Wednesday, October 7, 2020

Le-Man-Coi - Mẹ Maria đẹp lòng Thiên Chúa vì coi nhẹ «cái tôi» và ý muốn của mình trước Thiên Chúa và thánh ý của Ngài




CHIA SẺ TIN MỪNG

Lễ Đức Mẹ Mân Côi

(07-10-2020)


Mẹ Maria đẹp lòng Thiên Chúa
vì coi nhẹ «cái tôi» và ý muốn của mình
trước Thiên Chúa và thánh ý của Ngài 



ĐỌC LỜI CHÚA

  Cv 1, 12-14: (14) Tất cả các tông đồ đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Maria thân mẫu Ðức Giêsu, và với anh em của Ðức Giêsu.

  Gl 4, 4-7: (4) Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới Lề Luật.


  TIN MỪNG: Lc 1,26-38

Truyền tin cho Ðức Maria

(26) Bà Êlisabét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáprien đến một thành miền Galilê, gọi là Nadarét, (27) gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giuse, thuộc dòng dõi vua Ðavít. Trinh nữ ấy tên là Maria.

(28) Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: Mừng vui lên, hỡi Ðấng đầy ân sủng, Ðức Chúa ở cùng bà. (29) Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì. (30) Sứ thần liền nói: Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. (31) Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. (32) Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Ðấng Tối Cao. Ðức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Ðavít, tổ tiên Người. (33) Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.

(34) Bà Maria thưa với sứ thần: Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng! (35) Sứ thần đáp: Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Ðấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Ðấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. (36) Kìa bà Êlisabét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. (37) Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được. (38) Bấy giờ bà Maria nói: Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói. Rồi sứ thần từ biệt ra đi.




CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1.   Căn cứ vào bài Tin Mừng hôm nay, lý do chính yếu khiến Ðức Maria có diễm phúc được Thiên Chúa chọn làm Mẹ Ðức Giêsu?
2.   Ðức tính nào của Ðức Maria là căn bản nhất, nổi bật nhất, khiến Mẹ là người đẹp lòng Thiên Chúa?
3.   Bạn nghĩ gì về tinh thần tự hủy, từ bỏ, quên mình? Phải chăng đó là một sự ngu xuẩn? Ngu xuẩn hay khôn ngoan? Tại sao?


Suy tư gợi ý:

1.  Ðức Maria là người đẹp lòng Thiên Chúa

Ðọc lịch sử của các dân tộc, ta thấy có nhiều thiếu nữ nghèo nàn, thuộc giai cấp thấp nhất trong xã hội, nhưng bỗng nhiên trở nên cao trọng thuộc loại nhất trong nước. Lý do: chỉ vì thiếu nữ ấy là người đẹp lòng vua, được vua yêu thương đưa lên làm hoàng hậu, một chức vụ mà ngay cả tể tướng cũng phải kính nể. Thiếu nữ ấy đẹp lòng nhà vua có thể vì sắc đẹp, vì tài năng, vì đức độ, hoặc vì tất cả những thứ ấy hợp lại, tùy theo tính khí và cách suy nghĩ của từng ông vua.

Trường hợp của Ðức Maria có phần nào tương tự. Mẹ được chọn làm Mẹ của Ðức Giêsu, Ngôi Hai Thiên Chúa. Vì thế, Mẹ trở nên hết sức cao trọng trước mặt Thiên Chúa và loài người, nên Mẹ được sứ thần kính cẩn chào với tư cách «Ðấng đầy ân sủng, Ðức Chúa ở cùng bà» (Lc 1,28). Lý do khiến Mẹ được như thế đã được sứ thần cho biết: «Vì bà đẹp lòng Thiên Chúa» (Lc 1,30)

Một vấn đề thiết tưỏng rất ích lợi cho chúng ta là xét xem Mẹ Maria đẹp lòng Thiên Chúa chủ yếu ở điểm nào. Và đó chính là những điểm chúng ta cần bắt chước. Bắt chước Mẹ ở điểm ấy không phải để được trở nên cao trọng giống như Mẹ, vì khi ta vừa nhắm mục đích ấy thì lập tức ta đã khác biệt với Mẹ một trời một vực rồi, và ta đã trở nên không đẹp lòng Thiên Chúa ngay từ mục đích ấy rồi. Chính vì Mẹ không hề mong muốn mình trở nên cao trọng, nên Mẹ mới đẹp lòng Thiên Chúa, và bởi thế mà trở nên cao trọng. Vì Thiên Chúa vẫn hành động theo kiểu: «Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng. Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường» (Lc 1, 51-52).

Nếu đặt việc đẹp lòng Thiên Chúa làm mục đích, thì kết quả là bình an, hạnh phúc, cao trọng tự nhiên sẽ tới. Nhưng nếu lấy chính hạnh phúc hay việc trở nên cao trọng của mình làm mục đích, thì mục đích ấy sẽ không đạt được, mà có thể còn bị phản nghịch lại. Ðúng như Ðức Giêsu đã nói: «
Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời» (Ga 12,25). Như thế, mục đích phải là Thiên Chúa thì kết quả mới là hạnh phúc của bản thân ta. Còn nếu mục đích là chính bản thân ta, thì kết quả không còn là bản thân ta nữa, mà lại là một cái gì phản lại ta. Ðó là qui luật ta cần nắm vững

Trong chiều hướng này, Ðức Giêsu cũng khuyên ta: «Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho» (Mt 6,33). Những thứ kia bao gồm tất cả những gì tốt đẹp liên quan đến ta, nó sẽ đến sau như kết quả tất yếu của việc tìm kiếm Nước Thiên Chúa mà ta phải đặt làm mục đích. Nó chỉ có thể là kết quả chứ không thể là mục đích.



2.  Coi bản thân mình là mục đích, xem Thiên Chúa và tha nhân là phương tiện, là nguồn gốc mọi tội lỗi và sự dữ

Theo truyền thống Kitô giáo, Luxiphe (Lucifer) - có nghĩa: mang ánh sáng - là một phẩm vị thiên thần tốt đẹp nhất, đáng yêu nhất, quyền thế nhất, hơn tất cả các phẩm vị thiên thần khác trên thiên đàng. Nếu thế, ắt hẳn ông ta phải có rất nhiều nhân đức. Và đương nhiên mọi nhân đức đều có giá trị và đều làm đẹp lòng Thiên Chúa. Nhưng cuối cùng thiên thần này đã trở thành ma quỉ, thành nguyên lý xấu ác vượt trên mọi xấu ác, và thành nguồn gốc phát sinh mọi điều xấu ác và đau khổ. Lý do: ông đã coi cái tôi của ông quá lớn, ông đặt bản thân mình lên trên Thiên Chúa, coi Thiên Chúa là phương tiện, còn bản thân mình là mục đích. Tật xấu này là căn bản của mọi tật xấu, và làm cho mọi nhân đức mình đang có trở nên vô giá trị. Ađam và Eva cũng vậy, đã đánh mất hạnh phúc của mình và của con cháu cũng vì đặt quyền lợi bản thân mình cao hơn cả lệnh truyền của Thiên Chúa.

Thiên Chúa không phải là Ðấng ích kỷ và cao ngạo, không muốn con cái hay tạo vật của mình lên cao bằng mình. Cha mẹ luôn luôn mong muốn cho con cái hơn mình, vì tục ngữ Việt Nam có câu: «con hơn cha là nhà có phúc». Thiên Chúa không hề kém quảng đại và khoáng đạt hơn các bậc cha mẹ thế gian. Mọi kiểu giải thích Kinh Thánh cho rằng chỉ vì Luxiphe và con người muốn bằng Thiên Chúa, nên đã bị Thiên Chúa chúc dữ. Giải thích như thế thì rõ ràng là đi ngược lại với kinh nghiệm bản thân của các bậc cha mẹ là luôn luôn mong cho con cái hơn mình. Giải thích như thế là coi Thiên Chúa cao ngạo, quá vị kỷ và đặt nặng cái tôi của mình hơn các bậc cha mẹ ở trần gian. Giải thích Kinh Thánh như thế một cách nào đó là hạ thấp phẩm chất của Thiên Chúa! 

Ðức Giêsu đã từng khuyên chúng ta: «Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Ðấng hoàn thiện» (Mt 5,48) Chữ «như» ở đây ngoài ý nghĩa là coi Ngài là gương mẫu để bắt chước, còn có nghĩa là giống, bằng, ngang với. Thiết tưởng ai mong muốn nên hoàn thiện bằng Thiên Chúa, không phải vì muốn đề cao mình, mà muốn sống đúng phẩm giá Thiên Chúa ban cho mình, là một điều đáng khen, và chắc chắn sẽ được Thiên Chúa chúc phúc. Chính Thiên Chúa không hề đặt nặng «cái tôi» của Ngài, điều đó được phản ảnh trung thực qua bản thân và đời sống Ðức Giêsu, Ngôi Hai Thiên Chúa, Ðấng đã sống tinh thần tự hủy, nghĩa là coi nhẹ «cái tôi», đến tận cùng (x. Pl 2,6-8).

Tội của Luxiphe và tổ tông con người là đã coi «
cái tôi » của mình quá quan trọng, quá lớn, tự biến mình thành mục đích và coi Thiên Chúa cũng như tha nhân chỉ là phương tiện.



3.  Ðiều làm Mẹ đẹp lòng Thiên Chúa nhất chính là Mẹ đã từ bỏ «cái tôi» của mình trước Thiên Chúa

Nếu coi «cái tôi» của mình như mục đích, coi Thiên Chúa hay tha nhân như phương tiện là điều làm mất lòng Thiên Chúa nhất và là nguồn gốc phát sinh mọi tội lỗi, thì trái lại, tinh thần tự hủy hay từ bỏ cái tôi là điều làm đẹp lòng Thiên Chúa nhất, và là nguồn phát sinh an vui và hạnh phúc. Thiết tưởng đây chính là nền tảng căn bản nhất của tình yêu, của sự thánh thiện, của mọi nhân đức. Có đầy đủ mọi nhân đức khác, mà thiếu tinh thần căn bản này, thì mọi nhân đức ấy đều không có nền tảng giá trị.

Sau Ðức Giêsu, thì Ðức Maria chính là mẫu gương sáng giá nhất về tinh thần tự hủy. Rất nhiều phụ nữ Do Thái đồng thời với Mẹ mong ước được làm mẹ của Ðấng Thiên Sai mà các ngôn sứ hứa, để hưởng sự giàu sang và vinh quang tột bậc cho mình. Còn Ðức Maria thì không hề mong muốn gì cho bản thân mình, Mẹ chỉ nghĩ tới vinh quang của Thiên Chúa và hạnh phúc của tha nhân. Mẹ muốn mình trở nên một công cụ để thực hiện mục đích vị tha ấy. Theo truyền thống Công giáo, Mẹ muốn hiến cuộc đời mình để phụng sự Thiên Chúa, không tưởng nghĩ đến hạnh phúc riêng của mình, cụ thể như chuyện vợ chồng. Việc đính hôn với Giuse chỉ là một cách khôn ngoan trước mặt người đời để cả hai có thể thực hiện lý tưởng ấy. Vì thế, khi được sứ thần cho biết ý định của Thiên Chúa, Mẹ đã thắc mắc ngay: «
Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!» (Lc 1,34). Mặc dù đang bị thu hút bởi lý tưởng ấy, nhưng khi biết được thánh ý Thiên Chúa muốn mình đi theo con đường khác, thì Mẹ sẵn sàng dẹp bỏ ngay ý riêng của mình để trả lời: «Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói» (Lc 1,38).




CẦU NGUYỆN

Lạy Mẹ Maria, tinh thần tự hủy, quên mình, từ bỏ mình chính là sợi dây xuyên suốt hiện diện trong tất cả mọi nhân đức của Mẹ. Vì thế, khi lần chuỗi Môi Khôi, khi suy gẫm các nhân đức của Mẹ, sự thương khó của Ðức Giêsu, sự vui mừng của Mẹ, con sẽ đặc biệt suy niệm tinh thần căn bản này luôn hiện diện trong tất cả những mầu nhiệm, nhân đức hay biến cố cuộc đời Mẹ. Xin Mẹ làm cho tinh thần ấy cũng là sợi chỉ đỏ xuyên suốt mọi tư tưởng, lời nói và hành động của con cả cuộc đời.

Nguyễn Chính Kết

 


No comments:

Post a Comment