Monday, April 27, 2020

PS4b - Hai loại mục tử trong Giáo Hội và xã hội




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 4 Phục Sinh

(03-5-2020)

Bài đào sâu

Hai loại mục tử trong Giáo Hội và xã hội


  TIN MỪNG: Ga 10,1-10

Vị Mục Tử nhân lành




CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1.   Trong Tin Mừng Gioan, đoạn về Mục tử Nhân lành được đặt ngay sau đoạn về việc Đức Giêsu chữa người mù bẩm sinh. Điều đó có ý nghĩa gì? 
2.   Trong bài Tin Mừng về Mục tử Nhân lành, Đức Giêsu đối chọi hai hình ảnh: người mục tử đích thực với người làm thuê. Thời ấy, hai hạng người ấy là những ai? Thời nay, hai hạng người ấy có còn tồn tại không? Nếu còn, thì là ai? 
3.   Làm sao phân biệt được mục tử đích thực và mục tử dỏm?

Suy tư gợi ý:

1.  Bối cảnh của bài Tin Mừng

Trong Tin Mừng Gioan, đoạn nói về vị Mục Tử nhân lành (Ga 10,1-21) được tiếp nối ngay sau đoạn nói về việc Đức Giêsu chữa người mù từ thuở mới sinh (Ga 9,1-41), điều này không phải không có ý nghĩa. Bài về việc chữa người mù (Ga 9) mô tả chân dung của những mục tử dỏm, mang danh mục tử nhưng trong thực tế chỉ là kẻ chăn thuê; và bài kia (Ga 10) mô tả chân dung của người mục tử đích thực, sẵn sàng sống chết vì đàn chiên.

Trong bài Tin Mừng về người mù được chữa lành, những mục tử dỏm –hay những người Pharisêu– được mô tả là những người chỉ quan tâm đến những luật lệ của tôn giáo chứ không quan tâm đến con người. Họ chỉ muốn bắt dân chúng thi hành những luật lệ tôn giáo chứ không màng gì đến những nhu cầu thực tế cần được cứu giúp của dân chúng. 

Còn Đức Giêsu –người mục tử đích thực– thì hành động ngược lại. Đối với Ngài, «ngày sabát», cũng như lề luật và tôn giáo, «được tạo nên cho con người, chứ không phải con người cho ngày sabát», hay cho lề luật và tôn giáo (Mc 2,27); còn họ thì quan niệm ngược lại. Họ muốn thần thánh hóa lề luật và tôn giáo hơn cả con người, đang khi chính con người –vốn «được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa» (St 1,27; 9,6) và «giống như Thiên Chúa» (St 1,26)– đáng lẽ phải được coi là linh thánh hơn rất nhiều

Tôn giáo và lề luật chỉ là những phương tiện phục vụ con người, đưa con người về với Thiên Chúa. Con người mới chính là mục đích của tôn giáo và lề luật. Ngược lại với người Pharisêu, Đức Giêsu chủ trương: «Ta muốn lòng nhân», tức tình thương giữa con người với nhau, «chứ đâu cần lễ tế» (Mt 12,7). Ngài coi chuyện làm hòa với anh em mình, tức cách cư xử yêu thương giữa con người với nhau, còn quan trọng hơn việc dâng của lễ trên bàn thờ (x. Mt 5,23-24).

Người Pharisêu coi chuyện «nộp thuế thập phân về bạc hà, thì là, rau húng» cho đền thờ là điều rất quan trọng, nhưng lại chủ trương «bỏ những điều quan trọng nhất trong Lề Luật là công lý, tình thương và lòng thành thật» (Mt 23,23). Họ coi vàng trong đền thờ còn trọng hơn cả chính đền thờ (x.23,16-17), coi lễ vật trên bàn thờ còn trọng hơn cả bàn thờ (x.23,18-19). Sở dĩ họ phải quan trọng hóa lề luật, lễ tế, các nghi thức bề ngoài và những chuyện phụ thuộc (x. Mt 23,16-22) đồng thời dạy mọi người quan niệm như vậy… vì có làm thế, vai trò của họ mới được coi trọng, được đề cao, và mọi người mới chịu dâng cúng vào đền thờ cho nhiều, nhờ đó họ mới có những lợi lộc cụ thể. Nếu quan trọng hóa theo chiều ngược lại như chủ trương của Đức Giêsu, là quan trọng hóa con người, thái độ tâm linh bên trong, nhấn mạnh đến «công lý, tình thương và lòng thành thật» (Mt 23,23) như những điều cốt yếu nhất của lề luật, thì rõ ràng họ đâu còn lợi lộc gì.

Họ dạy dân chúng quan niệm sai lầm như thế là một thủ thuật để có lợi nhuận. Vì thế, Đức Giêsu gọi họ là «những kẻ dẫn đường mù quáng» (Mt 23,16), là «những người mù dắt người mù» (Mt 15,14). Tuy nhiên, điều khiến cho họ bị kết án không phải là chuyện họ mù, nhưng là chuyện họ không bao giờ nhận mình là mù, là sai, mà cứ ngoan cố cho mình là đúng, là sáng, lại còn buộc mọi người phải tung hô mình là đúng, là sáng nữa: «Nếu các ông đui mù, thì các ông đã chẳng có tội. Nhưng giờ đây các ông nói rằng: “Chúng tôi thấy”, nên tội các ông vẫn còn!» (Ga 9,41).



2.  Người mục tử đích thực khác với người mục tử dỏm

Qua bài Tin Mừng, ta thấy điều cốt yếu khiến người mục tử đích thực khác với người mục tử dỏm là điểm này: Người mục tử đích thực thì thật sự yêu thương đàn chiên, luôn luôn nghĩ đến sự sống, lợi ích hay hạnh phúc của đàn chiên, thậm chí quên cả lợi ích hay sự sống của mình, nên sẵn sàng sống chết vì đàn chiên: «Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đàn chiên» (Ga 10,11)

Mối bận tâm lớn nhất của người mục tử đích thực là làm sao để «chiên được sống và sống dồi dào» (10,10), dồi dào về tâm linh, và nếu có thể được thì cả thể chất hay vật chất nữa: Đức Giêsu cũng lo chữa bệnh, trừ quỷ và lo cả miếng ăn cho dân chúng khi thấy cần. Vì đối với người mục tử đích thực, đàn chiên không phải là những con vật mà là con người, là «hình ảnh của Thiên Chúa», Đấng mà họ tôn thờ và hết lòng yêu mến. Sự thánh thiện của người mục tử đích thực hệ tại tình yêu thương mà họ dành cho đàn chiên.

Còn người mục tử dỏm thì chỉ nghĩ đến lợi ích và sự sống của mình, «không thiết gì đến chiên» (10,13), «nên khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy», chấp nhận để «sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn» (10,12). Đối với những mục tử dỏm này, đàn chiên có vẻ chỉ là những con vật có bổn phận cung cấp sữa và thịt để họ ăn uống thỏa thuê, cung cấp những phương tiện để họ sống xa hoa, giàu có

Ngôn sứ Êdêkiel đã mô tả hạng mục tử này như sau: «Khốn cho các mục tử Ítraen, những kẻ chỉ biết lo cho mình! Sữa chiên thì các ngươi uống, len thì các ngươi mặc, chiên béo tốt thì các ngươi giết, nhưng đàn chiên thì lại không lo chăn dắt. Chiên đau yếu, các ngươi không làm cho mạnh; chiên bệnh tật, các ngươi không chữa cho lành; chiên bị thương, các ngươi không băng bó; chiên đi lạc, các ngươi không đưa về; chiên bị mất, các ngươi không chịu đi tìm. Các ngươi thống trị chúng một cách tàn bạo và hà khắc» (Ed 34,2-4).



3.  Hai hạng mục tử trong các thời đại

Bất kỳ thời đại nào, bất kỳ xã hội hay tôn giáo nào cũng luôn luôn có hai loại mục tử nói trên. Các mục tử đích thực, biết yêu thương và hy sinh cho đàn chiên thì thời nào cũng có. Họ làm cho bộ mặt của xã hội và của các tôn giáo trở nên hấp dẫn, lôi cuốn, đáng kính đáng yêu hơn. Họ là hiện thân và là phản ảnh trung thực của Đức Giêsu, vị Mục tử Nhân lành, trong các thời đại, là con người nối dài của Ngài để cứu độ thế giới suốt dòng lịch sử. Nơi họ quy tụ rất nhiều nhân đức, tinh thần hy sinh. Họ là tinh hoa của nhân cách con người, là kết tinh của tình yêu nhân loại. 

Một trong những đặc tính căn bản của họ là lúc nào cũng làm việc, và không bao giờ hết việc để làm, nhất là trong một thế giới đầy dẫy đau khổ như hiện nay. Tình yêu đồng loại thúc đẩy họ làm việc liên tục, vô vị lợi. Tất cả những ai đến với họ đều được tiếp đón ân cần và như nhau, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn. Giả như có sự phân biệt nào đó thì bao giờ sự ưu đãi cũng nghiêng về phía người nghèo, người đau khổ.

Nhưng song song với những mục tử đích thực ấy, luôn luôn có những mục tử dỏm, cũng mang danh mục tử, cũng được phong chức mục tử, nhưng không có tâm hồn mục tử chút nào. Đối với họ, mục tử chỉ là một nghề nghiệp để kiếm sống, một nghề tương đối được ưu đãi trong xã hội và trong tôn giáo, vừa được mọi người nể nang kính trọng, vừa dễ kiếm tiền một cách khá nhàn nhã. Do chức năng phải giảng dạy, họ cũng rao giảng giáo lý, điều hay lẽ phải, cũng khuyên bảo mọi người thực hiện những điều tốt lành đạo đức, nhiều khi rất hùng hồn hấp dẫn, nhưng chính bản thân họ thì… không thực hiện. Với những lời họ khuyên bảo, ta nên áp dụng lời của Đức Giêsu: «Tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng làm theo, vì họ nói mà không làm» (Mt 23,3). Một cách nào đấy, họ vô tình phá hoại gương mặt tôn giáo của họ trong tâm trí mọi người, làm các tâm hồn thất vọng về tôn giáo ấy vì lối sống ích kỷ của họ.

Rất dễ nhận ra loại mục tử này qua những đặc tính sau đây:

đối xử phân biệt rõ ràng giữa giàu nghèo: ưu đãi và kính nể người giàu, bạc đãi và khinh thường người nghèo.

sống xa hoa, giàu sang bất chấp chung quanh và kế cận mình có biết bao người đang túng thiếu, nghèo khổ rất cần được họ giúp đỡ.

bách hại những ai dám nói sự thật về con người mình.

– ai nhờ việc gì cũng phải có tiền mới hăng hái làm.

Một số người công giáo nhận xét: hiện nay, càng ngày càng có nhiều người tin Chúa nhưng không còn tin vào Giáo Hội, và có nhiều người đã từ bỏ Giáo Hội để theo những giáo phái khác có tình người hơn. Nhận xét đó có thể đúng. Và nếu đúng thì mọi người công giáo –nhất là các vị mục tử trong Giáo Hội– đều nên xét lại chính mình. Rất có thể người công giáo đã không sống đúng những điều căn bản nhất của Tin Mừng là sống công bằng, yêu thương và thành thật, mà chỉ lo chu toàn những nghi thức tôn giáo bên ngoài. Và cũng rất có thể tỷ lệ giữa các mục tử đích thực và các mục tử dỏm không còn được như xưa: số các mục tử dỏm đã tăng lên rất nhiều. Thiết tưởng vì tương lai và sự phát triển của Giáo Hội, mọi người công giáo – đặc biệt các vị mục tử – đều có trách nhiệm phải chấn chỉnh lại cách sống của mình, và phải điều chỉnh lại tỷ lệ ấy.



CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, nếu nói Giáo Hội thiếu mục tử thì không đúng lắm, vì nếu thiếu mục tử thì chắc hẳn mọi mục tử sẽ làm việc suốt ngày không xuể. Nhưng trước mắt mọi người thì rõ ràng có khá nhiều mục tử xem ra rất nhàn nhã, nếu có bận thì bận việc gì khác chứ không phải là việc của mục tử. Có lẽ đúng hơn là Giáo Hội thiếu các mục tử đích thực, những mục tử thật sự luôn quan tâm để đàn chiên «được sống và sống dồi dào». Xin Cha ban cho Giáo Hội, không phải chỉ là những mục tử, mà là những mục tử đích thực. Amen.


Ps4a - Mục tử nhân lành yêu thương và hy sinh thật sự cho đàn chiên




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 4 Phục Sinh

(03-05-2020)


Mục tử nhân lành yêu thương
và hy sinh 
thật sự cho đàn chiên



ĐỌC LỜI CHÚA

  Cv 2,14a.36-41: (36) Vậy toàn thể nhà Ítraen phải biết chắc điều này: Ðức Giêsu mà anh em đã treo trên thập giá, Thiên Chúa đã đặt Người làm Ðức Chúa và làm Ðấng Kitô.

  1Pr 2,20b-25: (24) Tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính. Vì Người phải mang những vết thương mà anh em đã được chữa lành.

  TIN MỪNG: Ga 10,1-10

Vị Mục Tử nhân lành

Khi ấy, Ðức Giêsu nói với những người Pharisiêu: (1) Thật, tôi bảo thật các ông: Ai không đi qua cửa mà vào ràn chiên, nhưng trèo qua lối khác mà vào, người ấy là kẻ trộm, kẻ cướp. (2) Còn ai đi qua cửa mà vào, người ấy là mục tử. (3) Người giữ cửa mở cho anh ta vào, và chiên nghe tiếng của anh; anh gọi tên từng con, rồi dẫn chúng ra. (4) Khi đã cho chiên ra hết, anh ta đi trước và chiên đi theo sau, vì chúng nhận biết tiếng của anh. (5) Chúng sẽ không theo người lạ, nhưng sẽ chạy trốn, vì chúng không nhận biết tiếng người lạ. (6) Ðức Giêsu kể cho họ nghe dụ ngôn đó. Nhưng họ không hiểu những điều Người nói với họ.

(7) Vậy, Ðức Giêsu lại nói: Thật, tôi bảo thật các ông: Tôi là cửa cho chiên ra vào. (8) Mọi kẻ đến trước tôi đều là trộm cướp; nhưng chiên đã không nghe họ. (9) Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ. (10) Kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá huỷ. Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào.




CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1.   Ðức Giêsu nói: «Ai không đi qua cửa mà vào ràn chiên, nhưng trèo qua lối khác mà vào, người ấy là kẻ trộm, kẻ cướp. Còn ai đi qua cửa mà vào, người ấy là mục tử» (Ga 10,1-2). Từ câu này, ta có thể suy ra phong cách của người mục tử chân chính phải như thế nào? 
2.   Người mục tử chân chính phải có đức tính cốt yếu nào khiến mục tử khác hẳn kẻ chăn chiên thuê hay bọn trộm cắp chiên? 
3.   Qua bài Tin Mừng này, Ðức Giêsu muốn nói với chính bạn điều gì? Ngài muốn bạn làm gì và có thái độ nào đối với Ngài?

Suy tư gợi ý:

1.  Người mục tử trong nếp sống của người Do Thái xưa

Ðể hiểu được ý nghĩa của bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta cần trở về với nếp sống của người Do Thái thời Ðức Giêsu. Thời ấy, chiên được nuôi theo bầy hàng trăm con tại những đồng cỏ xanh. Mục tử hay người chăn chiên đi theo bầy chiên và cùng sống với chiên ngày này qua ngày khác. 

Ban ngày, mục tử dẫn đàn chiên đi từ đồng cỏ này đến đồng cỏ khác để chiên ăn cỏ. Ban đêm, để tránh trộm cướp hay thú hoang, và để tránh mưa tránh rét, mục tử đưa chiên vào một nơi an toàn được gọi là ràn chiên, thường là một hang đá hay một khu đất trống có hàng rào bằng đá hoặc bằng cây bao quanh. Người chăn chiên ngủ ngay trong ràn chiên để bảo vệ chiên, và thường ở ngay cửa ràn. 

Mục tử và đàn chiên vì thế gắn bó với nhau rất mật thiết. Mục tử chỉ biết có chiên của mình, và chiên cũng chỉ biết và chỉ đi theo mục tử của mình, không chịu theo bất kỳ ai khác.



2.  Ý tứ của Ðức Giêsu khi nói dụ ngôn này

Ðức Giêsu nói dụ ngôn này với người Pharisiêu, sau khi đối chất với họ về việc Ngài chữa lành người mù từ thuở mới sinh (Ga 9,1-41). Nên nhớ: những người Pharisiêu là những người lãnh đạo tinh thần trong Do Thái giáo, tức đóng vai trò mục tử đối với đàn chiên. Qua dụ ngôn này, Ngài muốn cho họ thấy hai thái độ trái nghịch nhau giữa Ngài và họ trong cách đối xử với dân chúng hay các tín đồ tôn giáo. Sự trái nghịch nhau đó được thể hiện qua cách ứng xử với người mù bẩm sinh.

a) Cách ứng xử của người Pharisiêu:

Khi thấy người mù được chữa lành, thay vì mừng cho anh ta đã thoát khỏi điều bất hạnh vô cùng lớn lao, những người Pharisiêu lại có một thái độ thù nghịchbực tức. Họ tỏ ra không có một chút tình yêu, lòng thương xót hay sự cảm thông nào đối với người mù được Ðức Giêsu chữa lành. Trái lại, họ đã dùng lề luật để bắt bẻ vị ân nhân đã chữa lành bệnh cho anh ta, đồng thời gây khó dễ cho anh và gia đình anh vì việc được chữa lành ấy. Ðối với dân chúng, họ không giống như người mục tử đích thực đối với đàn chiên, mà giống như người chăn chiên thuê. Kẻ chăn chiên thuê không yêu thương gì chiên, vì chiên không phải là của hắn (x. Ga 10,12-13).

Vì thế, trong tôn giáo, những người Pharisiêu lợi dụng chức vụ lãnh đạo, hướng dẫn để ăn trên ngồi trốc, đè đầu đè cổ dân chúng (x. Mt 23,5-6). Họ giảng dạy toàn những điều tốt nhưng chỉ để cho dân chúng làm chứ không phải họ làm (x. Mt 23,2-3). Họ giảng dạy điều tốt vì chức vụ họ đòi buộc phải làm như vậy, chứ không phải vì lòng yêu mến sự thiện mà giảng dạy. Ðức Giêsu đã tố cáo việc họ lợi dụng tôn giáo để bóc lột người nghèo, người cô thân cô thế trong xã hội (23,4.14). Nhưng họ vẫn muốn được mọi người tôn trọng, ca tụng, suy tôn, nên phải giả bộ đạo đức, phải làm những việc tốt để khoa trương (23,5), và muốn mọi người gọi mình là Rabbi hay Thầy (23,6).

b) Cách ứng xử của Ðức Giêsu:

Ðức Giêsu có một thái độ khác hẳn, một thái độ nhân từ đầy yêu thương đối với mọi người, được thể hiện một cách cụ thể trong việc Ngài chữa lành người mù. Ngài sống và hành động vì tình yêu chứ không vì lề luật. Tình yêu và lòng thương xót của Ngài đã thúc bách Ngài bất chấp luật sabát, bất chấp sự phản đối và bực tức của người Pharisiêu về việc lỗi luật của Ngài, bất chấp những hậu quả rất bất lợi có thể xảy đến cho Ngài. Ngài sẵn sàng hy sinh bản thân để xoa dịu đau khổ, để làm mọi người hạnh phúc.

Qua dụ ngôn này, Ðức Giêsu muốn cho người Pharisiêu thấy thái độ của họ đối với dân chúng, với các tín đồ tôn giáo mà họ dẫn dắt chẳng khác gì thái độ của kẻ trộm cướp, của kẻ chăn thuê đối với đàn chiên: chỉ muốn lợi dụng đàn chiên chứ không hề yêu thương chúng. Còn thái độ của Ngài mới là thái độ người mục tử đích thật: Ngài yêu thương đàn chiên đến nỗi sẵn sàng «hy sinh mạng sống mình cho đàn chiên» (Ga 10,11). Nhưng rất tiếc là họ không hiểu những điều Người nói với họ.



3.  Mục tử nhân lành [=mục tử thật] và kẻ trộm cướp [=mục tử giả]

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Ðức Giêsu đưa ra một tiêu chuẩn để phân biệt mục tử và kẻ trộm cướp. Mục tử thì đi vào ràn chiên bằng cửa ràn, nghĩa là với phong thái đường đường chính chính. Còn kẻ trộm hay kẻ cướp thì không qua cửa nhưng trèo qua lối khác mà vào, với phong thái lén lút, giả dối, không đàng hoàng. Mà cửa ràn chiên, theo bài Tin Mừng hôm nay, lại cũng chính là Ðức Giêsu: «Tôi bảo thật các ông: Tôi là cửa cho chiên ra vào» (Ga 10,7). Vậy để là mục tử đích thật, người mục tử phải qua Ðức Giêsu mà đến với đàn chiên, nghĩa là phải là người yêu mến Thiên Chúa, và phục vụ đàn chiên vì Ngài, không vì một động lực nào khác.

Thật vậy, đã là mục tử chân chính thì tư tưởng, lời nói, hành động lúc nào cũng phải bộc lộ được tính quang minh chính đại, hay đường đường chính chính, luôn luôn thẳng thắn, trung thực, đáng tin. Người mục tử chân chính ít ra phải là một người quân tử. Nếu tư tưởng, lời nói và hành động như một kẻ tiểu nhân, thích quanh co, lén lút, dối trá, sợ sự thật. thì không xứng đáng làm mục tử. Hơn thế nữa, người mục tử chân chính phải có một tình yêu to tát, để có thể hy sinh đến tận cùng cho những người mà mình lãnh đạo, hướng dẫn.

Ðương nhiên để thực hiện ý định của mình, kẻ trộm cướp, tức những kẻ không có tình yêu đối với chiên nhưng lại muốn hưởng những quyền lợi của người mục tử thì phải giả làm mục tử (tức mục tử giả). Hắn tìm đủ mọi cách để chiên đi theo mình. Nhưng chiên không chịu theo người lạ, mà chạy trốn, vì chúng không nhận biết tiếng người lạ, không cảm nhận được tình thương của hắn. Vì mục tử giả hay kẻ chăn thuê chỉ biết nghĩ đến bản thân mình, đến cái lợi của mình, không nghĩ gì đến chiên, nên «khi thấy sói đến, hắn bỏ chiên mà chạy. Sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn» (Ga 10,12). Người mục tử đích thực thì yêu thương chiên, sống vì chiên, và sẵn sàng «hy sinh mạng sống mình cho đàn chiên» (Ga 10,11) «để cho chiên được sống và sống dồi dào» (10,10).



4.  Ðức Giêsu là mục tử tốt lành

Ngoài mục đích đối chất với bọn Pharisiêu, Ðức Giêsu còn dùng hình ảnh rất quen thuộc ấy đối với người Do Thái để diễn tả sự yêu thương gắn bó giữa Ngài và chúng ta, những kẻ theo Ngài. Như mục tử tốt lành yêu thương và chăm sóc chiên mình thế nào, Ngài cũng yêu thương chăm sóc chúng ta như vậy. 

Ngôn sứ Êdêkien đã dùng hình ảnh người mục tử với đàn chiên để diễn tả tương quan giữa Ðấng Mêsia và dân của Ngài: «Ta sẽ cho xuất hiện một mục tử để chăn dắt chúng; nó là tôi tớ của Ta: chính nó sẽ chăn dắt chúng; chính nó sẽ là mục tử của chúng» (Ed 34,23). Ngài chính là người mục tử được Thánh Vịnh mô tả: «Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi. Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính vì danh dự của Người. Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm. Chúa dọn sẵn cho con bữa tiệc ngay trước mặt quân thù. Ðầu con, Chúa xức đượm dầu thơm, ly rượu con đầy tràn chan chứa. Lòng nhân hậu và tình thương Chúa ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời, và tôi được ở đền Người những ngày tháng, những năm dài triền miên» (Tv 23).

Vì thế, khi ý thức được Ðức Giêsu luôn chăm sóc mình như người mục tử tốt lành chăm sóc đàn chiên, người Kitô hữu có thể hết sức an tâm trước tất cả mọi giông tố, thử thách trong cuộc đời. Chúng ta hãy tin tưởng vào tình thương vô biên và chân thật của Ngài, và an tâm phó thác mọi sự cho Ngài, kể cả mạng sống, hạnh phúc của mình. Nhờ đó cuộc đời ta luôn luôn bình an, vui tươi, hạnh phúc, và Tin Mừng chúng ta rao giảng mới đúng là tin mừng đích thực (=tin thật sự đem lại vui mừng!)



CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, xin cho con nhận thức được tình thương vô bờ và quyền năng vô biên của Cha, của Ðức Giêsu, để con có thể hoàn toàn tin tưởng và phó thác mọi sự cho Cha, cho Ðức Giêsu. Nhờ đó, con luôn luôn bình an, hạnh phúc bất chấp cuộc đời có sóng gió đến đâu. Vì con luôn luôn tin tưởng rằng, con được một bàn tay quyền uy và yêu thương bảo vệ. Mọi biến cố xảy ra, dù thế nào, cuối cùng đều ích lợi cho con. Amen.

Nguyễn Chính Kết




Friday, April 24, 2020

PS3b - Đức Giêsu đến để giải phóng tâm linh con người




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 3 Phục Sinh

(26-4-2020)

Bài đào sâu

Đức Giêsu đến để giải phóng tâm linh con người




  TIN MỪNG: Lc 24,13-35

Đức Giêsu hiện ra với hai môn đệ trên đường Emmau





CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1.   Tâm trạng của hai môn đệ trên đường về Emmau thế nào? Tại sao họ lại như vậy? Họ trông chờ gì ở Đức Giêsu? Ngài có đáp lại sự chờ mong đó không?

2.   Sứ mạng của Đức Giêsu có phải là trở nên một vị anh hùng giải phóng dân tộc Ngài không? Ngài giải phóng ai? Và giải phóng khỏi cái gì?

3.   Giữa việc giải phóng thể chất, tinh thần, và việc giải phóng tâm linh, bạn coi cuộc giải phóng nào quan trọng hơn? Bạn đang chủ yếu tìm thứ giải phóng nào?

Suy tư gợi ý:

1.  Nỗi thất vọng của các môn đệ và nhiều người khác trước cái chết của Đức Giêsu

Hai môn đệ Đức Giêsu trên đường về Emmau lòng đầy chán nản, thất vọng. Suốt ba năm theo Ngài, họ những mong Ngài sẽ trở thành nhà giải phóng dân tộc khỏi ách đô hộ hà khắc của đế quốc Rôma. Hai ông hy vọng Ngài sẽ thành công, sẽ làm vua, và các ông sẽ trở thành những vị cận thần của Ngài. Suốt ba năm đó, họ có một giấc mơ thật đẹp. Nhưng những điều họ mơ ước và hy vọng tràn trề suốt ba năm nay bỗng nhiên sụp đổ chỉ trong một buổi chiều khi nghe tin Ngài thật sự đã bị đóng đinh vào thập giá và đã chết vô cùng nhục nhã. Công lênh theo Ngài suốt ba năm tan thành mây khói, hóa ra chẳng được tích sự gì. Ngài chết rồi thì ắt hẳn đám 12 tông đồ của các ông sẽ rã đám. Ai nấy đều phải trở về với cuộc sống bình thường, với nghề nghiệp tầm thường của mình như ba bốn năm trước. Thế là «mèo lại hoàn mèo», dân lại hoàn dân, ngư phủ vẫn lại là ngư phủ…

Trong một đất nước bị đô hộ khắc nghiệt bởi ngoại bang, người dân nào cũng đều mơ một ngày nào đó đất nước được giải phóng, được độc lập, người dân được tự do, no ấm, được sống trong thanh bình… Và khi Đức Giêsu xuất hiện, biết bao người quen biết Ngài đã nghĩ rằng Ngài sẽ giải phóng đất nước. Vì Ngài đã thấy tận mắt cảnh lầm than của dân chúng, và nhu cầu cấp thiết cũng như mơ ước được giải phóng của họ. Nhưng với cái chết, Ngài đã làm cho bao người mơ ước hay hy vọng như thế phải thất vọng. Vì sứ mạng mà Thiên Chúa trao cho Ngài không phải là chuyện ấy.



2.  Đức Giêsu không phải chỉ là một anh hùng giải phóng dân tộc

Giả như Đức Giêsu chỉ là một nhà giải phóng dân tộc, thì các môn đệ và nhiều người Do Thái thời ấy sẽ sung sướng và mãn nguyện biết bao! Khi ấy, có thể Ngài sẽ lập nên một triều đại lâu dài, tốt đẹp và oai hùng hơn Đavít, Salômon, tổ phụ Ngài. Và dân Do Thái sẽ được sống trong thanh bình, ấm no, đất nước được hùng cường có thể một vài trăm năm. Nhưng rồi sao? Nếu chỉ như thế thì Ngài cũng đâu hơn gì bao nhiêu so với các vị minh quân ở nhiều nước trên thế giới. Các vị này cũng làm cho đất nước mình thái bình thịnh vượng một thời gian rất dài. Nhưng hết triều đại thanh bình ấy xong thì lại đến thời điên đảo loạn lạc như ta từng thấy trong lịch sử các nước trên thế giới. Kết cục Ngài cũng chỉ là một vị minh quân nổi tiếng, gương mẫu của một đất nước, rồi… chấm hết. Mọi sự rồi đâu lại vào đấy, vẫn y như cũ, nhân loại chẳng có gì thay đổi.

Sứ mạng của Đức Giêsu không chỉ như vậy. Ngài muốn giải phóng con người từ nền tảng, gốc rễ, chứ không chỉ ở ngọn. Nguồn gốc của mọi đau khổ nơi con người là tội lỗi, tính ích kỷ, thiếu tình thương. Và nguồn gốc của tội lỗi, tính ích kỷ, thiếu tình thương là do không nhận biết Thiên Chúa là nguồn gốc của mình, cũng là nguồn hạnh phúc, nguồn sức mạnh, nguồn yêu thương vô tận của mình

Nếu không giải quyết đau khổ từ nguồn gốc đầu tiên của nó, mà chỉ giải quyết ở ngọn, nghĩa là chỉ triệt tiêu những nguyên nhân trước mắt gây ra những đau khổ cụ thể, thì đau khổ chỉ tạm thời vắng bóng rồi sẽ trở lại ngay. Như thế có khác gì để giải quyết nạn đói, ta cho dân chúng một vài tấn gạo, ăn hết số gạo đó là nạn đói lại tiếp tục. Trong các quốc gia, có biết bao vị anh hùng đã giải phóng dân tộc mình khỏi ách thống trị của bạo chúa, đem lại thanh bình no ấm. Nhưng tất cả đều chỉ được một thời gian rồi các dân tộc lại bị chiến tranh, bị lầm than rên xiết dưới ách thống trị của những ông vua, những tên quan tham tàn khác.



3.  Sứ mạng của Đức Giêsu là giải phóng tâm linh

Do đó, Đức Giêsu đến để giải phóng con người khỏi ách thống trị của tội lỗi, là nguyên nhân của đau khổ. Đồng thời giới thiệu cho con người biết Thiên Chúa, để con người khi thật sự kết hợp với Ngài, sẽ cảm nghiệm được nguồn sức mạnh, bình an và hạnh phúc đích thực ngay trong bản thân mình. Đó chính là sự sống đời đời có thể khởi sự ngay ở trần gian và sẽ triển nở viên mãn trong đời sống mai hậu: «Sự sống đời đời chính là con người nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Giêsu Kitô» (Ga 17,3)

Với nguồn sức mạnh, bình an và hạnh phúc này, dù ở đâu, trong hoàn cảnh nào, con người vẫn có thể bình an, hạnh phúc và tràn đầy sức mạnh tinh thần. Thứ bình an và hạnh phúc này là thứ không bị lệ thuộc vào ngoại cảnh, mà Đức Giêsu đã từng nói đến: «Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian» (Ga 14,27). Sự bình an và hạnh phúc ấy «không ai lấy mất được» (Ga 16,22)

Có được thứ bình an và hạnh phúc này thì dù có phải sống trong tù ngục, con người vẫn có thể hạnh phúc. Không có sự bình an và hạnh phúc này thì dù có được tự do hay được đủ mọi thuận lợi bên ngoài, con người vẫn không thật sự hạnh phúc. Vì họ đang bị ràng buộc và bị nô lệ hóa bởi chính bản thân họ, bởi tội lỗi, bởi bản năng và những tham vọng ích kỷ của họ.



4.  Giải phóng tâm linh là giải phóng khỏi «cái tôi» ích kỷ

Mục đích của Đức Giêsu khi đến trần gian là giải phóng con người khỏi tội lỗi để con người được hạnh phúc thật sự. Bản chất của tội lỗi chính là sự ích kỷ, chỉ biết nghĩ đến bản thân mình, chỉ lo tránh đau khổ cho bản thân và chỉ biết tìm hạnh phúc cho bản thân mình. Nhất là sẵn sàng vì bản thân mình mà làm người khác đau khổ, thiệt thòi. Chính sự ích kỷ này là nguyên nhân gây nên đau khổ cho bản thân và tha nhân. Đó là phong cách sống của «con người cũ», con người sống theo xác thịt. Để có hạnh phúc đích thực, con người cần được giải phóng khỏi «cái tôi» ích kỷ ấy.

Sự giải phóng này đòi hỏi «cái tôi» ích kỷ ấy hay «con người cũ» phải chết đi, phải lột xác. Con «người cũ» có chết đi, thì nó mới có thể sống lại để thành «con người mới». Chết đi chính là sẵn sàng chấp nhận đau khổ, mất mát, thiệt thòi, bị hạ bệ, nhưng đó là cái giá không có không được mà ta phải trả để có thể bước vào hạnh phúc và vinh quang đích thực. Chính Đức Giêsu cũng đã phải trải qua quá trình ấy, như Ngài đã giải thích cho hai môn đệ ở Emmau: «Nào Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?» (Ga 24,26). Lẽ nào ta lại muốn đi một con đường khác với Ngài?



CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, được giải phóng để được sống trong một chế độ tự do, dân chủ là nhu cầu cấp thiết và là điều mong ước của mọi người dân đang bị mất tự do và bị đàn áp. Nhưng còn một nhu cầu cần thiết và đáng mong ước hơn, đó là được giải phóng về mặt tâm linh. Nghĩa là được giải phóng khỏi ách nô lệ của tội lỗi, của sự ác, của tính ích kỷ, và của chính bản thân mình. Chỉ khi tâm linh của mọi người được giải phóng, thì nền tự do và dân chủ của họ mới được bảo đảm và vững bền. Xin Cha hãy giải phóng con khỏi con người ích kỷ của con, để tâm con bao trùm được cả những người chung quanh con, để con có thể coi họ như chính bản thân con.


Ps3a - Chúng ta thường không nhận ra Đức Giêsu nơi những người ta gặp mỗi ngày




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 3 Phục Sinh

(26-4-2020)

Chúng ta thường không nhận ra Đức Giêsu nơi những người ta gặp mỗi ngày



ĐỌC LỜI CHÚA

  Cv 2,14.22-33: (23) Theo kế hoạch Thiên Chúa đã định và biết trước, Ðức Giêsu ấy đã bị nộp, và anh em đã dùng bàn tay kẻ dữ đóng đinh Người vào thập giá mà giết đi. (24) Nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại, giải thoát Người khỏi những đau khổ của cái chết. Vì lẽ cái chết không tài nào khống chế được Người mãi.

  1Pr 1,17-21: (21) Nhờ Ðức Kitô, anh em tin vào Thiên Chúa, Ðấng đã cho Người trỗi dậy từ cõi chết, và ban cho Người được vinh hiển, để anh em đặt niềm tin và hy vọng vào Thiên Chúa.


  TIN MỪNG: Lc 24,13-35

Ðức Giêsu hiện ra với hai môn đệ trên đường Emmau

(13) Cũng ngày hôm ấy, có hai người trong nhóm môn đệ đi đến một làng kia tên là Emmau, cách Giêrusalem chừng mười một cây số. (14) Họ trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc mới xảy ra. (15) Ðang lúc họ trò chuyện và bàn tán, thì chính Ðức Giêsu tiến đến gần và cùng đi với họ. (16) Nhưng mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người. (17) Người hỏi họ: Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy? Họ dừng lại, vẻ mặt buồn rầu.



(18) Một trong hai người tên là Clêôpát trả lời: Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giêrusalem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay. (19) Ðức Giêsu hỏi: Chuyện gì vậy? Họ thưa: Chuyện ông Giêsu Nadarét. Người là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân. (20) Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Người để Người bị án tử hình, và đã đóng đinh Người vào thập giá. (21) Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Ðấng sẽ cứu chuộc Ítraen. Hơn nữa, những việc ấy xảy ra đến nay là ngày thứ ba rồi. (22) Thật ra, cũng có mấy người đàn bà trong nhóm chúng tôi đã làm chúng tôi kinh ngạc. Các bà ấy ra mộ hồi sáng sớm, (23) không thấy xác Người đâu cả, về còn nói là đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng Người vẫn sống. (24) Vài người trong nhóm chúng tôi đã ra mộ, và thấy sự việc y như các bà ấy nói; còn chính Người thì họ không thấy.

(25) Bấy giờ Ðức Giêsu nói với hai ông rằng: Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ! (26) Nào Ðấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao? (27) Rồi bắt đầu từ ông Môsê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh.

(28) Khi gần tới làng họ muốn đến, Ðức Giêsu làm như còn phải đi xa hơn nữa. (29) Họ nài ép Người rằng: Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn. Bấy giờ Người mới vào và ở lại với họ. (30) Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. (31) Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất. (32) Họ mới bảo nhau: Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?

(33) Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giêrusalem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó. (34) Những người này bảo hai ông: Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Simôn. (35) Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.




CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1.   Có bao giờ bạn nghĩ: rất có thể mình cũng sẽ gặp trường hợp tương tự như hai môn đệ làng Emau: một người nào đó nói chuyện với mình, yêu cầu mình giúp đỡ, lại chính là Ðức Giêsu không? Có thể rút ra bài học gì từ bài Tin Mừng hôm nay về sự đồng hóa giữa Ðức Giêsu và tha nhân (tha nhân là Ðức Giêsu, Ðức Giêsu là tha nhân của ta)?

2.   Có người chủ trương: yêu người chính là yêu Thiên Chúa. Chủ trương ấy có nền tảng trong Kinh Thánh không? Hãy trưng dẫn một vài câu tiêu biểu.

Suy tư gợi ý:

1.  Hai tông đồ ở Emmau không nhận ra Ðức Giêsu nơi người bộ hành cùng đi với mình

Một điều khá kỳ thú trong bài Tin Mừng hôm nay, đó là các tông đồ đã sống với Ðức Giêsu suốt ba năm, đã từng nghe Ngài nói, giảng dạy, thế mà nay, khi Ngài sống lại, cùng đi với các ông, giảng dạy cho các ông, các ông lại không nhận ra Ngài. Có lẽ Ngài đã mang một bộ mặt xa lạ, đã đội lốt một người bộ hành như bao bộ hành khác. Ðiều các ông không ngờ được là người mà các ông tưởng là một bộ hành xa lạ ấy lại chính là Ðức Giêsu, Thầy mình. Các ông chỉ nhận ra Ngài khi Ngài đồng bàn với họ, chính xác là khi Ngài cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. Nghĩa là khi các ông thấy có sự giống nhau giữa người bộ hành này với Thầy mình. Rất may là các ông đã đối xử với người bộ hành ấy rất tốt: chăm chú nghe người ấy nói, mời ở lại dùng bữa. Nếu không thì thật đáng tiếc.



2.  Coi chừng kẻo chính chúng ta cũng không nhận ra Ðức Giêsu nơi những người chung quanh ta

Ðiều kỳ thú đó cũng xảy ra một cách tương tự biết bao lần trong đời sống chúng ta. Chúng ta sống với những người chung quanh mình, mà không bao giờ hoặc rất ít khi ta nhận ra Thiên Chúa hay Ðức Giêsu ở nơi họ. Dường như đối với ta, Thiên Chúa hay Ðức Giêsu là người ở đâu đâu, ở trên trời, ở trong nhà tạm của nhà thờ, hoặc ở khắp nơi một cách thiêng liêng. Ngài có vẻ là một thực tại rất trừu tượng, nếu có cụ thể thì chỉ là những ảnh vẽ, những bức tượng bất động, vô hồn. Và tình yêu của chúng ta đối với Ngài cũng rất trừu tượng, rất bí tích, chỉ được thể hiện bằng sự hướng thiện, bằng việc năng cầu nguyện, năng tham dự và lãnh nhận các bí tích.

Nhưng bài Tin Mừng hôm nay nhắc lại cho chúng ta một chân lý hết sức quan trọng. Thiên Chúa hay Ðức Giêsu có thể chính là người bộ hành mà mình ngỡ là rất xa lạ. Nghĩa là Ngài có thể mặc lấy những bộ mặt khác nhau, hình dáng khác nhau, với những tính tình khác nhau, tư cách điệu bộ khác nhau nơi những người ta gặp trên đời, nơi những người sống chung quanh ta. Và tình yêu của chúng ta  nếu có  đối với Ngài thì phải được thể hiện cụ thể nơi những con người cụ thể ấy, chứ không phải một cách trừu tượng

Có thể nói: muốn yêu Ðức Giêsu, thì cách tốt nhất, cụ thể nhất và chắc chắn nhất là yêu những người chung quanh ta, và bất kỳ người nào ta gặp trong cuộc đời. Và cũng có thể nói một cách chắc chắn: nếu ta không yêu những người ấy, thì ta không thật sự yêu Ðức Giêsu hay yêu Thiên Chúa. Nếu ta tưởng rằng mình yêu Thiên Chúa, yêu Ðức Giêsu bằng cách này hay cách khác, nhưng ta không hề yêu Ngài nơi những con người cụ thể chung quanh ta, thì tình yêu ấy chắc chắn chỉ là một ảo tưởng. Rất có thể ta đang yêu chính bản thân mình một cách ích kỷ, nhưng sự ích kỷ ấy lại mặc lấy một hình thức khôn khéo là yêu Thiên Chúa hay Ðức Giêsu một cách trừu tượng.



3.  Ðức Giêsu đồng hóa chính Ngài với tha nhân của ta

Có thể nói những người chung quanh ta là những Ðức Giêsu rất sống động, rất cụ thể. Hay nói một cách khác, trong một mức độ nào đó, họ chính là hiện thân của Thiên Chúa hay Ðức Giêsu. Chân lý này có một nền tảng rất vững chắc trong Kinh Thánh.

a. Tha nhân là hình ảnh của Thiên Chúa (x. St 1,26.27; 9,6)

Chúng ta không thể yêu Thiên Chúa hay Ðức Giêsu mà không yêu hình ảnh hay hiện thân của Ngài. Khi hai người yêu thương nhau, họ rất quí hình ảnh của nhau, và hình ảnh đó là một biểu trưng có tính đại diện cho chính người trong ảnh. Coi thường hay xúc phạm đến hình ảnh của một người luôn luôn được coi là xúc phạm đến chính con người ấy. Hai môn đệ làng Emau nhận ra người bộ hành là Ðức Giêsu khi người ấy bẻ bánh giống như Ðức Giêsu. Lời kinh thánh nói: «Con người được tạo dựng giống như Thiên Chúa» (St 1,26; 5,1), lời ấy có đủ để làm ta nhận ra Ngài nơi họ không?

b. Tha nhân là con cái Thiên Chúa (x. Lc 20,36; Ga 11,52; Rm 8,14.16.21; Gl 3,26; 1Ga 3,1.2.10; )

Tất cả chúng ta đều là con cái Thiên Chúa, đều gọi Thiên Chúa là Cha, và cùng là anh em với nhau. Con cái một cách nào đó là hiện thân của cha mẹ. Kinh nghiệm đời sống cho ta thấy: ai yêu cha mẹ tất nhiên cũng yêu thương anh chị em mình. Và ai không yêu thương anh chị em mình, chắc chắn tình yêu đối với cha mẹ cũng rất nhạt nhẽo hoặc giả tạo.

c. Từ những căn bản trên, Ðức Giêsu đồng hóa chính Ngài với tha nhân của ta (x. Mt 10.40; 18,5; 25,40.45; Lc 10,16)

Ta làm gì cho tha nhân của ta, trước tiên là những người gần gũi ta nhất, rồi đến những người sống chung quanh ta, những người ta thường gặp, và tất cả mọi người, chính là làm cho Ngài. Ta yêu họ chính là ta yêu Ngài, ta ghét họ chính là ta ghét Ngài, hy sinh cho họ là hy sinh cho Ngài, làm hại họ là làm hại chính Ngài.



4.  Yêu tha nhân là yêu Thiên Chúa, và là chu toàn luật Chúa

Trong Cựu Ước, khi trình độ con người còn thấp, có sự phân biệt rõ rệt giữa Thiên Chúa và tha nhân. Vì thế, có hai điều răn quan trọng nhất là: «Hãy yêu mến ÐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ, hết sức anh em» (Ðnl 6,5) và «hãy yêu người khác như chính mình» (Lv 19,18). Ðức Giêsu đã nhắc lại hai điều răn ấy như hai điều luật căn bản của Lề Luật cũ. 

Nhưng qua thời Tân Ước, khi trình độ của con người cao hơn, hai điều răn ấy được tóm lại thành một: hễ yêu Chúa tất nhiên phải yêu tha nhân, và hễ yêu tha nhân thật tình tất nhiên là đã yêu Chúa rồi. Thánh Gioan viết: «Nếu ai nói: "Tôi yêu mến Thiên Chúa" mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy» (1Ga 4,20). Vì thế, thánh Phaolô viết: «Ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật» (Rm 13,8.10), «Anh em hãy mang gánh nặng cho nhau, như vậy là anh em chu toàn luật Ðức Kitô» (Gl 6,2). Thánh Giacôbê cũng nói: «Anh em làm điều tốt nếu anh em chu toàn luật Kinh Thánh được đưa lên hàng đầu là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình» (Gc 2,8).

Tóm lại, bài Tin Mừng hôm nay nhắc nhở chúng ta chân lý quan trọng này: tha nhân chính là hình ảnh, hay một cách nào đó, là hiện thân của Thiên Chúa hay Ðức Giêsu. Vì thế, chúng ta hãy tập nhìn họ là Emmanuel (Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta). Thiên Chúa hay Ðức Giêsu đang ở giữa chúng ta, ở với chúng ta qua những người chung quanh ta.



CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, bài Tin Mừng hôm nay thật là tuyệt vời, nó cho con thấy và nhắc lại cho con một chân lý kỳ diệu: Những người gần gũi với con, sống chung quanh con một cách nào đó là hiện thân của Cha, của Ðức Giêsu. Vì thế, yêu Cha, yêu Ðức Giêsu tất nhiên phải yêu những người ấy. Và chỉ khi con yêu họ, con mới chứng tỏ được rằng con thật sự yêu Cha và yêu Ðức Giêsu. Xin giúp con yêu họ thật sự bằng hành động cụ thể.

Nguyễn Chính Kết




Thursday, April 16, 2020

Ps2b - Hãy chứng nghiệm Thánh Thần trong cuộc sống của mình




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 2 Mùa Phục Sinh

(19-4-2020)

Bài đào sâu

Hãy chứng nghiệm Thánh Thần
trong cuộc sống của mình


  TIN MỪNG: Ga 20,19-31

Đức Giêsu hiện ra với các môn đệ




CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1.   Tại sao vừa gặp các tông đồ sau khi sống lại, Đức Giêsu đã yêu cầu các ông: «Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần»? Thánh Thần có cần thiết cho đời sống tâm linh của ta không? Cần đến mức độ nào? 
2.   Nếu các tông đồ không hề gặp được Đức Giêsu sống lại thì các ông có dám mạnh bạo rao giảng về sự sống lại của Ngài không? Đức tin có cần những chứng nghiệm thực tế mới có thể vững mạnh không? 
3.   Ta có thể chứng nghiệm được Thánh Thần trong đời sống mình không? Việc chứng nghiệm ấy có thể thực hiện được không? Có cần thiết không?

Suy tư gợi ý:

1.  Vai trò quan trọng của Thánh Thần trong đời sống tâm linh

Lần đầu tiên gặp lại các môn đệ sau khi sống lại, Đức Giêsu đã «thổi hơi vào các ông và bảo: Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần» (Ga 20,22). Thánh Thần là một yếu tố vô cùng cần thiết cho đời sống tâm linh, siêu nhiên. Đời sống tâm linh của ta có tồn tại và phát triển hay không là do Thánh Thần. Thánh Thần chính là thần khí của Thiên Chúa, mà tâm linh của ta cũng là thần khí. Vì thế, điều làm cho ta «giống Thiên Chúa» (St 1,26) và là «hình ảnh của Thiên Chúa» (St 1,27) chính là ta có tâm linh, có thần khí. Thánh Thần chính là sự sống, sức mạnh, trí tuệ, tình yêu của tâm linh ta. Thánh Thần làm cho thần khí ta hoạt động và phát triển. Không một hoạt động nào của tâm linh ta, của Giáo Hội mà lại không do Thánh Thần tác động. Nhưng dường như đối với ta, Thánh Thần chỉ là một ý niệm trừu tượng, một thực tại mà ta thường không hiểu, không cảm nghiệm được. Vì thế, đời sống tâm linh của ta không phát triển, và ta không được biến đổi nên «con người mới», là con người sống theo thần khí.

Tại sao vậy? Vì chúng ta quá dễ dàng chấp nhận một thứ đức tin hình thức không nội dung, một thứ đức tin tương tự như một kiến thức không ăn nhập gì với cuộc sống thực tế. Đức tin hình thức là thái độ sẵn sàng chấp nhận và tuyên xưng ngoài miệng tất cả những gì Giáo Hội truyền dạy, mà không hề xác tín từ bên trong để có thể thật sự sống theo đức tin ấy. Đức tin kiểu này khiến chúng ta có ảo tưởng rằng mình có đức tin. Nhưng khi đụng chuyện – chẳng hạn khi gặp khó khăn, thử thách, khi hoàn cảnh đòi buộc ta phải dấn thân cho Thiên Chúa, cho tha nhân, cho chân lý, công lý và tình thương – bấy giờ ta mới nhận ra: thì ra ta đã thật sự tin bao giờ đâu!? Vì trong những hoàn cảnh ấy, ta hành xử chẳng khác gì những người không tin. Đúng ra, người có đức tin đích thực sẽ hành xử rất khác với những người không có đức tin. Một đức tin thật sự phải là một đức tin sống động, được xây dựng trên những kinh nghiệm thực tế của đời sống.



2.  Đức tin thực nghiệm của Tôma

Nếu các tông đồ không được gặp Đức Giêsu phục sinh bằng xương bằng thịt sau khi Ngài chết, mà chỉ được nghe Ngài tiên báo rằng Ngài sẽ sống lại sau khi chết 3 ngày, chắc chắn các ông sẽ không tin và không thể mạnh dạn rao giảng sự sống lại của Ngài. Vì thế, việc Tôma đòi hỏi phải «xỏ ngón tay vào lỗ đinh và đặt bàn tay vào cạnh sườn Người» (Ga 20,25) thì mới tin, là một đòi hỏi chính đáng. Và chỉ sau khi đã chứng kiến Đức Giêsu sống lại thật sự, các ông mới vững tin rao giảng

Có lẽ chính vì chúng ta sẵn sàng tin mà không hề đòi hỏi một chứng nghiệm nào của đức tin, nên đức tin của chúng ta chỉ là một thứ đức tin kiểu «ngọn đèn trước gió», khi gặp khó khăn, thử thách là đức tin của ta bị lung lay ngay. Và vì thế, đức tin yếu ớt ấy chẳng ảnh hưởng bao nhiêu lên cuộc sống của ta, chẳng làm ta sống mạnh mẽ, hạnh phúc, tích cực hơn những kẻ không có đức tin. Tệ hơn nữa, nhiều khi miệng ta mạnh mẽ tuyên xưng một đằng, mà đời sống và hành động của ta có vẻ như tuyên xưng ngược lại, một cách mạnh mẽ không kém.



3.  Cần tăng triển đức tin một cách có phương pháp

Muốn có một đức tin sống động, chúng ta cần phải chứng nghiệm bằng cuộc sống những gì chúng ta tin. Chẳng hạn, muốn củng cố đức tin để ngày càng tin vững mạnh vào quyền năng của Thiên Chúa, chúng ta phải thật sự chứng nghiệm quyền năng ấy. Trong những thử thách nho nhỏ, chúng ta hãy tin vào sức mạnh của Thiên Chúa, tin rằng Ngài sẽ giúp chúng ta vượt qua thử thách ấy. Nếu chúng ta thật sự tin, ta sẽ thấy quyền năng Thiên Chúa thật sự biểu lộ trong trường hợp ấy. Nhờ có kinh nghiệm nho nhỏ ấy, chúng ta sẽ dám tin tưởng vào quyền năng của Ngài hơn khi gặp những thử thách lớn hơn. Và đức tin của ta vào quyền năng Thiên Chúa sẽ càng ngày càng lớn mạnh, khiến chúng ta có thể rất vững tin khi gặp những thử thách vô cùng lớn lao.

Trên con đường thăng tiến đức tin, phương pháp sư phạm đòi hỏi chúng ta phải thăng tiến từng bước một, không được đốt giai đoạn. Con đường thăng tiến đức tin tương tự như việc lên cầu thang, phải đứng trên bậc một và lấy bậc một làm nền tảng để bước lên bậc hai, và lấy bậc hai làm nền tảng để bước lên bậc ba. Một khi ta đã có kinh nghiệm về quyền năng của Thiên Chúa trong những thử thách nhỏ, Thiên Chúa sẽ tạo nên những thử thách lớn hơn một chút đòi hỏi ta phải tin mạnh hơn một chút mới có thể vượt qua thử thách ấy cách tốt đẹp. Nếu ta dám dựa vào những chứng nghiệm về đức tin trong quá khứ như nền tảng để dấn thân cao hơn, sâu hơn trong đức tin, thì ta sẽ có được những chứng nghiệm đức tin cao hơn. Và cứ thế đức tin ta sẽ ngày lớn mạnh. Đức tin có lớn mạnh, đời sống tâm linh của ta mới phát triển.

Đó là phương pháp sư phạm của Thiên Chúa trong việc huấn luyện đức tin chúng ta. Chẳng hạn, để giúp các tông đồ tin vào việc sống lại của mình, Đức Giêsu đã phải chuẩn bị cho các tông đồ từ mấy năm trước. Bước đầu, Ngài cho các ông chứng kiến nhiều lần việc Ngài làm người chết sống lại: trường hợp con trai bà góa thành Nain (x. Lc 7,11-15), con gái một ông trưởng hội đường (x. Mt 9,18-26), v.v… Và mấy ngày ngay trước khi bước vào cuộc tử nạn, Ngài đã làm cho Ladarô – đã chết 4 ngày và đã có mùi – sống lại trước mắt các ông (x. Ga 11,34-45). Nhờ những kinh nghiệm ấy, các ông mới có cơ sở để tin vào khả năng sống lại từ cõi chết của Ngài.



4.  Phải chứng nghiệm Thánh Thần trong cuộc sống

Thánh Thần – hay Thần Khí của Thiên Chúa – là một thực tại vô hình, không ai thấy được bằng con mắt xác thịt, nhưng những biểu hiện của Thánh Thần thì rất cụ thể. Tương tự như dòng điện: không ai thấy được dòng điện, nhưng người ta có thể biết chắc chắn trong nhà hay trong phòng có điện hay không, nhờ những biểu hiện của dòng điện. Thật vậy, khi thấy đèn trong phòng sáng lên, quạt máy quay tít, bàn ủi nóng lên, ta có thể quả quyết có dòng điện đang chạy vào những dụng cụ ấy. Và đó chính là kinh nghiệm của chúng ta về dòng điện. 

Cũng vậy, khi ta thấy mình được thúc đẩy làm một điều gì tốt, như yêu thương và hy sinh cho người khác, tha thứ những lầm lỗi cho họ, hay khi ta cảm thấy muốn cầu nguyện với Thiên Chúa… ta biết ngay và biết chắc chắn rằng Thánh Thần đang hoạt động trong ta, thúc đẩy ta làm những việc ấy. Vì không có một việc gì tốt đẹp khởi lên trong lòng ta mà không phải do Thánh Thần. Thánh Phaolô xác định rõ rệt như vậy: «Không ai biết được những gì nơi Thiên Chúa, nếu không phải là Thần Khí của Thiên Chúa» (1Cr 2,11b); «Chính Thần Khí duy nhất ấy làm ra tất cả những điều đó» (1Cr 12,11); «Hoa quả của Thần Khí là, bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ» (Gl 5,22-23a).

Thánh Thần tràn ngập trong cuộc sống của ta, nhưng ta lại không ý thức và hiểu gì về Thánh Thần cả. Ta giống như một con cá, vì sống trong môi trường nước từ khi lọt lòng mẹ, nên không có một ý thức gì về nước cả. Nghe ai nói về nước ở chung quanh mình thì nó lấy làm lạ, và bắt đầu đi tìm nước. Tìm khắp ao hồ mà chẳng thấy nước nên nó cho rằng nước chỉ là một ý niệm mà người ta tưởng tượng ra. 

Khi ta ý thức về Thánh Thần, chứng nghiệm được những hoạt động của Thánh Thần trong bản thân ta, trong đời sống của ta, đồng thời ngày càng vững tin vào quyền năng của Thánh Thần, thì đời sống tâm linh và siêu nhiên của ta sẽ phát triển mạnh mẽ. Vậy chúng ta hãy theo tinh thần của Tôma, đòi hỏi mình phải kinh nghiệm thật sự về Thánh Thần, về quyền năng của Thánh Thần. Nhờ đó ta sẽ có kinh nghiệm về Thánh Thần thật sự, vì «ai tìm thì sẽ thấy» (Mt 7,8). Đức tin về Thánh Thần và quyền năng của Thánh Thần được xây dựng trên những chứng nghiệm thật sự mới chắc chắn và có tác dụng thật sự trong đời sống.



CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, Thánh Kinh nói rất nhiều đến sự hiện diện của Thánh Thần trong đời sống Đức Giêsu, các tông đồ và Giáo Hội sơ khai. Nhưng Thánh Thần lại bị con lãng quên như thể không hề hiện diện trong đời sống của con. Chính vì thế, Ngài khó có thể tác động hữu hiệu để biến con thành một «con người mới sống theo Thần Khí». Khiến con suốt bao năm vẫn cứ mãi mãi là một «con người cũ sống theo xác thịt», không hề được đổi mới. Xin giúp con chứng nghiệm được sự hiện diện của Thánh Thần trong đời sống của con, để nhờ đó con sẽ được đổi mới.