CHIA SẺ TIN MỪNG
Chúa Nhật thứ 18 Thường Niên
(02-08-2020)
Bài đào sâu
(02-08-2020)
Bài đào sâu
• TIN MỪNG: Mt 14,13-21
Câu hỏi gợi ý:
1. Khi ta đang cần nghỉ ngơi, cần cầu nguyện, mà có ai đó cần đến ta, ta sẽ hành xử thế nào?
2. Đức Giêsu yêu cầu chính các tông đồ phải lo cho dân chúng ăn, điều đó có ý nghĩa gì?
3. Tại sao Ngài không làm phép lạ hóa bánh và cá từ không ra có, mà lại phải biến bánh và cá do các môn đệ kiếm được từ ít ra nhiều?
4. Trong công việc của Chúa, phần cộng tác của ta quả thật quá nhỏ bé, mọi việc chủ yếu là nhờ Chúa, do Chúa. Nhưng nếu không có phần cộng tác của ta, của con người, thì việc của Ngài ở trần gian có thành tựu không?
Suy tư gợi ý:
1. Dù mệt nhọc, cần nghỉ ngơi, Đức Giêsu vẫn đón tiếp dân chúng
Sau khi nghe tin Gioan Tẩy Giả bị vua Hêrốt chém đầu (xem Mt 14,3-12), chắc chắn Đức Giêsu hết sức xúc động, ngậm ngùi thương tiếc người đã từng nhiệt thành làm tiền hô cho mình. Đoạn Tin Mừng cho biết lúc ấy Ngài «đi thuyền đến một chỗ hoang vắng riêng biệt» (Mt 14,13), vì Ngài có nhu cầu ở một mình để tưởng niệm Gioan Tẩy Giả vừa bị giết, đồng thời để nghỉ ngơi, suy niệm và cầu nguyện. Nhưng không ngờ dân chúng lại tìm đến Ngài rất đông. Tin Mừng cho biết: «Trông thấy đoàn người đông đảo thì Ngài chạnh lòng thương» (Mt 14,13). «Chạnh lòng thương» là phản ứng của người có lòng trắc ẩn, hay thương xót, thông cảm với những nhu cầu, với những hoàn cảnh éo le, đau khổ của tha nhân. Vì thế, mặc dù chính Ngài đang cần nghỉ ngơi, cần ở một mình, nhưng Ngài đã quên nhu cầu của mình mà chỉ nghĩ đến nhu cầu của dân chúng. Ngài đã đón tiếp họ và «chữa lành các bệnh nhân của họ» (Mt 14,14b).
Trong cuộc sống đời thường, ta cũng gặp rất nhiều trường hợp tương tự như Ngài: đang khi cần yên tĩnh nghỉ ngơi sau cả một ngày làm việc mệt nhọc, hoặc khi đang nghỉ ngơi thì có người gọi điện thoại hoặc đến tận nhà nhờ vả ta một điều gì cần thiết. Lúc đó ta phản ứng thế nào?
Có thể ta nghĩ rằng: «Mình phải nghỉ ngơi cái đã, vì có nghỉ ngơi thì mới làm việc được. Vả lại mình còn biết bao việc khác phải làm nữa. Phải yêu cầu người ta chờ mình nghỉ ngơi đã!» Hay ta nghĩ rằng: «Người ta cần mình ngay bây giờ nên mới đến vào giờ này. Nếu không giúp họ giờ này thì có thể không còn cơ hội nào giúp họ nữa và công việc của họ sẽ bị lỡ. Thôi mình ráng hy sinh cho họ một chút, mình có thể nghỉ ngơi bù vào lúc khác cũng được mà!»?
Phải công nhận nghĩ và làm được như thế là việc rất khó, đòi hỏi nhiều tình yêu và lòng bao dung. Trong quá khứ, một vài lần vì mệt mỏi sau cả ngày làm việc, tôi đã từ chối giúp đỡ một vài người, nay tôi rất hối hận và tự hỏi: không biết người ta bị kẹt đến thế nào khi mình không giúp họ, và họ buồn thế nào vì việc ấy? Tôi thấy mình đã không giống Đức Giêsu Thầy của mình bao nhiêu, vì mình ít tình yêu quá! Tình yêu mình không đủ mạnh để có thể ráng hy sinh cho tha nhân khi họ cần, dẫu mình đã mệt!
2. Người tông đồ phải có tình thương trong lòng trước đã
Ở những vùng dân chúng rất nghèo –như những vùng truyền giáo cho các dân tộc thiểu số– giáo dân phải đi thật xa hàng mấy chục cây số mới đến được nhà thờ để dâng thánh lễ và học hỏi giáo lý. Nhiều vị chủ chăn đã lo cho họ ăn uống cả hàng trăm người trước khi họ ra về (khi thì cơm, khi bánh mì, khi thì mì ăn liền…). Để thực hiện việc này, tháng nào vị linh mục cũng phải đi hàng chục hay hàng trăm cây số đến gõ cửa những nhà hảo tâm quen biết hoặc được giới thiệu để «ăn mày» dùm cho họ. Thật là một hình ảnh rất đẹp về người chủ chăn! Các vị đã thực hiện lời Đức Giêsu: «Họ không cần phải đi đâu cả, chính anh em hãy cho họ ăn» (Mt 14,16).
Khi nói câu ấy, Đức Giêsu muốn gây ý thức nơi các tông đồ về tình yêu thương, sự quan tâm mà một mục tử phải có đối với dân chúng. Mặc dù mục đích của người tông đồ là loan báo Tin Mừng chứ không phải là lo chuyện vật chất cho dân chúng. Nhưng khi ta biết dân chúng có nhu cầu nào đó, ta nên thể hiện tình yêu thương của ta đối với họ bằng cách giúp họ nhu cầu ấy. Dân chúng có yêu thương mình, lời mình rao giảng mới thấm vào lòng họ. Dân chúng có cảm thấy mình yêu thương họ, họ mới hứng khởi thực hiện những điều mình dạy dỗ. Dân chúng bị hấp dẫn đến với Đức Giêsu không chỉ vì Ngài dạy dỗ họ những điều hay lẽ phải cho bằng vì họ cảm thấy Ngài yêu thương họ, vì Ngài quan tâm săn sóc họ, vì Ngài chữa bệnh cho họ, giúp họ giải quyết những khó khăn trong đời sống họ…
Kitô giáo là đạo của tình thương, lấy tình yêu thương làm bản chất của đạo (x. Ga 13,34-35), nên những người rao giảng đạo này phải là người có dồi dào tình thương hơn mọi người, và tình yêu thương ấy phải được chứng tỏ bằng hành động. Truyền đạo không phải chỉ là cung cấp cho người ta có một số kiến thức về Thiên Chúa, về Đức Giêsu hay về Lời của Ngài, mà là làm cho họ trở thành môn đệ Ngài, theo Chúa, và sống giới luật yêu thương của Ngài. Chính mình không sống tinh thần yêu thương này, làm sao mình có thể truyền tinh thần yêu thương này cho người khác được?
3. Hãy chủ động phần việc của mình trước đã…
Khi yêu cầu các môn đệ hãy tự mình lo cho họ ăn, Đức Giêsu đã thừa biết khả năng hạn hẹp của các ông, và Ngài cũng đã biết mình phải làm gì. Với quyền năng của Ngài, Ngài có thể biến không khí thành bánh và cá nuôi đám dân chúng, không cần đến 5 chiếc bánh và 2 con cá mà các ông tìm được trong dân chúng. Nhưng Ngài không muốn đơn phương làm như vậy, Ngài muốn có sự góp phần của mọi người. Trước tiên, Ngài muốn chính các tông đồ phải có tình thương, có ý thức trách nhiệm đối với dân chúng và thật sự muốn lo cho họ. Ngài nói: «Chính anh em hãy cho họ ăn» ().
Các tông đồ quả có nhận ra nhu cầu của dân chúng, nhưng tình yêu của các ông đối với dân chúng chưa mạnh đủ để có thể lóe lên sáng kiến hay thúc đẩy các ông tìm cách nào nuôi dân chúng. Vì thế, ngay từ đầu các ông đã nghĩ mình bất lực không thể giúp gì họ được, và các ông đề nghị giải tán dân chúng. Nếu các ông có nhiều tình yêu hơn, các ông sẽ nghĩ ra được mình nên làm gì. Chẳng hạn các ông có thể nói với Đức Giêsu: «Bây giờ chúng ta phải lo cho họ ăn, chúng con chưa biết làm cách nào, nhưng chúng con biết Thầy có cách». Nói như thế, các ông vừa tỏ ra tình yêu và ý thức trách nhiệm của mình, vừa tỏ ra tin tưởng vào quyền năng của Thầy mình.
Trong cuộc đời, rất nhiều khi có những việc nào đó ta nên làm hay phải làm nhưng không làm được chỉ vì ta không đủ tình yêu, không đủ nhiệt thành và lòng hăng say. Thiếu yếu tố quan trọng này, ta thường bi quan yếm thế cho rằng mình không thể thực hiện được. Trong một trận chiến, chưa xuất quân mà ta đã nghĩ rằng mình sẽ thua thì quả thật ta đã thua ngay từ đầu ngay trong tư tưởng của mình rồi. Nguyễn Bá học nói: «Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông». Nhiều việc tốt ta không làm được, không phải vì nó khó hay vì nó không thể làm được, mà vì ta không đủ tình yêu để làm, vì ta đã đầu hàng nó ngay từ trong tư tưởng của ta.
Người Kitô hữu không nên sợ mình không làm được, vì ta luôn luôn có một sức mạnh ở ngay trong bản thân mình, đó là quyền năng của Thiên Chúa. Nếu ta tin tưởng vào quyền năng của Ngài, ta sẽ làm được nhiều việc mà mọi người đều nghĩ rằng ta không thể. Vì «không có sự gì mà Thiên Chúa không làm được» (Lc 1,37). Vì «tôi có thể làm được tất cả nhờ quyền năng của Đấng ban sức mạnh cho tôi» (Pl 4,13). Vì «nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì (…) sẽ chẳng có gì mà anh em không làm được» (Mt 17,20). Tại sao có những vị thánh đã làm được rất nhiều phép lạ? Chính vì các ngài có rất nhiều tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân, và vì các ngài tin tưởng vững chắc vào quyền năng của Thiên Chúa, Đấng luôn hỗ trợ cho mình. Tình yêu thúc đẩy các ngài hành động, và lòng tin tưởng vào quyền năng Thiên Chúa khiến hành động của các ngài đi đến thành công.
Người đời vẫn nói: «Mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên». Qua bài Tin Mừng về Đức Giêsu hóa bánh ra nhiều này, ta thấy Ngài muốn các tông đồ, tức con người, phải mưu sự trước, và Ngài chỉ là người giúp cho mưu sự ấy thành công. Các nhà tu đức vẫn nói: «nỗ lực rồi cậy trông», nghĩa là chúng ta phải chủ động nỗ lực trước đã, dù nỗ lực ấy chỉ là yếu tố rất nhỏ (chỉ 1%) để thành tựu và phần chủ yếu (có đến 99%) là do Ngài, nhưng nếu không có phần nỗ lực rất nhỏ khởi đầu của ta thì không có sự việc gì thành tựu. Thánh ý Ngài là muốn có phần chủ động cộng tác của ta. Cho dù ngay cả việc chủ động của ta cũng do Thánh Thần Ngài thúc đẩy, vẫn phải luôn có phần của ta, vì nếu thiếu nó, Thiên Chúa cũng không còn muốn làm phần của Ngài nữa!
CẦU NGUYỆN
Lạy Cha, Cha luôn muốn phát triển tình yêu thương trong lòng con người. Cha muốn mọi điều tốt được thực hiện trên đời này là do sáng kiến của con người, bắt nguồn từ tình yêu thương của họ. Cha rất sung sướng được cộng tác với những công việc tốt đẹp mà chính họ sáng kiến và quyết tâm thực hiện, cho dù sự thành tựu là do Cha tới 99%. Nhưng Cha vẫn muốn phải có 1% công lao của con người, mà thiếu nó thì chính Cha cũng không muốn thực hiện 99% còn lại kia. Xin Cha giúp con ý thức điều đó, để con tập sáng kiến và chủ động trong những việc tốt lành mà với sự cộng tác của Cha, con có thể làm được cho tha nhân, cho thế giới.
Nguyễn Chính Kết
Bấm vào đây để trở về bài chia sẻ:
Không làm được điều thiện, có thể vì mình chưa đủ yêu thương (https://chiasethanhuu.blogspot.com/2020/07/tn18a.html).
Bấm vào đây để trở về bài chia sẻ:
Không làm được điều thiện, có thể vì mình chưa đủ yêu thương (https://chiasethanhuu.blogspot.com/2020/07/tn18a.html).