CHIA SẺ TIN MỪNG
Chúa Nhật thứ 34 Thường Niên
Lễ Chúa Kitô Vua
(22-11-2020)
(22-11-2020)
Yêu thương tha nhân
là tiêu chuẩn duy nhất để biết
• Ed 34,11-12.15-17: (11) Chính Ta sẽ chăm sóc chiên của Ta và thân hành kiểm điểm. (12) Như mục tử kiểm điểm đàn vật của mình vào ngày nó ở giữa đàn chiên bị tản mác thế nào, thì Ta cũng sẽ kiểm điểm chiên của Ta như vậy.
• 1Cr 15,20-26.28: (22) Như mọi người vì liên đới với Ađam mà phải chết, thì mọi người nhờ liên đới với Đức Kitô cũng được Thiên Chúa cho sống.
• TIN MỪNG: Mt 25,31-46
Cuộc Phán Xét Chung
(31) Khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người. (32) Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê. (33) Người sẽ cho chiên đứng bên phải Người, còn dê ở bên trái.
(34) Bấy giờ Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên phải rằng: «Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. (35) Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; (36) Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han». (37) Bấy giờ những người công chính sẽ thưa rằng: «Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; (38) có bao giờ đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước; hoặc trần truồng mà cho mặc? (39) Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù, mà đến hỏi han đâu?» (40) Đức Vua sẽ đáp lại rằng: «Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy».
Câu hỏi gợi ý:
1. Người đời chúng ta dựa vào tiêu chuẩn nào để phân biệt người tốt kẻ xấu? Khi Thiên Chúa phán xét nhân loại, Ngài có phân biệt theo kiểu của chúng ta không? Ngài có mạc khải về những tiêu chuẩn phân biệt của Ngài không?
2. Thiên Chúa phân biệt kẻ xấu với người tốt dựa trên tiêu chuẩn nào? Tại sao vậy? Phân biệt theo tiêu chuẩn ấy có hợp lý không?
3. Qua bài Tin Mừng này, bạn có rút ra được bài học gì mới cho việc nên thánh của bạn không? Quan niệm về nên thánh của bạn có gì thay đổi không?
Suy tư gợi ý:
1. Viễn cảnh cánh chung: Thiên Chúa tách biệt chiên và dê
Bài Tin Mừng cho thấy một viễn cảnh sẽ xảy ra vào ngày cánh chung, nghĩa là vào thời điểm tận cùng của thời gian, cũng là tận cùng của trần thế này. Ngày ấy, Thiên Chúa sẽ phân mọi người trên trần gian thành hai loại: một bên là những kẻ thật sự tin theo Ngài, bên kia là những kẻ không tin, hay những kẻ tự xưng là tin Ngài bằng lời nói, nhưng qua hành động lại tỏ ra không tin.
Để ám chỉ hai hạng người này, bài Tin Mừng dùng hình ảnh chiên và dê, là hình ảnh mà ngôn sứ Êdêkien đã dùng (x. Ed 34,17-24). Vì chiên và dê là hai loài thú cùng được chăn nuôi chung trong một đồng cỏ, ở chung với nhau trong một ràn. Chỉ đến thời kỳ xén lông thì người ta mới phân rẽ chúng theo loại.
Dụ ngôn lúa và cỏ lùng (x. Mt 13,24-30) cũng cho thấy hai loại cây cùng sống chung với nhau –không phân biệt được– trên cùng một thửa ruộng. Cả hai cùng lớn lên bên cạnh nhau cho tời mùa gặt, chỉ tới lúc đó chúng mới bị phân rẽ: «cỏ lùng thì bó thành bó mà đốt đi, còn lúa thì thu vào kho lẫm» (13,30).
Tương tự, chỉ tới ngày cánh chung, kẻ tin và không tin, kẻ thật sự tin và kẻ có vẻ tin mới được phân chia và tách biệt. Chúng ta hãy thử tự xét xem, vào ngày đó, mình thuộc loại nào?
2. Tiêu chuẩn để phân loại
Chỉ có Thiên Chúa, với trí tuệ sáng suốt vô cùng, nhìn thấu suốt tâm can con người, mới có thể xét từng người để xếp họ vào loại nào. Tin Mừng cho ta thấy:
– ngày ấy, toàn nhân loại chỉ được phân ra thành hai loại: chiên và dê, tượng trưng cho người hiền và người dữ, kẻ tin và không tin Thiên Chúa, không có loại thứ ba.
– ngày ấy, Thiên Chúa phán xét theo hành động chứ không theo lời nói của con người. Vấn đề là có làm hay không và làm như thế nào, chứ không phải là có nói hay không, có tuyên xưng hay không, hay nói và tuyên xưng thế nào.
– ngày ấy, Thiên Chúa chỉ phán xét và phân loại dựa theo một tiêu chuẩn duy nhất: cách mỗi người đối xử với tha nhân chung quanh mình.
3. Đó chính là tiêu chuẩn thực tế để Chúa phán xét ai tin và ai không tin
a) Tin vào Đức Giêsu là điều kiện để được cứu độ
Trên nguyên tắc, ai tin vào Đức Giêsu thì sẽ được cứu độ (x. Cv 16,31; Rm 10,9; 10,13), và người ta được nên công chính là nhờ đức tin (x. Rm 1,17; 3,22.26.30; 9,30; 10,4) chứ không phải nhờ việc làm (x. Rm 3,28; 9,32; Gl 2,16; 3,11; ). Thật vậy, người ta không trở nên công chính nhờ vào việc làm, hay nhờ việc tuân giữ nghiêm chỉnh các điều luật dạy. Thật vậy, rất nhiều người có những hành động rất tốt, rất thiện hảo, thậm chí rất vĩ đại, nhưng không phát xuất từ đức tin hay tình yêu thương, mà từ một động lực vị kỷ, nhằm lợi lộc cho mình. Nhiều nhà tỉ phú bỏ tiền ra xây bệnh viện, trường học để phục vụ người nghèo với điều kiện là bệnh viện hay trường học đó phải mang tên mình, để mình được lưu danh muôn thuở là người đạo đức, biết yêu thương người nghèo. Hành động bố thí như thế không làm cho người ấy nên công chính, vì không phát xuất từ đức tin hay tình thương.
b) Đức tin ấy phải đích thực, được chứng tỏ bằng việc làm
Người ta chỉ trở nên công chính nhờ đức tin. Nhưng đức tin làm cho người ta nên công chính phải là đức tin đích thực: «Quả thế, có tin thật trong lòng mới được nên công chính» (Rm 10,10). Đức tin đích thực không phải là loại «đức tin rẻ tiền», là thứ đức tin chỉ được tuyên xung ngoài môi miệng mà không đi vào cuộc sống, không được chứng tỏ bằng việc làm hay hành động. Hàng rẻ tiền thường là hàng giả. Đức tin đích thực phải là thứ «đức tin đắt giá», không chỉ được tuyên xưng ngoài miệng, mà được chứng tỏ bằng hành động, bằng những hy sinh cụ thể theo sự đòi hỏi của đức tin. Đức tin của chúng ta luôn luôn đòi hỏi một thái độ, một sự lựa chọn thích hợp. Vì không thể vừa tin, mà lại vừa có đời sống trụy lạc, hèn nhát, tham lam, ích kỷ… Thánh Giacôbê xác định: «Đức tin không việc làm là đức tin chết» (Gc 2,14.17).
c) Việc làm của đức tin là việc làm gì?
Tin ở đây là tin vào Thiên Chúa, vào Đức Giêsu. Mà bản chất của Thiên Chúa chính là Tình Yêu, và Đức Giêsu chính là hiện thân của Tình Yêu Thiên Chúa giữa nhân loại. Do đó, những ai thật sự tin vào Thiên Chúa, vào Đức Giêsu, ắt phải yêu mến Ngài và trở nên giống Ngài, nghĩa là trở nên một hiện thân của tình yêu giữa những người chung quanh, gần gũi với mình nhất, đặc biệt với những người đau khổ, túng thiếu, bị áp bức, bất công, cần lòng thương xót.
Như vậy, muốn biết ai tin vào Ngài, thì cứ xem cách người ấy cư xử với những người chung quanh, những người gần gũi nhất (vợ con, cha mẹ, anh chị em ruột thịt, bạn bè thân thiết…), và những người nghèo khổ cần được cứu giúp. Nếu tin Thiên Chúa đích thực, người ấy ắt sẽ phải cư xử với họ bằng tình thương, cụ thể qua sự hy sinh, chấp nhận mất mát đau khổ vì họ.
Vả lại, những người chung quanh ta, đặc biệt những người đang đau khổ cần được ta nâng đỡ, cứu giúp, chính là hiện thân của Thiên Chúa hay của Đức Giêsu bên cạnh chúng ta. Đức Giêsu xác định rõ điều ấy trong bài Tin Mừng hôm nay. Vì thế, yêu Ngài thì ắt nhiên cũng phải yêu hiện thân của Ngài bên cạnh chúng ta. Do đó, tới ngày phán xét, Ngài chỉ cần dùng một tiêu chuẩn để xét xem chúng ta có tin vào Ngài không, là dựa vào cách cư xử của chúng ta với tha nhân.
CẦU NGUYỆN
Tôi nghe Đức Giêsu nói với tôi: «Anh tin Thầy và sống đạo của Thầy thế nào, Thầy chỉ cần dựa vào cách anh đối xử với những người chung quanh anh là Thầy biết ngay. Chắc chắn anh không thể tin Thầy đích thực khi anh đối xử với những người chung quanh anh không ra gì. Họ chính là hiện thân của Thầy bên cạnh anh. Anh đối xử với họ thế nào là đối xử với chính Thầy như vậy. Anh yêu họ chính là anh yêu Thầy. Anh làm điều gì cho họ, chính là anh làm điều đó cho Thầy».
Nguyễn Chính Kết
Bấm vào đây để đọc bài đào sâu:
Bấm vào đây để đọc bài đào sâu:
Thiên Chúa phán xét theo tiêu chuẩn duy nhất: tình yêu đối với tha nhân
(https://chiasethanhuu.blogspot.com/2020/11/tn34b.html).
(https://chiasethanhuu.blogspot.com/2020/11/tn34b.html).
Video: https://youtu.be/4rjznnCf1Rk
No comments:
Post a Comment