CHIA SẺ TIN MỪNG
Chúa Nhật thứ 4 Phục Sinh
(03-05-2020)
(03-05-2020)
Mục tử nhân lành yêu thương
và hy sinh thật sự cho đàn chiên
và hy sinh thật sự cho đàn chiên
• Cv 2,14a.36-41: (36) Vậy toàn thể nhà Ítraen phải biết chắc điều này: Ðức Giêsu mà anh em đã treo trên thập giá, Thiên Chúa đã đặt Người làm Ðức Chúa và làm Ðấng Kitô.
• 1Pr 2,20b-25: (24) Tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính. Vì Người phải mang những vết thương mà anh em đã được chữa lành.
• TIN MỪNG: Ga 10,1-10
Vị Mục Tử nhân lành
Khi ấy, Ðức Giêsu nói với những người Pharisiêu: (1) Thật, tôi bảo thật các ông: Ai không đi qua cửa mà vào ràn chiên, nhưng trèo qua lối khác mà vào, người ấy là kẻ trộm, kẻ cướp. (2) Còn ai đi qua cửa mà vào, người ấy là mục tử. (3) Người giữ cửa mở cho anh ta vào, và chiên nghe tiếng của anh; anh gọi tên từng con, rồi dẫn chúng ra. (4) Khi đã cho chiên ra hết, anh ta đi trước và chiên đi theo sau, vì chúng nhận biết tiếng của anh. (5) Chúng sẽ không theo người lạ, nhưng sẽ chạy trốn, vì chúng không nhận biết tiếng người lạ. (6) Ðức Giêsu kể cho họ nghe dụ ngôn đó. Nhưng họ không hiểu những điều Người nói với họ.
(7) Vậy, Ðức Giêsu lại nói: Thật, tôi bảo thật các ông: Tôi là cửa cho chiên ra vào. (8) Mọi kẻ đến trước tôi đều là trộm cướp; nhưng chiên đã không nghe họ. (9) Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ. (10) Kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá huỷ. Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào.
Khi ấy, Ðức Giêsu nói với những người Pharisiêu: (1) Thật, tôi bảo thật các ông: Ai không đi qua cửa mà vào ràn chiên, nhưng trèo qua lối khác mà vào, người ấy là kẻ trộm, kẻ cướp. (2) Còn ai đi qua cửa mà vào, người ấy là mục tử. (3) Người giữ cửa mở cho anh ta vào, và chiên nghe tiếng của anh; anh gọi tên từng con, rồi dẫn chúng ra. (4) Khi đã cho chiên ra hết, anh ta đi trước và chiên đi theo sau, vì chúng nhận biết tiếng của anh. (5) Chúng sẽ không theo người lạ, nhưng sẽ chạy trốn, vì chúng không nhận biết tiếng người lạ. (6) Ðức Giêsu kể cho họ nghe dụ ngôn đó. Nhưng họ không hiểu những điều Người nói với họ.
(7) Vậy, Ðức Giêsu lại nói: Thật, tôi bảo thật các ông: Tôi là cửa cho chiên ra vào. (8) Mọi kẻ đến trước tôi đều là trộm cướp; nhưng chiên đã không nghe họ. (9) Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ. (10) Kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá huỷ. Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào.
Câu hỏi gợi ý:
1. Ðức Giêsu nói: «Ai không đi qua cửa mà vào ràn chiên, nhưng trèo qua lối khác mà vào, người ấy là kẻ trộm, kẻ cướp. Còn ai đi qua cửa mà vào, người ấy là mục tử» (Ga 10,1-2). Từ câu này, ta có thể suy ra phong cách của người mục tử chân chính phải như thế nào?
2. Người mục tử chân chính phải có đức tính cốt yếu nào khiến mục tử khác hẳn kẻ chăn chiên thuê hay bọn trộm cắp chiên?
3. Qua bài Tin Mừng này, Ðức Giêsu muốn nói với chính bạn điều gì? Ngài muốn bạn làm gì và có thái độ nào đối với Ngài?
Suy tư gợi ý:
1. Người mục tử trong nếp sống của người Do Thái xưa
Ðể hiểu được ý nghĩa của bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta cần trở về với nếp sống của người Do Thái thời Ðức Giêsu. Thời ấy, chiên được nuôi theo bầy hàng trăm con tại những đồng cỏ xanh. Mục tử hay người chăn chiên đi theo bầy chiên và cùng sống với chiên ngày này qua ngày khác.
Ban ngày, mục tử dẫn đàn chiên đi từ đồng cỏ này đến đồng cỏ khác để chiên ăn cỏ. Ban đêm, để tránh trộm cướp hay thú hoang, và để tránh mưa tránh rét, mục tử đưa chiên vào một nơi an toàn được gọi là ràn chiên, thường là một hang đá hay một khu đất trống có hàng rào bằng đá hoặc bằng cây bao quanh. Người chăn chiên ngủ ngay trong ràn chiên để bảo vệ chiên, và thường ở ngay cửa ràn.
Mục tử và đàn chiên vì thế gắn bó với nhau rất mật thiết. Mục tử chỉ biết có chiên của mình, và chiên cũng chỉ biết và chỉ đi theo mục tử của mình, không chịu theo bất kỳ ai khác.
2. Ý tứ của Ðức Giêsu khi nói dụ ngôn này
Ðức Giêsu nói dụ ngôn này với người Pharisiêu, sau khi đối chất với họ về việc Ngài chữa lành người mù từ thuở mới sinh (Ga 9,1-41). Nên nhớ: những người Pharisiêu là những người lãnh đạo tinh thần trong Do Thái giáo, tức đóng vai trò mục tử đối với đàn chiên. Qua dụ ngôn này, Ngài muốn cho họ thấy hai thái độ trái nghịch nhau giữa Ngài và họ trong cách đối xử với dân chúng hay các tín đồ tôn giáo. Sự trái nghịch nhau đó được thể hiện qua cách ứng xử với người mù bẩm sinh.
a) Cách ứng xử của người Pharisiêu:
Khi thấy người mù được chữa lành, thay vì mừng cho anh ta đã thoát khỏi điều bất hạnh vô cùng lớn lao, những người Pharisiêu lại có một thái độ thù nghịch và bực tức. Họ tỏ ra không có một chút tình yêu, lòng thương xót hay sự cảm thông nào đối với người mù được Ðức Giêsu chữa lành. Trái lại, họ đã dùng lề luật để bắt bẻ vị ân nhân đã chữa lành bệnh cho anh ta, đồng thời gây khó dễ cho anh và gia đình anh vì việc được chữa lành ấy. Ðối với dân chúng, họ không giống như người mục tử đích thực đối với đàn chiên, mà giống như người chăn chiên thuê. Kẻ chăn chiên thuê không yêu thương gì chiên, vì chiên không phải là của hắn (x. Ga 10,12-13).
Vì thế, trong tôn giáo, những người Pharisiêu lợi dụng chức vụ lãnh đạo, hướng dẫn để ăn trên ngồi trốc, đè đầu đè cổ dân chúng (x. Mt 23,5-6). Họ giảng dạy toàn những điều tốt nhưng chỉ để cho dân chúng làm chứ không phải họ làm (x. Mt 23,2-3). Họ giảng dạy điều tốt vì chức vụ họ đòi buộc phải làm như vậy, chứ không phải vì lòng yêu mến sự thiện mà giảng dạy. Ðức Giêsu đã tố cáo việc họ lợi dụng tôn giáo để bóc lột người nghèo, người cô thân cô thế trong xã hội (23,4.14). Nhưng họ vẫn muốn được mọi người tôn trọng, ca tụng, suy tôn, nên phải giả bộ đạo đức, phải làm những việc tốt để khoa trương (23,5), và muốn mọi người gọi mình là Rabbi hay Thầy (23,6).
b) Cách ứng xử của Ðức Giêsu:
Ðức Giêsu có một thái độ khác hẳn, một thái độ nhân từ đầy yêu thương đối với mọi người, được thể hiện một cách cụ thể trong việc Ngài chữa lành người mù. Ngài sống và hành động vì tình yêu chứ không vì lề luật. Tình yêu và lòng thương xót của Ngài đã thúc bách Ngài bất chấp luật sabát, bất chấp sự phản đối và bực tức của người Pharisiêu về việc lỗi luật của Ngài, bất chấp những hậu quả rất bất lợi có thể xảy đến cho Ngài. Ngài sẵn sàng hy sinh bản thân để xoa dịu đau khổ, để làm mọi người hạnh phúc.
Qua dụ ngôn này, Ðức Giêsu muốn cho người Pharisiêu thấy thái độ của họ đối với dân chúng, với các tín đồ tôn giáo mà họ dẫn dắt chẳng khác gì thái độ của kẻ trộm cướp, của kẻ chăn thuê đối với đàn chiên: chỉ muốn lợi dụng đàn chiên chứ không hề yêu thương chúng. Còn thái độ của Ngài mới là thái độ người mục tử đích thật: Ngài yêu thương đàn chiên đến nỗi sẵn sàng «hy sinh mạng sống mình cho đàn chiên» (Ga 10,11). Nhưng rất tiếc là họ không hiểu những điều Người nói với họ.
3. Mục tử nhân lành [=mục tử thật] và kẻ trộm cướp [=mục tử giả]
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Ðức Giêsu đưa ra một tiêu chuẩn để phân biệt mục tử và kẻ trộm cướp. Mục tử thì đi vào ràn chiên bằng cửa ràn, nghĩa là với phong thái đường đường chính chính. Còn kẻ trộm hay kẻ cướp thì không qua cửa nhưng trèo qua lối khác mà vào, với phong thái lén lút, giả dối, không đàng hoàng. Mà cửa ràn chiên, theo bài Tin Mừng hôm nay, lại cũng chính là Ðức Giêsu: «Tôi bảo thật các ông: Tôi là cửa cho chiên ra vào» (Ga 10,7). Vậy để là mục tử đích thật, người mục tử phải qua Ðức Giêsu mà đến với đàn chiên, nghĩa là phải là người yêu mến Thiên Chúa, và phục vụ đàn chiên vì Ngài, không vì một động lực nào khác.
Thật vậy, đã là mục tử chân chính thì tư tưởng, lời nói, hành động lúc nào cũng phải bộc lộ được tính quang minh chính đại, hay đường đường chính chính, luôn luôn thẳng thắn, trung thực, đáng tin. Người mục tử chân chính ít ra phải là một người quân tử. Nếu tư tưởng, lời nói và hành động như một kẻ tiểu nhân, thích quanh co, lén lút, dối trá, sợ sự thật. thì không xứng đáng làm mục tử. Hơn thế nữa, người mục tử chân chính phải có một tình yêu to tát, để có thể hy sinh đến tận cùng cho những người mà mình lãnh đạo, hướng dẫn.
Ðương nhiên để thực hiện ý định của mình, kẻ trộm cướp, tức những kẻ không có tình yêu đối với chiên nhưng lại muốn hưởng những quyền lợi của người mục tử thì phải giả làm mục tử (tức mục tử giả). Hắn tìm đủ mọi cách để chiên đi theo mình. Nhưng chiên không chịu theo người lạ, mà chạy trốn, vì chúng không nhận biết tiếng người lạ, không cảm nhận được tình thương của hắn. Vì mục tử giả hay kẻ chăn thuê chỉ biết nghĩ đến bản thân mình, đến cái lợi của mình, không nghĩ gì đến chiên, nên «khi thấy sói đến, hắn bỏ chiên mà chạy. Sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn» (Ga 10,12). Người mục tử đích thực thì yêu thương chiên, sống vì chiên, và sẵn sàng «hy sinh mạng sống mình cho đàn chiên» (Ga 10,11) «để cho chiên được sống và sống dồi dào» (10,10).
4. Ðức Giêsu là mục tử tốt lành
Ngoài mục đích đối chất với bọn Pharisiêu, Ðức Giêsu còn dùng hình ảnh rất quen thuộc ấy đối với người Do Thái để diễn tả sự yêu thương gắn bó giữa Ngài và chúng ta, những kẻ theo Ngài. Như mục tử tốt lành yêu thương và chăm sóc chiên mình thế nào, Ngài cũng yêu thương chăm sóc chúng ta như vậy.
Ngôn sứ Êdêkien đã dùng hình ảnh người mục tử với đàn chiên để diễn tả tương quan giữa Ðấng Mêsia và dân của Ngài: «Ta sẽ cho xuất hiện một mục tử để chăn dắt chúng; nó là tôi tớ của Ta: chính nó sẽ chăn dắt chúng; chính nó sẽ là mục tử của chúng» (Ed 34,23). Ngài chính là người mục tử được Thánh Vịnh mô tả: «Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi. Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính vì danh dự của Người. Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm. Chúa dọn sẵn cho con bữa tiệc ngay trước mặt quân thù. Ðầu con, Chúa xức đượm dầu thơm, ly rượu con đầy tràn chan chứa. Lòng nhân hậu và tình thương Chúa ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời, và tôi được ở đền Người những ngày tháng, những năm dài triền miên» (Tv 23).
Vì thế, khi ý thức được Ðức Giêsu luôn chăm sóc mình như người mục tử tốt lành chăm sóc đàn chiên, người Kitô hữu có thể hết sức an tâm trước tất cả mọi giông tố, thử thách trong cuộc đời. Chúng ta hãy tin tưởng vào tình thương vô biên và chân thật của Ngài, và an tâm phó thác mọi sự cho Ngài, kể cả mạng sống, hạnh phúc của mình. Nhờ đó cuộc đời ta luôn luôn bình an, vui tươi, hạnh phúc, và Tin Mừng chúng ta rao giảng mới đúng là tin mừng đích thực (=tin thật sự đem lại vui mừng!)
CẦU NGUYỆN
Lạy Cha, xin cho con nhận thức được tình thương vô bờ và quyền năng vô biên của Cha, của Ðức Giêsu, để con có thể hoàn toàn tin tưởng và phó thác mọi sự cho Cha, cho Ðức Giêsu. Nhờ đó, con luôn luôn bình an, hạnh phúc bất chấp cuộc đời có sóng gió đến đâu. Vì con luôn luôn tin tưởng rằng, con được một bàn tay quyền uy và yêu thương bảo vệ. Mọi biến cố xảy ra, dù thế nào, cuối cùng đều ích lợi cho con. Amen.
Nguyễn Chính Kết
Bấm vào đây để đọc bài đào sâu:
Hai loại mục tử trong Giáo Hội và xã hội (https://chiasethanhuu.blogspot.com/2020/04/ps4b.html).
Bấm vào đây để đọc bài đào sâu:
Hai loại mục tử trong Giáo Hội và xã hội (https://chiasethanhuu.blogspot.com/2020/04/ps4b.html).
No comments:
Post a Comment