Friday, June 19, 2020

TN13b ‒ Để theo Chúa, phải ưu tiên chọn Ngài hơn tất cả

CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 13 Thường Niên

(28-06-2020)

Bài đào sâu

Để theo Chúa,
phải ưu tiên chọn Ngài hơn tất cả


  TIN MỪNG: Mt 10,37-42

Từ bỏ mình để theo Đức Giêsu

Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy



Câu hỏi gợi ý:
1.   Một người từ bỏ mọi sự –những người thân yêu, tương lai sự nghiệp, của cải ruộng vườn– để theo Chúa, có phải người ấy coi rẻ những thực tại ấy không? Chúa có muốn ta khinh chê hay trân trọng những thực tại trần gian? 
2.   Chúa nói: «Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy» (Ga 10,37). Phải chăng Ngài không muốn ta yêu thương cha mẹ ta? Như thế có bất hiếu không? 
3.   Trong thực tế đời thường, ưu tiên chọn lựa Thiên Chúa cụ thể là gì? 
4.   Giữa Thiên Chúa và nhân loại, Thiên Chúa và Giáo Hội, Thiên Chúa và tổ quốc, Thiên Chúa và những việc tốt đẹp ta đang làm cho Ngài, ta phải ưu tiên chọn ai? Bạn đã khi nào phải chọn lựa giữa Thiên Chúa và những đối tượng đặc biệt đó chưa? Bạn đã chọn lựa thế nào?


Suy tư gợi ý:

1.  Chỉ khi chọn lựa, ta mới chứng tỏ mình quý cái nào hơn

Bình thường, tất cả mọi của cải, đồ đạc trong nhà, ta đều quý, đều coi là có ít nhiều giá trị khiến ta muốn giữ lại. Nếu bị mất, dù chỉ một cây kim, một cây viết, ta đều tiếc xót không nhiều thì ít, tùy theo giá trị của nó lớn hay nhỏ. Dù không khinh chê vật gì, nhưng khi cần phải bỏ nhà để di tản chẳng hạn, ta chỉ đem theo những gì cần thiết nhất, giá trị nhất, và bỏ lại tất cả những thứ khác. Những thứ phải bỏ lại ấy không phải là không có giá trị. Nhưng ta bắt buộc phải bỏ chúng lại vì không mang theo được.

Có những trường hợp thật ngặt nghèo buộc ta phải chọn lựa giữa hai thứ mà ta yêu hoặc quý nhất trên đời. Chẳng hạn giữa cha và mẹ, giữa vợ (hoặc chồng) và con, giữa đứa con này với đứa con kia, v.v… Cả hai đều vô cùng quý giá đối với ta. Nhưng nếu ta chỉ có thể chọn một, nghĩa là chọn cái này thì phải bỏ cái kia, thì từ bỏ bất kỳ cái nào trong hai cũng đều làm ta đau đớn, xót xa, đều tạo cho ta vết thương lòng… Chỉ khi thực tế phải chọn lựa như vậy, ta mới chứng tỏ ta quý cái nào hơn cái nào, coi cái nào quan trọng hơn cái nào. Nếu không, chẳng ai biết được giữa hai người hai vật mà ta đều yêu quý, ta quý người nào vật nào hơn.



2.  Người theo Chúa, phải ưu tiên chọn Ngài hơn tất cả

Đối với với những ai thật sự muốn theo Đức Giêsu, Ngài đều đặt họ vào một chọn lựa giữa Ngài với những đối tượng mà họ yêu quý, trân trọng nhất trên đời. Chỉ khi ta sẵn sàng chọn Ngài và sẵn sàng chấp nhận mất hay từ bỏ đối tượng ta vô cùng yêu quý kia, thì ta mới thật sự xứng danh theo Ngài. Thật vậy, Ngài đòi hỏi ta phải quý Ngài hơn bất kỳ người nào, vật nào, cho dù ta có quý mến hay gắn bó người hay vật ấy tới đâu. 

Ngài nói: «Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy» (Mt 10,37-38). Vì Ngài chính là kho báu hay viên ngọc quý mà Ngài nói đến trong dụ ngôn Mt 13,44-46: phải sẵn sàng bán hết tất cả mọi thứ mình có, thậm chí tới đồng xu cuối cùng, mới có thể mua được kho báu hay viên ngọc ấy. «Sẵn sàng» ở đây là một thái độ tâm linh mà Ngài đòi hỏi tuyệt đối phải có; chứ trong thực tế, chẳng mấy khi Ngài bắt ta phải thật sự «bán hết» tất cả rồi mới đạt được Ngài. Thật vậy, khi ta đã có được thái độ sẵn sàng tuyệt đối ấy, lắm khi Ngài còn cho ta thêm gấp bội những gì ta đã có nữa: «Chẳng ai bỏ nhà cửa, anh chị em, cha mẹ, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau» (Mc 10,29-30).

Câu Mt 10,37-38 vừa nêu – «Ai yêu cha mẹ hơn Thầy…» – không có nghĩa là Ngài bảo ta không được yêu thương quý mến cha mẹ, con cái mình. Trái lại, qua giới răn của Ngài, ta thấy Ngài đòi hỏi ta phải yêu thương, trước hết là những người thân thuộc, rồi đến người ngoài, và thậm chí cả kẻ thù nữa. Để chứng tỏ ta đích thực yêu thương họ, Ngài muốn ta phải thật sự quên mình, sẵn sàng hy sinh cho họ. Ngài chỉ yêu cầu ta –những kẻ muốn thật sự theo Ngàiphải đặt Ngài lên trên tất cả những gì ta yêu quý nhất trên đời. Và nếu có yêu thương quý mến ai, thì đều phải vì Ngài mà yêu thương, vì nhận ra họ là hình ảnh hay hiện thân của Ngài.

Trong thực tế đời thường, ưu tiên chọn lựa Thiên Chúa là coi việc thực hiện thánh ý của Ngài quan trọng hơn làm theo ý riêng mình hoặc ý muốn hay lệnh truyền của bất kỳ ai khác, dù người ấy là cha mẹ, bề trên, vua chúa, chính quyền hay giáo quyền. Mà thánh ý Ngài chính là mọi người biết yêu thương và hy sinh cho nhau (x. Ga 13,34-35;15,12.17)

●  Thánh ý Ngài cũng được phản ảnh qua tiếng lương tâm của ta khi lương tâm ấy được xây dựng trên nền tảng đức ái.

●  Ngoài ra thánh ý Ngài còn được biểu lộ qua lệnh truyền của cha mẹ, bề trên, vua Chúa, chính quyền, giáo quyền khi lệnh truyền này không phản lại tinh thần yêu thương của Ngài.

●  Thánh ý Ngài cũng đòi hỏi ta hy sinh lợi ích cá nhân cho lợi ích chính đáng của tập thể, hoặc hy sinh lợi ích của tập thể nhỏ (chẳng hạn gia đình mình) cho lợi ích chính đáng của tập thể lớn (chẳng hạn xã hội, tổ quốc mình).



3.  Những trường hợp chọn lựa đặc biệt

Trong đa số hay trong hầu hết các trường hợp, quan niệm hay lệnh truyền của cha mẹ, bề trên, vua chúa, chính quyền, giáo quyền thường được coi là phù hợp với quan niệm hay lệnh truyền của Thiên Chúa. Vì thế, ta phải vâng theo lời chỉ dạy và lệnh truyền của những người trên ấy, nhất là khi ta chưa xác định được quan niệm và ý muốn của Thiên Chúa thế nào. Tuy nhiên không phải quan niệm và ý muốn của họ luôn luôn phù hợp với quan niệm và ý muốn của Thiên Chúa. Khi ta biết rõ quan niệm hay lệnh truyền của những bậc bề trên ấy không phù hợp với quan niệm hay lệnh truyền của Thiên Chúa, thì ta «phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm» (Cv 5,29). Vâng lời các bậc bề trên trong trường hợp này không phải là đức vâng lời, nghĩa là không đẹp lòng Thiên Chúa.

Nếu không gặp những trường hợp ngặt nghèo khiến ta phải chọn lựa giữa Thiên Chúa và những gì ta yêu quý nhất, thì ta không biết được ta yêu mến Thiên Chúa đến mức nào, vì trên nguyên tắc, ta vẫn chủ trương phải yêu quý Ngài hơn hết mọi sự. Và ta tưởng mình thật sự yêu Ngài như vậy. Nhưng khi phải chọn lựa giữa Ngài với một người hay một vật nào đó mà ta yêu quý, ta mới thấy mình không yêu mến Thiên Chúa như mình tưởng. Rất có thể trong những trường hợp cụ thể nào đó, đối tượng ưu tiên ta chọn không phải là Thiên Chúa (hay Đức Giêsu), mà là một nhân vật, một tập thể, hay một thực tại nào đó. Có những trường hợp đặc biệt mà ta phải chọn một trong hai, như:

●  Giữa Thiên Chúa và người mình yêu thương nhất trên đời: Chẳng hạn có người được Chúa mời gọi hiến dâng trọn cuộc đời mình cho Chúa để làm tông đồ chuyên nghiệp cho Ngài, nhưng cha mẹ họ thì lại muốn họ lập gia đình để nối dõi tông đường, hay gia đình họ chỉ muốn họ dành trọn tình yêu, thì giờ, sức lực cho gia đình. Hoặc như đôi nam nữ kia yêu thương nhau thật chân thành và tha thiết, nhưng một người cảm thấy tiếng Chúa mời gọi hiến dâng cuộc đời mình cho Ngài, đang khi người mình yêu chỉ muốn mình dành cả cuộc đời mình cho họ.

●  Giữa Thiên Chúa và sự nghiệp: Một thanh niên có tương lai thật tươi sáng, có thể tạo lập được một sự nghiệp lớn lao. Nhưng chàng lại nghe thấy tiếng Chúa kêu gọi mình dấn thân phục vụ người nghèo, người bị áp bức, tranh đấu cho công lý trong một xã hội đầy bất công. Từ bỏ sự nghiệp để nghe theo tiếng Chúa trong trường hợp này là cả một hy sinh.

●  Giữa Thiên Chúa và tổ quốc: Một người đang sống trong một đất nước có tham vọng chinh phục những nước chung quanh. Điều này nhiều khi buộc người dân phải hành động thất đức đối với những người thuộc các nước chung quanh. Nhiều người nhận ra làm như thế là đi ngược lại tinh thần yêu thương đồng loại của Thiên Chúa. Nhưng nếu mình không chấp hành lệnh của đất nước thì không khỏi gặp phiền nhiễu, bị tẩy chay, chụp mũ…

●  Giữa Thiên Chúa và Giáo Hội: Trong những trường hợp bình thường, Thiên Chúa và Giáo Hội được đồng hóa với nhau: làm theo ý Giáo Hội cũng chính là làm theo ý Thiên Chúa. Nhưng không phải là luôn luôn như vậy

Những người có ơn gọi làm ngôn sứ đôi khi nhờ Thánh Thần soi sáng, có thể nhận ra rõ rệt Giáo Hội đang theo một quan niệm hay một con đường chưa đúng như đã từng xảy ra trong lịch sử. Tiếng Chúa thúc giục trong lòng họ phải làm một điều gì đó để giúp Giáo Hội đi đúng ý Thiên Chúa hơn

Nhưng lên tiếng theo như đòi hỏi của lương tâm mình thường rất dễ bị chụp mũ là chống phá Giáo Hội, có thể bị giáo quyền kết án, «dứt phép thông công», bị đồng đạo tẩy chay, xa lánh, mất đi những quyền lợi tinh thần hay vật chất mà mình đang được hưởng từ Giáo Hội… Như trường hợp thầy dòng Galilê, nữ thánh Jeanne d’Arc, và cách đây mấy thập niên là hai nhà thần học Karl Rahner và Yves Congar, v.v… Chính Đức Giêsu cũng bị giáo quyền thời ấy chụp mũ, bách hại và giết chết.

Nếu cứ «mũ ni che tai, ai sai mặc kệ» thì cuộc đời sẽ thật an toàn và thuận lợi, còn làm theo lương tâm thì thật nguy hiểm và cuộc đời có thể sẽ gặp nhiều bất trắc. Vậy thì phải chọn lựa theo ai? Các ngôn sứ đều bị đồng đạo mình bách hại (x. Mt 5,12), «ném đá» (x. Mt 23,27) khi còn sống. Chờ đến lúc đồng đạo mình hiểu mình, nhận ra mình hoàn toàn đúng, thì mình đã hóa ra người thiên cổ (x. Mt 23,29-31). Số phận các ngôn sứ đích thực hầu hết đều như vậy. Trong những trường hợp này, có rất nhiều người lựa chọn: thà làm người của Giáo Hội thì có lợi cho mình hơn là làm người của Thiên Chúa, của sự thật, của công lý. Làm ngôn sứ đích thực quả thật không dễ!




CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, nếu con không ưu tiên chọn Cha hay Đức Giêsu mà chọn một đối tượng nào khác, thì suy cho cùng, hóa ra con chỉ lựa chọn chính con, vì những lợi ích trần tục nào đó của con. Nhưng Đức Giêsu cho biết: «Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được» (Mt 10,39). Nghĩa là kết cuộc kẻ chọn chính mình, vì lợi ích của mình, lại là kẻ mất mát và thiệt thòi nhiều nhất. Xin cho con biết khôn ngoan và can đảm dám coi nhẹ chính bản thân và lợi ích của con để luôn luôn dành mọi ưu tiên cho Cha hay Đức Giêsu. Amen.


No comments:

Post a Comment