Saturday, November 26, 2016

Vong-2b : Sám hối sâu xa đòi hỏi thay đổi quan niệm theo quan niệm của Đức Giêsu


CHIA SẺ TIN MỪNG


Chúa Nhật thứ 2 Mùa Vọng - Năm A
(bài 2)

(04-12-2016)


Sám hối sâu xa đòi hỏi thay đổi quan niệm
theo quan niệm của Đức Giêsu




ĐỌC LỜI CHÚA

  Is 11,1-10: (3) Người sẽ không xét xử theo dáng vẻ bên ngoài, cũng không phán quyết theo lời kẻ khác nói, (4) nhưng xét xử công minh cho người thấp cổ bé miệng, và phán quyết vô tư bênh kẻ nghèo hèn.

  Rm 15,4-9: (4) Mọi lời xưa đã chép trong Kinh Thánh, đều được chép để dạy dỗ chúng ta. Những lời ấy làm cho chúng ta nên kiên nhẫn, và an ủi chúng ta, để nhờ đó chúng ta vững lòng trông cậy.

  TIN MỪNG: Mt 3,1-12

Ông Gioan Tẩy Giả rao giảng


(1) Hồi ấy, ông Gioan Tẩy Giả đến rao giảng trong hoang địa miền Giuđê rằng: (2) «Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần». (3) Ông chính là người đã được ngôn sứ Isaia nói tới: Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. 

 (4) Ông Gioan mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, lấy châu chấu và mật ong rừng làm thức ăn. (5) Bấy giờ, người ta từ Giêrusalem và khắp miền Giuđê, cùng khắp vùng ven sông Giođan, kéo đến với ông. (6) Họ thú tội, và ông làm phép rửa cho họ trong sông Giođan. (7) Thấy nhiều người thuộc phái Pharisêu và phái Xađốc đến chịu phép rửa, ông nói với họ rằng: «Nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy? (8) Các anh hãy sinh hoa quả để chứng tỏ lòng sám hối. (9) Đừng tưởng có thể bảo mình rằng: “Chúng ta đã có tổ phụ Ápraham”. Vì, tôi nói cho các anh hay, Thiên Chúa có thể làm cho những hòn đá này trở nên con cháu ông Ápraham. (10) Cái rìu đã đặt sát gốc cây: bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa. (11) Tôi, tôi làm phép rửa cho các anh trong nước để giục lòng các anh sám hối. Còn Đấng đến sau tôi thì quyền thế hơn tôi, tôi không đáng xách dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho các anh trong Thánh Thần và lửa. (12) Tay Người cầm nia, Người sẽ rê sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi». 


CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1.       Gioan Tẩy Giả kêu gọi chúng ta sám hối để đón Chúa đến. Nhưng để sám hối một cách hữu hiệu và nền tảng, chúng ta cần thay đổi cái gì?
2.       Ðể đón Chúa đến và để được cứu rỗi thì việc lãnh nhận bí tích rửa tội để trở thành Kitô hữu đã đủ chưa? Còn thiếu điều gì nữa?
3.       Gioan yêu cầu mọi người sửa lối cho thẳng. Chúng ta phải thực hiện lời yêu cầu ấy một cách cụ thể như thế nào?

Suy tư gợi ý:

1.   Ðiều căn bản nhất trong việc sám hối là điều chỉnh lại quan niệm của mình theo Tin Mừng

«Hãy sám hối vì Nước Trời đã đến gần» (Mt 3,2). Câu nói ấy của Gioan Tẩy Giả cho thấy: nếu Nước Trời sắp đến thì con người cần phải sám hối. Sám hối là gì? Sám hối trước tiên là nhận ra mình đã phạm sai trái, lầm lỗi hay có tội, đồng thời hối tiếc vì thấy được hậu quả tai hại của chúng, sau đó quyết tâm thay đổi, sửa chữa, không tái phạm nữa. 

Nhưng điều quan trọng cần sám hối và sửa sai chính là quan niệm của mình. Quan niệm sai lầm sẽ dẫn đến tư tưởng và hành động sai lầm. Rất nhiều tư tưởng và hành động sai trái nhưng vẫn được người ta cho là đúng, là tốt, là đạo đức, chính vì họ quan niệm sai. Nhưng nhận ra quan niệm hiện có của mình là sai lầm là một điều hết sức khó, vì ai cũng cho quan niệm của mình là đúng. Vì có cho là đúng thì mình mới dùng nó làm căn bản để tư tưởng và hành động. Nhưng làm sao để biết quan niệm của mình đúng hay sai? − Thưa, có một tiêu chuẩn để biết quan niệm của mình đúng hay sai, đó là đối chiếu nó với quan niệm của Thiên Chúa, được bầy tỏ trong Tin Mừng qua Ðức Giêsu. 

Chẳng hạn, rất nhiều Kitô hữu quan niệm sai lầm về đạo đức, về sự thánh thiện. Họ nghĩ đạo đức thánh thiện là siêng năng làm các việc mà họ thường gọi là «việc đạo đức». Ðối với họ, các «việc đạo đức» chủ yếu là tham dự thánh lễ, xưng tội, rước lễ, đọc kinh (chung hoặc riêng), lần chuỗi, bỏ tiền vào nhà thờ, v.v. (*) Và khi siêng năng làm các việc ấy, họ cảm thấy an tâm về phần rỗi của mình vì nghĩ rằng mình là một người đạo đức, mặc dù họ thường cư xử thiếu tình nghĩa với những người chung quanh, mặc dù những «việc đạo đức» ấy chẳng ảnh hưởng bao nhiêu đến cách sống và hành xử của họ. 

Quan niệm như thế quả rất khác với quan niệm của Tin Mừng. Theo Tin Mừng, người đạo đức là người biết quên mình, biết coi nhẹ «cái tôi» và quyền lợi riêng của mình, biết vượt thắng bản năng ích kỷ để yêu Chúa và thương tha nhân hữu hiệu hơn, sẵn sàng hy sinh, chịu thiệt, chịu khổ vì tình yêu ấy. Ðạo đức thật sự phải được thể hiện cụ thể qua cách sống, cách cư xử đầy công bình và bác ái với mọi người. Các «việc đạo đức» như tham dự thánh lễ, lãnh nhận các bí tích... chỉ là những phương tiện cần thiết đem lại ơn Chúa và sức mạnh để ta sống đạo đức đích thật, nghĩa là để ta yêu Chúa và tha nhân thật sự bằng những hành động cụ thể. Nếu ta không nhắm thực hiện sự yêu thương ấy như là điều cốt yếu nhất của đạo đức, mà lại coi những «việc đạo đức» kia là chính yếu, thì những «việc đạo đức» ấy trở nên phản tác dụng. Chúng có thể thành cớ để ta tự mãn và lên mặt với mọi người, đang khi thực tế trước mặt Chúa ta chẳng có giá trị gì. Còn biết bao nhiêu quan niệm sai lầm khác ảnh hưởng tai hại đến đời sống tâm linh của ta.

Vì thế, để sám hối, không gì quan trọng và nền tảng bằng lấy ánh sáng Tin Mừng để chỉnh đốn lại những quan niệm sai lầm đang chi phối tư tưởng và cách hành động của ta. Tư tưởng và hành động mà sai trái, chính là vì quan niệm chưa đúng. Khi đã sửa đổi quan niệm cho đúng, tự khắc tư tưởng và hành động cũng sẽ đúng theo. Ðiều này đòi hỏi ta phải đọc và suy gẫm Kinh thánh, đặc biệt Tin Mừng và các thư của các tông đồ, đồng thời dành nhiều thì giờ đặt mình trước mặt Chúa để suy nghĩ, phản tỉnh và tự xét.

2.   Ðừng tự hào mình là người Kitô hữu

Biết bao người cảm thấy an tâm về phần rỗi đời đời của mình, đồng thời tự hào trước mặt mọi người vì mình là Kitô hữu, là tín đồ của một tôn giáo do chính Thiên Chúa thiết lập. Nhưng Gioan Tẩy Giả đã cảnh cáo bọn kinh sĩ: «Ðừng tưởng có thể bảo mình rằng: "Chúng ta đã có tổ phụ Ápraham". Vì, tôi nói cho các anh hay: Thiên Chúa có thể làm cho những hòn đá này trở nên con cháu ông Ápraham» (Mt 3,9). Ðiều quan trọng là «hãy sinh hoa quả để chứng tỏ lòng sám hối» (Mt 3,8), «Cái rìu đã đặt sát gốc cây: bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa» (Mt 3,10). Như vậy, điều quan trọng và cần thiết để được cứu rỗi không phải là chuyện có là Kitô hữu hay không, mà là có sống tinh thần Kitô hữu, tức tinh thần yêu thương của Ðức Kitô hay không. 

Nếu Thiên Chúa có thể biến những hòn đá thành con cháu Ápraham, thì cũng có thể biến chúng thành những Kitô hữu. Ðiều Thiên Chúa đòi hỏi ta chính là tình yêu, là hoa quả tất yếu của lòng sám hối. Và tình yêu ấy cũng phải sinh hoa kết trái thành hành động, để đem lại bình an, hạnh phúc và những điều tốt đẹp cho những người chung quanh ta, cho Giáo Hội và xã hội. 

Tôi rất thích tư tưởng sau đây của Raoul Follereau: «Thiên Chúa không thích những bàn tay tinh sạch nhưng trống rỗng, cho bằng những bàn tay tuy hơi dơ nhưng lại đầy quà tặng dâng lên Ngài». Ngài đòi hỏi chúng ta nếu có 5 nén thì phải làm lợi thành 10 nén, nếu chỉ có 2 thì cũng phải làm thành 4 (x. Mt 25,14-30, Lc 19,12-27**). Nếu không sinh hoa kết trái, chúng ta chỉ là những Kitô hữu hữu danh vô thực. Chúng ta cần phải tỏ ra mình là người Kitô hữu qua cách hành xử của chúng ta trong mọi tình huống và qua cách cư xử của chúng ta đối với mọi người. Phải làm sao để người khác nhìn thấy Chúa Kitô và tinh thần của Ngài trong cách sống của chúng ta: «Người ta cứ dấu này mà nhận biết anh em là môn đệ Thầy, là anh em yêu thương nhau» (Ga 13,35).

3.   Sứ điệp của Gioan: Hãy sửa lối cho thẳng để Ngài đi

Gioan dùng lời của ngôn sứ Isaia để nói lên sứ điệp của mình: «Hãy dọn sẵn con đường cho Ðức Chúa, hãy sửa lối cho thẳng để Ngài đi» (Mt 3,3). Ðường và lối ở đây chắc chắn không hiểu theo nghĩa vật chất, mà chủ yếu theo nghĩa tâm linh. Nghĩa là tâm hồn chúng ta phải thật thẳng, không quanh quéo. Thiên Chúa của chúng ta là một Thiên Chúa của Công Lý, Ngài ưa thích sự công minh chính trực, đường đường chính chính, luôn luôn sáng tỏ. Ngài rất ghét sự quanh co, mờ ám, dối trá. Tuy rất ghét sự xấu, sự ác, nhưng Ngài vẫn sẵn sàng tha thứ cho người xấu người ác khi họ hối cải. Ðiều Ngài ghét thậm tệ là sự xấu ác được che đậy bằng cái vỏ thánh thiện, đạo đức. Ta thấy: Ðức Giêsu cũng như Gioan Tẩy Giả không hề kết án hay chửi rủa những người tội lỗi như bọn đĩ điếm, thu thuế. Ðối tượng để các Ngài kết án và chửi rủa là:

- Những hạng đạo đức giả hình kiểu «khẩu Phật tâm xà», «bên ngoài thì có vẻ công chính trước mặt thiên hạ, nhưng bên trong thì toàn là giả hình và gian ác» (Mt 23,28), họ «rửa sạch bên ngoài chén đĩa, nhưng bên trong thì đầy những chuyện cướp bóc và ăn chơi vô độ» (Mt 23,25). Khi những người đạo đức giả (thuộc phái Pharisêu và Sađốc) đến xin rửa tội, Gioan Tẩy Giả thẳng thừng nói: «Nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy? Các anh hãy sinh hoa quả xứng với lòng sám hối» (Mt 3,7-8).

- Những người có chức có quyền trong đạo Do Thái nhưng đã dùng những chức quyền ấy chẳng phải để bênh vực người nghèo, người bị áp bức, mà trái lại để hà hiếp bóc lột họ: «Họ nuốt hết tài sản của các bà goá, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ» (Mt 23,14). Những người này đã coi tôn giáo như một cơ hội thuận lợi giúp mình thăng quan tiến chức hầu có thể sống trên đầu trên cổ người khác. Các Ngài chửi rủa họ một cách thậm tệ, có thể nói là «cạn tàu ráo máng»: nào là «Nòi rắn độc kia!» (Mt 3,7***), nào là «mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế» (Mt 23,27), nào là «người mù lại dắt người mù» (x. Mt 15,12-14****), v.v. 

Vì thế, để đón Chúa đến, người Kitô hữu phải tránh tất cả mọi thứ quanh quéo trong tâm hồn, trong lời nói và hành động. Không dùng những xảo thuật như «treo đầu dê bán thịt chó», «lập lờ đánh lận con đen», tráo trở, «có nói không, không nói có», «nói một đằng làm một nẻo». Trái lại, cần phải có tâm hồn ngay thẳng: «hễ "có" thì phải nói "có", "không" thì phải nói "không". Thêm thắt điều gì là do ác quỷ» (Mt 5,36). Khi phải lên tiếng thì cứ theo công tâm mà nói, không thiên lệch bên nào, không nói lấy được cho mình, cho phe của mình, cho tôn giáo của mình. Ðiều chúng ta phải bênh vực là công lý và tình thương, chứ không phải một đối tượng nào khác. Nếu có bênh vực người nghèo thì không phải vì họ nghèo, mà vì họ thường là nạn nhân của bất công. Ðừng để cho quyền lợi cá nhân hay tập thể chi phối lời nói và hành động của ta, làm ta mất đi sự trong sáng và công tâm của mình. Ðừng nói quá nhiều quá hay, mà làm thì quá ít quá dở; đó cũng là một thứ thiếu thẳng thắn.

Là người Kitô hữu, môn đệ của Ðức Giêsu, chúng ta phải hành xử làm sao để mọi người có thể tin vào lương tâm, vào lời nói của chúng ta, nhất là những người chính thức mang danh «người theo Chúa». Nếu không, chúng ta sẽ làm ô danh Ðức Giêsu và tôn giáo mà chúng ta theo. Ðó là cách tốt nhất để đón Chúa đến trần gian, nhất là đến trong tâm hồn mình.


CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, chúng con đang đón chờ Ðức Giêsu trở lại trần gian lần thứ hai. Xin cho chúng con biết đón Ngài đến bằng sự sám hối, bằng một sự thay đổi hữu hiệu, mà quan trọng nhất là thay đổi quan niệm. Xin cho chúng con quan niệm mọi sự giống như Ðức Giêsu đã quan niệm, được bày tỏ trong các sách Tin Mừng. Xin cho chúng con biết yêu những gì Ngài yêu như sự ngay thẳng, công bình, trong sáng, và ghét những gì Ngài ghét như sự giả hình, quanh co, che đậy. Ðể càng ngày chúng con càng nên hoàn hảo, giống Ngài hơn. Amen.

Nguyễn Chính Kết



Phụ chú:

* Những việc như tham dự thánh lễ, xưng tội, rước lễ, đọc kinh (chung hoặc riêng), lần chuỗi, bỏ tiền vào nhà thờ, v.v. được nhiều người gọi là «việc đạo đức» khiến người ta hiểu rằng cứ làm những việc đó cho nhiều thì là người thánh thiện, đạo đức. Nhưng trong thực tế không hẳn như vậy. Khá nhiều người làm rất nhiều, rất tốt những việc gọi được gọi là «việc đạo đức» ấy, nhưng họ sống thiếu tình nghĩa, đời sống của họ không biểu lộ được cái «tâm yêu thương» như bản chất đầy yêu thương của Thiên Chúa bên trong họ. Chính cái «tâm yêu thương» này mới làm cho người ta trở nên thánh thiện hay không, chứ không phải là những việc được gọi là «việc đạo đức» kia.

Những việc ấy là những phương tiện rất cần thiết để có được năng lực, động lực hay ơn Chúa hầu đạt được mục đích của thánh thiện là sống yêu thương theo gương của Thiên Chúa. Nhưng nếu không đạt được mục đích ấy thì những phương tiện tốt đẹp kia có ích lợi gì?

Tuy nhiên, người đạo đức thánh thiện đích thực thì vẫn luôn luôn tôn trọng và thực hiện những phương tiện cần thiết để nên thánh thiện ấy.

(xin tham khảo thêm bài viết: Sự thánh thiện, đạo đức Kitô giáo hệ tại điều gì?)


** Mt 25,14-30 => «(Khi ấy, Đức Giêsu nói:)“Quả thế, cũng như có người kia sắp đi xa, liền gọi đầy tớ riêng của mình đến mà giao phó của cải mình cho họ. Ông cho người này năm yến, người kia hai yến, người khác nữa một yến, tùy khả năng riêng mỗi người. Rồi ông ra đi. Lập tức, người đã lãnh năm yến lấy số tiền ấy đi làm ăn buôn bán, và gây lời được năm yến khác. Cũng vậy, người đã lãnh hai yến gây lời được hai yến khác. Còn người đã lãnh một yến thì đi đào lỗ chôn dấu số bạc của chủ. Sau một thời gian lâu dài, ông chủ của các đầy tớ ấy đến thanh toán sổ sách với họ. Người đã lãnh năm yến tiến lại gần, đưa năm yến khác, và nói: “Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi năm yến, tôi đã gây lời được năm yến khác đây”. Ông chủ nói với người ấy: “Khá lắm! hỡi người đầy tớ tài giỏi và trung thành! Trong việc ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ đặt anh lên coi việc nhiều. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!” Người đã lãnh hai yến cũng tiến lại gần và nói: “Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi hai yến, tôi đã gây lời được hai yến khác đây”. Ông chủ nói với người ấy: “Khá lắm! hỡi người đầy tớ tài giỏi và trung thành! Trong việc ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ đặt anh lên coi việc nhiều. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!” Rồi người đã lãnh một yến cũng tiến lại gần và nói: “Thưa ông chủ, tôi biết ông là người hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi. Vì thế, tôi đâm sợ, mới đem chôn giấu yến bạc của ông dưới đất. Của ông đây, ông cầm lấy!” Ông chủ đáp: “Hỡi tên đầy tớ tồi tệ và biếng nhác! Ngươi đã biết ta gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi, thì đáng lý ngươi phải gởi số bạc của ta cho các chủ ngân hàng, để khi ta đến, ta thu hồi của thuộc về ta cùng với số lời chứ! Vậy các ngươi hãy lấy yến bạc khỏi tay nó mà đưa cho người đã có mười yến. Vì phàm ai đã có, thì được cho thêm và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy đi. Còn tên đầy tớ vô dụng kia, hãy quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài: ở đó, sẽ phải khóc lóc nghiến răng

     Lc 19,12-27 => (tương tự như Mt 25,14-30) «Vậy Người nói: “Có một người quý tộc kia trẩy đi phương xa lãnh nhận vương quyền, rồi trở về. Ông gọi mười nguời trong các tôi tớ của ông đến, phát cho họ mười nén bạc và nói với họ: “Hãy lo làm ăn sinh lợi cho tới khi tôi đến”. Nhưng đồng bào ông ghét ông, nên họ cử một phái đoàn đến sau ông để nói rằng: “Chúng tôi không muốn ông này làm vua chúng tôi”. “Sau khi lãnh nhận vương quyền, ông trở về. Bấy giờ ông truyền gọi những đầy tớ ông đã giao bạc cho, để xem mỗi người làm ăn sinh lợi được bao nhiêu. Người thứ nhất đến trình: “Thưa ngài, nén bạc của ngài đã sinh lợi được mười nén”. Ông bảo người ấy: “Khá lắm, hỡi người đấy tớ tài giỏi! Vì anh đã trung thành trong việc rất nhỏ, thì hãy cầm quyền cai trị mười thành”. Người thứ hai đến trình: “Thưa ngài, nén bạc của ngài đã sinh được năm nén”. Ông cũng bảo người ấy: “Anh cũng vậy, anh hãy cai trị năm thành”. Rồi nguời thứ ba đến trình: “Thưa ngài, nén bạc của ngài đây, tôi đã bọc khăn giữ kỹ. Tôi sợ ngài, vì ngài là người khắc nghiệt, đòi cái không gửi, gặt cái không gieo”. Ông nói: “Hỡi tên đầy tớ tồi tệ! Ta cứ lời miệng ngươi mà xử ngươi. Ngươi đã biết ta là người khắc nghiệt, đòi cái không gửi, gặt cái không gieo. Thế sao ngươi không gửi bạc của ta vào ngân hàng? Và khi ta đến, ta sẽ rút ra được cả vốn lẫn lời!” Rồi ông bảo những người đứng đó: “Lấy lại yến bạc nó giữ mà đưa cho người đã có mười yến”. Họ thưa ông: “Thưa ngài, anh ấy có mười yến rồi!” “Tôi nói cho các anh hay: phàm ai đã có, thì sẽ được cho thêm; còn ai không có, thì ngay cái nó đang có cũng sẽ bị lấy đi”.»

*** Mt 3,7 => «Thấy nhiều người thuộc phái Phrisêu và phái Xađốc đến chịu phép rửa, ông (=Gioan Tẩy Giả) nói với họ rằng: “Nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy?»

**** Mt 15,14 => «Bấy giờ các môn đệ đến gần Ðức Giêsu mà thưa rằng: “Thầy có biết không? Những người Pharisêu đã vấp phạm khi nghe Thầy nói lời ấy”. Ðức Giêsu đáp: “Cây nào mà Cha của Thầy, Ðấng ngự trên trời, đã không trồng, thì sẽ bị nhổ đi. Cứ để mặc họ. Họ là những người mù dắt người mù. Mù mà lại dắt mù, cả hai sẽ lăn cù xuống hố.»


No comments:

Post a Comment