Tuesday, September 29, 2020

TN27a - Liệu Kitô giáo có bị Thiên Chúa đối xử như Do Thái giáo xưa?




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 27 Thường Niên

(04-10-2020)

Bài đào sâu

Liệu Kitô giáo có bị Thiên Chúa đối xử
như Do Thái giáo xưa?



ĐỌC LỜI CHÚA

  Is 5,1-7: (4) Có gì làm hơn được cho vườn nho của tôi, mà tôi đã chẳng làm? Tôi những mong trái tốt, sao nó sinh nho dại?

  Pl 4,6-9: (9) Những gì anh em đã học hỏi, đã lãnh nhận, đã nghe, đã thấy ở nơi tôi, hãy đem ra thực hành, và Thiên Chúa, nguồn bình an sẽ ở với anh em.


  TIN MỪNG: Mt 21,33-43

Dụ ngôn những tá điền sát nhân

(33) Khi ấy, Đức Giêsu nói với các thượng tế và kỳ mục trong dân: «Các ông hãy nghe một dụ ngôn khác: Có gia chủ kia trồng được một vườn nho; chung quanh vườn, ông rào giậu; trong vườn, ông khoét bồn đạp nho, và xây một tháp canh. Ông cho tá điền canh tác, rồi trẩy đi xa. 

«(34) Gần đến mùa hái nho, ông sai đầy tớ đến gặp các tá điền để thu hoa lợi. (35) Bọn tá điền bắt các đầy tớ ông: chúng đánh người này, giết người kia, ném đá người nọ. (36) Ông lại sai một số đầy tớ khác đông hơn trước: nhưng bọn tá điền cũng xử với họ y như vậy. (37) Sau cùng, ông sai chính con trai mình đến gặp chúng, vì nghĩ rằng: Chúng sẽ nể con ta. (38) Nhưng bọn tá điền vừa thấy người con, thì bảo nhau: "Ðứa thừa tự đây rồi! Nào ta giết quách nó đi, và đoạt lấy gia tài nó!" (39) Thế là chúng bắt lấy cậu, quăng ra bên ngoài vườn nho, và giết đi. 

«(40) Vậy xin hỏi: Khi ông chủ vườn nho đến, ông sẽ làm gì bọn tá điền kia?» (41) Họ đáp: «Ác giả ác báo, ông sẽ tru diệt bọn chúng, và cho các tá điền khác canh tác vườn nho, để cứ đúng mùa, họ nộp hoa lợi cho ông.» (42) Ðức Giêsu bảo họ: «Các ông chưa bao giờ đọc câu này trong Kinh Thánh sao? Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. Ðó chính là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta.»

(43) «Bởi đó, tôi nói cho các ông hay: Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi.»





CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1. Dụ ngôn trên ám chỉ những ai? Nó chỉ áp dụng cho dân Do Thái và các nhà lãnh đạo Do Thái giáo thời đó, hay nó có tính hiện sinh, nghĩa là có thể đúng với chính Kitô giáo của chúng ta hiện nay?
2. Liệu Thiên Chúa có thể nói về Kitô giáo như đã nói về Do Thái giáo: «Tôi những mong trái tốt, sao nó sinh nho dại?». Và Ngài có thể nói về chính bản thân tôi như vậy không?
3. Thiên Chúa có cần phải thay thế Kitô giáo bằng một tôn giáo mới như Ngài đã phải thay thế Do Thái giáo bằng Kitô giáo không?


Suy tư gợi ý:

1.  Ý nghĩa dụ ngôn những tá điền sát nhân

Bài Tin Mừng hôm nay là một dụ ngôn có ý nói bóng gió về tình trạng đã, đang và sẽ xảy ra trong dân Do Thái thời ấy, mà trước mắt có sự góp phần của giới lãnh đạo tôn giáo Do Thái, đó là họ âm mưu giết Ðức Giêsu. Kết cục được diễn tả trong câu cuối của bài Tin Mừng với ý nghĩa là: Dân Do Thái được Thiên Chúa dành ưu tiên trong việc vào Nước Thiên Chúa, nhưng vì họ tỏ ra không xứng đáng, nên chỗ ưu tiên của họ được nhường cho những dân tộc khác.

Thiên Chúa đã yêu quí dân Do Thái, điều này được diễn tả trong bài đọc 1: Thiên Chúa cưng chiều dân Do Thái như một người có một vườn nho mà anh ta rất quí. Ngôn sứ Isaia mô tả hành động của chủ vườn nho: «Anh ra tay cuốc đất nhặt đá, giống nho quý đem trồng, giữa vườn anh xây một vọng gác, rồi khoét bồn đạp nho» (Is 5,2a). Anh quí nó đến nỗi làm cho nó tất cả những gì mà anh nghĩ nó cần nó thích: «Có gì làm hơn được cho vườn nho của tôi, mà tôi đã chẳng làm?» (Is 5,4). Anh ta kỳ vọng rất nhiều vào vườn nho đó, nhưng vườn nho đã làm anh thất vọng: «Anh những mong nó sinh trái tốt, nó lại sinh nho dại» (Is 5,2b). Một vườn nho như thế thì người chủ nên làm gì cho nó? Thất vọng vì vườn nho ấy, anh ta đã «hàng giậu thì chặt phá cho vườn bị tan hoang, bờ tường thì đập đổ cho vườn bị giày xéo (Is 5,5b) biến thửa vườn thành mảnh đất hoang vu, không tỉa cành nhổ cỏ, gai góc mọc um tùm; truyền lệnh cho mây đừng đổ mưa tưới xuống» (Is 5,6)

Vườn nho đó được ngôn sứ Isaia xác định: «Vườn nho đó chính là nhà Ítraen; cây nho Chúa mến yêu quý chuộng, chính là người xứ Giuđa. Người những mong họ sống công bình, mà chỉ thấy toàn là đổ máu; đợi chờ họ làm điều chính trực, mà chỉ nghe vẳng tiếng khóc than» (Is 5,7).

Trong dụ ngôn bài Tin Mừng hôm nay, Ðức Giêsu tiếp tục khai triển chủ đề «vườn nho» của bài đọc I (Is 5,1-7), với những ám chỉ sau đây: 
1. Vườn nho ám chỉ dân Do Thái; 
2. Ông chủ đất ám chỉ Thiên Chúa,
3. Bọn tá điền ám chỉ các lãnh tụ tôn giáo Do Thái; 
4. Các tôi tớ của chủ đất ám chỉ các ngôn sứ được Thiên Chúa sai đến; 
5. Người con trai của ông chủ ám chỉ Ðức Giêsu; 
6. Các tá điền khác ám chỉ Dân ngoại.
Toàn bài dụ ngôn nói lên diễn tiến trong lịch sử dân Do Thái: Thiên Chúa chọn Do Thái là dân riêng của Ngài giữa mọi dân tộc. Ngài muốn họ là cầu nối giữa Ngài với mọi dân tộc khác và với toàn nhân loại. Ðể thực hiện mục đích ấy, Ngài đã sai các ngôn sứ đến để dạy dỗ, sửa đổi và cho họ biết ý định của Ngài. Nhưng lời nói của những ngôn sứ này thường không lọt lỗ tai các lãnh tụ tôn giáo Do Thái, vì «trung ngôn nghịch nhĩ», «lời thật mích lòng». Và kết quả là các ngôn sứ này đều bị ném đá chết dưới tay các lãnh tụ tôn giáo Do Thái. Chính ngôn sứ Êlia đã phải than phiền: «Khi cầu nguyện với Thiên Chúa, ông đã tố cáo dân Ítraen rằng: Lạy Chúa, các ngôn sứ của Ngài, chúng đã giết chết; bàn thờ của Ngài, chúng đã phá huỷ. Chỉ còn sót lại một mình con, thế mà chúng cũng đang tìm hại mạng sống con» (Rm 11,3; x. V 19,10.14).

Cuối cùng, Thiên Chúa sai chính Con Một của mình đến cũng để làm công việc ngôn sứ ấy, thì cũng bị họ giết chết một cách dã man và thảm hại. Dân Do Thái vì hèn nhát trước quyền lực nên cũng hùa theo các lãnh tụ của họ. Vì thế, dân Do Thái đã bị Thiên Chúa loại bỏ, mất quyền ưu tiên đối với Nước Trời. Và Nước Trời do Ðức Giêsu thiết lập - gồm những người tin theo Ðức Giêsu - bao gồm những người mà người Do Thái gọi là dân ngoại, gồm đủ mọi dân tộc trên thế giới.

Còn dân Do Thái đã bị đào thải khỏi lịch sử: tháng 9 năm 70, lúc ấy làm thống soái quân đội Rôma là 
Titus (sau làm hoàng đế Rôma năm 79-81), đã bao vây và chiếm Giêrusalem, giết rất nhiều người Do Thái. Kể từ đó, Do Thái bị mất nước, và dân Do Thái phải tản mác khắp nơi trên thế giới. Ðến thế chiến thứ hai, dân Do Thái tại Ðức đã bị Hitler giết tới 6 triệu người. Mãi đến năm 1947, sau gần 19 thế kỷ bị mất nước, Do Thái đã lập quốc trở lại tại vùng đất cũ, nhưng kể từ đó, họ phải chiến tranh liên tục với dân Palestin và Ai Cập cho đến nay.



2.  Dụ ngôn đó có áp dụng cho Giáo Hội chúng ta không?

Khi tôi học Cựu Ước, giáo sư dạy Kinh Thánh cho tôi thường nói: «Israel là Giáo Hội, Israel là chính tôi». Vì thế, bài dụ ngôn kia, nếu có thể áp dụng cho dân Do Thái, thì cũng có thể áp dụng cho Giáo Hội và cho chính bản thân tôi.

Do Thái giáo là một tôn giáo do chính Thiên Chúa thiết lập qua các tổ phụ, Môsê và các ngôn sứ, với hàng giáo phẩm là các tư tế, lêvi và các rápbi. Thiên Chúa đã trực tiếp can thiệp vào lịch sử của dân tộc, đã ra tay giải phóng dân tộc Do Thái khỏi ách thống trị Ai Cập, đã đích thân ban hành luật pháp cho họ, đã trực tiếp chỉ định những vì vua cai trị họ. Ngay cả Kitô giáo hiện nay cũng chưa được Thiên Chúa trực tiếp can thiệp như thế. Có ngôn sứ nào trong Kitô giáo oai hùng như Isaia, khi ra lệnh cho dân Do Thái điều gì thì đều nói: «Thiên Chúa là Chúa các đạo binh phán như thế» (x. Is 1,24; 3,15; 5,9; 10,24; 14,22-24; 17,3; 19,4; v. v.) Vì thế, dân Do Thái đã rất có lý khi nghĩ rằng tôn giáo của mình do Thiên Chúa thiết lập ắt sẽ vĩnh cửu, và sẽ lan tràn khắp thế giới. Nhưng lịch sử cho chúng ta thấy họ đã lầm. Do Thái giáo đã tàn lụi, và được thay thế bằng Kitô giáo. Có thể nói, Do Thái giáo chính là tiền thân của Kitô giáo.

Kitô giáo hiện nay cũng đang tự hào là tôn giáo duy nhất do chính Thiên Chúa thiết lập, là tôn giáo có giá trị hơn hết mọi tôn giáo trên thế giới, nên mọi Kitô hữu đều tin tưởng nó sẽ tồn tại muôn đời, và sẽ lan tràn khắp thế giới. Nhưng nhiều khi các Giáo Hội Kitô giáo chỉ biết tự hào như thế mà quên đi niềm mong ước của chính Thiên Chúa đối với mình. Liệu Thiên Chúa có phải than phiền về Kitô giáo như đã than về Do Thái giáo: «Có gì làm hơn được cho vườn nho của tôi, mà tôi đã chẳng làm? Tôi những mong trái tốt, sao nó sinh nho dại?» Kitô giáo đã hơn Do Thái giáo những gì?

Ðức Giêsu đến để thiết lập một tôn giáo mới dựa trên nền tảng tình yêu thương, và luật của Kitô giáo là luật yêu thương. Chính Đức Giêsu đã xác định luật tối thượng của Ngài: «Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em» (Ga 13,34); Thánh Phaolô cũng xác định giới luật tối thượng đó. Ngài viết: «Ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật» (Rm 13,8.10); «Anh em hãy mang gánh nặng cho nhau, như vậy là anh em chu toàn luật Ðức Kitô» (Gl 6,2); Thánh Giacôbê cũng viết luật yêu thương phải được coi là luật quan trọng nhất: «Luật Kinh Thánh được đưa lên hàng đầu: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình» (Gc 2,8).

Luật của Tân Ước mới hẳn so với Cựu Ước của Do Thái giáo, nhưng các Kitô hữu đã coi trọng luật ấy đủ chưa? đã tập trung mọi cố gắng để thực hành luật ấy đúng mức chưa? Hay Kitô giáo lại đi vào vết xe đã đổ của Do Thái giáo, là thượng tôn nghi thức, quá chú trọng tới những lễ nghi và hình thức bên ngoài? Còn lề luật chính yếu là sống yêu thương thì lại lãng quên? Có phải hiện nay hình thức của Kitô giáo thì mới mẻ và khác hơn Do Thái giáo, nhưng tinh thần nệ luật, nệ hình thức thì chẳng khác gì những người Do Thái ngày xưa? 

Ðã tới lúc chúng ta cần nghiêm túc tự hỏi: ngày nay, người ngoài nhìn vào cách sống của người Kitô hữu, có thể nhận ra đạo của chúng ta là «đạo yêu thương» như thời Kitô giáo sơ khai không? Ngày nay, lễ «bẻ bánh» có còn là một dấu chỉ của một sự chia sẻ có thực trong đời sống giữa những người đến tham dự không, hay nó đã trở thành một nghi thức thuần túy, cho dù đầy ý nghĩa nhưng không có gì là thực tế cho lắm?

Mỗi Kitô hữu - nhất là những người có trách nhiệm hướng dẫn, lãnh đạo tôn giáo - cần tự vấn: Thiên Chúa hay Ðức Giêsu có hài lòng với tình trạng Kitô giáo hiện nay không? Còn những người lãnh đạo tôn giáo cần tự vấn thêm: Tôi có giống như những vị lãnh đạo Do Thái giáo xưa, chẳng những không thèm nghe mà còn sẵn sàng bạc đãi hoặc bách hại những tiếng nói ngôn sứ vào thời đại của mình không? Hay ít ra khi họ bị bách hại vì đã chu toàn chức năng ngôn sứ của họ, tôi đã im lặng, làm ngơ, để mặc họ bị bách hại như thể tôi cũng đồng ý với sự bách hại ấy?

Không khéo Kitô giáo của chúng ta chẳng hơn gì Do Thái giáo, khiến Thiên Chúa cũng sẽ phải đối xử với chúng ta như đã đối xử với dân Do Thái: «Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi»! 
(Mt 21,43)



CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, Kitô giáo hiện nay thế nào, chính con - cũng như bất kỳ Kitô hữu nào - đều có phần nào trách nhiệm. Xin cho con biết sống đạo Chúa Kitô đúng với với tinh thần yêu thương của Ngài. Xin cho con rút ra được bài học lịch sử của dân Do Thái để tránh được vết xe đã đổ. Amen.

Nguyễn Chính Kết




Monday, September 21, 2020

TN26b - Điều cốt yếu là xác định được thánh ý Chúa là gì và thực hiện thánh ý Ngài




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 26 Thường Niên

(27-09-2020)

Bài đào sâu

Điều cốt yếu là xác định được thánh ý Chúa là gì
và thực hiện thánh ý Ngài



  TIN MỪNG: Mt 21,28-32

Dụ ngôn hai người con




Câu hỏi gợi ý:
1.   Giữa người nói thật hay về Chúa, khấn hứa thật nhiều điều tốt đẹp, và người sống đúng thánh ý Ngài, ai mới là người làm đẹp lòng Ngài?
2.   Thời Đức Giêsu, có ai dám đánh giá bọn thu thuế và đĩ điếm cao hơn các tư tế, luật sĩ và Pharisêu không? Tại sao Ngài lại đánh giá ngược đời như vậy? Nếu Ngài sống ở thời đại này, Ngài đánh giá thế nào? Có khác với cách đánh giá của mọi người không? Ngài đánh giá theo tiêu chuẩn nào vậy?
3.   Qua dụ ngôn hai người con và cách đánh giá của Đức Giêsu, ta thấy tiêu chuẩn để đánh giá của Ngài là gì?

Suy tư gợi ý:

1.  Bối cảnh bài Tin Mừng

Dụ ngôn hai người con của bài Tin Mừng hôm nay là câu trả lời của Đức Giêsu cho các tư tế và kỳ mục trong dân khi họ đến hỏi Ngài: «Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy? Ai đã cho ông quyền ấy?» (Mt 21,23). Sở dĩ họ hỏi Ngài như vậy vì Ngài vừa mới «đuổi tất cả những người đang mua bán trong Đền Thờ, lật bàn của những người đổi bạc và xô ghế của những kẻ bán bồ câu» (Mt 21,12). Họ hạch hỏi Ngài vì họ thấy quyền bính và quyền lợi của họ bị va chạm. Chính họ cho phép hay chấp thuận cho người ta buôn bán thú vật cúng tế trong đền thờ, vì dân càng cúng tế nhiều con vật vào đền thờ thì họ càng có lợi. Thế mà Đức Giêsu lại dám ngang nhiên dẹp bỏ, không phải chỉ kêu gọi dẹp bỏ, mà Ngài dùng bạo lực buộc những người buôn bán trong đền thờ phải dẹp bỏ. Vì thế, họ phải bảo vệ quyền bính và quyền lợi của họ. Đức Giêsu đã không trả lời trực tiếp câu hỏi đó, mà đưa ra dụ ngôn hai người con để cảnh tỉnh họ.

Ngài muốn ám chỉ dân chúng, cách riêng những người thu thuế và gái điếm là những người bị các tư tế và luật sĩ cho là tội lỗi, giống như người con thứ nhất: tuy nói rằng không làm vườn nho cho cha, nhưng cuối cùng lại hối hận và đi làm. Vì những người này tuy mang danh là tội lỗi, nhưng khi Gioan Tẩy Giả và Ngài đến, thì họ đã ăn năn sám hối và sống theo lời hai Ngài dạy, là lời diễn đạt thánh ý của Thiên Chúa.

Và Ngài ám chỉ chính họ – giới lãnh đạo tôn giáo, giới giảng dạy đạo lý cho dân chúng – giống như người con thứ hai: tuy nói rằng sẽ đi làm vườn nho cho cha, nhưng cuối cùng lại chẳng làm gì cả. Vì họ, tuy mang danh là đạo đức, nhưng khi Gioan Tẩy Giả và Ngài là người của Thiên Chúa đến, họ đã không thèm nghe và làm theo. Trái lại họ còn mưu hại và giết cả hai Ngài nữa. Đức Giêsu còn dùng dụ ngôn các tá điền sát nhân (Mt 21,33-44) để ám chỉ họ.

Ngài nói: dù tin, nghe, rao giảng hay dạy người khác lời của Ngài, nhưng nếu không đem lời ấy ra thực hành, không sống lời của Ngài, thì chẳng lợi ích gì. Ngài đã từng nói: «Ai nghe lời Thầy nói mà chẳng đem ra thực hành, thì ví như người ngu dại xây nhà trên cát. Gặp mưa sa, nước cuốn hay bão táp ập vào, nhà ấy sẽ sụp đổ tan tành» (Mt 7,26-27). Ngài nhấn mạnh sự cần thiết phải thực thi ý Thiên Chúa: «Chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào Nước Trời thôi» (Mt 7,21). Vì thế, Ngài nói với họ: «Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm sẽ vào Nước Thiên Chúa trước các ông» (Mt 21,31)




2.  Điều quan trọng là sống đúng thánh ý Thiên Chúa

Qua bài dụ ngôn hai người con của Đức Giêsu, ta thấy vấn đề quan trọng không phải là nói cho hợp, cho đúng ý Thiên Chúa (như người con thứ hai nói mà không làm), mà là thực hành ý của Ngài (như người con thứ nhất không nói mà làm).

Trong cộng đồng Kitô hữu, có những người nói về Thiên Chúa và thánh ý của Ngài rất tuyệt vời, nhưng chính bản thân họ thì chẳng sống điều họ nói. Có những người khấn hứa với Thiên Chúa nhiều điều tốt đẹp một cách rất long trọng, nhưng trong thực tế họ chẳng thực hành những điều đã khấn hứa ấy. Cũng có những người mang danh theo Chúa, được cả Giáo Hội công nhận là những người chính thức theo Chúa, nhưng đời sống thực tế của họ lại chứng tỏ rằng họ chẳng theo Chúa chút nào. Họ đối xử với mọi người ngay cả với nhau thiếu tình thiếu nghĩa, cách hành xử của họ chứng tỏ lòng họ cũng đầy tham sân si như những người tội lỗi, nhưng lại được ngụy trang khéo léo bằng cái vỏ bên ngoài thật hào nhoáng… Vì cái vỏ hào nhoáng bên ngoài ấy, họ lầm tưởng họ đã là người thánh thiện, rất đẹp lòng Thiên Chúa. Họ tự xếp mình vào thành phần ưu tú trong cộng đồng. Một cách vô tình hay cố ý, họ tự dối mình, dối mọi người, và dối cả Thiên Chúa!

Trái lại, có những người chẳng có danh phận gì trong cộng đồng, chính họ cũng tự đánh giá mình thuộc thành phần thấp kém, vì họ hiểu biết rất ít, chẳng biết nói gì nhiều về Thiên Chúa, về thánh ý của Ngài. Tuy nhiên họ vẫn cố gắng sống những gì họ nghe biết về đạo lý, về Thiên Chúa. Cụ thể nhất là họ biết đùm bọc nhau, sống có tình có nghĩa với nhau, với mọi người, biết hy sinh và chấp nhận đau khổ vì người khác, không coi «cái tôi» của mình quá quan trọng.

Qua dụ ngôn về hai người con này, ta thấy giữa hai hạng người trên, Thiên Chúa vẫn đánh giá hạng người sau cao hơn, và họ là đối tượng ưu tiên của Nước Trời hơn hạng người trước. Vì thế, Đức Giêsu tiên báo về ngày sau cùng: «Kìa có những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu, và có những kẻ đứng đầu sẽ xuống hàng chót» (Lc 13,30). Do đó ta cần phải cảnh giác, vì cách đánh giá của Thiên Chúa rất khác với cách đánh giá của chúng ta. Người thời Đức Giêsu, có ai dám nghĩ rằng Thiên Chúa lại đánh giá những người thu thuế và gái điếm thời ấy cao hơn cả những tư tế, luật sĩ và người Pharisêu, thuộc hàng vị vọng trong tôn giáo thời ấy không? «Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm sẽ vào Nước Thiên Chúa trước các ông» (Mt 21,31)



3.  Bài học cho chúng ta trong việc sống đạo

Thông thường, chúng ta có thói quen đánh giá và xếp hạng giữa mình và người khác, giữa người này với người kia. Ta tự cho mình là hơn người này, kém người kia. Tiêu chuẩn mà ta dựa vào để đánh giá hơn kém nhiều khi rất chủ quan, hoặc theo cách đánh giá thông thường của con người, hoặc dựa vào chức vụ cao thấp trong Giáo Hội. Cũng có khi ta dựa vào cách đánh giá của dư luận, của đa số: ta hay ai đó được mọi người ca tụng, lập tức ta tưởng rằng mình hay người ấy là đúng nhất, tốt nhất. Thế là ta bắt đầu tự tôn khi được mọi người ca tụng. Hoặc bắt đầu tự ty và ganh tỵ khi người khác được đánh giá cao hơn mình. Nhưng dù tự ty hay tự tôn, ta đều chỉ quy về «cái tôi» của mình. Cả hai thái độ ấy đều do tính kiêu ngạo.

Thật ra, cách đánh giá của Thiên Chúa rất khác với cách đánh giá của ta hay của trần gian. Tốt nhất là ta đừng tự đánh giá mình hay đánh giá người khác, vì chỉ một mình Thiên Chúa mới có khả năng xét đoán đúng theo tiêu chuẩn của Ngài mà thôi (x. Thư Giacôbê 4,12; Thư Rôma 14,4). Nếu cần phải xét đoán, ta nên theo lời thánh Phaolô khuyên trong bài đọc II: «Hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình» (Thư Philipphê 2,3).

Điều quan trọng không phải là xét đoán ai hơn ai, mà là sống làm sao cho đúng với ý muốn của Thiên Chúa. Vì thế, thay vì xét đoán, so sánh, ta hãy tự xét xem: mình đã coi việc sống theo ý muốn của Thiên Chúa là quan trọng nhất trong việc sống đạo chưa? Kế đến là xét xem: ta đã xác định được ý muốn của Thiên Chúa đối với mình là gì chưa? Và cuối cùng là xét xem: mình đã thật sự sống đúng theo ý của Ngài chưa? Đó là điều quan trọng nhất trong việc sống đạo, nhưng rất nhiều khi ta coi nhẹ. Ta thường sống theo truyền thống người đời (x. Mt 15,3), theo ý riêng mình mà ta tưởng là ý Chúa, theo một số thói quen mà ta vẫn tưởng là tốt lành.

Thiết tưởng người quan tâm sống theo ý của Thiên Chúa cần phải xác định được thánh ý của Thiên Chúa là gì. Thiên Chúa là tình yêu, nên thánh ý của Ngài đối với ta là làm sao để đời sống của ta phản ảnh được bản tính yêu thương của Thiên Chúa, để chính ta trở thành hiện thân của tình yêu Thiên Chúa giữa xã hội, giữa những người đang sống chung quanh ta. Tất cả những thứ khác – nghi thức, bí tích, lề luật, cầu nguyện, v.v… – đều chỉ là phương tiện giúp ta thực hiện mục đích ấy. Nếu những phương tiện ấy không giúp ta đạt được mục đích ấy thì chúng đã trở nên vô dụng đối với ta. Rất nhiều khi ta chỉ lo thực hiện những phương tiện ấy mà quên hẳn mục đích của chúng. Bài Tin Mừng hôm nay mời gọi ta ý thức lại vấn đề.



CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, trong đời sống đạo của con, nhiều khi con chưa xác định được điều cốt yếu nhất là phải thực hiện thánh ý của Cha, và cũng chẳng quan tâm tìm hiểu xem thánh ý của Cha cốt yếu nhất là gì. Vì thế, con cứ lo thực hiện những điều phụ thuộc mà con tưởng là cần thiết nhất. Còn điều cần thiết nhất là thể hiện tình yêu của Chúa đối với những người chung quanh con thì con lại cho là việc phụ thuộc. Xin giúp con ý thức và xác định lại vấn đề để sống đúng với thánh ý của Cha.


TN26a - Người Kitô hữu cần xác định thật rõ: Cốt yếu của việc sống đạo là gì?




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 26 Thường Niên

(27-09-2020)


Người Kitô hữu cần xác định thật rõ:
Cốt yếu của việc sống đạo là gì?




ĐỌC LỜI CHÚA

   Ngôn sứ Êdêkien 18,25-28: (25) Các ngươi nói : Ðường lối của Chúa Thượng không ngay thẳng. Vậy hỡi nhà Ítraen, hãy nghe đây: Phải chăng đường lối của Ta không ngay thẳng, hay đường lối của các ngươi mới không ngay thẳng?

  Thư Philipphê 2,1-11: (3) Ðừng làm chi vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình. (4) Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác.


  TIN MỪNG: Mt 21,28-32

Dụ ngôn hai người con

Khi ấy, Ðức Giêsu nói với các thượng tế và kỳ mục trong dân: (28) Các ông nghĩ sao: Một người kia có hai con trai. Ông ta đến nói với người thứ nhất: Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho. (29) Nó đáp: Con không muốn đâu! Nhưng sau đó, nó hối hận, nên lại đi. (30) Ông đến gặp người thứ hai, và cũng bảo như vậy. Nó đáp: Thưa cha, con đây! nhưng rồi lại không đi. (31) Trong hai người con đó, ai đã thi hành ý muốn của người cha? Họ trả lời: Người thứ nhất. Ðức Giêsu nói với họ: Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông. (32) Vì ông Gioan đã đến chỉ đường công chính cho các ông, mà các ông không tin ông ấy; còn những người thu thuế và những cô gái điếm lại tin. Phần các ông, khi đã thấy vậy rồi, các ông vẫn không chịu hối hận mà tin ông ấy.






CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1.   Khi giải quyết những vấn đề quan trọng, việc phân biệt điều chính điều phụ có quan trọng không? Còn trong việc nên thánh, việc giữ đạo, việc vào nước Trời thì sao? Ðiều nào là điều quan trọng nhất để nên thánh?
2.   Ðối với Ðức Giêsu, thờ phượng Thiên Chúa, cầu nguyện và sống yêu thương, việc nào quan trọng nhất? Cái nào là mục đích, cái nào là phương tiện?

Suy tư gợi ý:

1.  Cần phân định chính phụ trong việc sống đạo để nên thánh

Trên đời, biết bao người cùng nhắm một mục đích, nhưng đạt được mục đích lại chẳng mấy người! Lý do: người ta không biết điều nào chính, điều nào phụ. Vì thế, họ cứ làm những cái phụ thuộc, chẳng cần thiết hoặc ích lợi gì cho mục đích. Việc nên thánh, nên hoàn hảo cũng vậy. Biết bao Kitô hữu lấy việc nên thánh, nên hoàn hảo làm lý tưởng cho cả cuộc đời mình, nhưng họ chẳng đi tới đâu. Họ có một cuốn Kinh Thánh chỉ cho họ đầy đủ con đường để nên hoàn hảo, nhưng họ lại không chịu đọc để xem cái cốt yếu hầu nên hoàn hảo là gì. Họ chỉ nghe người này nói thế này người kia nói thế nọ để bắt chước. Cuối cùng họ chẳng đạt được gì.

Nên thánh là việc chính yếu và quan trọng nhất của đời sống Kitô hữu. Vì thế, thiết tưởng người Kitô hữu cần nắm thật vững điều nào chính yếu và điều nào phụ thuộc trong việc sống đạo của mình. Nếu không, họ giống như một người muốn nấu cơm, mà lại cứ dùng cát để nấu: dù có nấu muôn đời cũng chẳng thành.



2.  Những người dẫn đường mù quáng

Theo thánh Mát-thêu thì bài Tin Mừng hôm nay, Ðức Giêsu nói với các thượng tế và kỳ mục trong dân (Mt 21,23), tức những bậc thầy về tâm linh cho các tín hữu Do Thái giáo. Ðiều thật bất ngờ đối với chúng ta là Ðức Giêsu dám nói thẳng vào mặt họ: Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm sẽ vào Nước Thiên Chúa trước các ông. Những người thu thuế và các cô gái điếm vốn là những người bị những bậc đạo sư Do Thái ấy coi thường và loại bỏ ngay từ đầu ra khỏi Nước Thiên Chúa theo quan niệm của họ. Lúc nào họ cũng chắc mẩm rằng họ là đối tượng ưu tiên của Nước Trời. Vì thế, câu Ðức Giêsu nói làm cho họ bật ngửa. Ðiều thật mỉa mai là: họ là những bậc thầy chỉ dẫn người ta vào Nước Trời, thế mà chính họ lại được vào đấy sau cả bọn đĩ điếm. Lý do: họ là những kẻ dẫn đường mù quáng (Mt 23,16), là những người mù dắt người mù (Mt 15,14).

Tại sao? Vì họ chuyên quan trọng hóa những điều phụ thuộc, còn những điều chính yếu và quan trọng nhất thì họ không thèm để ý tới. Ðức Giêsu nói về họ: Các người bảo: Ai chỉ Ðền Thờ mà thề, thì có thề cũng như không; còn ai chỉ vàng trong Ðền Thờ mà thề, thì bị ràng buộc. Ðồ ngu si mù quáng! Thế thì vàng hay Ðền Thờ là nơi làm cho vàng nên của thánh, cái nào trọng hơn? (Mt 23,16-22); Các người nộp thuế thập phân về bạc hà, thì là, rau húng, mà bỏ những điều quan trọng nhất trong Lề Luật là công lý, tình thương và sự thành thật (Mt 23,23).

Rút kinh nghiệm quá khứ, thiết tưởng để nên thánh, chúng ta nên đọc kỹ Kinh Thánh để nghe chính Ðức Giêsu chỉ dẫn cho những điều cốt yếu, và nên dựa trên những gì mà bản thân chúng ta xét thấy hợp lý. Ðừng thuần túy dựa vào ý kiến hay chỉ dẫn của người khác.



3.  Ðức Giêsu chỉ cho chúng ta bí quyết để nên thánh

Bài Tin Mừng hôm nay, Ðức Giêsu hé mở cho chúng ta bí quyết hay điều cốt yếu phải làm để nên thánh qua dụ ngôn hai người con: một người nói mình sẽ làm theo ý cha mình, nhưng lại không làm, còn người kia không nói mà làm. Người không nói mà làm mới là kẻ làm đẹp lòng Cha. Rất nhiều chỗ trong Tin Mừng, Ðức Giêsu cho biết điều chính yếu để nên thánh là thực hiện thánh ý của Thiên Chúa. Thiết tưởng đoạn sau đây là rõ ràng nhất: «Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: "Lạy Chúa! lạy Chúa!" là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Ðấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi. Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng: "Lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao?" Bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với họ: "Ta không hề biết các ngươi; xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác!" Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá. Dù mưa sa, nước cuốn, hay bão táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây trên nền đá» (Mt 7,21-27).

Tóm lại, điều chính yếu nhất để nên thánh và để vào nước Thiên Chúa chính là vâng theo thánh ý Thiên Chúa, tức thực hành những điều Ðức Giêsu dạy. Vậy, chúng ta cần phải nắm thật vững thánh ý Thiên Chúa là gì, hay Ðức Giêsu dạy ta điều gì? Hãy nghiêm túc đặt lại vấn đề này một lần cho cả cuộc đời để đi cho đúng đường, và đạt được mục đích của mình là nên thánh. Nếu không, coi chừng kẻo chúng ta giữ đạo cả cuộc đời mà vẫn sôi hỏng bỏng không, hay như dã tràng xe cát biển đông, nhọc nhằn mà chẳng nên công cán gì, chỉ vì điều quan trọng nhất thì ta coi thường, còn điều phụ thuộc thì chúng ta lại coi là tối quan trọng.

Ðọc toàn bộ Tin Mừng, tôi thấy điều quan trọng nhất mà Ðức Giêsu muốn nhấn mạnh là: «Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em» (Ga 13,34). Ngay câu kế tiếp, Ngài nhấn mạnh tầm quan trọng của nó: «Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau» (Ga 13.35). Ngoài điểm chính ấy, thì tất cả những điều khác, đều là phụ thuộc, và những điều phụ thuộc này dù quan trọng tới đâu thì cũng chỉ là quan trọng hàng thứ yếu. Chính vì thế, vào ngày phán xét, Ðức Giêsu chỉ phán xét mọi người về một điều duy nhất: cách họ đối xử với tha nhân (x. Mt 25,31-46).

Chúng ta cần chú ý tới điều mà Ðức Giêsu muốn nhấn mạnh, và những người dẫn đường thiêng liêng cho quần chúng cũng phải nhấn mạnh giống như Ðức Giêsu. Nếu điều quan trọng nhất lại không nhấn mạnh, mà lại nhấn mạnh những điều phụ thuộc, thì họ cũng chỉ giống như những người dẫn đường thiêng liêng cho quần chúng trong đạo Do Thái mà thôi.



4.  Chúng ta đặt nặng và sống đúng điều quan trọng nhất chưa?

Ðiều quan trọng nhất trong Kitô giáo chính là sống yêu thương: trước tiên là yêu thương những người gần gũi mình nhất (cha mẹ, vợ con, anh chị em.), rồi đến những người xa hơn một chút (bà con, lối xóm, bạn bè, người cùng cộng đoàn.), rồi mới đến những người xa hơn nữa (người quen, người gặp ngoài đường.), để rồi yêu thương không trừ một ai, kể cả kẻ thù của mình (vì họ cũng là con người, là hình ảnh và là con cái Thiên Chúa). Cần ghi lòng tạc dạ điều quan trọng nhất ấy để thực hành. Tất cả những chuyện khác đều là thứ yếu - không có nghĩa là không quan trọng, mà chỉ là không quan trọng bằng - thường là phương tiện để giúp ta thực hành điều quan trọng nhất ấy.

Chẳng hạn việc thờ phượng Chúa và việc cầu nguyện. Ðây là hai việc được coi là rất quan trọng trong Kitô giáo mà không một Kitô hữu nào được phép coi thường. Nhưng chúng ta không thể coi hai việc này quan trọng hơn điều răn quan trọng nhất là sống yêu thương được. Ðọc hết Tin Mừng, tôi không hề thấy có chỗ nào Ðức Giêsu nhấn mạnh đến việc thờ phượng Thiên Chúa hay cầu nguyện bằng hoặc như Ngài đã từng nhấn mạnh bổn phận phải yêu thương cả.

Qua câu «Nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình» (Mt 5,23-24), tôi thấy rõ rằng Ngài coi trọng việc thể hiện tình thương đối với đồng loại hơn cả việc thờ phượng Thiên Chúa nữa. Ngôn sứ Isaia còn cho thấy Thiên Chúa ghê tởm việc thờ phượng và cầu nguyện của những con người đối xử với đồng loại không ra gì: «Ta chán ghét những ngày đầu tháng, những đại lễ của các ngươi. Những thứ đó đã trở thành gánh nặng cho Ta, Ta không chịu nổi nữa. Khi các ngươi dang tay cầu nguyện, Ta bịt mắt không nhìn ; các ngươi có đọc kinh cho nhiều, Ta cũng chẳng thèm nghe. Vì tay các ngươi đầy những máu» (Is 1,14-15; nên xem hết cả đoạn Is 1,11-19). Hãy nghe Ngài kết án hết sức nặng nề những việc làm thiếu bác ái: «Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Ðồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt» (Mt 5,21-22). Trong dụ ngôn người Samari nhân hậu, Ngài có vẻ như cay cú với thầy tư tế và lêvi đã bỏ mặc nạn nhân bị cướp trên đường vì đã coi trọng việc thờ phượng và giữ những chi tiết trong luật Mô-sê hơn bổn phận bác ái là giới răn quan trọng nhất.

Cầu nguyện là để tiếp xúc với Thiên Chúa hầu nhận được sức mạnh của Ngài mà sống yêu thương anh chị em mình. Nó là phương tiện cần thiết để đạt được mục đích là sống yêu thương. Ðừng biến phương tiện thành mục đích mà quên mục đích đích thực phải thực hiện. Về việc thờ phượng Thiên Chúa, hãy bắt chước Ðức Giêsu: cả đời chỉ thực hiện tình thương đến mức hy sinh cả mạng sống, và cuộc đời đầy yêu thương đó chính là hy tế thờ phượng Thiên Chúa đẹp lòng Ngài nhất.

Ðối với điều chính và điều phụ, lập trường của Ðức Giêsu là: «»Các điều này (điều chính yếu) vẫn cứ phải làm, mà các điều kia (điều phụ thuộc) thì không được bỏ (Mt 23,23c). Dẫu phải làm cả hai, nhưng vẫn phải phân biệt điều nào chính điều nào phụ để khi không thể làm được cả hai, thì biết phải chọn lựa điều nào.




CẦU NGUYỆN

Tôi nghe Chúa nói với tôi: «Lạ thật! Biết bao người nói rằng họ theo Ta, nhưng những điều Ta khuyên hay yêu cầu họ làm thì họ chẳng thèm làm. Họ cứ tưởng: họ bám theo Ta và lải nhải nịnh nọt Ta suốt ngày thì Ta sẽ hài lòng và như vậy mới là theo Ta. Họ làm như Ta là một bạo chúa chỉ thích nghe những lời nịnh nọt! Ta là Thiên Chúa, Ta có cần họ làm gì cho Ta đâu, thế mà họ lại cứ quan tâm đến Ta, đang khi anh chị em của họ ở ngay bên cạnh họ, rất cần họ yêu thương săn sóc - những người đó chính là hiện thân của Ta ở giữa họ - thì họ chẳng thèm màng tới. Quả thật, họ đang làm những chuyện vô ích mà cứ tưởng là cần thiết».              


Monday, September 14, 2020

TN25b - Thiên Chúa luôn rộng lượng, hào phóng. Vì thế, đừng nên so đo tính toán với Ngài.




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 25 Thường Niên

(20-09-2020)

Bài đào sâu

Thiên Chúa luôn rộng lượng, hào phóng.
Vì thế, đừng nên so đo tính toán với Ngài.


► Video: ??



  TIN MỪNG: Mt 20,1-16a

Dụ ngôn thợ làm vườn nho



Câu hỏi gợi ý:
1.   Bạn nghĩ gì về cách hành xử của ông chủ trong bài Tin Mừng này? Ông có đối xử bất công hoặc thiếu hợp lý không? Tại sao?
2.   Trong việc xây nhà để gia đình ta ở, người thợ xây nhà cho ta và con cái của ta trong nhà, ai làm được nhiều việc hơn? Ta đối xử với thợ xây thế nào? Nay mai, khi ta mất, ta sẽ nhường căn nhà lại cho thợ xây hay cho con cái ta? Tại sao?
3.   Ta đối xử với Thiên Chúa thế nào? Như những người thợ làm công hay như những đứa con trong nhà? Cách Thiên Chúa đối xử với hai loại người này có khác nhau không?


Suy tư gợi ý:

1.  Ba loại người làm việc cho ông chủ

Một người chủ thật giàu có và rất phóng khoáng sẽ đối xử thế nào với những người làm việc cho mình? Để trả lời, ta tạm chia những người làm việc cho ông chủ thành ba loại người:

a) Loại 1 là những người làm việc cho ông chủ hoàn toàn với tư cách làm công. Người làm công làm việc là để kiếm tiền, nếu không được trả tiền thì họ sẽ không làm việc. Điều họ yêu cầu là tiền công được trả thật sòng phẳng đúng như đã thỏa thuận khi nhận việc. Giữa họ với ông chủ có hợp đồng rõ rệt: tôi làm việc cho ông, và ông phải trả tiền cho tôi. Sau khi ông chủ trả tiền công thì đôi bên không mắc nợ nhau điều gì.

b) Loại 2 là những người làm việc cho ông chủ với tư cách tình bạn. Họ làm vì tình cảm bạn bè. Anh có việc thì tôi giúp, mai mốt nếu tôi có việc thì anh giúp, nếu tôi không có việc thì thôi. Giữa hai bên không có hợp đồng rõ rệt, không có sự ràng buộc, nhưng có sự trao đổi qua lại về tình cảm.

c) Loại 3 là những người làm việc cho ông chủ với tư cách con cháu trong nhà, họ làm vì yêu mến ông chủ và làm việc hết mình, không so đo tính toán. Họ không đòi hỏi ông chủ điều gì như một điều kiện phải có thì mới làm việc. Điều họ mong muốn là làm sao cho ông chủ mà họ yêu mến được thành công, hài lòng và hạnh phúc.



2.  Cách đối xử của ông chủ đối với 3 loại người ấy

Đặt mình vào địa vị ông chủ, ta có thể suy ra cách ông ta đối xử với 3 hạng người ấy thế nào.

– Trước hết, đối với loại 1, ông chủ sẽ trả công sòng phẳng đúng theo hợp đồng, không hề lỗi công bằng hay làm gì khiến họ bị thiệt thòi. Vì họ đối xử với ông như người làm công, nên ông cũng đối xử với họ như với người làm công. Người làm công có thể làm được nhiều việc hơn những người thuộc loại 2 và 3, nhưng động lực để họ làm việc là tiền công chứ không phải là tình nghĩa. Vì thế, ông chủ chỉ phải trả họ tiền công cho sòng phẳng là đủ, chứ không có bổn phận phải biểu hiện tình nghĩa đối với họ.

– Với loại 2, ông tỏ ra hào phóng hơn. Ông đối xử với họ như đối với những người bạn, vì họ đã lấy tình bạn để đối xử với ông. Ông không trả công cho những việc họ làm, nhưng tỏ ra rất rộng lượng đối với họ, chiêu đãi họ những bữa tiệc thịnh soạn. Khi họ cần ông giúp gì, ông sẵn sàng giúp họ một cách hào phóng gấp bội những gì họ đã làm cho ông. Ông không tính toán với họ, vì họ chẳng hề tính toán với ông bao giờ. Tuy dù họ không làm cho ông được nhiều việc, nhưng những việc họ làm cho ông, họ đều vì tình nghĩa bạn bè mà làm. Ông quý họ là ở điểm ấy.

– Với loại 3, ông coi họ như con cái trong nhà. Những người này đã coi công việc của ông như chính công việc của họ. Họ làm việc cho ông cứ như là làm cho chính họ, bất kể có được trả công hay không. Chẳng những họ không mong được trả công mà còn sẵn sàng chịu thiệt thòi miễn sao công việc của ông hoàn tất tốt đẹp là họ thỏa mãn. Vì thế, ông đã coi họ như con cháu trong nhà, tất cả những tài sản ông có, ông muốn họ cứ việc sử dụng như của họ. Ông dự định nay mai ông có mệnh hệ nào, thì toàn bộ tài sản của ông sẽ thuộc về họ. 

Nếu so sánh những việc họ làm cho ông thì có thể chẳng là bao so với những việc mà những người làm thuê đã làm cho ông. Những người làm thuê đã làm cho ông rất nhiều việc, nhưng họ làm là để có tiền chứ chẳng phải vì yêu thương ông. Còn những người này tuy làm cho ông chẳng bao nhiêu việc, nhưng tất cả những gì họ làm thì họ đều làm vì ông, vì yêu thương ông. Vì thế, ông muốn họ được hưởng từ lòng hào phóng của ông nhiều gấp bội những gì mà những người làm công được hưởng.

Suy nghĩ về những loại người làm việc cho ông chủ và cách xử sự của ông chủ, ta dễ hiểu dụ ngôn mà Đức Giêsu nói trong bài Tin Mừng về những người thợ làm vườn nho. Những người làm việc từ đầu ngày tuy làm nhiều giờ hơn ai hết, nhưng họ đã làm như những người làm công: họ đã thỏa thuận với ông chủ số tiền ông phải trả. Những người đến làm càng về sau càng không đặt vấn đề tiền công, họ làm theo lời mời của ông chủ, và có thể họ đã làm việc với tất cả lòng nhiệt tình hăng say của họ mà không cần nghĩ đến tiền công. Vì thế, ông đã tỏ ra rất hào phóng đối với những người đến sau, vì họ làm không phải vì tiền. Còn với những người đến trước, ông đã trả công đúng như họ đã thỏa thuận với ông.



3.  Ba loại người giữ đạo Chúa

Trong số những người theo Chúa, giữ đạo Chúa, ta cũng có thể tạm phân làm ba loại:

a) Loại 1 là những người theo đạo Chúa để được Ngài thưởng công trên thiên đàng. Làm được việc gì tốt lành họ cũng đều làm với ý hướng được Chúa ghi công vào sổ để mai sau Ngài trả công bội hậu cho họ. Họ làm những điều tốt lành là vì hạnh phúc của họ ở đời này hay đời sau, hoặc vì phần thưởng mà Ngài đã hứa cho những ai làm như thế. Chứ không phải họ làm vì thấy những việc ấy là tốt đẹp, nên làm hay đáng làm. Giả như làm những điều tốt đẹp ấy mà không có lợi gì cho họ hay không được trả công thì họ sẽ không thèm làm.

Những người này Thiên Chúa sẽ trả công cho họ vì những việc tốt đẹp hay những hy sinh của họ, thậm chí bội hậu, đúng như lẽ công bằng đòi hỏi. Nhưng đó chỉ là phần thưởng Ngài dành cho những kẻ «làm công» cho Ngài thôi. Nó sẽ rất nhỏ so với phần thưởng Ngài dành cho những người hành xử như những đứa con hiếu thảo của Ngài, cho dù những việc họ làm được cho Ngài còn nhiều hơn những người này bội phần.

b) Loại 2 là những người theo đạo vì thấy đạo là tốt lành, nên theo, không nhắm lợi ích cho mình. Khi làm những việc tốt lành, họ làm vì thấy đó là điều đáng làm, vì hợp với thánh ý của Thiên Chúa, hợp với lương tâm của họ. Họ sống rất lương thiện, nhưng không tích cực hoặc không sống chết với những đòi hỏi của lương tâm, với ý muốn của Thiên Chúa là xây dựng Nước Trời tại trần gian.

Do họ không làm vì lợi ích của họ mà vì lợi ích của Ngài, nên Ngài cũng sẽ tỏ ra rất hào phóng với họ. Phần thưởng Ngài dành cho họ sẽ rất lớn lao tương tự như những món quà mà một ông chủ hào phóng dành cho bạn bè của mình.

c) Loại 3 là những người thật sự yêu mến Thiên Chúa và hết lòng với công việc của Ngài. Họ nhận ra Thiên Chúa chính là cái gì cốt tủy nhất và sâu thẳm nhất của bản thân họ, là người Cha rất mực yêu thương họ. Vì thế, họ yêu mến Thiên Chúa là Cha mình, và yêu tha nhân là hiện thân của Ngài như yêu chính bản thân họ. Họ coi công việc của Ngài ở trần gian cũng là công việc của chính họ, như một đứa con thảo trong gia đình coi mọi việc trong nhà là việc của mình. Vì thế họ dấn thân hết mình cho công việc của Ngài mà không hề mong được trả công hay được một phần thưởng nào. 

Có người con hiếu thảo nào trong gia đình lại trông đợi cha mẹ thưởng công cho mình khi họ làm những việc chung trong nhà hay làm theo ý cha mẹ mình? Thấy cha mẹ mình vui, anh em trong nhà ấm no hòa thuận thì đó chính là hạnh phúc của họ và đã là phần thưởng cho họ rồi, cần gì một phần thưởng nào khác nữa? Tình thương đã trở thành yếu tố quan trọng nhất trong bản chất của họ. Chính tình thương đã thúc đẩy họ làm tất cả những gì đem lại lợi ích cho gia đình trong đó có lợi ích của họ, chứ họ không làm vì lợi ích riêng của họ.

Vì họ đã hành xử với Ngài như những đứa con thảo đối với Cha, nên phần thưởng Ngài dành cho họ là sản nghiệp của Cha để lại cho con. Tất cả những gì Ngài có và Ngài là, đều thuộc về họ. Đó là một phần thưởng vô cùng vĩ đại mà những kẻ «làm công» cho Ngài dù có làm được nhiều việc vĩ đại tới đâu cũng không dám mơ ước.

(Ở đây không nói đến những người mang danh làm cho Thiên Chúa, cho Giáo Hội, nhưng thật ra họ là những người làm để được tiếng khen, để được nổi danh, để được lợi lộc ở trần gian này. Những người này thì Thiên Chúa không cần thưởng nữa, vì họ đã được trần gian thưởng công rồi).



CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, Cha chính là người Cha đã sinh ra con và yêu thương con vô cùng. Con muốn đáp lại tình thương vô bờ bến ấy bằng cách luôn yêu thương và làm tất cả những gì có thể làm được cho đồng loại ở chung quanh con, mà con luôn luôn coi như hiện thân của Cha. Hạnh phúc và sự tốt lành mà con làm được cho họ chính là hạnh phúc và niềm vui của con. Xin Cha giúp con thực hiện được điều ấy.


TN25a - Hai thứ công bằng: công bằng có tình thương, và công bằng kiểu sòng phẳng, không tình thương




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 25 Thường Niên

(20-09-2020)


Hai thứ công bằng: công bằng có tình thương,
và công bằng kiểu sòng phẳng, không tình thương


► Video: ??



ĐỌC LỜI CHÚA

  Is 55, 6-9: (6) Hãy tìm Ðức Chúa khi Người còn cho gặp, kêu cầu Người lúc Người ở kề bên. (7) Kẻ gian ác, hãy bỏ đường lối mình đang theo, người bất lương, hãy bỏ tư tưởng mình đang có mà trở về với Ðức Chúa - và Người sẽ xót thương -, về với Thiên Chúa chúng ta, vì Người sẽ rộng lòng tha thứ.

  Pl 1,20c-24 và 27a: (20c) Ðức Kitô sẽ tỏ bày quyền uy cao cả của Người nơi thân xác tôi, dù tôi sống hay tôi chết: (21) vì đối với tôi, sống là Ðức Kitô, và chết là một mối lợi.


  TIN MỪNG: Mt 20, 1-16a

Dụ ngôn thợ làm vườn nho

(1) Nước Trời giống như chuyện gia chủ kia, vừa tảng sáng đã ra mướn thợ vào làm việc trong vườn nho của mình. (2) Sau khi đã thoả thuận với thợ là mỗi ngày một quan tiền, ông sai họ vào vườn nho làm việc. (3) Khoảng giờ thứ ba, ông lại trở ra, thấy có những người khác ở không, đang đứng ngoài chợ. (4) Ông cũng bảo họ: Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho, tôi sẽ trả cho các anh hợp lẽ công bằng. (5) Họ liền đi. Khoảng giờ thứ sáu, rồi giờ thứ chín, ông lại trở ra và cũng làm y như vậy. (6) Khoảng giờ mười một, ông trở ra và thấy còn có những người khác đứng đó, ông nói với họ: Sao các anh đứng đây suốt ngày không làm gì hết? (7) Họ đáp: Vì không ai mướn chúng tôi. Ông bảo họ: Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho! (8) Chiều đến, ông chủ vườn nho bảo người quản lý: Anh gọi thợ lại mà trả công cho họ, bắt đầu từ những người vào làm sau chót tới những người vào làm trước nhất. (9) Vậy những người mới vào làm lúc giờ mười một tiến lại, và lãnh được mỗi người một quan tiền. (10) Khi đến lượt những người vào làm trước nhất, họ tưởng sẽ được lãnh nhiều hơn, thế nhưng cũng chỉ lãnh được mỗi người một quan tiền. (11) Họ vừa lãnh vừa cằn nhằn gia chủ: (12) Mấy người sau chót này chỉ làm có một giờ, thế mà ông lại coi họ ngang hàng với chúng tôi là những người đã phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt. (13) Ông chủ trả lời cho một người trong bọn họ: Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn. Bạn đã chẳng thoả thuận với tôi là một quan tiền sao? (14) Cầm lấy phần của bạn mà đi đi. Còn tôi, tôi muốn cho người vào làm sau chót này cũng được bằng bạn đó. (15) Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tuỳ ý định đoạt về những gì là của tôi sao? Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức? (16) Thế là những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu, còn những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót (Vì kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít).





CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1.   Bạn có đồng ý với cách xử sự của ông chủ vườn nho không? Tại sao? Lý do khiến bạn đồng ý hay không đồng ý dựa trên lòng ích kỷ của con người hay dựa trên lòng yêu thương?
2.   Bạn nghĩ sao về chủ trương Làm theo khả năng, nhưng hưởng thụ theo nhu cầu ? Bạn có áp dụng chủ trương này trong gia đình bạn không?
3.   Bạn có phân biệt 2 thứ công bằng: công bằng có tình thương, và công bằng không có tình thương không? Bạn thích thứ công bằng nào?

Suy tư gợi ý:

Theo cách giải thích truyền thống, bài Tin Mừng này muốn nói tới tính nhưng không của Nước Trời: người ta được vào Nước Trời hoàn toàn do ân sủng của Thiên Chúa ban nhưng không, chứ không phải do công lao của họ, mặc dù người ta vẫn phải có sự cộng tác của riêng mình. 

Vì thế, sẽ có những người theo Chúa từ khi vừa chào đời, những người này được cứu rỗi là một điều dễ hiểu. Nhưng cũng sẽ có những người đã sống suốt cả một cuộc đời tội lỗi hoặc không biết Chúa, mãi tới cuối đời mới giác ngộ, mới biết Chúa và theo Chúa. Cuộc đời họ chỉ theo Chúa vào những giây phút cuối cùng, có thể một vài năm, mà cũng có thể chỉ một vài phút trước khi chết (như trường hợp người trộm lành cùng chịu đóng đinh với Ðức Giêsu trong Lc 23,39-43). Những người này cũng được ơn cứu rỗi y như những người đã theo Chúa suốt cuộc đời. Rất có thể những người sống đạo tốt đẹp suốt cả đời sẽ ganh tỵ với những người ấy. Dụ ngôn này trả lời cho những người ganh tỵ ấy.

Tuy nhiên, ta có thể giải thích dụ ngôn này theo một kiểu khác, để áp dụng tinh thần yêu thương một cách vô vị lợi, ít vị kỷ và bớt tính toán, so đo, hơn thiệt với mọi người. Nhất là để tập quan niệm, suy nghĩ theo cách của Thiên Chúa, cách vị tha, khách quan, không qui về mình.


1.  Hai thứ công bằng: công bằng của trần gian và công bằng của Nước Trời

Mới đọc bài Tin Mừng, ai cũng cảm thấy ông chủ làm vườn nho đối xử như thế với những người làm thuê là không công bằng: người làm ít cũng như người làm nhiều đều nhận một mức lương bằng nhau. Vì theo suy nghĩ bình thường của người đời, người làm nhiều phải hưởng lương cao hơn người làm ít. Nghĩ như thế là hoàn toàn đúng và hợp lý. Nhưng với tình thương, người ta có thể suy nghĩ khác, cao hơn, mà vẫn hoàn toàn hợp lý.

Thật vậy, nhân loại sau này có một lý tưởng rất cao cả mà cho tới nay vẫn chưa thực hiện được, đó là làm theo khả năng và hưởng thụ theo nhu cầu. Nghĩa là hưởng lương nhiều hay ít tùy theo nhu cầu của mình nhiều hay ít, chứ không tùy theo mình đã làm nhiều hay ít. Lý tưởng này ai cũng cho là hợp lý và đầy tình thương hơn lối hành xử thường tình là làm và hưởng thụ theo khả năng. Biết bao người đã say mê và sống chết cho lý tưởng ấy: Làm theo khả năng, nhưng hưởng thụ theo nhu cầu. Trong lịch sử con người, nếu lý tưởng này có được thực hiện, thì nó đã được thực hiện trong cộng đồng Kitô hữu nguyên thủy, một cộng đồng hữu kiểu mẫu cho mọi cộng đồng Kitô hữu về sau (x. Cv 4,32-37).



2.  Công bằng của Nước Trời: công bằng có tình thương

Dụ ngôn này diễn tả Nước Trời, vì nó khởi đầu bằng câu: Nước Trời giống như., chứ không phải nó áp dụng cho thế gian này. Nước Trời là nước của tình thương, trong đó mọi người đều đối xử với nhau bằng tình thương, và có như thế Nước Trời mới là nước của hạnh phúc. Do đó, sự công bằng ở trong Nước Trời là một thứ công bằng có tình thương, chứ không phải là thứ công bằng vô tâm như ở trần gian. Sự công bằng kiểu trần gian này nếu được thực hiện thì cũng là phúc cho trần gian, nhưng ngay cả thứ công bằng này nhiều xã hội cũng chẳng thực hiện được.

Tuy nhiên, dẫu được thực hiện, sự công bằng trần gian vẫn gây nên biết bao nhiêu chênh lệch. Những người có tài năng, có sức khỏe thì luôn luôn làm được nhiều hơn nên được hưởng lương cao hơn những người yếu đuối, kém tài năng, bất chấp những người yếu đuối này có thể có nhu cầu lớn hơn hay nhiều hơn. Vì thế, người có tài có sức thường giàu có, còn người ít tài kém sức thường nghèo khổ. Như thế, nhu cầu của tôi dù có lớn đến đâu, nhưng nếu tôi làm được ít, thì tôi chỉ được hưởng ít, cho dù hưởng ít như thế thì tôi sẽ rất thiếu thốn và đau khổ. Còn nhu cầu của anh dù rất ít, nhưng nếu anh làm được nhiều, thì anh vẫn được hưởng nhiều, cho dù hưởng nhiều như thế anh sẽ dư thừa một cách vô ích. Ðó là điều hợp lý theo lẽ thường của trần gian, và ở trần gian này dường như không thể nào làm khác hơn được.

Còn công bằng theo kiểu có tình thương kia, nếu áp dụng ở trần gian đầy ích kỷ này thì sẽ có cái dở là làm cho nhiều người đâm ra lười biếng: vì có làm chăm thì cũng chỉ được hưởng bằng người lười. Cứ nghĩ như thế thì sẽ chẳng còn ai hứng thú trau giồi tài năng của mình làm gì, vì có tài thì chẳng ích lợi gì cho mình hơn không có tài. Ai cũng có tính ích kỷ, không ai muốn hy sinh một cách vô vị lợi cho ai cả. Ai cũng muốn dùng tài năng hay những lợi thế mình có được để phục vụ mình, để làm lợi cho mình trước đã, không mấy ai muốn ưu tiên cho tha nhân, cho những kẻ hèn kém, yếu thế, dù họ có nhu cầu nhiều hơn mình. Nếu có tài năng mà không đem lại ích lợi cho mình, thì tài năng để làm gì?

Nhưng Nước Trời không phải là nước trần gian, hay ít ra không phải là trần gian như đang có trong hiện tại. Nước Trời được định nghĩa như một xã hội hoàn hảo, trong đó mọi người đều được hạnh phúc. Ðể được hạnh phúc như thế thì mọi người phải yêu thương nhau, và yêu thương một cách cụ thể là phải quên mình đi để lo cho tha nhân như tất cả các thành viên trong một gia đình hạnh phúc vì yêu thương lẫn nhau. Khả năng hay tài năng của mỗi người là để phục vụ tha nhân, để lo cho lợi ích chung, chứ không ai dùng tài năng chỉ để vun quén cho mình.

Một gia đình hạnh phúc - vì mọi người trong nhà đều yêu thương lo lắng cho nhau - là một hình ảnh rất cụ thể và sống động về Nước Trời. Những người lớn, có nhiều khả năng, thì đi làm kiếm tiền nuôi gia đình. Những em nhỏ tuy không đi làm, nhưng vẫn phải ăn, học, và do đó phải tiêu một món tiền không nhỏ. Nếu trong nhà có một người đau yếu, bệnh tật, thì người bệnh này có thể không làm ra được một đồng nào, nhưng lại có thể tiêu một số tiền lớn nhất trong nhà vì tiền thuốc, tiền bác sĩ rất mắc. Trái lại, người làm ra nhiều tiền nhất trong nhà có thể lại tiêu xài tiền ít nhất, vì có ít nhu cầu nhất. Nhưng anh ta vẫn không lấy thế làm bất công, mà cảm thấy như thế là hợp lý. Anh cho rằng số tiền trong gia đình phải được chia tỷ lệ với nhu cầu của mỗi người chứ không phải tỷ lệ với số tiền mà mỗi người kiếm được.

Chỉ những gia đình sống theo tiêu chuẩn hưởng thụ theo nhu cầu mới có hạnh phúc. Còn những gia đình chủ trương theo tiêu chuẩn hưởng thụ theo số tiền mình làm ra thì sẽ phát sinh nhiều đau khổ ê chề.



3.  Bạn thích sống theo thứ công bằng nào?

Trong dụ ngôn người chủ vườn nho trả tiền theo nhu cầu chứ không theo giờ làm thật là hợp lý nếu xét theo lý luận của tình thương, nếu xảy ra trong một môi trường mà mọi người đều yêu thương nhau như trong một gia đình. Những người làm từ sáng sớm hay những người chiều mới vào làm, người nào cũng đều có vợ con phải nuôi, một gánh gia đình phải cưu mang. Người vào làm sau, sở dĩ họ vào làm trễ chỉ vì họ không có may mắn có việc để làm từ sáng sớm, cho dù họ rất muốn có. 

Trong dụ ngôn này, Chúa Giêsu muốn cho thấy một đặc tính của Nước Trời, cũng là lý tưởng của mọi xã hội trần gian, là tình thương. Sự công bằng trong Nước Trời không dựa trên tính vị kỷ của con người, mà dựa trên tình thương phải có đối với nhau. Và sự công bằng dựa trên tình thương ấy mới là sự công bằng đẹp lòng Chúa, sự công bằng mà Chúa muốn làm gương mẫu cho chúng ta trong xã hội.

Ðương nhiên sự công bằng ấy chưa thể áp dụng một cách phổ biến trong một xã hội mà các thành viên còn quá ít tình thương. Nhưng ít ra nó có thể áp dụng và cần phải áp dụng trong các gia đình Kitô hữu, trong các cộng đoàn Kitô giáo, nhất là trong các cộng đoàn cơ bản. Gia đình bạn, cộng đoàn Kitô hữu nhỏ bé của bạn đã nỗ lực trở thành một Nước Trời nho nhỏ chưa? Sự công bằng được áp dụng trong đó là thứ công bằng nào? Công bằng của thế gian hay của Nước Trời?



CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, thế giới này chưa thể áp dụng một cách đại trà thứ công bằng có tình thương theo kiểu Nước Trời được. Nhưng trong những cộng đoàn Kitô hữu nhỏ bé như gia đình Kitô hữu của con, trong cộng đoàn cơ bản của con, trong đó mọi người coi nhau như anh chị em ruột thịt, con sẽ cố gắng cổ võ việc áp dụng sự công bằng ấy, để mọi người trong đó phần nào hưởng nếm trước hạnh phúc của Thiên Ðàng, một thứ hạnh phúc được xây dựng trên tình thương và do tình thương tạo nên. Amen.