CHIA SẺ TIN MỪNG
Chúa Nhật thứ 22 Thường Niên
(28-8-2016)
Tâm lý của "cái tôi"
Đọc Lời Chúa
· Hc 3,17-18.20.28-29:
(18) Càng
làm lớn, con càng phải tự hạ, như thế, con sẽ được đẹp lòng Đức Chúa.
(20) Vì quyền năng Đức
Chúa thì lớn lao: Người được tôn vinh nơi các kẻ khiêm nhường.
(28) Kẻ kiêu ngạo lâm cảnh khốn
cùng thì vô phương cứu chữa, vì sự xấu xa đã ăn sâu mọc rễ trong nó.
· Dt 12,18-19.22-24a:
Anh em đã tới dự hội vui,
(23) dự đại hội
giữa các con đầu lòng của Thiên Chúa, là những kẻ đã được ghi tên trên trời. Anh
em đã tới cùng Thiên Chúa, Đấng xét xử mọi người, đến với linh hồn những người
công chính đã được nên hoàn thiện.
· TIN MỪNG: Lc 14,1.7-14
«Hãy
ngồi chỗ cuối»
(1) Một
ngày sa-bát kia, Đức Giêsu đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pharisêu để dùng bữa:
họ cố dò xét Người. (7)
Người nhận thấy khách dự tiệc cứ chọn cỗ nhất mà ngồi, nên nói với họ dụ ngôn
này: (8)
«Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào cỗ nhất,
kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời, (9)
và rồi người đã mời cả anh lẫn nhân vật kia phải đến nói với anh rằng: “Xin ông
nhường chỗ cho vị này”. Bấy giờ anh sẽ phải xấu hổ mà xuống ngồi chỗ cuối.
(10) Trái lại, khi anh được mời, thì hãy vào ngồi chỗ cuối, để cho
người đã mời anh phải đến nói: “Xin mời ông bạn lên trên cho”. Thế là anh sẽ
được vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn. (11) Vì phàm ai tôn
mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên».
«Khi đãi
khách, hãy mời những người nghèo khó»
(12) Rồi
Đức Giêsu nói với kẻ đã mời Người rằng: «Khi nào
ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng mời bạn bè, anh em, hay bà con, hoặc
láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại ông, và như thế ông được đáp lễ rồi.
(13) Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó,
tàn tật, què quặt, đui mù. (14) Họ không có gì đáp lễ, và như
thế, ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại».
Câu hỏi gợi
ý:
1. Có bao giờ bạn làm ra vẻ yêu thương ai,
giả bộ khiêm nhường, tỏ ra mình là người có giá trị, có tư cách
không?
Bạn nghĩ gì về sự giả bộ này? Nó có phổ biến
nơi tâm lý mọi người không?
2. Khi người khác thành công hơn bạn, được ca tụng
hơn bạn, bạn có tự nhiên cảm thấy có gì đó làm mình khó chịu, ganh tức, buồn
phiền không?
3. Hành động theo khuynh hướng giả trá ấy có lợi
ích lâu dài không? có phải là khôn ngoan không? Tại sao?
Suy niệm
1. Ai cũng muốn bản thân mình là một cái gì có
giá trị,
và được mọi người công nhận và tôn trọng giá trị của mình
và được mọi người công nhận và tôn trọng giá trị của mình
Thiên Chúa đã dựng nên con người giống như Ngài,
theo hình ảnh Ngài (xem St 1,26-27; 9,6), nhưng ở mức độ hoàn hảo của một tạo
vật giới hạn, đương nhiên kém Ngài rất xa vì Ngài ở mức độ hoàn hảo của một
Thiên Chúa vô hạn. Mức hoàn hảo của con người về sau lại bị tổn thương vì tội
nguyên tổ. Vì thế, từ sâu thẳm, con người vẫn muốn vươn lên hoàn hảo, muốn sống
yêu thương, muốn thực hiện Chân Thiện Mỹ, nghĩa là muốn càng ngày càng trở nên
giá trị hơn, giống Thiên Chúa hơn. Đấy quả là một chiều hướng rất tốt.
Nhưng do tội lỗi và nhất là tính kiêu ngạo, sự xấu
đã xâm nhập vào bản thể con người, khiến cho chiều hướng tốt ấy bị lạc hướng.
Thay vì cố gắng trở nên hoàn hảo, có giá trị thật sự (điều này khó, đòi hỏi con
người phải cố gắng nhiều và quên mình đi), thì con người lại muốn trở nên
có vẻ hay được coi như hoàn hảo, như yêu thương,
như có giá trị, như giống Thiên Chúa. Điều này giảm bớt cho con người
biết bao khó khăn và nỗ lực. Thay vì tìm cách tạo nên giá trị thật sự từ bên
trong, con người tìm cách để mình có vẻ như,
hay được coi như, và được đối xử như có giá
trị, bất chấp bên trong có giá trị đích thực hay không.
Vì thế, khi xét mình, nếu thành thật với lòng mình,
ai cũng đều cảm nhận khuynh hướng này: «Tôi biết anh nịnh tôi, nhưng tôi vẫn
thấy thích thú», và nếu ai nói về một tật xấu hay điều dở của ta, cho dù có
đúng 100%, ta cũng cảm thấy khó chịu. Từ đó, thay vì nỗ lực hoàn thiện «cái
tôi», làm cho nó có giá trị đích thực, thì ta lại tìm đủ mọi cách để «cái
tôi» được tôn trọng, được coi là có giá trị. Chẳng hạn, khi dự
tiệc thì thích lên ngồi ở chỗ danh dự, chỗ dành cho những bậc vị vọng, trong
giáo xứ hay trong xã hội thì tìm cách vận động để ngoi lên những chức vụ quan
trọng… Ngoài ra còn tìm đủ mọi cách để che bớt những cái xấu, cái dở của mình,
để đừng có ai nhìn thấy. Khuynh hướng giả trá này còn đi xa hơn: bên trong càng
ít giá trị, thì bên ngoài lại càng phải tỏ ra nhiều giá trị. Vì thế nên mới có
tình trạng «xấu hay làm tốt, dốt hay nói chữ», «thùng rỗng kêu to»,
càng tự ty thì lại càng tự tôn. Thậm chí sẵn sàng đánh lừa cả chính mình: nghĩ
mình đích thực có giá trị đúng như mình đang muốn làm ra vẻ
như thế.
2. Phải vạch mặt khuynh hướng giả trá ấy ngay
trong bản thân mình
Chính khuynh hướng này, xem ra rất tự nhiên nơi mỗi
người và mọi người, lại là đầu mối gây nên biết bao nhiêu tội lỗi, xấu xa và rắc
rối cuộc đời. Tại sao? Vì nó chính là một khuynh hướng giả trá, ma mãnh, nên kết
quả cuối cùng bao giờ cũng là thất bại thê thảm, mặc dù nhất thời nó có thể đem
lại nhiều vinh quang, lợi lộc. Ta dễ ganh tị khi thấy người khác hơn mình (tốt
hơn, đẹp hơn, hạnh phúc hơn, đạo đức hơn, tài năng hơn, giàu có hơn, được yêu
mến hơn…). Sự ganh tị ấy khiến ta vô tình hoặc cố ý tìm cách hạ
người khác xuống bằng lời nói hoặc bằng hành động, thậm chí làm hại hoặc trừ khử
họ. Nhưng rồi tới một lúc nào đó, chẳng sớm thì muộn, sự ganh tị ấy cũng sẽ bị
lột mặt nạ, để rồi tất cả những gì giả tạo mình vất vả xây dựng được, có thể
bằng tội ác, bằng những phương tiện bất chính, sẽ sụp đổ hoàn toàn. Lúc đó trước
mặt người khác, mình lại trở thành kẻ vô giá trị, hơn thế nữa, bị nguyền rủa
thậm tệ.
Khuynh hướng giả trá này, bao hàm sự ganh tị, là mẫu
số chung tự nhiên của tất cả mọi con cháu Ađam–Eva, cho dù người ấy thánh thiện
tới đâu. Sự thánh thiện của một con người không phải nằm ở chỗ không có hay tiêu
diệt khuynh hướng ấy, mà thắng vượt được khuynh hướng ấy. Thật vậy, cho dù tôi
có thánh thiện tới đâu, khi có ai nịnh tôi, hay khi tôi được đề cao (dù không
xứng đáng) thì phản ứng tâm lý đầu tiên của tôi là cảm thấy thích thú, và khi có
ai chê bai (dù là chê đúng), hay khi thấy bạn bè hơn mình, tôi vẫn thấy khó chịu.
Nếu không thế thì chắc hẳn tôi đã thoát khỏi hậu quả xấu ác của tội nguyên tổ
rồi! Phản ứng đầu tiên hay «sơ cấp» phát xuất từ tâm lý ấy, dù tôi không
muốn phản ứng như thế cũng không được, trừ trường hợp tôi đã tu luyện rất nhiều
năm. Và phản ứng tuy xuất phát từ một khuynh hướng xấu, nhưng không phải là tội
lỗi, vì nó xảy ra ngoài ý muốn của tôi. Nhưng sau đó, tôi bắt đầu phản tỉnh lại
và nhận ra đó là một khuynh hướng xấu. Vấn đề là sau khi phản tỉnh, tôi có hành
động theo khuynh hướng xấu đó hay không. Phản ứng sau này hay «thứ cấp»
có sự can dự của ý chí, nghĩa là ta có thể hành động theo hoặc không theo khuynh
hướng đó tùy quyết định của ta. Thánh thiện hay tội lỗi là tùy thuộc phản ứng
thứ cấp này. Như vậy, người thánh thiện hay tội lỗi đều giống nhau ở phản ứng sơ
cấp, nhưng khác hẳn nhau ở phản ứng thứ cấp.
3. Nhận định hậu quả cuối cùng rất tai hại của
khuynh hướng giả trá ấy để dứt khoát không chiều theo
Hành động theo khuynh hướng giả trá này có thể đem
lại một số lợi lộc nhất thời, chóng qua, nhưng kết quả cuối
cùng và lâu dài thì rất tai hại. Chúng ta rất dễ bị hấp dẫn, lôi cuốn vì
những lợi lộc nhất thời ấy, nhất là khi chúng ta không nghĩ tới hậu quả cuối
cùng rất tai hại và kéo rất dài của nó. Chẳng hạn, trường hợp một người không
xứng đáng ngồi vào chỗ danh dự trong bàn tiệc, nhưng lại chiều theo khuynh hướng
«muốn có vẻ là có giá trị», hay «muốn được coi là danh giá» nên
ngồi vào đó. Khi ngồi đấy, anh ta cảm thấy hạnh phúc khi nghĩ đến những cặp mắt
đang nhìn anh ta với sự nể phục. Nhưng hạnh phúc đó không thể kéo dài được nếu
nó không có nền tảng là sự xứng đáng. Chỉ trong chốc lát, khi có nhiều bậc vị
vọng tới dự tiệc, họ xứng đáng ngồi ở chỗ đó hơn, thì chủ nhà nhận ra ngay sự
không xứng đáng của anh ta. Thế là anh ta bị mời xuống. Niềm hãnh diện và hạnh
phúc chỉ kéo dài được dăm ba phút khi bữa tiệc mới bắt đầu, nhưng sự nhục nhã và
đau khổ thì kéo dài suốt cả bữa tiệc, thậm chí nhiều ngày tháng sau bữa tiệc nữa.
Ngược lại, nếu ta không màng gì tới những cái có vẻ
bên ngoài ấy, thì cuối cùng ta cũng chẳng mất chúng. Vì cuối cùng
chúng sẽ trở lại với người xứng đáng với chúng. Chẳng hạn, trong bữa tiệc, nếu
ta là người xứng đáng ngồi ở chỗ danh dự, nhưng vì nghĩ mình không xứng đáng nên
ta lại chọn một chỗ hèn kém, thì khi chủ tiệc nhận ra sự có mặt của ta ở chỗ hèn
kém ấy, ông ta sẽ mời ta lên chỗ cao hơn. Như thế, ta chẳng những không bị mất
danh dự xứng đáng với ta, mà người khác còn thấy được phong cách cao thượng của
ta nữa.
Tuy nhiên, điều quan trọng ta cần phải đạt được là
sự khiêm nhường đích thực bên trong, chứ không phải là sự khiêm nhường giả bộ
bên ngoài. Khuynh hướng giả trá nói trên cũng có thể thúc đẩy chúng ta làm
ra vẻ khiêm nhường. Chẳng hạn, trong bữa tiệc, ta cố ý chọn một chỗ kém
hơn địa vị của ta với mục đích được được nâng lên. Nhưng nếu người chủ vô ý
không mời ta lên bàn trên, thì ta trở nên bực bội trong lòng… Người khiêm nhường
đích thực không tự coi mình là gì cả, nên không cảm thấy bực bội khi bị xúc phạm,
cũng không cảm thấy có gì đáng phải lên mặt vinh vang khi được ca ngợi tôn vinh.
Chỉ có những người khiêm nhường đích thực ấy mới luôn luôn cảm thấy mình hạnh
phúc, thanh thản, nhẹ nhàng, và được Thiên Chúa yêu quí.
Cầu nguyện
Lạy Cha, xin giúp con thắng được khuynh hướng giả
trá muốn làm ra vẻ có giá trị hơn giá trị đích thực của con. Xin giúp con thành
thật với chính mình, và với mọi người, đừng để con ham được đánh giá cao hơn bản
chất thực của con. Xin giúp con đừng coi mình là gì cả, đừng quan trọng hóa mình,
để con trở nên một con người chân thực, một phản ảnh trung thực của Cha ở trong
con. Amen.
(Nguyễn Chính Kết)
No comments:
Post a Comment