CHIA SẺ TIN MỪNG
Chúa Nhật thứ 27 Thường Niên
(04-10-2020)
Bài đào sâu
(04-10-2020)
Bài đào sâu
• TIN MỪNG: Mt 21, 33-43
Câu hỏi gợi ý:
1. Dụ ngôn này có ý nghĩa gì? Những nhân vật trong đó ám chỉ những ai?
2. Dụ ngôn này chỉ áp dụng đúng cho Do Thái giáo thời của Đức Giêsu thôi, hay còn có thể đúng cho các tôn giáo, các thể chế xã hội thuộc mọi nơi mọi thời?
3. Nếu đúng cho mọi thời đại, thì ta có đóng vai trò nào trong vở kịch không?
Suy tư gợi ý:
1. Đức Giêsu đến hoàn chỉnh tôn giáo cũ và thiết lập Nước Trời
Đức Giêsu đã đến trần gian, Ngài có nhiệm vụ thành lập Nước Trời, là một vương quốc bình an, hạnh phúc, nơi ấy tình yêu luôn ngự trị trong tâm hồn mọi người, và mọi người đều đối xử với nhau bằng tình yêu. Nước ấy trước tiên và cần thiết nhất phải được thành lập trong lòng mỗi người. Ngài nói: «Nước Thiên Chúa ở trong các ông», (bản tiếng Anh của NIV là: «The kingdom of God is within you» – Lc 17,21). Và từ trong lòng mỗi người, Nước ấy mới được thể hiện trong xã hội và thế giới thành một vương quốc hoàn hảo, tốt đẹp, trong đó mọi người đều thật sự hạnh phúc.
Để thực hiện Nước ấy, Ngài đã hoàn chỉnh, nâng cấp tôn giáo của Cựu ước – mà Môsê đã có công luật pháp hóa thành một tôn giáo có quy củ – bằng cách nội tâm hóa tôn giáo ấy. Ngài chủ trương: «Đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giêrusalem. Giờ đã đến – và chính là lúc này đây – giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật» (Ga 4,21.23).
2. Ý nghĩa của dụ ngôn những tá điền sát nhân
Trong dụ ngôn này, bằng hình thức ẩn dụ, Đức Giêsu vạch trần sự sang đoạt quyền lợi của Thiên Chúa và âm mưu giết Con của Ngài – là Đức Giêsu – của giới lãnh đạo tôn giáo Do Thái. Trong dụ ngôn này, Đức Giêsu muốn ám chỉ:
a- Ông chủ vườn nho là Thiên Chúa;
b- Vườn nho là dân Israel;
c- Các tá điền là giới chức sắc lãnh đạo Do Thái giáo;
d- Đầy tớ của chủ vườn đến thu lợi là các ngôn sứ;
e- Người con trai của chủ vườn là Đức Giêsu;
g- Các tá điền khác là dân ngoại thời đó (mà một phần trong số họ đã trở thành Kitô hữu sau này).
Thiên Chúa lập nên Do Thái giáo và giao cho giới lãnh đạo tôn giáo trông coi để đem lại nguồn lợi – là vinh quang của Ngài cũng là hạnh phúc của dân chúng – về cho Ngài. Nhưng nhiều khi giới lãnh đạo tôn giáo thay vì quan tâm đem lại vinh quang cho Ngài và hạnh phúc cho nhân loại, thì lại chỉ quan tâm tìm kiếm, bảo vệ, củng cố vinh quang, quyền bính và quyền lợi cho bản thân và cho giới chức sắc của mình. Đối với họ, Thiên Chúa và tôn giáo chỉ là bình phong, chiêu bài để họ tiến thân trong môi trường tôn giáo và xã hội, để họ nắm vững quyền bính và quyền lợi đã đạt được. Quyền bính thay vì họ dùng để phục vụ dân Chúa, đem lại hạnh phúc cho dân, thì họ lại dùng để củng cố vinh quang bản thân họ, để áp đặt lên dân chúng ách thống trị của họ, để có được một đời sống giàu sang, phú quý, an nhàn cho họ.
Giáo lý mới của Đức Giêsu mang tính nội tâm hóa rất cao, coi nhẹ những hình thức lễ bái bên ngoài mà đặc biệt nhấn mạnh thái độ nội tâm cần phải có. Mà dân chúng thì càng ngày càng có nhiều người nghe theo giáo huấn của Ngài. Vì thế, họ cảm thấy uy tín của Ngài, những lời giảng dạy có tính cách mạng của Ngài rất nguy hiểm cho quyền bính và quyền lợi của họ, mà họ cảm thấy phải bảo vệ cho bằng được. Một cách nào đó, họ đã ăn cướp vinh quang của Thiên Chúa, cũng là hạnh phúc của dân chúng.
3. Chúng ta đang đóng vai trò nào trong vở kịch?
3. Chúng ta đang đóng vai trò nào trong vở kịch?
Vấn đề đặt ra cho chúng ta là: dụ ngôn này chỉ đúng cho tôn giáo thời của Ngài – là Do Thái giáo – mà thôi, hay nó cũng có thể đúng cho tôn giáo mọi thời đại? Nếu nó chỉ đúng với Do Thái giáo trong quá khứ mà thôi, thì dụ ngôn này không có giá trị cho thời đại chúng ta. Và nếu thế thì 4 sách Tin Mừng đã có những phần không có giá trị thực tế cho mọi thời mọi nơi. Điều này người Kitô hữu khó có thể chấp nhận, vì Tin Mừng được mọi Kitô hữu tin rằng có giá trị cho mọi nơi mọi thời. Vì thế, dụ ngôn này vẫn có thể đúng với mọi tôn giáo trong mọi thời đại. Nghĩa là vẫn có thể đúng trong thời đại chúng ta. Nếu thế, chúng ta thử thật lòng xét mình xem, ta có dự phần vào vở kịch của dụ ngôn này không?
– Ta sẽ đóng vai giới lãnh đạo tôn giáo nếu ta đang là một chức sắc tôn giáo và ta đang cương quyết nhân danh vinh quang và quyền lợi Thiên Chúa để bảo vệ quyền bính và quyền lợi mình. Hơn là thật sự bảo vệ vinh quang và quyền lợi của Ngài, tức bảo vệ quyền lợi và hạnh phúc của nhân loại, đặc biệt những người bé nhỏ nhất, đang bị đàn áp, bóc lột trong thế giới? Muốn biết điều này rất dễ: Ta chỉ cần xét xem ta có thật sự quan tâm đến hạnh phúc của những kẻ nghèo hèn bé mọn, những kẻ bị áp bức trong xã hội để bênh vực họ không? Đó là những người mà Đức Giêsu đã tự đồng hóa với chính Ngài. Ta có thật sự ưu ái và nâng đỡ họ trong cảnh khốn cùng không, hay ta chỉ ưu ái những kẻ giàu sang, và đứng về phe có quyền bính trong xã hội? Nhất là ta có ác cảm, chụp mũ, mạ lị những ai dám nói thẳng nói thật những bất công, bất hợp lý trong cộng đoàn, xứ đạo hay Giáo Hội không?
– Ta sẽ đóng vai các ngôn sứ của Thiên Chúa nếu ta dám hành động vì vinh quang Thiên Chúa và hạnh phúc nhân loại, dám làm chứng cho Thiên Chúa, dám lên tiếng và ra mặt bênh vực kẻ cô thân cô thế, bị bóc lột áp bức, bất chấp phải hy sinh quyền lợi, hạnh phúc cá nhân. Ngôn sứ là người của Thiên Chúa, của chân lý, công lý và tình thương, hơn là người của một thế lực trần gian, cho dù là Giáo Hội. Nhất là những khi Giáo Hội đang đi sai đường lối của Thiên Chúa như đã từng thấy trong lịch sử. Ngôn sứ của Thiên Chúa là người dám lên tiếng cho sự thật, cho tình thương, bất chấp bị đồng đạo hiểu lầm, kết án hay chụp mũ. Số phận các ngôn sứ luôn luôn là như thế (x. Mt 5,12; Lc 6,23).
– Ta sẽ đóng vai dân chúng bị giật dây khi ta sẵn sàng hùa theo giới có chức có quyền để được hưởng chút ít quyền lợi mà họ ban phát cho mình, bất chấp họ làm những điều sai trái. Cũng như dân Do Thái xưa: họ biết Đức Giêsu nói đúng, nói thật nên muốn tôn Ngài làm vua, nhưng khi giới lãnh đạo tôn giáo âm mưu hại Ngài, thì dân chúng lại hùa theo họ, tạo cho họ một hậu thuẫn mạnh mẽ để lên án và giết chết Ngài. Vì dân chúng là những người dễ bị doạ nạt, không dám suy nghĩ độc lập theo lương tri mình, chỉ biết suy nghĩ và làm theo những gì người có quyền dạy bảo, tuyên truyền. Họ sẵn sàng hành động như đàn cừu Panurge! (con đầu đàn nhảy xuống biển thì cả đàn nhảy theo!) Sức mạnh của giới lãnh đạo nhiều khi dựa trên sự hậu thuẫn này. Thật vậy, nếu dân chúng không hùa theo giới lãnh đạo tôn giáo Do Thái, mà dám hành động theo lương tri mình, thì giới này chưa chắc đã hại được Ngài. Vì thế, dân chúng cũng có trách nhiệm trước cái chết của Ngài, và của những ngôn sứ đi trước và sau Ngài!
CẦU NGUYỆN
Lạy Cha, đọc dụ ngôn những tá điền sát nhân của Đức Giêsu, con nhận ra dụ ngôn ấy đang là một thực tại sống động trong thế giới hiện tại con đang sống, mà trong đó con đang đóng một vai trò, và là một nhân vật trong đó. Xin cho con đủ chân thành và sáng suốt để nhận ra vai trò con đang đóng là vai trò nào, có đẹp lòng Cha không, vai trò đó được Cha chúc lành hay nguyền rủa. Xin giúp con thành thật với chính bản thân con và với Cha.
Nguyễn Chính Kết
Bấm vào đây để trở về bài chia sẻ:
Liệu Kitô giáo có bị Thiên Chúa đối xử như Do Thái giáo xưa?
(https://chiasethanhuu.blogspot.com/2020/09/tn27a.html).
Bấm vào đây để trở về bài chia sẻ:
Liệu Kitô giáo có bị Thiên Chúa đối xử như Do Thái giáo xưa?
(https://chiasethanhuu.blogspot.com/2020/09/tn27a.html).
No comments:
Post a Comment