Cần nắm vững và giữ trọn
điều cốt yếu của Kitô giáo
điều cốt yếu của Kitô giáo
Trong đời sống thường nhật, làm việc gì mà muốn thành công thì cần phải làm cho đúng phương pháp hay cách thức của nó. Để thực hiện những kế hoạch lớn, cần phải đi cho đúng hướng, nếu không đúng hướng, sẽ thất bại ê chề: «sai một ly, đi một dặm». Nhiều người khi làm việc gì thì chỉ biết cắm cúi làm, không cần biết làm thế nào cho đúng để có thể chắc chắn thành công và đạt hiệu quả cao nhất. Dường như họ quan niệm: «cần cù bù thông minh»! Làm không đúng cách, đi không đúng hướng, chẳng những không đạt được mục đích, mà còn gây thiệt hại nữa. Vì thế, có danh nhân đưa ra công thức: «Nhiệt thành + ngu xuẩn = phá hoại».
Dù việc nhỏ hay việc lớn ở trần gian này, muốn thành công, đều cần phải làm cho đúng cách, đúng phương pháp. Việc nên thánh, việc đạt được hạnh phúc vĩnh cửu đời sau, theo quan niệm của người Kitô hữu, là việc quan trọng nhất trên đời. Rất nhiều Kitô hữu khi làm ăn hay tính toán chuyện gì, họ đều nghĩ xem phải làm thế nào để chắc chắn thành công và đạt được hiệu quả cao nhất. Nhưng đối với việc đạt được hạnh phúc vĩnh cửu thì họ lại chẳng hề quan tâm hay thắc mắc phải làm cách nào để chắc chắn đạt được mục đích ấy, và điều gì cần thiết nhất để đạt được mục đích ấy. Việc quan trọng như thế mà họ cứ thực hiện theo kiểu mò mẫm, làm theo những hiểu biết không chắc chắn, thiếu chính xác! Vì thế, sẽ có nhiều trường hợp người Kitô hữu trung thành giữ đạo cả một đời, những tưởng sẽ được Thiên Chúa thưởng công bội hậu, nhưng…rốt cuộc tất cả những cố gắng của họ trở thành «công dã tràng», vì điều cần thiết nhất phải làm là thi hành thánh ý Thiên Chúa thì họ lại không làm. Liệu những điều họ cố gắng làm suốt cả cuộc đời có thật sự phù hợp với thánh ý Thiên Chúa không?
2. Muốn vào Nước Trời, phải thi hành thánh ý Thiên Chúa
Trong Tin Mừng, có lần Đức Giêsu cho biết: «Có nhiều người tìm cách vào (Nước Trời) mà không được» (Lc 13,24b) vì họ đã sử dụng những phương cách không đúng, không hiệu quả. Ngài cho thấy cảnh thất bại của họ vào ngày phán xét: họ tưởng những việc họ đã làm ở trần gian để vào Nước Trời sẽ giúp họ vào được Nước ấy. Nhưng sự việc xảy ra thật phũ phàng! Những việc họ đã làm ở trần gian với mục đích vào được Nước Trời, trở thành «xôi hỏng, bỏng không». Tại sao vậy? Vì những việc phụ thuộc và không cần thiết thì họ đã làm một cách thật chăm chỉ, còn những việc chính yếu và cần thiết nhất phải làm mới vào được Nước Trời thì họ lại không thèm làm.
Đức Giêsu mô tả cảnh ấy cách rất rõ rệt trong Tin Mừng Matthêu: «Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng: "Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao?" Và bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với họ: "Ta không hề biết các ngươi; xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác!"» (Mt 7, 22-23).
Theo đoạn Tin Mừng trên thì vào ngày phán xét, nhiều người từng được tiếng là tốt lành thánh thiện ở trần gian – vì đã làm được những việc mà mọi người coi là đạo đức, ít ai làm được, như nói tiên tri, trừ quỉ, làm phép lạ – họ tưởng rằng được nổi tiếng là đạo đức vì làm được những việc như thế thì chắc chắn họ phải đủ hoặc dư tiêu chuẩn để vào Nước Trời rồi. Nhưng không ngờ Chúa phán một câu khiến họ bật ngửa: «Ta không hề biết các ngươi; xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác!» (MT 7,23). Thì ra những việc được gọi là đạo đức ấy, tuy được người đời nể phục và ca tụng, nhưng không phải là những điều «cần và đủ» cho việc vào Nước Trời, nếu không muốn nói là có thể có hại. Có hại vì chúng làm họ lầm tưởng rằng mình thánh thiện thật sự, rồi sinh tự hào, kiêu ngạo, để rồi quên không thèm làm cái điều chính yếu nhất, cần thiết nhất phải làm.
Vậy thì việc gì là cần thiết để vào được Nước Trời? Đức Giêsu nói rất rõ: «Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: "Lạy Chúa! lạy Chúa!" là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi» (Mt 7, 21). Lời Chúa nói thật rõ ràng: điều cần thiết nhất và duy nhất để được vào Nước Trời là thi hành ý muốn của Thiên Chúa (cụm từ «chỉ… mà thôi» trong câu Kinh Thánh trên nói lên tính duy nhất cần thiết ấy). Thực hiện thánh ý Chúa, đó là điều phải làm trong thực tế, nghĩa là phải hành động thật sự chứ không chỉ nói hay tuyên xưng xuông. Câu Tin Mừng trên còn nhấn mạnh sự vô ích của những lời nói, lời tuyên xưng, hoặc những lời cầu nguyện rỗng tuếch không dẫn đến hành động.
Vậy điều quan trọng và cần thiết để vào Nước Trời là thực hiện thánh ý Thiên Chúa. Nhưng thánh ý Thiên Chúa là gì? Ngài muốn chúng ta làm gì?
3. Thiên Chúa muốn chúng ta làm gì?
«Thiên Chúa là Tình Yêu» (1Ga 4,8.16), và Nước Trời là vương quốc của Tình Yêu, trong đó, Tình Yêu thống trị tất cả. Vì thế, chỉ những ai có tình yêu đích thực mới phù hợp với Nước Trời mà thôi. «Thiên Chúa là Tình Yêu», nên Ngài chủ yếu muốn chúng ta – vốn được dựng nên theo hình ảnh của Ngài – phản ảnh trung thực bản tính yêu thương của Ngài. Vì thế, khi Đức Giêsu đến, Ngài chỉ đưa ra một lề luật duy nhất là: «Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em» (Ga 13, 34). Ngài không hề đưa ra một giới luật nào khác, vì Ngài muốn mọi Kitô hữu theo Ngài hiểu được tầm quan trọng duy nhất của việc yêu thương nhau mà tập trung mọi nỗ lực của mình vào đó.
Để nhấn mạnh tầm quan trọng duy nhất này, Ngài còn mô tả ngày phán xét cuối cùng: Thiên Chúa chỉ xét theo một tiêu chuẩn duy nhất là ta đã yêu thương tha nhân ra sao bằng hành động cụ thể: «Xưa Ta đói, các ngươi đã (/không) cho ăn; Ta khát, các ngươi đã (/không) cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã (/không) tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã (/không) cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã (/không) thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi (/không) đến hỏi han», vì «mỗi lần các ngươi làm (/không làm) như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã làm (/không làm) cho chính Ta vậy» (Mt 25,31-46). Trong đoạn Tin Mừng này, ta tuyệt nhiên không thấy Ngài phán xét theo một tiêu chuẩn nào khác. Vậy, điều Thiên Chúa muốn chúng ta thực hiện để vào được Nước Trời chủ yếu là tình yêu đích thực, nghĩa là biết tích cực yêu thương tha nhân.
Điều rất lạ là Kitô hữu nào cũng biết cốt tủy Kitô giáo là công bằng và yêu thương, nhưng số Kitô hữu – kể cả những người giảng dạy về Kitô giáo – tập trung cố gắng để thực hành điều cốt tủy và cần thiết này dường như không nhiều. Nếu nhiều thì chắc chắn bộ mặt Kitô giáo đã khác hẳn hiện nay. Lời Chúa nói về điều cốt tủy và cần thiết ấy thật chắc chắn và rõ ràng, nhưng người Kitô hữu dường như tập trung cố gắng vào những gì khác chứ không phải vào điều cốt tủy ấy. Họ «lạc đạo» mà họ không hề biết!
Hiện nay, đa số Kitô hữu vẫn còn đi vào vết xe cũ đã đổ của người Do Thái, là quá coi trọng hình thức tôn giáo bên ngoài, những tập tục, nghi thức, chỉ biết lãnh nhận các bí tích một cách chiếu lệ thiếu hẳn chiều kích nội tâm, v.v… Đó là những điều mà các ngôn sứ bao đời và cả Đức Giêsu đã đả phá kịch liệt (x. Is 1,11-17; Am 5,21-24; Gr 6,20; 14,12; Mk 3,4; 6, 6-8; Mt 5,23-24; 9,13; Mc 12,33; v. v…). Hoặc họ tập trung nỗ lực vào việc giữ những luật này lệ nọ, đủ mọi thứ luật, nhưng luật quan trọng nhất phải tuân giữ là công bằng và yêu thương thì lại bỏ qua (x. Mt 23,23-24). Họ giống như một nông dân kia muốn trồng lúa, nên sớm tối cày ruộng, nhổ cỏ, bón phân, tưới nước đầy đủ, nhưng không hề biết điều cốt yếu là phải gieo hạt giống xuống, nên cuối cùng chẳng gặt được hạt lúa nào, và tất cả công lao sức lực bỏ ra hoàn toàn vô ích.
Chính vì thế, «Có kẻ hỏi Người: Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít, có phải không?» (Lc 22,23) và Đức Giêsu đã khẳng định: «Kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít» (Mt 22,14; 20,16b). Vậy chúng ta phải sống đạo thế nào cho đúng thánh ý Chúa, kẻo cả đời giữ đạo Chúa của chúng ta trở thành «xôi hỏng, bỏng không», hay thành «công dã tràng» thì thật đáng tiếc! Đừng để câu Kinh Thánh sau đây đúng với chính chúng ta: «Từ phương đông phương tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc cùng các tổ phụ Ápraham, Ixaác và Giacóp trong Nước Trời. Nhưng con cái Nước Trời thì sẽ bị quăng ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng» (Mt 8, 11-12).
Tóm lại, để sống đạo cho đúng và có hiệu quả, nghĩa là để việc sống đạo đem lại kết quả mong muốn là bình an vui tươi ngay ở đời này, và hạnh phúc vĩnh cửu ở đời sau, ta cần phải nắm cho vững cốt yếu của Kitô giáo là gì, và thực hiện cái cốt yếu ấy cho trọn suốt cả cuộc đời.
Cốt yếu của Kitô giáo chính là tình yêu đích thực của ta đối với Thiên Chúa, được thể hiện ra thành tình yêu đối với tha nhân. Ai tưởng rằng mình yêu Thiên Chúa mà tình yêu ấy lại không thể hiện thành tình yêu tha nhân, thì kẻ ấy chỉ là người ảo tưởng (x. 1Ga 4, 20). Cốt yếu ấy – tức tình yêu chân thật – không nằm trên bình diện nghi thức bên ngoài mà nằm ngay trong lòng của ta. Tuy nhiên, nếu có tình yêu trong lòng, thì tình yêu ấy tất yếu thể hiện ra bên ngoài bằng hành động, bằng nghi thức, một cách rất tự động và tự nhiên, không cần phải cố gắng.
Như vậy, cái ở trong lòng mới là chính yếu, cái thể hiện ra ngoài chỉ có giá trị khi nó xuất phát từ bên trong. Tuy nhiên, người ta chỉ thấy được cái cốt tủy ở bên trong khi nó được thể hiện ra bên ngoài. Tương tự như không ai biết được có điện nếu không nhờ những thể hiện của dòng điện như đèn sáng, quạt quay, bếp nóng… Nói rằng mình có tình yêu ở bên trong mà tình yêu ấy không hề thể hiện ra bên ngoài bằng hành động thì rất có thể tình yêu ấy chỉ là tình yêu giả hiệu, không phải là tình yêu thật sự (x. Gc 2,17.20).
Xin Thiên Chúa ban cho tất cả chúng ta một tình yêu chân thật, không giả dối bề ngoài. Đó chính là điều cần thiết nhất trong việc giữ đạo hay sống đạo của ta.
Nguyễn Chính Kết
Bấm vào đây để trở về bài trước:
Bản chất của Kitô giáo là tình yêu,
cũng như bản chất của Thiên Chúa là tình yêu.
Bản chất của Kitô giáo là tình yêu,
cũng như bản chất của Thiên Chúa là tình yêu.
No comments:
Post a Comment