CHIA SẺ TIN MỪNG
Chúa Nhật thứ 25 Thường Niên
(18-9-2016)
Đổi tài sản chóng qua lấy tài sản vĩnh cửu
ĐỌC LỜI CHÚA
· Am
8,4-7: (4) Hãy nghe đây, hỡi những ai đàn áp người
cùng khổ và tiêu diệt kẻ nghèo hèn trong xứ. (7b) Ta sẽ chẳng bao giờ quên một hành vi nào
của chúng.
· 1
Tm 2,1-8: (4) Thiên Chúa muốn cho mọi người được cứu độ
và nhận biết chân lý. (5)
Thật vậy, chỉ có một Thiên Chúa, chỉ có một Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và
loài người: đó là một con người, Đức Kitô Giêsu, (6) Đấng đã tự hiến làm giá chuộc mọi người.
· TIN MỪNG : Lc 16,1-13
Dụ ngôn người quản gia bất lương
(1) Khi ấy, Đức Giêsu nói với
các môn đệ rằng: «Một nhà phú hộ kia có một người quản gia. Người ta tố cáo với ông là
anh này đã phung phí của cải nhà ông. (2) Ông mới gọi anh ta đến mà bảo: “Tôi nghe người ta nói gì về anh đó?
Công việc quản lý của anh, anh tính sổ đi, vì từ nay anh không được làm quản
gia nữa!” (3) Người quản
gia liền nghĩ bụng: “Mình sẽ làm gì đây? Vì ông chủ đã cất chức quản gia của
mình rồi. Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. (4) Mình biết phải làm gì rồi, để sau khi mất
chức quản gia, sẽ có người đón rước mình về nhà họ!”
(5) «Anh ta liền cho gọi từng con nợ của chủ đến, và hỏi người thứ nhất: “Bác nợ chủ tôi bao nhiêu vậy?” (6) Người ấy đáp: “Một trăm thùng dầu ô-liu”. Anh ta bảo: “Bác cầm lấy biên lai của bác đây, ngồi xuống mau, viết năm chục thôi”. (7) Rồi anh ta hỏi người khác: “Còn bác, bác nợ bao nhiêu vậy?” Người ấy đáp: “Một ngàn giạ lúa”. Anh ta bảo: “Bác cầm lấy biên lai của bác đây, viết lại tám trăm thôi”.
(8) «Và ông chủ khen tên quản gia bất lương đó đã hành động khôn khéo. Quả thế, con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại.
(5) «Anh ta liền cho gọi từng con nợ của chủ đến, và hỏi người thứ nhất: “Bác nợ chủ tôi bao nhiêu vậy?” (6) Người ấy đáp: “Một trăm thùng dầu ô-liu”. Anh ta bảo: “Bác cầm lấy biên lai của bác đây, ngồi xuống mau, viết năm chục thôi”. (7) Rồi anh ta hỏi người khác: “Còn bác, bác nợ bao nhiêu vậy?” Người ấy đáp: “Một ngàn giạ lúa”. Anh ta bảo: “Bác cầm lấy biên lai của bác đây, viết lại tám trăm thôi”.
(8) «Và ông chủ khen tên quản gia bất lương đó đã hành động khôn khéo. Quả thế, con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại.
Trung tín trong việc sử dụng tiền của
(9) «Phần Thầy, Thầy
bảo cho anh em biết: hãy dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi
hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu. (10) Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng
trung tín trong việc lớn; ai bất lương trong việc rất nhỏ, thì cũng bất lương
trong việc lớn. (11) Vậy
nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng tiền của bất chính, thì ai sẽ tín
nhiệm mà giao phó của cải chân thật cho anh em? (12) Và nếu anh em không trung tín trong việc sử
dụng của cải của người khác, thì ai sẽ ban cho anh em của cải dành riêng cho
anh em?
(13) «Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được».
(13) «Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được».
CHIA SẺ
Câu hỏi gợi ý:
1. Bạn nghĩ gì về một người nghèo được người
ta đồng ý cho «đổi giấy lấy tiền» (cứ
một tờ giấy thường nhỏ lấy một tờ giấy bạc 10.000đ, hay 50.000đ VN, hoặc lấy tờ
10 hay 50 USD), mà lại không chịu đổi, cứ nhất định khư khư giữ lại những tờ
giấy ít giá trị cho mình? Bạn có bao giờ nghĩ mình cũng đang làm tương tự như
thế trên bình diện tâm linh không?
2. Một người thường tỏ ra bất tín trong
chuyện tiền bạc, hay lỗi hẹn, hay thất hứa, v.v… thì bạn có dám giao cho họ một
công việc gì lớn không? Tại sao? Bạn có những kinh nghiệm nào cụ thể về việc này?
Suy tư gợi ý:
1. Theo khôn ngoan thế gian, phải biết lo liệu
trước tương lai
Ta thử đặt
mình vào địa vị tên quản gia bất lương kia để xem mình nên làm gì hầu «sau khi mất chức quản gia, sẽ có người đón
rước mình về nhà họ». Nếu không lo liệu trước, thì coi chừng chết đói, vì
ngoài chức quản gia ra, anh ta chẳng biết làm gì khác để sinh sống, «cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi».
Tốt nhất là nên lợi dụng ngay quyền hạn của chức quản gia mà mình còn giữ được
trong thời gian ngắn ngủi một tuần hay một tháng này để lo liệu chuyện đó. Bây
giờ cần phải đầu tư tình cảm nơi mọi người. Cách tốt nhất và hữu hiệu nhất để
gây tình cảm là lợi dụng chức quản gia để làm ơn cho họ. Anh ta nghĩ: ông chủ
có rất nhiều con nợ, mình giảm nợ cho họ tất nhiên họ phải mang ơn mình, có
tình cảm với mình, nhờ đó, khi mình thất nghiệp, họ sẽ tôn trọng và giúp đỡ
mình. Thế là «anh ta liền cho gọi từng
con nợ của chủ đến, và hỏi người thứ nhất: “Bác nợ chủ tôi bao nhiêu vậy?” (6) Người ấy đáp: “Một trăm thùng dầu ô-liu”.
Anh ta bảo: “Bác cầm lấy biên lai của bác đây, ngồi xuống mau, viết năm chục
thôi”. (7) Rồi anh ta hỏi
người khác: “Còn bác, bác nợ bao nhiêu vậy?” Người ấy đáp: “Một ngàn giạ lúa”.
Anh ta bảo: “Bác cầm lấy biên lai của bác đây, viết lại tám trăm thôi”».
Như thế,
anh ta đã dùng những tiền của không phải của mình để làm lợi cho mình: dùng
tiền của của người khác do mình tạm thời quản lý để mua lấy tương lai cho mình
về sau. Nhân câu chuyện này, Đức Giêsu khuyên chúng ta: «Hãy dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết
bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu». Điều ấy có ý nghĩa gì? Cần
phải hiểu câu nói của Đức Giêsu thế nào?
2. Áp dụng sự khôn ngoan ấy vào việc lo hạnh phúc
vĩnh cửu
Chúng ta
ai nấy đều có một thời gian rất ngắn ngủi ở trần gian này trước khi bước vào
đời sống vĩnh cửu đời sau. So với đời sống mai hậu, đời sống này rất là ngắn
ngủi trong đó mọi sự đều chóng qua, giả tạm, không bền. Thật vậy, tất cả mọi sự
ta đang có trong tay – trí tuệ, khôn ngoan, sức khỏe, cha mẹ, vợ con, anh em,
nhà cửa, ruộng vườn, của cải, v.v… – có thể mất đi bất cứ lúc nào. Chỉ một cơn
bệnh nặng hay một tai nạn ở đầu có thể làm ta mất hết trí tuệ, sức khỏe, làm ta
điên loạn, không còn biết gì. Một cuộc đổi đời có thể làm ta mất hết địa vị, quyền
lực và tiền bạc. Như thế tất cả những gì ta đang có trong tay, dù là tinh thần
hay vật chất, đều không phải là của ta, mà chỉ để ta quản lý một thời gian
thôi. Ta chỉ quản lý nó nhiều lắm là 100 năm ở đời này. 100 năm đó so với sự
hiện hữu vĩnh cửu của ta thì cũng tương tự như một phút so với cả cuộc đời trần
thế của ta. Tới khi chết, tất cả những của cải ta đang quản lý, dù nhiều tới
đâu, cũng đều phải để lại cho người khác quản lý, và ra đi với hai bàn tay
trắng. Chỉ những gì ta có được ở đời sau, mới là của ta đích thật, nó sẽ ở với
ta mãi mãi.
Tuy nhiên,
một điều rất lạ lùng và hết sức đáng mừng là ta có thể dùng những thứ giả tạm
chóng qua mà ta đang quản lý ở đời này để tạo nên của cải đích thực và vĩnh cửu
cho ta ở đời sau. Vì thế, xét về mặt này, hoàn cảnh của ta giống y hệt hoàn
cảnh của viên quản lý trong dụ ngôn của Đức Giêsu. Vậy thì dại gì ta cứ giữ khư
khư lấy những của giả tạm đó cho mình, mà không lợi dụng thời gian quản lý quí
báu những của cải ấy để mua sắm lấy Nước Trời, tức hạnh phúc đích thực và vĩnh
cửu của mình. Vì thế, những kẻ chỉ lo làm giàu ở đời này mà không màng đến việc
lo liệu cho hạnh phúc đời sau, thì đúng là bỏ mất những cơ hội hết sức quí báu
để «đổi giấy lấy tiền». Cơ hội này
mất đi sẽ không bao giờ trở lại.
Người quản
lý trong dụ ngôn đã dùng tiền mà mình đang quản lý để làm ơn làm phúc cho người
này người nọ, nhờ đó khi không còn quản lý nữa, ông vẫn được người khác quí
trọng, tiếp đón, hậu đãi. Đức Giêsu khuyên chúng ta cũng nên «dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè,
phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu».
Nghĩa là hãy dùng những của cải tạm bợ – tinh thần cũng như vật chất – mà Chúa
trao cho ta quản lý, để sắm lấy những của cải vĩnh viễn trên trời. Bằng cách
nào? bằng cách sử dụng những của cải ấy để thực hiện những hành động yêu
thương: gây hạnh phúc hay làm lợi cho tha nhân, làng xóm, xứ đạo, quê hương đất
nước, xã hội, Giáo Hội… Ta có thể dùng tiền của, tài năng, trí tuệ của mình –
vốn giả tạm, chóng qua, nay còn mai mất
– để đầu tư cho sự hạnh phúc của tha nhân, sự phát triển của xã hội, sự
thánh thiện của Giáo Hội, v.v… Nhờ vậy, tự nhiên ta có một kho tàng vĩnh cửu
không thể hư mất ở trên trời. Như thế chẳng phải là ta đã «đổi giấy lấy tiền», «đổi đồ
giả lấy đồ thật» sao? Vậy dại gì mà không đổi?
3. Hãy trung tín trong mọi việc hằng ngày
Đã là
người, ai cũng muốn mình trở thành người có giá trị, được mọi người tín nhiệm.
Sự tín nhiệm và giá trị của ta một phần
nào được đo bằng việc người khác có dám giao cho ta đảm trách những việc
lớn lao hay không. Nhưng làm sao người khác có thể dám giao cho ta việc lớn,
khi họ thấy ngay cả việc nhỏ ta cũng không chu toàn được? Đức Giêsu đã đưa ra
một nguyên tắc: «Ai trung tín trong việc
rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai bất lương trong việc rất nhỏ,
thì cũng bất lương trong việc lớn». Sự khôn ngoan đòi buộc người ta, khi
giao việc cho ai mà muốn thành công, thì phải thử xem người ấy có đủ khả năng
và đức độ để chu toàn việc ấy không. Đức độ và khả năng là hai yếu tố quan
trọng để căn cứ vào đó mà tín nhiệm một người. Nói về việc thử người, trong dân
gian có câu: «Lấy lửa thử vàng, lấy vàng
thử đàn bà, và lấy đàn bà thử đàn ông». Tôi nghĩ câu ấy cũng rất chí lý.
Riêng tôi,
theo kinh nghiệm cá nhân rất hạn hẹp của
tôi thì chỉ nên tín nhiệm những ai tỏ ra trung tín trong việc sử dụng tiền bạc
hoặc của cải của người khác. Và đó cũng là điều Đức Giêsu nói trong bài Tin
Mừng hôm nay: «Vậy nếu anh em không trung
tín trong việc sử dụng tiền của bất chính [1], thì ai
sẽ tín nhiệm mà giao phó của cải chân thật cho anh em? Và nếu anh em không
trung tín trong việc sử dụng của cải của người khác, thì ai sẽ ban cho anh em
của cải dành riêng cho anh em?» Kinh nghiệm hạn hẹp của tôi cho thấy người
nào không trung tín trong chuyện tiền bạc, của cải vật chất, thì cũng thường
– tôi chỉ dám nói «thường» mặc dù tôi
chưa thấy có luật trừ – không trung tín hay không đáng tín nhiệm trong những
chuyện khác. Còn ai trung tín trong chuyện tiền bạc, của cải vật chất, thì cũng
thường
trung tín hay đáng tín nhiệm trong những việc khác. Theo quan niệm của tôi, một
người không giữ được sự công bằng – dù về tinh thần hay vật chất – thì cũng khó
có thể là một người bác ái đích thật hay một người thánh thiện được.
Vậy, ta
không nên sợ rằng mình không được tín nhiệm, mà hãy sợ rằng ta chưa có thái độ
đúng đắn trong những việc nhỏ, trong sự công bằng, trong cách sử dụng tiền bạc
hay của cải không phải là của mình.
[1] «Tiền của bất chính» ở đây nên hiểu là tiền của giả tạm, chóng qua ở đời này, mà ta chỉ là người quản lý chứ không phải là chủ. Nó trở nên «bất chính» khi ta tự coi mình là chủ nhân và sử dụng nó hoàn toàn theo ý mình, chứ không phải theo ý của chủ nhân đích thực là Thiên Chúa.
CẦU NGUYỆN
Lạy Cha, xin cho con
ý thức rằng mọi sự con có trong tay, dù là tinh thần hay vật chất, không phải
là của con mà là của Cha. Cha giao cho con quản lý chứ không phải làm chủ. Con
phải sử dụng chúng theo ý Cha chứ không phải theo ý con. Xin cho con biết sử
dụng những thứ Cha giao cho con quản lý để tạo nên kho tàng vĩnh viễn cho con ở
trên trời. Xin cho con biết trung tín trong mọi việc nhỏ nhặt của đời sống
thường ngày, để con đáng được Cha và mọi người tín nhiệm trong những việc lớn
lao hơn.
(Nguyễn Chính Kết)
No comments:
Post a Comment