Friday, April 24, 2020

PS3b - Đức Giêsu đến để giải phóng tâm linh con người




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 3 Phục Sinh

(26-4-2020)

Bài đào sâu

Đức Giêsu đến để giải phóng tâm linh con người




  TIN MỪNG: Lc 24,13-35

Đức Giêsu hiện ra với hai môn đệ trên đường Emmau





CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1.   Tâm trạng của hai môn đệ trên đường về Emmau thế nào? Tại sao họ lại như vậy? Họ trông chờ gì ở Đức Giêsu? Ngài có đáp lại sự chờ mong đó không?

2.   Sứ mạng của Đức Giêsu có phải là trở nên một vị anh hùng giải phóng dân tộc Ngài không? Ngài giải phóng ai? Và giải phóng khỏi cái gì?

3.   Giữa việc giải phóng thể chất, tinh thần, và việc giải phóng tâm linh, bạn coi cuộc giải phóng nào quan trọng hơn? Bạn đang chủ yếu tìm thứ giải phóng nào?

Suy tư gợi ý:

1.  Nỗi thất vọng của các môn đệ và nhiều người khác trước cái chết của Đức Giêsu

Hai môn đệ Đức Giêsu trên đường về Emmau lòng đầy chán nản, thất vọng. Suốt ba năm theo Ngài, họ những mong Ngài sẽ trở thành nhà giải phóng dân tộc khỏi ách đô hộ hà khắc của đế quốc Rôma. Hai ông hy vọng Ngài sẽ thành công, sẽ làm vua, và các ông sẽ trở thành những vị cận thần của Ngài. Suốt ba năm đó, họ có một giấc mơ thật đẹp. Nhưng những điều họ mơ ước và hy vọng tràn trề suốt ba năm nay bỗng nhiên sụp đổ chỉ trong một buổi chiều khi nghe tin Ngài thật sự đã bị đóng đinh vào thập giá và đã chết vô cùng nhục nhã. Công lênh theo Ngài suốt ba năm tan thành mây khói, hóa ra chẳng được tích sự gì. Ngài chết rồi thì ắt hẳn đám 12 tông đồ của các ông sẽ rã đám. Ai nấy đều phải trở về với cuộc sống bình thường, với nghề nghiệp tầm thường của mình như ba bốn năm trước. Thế là «mèo lại hoàn mèo», dân lại hoàn dân, ngư phủ vẫn lại là ngư phủ…

Trong một đất nước bị đô hộ khắc nghiệt bởi ngoại bang, người dân nào cũng đều mơ một ngày nào đó đất nước được giải phóng, được độc lập, người dân được tự do, no ấm, được sống trong thanh bình… Và khi Đức Giêsu xuất hiện, biết bao người quen biết Ngài đã nghĩ rằng Ngài sẽ giải phóng đất nước. Vì Ngài đã thấy tận mắt cảnh lầm than của dân chúng, và nhu cầu cấp thiết cũng như mơ ước được giải phóng của họ. Nhưng với cái chết, Ngài đã làm cho bao người mơ ước hay hy vọng như thế phải thất vọng. Vì sứ mạng mà Thiên Chúa trao cho Ngài không phải là chuyện ấy.



2.  Đức Giêsu không phải chỉ là một anh hùng giải phóng dân tộc

Giả như Đức Giêsu chỉ là một nhà giải phóng dân tộc, thì các môn đệ và nhiều người Do Thái thời ấy sẽ sung sướng và mãn nguyện biết bao! Khi ấy, có thể Ngài sẽ lập nên một triều đại lâu dài, tốt đẹp và oai hùng hơn Đavít, Salômon, tổ phụ Ngài. Và dân Do Thái sẽ được sống trong thanh bình, ấm no, đất nước được hùng cường có thể một vài trăm năm. Nhưng rồi sao? Nếu chỉ như thế thì Ngài cũng đâu hơn gì bao nhiêu so với các vị minh quân ở nhiều nước trên thế giới. Các vị này cũng làm cho đất nước mình thái bình thịnh vượng một thời gian rất dài. Nhưng hết triều đại thanh bình ấy xong thì lại đến thời điên đảo loạn lạc như ta từng thấy trong lịch sử các nước trên thế giới. Kết cục Ngài cũng chỉ là một vị minh quân nổi tiếng, gương mẫu của một đất nước, rồi… chấm hết. Mọi sự rồi đâu lại vào đấy, vẫn y như cũ, nhân loại chẳng có gì thay đổi.

Sứ mạng của Đức Giêsu không chỉ như vậy. Ngài muốn giải phóng con người từ nền tảng, gốc rễ, chứ không chỉ ở ngọn. Nguồn gốc của mọi đau khổ nơi con người là tội lỗi, tính ích kỷ, thiếu tình thương. Và nguồn gốc của tội lỗi, tính ích kỷ, thiếu tình thương là do không nhận biết Thiên Chúa là nguồn gốc của mình, cũng là nguồn hạnh phúc, nguồn sức mạnh, nguồn yêu thương vô tận của mình

Nếu không giải quyết đau khổ từ nguồn gốc đầu tiên của nó, mà chỉ giải quyết ở ngọn, nghĩa là chỉ triệt tiêu những nguyên nhân trước mắt gây ra những đau khổ cụ thể, thì đau khổ chỉ tạm thời vắng bóng rồi sẽ trở lại ngay. Như thế có khác gì để giải quyết nạn đói, ta cho dân chúng một vài tấn gạo, ăn hết số gạo đó là nạn đói lại tiếp tục. Trong các quốc gia, có biết bao vị anh hùng đã giải phóng dân tộc mình khỏi ách thống trị của bạo chúa, đem lại thanh bình no ấm. Nhưng tất cả đều chỉ được một thời gian rồi các dân tộc lại bị chiến tranh, bị lầm than rên xiết dưới ách thống trị của những ông vua, những tên quan tham tàn khác.



3.  Sứ mạng của Đức Giêsu là giải phóng tâm linh

Do đó, Đức Giêsu đến để giải phóng con người khỏi ách thống trị của tội lỗi, là nguyên nhân của đau khổ. Đồng thời giới thiệu cho con người biết Thiên Chúa, để con người khi thật sự kết hợp với Ngài, sẽ cảm nghiệm được nguồn sức mạnh, bình an và hạnh phúc đích thực ngay trong bản thân mình. Đó chính là sự sống đời đời có thể khởi sự ngay ở trần gian và sẽ triển nở viên mãn trong đời sống mai hậu: «Sự sống đời đời chính là con người nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Giêsu Kitô» (Ga 17,3)

Với nguồn sức mạnh, bình an và hạnh phúc này, dù ở đâu, trong hoàn cảnh nào, con người vẫn có thể bình an, hạnh phúc và tràn đầy sức mạnh tinh thần. Thứ bình an và hạnh phúc này là thứ không bị lệ thuộc vào ngoại cảnh, mà Đức Giêsu đã từng nói đến: «Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian» (Ga 14,27). Sự bình an và hạnh phúc ấy «không ai lấy mất được» (Ga 16,22)

Có được thứ bình an và hạnh phúc này thì dù có phải sống trong tù ngục, con người vẫn có thể hạnh phúc. Không có sự bình an và hạnh phúc này thì dù có được tự do hay được đủ mọi thuận lợi bên ngoài, con người vẫn không thật sự hạnh phúc. Vì họ đang bị ràng buộc và bị nô lệ hóa bởi chính bản thân họ, bởi tội lỗi, bởi bản năng và những tham vọng ích kỷ của họ.



4.  Giải phóng tâm linh là giải phóng khỏi «cái tôi» ích kỷ

Mục đích của Đức Giêsu khi đến trần gian là giải phóng con người khỏi tội lỗi để con người được hạnh phúc thật sự. Bản chất của tội lỗi chính là sự ích kỷ, chỉ biết nghĩ đến bản thân mình, chỉ lo tránh đau khổ cho bản thân và chỉ biết tìm hạnh phúc cho bản thân mình. Nhất là sẵn sàng vì bản thân mình mà làm người khác đau khổ, thiệt thòi. Chính sự ích kỷ này là nguyên nhân gây nên đau khổ cho bản thân và tha nhân. Đó là phong cách sống của «con người cũ», con người sống theo xác thịt. Để có hạnh phúc đích thực, con người cần được giải phóng khỏi «cái tôi» ích kỷ ấy.

Sự giải phóng này đòi hỏi «cái tôi» ích kỷ ấy hay «con người cũ» phải chết đi, phải lột xác. Con «người cũ» có chết đi, thì nó mới có thể sống lại để thành «con người mới». Chết đi chính là sẵn sàng chấp nhận đau khổ, mất mát, thiệt thòi, bị hạ bệ, nhưng đó là cái giá không có không được mà ta phải trả để có thể bước vào hạnh phúc và vinh quang đích thực. Chính Đức Giêsu cũng đã phải trải qua quá trình ấy, như Ngài đã giải thích cho hai môn đệ ở Emmau: «Nào Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?» (Ga 24,26). Lẽ nào ta lại muốn đi một con đường khác với Ngài?



CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, được giải phóng để được sống trong một chế độ tự do, dân chủ là nhu cầu cấp thiết và là điều mong ước của mọi người dân đang bị mất tự do và bị đàn áp. Nhưng còn một nhu cầu cần thiết và đáng mong ước hơn, đó là được giải phóng về mặt tâm linh. Nghĩa là được giải phóng khỏi ách nô lệ của tội lỗi, của sự ác, của tính ích kỷ, và của chính bản thân mình. Chỉ khi tâm linh của mọi người được giải phóng, thì nền tự do và dân chủ của họ mới được bảo đảm và vững bền. Xin Cha hãy giải phóng con khỏi con người ích kỷ của con, để tâm con bao trùm được cả những người chung quanh con, để con có thể coi họ như chính bản thân con.


No comments:

Post a Comment