Friday, October 30, 2020

Lễ Các Linh Hồn ‒ Luyện ngục là nơi thanh luyện để loại bỏ tính vị kỷ hầu có thể yêu thương mọi người




CHIA SẺ TIN MỪNG

Lễ Các Linh Hồn

(02-11-2020)


Luyện ngục là nơi thanh luyện 
để loại bỏ tính vị kỷ 
hầu có thể yêu thương mọi người



ĐỌC LỜI CHÚA

  Sách Khôn Ngoan 3,1-9: (1) Linh hồn người công chính ở trong tay Thiên Chúa và chẳng cực hình nào động tới được nữa. (6) Người đã tinh luyện họ như người ta luyện vàng trong lò lửa, và đón nhận họ như của lễ toàn thiêu. (9) Những ai trông cậy vào Người, sẽ am tường sự thật; những ai trung thành, sẽ được Người yêu thương và cho ở gần Người, vì Người ban ân phúc và xót thương những ai Người tuyển chọn.

  Thư Rôma 5,5-11: (5) Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta. (8) Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta. (9) Phương chi bây giờ chúng ta đã được nên công chính nhờ máu Đức Kitô đổ ra, hẳn chúng ta sẽ được Người cứu khỏi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa. 


  TIN MỪNG: Gioan 6,37-40

Ai tin vào Đức Giêsu thì được sống muôn đời

Khi ấy, Đức Giêsu nói với đám đông dân chúng: (37) «Tất cả những người Chúa Cha ban cho tôi đều sẽ đến với tôi, và ai đến với tôi, tôi sẽ không loại ra ngoài, (38) vì tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Ðấng đã sai tôi. (39) Mà ý của Ðấng đã sai tôi là tất cả những kẻ Người đã ban cho tôi, tôi sẽ không để mất một ai, nhưng sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết. (40) Thật vậy, ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết».





CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1. Thiên Chúa không muốn con người đau khổ, tại sao Ngài lại bắt linh hồn người chết phải thanh luyện cho hoàn hảo mới được vào thiên đàng?
2. Chịu thanh luyện để nên hoàn hảo, Bản chất của sự hoàn hảo này là gì? Là tình yêu? đức tin? sự trong sạch? hay sự tôn trọng lề luật? hay sự gì khác?
3. Người gian phi đầy tội lỗi trong bài Tin Mừng, tại sao lại được Đức Giêsu cho vào thiên đàng ngay? Vậy yếu tố cốt yếu nhất để vào thiên đàng là gì? Đọc kinh? cầu nguyện? dâng lễ? bố thí? giữ luật? hay tình yêu? lòng vị tha?

Suy tư gợi ý:

1.  Niềm tin của người Công giáo về luyện ngục

Hôm nay và suốt tháng 11 này, người Công giáo chúng ta đặc biệt quan tâm cầu nguyện cho những người quá cố. Chúng ta thường nghĩ họ đang phải chịu thanh luyện bằng đau khổ để trở nên hoàn hảo. Sự thanh luyện đó được Giáo Hội định tín: «Linh hồn kẻ chết chưa đền tội hoàn toàn sẽ được thanh luyện sau khi chết với những hình phạt được gọi là “Thanh Luyện”» (Sách Denzinger đoạn 856/464)

Mục đích của việc thanh luyện là làm cho linh hồn trở nên hoàn hảo, hoàn toàn vị tha, đầy tình thương, không còn một chút tâm địa ích kỷ, độc ác, tham lam nào nữa. Thiên Đàng đòi hỏi một sự hoàn hảo như thế thật là hợp lý, vì đó là một «nơi» hoàn toàn hạnh phúc, hoàn toàn thánh thiện, là «nơi» chúng ta sẽ trở về để hưởng hạnh phúc muôn đời. (Gọi là «nơi» thì chỉ là tạm gọi, vì thật ra, Thiên đàng, luyện ngục hay hỏa ngục không phải là nơi chốn, là không gian vật lý cho bằng là những tình trạng tâm linh hoặc tâm lý. Chẳng hạn: Thiên Đàng là tình trạng tâm linh hoàn toàn hạnh phúc, không còn một chút đau khổ, của những tâm hồn hoàn hảo, thánh thiện. Còn Hỏa Ngục là tình trạng tâm linh hết sức đau khổ của những tâm hồn độc ác, xấu xa, ích kỷ...)




2.  Thiên đàng đòi hỏi người trong đó phải thật hoàn thiện

Không cần phải xét về phía Thiên Chúa, mà ngay chính chúng ta cũng đòi hỏi rằng: để vào Thiên Đàng thì phải thật trọn hảo. Thật vậy, thử hỏi, khi trở về «nơi» lý tưởng đó để hưởng hạnh phúc, ta có thể hoàn toàn hạnh phúc khi phải sống chung với thân nhân, bạn bè có những tính nết xấu như họ đang có bây giờ không? Nếu người ở thiên đàng mà còn ích kỷ, còn ác ý, còn lãnh đạm, còn hẹp hòi, còn hay nghĩ xấu cho người khác, dù chỉ một chút xíu, thì chính bản thân họ sẽ đau khổ, đồng thời còn gây nên đau khổ cho người khác nữa. Chưa hoàn hảo mà đã sống ở Thiên Đàng thì ta sẽ làm ô nhiễm cái hạnh phúc tinh tuyền của Thiên Đàng, và biến Thiên Đàng trở thành một cái gì không còn là Thiên Đàng nữa. Do đó, Thiên Đàng đòi hỏi những người bước vào phải hoàn toàn trong sạch, tốt lành, nếu còn chút gì xấu xa thì phải thanh luyện cho hết. Tình trạng thanh luyện ấy được gọi là «luyện ngục».



3.  Tội lỗi hay tính vị kỷ là đầu mối gây đau khổ

Chắc chắn Thiên Chúa không bao giờ muốn con người phải đau khổ. Việc Ngài sai Con Một mình xuống chịu chết một cách thảm thương để cứu nhân loại chứng tỏ điều ấy. Nhưng Ngài không thể trực tiếp cứu chúng ta khỏi đau khổ, mà chỉ có thể cứu chúng ta khỏi những nguyên nhân gây nên đau khổ là tội lỗi. Trong sách Khải Huyền, thánh Gioan viết: «Người đã yêu mến chúng ta và lấy máu mình rửa sạch tội lỗi chúng ta» (Sách Khải Huyền 1,5)

Đau khổ chỉ là ngọn, còn tội lỗi mới là gốc. Muốn tránh khổ thì phải tránh tội lỗi. Diệt khổ thì chỉ là diệt ngọn, khổ vẫn có thể tiếp tục phát sinh. Diệt tội lỗi mới là diệt khổ tận gốc. Nhưng con người vì còn u mê nên thường sợ khổ chứ không sợ nguồn gốc phát sinh ra đau khổ là tội lỗi, là tính ích kỷ. Họ vẫn cứ tiếp tục phạm tội, sống ích kỷ. Vì thế, dù tìm đủ mọi cách để tránh khổ, con người vẫn cứ rơi vào đau khổ, hết khổ này đến khổ khác. Trong việc cứu khổ cho người khác, cho các linh hồn được thanh luyện, con người cũng chỉ nghĩ tới việc cứu họ khỏi đau khổ, chứ không nghĩ tới việc cứu họ khỏi những nguyên nhân gây đau khổ.

Nguồn gốc của tội lỗi chính là tính ích kỷ, chỉ biết nghĩ tới đau khổ và hạnh phúc của mình, mà không quan tâm hay biết đến đau khổ và hạnh phúc của người khác. Vì thế, nguyên nhân sâu xa hơn của đau khổ chính là tính ích kỷ.




4.  Tình yêu hóa giải đau khổ và đem lại hạnh phúc

Nếu ích kỷ là nguồn gốc phát sinh đau khổ, thì ngược lại, tính vị tha hay tình yêu chính là nguồn tạo nên hạnh phúc. Do đó, người ta chỉ có thể vào được thiên đàng khi họ có đầy tràn tình yêu và không còn chút tính ích kỷ nào nữa. Nắm vững điều này, ta mới hiểu được ý nghĩa sâu xa câu nói Đức Giêsu, khi có người –vốn đã giữ rất chu đáo các lề luật– hỏi Ngài về cách đạt được sự sống đời đời: «Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi» (Mc 10,21). Điều đó có nghĩa là phải biết yêu thương và thật sự thể hiện tình yêu ấy thì mới được sự sống đời đời, tức được hạnh phúc đích thực. Kho tàng ở trên trời mà mọi người muốn lên đó phải sắm cho mình chính là kho tàng tình yêu.

Người trộm lành bị đóng đinh bên cạnh Đức Giêsu đã thể hiện được tinh thần vị tha và tình yêu ấy. Trong cảnh khổ như thế mà anh không hề nghĩ tới đau khổ của bản thân mình, mà chỉ nghĩ tới đau khổ của Đức Giêsu, thương cho Ngài bị hàm oan: «Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái!». Chính vì thế, anh đã được Đức Giêsu nói: «Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng» 
(Lc 23,41-43). Người trộm lành tuy đầy tội lỗi, nhưng cuối cùng anh đã phát tâm yêu thương, và tình yêu đã biến anh thành người tốt lành, xứng đáng với hạnh phúc thiên đàng. Đúng như câu nói của thánh Phaolô: «Tình yêu che phủ muôn vàn tội lỗi» (Thư thứ nhất Phêrô 4,8).



5.  Chấp nhận đau khổ vì tình yêu, chính là bí quyết của hạnh phúc

Câu chuyện về người trộm lành trên làm tôi nghĩ đến một câu chuyện của Đức Phật. Trong một tiền kiếp nọ của ngài, ngài đã phạm một trọng tội khiến ngài bị đọa vào địa ngục. Tại đó, ngài cùng nhiều người khác bị đau khổ ghê gớm. Khi nhìn thấy những người trong đó đang quằn quại với những cực hình vô cùng đau đớn như mình, ngài thương họ vô cùng. Tình thương ấy khiến ngài phát tâm nguyện rằng: «Tôi nguyện sẵn sàng chịu thay cho mọi người trong địa ngục này tất cả những đau khổ mà họ đang phải chịu, để họ thoát khỏi những cực hình ghê gớm này!» Vừa nguyện như thế xong thì lập tức ngài tự nhiên thoát khỏi cảnh đau khổ ấy. Còn những người kia thì vẫn tiếp tục ở lại đấy chịu đau khổ.

Tôi chỉ coi chuyện trên như một dụ ngôn. Tuy không có thực, nhưng nó nói lên một chân lý mà chính tôi đã thực nghiệm thấy rất đúng. Khi tôi chỉ quan tâm chú ý tới những đau khổ tôi đang phải chịu, thì tôi thấy đau khổ ấy –một cách chủ quan– tăng lên gấp bội. Nhưng khi tôi quan tâm tới những đau khổ của người khác đang phải chịu, khi tôi muốn làm giảm bớt đau khổ cho họ, khi tôi chấp nhận chịu đau khổ thay cho họ, hay chịu khổ nhiều hơn nữa để họ bớt khổ hay để họ được hạnh phúc, thì lập tức tôi cảm thấy tâm hồn mình mạnh mẽ lên. Lúc ấy những đau khổ tôi đang chịu –tuy dù một cách khách quan không hề thay đổi, mà có thể còn tăng lên– bỗng nhiên mất đi tính dữ dội hay thảm khốc của chúng đối với tôi. Chúng không còn làm tôi đau khổ được như trước. 

Áp dụng kinh nghiệm này vào đời sống gia đình, tôi nhận thấy: khi tôi sẵn sàng chấp nhận mọi vất vả, mọi đau khổ, mọi buồn phiền để làm những người thân yêu của tôi bớt khổ và được hạnh phúc, thì điều lạ lùng tôi cảm nghiệm được là tôi không hề đau khổ mà lại thấy hạnh phúc hơn. Tôi hạnh phúc hơn vì tôi thấy nhờ hành động ấy của tôi mà những người tôi yêu thương được hạnh phúc hơn. Điều làm họ hạnh phúc nhất, là họ thấy tôi yêu thương họ, hết mình với họ. Và chính vì thế, họ cũng chẳng để tôi phải vất vả hay chịu đau khổ thay cho họ, ngược lại họ lại sẵn sàng chịu đau khổ thay cho tôi. Và thế là cả gia đình tôi –trong đó có tôi– đều cảm thấy hạnh phúc trong bầu khí đầm ấm yêu thương. Thế là chỉ vì tôi sẵn sàng chấp nhận mọi vất vả, cực nhọc, đau khổ thay cho những người thân yêu, mà tôi biến gia đình tôi thành một gia đình hạnh phúc. So với nhiều người chủ gia đình khác, tôi thấy mình hạnh phúc hơn họ nhiều, xét cả mặt khách quan lẫn chủ quan. 

Tôi nhận thấy: không phải khi mình sẵn sàng chịu đau khổ thay cho người khác thì tất nhiên mình sẽ phải chịu đau khổ nhiều hơn đâu! Mà ngược lại, thái độ quên mình ấy lại đem lại hạnh phúc cho cả tôi lẫn những người chung quanh tôi. Đó là kinh nghiệm của tôi trong gia đình. Và tôi đang áp dụng kinh nghiệm này ra ngoài gia đình, trong xã hội… và tôi vẫn thấy nó đúng. Xin chia sẻ với mọi người kinh nghiệm có thật này để may ra hữu ích cho ai đó!



CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, thánh Gioan nói: «Tình yêu không biết đến sợ hãi; trái lại, tình yêu hoàn hảo loại trừ sợ hãi, vì sợ hãi gắn liền với hình phạt và ai sợ hãi thì không đạt tới tình yêu hoàn hảo» (Thư thứ nhất Gioan 4,18). Con cảm thấy chính khi con thật sự có tình yêu thì con không sợ đau khổ, mà sẵn sàng đón nhận đau khổ để người khác được hạnh phúc. Và khi con không sợ đau khổ, thì đau khổ không còn tác oai tác quái trên con nữa. Nó không còn khả năng làm con mất bình an hạnh phúc được nữa. Và con cảm thấy bình an và hạnh phúc do tình yêu đem lại chính là thiên đàng. Một thiên đàng mà con có thể cảm nghiệm trước ở ngay trần gian này.

Nguyễn Chính Kết






Tuesday, October 27, 2020

Lễ Các Thánh ‒ Ơn gọi lớn nhất, cao cả nhất của con người là nên thánh




CHIA SẺ TIN MỪNG

Lễ Các Thánh

(01-11-2020)


Ơn gọi lớn nhất, cao cả nhất
của con người 
là nên thánh
ĐỌC LỜI CHÚA

  Kh 7,2-4.9-14: (9) Tôi thấy : kìa một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ. Họ đứng trước ngai và trước Con Chiên, mình mặc áo trắng, tay cầm nhành lá thiên tuế. (10) Họ lớn tiếng tung hô : «Chính Thiên Chúa chúng ta, Đấng ngự trên ngai, và chính Con Chiên đã cứu độ chúng ta».

  1Ga 3,1-3: (2) Hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa; nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ. Chúng ta biết rằng khi Đức Kitô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy.



  TIN MỪNG: Mt 5,1-12a

Tám mối Phúc

(1) Thấy đám đông, Đức Giêsu lên núi. Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên. (2) Người mở miệng dạy họ rằng : 

● (3) «Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ. ● 
● (4) Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp. 
● (5) Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an. 
● (6) Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng. 
● (7) Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương. 
● (8) Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa. 
● (9) Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. 
● (10) Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ. 

(11) Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. (12) Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.




CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1. Bạn có ý thức rằng chính bạn được Thiên Chúa mời gọi nên thánh, nghĩa là sống đúng với phẩm giá của mình là con cái Thiên Chúa, sống trung thực với bản chất của mình là hình ảnh của Thiên Chúa không? 
2. So sánh ơn gọi nên thánh của mỗi người Kitô hữu với ơn gọi làm linh mục, tu sĩ, ơn gọi nào quan trọng hơn, cao cả hơn, cần thiết hơn? Cái nào là phương tiện để phục vụ cái nào?
3. Có phải muốn nên thánh thì cứ phải giữ cho đúng những tập tục tôn giáo cổ truyền không (đọc kinh sớm tối, ngày Chúa Nhật phải tham dự thánh lễ, v.v…)? Hay điều cốt yếu để nên thánh nằm ở chỗ khác? chỗ khác đó là chỗ nào?

 


Suy tư gợi ý:

1.  Ơn gọi lớn nhất của con người: nên thánh

Thông thường, khi nói về ơn gọi, người ta nghĩ ngay tới ơn gọi làm linh mục, ơn gọi làm tu sĩ. Và tới thế kỷ 20, giáo dân mới bắt đầu được coi là một ơn gọi: ơn gọi giáo dân. Nhưng cho tới nay, một chủng sinh hay tu sĩ mà bỏ tu ra làm giáo dân, thì nhiều người –kể cả linh mục, giám mục, hay những nhà trí thức trong Giáo Hội– nói rằng người đó «mất ơn gọi». Người ta làm như thể chỉ có linh mục, giám mục, tu sĩ là có ơn gọi, và họ coi ơn gọi của những vị ấy hết sức cao cả. Còn giáo dân thì chẳng sợ bị mất ơn gọi, vì giáo dân có ơn gọi đâu mà mất! Thật ra người ta quên rằng bất cứ Kitô hữu nào cũng có một ơn gọi rất cao cả là nên thánh.

Sau Công Đồng Vatican II, quan niệm trên đã trở nên lỗi thời. Hiện nay Giáo Hội quan niệm rằng ơn gọi lớn nhất, cao cả nhất của mọi Kitô hữu là nên thánh, như Đức Giêsu từng mời gọi: «Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện» (Mt 5,48). Công Đồng Vatican II cũng lập lại ý tưởng đó: «Mọi Kitô hữu, dù ở địa vị nào, bậc sống nào, đều được Chúa kêu gọi đạt tới sự trọn lành thánh thiện như Chúa Cha trọn lành, tùy theo con đường của mỗi người» (Hiến chế Giáo Hội, chương 11, đoạn 3).




2.  Không hẳn cứ phải làm linh mục / tu sĩ mới nên thánh được

Nên thánh là ơn gọi chung cho tất cả mọi người, dù là giáo dân, linh mục, giám mục, hay giáo hoàng, và là ơn gọi cao cả nhất. Tất cả mọi người –chứ không phải chỉ các linh mục và tu sĩ– đều được kêu gọi nên thánh. Cũng không phải tất cả mọi người đều được kêu gọi làm tu sĩ, linh mục, giám mục, hồng y hay giáo hoàng. Đó chỉ là những con đường nên thánh cá biệt, chứ không phổ quát. Làm tu sĩ, linh mục, giám mục… thiết tưởng là việc tương đối dễ và không hẳn là cần thiết hay quan trọng lắm, làm thánh mới là khó và cần thiết hay quan trọng hơn rất nhiều

Đối với mỗi cá nhân Kitô hữu, ơn gọi nên thánh quan trọng hơn rất nhiều so với ơn gọi làm các chức vụ trong Giáo Hội, cho dù cao đến đâu! Vì thử hỏi: làm linh mục, giám mục, hồng y hay giáo hoàng, dù có hiển hách lẫy lừng đến đâu, nếu bản thân không nên thánh thì có ích lợi gì? Tương tự như «được cả trần gian mà mất linh hồn thì được ích gì?» (Mt 16,26). Tóm lại, để làm thánh thì không nhất thiết là phải làm linh mục hay tu sĩ; và không phải hễ là linh mục hay tu sĩ thì tất nhiên là thánh.

Trong Giáo Hội hiện nay, vẫn còn có những quan niệm sai lầm, nhưng rất phổ biến, nhất là tại Việt Nam, là làm như ơn gọi làm linh mục, giám mục… thì cao trọng hoặc quí trọng hơn ơn gọi nên thánh phổ quát của mọi Kitô hữu! Thiết tưởng, dưới con mắt của Thiên Chúa, một vị thánh –cho dù là giáo dân, dù có địa vị thật thấp kém trong xã hội hoặc Giáo Hội– vẫn luôn luôn cao cả và giá trị hơn một linh mục, giám mục, hay giáo hoàng mà không thánh, thậm chí giá trị hơn hàng triệu lần! Nhưng người ta vẫn thích nhìn bằng con mắt của người đời hơn bằng con mắt của Thiên Chúa! Sở dĩ có quan niệm này là vì đã một thời Giáo Hội có khuynh hướng thượng tôn các chức thánh, chẳng hạn coi chức linh mục còn cao trọng hơn cả chức vị các thiên thần… (xem cuốn Tôi muốn làm linh mục, xuất bản trước 1975).

Để chỉnh lại quan niệm này, cần tự hỏi và xác định: Thiên Chúa muốn ta nên thánh hay muốn ta làm tu sĩ, linh mục, giám mục…? Nên thánh, và nên linh mục, giám mục… cái nào cần thiết cho chúng ta hơn? Cần phải quan niệm cho đúng: quan niệm có đúng thì hành xử mới đúng được!




3.  Làm tông đồ, không nhất thiết cứ phải là linh mục hay tu sĩ

Cũng vậy, qua bí tích Rửa tội và Thêm sức, Thiên Chúa kêu gọi tất cả mọi Kitô hữu làm tông đồ, hoạt động cho Nước của Thiên Chúa. Để làm tông đồ, người ta có thể làm giáo dân, hay đặc biệt hơn, làm tu sĩ, linh mục, giám mục hay giáo hoàng, nhưng rõ ràng là không phải cứ làm linh mục, giám mục hay giáo hoàng thì người ta mới trở nên tông đồ đích thực. Nhiều linh mục, giám mục, giáo hoàng không phải là tông đồ đúng với nghĩa của từ ấy. Trái lại, người ta có thể là vừa giáo dân mà cũng vừa là tông đồ đích thực của Chúa! 

Vấn đề cần phải đặt lại nghiêm chỉnh là: Giáo Hội cần những tông đồ đích thực hơn là cần những linh mục, giám mục hay giáo hoàng mà không phải là tông đồ thật sự! Các chủng viện, tu viện, cần đào tạo nên những tông đồ, những vị thánh, hơn là chỉ bằng lòng với việc tạo nên những linh mục, tu sĩ mà thôi! Linh mục, tu sĩ hay bất kỳ ai mang danh làm tông đồ mà không thánh thiện, thì cũng chỉ như muối mà không mặn, đèn mà không sáng thôi! (x. Mt 5,13-16).



4.  «Tám mối phúc»: bí quyết để nên thánh

Hôm nay, khi mừng kính lễ các Thánh, Giáo Hội muốn nhắc lại ý thức căn bản này, là tất cả mọi Kitô hữu đều được mời gọi nên thánh, và một khi ý thức được lời mời gọi ấy, thì ai cũng có thể nên thánh được. Bài Tin Mừng hôm nay chỉ cho chúng ta bí quyết để nên thánh. Điều rất đáng tiếc là bí quyết này, nhiều người Kitô hữu không thèm biết tới, không thèm quan tâm suy niệm để thực hiện, mà chỉ quan tâm thực hiện những tập tục tôn giáo được truyền từ đời cha ông đến đời con cháu. Những tập tục ấy rất tốt, rất nên bảo tồn, nhưng đó không phải là điều cốt yếu để nên thánh. Giữ những tập tục ấy thật hoàn hảo, tốt đẹp, mà không sống tinh thần «tám mối phúc» của bài Tin Mừng hôm nay thì việc nên thánh sẽ chẳng đi đến đâu! Rốt cuộc cũng chỉ là «công dã tràng»!

Cả 8 mối phúc đều xây dựng trên nền tảng căn bản này: tinh thần tự hủy hay từ bỏ mình của Đức Kitô. Tinh thần tự hủy hay từ bỏ mình là tinh thần coi nhẹ «cái tôi» và những «cái của tôi» trước Thiên Chúa và tha nhân. Thánh Gioan Tẩy Giả nói: «Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ đi» hay «Người phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi» (Ga 3,30). Có coi nhẹ «cái tôi» của mình thì mới có thể yêu thương đích thực và mới dễ dàng thể hiện tình yêu thương ấy ra hành động. Một khi «cái tôi» đã được coi nhẹ, thì «tám mối phúc» cũng như việc bác ái yêu thương trở nên rất dễ thực hiện. Trái lại, còn đặt nặng «cái tôi» thì những việc tốt đẹp ấy trở nên rất khó khăn.

Kinh nghiệm trong đời sống tâm linh của tôi là: mọi thánh giá ta phải vác hằng ngày dù nhẹ đến đâu cũng đều trở nên nặng nề khi «cái tôi» của ta đã bị chính ta coi nặng. Tôi thấy câu phương ngôn «tâm không thông, vác bình không cũng nặng» rất đúng! Mà «tâm không thông» chính là tâm trạng coi «cái tôi» của mình quá nặng. Ngược lại, mọi thánh giá, dù nặng đến đâu, cũng đều trở nên nhẹ nhõm khi «cái tôi» của ta được chính ta coi nhẹ. Coi nhẹ «cái tôi» của mình giúp ta trở nên sáng suốt, thông đạt, lạc quan, khách quan, mạnh mẽ, hạnh phúc, vui tươi, nhẹ nhõm… Còn đặt nặng «cái tôi» của mình khiến ta trở nên u tối, bi quan, chủ quan, yếu đuối, buồn bã, nặng nề hơn. 

Tình cờ tiếng Việt trở thành sâu sắc khi gọi ngôi thứ nhất là «tôi», vì «tôi» (không dấu) có nghĩa là tôi tớ, người phục vụ.  Khi nào ta đặt nhẹ «cái tôi» để có thể trở nên như tôi tớ, để phục vụ tha nhân, thì ta sống đúng với ý nghĩa của «cái tôi», lúc đó ta trở nên đúng đắn, sáng suốt.  Khi ta ý thức quá sâu sắc về «cái tôi» của mình, thì «cái tôi» trở thành «tôi sắc tối», nghĩa là u mê, tối tăm.  Khi để cho «cái tôi» của mình lười biếng (tượng trưng bằng dấu huyền), hay ươn hèn, ủy mị, và chiều chuộng «cái tôi» mình quá mức, «cái tôi» trở thành «tôi huyền tồi», nghĩa là tồi tệ.  Và khi đặt nặng «cái tôi» của mình quá, thì «cái tôi» trở thành «tôi nặng tội», nghĩa là tội lỗi, xấu xa. 

Có thể nói bí quyết để nên thánh một phần rất lớn nằm ngay trong thái độ coi nhẹ của ta đối với chính «cái tôi» của ta. Thái độ ấy chính là tinh thần tự hủy hay từ bỏ mà Tin Mừng luôn đề cao.




CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, Cha ban cho con một «cái tôi» thật là kỳ diệu. Con càng coi nó là nhỏ, là nhẹ, thì giá trị của nó trước mặt Cha càng lớn, càng nặng. Trái lại, con càng coi nó là lớn, là nặng, thì giá trị của nó trước mặt Cha càng nhỏ, càng nhẹ. Xin cho con ý thức được rằng ngoài ân sủng của Cha ra, việc nên thánh của con trở nên dễ dàng hay khó khăn tùy thuộc rất nhiều vào thái độ của con đối với chính «cái tôi» của con. Xin cho con biết coi nhẹ «cái tôi» của mình, để trở nên ngày một thánh thiện hơn.

Nguyễn Chính Kết



Tuesday, October 20, 2020

TN30b - Mến Chúa và yêu người được Đức Giêsu tóm gọn thành một điều luật duy nhất




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 30 Thường Niên

(25-10-2020)

Bài đào sâu

Mến Chúa và yêu người được Đức Giêsu
tóm gọn thành một điều luật duy nhất


► Video: ??



  TIN MỪNG: Mt 22,34-40

Điều răn trọng nhất




CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1.   600 điều luật của Cựu Ước bao gồm đủ mọi khía cạnh: thờ phượng Thiên Chúa, cầu nguyện, thực hành các nghi thức tôn giáo, giữ mình trong sạch, yêu thương và đối xử tốt với tha nhân, v.v… Nếu chưa biết lập trường của Đức Giêsu, thì theo quan niệm tự nhiên của ta, ta cho khía cạnh nào là quan trọng nhất?
2.   Theo tinh thần của Đức Giêsu, điều quan trọng nhất trong đời sống Kitô hữu là gì? Bạn có cùng quan niệm như Ngài không? Bạn đã thật sự sống theo quan niệm ấy chưa?
3.   Sống đạo mà không phân biệt được điều nào cốt yếu và điều nào phụ thuộc, nên cứ lấy chính làm phụ, lấy phụ làm chính, thì kết quả thế nào?


Suy tư gợi ý:

1.  Bối cảnh bài Tin Mừng

Người Pharisêu xếp loại các điều luật được ghi trong Cựu Ước thành khoảng 600 điều. Và các luật sĩ thường tranh cãi với nhau trong việc xếp theo thứ tự ưu tiên những điều luật quan trọng nhất. Họ không đồng ý với nhau về vấn đề này, vì phái này đặt nặng khía cạnh này, phái khác đặt nặng khía cạnh khác. Có người chủ trương coi việc thờ phượng Thiên Chúa là quan trọng nhất. Có người coi việc sống trong sạch, không nhiễm uế là quan trọng nhất. Có người coi việc giữ thật nhiệm nhặt các giới luật Môsê là quan trọng nhất. Có người coi việc cầu nguyện với Thiên Chúa là quan trọng nhất, v.v... Vì thế, một luật sĩ đã đem vấn đề này ra hỏi Đức Giêsu: «Thưa Thầy, trong sách Luật Môsê, điều răn nào là điều răn trọng nhất?» và Ngài đã trả lời họ rằng có hai điều răn quan trọng nhất là mến Chúa và yêu người (xem Mt 22,36-40).



2.  Ta coi điều gì là quan trọng nhất trong đời sống Kitô hữu?

Câu trả lời của Ngài phải khiến chúng ta xét mình lại, và đặt lại vấn đề: trong đời sống Kitô hữu hay tu đức của ta, ta đặt chuyện gì là quan trọng nhất? Ta có theo Đức Giêsu, Thầy của ta, coi hai giới luật ấy là quan trọng nhất không? Rất có thể trong thực tế đời sống ta đã không cùng một lập trường với Ngài, điều này bất lợi cho việc phát triển tâm linh của ta, làm ta sống đạo theo kiểu người Pharisêu xưa: điều chính yếu nhất thì ta coi nhẹ, còn những điều phụ thuộc thì ta lại đặt nặng (Mt 23,23). Người Pharisêu dạy dỗ dân chúng đã lấy điều chính làm điều phụ, lấy điều phụ làm điều chính, nên Đức Giêsu đã gọi họ là «quân dẫn đường mù quáng!» (Mt 23,24; xem Mt 15,24).

Đức Giêsu đã đặt tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân là quan trọng nhất, và coi tất cả những chuyện khác là nhẹ hơn. Điều đó không có nghĩa là Ngài chủ trương bỏ đi những điều phụ thuộc (xem Mt 23,23b).




3.  Đức Giêsu kết hợp hai điều răn quan trọng ấy thành một

Theo Đức Giêsu, không có sự tách biệt giữa tình yêu đối với Thiên Chúa và tình yêu đối với tha nhân. Đối với Ngài, hai tình yêu này chỉ là một tình yêu duy nhất: nghĩa là hễ đã yêu Thiên Chúa thì tất nhiên phải yêu tha nhân. Không thể yêu Thiên Chúa mà lại không yêu tha nhân. Thánh Gioan cũng nói: Ai nói mình yêu Thiên Chúa mà lại không yêu tha nhân thì đó là kẻ nói dối (x.1Ga 4,20). Thánh nhân còn nói rất mạnh: «Căn cứ vào điều này mà người ta phân biệt con cái Thiên Chúa với con cái ma quỷ: phàm ai không sống công chính thì không thuộc về Thiên Chúa; ai không yêu thương anh em mình, thì cũng vậy» (1Ga 3,10). Nghĩa là ai không yêu thương anh em mình thì người ấy không thuộc về Thiên Chúa (x.1Ga 3,14b; 4,7-8).

Đức Giêsu cũng từng nói với những người Pharisêu: «Giả như Thiên Chúa là Cha của các ông, hẳn các ông phải yêu mến tôi, vì tôi phát xuất từ Thiên Chúa và bởi Thiên Chúa mà đến» (Ga 8,42). Câu này đáng cho chúng ta suy nghĩ. Một khi chúng ta đã nhận Thiên Chúa là Cha, thì ắt nhiên chúng ta phải yêu thương đồng loại là anh em của mình, vốn là hình ảnh và là hiện thân của Thiên Chúa giữa chúng ta. Có ai thật sự yêu cha mẹ mà lại không yêu những người anh em cùng sinh ra từ một khúc ruột với mình không?

Gương của Đức Giêsu cho thấy: Ngài thờ phượng Thiên Chúa và thể hiện tình yêu của mình đối với Thiên Chúa bằng cách yêu thương nhân loại và xả thân cho nhân loại. Hành động chết cho nhân loại vì yêu thương họ chính là cách thờ phượng Thiên Chúa cao cả nhất của Ngài. Đối với Ngài, thờ phượng yêu mến Thiên Chúa và thương yêu nhân loại chỉ là một tình yêu, một hành động duy nhất, không phải là hai tình yêu hay hai hành vi tách biệt. Còn chúng ta, nhiều khi chúng ta tách biệt hẳn việc thờ phượng Thiên Chúa khỏi việc yêu thương tha nhân. Chúng ta không ngờ rằng đó là một thứ rối đạo thực hành từ căn bản. Rối đạo về lý thuyết không trầm trọng bằng rối đạo trong thực hành. Thật thế, biết bao người thờ phượng Thiên Chúa một cách chăm chỉ, sáng lễ chiều kinh, nhưng sống chẳng có tình có nghĩa với đồng loại chút nào. Đúng ra, theo tinh thần Đức Giêsu, sống tình nghĩa, sẵn sàng hy sinh cho tha nhân, yêu thương những người nghèo khổ đói rách, mới là cách thờ phượng Thiên Chúa đúng đắn nhất.

Thiên Chúa muốn chúng ta yêu mến Ngài hơn là muốn chúng ta thờ phượng tôn vinh Ngài. Mà yêu mến Ngài thì không gì đúng bằng việc yêu thương tha nhân, là những hiện thân cụ thể của Ngài trước mắt chúng ta. Không phải là vô ý mà Ngài nói rằng ngày tận thế, Ngài chỉ phán xét theo một tiêu chuẩn duy nhất, là chúng ta đã đối xử với tha nhân, nhất là những người bé mọn, nghèo khổ như thế nào (x. Mt 25,31-46). Cũng không phải vô tình mà Ngài chỉ đưa ra duy nhất có một điều răn: «Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em» (Ga 13,34). Điều đó có nghĩa là Ngài muốn nhấn mạnh sự quan trọng của việc yêu thương nhau, và muốn chúng ta tập trung vào điều răn này.

Trong tinh thần đó, thánh Phaolô đã tóm gọn toàn bộ lề luật của Thiên Chúa vào một luật duy nhất: Yêu tha nhân. Ngài viết: «Ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật. Mọi điều răn đều tóm lại trong lời này: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình» (Rm 13,8-9). Chúng ta cần nhận ra tính cách mạng trong lời của Ngài. Nếu Đức Giêsu và thánh Phaolô không quả quyết như thế, thì người phàm như chúng ta không ai dám nghĩ như vậy. Đó chính là một chân lý quan trọng, mới mẻ, đầy soi sáng, buộc chúng ta thay đổi nếp suy nghĩ cố hữu của mình.




4.  Cần cách mạng lối sống đạo và cách loan báo Tin Mừng

Trong cuốn «Người Mục Tử Cộng Đồng hướng về tương lai» (xuất bản năm 1996) và bài «Con đường đi tới của Giáo Hội Việt Nam hôm nay» (xuất bản tháng 9-2005) của Lm Nguyễn Ngọc Sơn, linh mục cho rằng: Tỷ lệ người Công giáo Việt Nam so với số dân kể từ năm 1933 đến nay, chưa bao giờ quá 8% và đang có hướng giảm. Nếu dân số Công giáo Việt Nam giảm hoặc chỉ gia tăng theo tỷ lệ gia tăng dân số hằng năm, ta có thể nói rằng việc truyền giáo không đạt được kết quả tốt đẹp. Hơn nữa, tỷ lệ người Công giáo Việt Nam lại đang giảm dần. Vậy có thể nói đến một sự thất bại trong hoạt động rao giảng Tin Mừng không? Vì thế, các mục tử cũng như mọi người trong cộng đoàn Dân Chúa Việt Nam cần phải suy nghĩ lại về cách sống và cách loan báo Tin Mừng của mình, để xem còn có sức thu hút anh em ngoài Kitô giáo và làm phát triển Giáo Hội Việt Nam không?

Trong một giáo phận vào năm 1993 có gần nửa triệu giáo dân, hơn 400 linh mục, 409 tu sĩ nam, 2.086 tu sĩ nữ, chưa kể chủng sinh và mấy ngàn tập sinh, đệ tử, thử hỏi mỗi người trong số ấy đã giúp cho một người trở lại đạo Chúa hằng năm chưa? Điều đó mời gọi chúng ta suy nghĩ về cách rao giảng cũng như về việc đổi mới đời sống chứng nhân của mình. Giáo phận… có gần 200 nhà thờ đầy ắp giáo dân trong các buổi sinh hoạt phụng vụ. Nhưng chúng vẫn không thu hút được nhiều anh em lương dân trở về với Đức Kitô. Nói lên những điều này làm chúng ta thật đau lòng, nhưng để chứng minh rằng những giờ kinh lễ, các trường học, hội đoàn, tổ chức từ thiện và hoạt động bác ái chưa phải là yếu tố quyết định cho sự thành công trong hoạt động truyền giáo… điều đó giúp chúng ta nhận ra rằng cần phải thay đổi phương cách rao giảng Tin Mừng. Nếu chúng ta thay đổi được cách sống đạo và truyền đạo, chúng ta mới có thể thu hút được nhiều anh em lương dân gia nhập đàn chiên Chúa. Chúng ta không thể rao giảng Tin Mừng, dạy giáo lý và rửa tội theo phương cách hiện nay. Nhiều người Tây Phương không còn muốn giữ đạo nữa chỉ vì thấy đạo quá xa cách với đời, trong khi đó lại gia nhập các giáo phái nhỏ biết lưu tâm tới cuộc sống. Xã hội Việt Nam cũng sẽ tiến tới tình trạng dị ứng với những «nghi lễ - kinh sách - lề luật» của đạo nếu những người mục tử không tìm ra những phương thế mới để biểu lộ Tin Mừng trong cuộc sống.

Và phương cách mới ấy không gì khác hơn là trở về với tinh thần của Đức Giêsu: coi việc mến Chúa yêu người là chính yếu nhất, lấy việc yêu thương và hy sinh cho tha nhân là cách đúng đắn nhất để yêu mến và thờ phượng Thiên Chúa. Cần phải nhấn mạnh và quan trọng hóa điều chính yếu này lên, đồng thời bớt quan trọng hóa những thứ phụ thuộc khác.




CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, đọc bài Tin Mừng này con thấy con đã đi sai đường rồi. Con đã coi nhẹ điều mà Đức Giêsu cho là quan trọng nhất, là mến Chúa và yêu người, đồng thời cứ đặt nặng những điều phụ thuộc khác. Xin cho con biết thay đổi cách suy nghĩ của con để trở về sống đúng với tinh thần Tin Mừng của Ngài.


TN30a - Cách yêu mến Thiên Chúa đúng đắn nhất, chính là yêu thương tha nhân




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 30 Thường Niên

(25-10-2020)


Cách yêu mến Thiên Chúa đúng đắn nhất,
chính là yêu thương tha nhân

► Video: ??



ĐỌC LỜI CHÚA

  Xh 22,20-26: (25) Nếu ngươi giữ áo choàng của người khác làm đồ cầm, thì ngươi phải trả lại cho nó trước khi mặt trời lặn. (26) Nó chỉ có cái đó để đắp, để làm áo che thân; nó sẽ lấy gì mà ngủ? Nó mà kêu cứu Ta, Ta sẽ nghe nó, vì Ta vốn nhân từ.

  1Tx 1,5c-10: (8) Từ nơi anh em, lời Chúa đã vang ra, đâu đâu người ta cũng nghe biết lòng tin anh em đặt vào Thiên Chúa, khiến chúng tôi không cần phải nói gì thêm nữa.


  TIN MỪNG: Mt 22,34-40

Điều răn trọng nhất

(34) Khi nghe tin Đức Giêsu đã làm cho nhóm Xađốc phải câm miệng, thì những người Pharisêu họp nhau lại. (35) Rồi một người thông luật trong nhóm hỏi Đức Giêsu để thử Người rằng: (36) «Thưa Thầy, trong sách Luật Môsê, điều răn nào là điều răn trọng nhất?» (37) Đức Giêsu đáp: «Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. (38) Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. (39) Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. (40) Tất cả Luật Môsê và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy».




CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1. Theo tinh thần của Đức Giêsu, thì trong hai điều răn quan trọng nhất ấy, điều răn nào quan trọng hơn? Phải ưu tiên sống điều răn nào? 
2. Tại sao thánh Phaolô tóm toàn bộ lề luật vào một điều răn duy nhất: «Ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật» (Rm 13,8)? Ngài bỏ điều răn yêu Chúa sao? 
3. Nếu bạn là một người cha đông con, đồng thời là người cha tốt lành không chút vị kỷ, bạn muốn con cái yêu thương mình bằng cách nào?

 


Suy tư gợi ý:

1.  Hai điều răn trọng nhất của Do Thái giáo và Kitô giáo

Người khôn ngoan thì trong mọi lãnh vực luôn luôn phân biệt điều chính và điều phụ, điều cốt lõi và điều «bì phu», điều cần thiết và điều ích lợi, điều quan trọng và điều không quan trọng. Phân biệt như thế không phải để chỉ làm điều chính và bỏ điều phụ, mà để khi không thể làm được cả hai, thì phải ưu tiên cho điều chính. Vì điều chính là yếu tố quyết định thành công, không thực hiện nó thì chắc chắn sẽ thất bại. Còn điều phụ, nếu làm được thì rất tốt, rất ích lợi, có thể làm cho sự thành công rực rỡ hơn, nhưng không làm được thì cũng vẫn có thể thành công.

Trong việc giữ đạo và nên thánh, chúng ta cũng cần biết điều nào là cốt tủy, là quan trọng nhất; nếu không giữ điều này thì coi như chưa phải là giữ đạo, và không thể nên thánh, cho dù có giữ những điều phụ thuộc một cách thật hoàn hảo. Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta biết, giữa biết bao giới răn, thì giới răn quan trọng nhất là mến Chúa và yêu người. Đó là cốt tủy của lề luật: «Tất cả Luật Môsê và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy» 
(Mt 22,40). Nếu giữ đạo mà không phân biệt điều nào chính điều nào phụ, thì chúng ta dễ giữ đạo theo «kiểu Pharisêu» đã bị Đức Giêsu tố cáo: «Các người nộp thuế thập phân về bạc hà, thì là, rau húng, mà bỏ những điều quan trọng nhất trong Lề Luật là công lý, tình thương và lòng chân thành» (Mt 23,23); «Các người lọc con muỗi, nhưng lại nuốt con lạc đà» (23,24). Hướng dẫn người khác giữ đạo và nên thánh mà không phân biệt chính phụ, thì dễ trở thành «những kẻ dẫn đường mù quáng» (23,16). Do đó, bài Tin Mừng hôm nay có tầm quan trọng đặc biệt cho mọi Kitô hữu muốn giữ đạo và nên thánh.



2.  Hai điều răn tóm lại thành một điều răn: «yêu thương»

Cũng trong chiều hướng tìm cái chính yếu, ta có thể tiếp tục đặt vấn đề: trong hai điều răn ấy, điều răn nào quan trọng, chính yếu hơn? 

Phải nói đây là hai giới răn rất đặc biệt, có vẻ là hai giới răn khác nhau, nhưng thật ra chỉ là hai cách diễn tả khác nhau của một giới răn duy nhất. Cả hai giới răn chỉ có một động từ duy nhất là «yêu», đối tượng của động từ «yêu» này có vẻ là hai đối tượng khác biệt nhau: tuy có thể phân biệt rõ rệt trên lý thuyết, nhưng trên thực tế và thực hành thì dường như không thể phân biệt, và không nên phân biệt. Vì thế, hai điều răn ấy «tuy hai mà một», tương tự như hai trang của cùng một tờ giấy: tuy là hai mặt khác nhau, nhưng chỉ là một tờ giấy duy nhất

Thật vậy, rất nhiều lời trong Thánh Kinh cố tình đồng hóa Thiên Chúa với tha-nhân-của-chúng-ta. Cụ thể nhất là trong đoạn nói về cuộc phán xét cuối cùng (x. Mt 25,31-46), Đức Giêsu đồng hóa chính Ngài với tha nhân, đặc biệt những người đau khổ, nhỏ bé, bị khinh thường, áp bức. Ngài nói: «Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta» (Mt 25,40), và «mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta» (Mt 25,45)

Tại sao thế? Vì con người là «hình ảnh của Thiên Chúa» (St 1,26-27; 9,6). Có ai yêu một người mà lại không yêu bức ảnh của người ấy không? Ta thấy những cặp tình nhân, khi không có mặt nhau, thường hôn lên ảnh của nhau. Hơn thế nữa, con người là con cái của Thiên Chúa: ngay khi được tạo dựng, con người đã được Thiên Chúa yêu thương và nâng lên hàng con cái Ngài (xem Kn 5,5; Lc 20,36; Ga 11,52; Rm 8,16). Và Ngài yêu quí con người đến mức, sau khi họ sa ngã, Ngài đã cho Con Độc Nhất của Ngài xuống trần, chịu đau khổ và chết để cứu chuộc họ (x. Ga 13,1; Rm 5,6-8; 14,15b; 1Cr 15,3; 2Cr 5,15; 1Tx 5,10; 1Pr 3,18). Do đó, ai yêu Thiên Chúa, tất nhiên cũng phải yêu con cái của Ngài, những người mà Ngài hết mực yêu thương: «ai yêu mến Đấng sinh thành, thì cũng yêu thương kẻ được Đấng ấy sinh ra» (1Ga 5,1)

Như vậy, tha nhân bên cạnh và chung quanh chúng ta chính là hiện thân cụ thể và gần gũi chúng ta nhất của chính Thiên Chúa. Vì thế, yêu những người ấy là yêu chính Thiên Chúa, và không yêu họ chính là không yêu Ngài. Người Kitô hữu có đức tin đích thực phải nhìn thấy chính Thiên Chúa ở nơi những người mình gặp hằng ngày, và yêu Ngài ở nơi họ. Không thể yêu Ngài ở nơi một ai khác chính đáng hơn nơi tha nhân. Chính vì thế, thánh Gioan mới nói: «Nếu ai nói: “Tôi yêu mến Thiên Chúa” mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy» (1Ga 4,20). Do đó, «ai yêu mến Thiên Chúa thì cũng phải yêu thương anh em mình» (1Ga 4,21)

Quả thật, không phải là phi lý mà thánh Phaolô và Giacôbê đã tóm lại toàn bộ lề luật không còn vào hai giới răn, mà vào một giới răn duy nhất

●  «Anh em hãy mang gánh nặng cho nhau, như vậy là anh em chu toàn luật Đức Kitô» (Gl 6,2)
●  «Ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật» (Rm 13,8)
●  «Các điều răn đều tóm lại trong lời này: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. (…) Yêu thương là chu toàn Lề Luật» (Rm 13,9-10)
●  «Luật Kinh Thánh được đưa lên hàng đầu là “Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình”» (Gc 2,8)

Không những ta phải yêu thương những người chung quanh mình, hy sinh cho họ, mà còn phải làm sao để họ cũng sống yêu thương và thúc đẩy nhau sống yêu thương nữa: «Chúng ta hãy để ý đến nhau, làm sao cho người này thúc đẩy người kia sống yêu thương và làm những việc tốt» (Dt 10,24).



3.  Thực hiện việc yêu Thiên Chúa bằng việc yêu tha nhân

Để dễ hiểu những điều trên, ta hãy xét trường hợp của một người cha rất giàu có, rất khỏe mạnh, không thiếu thứ gì, cũng không cần thứ gì cả. Người cha ấy có một đàn con đông đảo, nhưng vì lỗi của chúng nên chúng trở nên nghèo nàn, đau khổ, thiếu thốn. Nguyên nhân gây nên tình trạng đau khổ ấy là chúng không biết yêu thương. Người cha ấy đã tìm đủ cách để đàn con hạnh phúc hơn, bằng cách giáo dục để chúng có nhiều tình thương hơn, vì một khi chúng biết yêu thương thì tất nhiên và tự nhiên hạnh phúc sẽ đến với chúng. Thử hỏi người cha ấy mong mỏi gì nơi đàn con? Chắc chắn là mong chúng yêu thương nhau (x. Ga 13,34-35).

Có một đứa con kia mong cha ban cho mình của này vật nọ, nên chỉ biết nghĩ đến cha, mong hầu hạ cha, lo cho cha từng chút, đang khi cha đã quá đầy đủ, chẳng cần ai lo cho mình một thứ gì. Ngược lại, đối với những anh em ruột thịt bên cạnh mình đang đau khổ và thiếu thốn, đang cần được chăm nom săn sóc, thì người ấy chẳng thèm đoái hoài đến. Thử hỏi người cha ấy có hài lòng về cách xử sự của người con ấy không? Cách xử sự như thế có hợp lý không? Nếu ta là người cha ấy, ta sẽ nghĩ gì về đứa con ấy, ta muốn nó xử sự thế nào?

Nếu ta là người cha ấy, chắc chắn điều ta mong mỏi nhất là thấy con cái mình yêu thương nhau, lo cho nhau, hy sinh cho nhau, và hễ chúng làm được điều ấy, thì ta sẽ hài lòng vô cùng, vì tình thương của chúng đối với nhau sẽ làm cho chúng hạnh phúc, là điều ta mong muốn nhất. Ta nghĩ rằng chính những đứa biết yêu thương anh em mình một cách vô vị lợi mới là những đứa con hiếu thảo, vì chúng có tình thương đích thực. Vì nếu anh em chúng nghèo khó và khó thương mà chúng còn thương được, ắt chúng phải thương yêu cha chúng hơn nhiều. 

Còn những đứa chỉ nghĩ tới cha mình giàu có, nên lo chăm chút cho cha đang khi cha chẳng cần điều đó, mà chẳng hề nghĩ đến anh em mình, thì tình thương của chúng đối với cha rất đáng nghi ngờ. Có thể chúng chỉ yêu bản thân chúng mà thôi, còn việc chúng chăm chút đến cha có thể chỉ là một chiến thuật cầu lợi theo sự khôn ngoan ích kỷ của chúng. 

Minh họa trên cho thấy chúng ta phải yêu mến Thiên Chúa bằng cách nào. Có thể nói điều răn quan trọng nhất chính là «yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn» 
(Mt 22,37). Nhưng phải thể hiện tình yêu ấy thế nào cho phù hợp với ý của Thiên Chúa? Qua giáo huấn của Đức Giêsu, ta thấy cách tốt nhất để thể hiện tình yêu của mình đối với Thiên Chúa chính là thực hiện điều răn thứ hai: «yêu người thân cận như chính mình» (Mt 22,39). Đức Giêsu đã làm gương về điều ấy. 

Ngài chết trên thập giá vì yêu thương con người, đồng loại của Ngài (với tư cách Ngài là một con người), nhưng cái chết vì yêu thương con người ấy chính là lễ hy sinh để thờ phượng Thiên Chúa được Thiên Chúa đánh giá cao nhất. Vậy cách thờ phượng Thiên Chúa, yêu mến Thiên Chúa tốt nhất chính là yêu thương những người người chung quanh mình, những người mình gặp hằng ngày, và hy sinh bản thân mình cho họ.



CẦU NGUYỆN

Tôi nghe Thiên Chúa nói với tôi: «Cha là Thiên Chúa, Cha không cần và không thiếu một thứ gì. Vậy thì con yêu Cha cách nào đây? Nếu con muốn yêu Cha cách thực tế, con hãy yêu Cha nơi những người sống chung quanh con, họ chính là hiện thân của Cha ở bên cạnh con. Con yêu họ, chính là con yêu Cha, và đó là cách tốt nhất để con tỏ lòng hiếu thảo đối với Cha».


Tuesday, October 13, 2020

TN29b - Lệnh của con người và thánh ý Thiên Chúa




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 29 Thường Niên

(18-10-2020)

Bài đào sâu

Lệnh của con người
và thánh ý Thiên Chúa




  TIN MỪNG: Mt 22,15-21

Nộp thuế cho Xêda



 

Câu hỏi gợi ý:
1.   Người trong tập thể, trong xã hội hay giáo hội… phải vâng phục bề trên mình. Điều đó đúng hay sai? Đúng tuyệt đối hay có luật trừ? Khi nào có luật trừ?
2.   Đức Giêsu có khi nào không tuân hành luật Môsê không? Các tông đồ có luôn luôn vâng lời các nhà lãnh đạo Do Thái giáo không? Tại sao? Các Ngài theo nguyên tắc nào?

Suy tư gợi ý:

1.  Bối cảnh bài Tin Mừng

Nước Do Thái thời Đức Giêsu là một nước bị đế quốc Rôma đô hộ. Dân Do Thái phải đóng thuế cho đế quốc. Về vấn đề này, trong nước có hai khuynh hướng chính trị đối lập, thậm chí thù nghịch nhau:

– Phe Hêrốt (tức phe quốc doanh) là phe thân chính quyền, chủ trương ủng hộ đế quốc để đế quốc bảo vệ ngai vàng và quyền cai trị của mình. Phe này chủ trương bắt dân đóng thuế cho đế quốc. Trong tôn giáo, phái Sađốc (các tư tế thường thuộc phái này) cũng theo lập trường chính trị này.

– Phe dân chúng (tức phe yêu nước) là phe đứng về phía nhân dân và tôn giáo. Phe này không muốn tùng phục đế quốc xâm lược, và thường tìm cơ hội để nổi dậy dành lại độc lập cho đất nước. Vì thế, họ chủ trương chống lại việc nộp thuế. Trong xã hội có phái Zêlốt, và trong tôn giáo có phái Pharisêu đứng về phe này.

Người dân nào theo phe Hêrốt thì bị dân chúng oán ghét, tẩy chay. Còn ai đứng về phe dân chúng thì bị chính quyền để ý, gây khó dễ. Do đó, chủ trương nộp thuế hay không là một vấn đề rất nhạy cảm đối với dân chúng. Vì thế, để âm mưu gài bẫy Đức Giêsu hầu hại Ngài, những người Pharisêu đã đặt vấn đề với Ngài, buộc Ngài phải tuyên bố lập trường về vấn đề nhạy cảm này. Đức Giêsu biết âm mưu thâm độc của họ: (1) Nếu Ngài trả lời nên nộp thuế thì Ngài sẽ bị dân chúng tẩy chay, họ sẽ không thèm nghe giáo huấn của Ngài nữa; (2) Ngược lại, nếu Ngài trả lời không nên nộp thuế, thì phe Hêrốt sẽ có cớ để tố cáo Ngài chống lại pháp luật; (3) Nếu Ngài không trả lời, thì Ngài chứng tỏ mình không có lập trường, là người dốt nát, Ngài sẽ bị mất uy tín của một đạo sư. Cách nào thì cũng đều gây rắc rối cho Ngài. Nhưng Ngài đã trả lời một cách rất khôn ngoan, hợp lý, vừa thoát khỏi bẫy của những kẻ muốn hại Ngài, vừa đưa ra được một nguyên tắc soi sáng cho con người, nhất là cho các Kitô hữu phải sống trong một tình thế xã hội phức tạp tương tự như xã hội thời Ngài. Thật vậy, con người trong một xã hội luôn luôn bị giằng co bởi uy quyền của thế lực trần tục và đòi hỏi của lương tâm, của thánh ý Thiên Chúa, v.v… Thật khó xử.

Sau khi bắt họ xác định hình trên đồng tiền là của ai, và họ trả lời là của Xêda thì Ngài trả lời: «Của Xêda, trả về Xêda; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa» (Mt 22,21). Với câu trả lời này, âm mưu của họ thất bại.



2.  Hai nguyên tắc đúng nhưng đôi khi đối nghịch nhau

Trong các tập thể, ta thường phải dưới quyền và tuân phục người lãnh đạo tập thể ấy. Trong gia đình có cha mẹ, trong xã hội có chính quyền các cấp, trong Giáo Hội có giáo quyền. Tất cả những người lãnh đạo ấy đều là con người, họ có thể ra lệnh đúng với thánh ý Thiên Chúa, mà cũng có thể ngược lại với thánh ý Ngài. Nếu lệnh của họ phù hợp với thánh ý Thiên Chúa, thì không có vấn đề, người Kitô hữu phải vâng phục họ. Không vâng phục họ chính là không vâng phục Thiên Chúa. Nhưng nếu lệnh của họ đi ngược lại thánh ý Ngài như đã từng xảy ra biết bao lần trong lịch sử, thì ta sẽ lâm vào tình trạng xung đột nguyên tắc hay xung đột bổn phận, rất khó xử. Có hai nguyên tắc đôi khi xung đột nhau:

– Một đằng phải vâng phục người lãnh đạo, vì họ là đại diện cho Thiên Chúa, và vì quyền họ nắm trong tay đến từ Thiên Chúa. Thánh Phaolô viết: «Mỗi người phải phục tùng chính quyền, vì không có quyền bính nào mà không bởi Thiên Chúa, và những quyền bính hiện hữu là do Thiên Chúa thiết lập. Như vậy, ai chống đối quyền bính là chống lại trật tự Thiên Chúa đặt ra, và kẻ nào chống lại sẽ chuốc lấy án phạt. Cần thiết phải phục tùng họ, không những vì sợ bị phạt, mà còn vì lương tâm» (Rm 13,1-2.5; x.1Pr 2,13-14.17b).

– Một đằng «phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm» (Cv 5,29). Thánh Phêrô đã nói thế để phản đối giới lãnh đạo tôn giáo Do Thái khi họ cấm ông không được rao giảng Tin Mừng.



3.  Vấn đề đặt ra

Một tập thể, một đất nước, một giáo hội… luôn luôn phải có người lãnh đạo, nếu không thì sẽ lâm vào tình trạng «vô chính phủ», rất hỗn loạn và thật tai hại. Người xưa nói: «Nhất nhật vô vương đảo huyền thiên hạ» (nghĩa là: một ngày không vua, thiên hạ đại loạn), «Nước một ngày không thể không vua» (trích Đại Việt sử thi). Nếu có người lãnh đạo mà người dưới không tuân phục, thì cũng mất trật tự, không ổn định, tập thể không thể tồn tại hay phát triển được. Người lãnh đạo thường tài đức hơn người, nên lệnh truyền của họ thường phản ảnh đúng thánh ý Thiên Chúa. Vì thế, trên nguyên tắc, Kitô giáo chủ trương con người phải vâng phục bề trên của mình. Chủ trương này thật hợp tình hợp lý.

Nhưng đã là con người thì đều có tự do đối với lương tâm, đồng thời cũng rất yếu đuối và hay thay đổi. Trong mỗi thời điểm, họ có thể làm theo lương tâm, theo thánh ý Thiên Chúa, mà cũng có thể không làm theo lương tâm mà làm theo lợi ích riêng tư của họ. Do đó có rất nhiều trường hợp lệnh trên không phù hợp với lẽ phải, đi ngược lại thánh ý Thiên Chúa, bất lợi cho lợi ích chung. Rất nhiều người lãnh đạo khi được đưa lên nắm quyền thì là người rất tài đức, xứng đáng được mọi người tuân phục. Nhưng khi nắm quyền hành trong tay một thời gian, họ liền bị biến chất, vì quyền hành có khả năng tha hóa con người. Người Pháp có câu: «Le pouvoir corrompt par nature» (quyền hành tự bản chất làm hư hỏng con người).

Trường hợp Saun trong Cựu ước là một điển hình (1Sm 9,15-17). Khi Saun được Thiên Chúa chọn làm vua Do Thái thì ông là người xứng đáng. Nhưng sau đó ông bị biến chất nên đã bị Thiên Chúa truất phế để lập Đavít lên thay thế (x. 1Sm 28,16-18). Thật vậy, biết bao người lãnh đạo ban đầu giống như một minh quân, nhưng cầm quyền lâu năm lại biến thành bạo chúa. Chính vì thế trong các xã hội dân chủ, người lãnh đạo tập thể luôn luôn có một nhiệm kỳ nhất định. Người lãnh đạo nào vẫn giữ được tài đức thì có thể được tái nhiệm thêm một nhiệm kỳ nữa. Không ai được giữ chức lãnh đạo vô thời hạn cả. Đó là một nguyên tắc xã hội thật sáng suốt và khôn ngoan, phù hợp với tình trạng dễ thay đổi của con người. Những tập thể chủ trương ‘ai lãnh đạo là lãnh đạo suốt đời’ thì tập thể ấy thường bị thoái hóa theo thời gian.

Vậy, trong một tập thể, như gia đình, cộng đoàn, xã hội hay giáo hội, ta phải theo nguyên tắc nào? phải vâng phục ai? nhất là khi lệnh của người lãnh đạo không phù hợp với lẽ phải, với lương tâm, với thánh ý Chúa?



4.  «Của Xêda, trả về Xêda; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa»

Qua câu nói của Đức Giêsu, ta thấy cần phải phân biệt những gì thuộc lãnh vực trần tục, và những gì thuộc lãnh vực lương tâm. Hai lãnh vực này có thể phân biệt rõ ràng, điều đó không có nghĩa là chúng hoàn toàn độc lập với nhau, hay không có sự bao trùm lên nhau. Những gì hoàn toàn thuộc lãnh vực trần tục, không liên quan đến lương tâm, thì ta phải hoàn toàn tuân phục người lãnh đạo. Chẳng hạn nhà nước buộc người dân đến tuổi trưởng thành phải làm căn cước, hay khi kinh doanh, bán nhà, bán xe phải đóng thuế, v.v… hoặc khi Giáo Hội buộc các tín hữu muốn kết hôn phải trình sổ rửa tội, phải rao ở nhà thờ, v.v… thì ta phải tuân phục. 

Nhưng trong những việc liên quan đến lương tâm, thì ta phải làm theo lương tri và lương tâm đúng đắn của mình. Không thể lấy lý do luật nhà nước hay luật Giáo Hội để làm ngược lại ý muốn của Thiên Chúa được phản ảnh qua lương tri và lương tâm mình. Chính Đức Giêsu đã bất chấp luật sabát của Môsê – tức luật tôn giáo – để làm theo đòi hỏi của tình yêu đại đồng (x. Mt 12,1-8; 12,9-14; Lc 13,10-17; 14,1-6; Ga 5,1-18; 9,1-41). Phêrô đã bất chấp lệnh cấm của giới lãnh đạo tôn giáo để làm theo đòi hỏi của Thiên Chúa là rao giảng Tin Mừng (x. Cv 5,27-33). Các thánh tử đạo trên thế giới đã trung thành với Thiên Chúa bất chấp lệnh cấm đạo của chính quyền.

Mục đích của đức vâng phục Kitô giáo là để thực hiện thánh ý Thiên Chúa. Khi nào sự vâng phục không phải là thực hiện thánh ý Thiên Chúa thì không còn là nhân đức nữa. Nếu vâng lời bề trên để thực hiện một tội ác thì chẳng những không công phúc gì, mà còn mang tội đồng lõa nữa.



CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, sống đạo của Cha trong xã hội con người thật khó! Vì con người có luật của con người, và Thiên Chúa có luật của Thiên Chúa, hai luật này con đều phải tôn trọng, nhưng đôi khi lại trái ngược nhau. Lúc đó con biết làm theo luật nào? Nhiều khi con đã nhân danh luật của con người, của tôn giáo, để khỏi phải làm theo đòi hỏi của lương tâm, của tình yêu. Làm như thế có đúng không? Có đẹp lòng Cha không? Xin hãy cho con đủ tình yêu và can đảm để sống đúng ý Cha.