Tuesday, January 17, 2017

TN3b - Đức Giêsu kêu gọi người cộng tác trong công cuộc cách mạng tâm linh của Ngài


CHIA SẺ TIN MỪNG


Chúa Nhật thứ 3 Mùa Thường Niên
(22-1-2017)

Bài 2


Đức Giêsu kêu gọi người cộng tác trong công cuộc cách mạng tâm linh của Ngài


ĐỌC LỜI CHÚA

  Is 8,23b–9,3: Thời đầu, Người đã hạ nhục đất Dơvulun và đất Náptali, nhưng thời sau, Người sẽ làm vẻ vang cho con đường ra biển, miền bên kia sông Giođan, vùng đất của dân ngoại.

  1Cr 1,10-13.17: (12) Tôi thấy trong anh em có những luận điệu như: «Tôi thuộc về Phaolô, tôi thuộc về Apôlô, tôi thuộc về Kêpha, tôi thuộc về Đức Kitô».



  TIN MỪNG: Mt 4,12-17

Đức Giêsu khởi đầu rao giảng tại Galilê


(12) Khi Đức Giêsu nghe tin ông Gioan đã bị nộp, Người lánh qua miền Galilê. (13) Rồi Người bỏ Nadarét, đến ở Caphácnaum, một thành ven biển hồ Galilê, thuộc địa hạt Dơvulun và Náptali, (14) để ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia nói: (15) Này đất Dơvulun, và đất Náptali, hỡi con đường ven biển, và vùng tả ngạn sông Giođan, hỡi Galilê, miền đất của dân ngoại! (16) Đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng, những kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối của tử thần nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi.

 (17) Từ lúc đó, Đức Giêsu bắt đầu rao giảng và nói rằng: «Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần». 


CHIA SẺ
Câu hỏi gợi ý:
1.  Theo bài Tin Mừng hôm nay, thì Galilê là vùng đất của dân ngoại, thế nhưng Ðức Giê-su lại sinh trưởng và xuất thân từ vùng này. Các môn đệ của Ngài cũng thế. Ðiều đó có ý nghĩa gì không? Tại sao Ngài không sinh trưởng ở vùng đất của dân có đạo như Giu-đê (Giêrusalem)? 
2.   Tại sao để canh tân tôn giáo, Ðức Giêsu không chọn các môn đệ là người có học thức, hay có nhiều hiểu biết về tôn giáo như các kinh sư, Pharisiêu, mà lại chọn những người ít học, đơn sơ, nghèo nàn, nhút nhát? 
3.   Các môn đệ có những đặc điểm nào mà Ðức Giêsu lại thích chọn họ hơn là các kinh sư? Có thể rút ra bài học gì cho chính bạn?

Suy tư gợi ý:

1.   Ðức Giêsu đến để canh tân lại đạo Do Thái

Vào thời Ðức Giêsu, đạo Do Thái chỉ còn là cái vỏ bên ngoài, bên trong thì trống rỗng. Các tín hữu chỉ còn giữ đạo cách hình thức: thay vì đặt nặng phong cách sống (lifestyle) phù hợp với tinh thần yêu thương theo lề luật của Thiên Chúa, thì họ lại đặt quá nặng việc tham dự những lễ nghi tôn giáo và những gì thấy được bên ngoài. Vì thế, lễ nghi thì ngày càng rườm rà, càng gia tăng vẻ long trọng, luật lệ thì ngày càng nhiều, càng phức tạp và gây nên lắm phiền hà, các cơ sở vật chất cũng gia tăng. Còn tinh thần bên trong, tức kính sợ Thiên Chúa và yêu thương đồng loại là hai điều răn lớn nhất trong lề luật (x. Mt 22,35-40 [a*]) thì bị coi nhẹ. Và «công lý, tình thương và sự chân thật» (x. Mt 23,23 [b*]) là những yếu tố cốt tủy nhất của tôn giáo thì bị xem thường.

Các nhà lãnh đạo tôn giáo chỉ còn là những người thích ăn trên ngồi trốc, hưởng thụ những đặc quyền đặc lợi mà luật lệ tôn giáo dành cho (x. Mt 23,6-7 [c*]), nhiều khi họ lại cấu kết với thế quyền để đàn áp bóc lột dân chúng (x. Mt 23,14 [d*]). Họ dạy người khác làm những điều tốt đẹp nhưng chính họ lại không chịu làm (x. Mt 23,3 [e*]). Nhiều khi họ không biết cái nào là cái chính cái nào là cái phụ trong tôn giáo (x. Mt 23,16-22 [f*]) để dạy người ta giữ: nên cái chính yếu thì bị coi nhẹ, còn cái phụ thuộc thì lại được họ quan trọng hóa lên. Vì thế, họ trở thành những kẻ dẫn đường mù quáng (x. Mt 23,24 [g*]), «mù lại dắt mù» (x. Lc 6,39 [h*]).

Thế nên sứ mạng của Ðức Giêsu là đến để làm một cuộc đại canh tân và cách mạng về tôn giáo. Có thể nói Ngài lập nên một đạo mới trên chính nền tảng của đạo cũ, nói khác đi, Ngài đưa vào đạo cũ một tinh thần mới. Ðiều này khiến ta phải tự hỏi: tình trạng sống đạo của người Kitô hữu hiện nay có cần một cuộc canh tân hay cách mạng như thế không? Và ai có nhiệm vụ làm việc ấy?

2.   Nơi xuất xứ và cộng sự viên của Ðức Giêsu trong việc canh tân và cách mạng của Ngài

Là một nhà cách mạng tôn giáo, nhưng Ðức Giêsu lại xuất thân từ Nadarét, thuộc xứ Galilê (miền Bắc) là vùng đất của dân ngoại (xem bài Tin Mừng), chứ Ngài không sống ở vùng Giuđê (miền Nam) là vùng của Do thái giáo với kinh đô và đền thờ Giêrusalem. Vì thế, Ðức Giêsu được gọi là người Galilê (x. Mt 21,10 [i*]; 26,69 [k*]; Lc 23,6 [l*]; Mt 21,11 [n*]). Theo quan niệm của dân chúng thì Galilê chẳng phát sinh được điều gì đáng giá. Thật vậy, khi có người tuyên xưng Đức Giêsu là một ngôn sứ, là Đấng Kitô, thì có người bác lại ngay: «Ðấng Kitô mà lại xuất thân từ Galilê sao?» (Ga 7,41). «Ông cứ nghiên cứu Kinh Thánh đi rồi sẽ thấy: không một ngôn sứ nào xuất thân từ Galilê cả» (Ga 7,52).

Các môn đệ mà Ngài chọn để cộng tác với Ngài trong cuộc canh tân này, cũng không phải là người Giuđê mà đều là người Galilê. Các ông là những ngư dân ít học, mặc dù theo đạo Do Thái, nhưng biết rất ít những kiến thức tôn giáo. Ngài không chọn làm môn đệ những người thuộc giới kinh sư hay luật sĩ của Do Thái giáo, là những người có rất nhiều kiến thức tôn giáo (trừ Phaolô - được chọn sau này làm tông đồ thay thế Giuđa - là một kinh sư). Cách lựa chọn môn đệ của Ngài đáng cho chúng ta suy nghĩ. Tại sao Ngài không chọn các kinh sư giỏi giang làm môn đệ?

Ðể làm một cuộc canh tân, Thiên Chúa đã dùng những yếu tố hầu như hoàn toàn mới, vì như Đức Giêsu nói: «không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, rượu sẽ làm nứt bầu, thế là rượu cũng mất mà bầu cũng hư. Nhưng rượu mới, bầu cũng phải mới!» (Mc 2,22). Thật vậy, làm sao có thể đổi mới tôn giáo được với những con người cũ, với những quan niệm cũ, nề nếp suy tư cũ, lối sống cũ với nhiều sai lạc mà họ vẫn cố chấp cho là chân lý không thể thay đổi được? Bằng chứng: cho tới ngày nay, Ðức Giêsu đến đã 20 thế kỷ rồi, nhưng đạo Do Thái vẫn còn đang trông chờ một Ðấng Cứu Tinh!

Ðức Giêsu đến đã làm thay đổi rất nhiều: tinh thần mới, quan niệm mới, lề luật mới, cơ cấu mới, v.v. Sự thay đổi này đã gây nên một sự phản kháng mạnh mẽ nơi giới trí thức, giới lãnh đạo trong Do Thái giáo. Chắc chắn họ có lý của họ, và cái lý ấy họ cũng cho rằng dựa rất chắc chắn trên nền tảng Kinh Thánh! Ðiều đó cho thấy: không phải cứ có lý, có nền tảng Kinh Thánh là đủ, mà còn phải có tinh thần của Thiên Chúa, tức «công lý, tình thương và sự chân thật» (Mt 23,23), và nhất là tinh thần phó thác và sẵn sàng đổi mới theo Thánh Linh, Ðấng luôn luôn đổi mới mọi sự (x. Tv 104,30 [o*]; Ep 4,23 [p*]; Kh 21,5 [q*]).

Cuộc canh tân của Ðức Giêsu được xây dựng trên những yếu tố mới mẻ, không dính líu nhiều với đạo cũ. Ðiều này khiến cho những ai thường tự hào mình là đạo gốc phải suy nghĩ. Là người đạo gốc mà cách sống đạo chẳng có gốc, tức không được xây dựng trên nền tảng «công lý, tình thương và sự chân thật» (Mt 23,23 [*]) thì thật đáng xấu hổ!

3.   Thiên Chúa cần những người cộng tác

Ðức Giêsu không thực hiện cuộc canh tân tôn giáo một mình, Ngài cần rất nhiều người cộng tác. Người cộng tác ấy không nhất thiết phải là người có học, thông minh, nhiều tài năng, hiểu biết nhiều về Kinh Thánh, hay có quyền thế, v.v. Các môn đệ Ngài tuyển chọn chẳng phải là hạng trí thức. Thật vậy, Người Do Thái rất «ngạc nhiên khi thấy ông Phêrô và ông Gioan mạnh dạn, và biết rằng hai ông là những người không có chữ nghĩa, lại thuộc giới bình dân» (Cv 4,13). Chính Ðức Giêsu cũng chẳng phải là người có học, vì Tin Mừng Gioan viết: «Người Dothái lấy làm ngạc nhiên. Họ nói: "Ông này không học hành gì, mà sao lại thông thạo chữ nghĩa thế!"» (Ga 7,15). Về đức độ, các môn đệ cũng chẳng phải là những người vượt trội, vì khi Ðức Giêsu bị bắt, tất cả các ông đều bỏ trốn, để mặc Ngài chịu trận một mình, Phêrô thậm chí còn chối phắt Thầy mình. So với các anh hùng của dân tộc ta (như Trần Hưng Ðạo, Nguyễn Huệ) về sự can đảm thì vào lúc ấy các ông thua xa.

Ðiều mà Ngài cần nơi những người cộng tác với Ngài là: mau mắn, không chần chừ tính toán. Vừa được Ðức Giêsu mời gọi, thì Phêrô và Anrê lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người. Giacôbê và Gioan cũng vậy: lập tức, các ông bỏ thuyền, bỏ cha lại mà theo Người (x. Mt 4,18-20). Sự mau mắn, không chần chừ tính toán được Mátthêu diễn tả bằng hai chữ «lập tức». Nó đòi hỏi phải có một chút liều lĩnh, phó thác, tin tưởng vào Ðức Giêsu. Chính nhờ những đức tính này mà khi được Thánh Thần tác động, các ông trở nên có đủ mọi thứ đức tính, mọi thứ tài năng hơn người. Từ những con người chết nhát, các ông đã trở nên những tông đồ can đảm, luôn luôn mạnh dạn làm chứng cho Ðức Giêsu, không chút sợ hãi (xem Cv 4,29.31 [r*]; 9,27-28 [s*]; 18,26 [t*]; 19,8 [u*]; 28,31 [v*]).

Ngày nay, để canh tân Giáo Hội, Ðức Giêsu vẫn tiếp tục cần rất nhiều người cộng tác với Ngài. Ngài luôn luôn mời gọi tất cả mọi Kitô hữu làm điều ấy. Bạn có nghe thấy tiếng Ngài mời gọi trong thẳm sâu tâm hồn không? Bạn đáp lại thế nào? Bạn lập tức chấp nhận, hay còn phải suy nghĩ xem mình có đủ khả năng, có đủ thì giờ, có đủ đức độ không? Nếu bạn có đủ khả năng, đủ thì giờ, đủ đức độ như các kinh sư Do Thái xưa, thì chắc hẳn Ngài đã chẳng kêu gọi bạn đâu, vì bạn sẽ cậy vào sức riêng bạn, chứ không thèm nhờ cậy vào Ngài nữa! Chính vì biết bạn thiếu tất cả những thứ ấy, Ngài mới kêu gọi bạn, như đã từng kêu gọi các tông đồ xưa. Ðiều quan trọng khi đi theo Ngài là bạn phải biết rằng bạn thiếu những thứ ấy để bạn khiêm nhường cậy dựa vào sức của Ngài, chứ không phải vào sức của mình. Bạn không nghe thấy Ngài cầu nguyện với Cha Ngài như vầy sao? «Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha » (Mt 11,25). Ðiều lạ lùng và hết sức nghịch lý nhưng lại là thực tế, đó là ta sẽ làm được tất cả khi thật tình nghĩ rằng «không có Thầy, anh em chẳng làm gì được» (Ga 15,5), nhưng «tôi có thể làm được tất cả nhờ Ðấng ban sức mạnh cho tôi» (Pl 4,13), vì «đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được» (Lc 1,37).

Vậy, nếu nghe thấy Ngài mời gọi bạn cộng tác với Ngài, bạn nên mau mắn chấp nhận. Chính nhờ sự mau mắn này, bạn - cũng như các tông đồ xưa - sẽ được biến đổi để làm được tất cả những gì Ngài mong muốn.


CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, nếu cần con cộng tác với Cha trong bất kỳ việc gì, thì đây con sẵn sàng, mặc dù con chẳng tài đức gì. Con chỉ muốn bắt chước các tông đồ xưa, nghe Ðức Giêsu kêu gọi, là lập tức bỏ tất cả mà đi theo, không suy nghĩ, đắn đo, tính toán. Xin ban cho con tinh thần tin tưởng và phó thác nơi quyền năng vô biên của Cha trong mọi sự. Amen.  


_________________________

Một số câu Kinh thánh được giới thiệu nhưng không trưng dẫn trong bài. Xin trưng ra đây để tiện cho những ai muốn đào sâu thêm:

[a*] Mt 22,35-40 => «(35) Rồi một người thông luật trong nhóm hỏi Ðức Giêsu để thử Người rằng: (36) “Thưa Thầy, trong sách Luật Môsê, điều răn nào là điều răn lớn nhất?” (37) Ðức Giêsu đáp: “Ngươi phải yêu mến Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. (38) Ðó là điều răn lớn nhất và điều răn đứng đầu. (39) Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. (40) Tất cả Luật Môsê và các sách ngôn sứ đều tùy thuộc vào hai điều răn ấy”.»
[b*] Mt 23,23 => «(23) “Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pharisêu giả hình! Các người nộp thuế thập phân về bạc hà, thì là, rau húng, mà bỏ những điều quan trọng nhất trong Lề Luật là công bình, lòng nhân và thành tín. Phải làm các điều này mà không được bỏ các điều kia. »
[c*] Mt 23,6-7 => «(6) Họ ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, (7) ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là “rápbi”
[d*] Mt 23,14  => «(14) Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pharisêu giả hình! Các người nuốt hết tài sản của các bà góa, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ, cho nên các người sẽ bị kết án nghiêm khắc hơn. »
[e*] Mt 23,3  => «(3) Vậy, những gì họ nói thì anh em hãy làm, hãy giữ; nhưng đừng theo hành động của họ mà làm, vì họ nói mà không làm.»
[f*] Mt 23,16-22  => «(16) “Khốn cho các người, những kẻ dẫn đường mù quáng! Các người bảo: “Ai chỉ Ðền Thờ mà thề, thì có thề cũng như không; còn ai chỉ vàng trong Ðền Thờ mà thề, thì bị ràng buộc”. (17) Ðồ ngu si mù quáng! Thế thì vàng hay Ðền Thờ là nơi làm cho vàng nên của thánh, cái nào trọng hơn? (18) Các người còn nói: “Ai chỉ bàn thờ mà thề, thì có thề cũng như không; nhưng ai chỉ lễ vật trên bàn thờ mà thề thì bị ràng buộc”. (19) Ðồ mù quáng! Thế thì lễ vật hay bàn thờ là nơi làm cho lễ vật nên của thánh, cái nào trọng hơn? (20) Vậy ai chỉ bàn thờ mà thề, là chỉ bàn thờ và mọi sự trên bàn thờ mà thề. (21) Và ai chỉ Ðền Thờ mà thề, là chỉ Ðền Thờ và Ðấng ngự ở đó mà thề. (22) Và ai chỉ trời mà thề, là chỉ ngai Thiên Chúa và cả Thiên Chúa ngự trên đó mà thề.»
[g*] Mt 23,24  => «(24) Quân dẫn đường mù quáng! Các người lọc con muỗi, nhưng lại nuốt con lạc đà.»
[h*] Lc 6,39  => «(39) Ðức Giêsu còn kể cho môn đệ dụ ngôn này: “Mù mà lại dặt mù được sao? Lẽ nào cả hai lại không sa xuống hố?»
[i*] Mt 21,10-11  => «(10) Khi Ðức Giêsu vào Giêrusalem, cả thành náo động, và thiên hạ hỏi nhau: “Ông này là ai vậy?” (11) Ðám đông trả lời: “Ngôn sứ Giêsu, người Nadarét, xứ Galilê đấy”.»
[k*] Mt 26,69-74  => «(69) Còn ông Phêrô đang ngồi ngoài sân, thì có một người tớ gái đến bên ông và nói: “Cả bác nữa, bác cũng đã theo ông Giêsu, người Galilê đó chứ gì?” (70) Ông liền chối trước mặt mọi người mà nói: “Tôi không biết cô nói gì!” (71) Ông đi ra đến cổng, thì một người tớ gái khác thấy ông, liền nói với những người ở đó: “Bác này cũng theo ông Giêsu người Nadarét đấy”. (72) Nhưng ông Phêrô lại thề mà chối: “Tôi không biết người ấy”. (73) Một lát sau, những người đứng đó xích lại gần ông Phêrô mà nói: “Ðúng là bác cũng thuộc bọn họ. Cứ nghe giọng nói của bác là biết ngay”. (74) Bấy giờ ông Phêrô liền thốt lên những lời độc địa và thề rằng: “Tôi không biết người ấy”. Ngay lúc đó, có tiếng gà gáy.»
[l*] Lc 23,6  => «(6) Nghe nói thế, ông Philatô liền hỏi xem đương sự có phải là người Galilê không.»
 [n*] Mt 21,11  => «(11) Ðám đông trả lời: “Ngôn sứ Giêsu, người Nadarét, xứ Galilê đấy”»
[o*] Tv 104,30  => «(30) Sinh khí của Ngài, Ngài gửi tới, là chúng được dựng nên, và Ngài đổi mới mặt đất này.»
[p*] Ep 4,23-24  => «(23) Anh em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em, (24) và phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện.»
[q*] Kh 21,5  => «(5) Đấng ngự trên ngai phán : "Này đây Ta đổi mới mọi sự."»
 [r*] Cv 4,29.31  => «(29) Giờ đây, lạy Chúa, xin để ý đến những lời ngăm đe của họ, và cho các tôi tớ Ngài đây được nói lời Ngài với tất cả sự mạnh dạn... (31)Họ cầu nguyện xong, thì nơi họ họp nhau rung chuyển ; ai nấy đều được tràn đầy Thánh Thần và bắt đầu mạnh dạn nói lời Thiên Chúa.»
[s*] Cv 9,27-28  => «(27) Ông Banaba liền đứng ra bảo lãnh đưa ông Saolô đến gặp các Tông Đồ, và tường thuật cho các ông nghe chuyện ông ấy được thấy Chúa hiện ra trên đường và phán dạy làm sao, cũng như việc ông ấy đã mạnh dạn rao giảng nhân danh Đức Giêsu tại Đamát thế nào.»
[t*] Cv 18,26  => «(26) Ông Apôlô bắt đầu mạnh dạn rao giảng trong hội đường. Sau khi nghe ông nói, bà Pơrítkila và ông Aquila mời ông về nhà trình bày Đạo của Thiên Chúa cho ông chính xác hơn.»
[u*] Cv 19,8  => «(8) Ông Phaolô vào hội đường, và trong vòng ba tháng, ông mạnh dạn rao giảng, thảo luận về Nước Thiên Chúa và cố gắng thuyết phục họ.»
[v*] Cv 28,31  => «(31) Ông Phaolô rao giảng Nước Thiên Chúa và dạy về Chúa Giêsu Kitô, một cách rất mạnh dạn, không gặp ngăn trở nào.»





No comments:

Post a Comment