Cn 31,10-13.19-20.30-31: (10) Tìm đâu ra một người vợ đảm đang? Nàng quý giá vượt xa châu ngọc. (11) Chồng nàng hết dạ tin tưởng nàng, chàng sẽ chẳng thiếu chi lợi lộc. (12) Suốt đời, nàng đem lại hạnh phúc chứ không gây tai hoạ cho chồng.

  1Tx 5,1-6: (2) Ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm ban đêm. (3) Khi người ta nói: «Bình an biết bao, yên ổn biết bao!», thì lúc ấy tai hoạ sẽ thình lình ập xuống, tựa cơn đau chuyển bụng đến với người đàn bà có thai, và sẽ chẳng có ai trốn thoát được. 


  TIN MỪNG: Mt 25,14-15.19-21

Dụ ngôn những yến bạc

(14) Có người kia sắp đi xa, liền gọi đầy tớ đến mà giao phó của cải mình cho họ. (15) Ông cho người này năm yến, người kia hai yến, người khác nữa một yến, tuỳ khả năng riêng mỗi người. Rồi ông ra đi. Lập tức, (16) người đã lãnh năm yến lấy số tiền ấy đi làm ăn buôn bán, và gây lời được năm yến khác. (17) Cũng vậy, người đã lãnh hai yến gây lời được hai yến khác. (18) Còn người đã lãnh một yến thì đi đào lỗ chôn giấu số bạc của chủ. (19) Sau một thời gian lâu dài, ông chủ đến tính sổ với các đầy tớ và thanh toán sổ sách với họ. (20) Người đã lãnh năm yến tiến lại gần, đưa năm yến khác, và nói: «Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi năm yến, tôi đã gây lời được năm yến khác đây». (21) Ông chủ nói với người ấy: «Khá lắm! hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!» (22) Người đã lãnh hai yến cũng tiến lại gần và nói: «Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi hai yến, tôi đã gây lời được hai yến khác đây». (23) Ông chủ nói với người ấy: «Khá lắm! hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!» (24) Rồi người đã lãnh một yến cũng tiến lại gần và nói: «Thưa ông chủ, tôi biết ông là người hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi. (25) Vì thế, tôi đâm sợ, mới đem chôn giấu yến bạc của ông dưới đất. Của ông đây, ông cầm lấy!» (26) Ông chủ đáp: «Hỡi đầy tớ tồi tệ và biếng nhác! Anh đã biết tôi gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi, (27) thì đáng lý anh phải gởi số bạc của tôi vào ngân hàng, để khi tôi đến, tôi thu được cả vốn lẫn lời chứ! (28) Vậy các ngươi hãy lấy yến bạc khỏi tay nó mà đưa cho người đã có mười yến. (29) Vì phàm ai đã có, thì được cho thêm và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy đi. (30) Còn tên đầy tớ vô dụng kia, hãy quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài: ở đó, sẽ phải khóc lóc nghiến răng».




CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1. Trên đời, kẻ được Thiên Chúa ban cho rất nhiều thuận lợi, kẻ lại bị Ngài cho gặp rất nhiều nghịch cảnh. Vậy Ngài có phải là một Thiên Chúa bất công không? Nếu không bất công thì phải giải thích sự bất bình đẳng này ra sao?
2. Người được nhiều thuận lợi có trách nhiệm gì về những thuận lợi của mình không? Trách nhiệm thế nào?
3. Thiên Chúa phán xét con người dựa trên những thành quả, mức độ hoàn hảo mà con người đạt được, hay dựa trên mức độ nỗ lực mà con người đã làm để trở nên hoàn hảo hơn?

Suy tư gợi ý:

1.  Trên đời, sự phân phối những giá trị tốt đẹp không đồng đều 

Không ai có thể chối cãi điều này: trên đời, người ta khác nhau về đủ mọi phương diện: tính tình, khuynh hướng, khả năng, quan niệm, tư tưởng, đạo đức, sức khỏe, v.v… Đúng như cổ nhân nói: «Bá nhân bá tánh», «chín người mười ý»… Và ngay trong từng phương diện, người ta cũng khác nhau về mức độ, chẳng ai tuyệt đối bằng ai, y hệt như: «Bàn tay ngón thấp ngón cao». Điều đó tạo nên sự phong phú đa dạng trong thế giới con người. Trong những lãnh vực khác của thiên nhiên vạn vật cũng có sự đa dạng y như thế. Như vậy, phải chăng Thiên Chúa bất công? Phải chăng những người có tài đức hơn người, có nhiều điều kiện phát triển hơn người, giàu có hơn người… thì được lợi hơn những người khác?



2.  Ai nhận được nhiều thì bị đòi hỏi nhiều

Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy: Thiên Chúa cho ai nhiều, thì Ngài đòi hỏi người ấy nhiều. Ngược lại Ngài cho ai ít, thì lại đòi hỏi người ấy ít. Đức Giê-su đã từng nói: «Hễ ai đã được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều, và ai được giao phó nhiều thì sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn» (Lc 12,48). Người được Thiên Chúa ban nhiều ân huệ mà không làm những ân huệ sinh lợi cho Thiên Chúa, cho bản thân, cho tha nhân, thì ân huệ ấy trở thành án phạt cho mình. Cho nên ân huệ nhiều thì trách nhiệm cũng nhiều. Vậy ai nhận được nhiều thì cũng nên lo lắng về trách nhiệm của mình. Còn ai được ít thì cũng nên tự an ủi vì trách nhiệm của mình ít. Như vậy kẻ được nhiều không hẳn đã hay, và kẻ được ít không hẳn đã dở. Mới nghĩ thì thấy Thiên Chúa không công bằng, nhưng nghĩ cho kỹ thì thấy Ngài tuy chủ trương đa dạng nhưng lại rất công bằng.

Những ân huệ ta nhận được cũng như món tiền ta vay của ngân hàng, phải trả tiền lời theo định kỳ, mỗi tháng hoặc mỗi năm. Do đó, vay càng nhiều tiền thì càng phải sinh lợi ra nhiều để có thể trả số lời tương ứng với số tiền mình vay. Giả như lãi suất là 10% một năm (tức 0,83% một tháng), thì trong 10 năm, tiền lời sẽ lên cao bằng tiền vay ban đầu. Nếu vay trong 20 năm, tiền lời thành gấp đôi tiền vay ban đầu. Nếu vay nhiều mà không đủ khả năng sinh lợi ra nhiều, thì sẽ không có tiền để trả lãi, và vay càng lâu thì tiền lời càng cao, nếu không sinh lợi thì càng nguy hiểm. Vì tới kỳ hạn cuối cùng, phải thanh toán cả vốn lẫn lời, nếu không có khả năng trả hết thì có nguy hiểm phải ngồi tù. Do đó, nếu không có khả năng làm ăn sinh lợi, thì vay được nhiều không phải là điều tốt đẹp mà trái lại có thể là nguyên nhân gây ra tai họa. Vay càng nhiều, họa càng lớn. Tương tự, được Thiên Chúa ban nhiều thuận lợi chớ vội mừng hay tự hào, vì nếu không làm cho chúng sinh lợi thì rất có thể những thuận lợi ấy lại trở thành tai họa.




3.  Hãy ý thức trách nhiệm về những thuận lợi mình đang hưởng

Vậy chúng ta hãy tự xét xem chúng ta được Thiên Chúa ban cho những thuận lợi nào: khỏe mạnh, thông minh, được giáo dục tử tế, có văn hóa, nhà giàu có, nhiều tài năng, v.v… Chúng ta thường hãnh diện, tự hào với mọi người về những thuận lợi đó, mà rất ít khi nghĩ đến trách nhiệm vì được những thuận lợi hơn người đó. Thiết tưởng, khi được những thuận lợi hơn người, người Kitô hữu phải nghĩ đến trách nhiệm hơn là tự hào về chúng. Những thuận lợi đó phải được đem ra làm ích lợi cho Thiên Chúa, cho bản thân, và cho tha nhân. Nếu thuận lợi ta được quá nhiều, mà ích lợi ta làm ra được từ những thuận lợi đó lại quá ít, ắt nhiên ta không thể tránh được hình phạt của Thiên Chúa. Được quá nhiều thuận lợi mà không sinh lợi cho ai, điều ấy chứng tỏ ta không có tình yêu, và như thế là ta không có Thiên Chúa trong chúng ta. Thánh Gioan viết: «Nếu ai có của cải thế gian và thấy anh em mình lâm cảnh túng thiếu, mà chẳng động lòng thương, thì làm sao tình yêu Thiên Chúa ở lại trong người ấy được» (1Ga 3,17). Thật vậy, nếu về mặt vật chất mà Thiên Chúa còn đòi buộc chúng ta «ai có hai áo, hãy chia cho người không có; ai có gì ăn, cũng hãy làm như vậy» (Lc 3,11), thì về mặt tinh thần, Ngài còn đòi hỏi chúng ta phải chia sẻ hơn vậy rất nhiều. Vì sự chia sẻ vật chất thì rất giới hạn, còn chia sẻ tinh thần thì ít bị giới hạn hơn rất nhiều.



4.  Đừng vội tự hào hay kiêu hãnh về những thuận lợi của mình

Vậy khi xét xử, Thiên Chúa không xét theo mức độ đạo đức, những thành quả tâm linh mà chúng ta đang có hay đã đạt được, mà xét theo mức độ cố gắng của chúng ta để nên hoàn thiện hơn. Nếu Thiên Chúa ban cho ta 5 yến bạc, mà ta chẳng làm lợi ra được yến nào, nghĩa là ta không phát huy được những thuận lợi của ta, không dùng những thuận lợi ấy để làm ích cho ai, thì ta sẽ không được Ngài kể là công chính bằng một người chỉ được Ngài ban một yến, nhưng đã làm lợi ra được gấp 3, thành 3 yến. Tuy người ấy chỉ có 3 yến, nghĩa là kém ta tới 2 yến, nhưng người ấy được Thiên Chúa coi là công chính hơn ta rất nhiều. Có như thế, Ngài mới là một Thiên Chúa công bằng thật sự. 

Vì thế, đừng tưởng ta đạo đức hơn người, làm được nhiều việc tốt lành hơn người mà nghĩ rằng ta công chính hơn người. Coi chừng kẻo lầm to, vì thánh Phaolô từng cảnh cáo: «ai tưởng mình đang đứng vững, hãy coi chừng kẻo ngã» (1Cr 10,12). Vì không thể so sánh thấy kết quả của mình hơn người khác mà kết luận mình công chính hơn họ. Phải so sánh những thành quả mình làm được với những thuận lợi ban đầu Thiên Chúa ban cho xem đã tương xứng chưa. Thánh Phaolô viết: «Mỗi người hãy xem xét việc làm của chính mình (…) chứ đừng so sánh với người khác» (Gl 6,4)

Đi vào cụ thể, ta thử so sánh hai người sau đây: Một người sinh ra từ một cha mẹ trộm cướp hay đĩ điếm, không được giáo dục đầy đủ, nhưng anh đã cố gắng hết sức mình ra vượt ra khỏi vòng tội lỗi do cha mẹ mình để lại. Anh nỗ lực vươn lên sự thiện suốt cả cuộc đời, và anh đã trở thành một người khá lương thiện. Còn người kia được sinh ra từ một cha mẹ đức hạnh, được giáo dục đầy đủ, vì thế, dù anh chẳng cố gắng hay nỗ lực nhiều, anh vẫn được mọi người coi là rất tốt, và nhờ đó có một địa vị khá cao trong xã hội hay Giáo Hội. Như vậy, trước mặt người đời, người thứ hai chắc chắn được đánh giá là công chính hơn người thứ nhất. Nhưng rất có thể trước mặt Thiên Chúa, Ngài thấy nỗ lực vươn lên của người thứ nhất lớn hơn gấp nhiều lần nỗ lực của người thứ hai. Như thế chắc chắn phần thưởng Thiên Chúa dành cho người thứ nhất sẽ phải lớn hơn phần thưởng cho người thứ hai.

Quả thật cách phán xét của Thiên Chúa khác hẳn với cách phán đoán của người đời. Đức Giêsu từng nói với các các thượng tế và kỳ mục trong dân, là những người được dân chúng tôn trọng và cho là đạo đức. Ngài nói: «Những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông» (Mt 21,31). Tại sao? Có thể vì những người tội lỗi ấy đã cố gắng vươn lên sự thiện nhiều hơn cả những bậc được coi là đạo đức kia! Nên khi Gioan Tẩy giả và Đức Giêsu đến, những người bị coi là tội lỗi ấy đã sám hối và tin theo ngay!




CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, nhiều khi con vui mừng vì được Cha ban cho rất nhiều thuận lợi trong đời sống. Và con đã hãnh diện và tự hào với những người kém may mắn hơn con. Qua bài Tin Mừng này, con thấy mình thật dại dột, vì nếu con không dùng những thuận lợi ấy để bù đắp lại cho những người kém may mắn hơn con, thì vào ngày Cha phán xét, chính những thuận lợi ấy lại trở thành những gì gây bất lợi cho con. Xin cho con ý thức được trách nhiệm của con đối với họ


No comments:

Post a Comment