CHIA SẺ TIN MỪNG
Chúa Nhật thứ 4 Thường Niên
(28-1-2018)
Lễ Dâng Chúa Giêsu trong đền thánh
(28-1-2018)
Lễ Dâng Chúa Giêsu trong đền thánh
Luật nền tảng nhất mà không tuân giữ,
thì việc tuân giữ những điều luật khác đều mất giá trị
thì việc tuân giữ những điều luật khác đều mất giá trị
• Ml 3,1-4: (1) Này Ta sai sứ giả Ta đến dọn đường trước mặt Ta.
• Dt 2,14-18: (17) Người đã phải nên giống anh em mình về mọi phương diện, để trở thành một vị Thượng Tế nhân từ và trung tín.
• TIN MỪNG: Lc 2,22-32
Tiến dâng Đức Giêsu cho Thiên Chúa
(22) Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Môsê, bà Maria và ông Giuse đem con lên Giêrusalem, để tiến dâng cho Chúa (23) như đã chép trong Luật Chúa rằng: «Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa», (24) và cũng để dâng của lễ theo Luật Chúa truyền, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non.
(25) Hồi ấy ở Giêrusalem, có một người tên là Simêôn. Ông là người công chính và sùng đạo, ông những mong chờ niềm an ủi của Ítraen, và Thánh Thần hằng ngự trên ông. (26) Ông đã được Thánh Thần linh báo cho biết là ông sẽ không thấy cái chết trước khi được thấy Đấng Kitô của Đức Chúa. (27) Được Thần Khí thúc đẩy, ông lên Đền Thờ. Vào lúc cha mẹ Hài Nhi Giêsu đem con tới để chu toàn tập tục Luật đã truyền liên quan đến Người, (28) thì ông ẵm lấy Hài Nhi trên tay, và chúc tụng Thiên Chúa rằng: (29) «Muôn lạy Chúa, giờ đây, theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi. (30) Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ (31) Chúa đã dành sẵn cho muôn dân: (32) Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Ítraen Dân Ngài».
CHIA SẺ
(22) Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Môsê, bà Maria và ông Giuse đem con lên Giêrusalem, để tiến dâng cho Chúa (23) như đã chép trong Luật Chúa rằng: «Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa», (24) và cũng để dâng của lễ theo Luật Chúa truyền, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non.
(25) Hồi ấy ở Giêrusalem, có một người tên là Simêôn. Ông là người công chính và sùng đạo, ông những mong chờ niềm an ủi của Ítraen, và Thánh Thần hằng ngự trên ông. (26) Ông đã được Thánh Thần linh báo cho biết là ông sẽ không thấy cái chết trước khi được thấy Đấng Kitô của Đức Chúa. (27) Được Thần Khí thúc đẩy, ông lên Đền Thờ. Vào lúc cha mẹ Hài Nhi Giêsu đem con tới để chu toàn tập tục Luật đã truyền liên quan đến Người, (28) thì ông ẵm lấy Hài Nhi trên tay, và chúc tụng Thiên Chúa rằng: (29) «Muôn lạy Chúa, giờ đây, theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi. (30) Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ (31) Chúa đã dành sẵn cho muôn dân: (32) Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Ítraen Dân Ngài».
Câu hỏi gợi ý:
1. Gia đình của Đức Giêsu tôn trọng lề luật như thế nào? Tại sao phải tôn trọng lề luật?
2. Các kinh sư Do Thái là những người giữ các luật tôn giáo một cách rất nhiệm nhặt. Họ có vì thế mà trở nên công chính trước mặt Thiên Chúa không?
3. Các kinh sư và Pharisêu giữ luật nhiệm nhặt như thế, tại sao Đức Giêsu lại nói họ không hề giữ luật của Thiên Chúa? Bạn rút ra được bài học gì cho việc giữ luật của bạn?
4. Tình yêu và lề luật, cái nào là mục đích, cái nào là phương tiện? Cái nào làm cho bạn trở nên công chính, thánh thiện?
Suy tư gợi ý:
1. Đức Maria và thánh Giuse tôn trọng lề luật
Bài Tin Mừng cho thấy Đức Maria và thánh Giuse đã chu toàn những tập tục của luật Môsê liên quan đến việc hạ sinh Đức Giêsu. Luật Môsê qui định tất cả các trẻ nam đều phải cắt bì và đặt tên vào ngày thứ 8 sau khi chào đời (x. Lv 12,3; Lc 1,59-60; 2,21). Khi được 1 tháng tuổi, trẻ phải được đem tới đền thờ để làm lễ chuộc lại con, vì mọi con đầu lòng – dù là người hay là thú vật – đều phải tiến dâng cho Thiên Chúa, vì nó thuộc về Ngài, rồi phải chuộc nó lại từ Thiên Chúa (x. Xh 13,2.12-13; Ds 18,15-16). Nếu sinh con trai thì khi nó được 40 ngày, hoặc nếu sinh con gái thì khi nó được 80 ngày, người mẹ phải làm lễ tẩy uế, và phải dâng lễ toàn thiêu bằng một con chiên con, người nghèo có thể thay thế bằng một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non như Đức Maria đã làm (x. Lv 5,7; 12,8).
Mặc dù biết Đức Giêsu, con của mình, là Con Thiên Chúa, Đức Maria và thánh Giuse vẫn tuân thủ tất cả những gì lề luật đòi buộc. Đó là một gương mẫu cho chúng ta.
2. Vấn đề: có nên giữ luật như các kinh sư Do Thái không?
Như vậy là chúng ta phải nghiêm chỉnh tuân giữ lề luật. Nhưng một vấn đề rất cụ thể và hết sức thiết thực đặt ra cho chúng ta là: các kinh sư Do Thái, những người Pharisêu, nổi tiếng là giữ luật một cách nhiệm nhặt, nhưng lại bị Đức Giêsu chê trách rằng họ chẳng hề tuân giữ lề luật. Thật vậy, Đức Giêsu đã từng tuyên bố với các kinh sư Do Thái rằng: «Ông Môsê đã chẳng ban Lề Luật cho các ông sao? Thế mà không một ai trong các ông tuân giữ Lề Luật!» (Ga 7,19). Stêphanô cũng nói với các kinh sư Do Thái tương tự như thế trước khi bị họ ném đá chết: «Các ông là những người đã lãnh nhận Lề Luật do các thiên sứ công bố, nhưng lại chẳng tuân giữ» (Cv 7,53).
Vậy phải giữ luật như thế nào mới được gọi là thật sự giữ luật? mới đẹp lòng Thiên Chúa? mới trở nên thánh thiện đích thực?
3. Cần phân biệt luật tổng quát và luật chi tiết
Trong tôn giáo, lề luật là những điều mà mọi tín đồ phải thực hiện hay tuân giữ để thực hiện tinh thần hay mục đích của tôn giáo: nên trọn lành, được cứu rỗi.
Luật lệ gồm hai phần mà chúng ta cần phân biệt:
1) Phần tinh thần, mang tính tổng quát, nền tảng, phát xuất từ Thiên Chúa. Phần này – tương tự như hiến pháp trong một quốc gia – là những nguyên tắc tổng quát, nhưng hết sức quan trọng. Có thực hiện được những nguyên tắc tổng quát này thì mới đạt được mục đích của tôn giáo. Trong Kitô giáo, có hai nguyên tắc tổng quát nhất là: «Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình» (Lc 10,27); «Tất cả Luật Môsê và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy» (Mt 22,40).
Hai nguyên tắc nền tảng này đã được thánh Phaolô và Giacôbê tổng hợp lại thành một nguyên tắc duy nhất: «Ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật (…) Yêu thương là chu toàn Lề Luật» (Rm 13,8.10); «Anh em hãy mang gánh nặng cho nhau, như vậy là anh em chu toàn luật Đức Kitô» (Gl 6,2); «Luật Kinh Thánh được đưa lên hàng đầu là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình» (Gc 2,8). Chính Đức Giêsu cũng tuyên bố rất rõ ràng: «Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em» (Ga 13,35).
2) Phần cụ thể, mang tính chi tiết, thường do con người lập nên bằng cách suy diễn từ những điều luật tổng quát trên cách áp dụng cụ thể những điều luật ấy trong mọi tình huống của đời sống con người. Phần này – tương tự như luật pháp trong một quốc gia – gồm những điều luật cụ thể giúp thể hiện một cách chi tiết những điều luật tổng quát (trong quốc gia là hiến pháp).
Kitô giáo có vô số điều luật – trong giáo luật cũng như trong từng lãnh vực của tôn giáo – nhằm cụ thể hóa và chi tiết hóa hai luật căn bản và tối thượng là «mến Chúa, yêu người» nói trên. Mọi Kitô hữu đều phải cố gắng thực hiện những qui định mang tính chi tiết này, để nhờ đó thực hiện cách hoàn hảo hai nguyên tắc tổng quát trên.
4. Giá trị của hai thứ luật trên
Những điều luật căn bản, mang tính tổng quát thì có giá trị tuyệt đối, con người phải thực hiện trong bất kỳ tình huống nào, và không hề có luật trừ. Đó là luật phát xuất từ Thiên Chúa. Theo tinh thần của đoạn Tin Mừng Mt 25,31-46 thì Thiên Chúa chỉ phán xét con người theo điều luật căn bản và tối thượng này của Ngài mà thôi.
Những điều luật mang tính chi tiết đều phải nhằm giúp con người thực hiện điều luật căn bản và tối thượng trên trong những tình huống cụ thể của đời sống. Do đó, chúng chỉ có giá trị nếu phù hợp với luật tối thượng ấy, và việc tuân thủ những luật chi tiết này chỉ có giá trị nếu phù hợp với luật tối thượng trên. Do đó, bất cứ điều luật chi tiết nào nếu đem áp dụng trong những hoàn cảnh cụ thể mà phản ảnh đúng hay phù hợp với những nguyên tắc tổng quát trên, thì người tín hữu buộc phải tuân giữ. Trái lại, nếu trong một hoàn cảnh cụ thể nào đó, việc áp dụng những luật cụ thể này lại đi ngược lại tinh thần của điều luật nền tảng trên, thì trong hoàn cảnh cụ thể ấy, người tín hữu không buộc phải tuân theo.
Chính Đức Giêsu đã sẵn sàng lỗi luật ngày sabát khi mà việc giữ luật chi tiết này hóa ra lại vi phạm luật tối thượng là luật yêu thương (x. Mt 12,1-8; 9-14; Lc 13,10-17; 14,1-6; Ga 5,1-18; 9,1-41). Vì khi soạn ra những điều luật chi tiết này, không ai có thể nghĩ ra hết tất cả những trường hợp luật trừ, là những trường hợp mà tuân hành những luật này sẽ trở nên vi phạm những lề luật cao hơn hay tổng quát hơn.
Trong hiến pháp của một quốc gia thường có một khoản qui định rằng bất cứ một điều khoản nào trong luật pháp mà đi ngược lại tinh thần của bất kỳ một điều khoản nào trong hiến pháp, thì điều khoản trong luật pháp ấy trở thành vô giá trị, không phải tuân giữ. Hiến pháp mới là căn bản, luật pháp chỉ là công cụ hay phương tiện để thể hiện hay thực hiện hiến pháp mà thôi.
Vậy chúng ta cần phải tập trung quan tâm vào việc thực hiện điều luật căn bản và tối thượng của Kitô giáo là «mến Chúa, yêu người» hơn là chú tâm thực hiện những chi tiết của lề luật thành văn. Nói thế không có nghĩa là không cần thực hiện những điều luật chi tiết, vì theo Đức Giêsu thì: «Các điều này vẫn cứ phải làm, mà các điều kia thì không được bỏ» (Mt 23,23b).
5. Một cám dỗ thường xảy ra đối với việc thực hiện lề luật
Người tín hữu không được giáo dục đức tin đầy đủ thường bị cám dỗ chỉ quan tâm thực hiện những điều luật chi tiết, cụ thể, thậm chí quan trọng hóa cả những chi tiết của luật lệ, mà không hề quan tâm tới tinh thần tổng quát của lề luật. Do đó, thường xảy ra tình trạng như sau: có những tín hữu giữ những luật lệ tôn giáo một cách hết sức chi tiết, tỉ mỉ, được mọi người coi là đạo đức, thánh thiện. Nhưng nếu những người ấy tự xét mình một cách nghiêm túc xem mình đã thật sự mến Chúa yêu người chưa, thì họ phải tự nhìn nhận là chưa, hoặc còn thiếu sót hơn cả những người bình thường khác.
Điều chúng ta phải lấy làm lạ và phải suy nghĩ thật nghiêm túc là: các kinh sư Do Thái giữ luật nhiệm nhặt như vậy, thế mà Đức Giêsu lại đánh giá rằng «không một ai trong các ông tuân giữ Lề Luật!» (Ga 7,19). Tại sao vậy? Vì tuy họ quan tâm giữ nhiệm nhặt nhiều điều khoản của tôn giáo, nhưng họ lại «bỏ những điều quan trọng nhất trong Lề Luật là công lý, tình thương và lòng chân thành» (Mt 23,23). Và những khoản luật mà họ tuân giữ nhiệm nhặt ấy nghĩ cho cùng cũng «chỉ là giới luật của phàm nhân» (Mt 15,9). Nên việc giữ luật nhiệm nhặt ấy cuối cùng lại trở thành «xôi hỏng, bỏng không», hay như «công dã tràng»!
Còn cách giữ Luật Chúa của chúng ta thì sao? Liệu Thiên Chúa có đánh giá chúng ta, những người đang tự hào là giữ luật một cách nghiêm nhặt, tương tự như thế không? Rất có thể, vì chúng ta chỉ chú ý tới cái «xác của lề luật», là những điều khoản thành văn, mà không chú ý tới cái «hồn của lề luật», tức tinh thần của lề luật. Xác mà không có hồn thì chỉ là xác chết, vô giá trị! Chắc chắn tới ngày phán xét, rất nhiều người đã giữ luật một cách nhiệm nhặt không kém gì các kinh sư Do Thái, nhưng lại đứng vào hàng ngũ «quân bị nguyền rủa» (Mt 25,41), chỉ vì «xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống, v.v…» (25,42tt). Tội nghiệp cho họ là những kẻ mà Luật Chúa thì không thèm giữ, chỉ toàn lo giữ «luật của phàm nhân»!
CẦU NGUYỆN
Lạy Cha, xin cho con biết tôn trọng Luật Cha là luật yêu thương. Xin ban cho con tinh thần của thánh Âu-Tinh: «Cứ yêu đi, rồi làm gì thì làm!» Con nhận ra rằng con chỉ chu toàn được Luật của Cha khi con thật sự yêu thương mọi người mà thôi. Vì thế, xin Cha cho con biết yêu thương, và thể hiện tình yêu thương đó như thánh Phanxicô Salê trong Kinh Hòa Bình: «Xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người». Amen.
Nguyễn Chính Kết
Bấm vào đây .
No comments:
Post a Comment