CHIA SẺ TIN MỪNG
Chúa Nhật thứ 21 Thường Niên
(23-08-2020)
(23-08-2020)
Hai cách sống đạo:
• Is 22,19-23: (22) Chìa khoá nhà Đa-vít, Ta sẽ đặt trên vai nó. Nó mở ra thì không ai đóng được, nó đóng lại thì không ai mở được. (23) Ta sẽ làm cho nó vững chắc như đinh đóng cột, nó sẽ nên như ngai vinh hiển cho nhà cha nó.
• Rm 11,33-36: (33) Sự giàu có, khôn ngoan và thông suốt của Thiên Chúa sâu thẳm dường nào! Quyết định của Người, ai dò cho thấu! Đường lối của Người, ai theo dõi được!
• TIN MỪNG: Mt 16,13-20
Ông Phêrô tuyên xưng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa
(13) Khi Đức Giêsu đến vùng kế cận thành Xêdarê Philípphê, Người hỏi các môn đệ rằng: «Người ta nói Con Người là ai?» (14) Các ông thưa: «Kẻ thì nói là ông Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Êlia, có người lại cho là ông Giêrêmia hay một trong các vị ngôn sứ». (15) Đức Giêsu lại hỏi: «Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?» (16) Ông Simôn Phêrô thưa: «Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống». (17) Đức Giêsu nói với ông: «Này anh Simôn con ông Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời. (18) Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. (19) Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy». (20) Rồi Người cấm ngặt các môn đệ không được nói cho ai biết Người là Đấng Kitô.
Câu hỏi gợi ý:
1. Khi Phêrô tuyên xưng niềm tin vào Đức Giêsu, ông có thật sự tin ở bên trong, hay chỉ tuyên xưng ngoài miệng mà thôi? Xét lại những tuyên xưng của chúng ta, chúng ta có xác tín đích thực bên trong rồi mới tuyên xưng ra bên ngoài? hay chỉ là tuyên xưng ngoài miệng mà thôi?
2. Câu Đức Giêsu nói với Phêrô cần được hiểu thế nào? Đó có thể là một lời mời gọi mọi Kitô hữu ý thức hãy trở nên đá tảng làm nền móng Giáo Hội không?
Suy tư gợi ý:
1. Phêrô tuyên xưng niềm tin vào Đức Giêsu
Phêrô là một trong ba môn đệ được Đức Giêsu yêu quí nhất –hai người kia là Gioan và Giacôbê– vì ông là một con người thuần thành, chân thật và nhiệt tình, mặc dù có chút ít sốp nổi, bốc đồng. Điều đáng quí nhất là tư tưởng, lời nói và hành động của ông là một, không bất nhất, không mâu thuẫn nhau.
2. Việc tuyên xưng của chúng ta thì sao?
Phêrô cả đời chỉ tuyên xưng và sống hết mình với niềm tin đó, và ông cũng chết vì niềm tin đó. Ông không kết án những ai không tuyên xưng hoặc tuyên xưng khác với mình. Còn chúng ta thì sao?
Có lẽ có nhiều người trong chúng ta tuyên xưng đức tin rất mạnh, rất lớn tiếng, trong những nghi thức rất long trọng, trước mặt rất nhiều người. Và chúng ta sẵn sàng kết án hoặc tỏ ra khó chịu với những ai không tuyên xưng như chúng ta, hoặc tuyên xưng khác với chúng ta. Nhưng cuộc sống của chúng ta thì lại xem ra khá độc lập với việc tuyên xưng ấy. Chúng ta tuyên xưng một đằng, nhưng sống và hành động một đằng khác. Tại sao thế?
– Vì nhờ tuyên xưng mà chúng ta được lên chức, được gia nhập một cộng đoàn, một tổ chức, một hội nào đấy, rất có thể có lợi cho cuộc sống hay sự thăng tiến của chúng ta. Mà tuyên xưng thì rất dễ, chẳng mất một giọt mồ hôi nào, cho dù có tuyên xưng mạnh mẽ, lớn tiếng hay trọng thể đến đâu. Còn sống theo lời tuyên xưng ấy là cả một vấn đề gay go, phải «đổ mồ hôi, xót con mắt», hoặc phải «trầy da tróc vẩy», phải đau đớn, thậm chí phải chết. Vì thế, rất nhiều người tuyên xưng mà không sống lời tuyên xưng ấy.
3. Linh đạo «tuyên xưng» và linh đạo «sống»
Trong đời sống Giáo Hội, việc tuyên xưng ra ngoài miệng đóng vai trò quan trọng. Một số bí tích quan trọng đòi buộc phải có hành vi tuyên xưng như một điều kiện quan trọng không thể thiếu, như rửa tội, truyền chức và hôn phối. Một số nghi thức tôn giáo để gia nhập một cộng đoàn nào đó cũng vậy: khấn dòng, tuyên hứa hay cam kết để gia nhập hội đoàn. Trong thánh lễ, ta tuyên xưng đức tin trong kinh tin kính, trong lời tung hô sau truyền phép. Việc tuyên xưng ấy rất cần thiết, nhưng rất có thể vẫn có nhiều trường hợp người ta tuyên xưng một đằng, mà nghĩ, hành động, hay sống lại một đằng khác. Vì người Kitô hữu chúng ta rất thường xuyên tuyên xưng điều này điều kia, nên đôi khi chúng ta tuyên xưng một cách vô ý thức, rất máy móc, và quên không cố gắng sống cho phù hợp với những tuyên xưng ấy. Vô tình hay hữu ý chúng ta có thể trở thành những kẻ «ngôn hành bất nhất», trái với mệnh lệnh của Đức Giêsu: «Hễ "có" thì phải nói "có", "không" thì phải nói "không". Thêm thắt điều gì là do ác quỷ» (Mt 5,37). Muốn biết chúng ta có phải là loại người như thế hay không, hãy thử xét xem ta sống có khác với những người không tuyên xưng như ta hay không, nếu khác thì khác như thế nào, và ở mức độ nào. Lẽ ra người tuyên xưng và kẻ không tuyên xưng phải sống khác xa nhau lắm!
Đối với con người –vốn không đọc được những suy nghĩ bên trong người khác– thì việc tuyên xưng ra bên ngoài là quan trọng. Nhưng đối với Thiên Chúa, Đấng thấu suốt tâm hồn người ta, thì việc ta sống đúng theo suy nghĩ hay quyết tâm của ta mới là quan trọng. Vì thế, người sống đạo nội tâm không nên đặt quá nặng việc tuyên xưng. Có những người tự hứa hay tự khấn với Thiên Chúa điều gì, chỉ mình và Thiên Chúa biết với nhau, và họ cố gắng giữ thật trọn vẹn lời khấn hứa ấy. Những người này có giá trị rất lớn lao trước mặt Thiên Chúa, hơn rất nhiều những người tuyên khấn thật trọng thể – trước vô số người tham dự, trong đó có cả những nhân vật cao cấp trong Giáo Hội nghe và nhận lời tuyên khấn ấy – nhưng lại không giữ lời tuyên khấn ấy. Thế nhưng lắm người coi việc làm cho thật trọng thể lời tuyên khấn còn quan trọng hơn cả việc sống trung thực lời tuyên khấn ấy. Họ tuyên khấn thật trọng thể chỉ để khuyên người khác giữ, còn chính họ không thèm giữ!
4. Những người xác tín thật sự bên trong rồi mới tuyên xưng ra bên ngoài là những viên đá nền tảng của Giáo Hội
Sau khi Phêrô tuyên xưng đức tin, một đức tin có thật bên trong, một đức tin mà ông sẵn sàng sống chết với nó, thì Đức Giêsu tuyên bố: «Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi» (Mt 16,18-19). Điều đó cho thấy những ai có đức tin mãnh liệt thật sự, và chứng tỏ đức tin ấy bằng cuộc sống, bằng những hành động phù hợp, thì Đức Giêsu muốn những người ấy là đá tảng của Giáo Hội. Quả thật Giáo Hội rất cần những Kitô hữu như thế, cho dù họ là giáo hoàng, giám mục, linh mục, tu sĩ hay giáo dân! Chức vụ hay phẩm trật của họ trong Giáo Hội không phải là chuyện quan trọng cho bằng phẩm chất Kitô hữu của họ! Càng thiếu phẩm chất Kitô hữu mà càng giữ những chức vụ cao trong Giáo Hội, thì càng làm hại Giáo Hội, càng làm Giáo Hội suy yếu, chứ chẳng phải là làm nền tảng cho Giáo Hội đâu! Thật vậy, Giáo Hội đã phải nhiều phen điêu đứng và bị lung lay vì những ông giáo hoàng hay giám mục kém phẩm chất! Những vị này chỉ tuyên xưng đức tin ra bên ngoài để được phong chức, mà không có niềm xác tín đích thực bên trong! Những vị ấy dù có là giáo hoàng cũng không thể là đá tảng của Giáo Hội được!
CẦU NGUYỆN
Lạy Cha, từ trước đến nay, lời Đức Giêsu nói với thánh Phêrô con cứ nghĩ là Ngài chỉ nói với những vị mà Ngài chọn làm giáo hoàng mà thôi. Nhưng nghĩ sâu xa và phổ quát hơn, con nhận ra Ngài nói với tất cả mọi Kitô hữu, Ngài mời gọi họ trở nên đá tảng của Giáo Hội, bằng cách bắt chước Phêrô: thật sự xác tín về Thiên Chúa và Đức Giêsu ở bên trong, rồi sau đó tuyên xưng ra bên ngoài bằng chính đời sống của mình. Xin giúp con biết quảng đại đáp lại lời mời gọi ấy. Amen.
Nguyễn Chính Kết
___________________
No comments:
Post a Comment