Sunday, July 19, 2020

TN17a - Chúng ta là «thánh trong tiềm năng», phải biến tiềm năng ấy thành «thánh trong hiện thực»




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 17 Thường Niên

(26-07-2020)


Chúng ta là «thánh trong tiềm năng», phải biến tiềm năng ấy thành «thánh trong hiện thực»



ĐỌC LỜI CHÚA

  1V 3,5.7-12: (11) Thiên Chúa phán với vua Sa-lômon: «Bởi vì ngươi đã không xin cho được sống lâu, hay được của cải, cũng không xin cho kẻ thù ngươi phải chết, nhưng đã xin cho được tài phân biệt để xét xử, (12) thì này, Ta ban cho ngươi một tâm hồn khôn ngoan minh mẫn, đến nỗi trước ngươi, chẳng ai sánh bằng, và sau ngươi, cũng chẳng ai bì kịp.

  Rm 8,28-30: (30) Những ai Thiên Chúa đã tiền định, thì Người cũng kêu gọi; những ai Người đã kêu gọi, thì Người cũng làm cho nên công chính; những ai Người đã làm cho nên công chính, thì Người cũng cho hưởng phúc vinh quang.


  TIN MỪNG: Mt 13,44-46 [bài ngắn]

Dụ ngôn kho báu và ngọc quý

(44) «Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy.

(45) «Nước Trời lại cũng giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp. (46) Tìm được một viên ngọc quý, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy.




CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1. Có bao giờ bạn ý thức được bản chất của mình chính là một kho tàng vô cùng quí giá mà Thiên Chúa ban cho, vì ta chính là «hình ảnh của Thiên Chúa», là «con cái Thiên Chúa», «được thông phần bản tính Thiên Chúa»  không? 
2. Nếu bản chất ta vốn không phải là thánh, thì ta có thể trở nên thánh được không? Cũng như con nai có thể luyện tập để trở thành sư tử không? 
3. Muốn nên thánh, chúng ta cần thực hiện những điều quan trọng nào?


Suy tư gợi ý:

1.  Mỗi người có một kho tàng quí giá ngay trong bản chất mình

Mỗi người, người nào cũng đều có một kho tàng hết sức quí báu ở ngay bản thân mình mà hầu như chẳng mấy ai biết hay nhận ra. Rất nhiều người đã nghe nói về kho tàng ấy, nhưng họ chẳng để ý, hay chẳng quan tâm, hoặc chẳng tin. Chính vì thế kho tàng trở thành bị dấu kín, không được dùng tới, nên chẳng đem lại lợi ích gì cho người có nó. Người ấy vẫn thiếu thốn thậm chí suốt cả cuộc đời, và luôn luôn phải ăn mày hay ngửa tay xin xỏ người khác bố thí.

Kho tàng ấy chính là «cái mà con người » , nó thuộc về bản chất, ở trong con người, chứ không phải là thứ ở ngoài con người hay «cái mà con người ». Kho tàng ấy được Kinh Thánh mạc khải: Con người là «hình ảnh của Thiên Chúa», được dựng nên «giống Thiên Chúa» (St 1,26.27; 9,6), là «con cái Thiên Chúa» (Lc 20,36; Ga 11,52; Rm 8,14.16.21; Gl 3,26; 1Ga 3,1.2.10), «được thông phần bản tính Thiên Chúa» (2Pr 1,4). Nếu biết suy xét, ta thấy đó đúng là một kho tàng quí báu. Ý thức và xác tín những điều ấy, ta sẽ thấy phẩm giá của chúng ta hết sức cao quí. Phẩm giá ấy cao quí hơn tất cả những gì mà ta có thể có được ở trần gian. Với bản chất cao cả ấy như một chìa khóa, một bí quyết, một nền tảng cần thiết, con người có thể có tất cả, nhất là có hạnh phúc đích thực ở trần gian này, và hạnh phúc vĩnh cửu mà Thiên Chúa dành cho con cái Ngài.



2.  Cần khám phá ra kho tàng ấy

Chúng ta là con cái Thiên Chúa, được tạo dựng nên giống như Ngài. Thế nhưng hiện nay, chúng ta vẫn sống như thể mình không phải là như vậy, thậm chí không hề ý thức hay biết mình là như vậy. Chúng ta sống y hệt con sử nai trong dụ ngôn của Ấn Độ sau đây, cứ tưởng mình là nai, chứ không biết bản chất của mình là sư tử:

«Một con sư tử có thai sắp tới ngày sinh con. Hôm đó nó phải nhảy qua một con suối rộng. Vì quá ráng sức, nên khi nhảy qua được dòng suối, nó liền sinh ra một con sư tử con rồi chết. Sư tử con được một bầy nai đem về nuôi. Sư tử con lớn lên giữa bầy nai và sinh hoạt y như những con nai khác: cũng ăn cỏ, cũng kêu be be. Sư tử con càng ngày càng lớn, nhưng không hề biết bản chất đích thực của mình. Một hôm, một con sư tử khác trông thấy con sư tử nai cũng to như mình, nhưng lại hiền lành ăn cỏ giữa bầy nai, nó bèn chạy tới xem sao. Sư tử nai thấy sư tử thực tới thì cũng sợ hãi chạy bán sống bán chết như những con nai khác. Con sư tử thực bèn bắt cho bằng được con sư tử nai, và chỉ cho nó thấy rằng nó là sư tử chứ không phải nai. Con sư tử nai mới đầu hết sức ngạc nhiên, không thể tin được. Nhưng khi con sư tử thật cho nó nhìn thấy bóng mình dưới mặt hồ trong, tập cho nó ăn thịt uống máu những con thú khác, và tập cho nó gầm lên, bấy giờ nó mới hoàn toàn thấy nó là sư tử. Từ lúc biết chắc chắn mình là sư tử, con sư tử nai bỗng nhiên cảm thấy như sức mạnh, sự oai vệ hùng hổ của một con sư tử đến với mình. Thế là từ đó, nó là sư tử, nó không còn sống cái kiếp nai như trước nữa».

Qua câu chuyện trên, ta thấy: Một con nai thuần túy sẽ mãi mãi là nai, không bao giờ trở thành sư tử được. Con sư tử nai có thể trở thành sư tử thật, vì bản chất của nó vốn là sư tử. Nhưng nếu con sư tử nai cứ tưởng mình là nai, không hề biết bản chất thật của mình là sư tử, nó sẽ mãi mãi là sư tử nai, không thể trở thành sư tử thật được. Nó chỉ trở thành sư tử thật sau khi biết mình là sư tử, đồng thời biết tập luyện để hành xử đúng như một con sư tử thật.

Tương tự, chúng ta không phải là một phàm nhân thuần túy. Một phàm nhân thuần túy không bao giờ trở nên thánh hay nên con cái Thiên Chúa được. Tuy nhiên, chúng ta được Thiên Chúa dựng nên giống Ngài, theo hình ảnh của Ngài, được thông phần bản tính của Ngài, nghĩa là tự bản chất chúng ta đã là thần, là thánh. Nhưng chúng ta mới chỉ là thánh hay thần linh trong tiềm năng, nghĩa là có thể trở nên thánh, chứ chưa phải là thánh trong hiện thực. Nói cách khác, chúng ta chưa sống cho ra thần ra thánh, đúng với bản chất của mình.

Điều tiên quyết để có thể nên thánh, sống như thánh, đó là chúng ta ý thức được bản chất của mình là thánh, là con cái Thiên Chúa, là hình ảnh của Thiên Chúa. Điều thứ hai còn quan trọng hơn nữa là tập sống phù hợp với bản chất thánh ấy.

Nói cách khác, chúng ta cũng giống như một viên bảo ngọc quí giá nhưng chưa được mài dũa, nghĩa là thứ «ngọc còn trong đá», nên vẫn tưởng mình là cục đá tầm thường. Nếu chỉ là cục đá tầm thường, chẳng ai có thể mài dũa nó thành ngọc quí giá được. Bản chất chúng ta vốn là ngọc, nhưng nếu ngọc chẳng được mài dũa, thì đúng là: «Ngọc kia chẳng dũa chẳng mài, cũng thành vô dụng, cũng hoài ngọc đi» (Ca dao). Vậy khi biết mình bản chất là ngọc, ta phải biết tự mài dũa để trở nên ngọc vô giá.

Khám phá hay ý thức bản chất mình là thánh, đó chính là giai đoạn «tìm được kho báu». Bên Phật giáo có từ ngữ rất thích hợp để gọi giai đoạn này là «đốn ngộ» (nhanh chóng giác ngộ được bản chất đích thực của mình). Vấn đề còn lại là «vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy». Nghĩa là dám sống hết mình đúng theo bản chất đích thực của mình. Phật giáo gọi giai đoạn này là «tiệm tu» (từ từ tu tập để sống «xứng tánh», nghĩa là sống xứng với bản chất đích thực của mình).



3.  Hãy sử dụng kho tàng ấy để làm cuộc đời mình tươi đẹp   

Theo bài Tin Mừng, Nước Trời giống như người tìm được kho báu trong ruộng, bèn «vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy». Nay chúng ta biết chính bản thân mình là ruộng ấy, nó chứa một kho tàng hết sức quí báu là «bản tính Thiên Chúa». Bản tính ấy hay kho báu ấy vẫn còn chôn sâu trong lòng chúng ta, chúng ta cần đem hết sức lực để thể hiện nó ra trong đời sống của mình. Nếu người lái buôn kia phải «bán tất cả những gì mình có» mới mua được ruộng ấy, thì công việc thể hiện bản chất thánh của chúng ta cũng đòi hỏi chúng ta phải đem hết sức bình sinh của mình ra mới thực hiện được. Nghĩa là chúng ta phải dành tất cả mọi sự ta có để thực hiện công việc trọng đại này, không được tiếc hay để lại bất kỳ sự gì mà không dùng vào việc ấy.

Lý tưởng của mọi Kitô hữu là nên thánh, nên giống Thiên Chúa, như Đức Giêsu đã khuyến khích ta: «Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện» (Mt 5,48). Muốn thực hiện được lý tưởng đó, điều tiên quyết là ta phải ý thức bản chất của mình là hình ảnh của Thiên Chúa, được tạo dựng giống như Thiên Chúa, và đã mang trong mình bản chất của Ngài. Chính vì thế, chúng ta mới có khả năng trở nên hoàn thiện giống như Ngài. Ý thức này chính là hạt giống, là «nhân» giúp ta đạt được «quả» là sự hoàn hảo hay thánh thiện. Không ý thức như thế, mọi cố gắng của ta trở nên khó thành tựu, giống như muốn làm một viên ngọc mà lại dùng dùng gạch để mài. Hay muốn nấu cơm mà không dùng gạo, dù có vo gạo, đốt củi, làm đủ thứ cũng không thành cơm. 

Ý thức bản chất mình là thánh, là con cái Thiên Chúa là điều tối cần thiết để nên thánh, nhưng chỉ thế mà thôi, thì không đủ. Điều quan trọng kế tiếp là phải dốc toàn tâm lực để sống cho đúng bản chất thánh của chúng ta. Điều này nằm trong khả năng của chúng ta, cũng như con sư tử nai chỉ cần thực tập một thời gian là có thể trở thành sư tử thật. Đức Giêsu chính là gương mẫu nên thánh của chúng ta. Ngài đang mời gọi chúng ta nên thánh đấy! 

Nếu chúng ta không có tiềm năng nên thánh, thì Đức Giêsu đã không mời gọi chúng ta nên thánh như thế. Chúng ta cần biến tiềm năng ấy thành hiện thực. Chúng ta là ngọc trong đá chứ không phải là đá thường, chúng ta chưa phải là ngọc, nhưng chúng ta có khả năng hay tiềm năng trở thành ngọc, điều quan trọng để trở thành ngọc, là đá ấy phải được mài dũa.




CẦU NGUYỆN

Tôi nghe tiếng Chúa nói với tôi: «Cha mời gọi con nên hoàn thiện như Cha. Nếu Cha không tạo dựng nên con giống như Cha, theo hình ảnh của Cha, con sẽ không bao giờ nên hoàn thiện như Cha được, và lời mời gọi của Cha là cả một phi lý lớn lao, không thể thực hiện được. Nhưng Cha đã tạo dựng con giống như Cha. Tuy con chưa hoàn thiện, nhưng cái mầm hoàn thiện Cha đã đặt sẵn ở trong lòng con như một kho tàng ẩn dấu. Con phải khám phá, khai quật nó lên, và sử dụng nó vào công việc trọng đại nhất đời con: nên hoàn hảo như Cha. Hãy cố gắng lên, Cha luôn luôn ban sức mạnh cho con. Việc nên thánh của con, Cha đã làm tới 99%, con chỉ cần làm có 1%. Nhưng không có 1% của con là không được. Vì trong mọi công việc của con, Cha luôn luôn tôn trọng tự do và sự góp phần của con».

Nguyễn Chính Kết



Bấm vào đây để trở về bài chia sẻ/để đọc bài đào sâu: 
Điều chính yếu nhất là từ bỏ chính mình
(https://chiasethanhuu.blogspot.com/2020/07/tn17b.html)


No comments:

Post a Comment