Tuesday, October 13, 2020

TN29a - Phải vâng lời Thiên Chúa và tiếng lương tâm hơn vâng lời người phàm




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 29 Thường Niên

(18-10-2020)


Phải vâng lời Thiên Chúa và tiếng lương tâm
hơn vâng lời người phàm




ĐỌC LỜI CHÚA

  Is 45,1.4-6: (6) Chẳng có thần nào khác, ngoại trừ Ta. Ta là Ðức Chúa, không còn chúa nào khác.

  1Tx 1,1-5b: (5) Khi chúng tôi loan báo Tin Mừng cho anh em, thì không phải chỉ có lời chúng tôi nói, mà còn có quyền năng, có Thánh Thần, và một niềm xác tín sâu xa.


  TIN MỪNG: Mt 22,15-21

Nộp thuế cho Xêda

(15) Bấy giờ những người Pharisêu đi bàn bạc với nhau, tìm cách làm cho Ðức Giêsu phải lỡ lời mà mắc bẫy. (16) Họ sai các môn đệ của họ cùng đi với những người phe Hêrôđê, đến nói với Ðức Giêsu rằng: Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật và cứ sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa. Thầy cũng chẳng vị nể ai, vì Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta. (17) Vậy xin Thầy cho biết ý kiến: có được phép nộp thuế cho Xêda hay không? (18) Nhưng Ðức Giêsu biết họ có ác ý, nên Người nói: Tại sao các người lại thử tôi, hỡi những kẻ giả hình! (19) Cho tôi xem đồng tiền nộp thuế! Họ liền đưa cho Người một quan tiền. (20) Người hỏi họ: Hình và danh hiệu này là của ai đây? (21) Họ đáp: Của Xêda. Bấy giờ, Người bảo họ: Thế thì của Xêda, trả về Xêda; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa.




CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1.   Trong cuộc đời, bạn có gặp trường hợp xung đột giữa hai bản tịch như Ðức Giêsu, nghĩa là trung thành với tôn giáo thì bị kết án là phản bội đất nước, và ngược lại, trung thành với đất nước thì bị kết án là phản bội tôn giáo không? Trong trường hợp đó, bạn cần phải hành xử thế nào?
2.   Bạn có phân biệt rõ rệt như Ðức Giêsu: cái gì của Xêda, cái gì của Thiên Chúa không? Nghĩa là phân biệt thánh ý Thiên Chúa và ý muốn của các thế lực đạo đời đang chi phối mình không? Phải coi ý muốn của ai quan trọng hơn?

Suy tư gợi ý:

1.  Tình trạng hai bản tịch của Ðức Giêsu

Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy sự xung đột giữa hai bản tịch của Ðức Giêsu, cũng tương tự như của mọi Kitô hữu có quê hương dân tộc, nghĩa là vừa là tín đồ của một tôn giáo, tức giáo tịch, vừa là người dân của một đất nước, tức quốc tịch. Ngài cũng như chúng ta, vừa phải yêu mến Thiên Chúa và có những bổn phận tôn giáo (như thờ phượng Thiên Chúa, phục vụ Giáo Hội, hành xử theo lương tâm.), vừa phải yêu quê hương đồng bào và có nghĩa vụ đối với đất nước của mình (như tôn trọng pháp luật, đóng thuế, quân dịch). Hai thứ trách nhiệm này thường phù hợp với nhau, nhưng cũng có rất nhiều trường hợp chúng xung đột nhau: trung thành với tôn giáo thì có vẻ như phản bội đất nước, và ngược lại.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, người Pharisêu và phe đảng Hêrôđê hợp nhau đặt bẫy Ðức Giêsu. Người Pharisêu là phe chủ trương trung thành với Do Thái giáo và đất nước Do Thái, vì thế, họ âm thầm chống lại người Rôma đang cai trị đất nước họ. Còn phe đảng Hêrốt là người của Hêrôđê Antipa - tiểu vương miền Galilê - chủ trương ủng hộ chính sách đô hộ của Rôma. Vì thế, hai phe này thường chống đối nhau kịch liệt: người Pharisêu coi phe Hêrôđê là phản Thiên Chúa và phản quốc; còn phe Hêrôđê là tay sai của đế quốc, tìm cách giết chết từ trong trứng nước những mầm mống chống lại đế quốc trong dân Do Thái.

Ðiều rất lạ là trong bài Tin Mừng này hai phe chống đối nhau ấy lại hợp sức với nhau hãm hại Ðức Giêsu, bằng cách đặt Ngài vào một trường hợp thật khó xử là sự xung đột giữa hai bản tịch ấy. Họ chất vấn Ngài: Có được phép nộp thuế cho Xêda hay không? Trả lời thế nào Ngài cũng đều bị kết án. Nếu nói được phép, Ngài sẽ bị người Pharisêu lên án là ủng hộ người Rôma là kẻ thù của dân tộc, đồng thời chống lại Thiên Chúa mà tín đồ Do Thái giáo coi là vị Vua duy nhất. Còn nếu bảo không được thì người của Hêrôđê sẽ bắt Ngài nộp cho chính quyền Rôma vì tội tuyên truyền phản động, chống lại chính sách của đế quốc. Nhưng Ðức Giêsu đã trả lời họ một cách thật tài tình, khiến cho cả hai phe không bắt bẻ Ngài được, đồng thời cho chúng ta một nguyên tắc để hành xử khi mang hai bản tịch trên. Ðó là «
của Xêda, trả về Xêda; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa» (Mt 22,21).



2.  Thần quyền hợp với thế quyền bách hại Ðức Giêsu

Người mang hai bản tịch như thế bị chi phối rất nhiều bởi hai lực lượng: thần quyền bên tôn giáo và thế quyền bên đất nước, xã hội. Lý tưởng nhất là hai lực lượng này cùng quan tâm đến những thiện ích chung của mọi người để cùng cộng tác với nhau, mưu lợi ích và hạnh phúc cho toàn dân. Ðó là điều đại hạnh phúc cho mọi người dân, mọi tín đồ. Nhưng tại nhiều quốc gia, thần quyền và thế quyền chống đối nhau, nhất là khi hai bên có những quan điểm căn bản ngược lại nhau. Chẳng hạn khi thế quyền chủ trương vô tôn giáo, hoặc nghiêng hẳn về một tôn giáo nào đó, coi tôn giáo đó là quốc giáo, khiến tín đồ các tôn giáo khác lâm vào thế bị bạc đãi. Lúc đó, những người dân hai bản tịch bị ngược đãi ấy bị buộc phải chọn một bên và bỏ một bên một cách thật đau lòng. Ðau lòng là vì họ chẳng muốn bỏ một bên nào, bên nào cũng hết sức thân thiết với họ. Họ lâm vào thế kẹt: hễ trung thành với tôn giáo thì bị nhà nước kết án, mà trung thành với nhà nước thì bị tôn giáo kết án.

Nhưng cũng có những trường hợp thần quyền và thế quyền hợp với nhau áp bức và bóc lột người dân vốn thấp cổ bé miệng, như trường hợp bài Tin Mừng hôm nay. Lúc đó thần quyền có thể trở thành công cụ của thế quyền hoặc ngược lại: hai bên lợi dụng thế của nhau để áp bức người dân, để cùng có lợi. Hai bên có thể thỏa hiệp với nhau, bênh vực hay tương nhượng lẫn nhau, hoặc bên này im lặng để mặc bên kia tự do hành động sai trái, bất chấp quyền lợi chung của đất nước, tôn giáo, hay người dân.

Thần quyền cũng như thế quyền đều được lập nên nhằm mục đích phục vụ lợi ích chung của dân chúng và của các tín đồ. Thần quyền còn nhằm phụng sự Thiên Chúa. Nhưng lịch sử các quốc gia và các tôn giáo, cũng như cuộc đời của Ðức Giêsu cho thấy: không phải lúc nào thần quyền và thế quyền cũng đi đúng mục đích của mình. Nhiều trường hợp họ theo đuổi những mục đích cá nhân hay tập thể nhỏ của họ. Thiết tưởng các Kitô hữu chân chính, tức những môn đệ đích thực của Ðức Giêsu, cho dù hoạt động trong thần quyền hay thế quyền, cũng luôn luôn đặt quyền lợi của Thiên Chúa, của đất nước, của tôn giáo và của dân chúng lên trên hết. Họ sẵn sàng hy sinh bản thân, quyền lợi cá nhân cũng như tập thể nhỏ của họ cho mục đích cao cả ấy. Nếu không thì càng giữ chức vụ cao, họ càng trở thành công cụ của Xatan, của sự ác, và đương nhiên chức vụ cao ấy sẽ là nhân duyên tạo nên sự trừng phạt của Thiên Chúa dành cho họ.




3.  Áp dụng nguyên tắc của Ðức Giêsu

Là tín đồ của một tôn giáo trong một đất nước, chúng ta có hai bản tịch với hai loại nghĩa vụ: một là đối với Thiên Chúa, với Giáo Hội, với đời sống tâm linh, với lương tâm con người; hai là đối với quốc gia, xã hội. Người Kitô hữu cần cố gắng thi hành trọn vẹn chừng nào có thể hai loại nghĩa vụ ấy. Việc này sẽ dễ dàng nếu hai thế lực đạo và đời cùng đồng quan điểm và cùng hợp lực với nhau vì ích lợi chung. Lúc đó, cả hai thế lực đều là những công cụ phục vụ điều thiện, vì thế, tuân theo mệnh lệnh của những thế lực ấy cũng chính là vâng lời Thiên Chúa. Thánh Phêrô đưa ra nguyên tắc: «Hãy tôn trọng mọi người, hãy yêu thương anh em, hãy kính sợ Thiên Chúa, hãy tôn trọng nhà vua» (1Pr 2,16). Ðối với nhà nước phục vụ ích lợi chung như thế, thánh Phaolô nói: «Mỗi người phải phục tùng chính quyền, vì không có quyền bính nào mà không bởi Thiên Chúa, và những quyền bính hiện hữu là do Thiên Chúa thiết lập. Như vậy, ai chống đối quyền bính là chống lại trật tự Thiên Chúa đặt ra, và kẻ nào chống lại sẽ chuốc lấy án phạt» (Rm 13,1-2). Ðó chính là áp dụng lời của Ðức Giêsu: «Của Xêda, trả về Xêda; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa» (Mt 22,21), nghĩa là nghĩa vụ thuộc bên nào thì hãy chu toàn nghĩa vụ ở bên nấy.

Tuy nhiên, lý tưởng trên nhiều khi không xảy ra, lúc đó người dân hai bản tịch sẽ gặp nhiều khó khăn. Là người Kitô hữu, chúng ta cần phải đặt thánh ý Thiên Chúa và lương tâm con người lên trên hết. Và kế đó là phải phân biệt giữa ý muốn của Thiên Chúa và ý muốn của hai thế lực đạo, đời ấy. Chủ trương và động lực của hai thế lực này không phải luôn luôn phù hợp với thánh ý của Thiên Chúa và lương tâm con người. Hai thế lực ấy vốn là bề trên, là bậc cha mẹ mà bình thường ta phải tuân phục. Ðức vâng phục Kitô giáo đòi buộc chúng ta phải tuyệt đối vâng lời bề trên bao lâu chúng ta biết mệnh lệnh của bề trên phản ảnh thánh ý của Thiên Chúa. Chừng nào chúng ta thấy mệnh lệnh của bề trên không còn phù hợp với thánh ý của Thiên Chúa, thì dù bề trên ấy là thần quyền hay thế quyền, chúng ta không phải tuân phục. Vì «phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm» (Cv 5,29)

Nếu ta biết ý của bề trên phản lại ý muốn của Thiên Chúa mà vẫn nhắm mắt vâng lời là ta đã phạm tội đồng lõa với họ. Hãy xem gương dân Do Thái, chính vì hùa theo giới lãnh đạo tôn giáo giết Ðức Giêsu và các ngôn sứ, mà hậu quả là nước Do Thái đã bị xóa tên trên bản đồ thế giới gần 20 thế kỷ.

Ðiều quan trọng là chúng ta phải thực hành thánh ý của Thiên Chúa được thể hiện qua lương tâm ngay thẳng và được giáo dục của mình, bất chấp làm như thế có ý nghĩa chính trị hay thương mại hay gì gì khác nữa. Chúng ta không chủ trương làm chính trị hay thương mại, mà chỉ chủ trương làm theo thánh Thiên Chúa hay lương tâm. Không thể vì một bổn phận nào đó mang ý nghĩa chính trị hay thương mại mà chúng ta có quyền miễn làm theo thánh ý Thiên Chúa hay theo tiếng nói của lương tâm. Trước những xung đột như thế, hãy tự hỏi: ta phải làm theo ý Thiên Chúa hay theo ý muốn của con người?




CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, chúng con đang sống trong một thế gian đầy phức tạp, việc sống theo ý muốn của Cha không phải là đơn giản, vì rất nhiều khi các nguyên tắc chồng chéo và mâu thuẫn nhau. Chính vì thế, chúng con phải biết nguyên tắc nào là cao nhất. Nguyên tắc cao nhất mà Kinh Thánh mặc khải cho, chính là: «Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm» (Cv 5,29), hay «Chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời, mới được vào Nước Trời mà thôi» (Mt 7,21). Xin cho con biết tuân thủ nguyên tắc ấy qua lương tri và lương tâm của con. Amen.

No comments:

Post a Comment