CHIA SẺ TIN MỪNG
Chúa Nhật thứ 6 Phục Sinh
(17-05-2020)
Bài đào sâu
(17-05-2020)
Bài đào sâu
Dù đã lên trời, nhưng Đức Giêsu vẫn ở với chúng ta
• TIN MỪNG: Ga 14,15-21
Câu hỏi gợi ý:
1. Đấng Bảo Trợ mà Đức Giêsu hứa sẽ đến sau khi Ngài về trời là ai? Có phải là một ai đó khác với Ngài không? Hay vẫn là chính Ngài nhưng trong một cách hiện hữu khác?
2. Bạn hiểu những câu sau đây của Đức Giêsu thế nào: «Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế» (Mt 28,20); «Thầy sẽ không để anh em mồ côi. Thầy đến cùng anh em» (Ga 14,18); «Anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em» (Ga 14,20)?
3. Bạn có thật sự tin và hành động đúng như mình tin về sự hiện diện của Đức Giêsu ở trong bạn không? Bạn có cảm nghiệm được sự hiện diện ấy không?
Suy tư gợi ý:
1. Đấng Bảo Trợ mà Đức Giêsu hứa
Đã đến lúc Đức Giêsu phải từ giã các môn đệ để về với Chúa Cha, vì sứ mạng hiện diện cách hữu hình ở trần gian của Ngài đã hết. Ngài ra đi thì lợi cho các môn đệ và con người hơn ở lại. Ngài nói: «Thầy ra đi thì có lợi cho anh em. Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em» (Ga 16,7). Thật vậy, nếu Đức Giêsu ở lại trần gian cách hữu hình, thì sự hiện diện của Ngài sẽ chẳng khác gì sự hiện diện của một vị giáo hoàng hay một vị vua ở tận đâu đâu, nên số người gặp được Ngài chỉ là một tỷ lệ vô cùng nhỏ so với cả nhân loại. Như thế, Ngài không thể trực tiếp tiếp xúc với mọi người và từng người để phục vụ, cứu giúp, ban ơn, thêm sự sống và sức mạnh cho họ.
Vì thế, để mỗi người có thể tiếp xúc với Ngài dễ dàng và nhanh chóng, trong bao lâu và thường xuyên tới đâu cũng được, Ngài đã quyết định ở lại với con người một cách vô hình, bằng Thần Khí của Ngài là Thánh Thần, ở ngay trong tâm hồn mỗi người. Bằng cách này, Ngài tuy vô hình nhưng luôn thật sự hiện diện cách sống động trong tâm hồn mỗi người. Và ai cũng có thể gặp được Ngài trong bất kỳ hoàn cảnh nào, bất kỳ ở đâu, vào giờ nào. Đúng như Ngài nói: «Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế» (Mt 28,20).
Đấng Bảo Trợ mà Ngài hứa sẽ đến chính là Thánh Thần. Và Thánh Thần chính là sự sống, là sự hiện diện vô hình của Thiên Chúa, của Đức Giêsu trong tâm hồn mỗi người. Chỉ cần ý thức Ngài đang hiện diện tuy vô hình nhưng thật sự trong bản thân ta, là ta có thể nói với Ngài bất kỳ điều gì. Và nếu ta lắng nghe Ngài, ta cũng sẽ thấy Ngài nói với ta. Thông thường, khi cầu nguyện, ta chỉ nói chứ không mấy khi lắng nghe, chỉ quan tâm xin xỏ chứ không hề quan tâm đến những gì Ngài muốn ta thực hiện để điều ta xin hoặc mong muốn thành tựu.
Đúng ra, điều tối quan trọng trong đời sống tâm linh là ta phải tập lắng nghe tiếng Ngài nói trong tâm hồn. Chúng ta chỉ có thể cầu nguyện đích thực khi chúng ta biết lắng nghe Ngài nói. Nếu không, cầu nguyện chỉ là độc thoại, thường không đem lại hiệu quả tâm linh bao nhiêu. Vì tất cả những gì ta nói thì Ngài đã biết, thậm chí trước khi ta có ý tưởng để nói. Vậy ta cần nghe Ngài nói hơn là nói với Ngài, và cần hơn rất nhiều.
2. Đừng tìm Thánh Thần hay Thiên Chúa ở bên ngoài ta
Đức Giêsu giới thiệu về Đấng Bảo Trợ: «Đó là Thần Khí sự thật, Đấng mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Người» (Ga 14,17). Vì là «Thần Khí sự thật», nên muốn thờ phượng và tiếp xúc với Ngài, phải thờ phượng và tiếp xúc «trong thần khí và sự thật» (Ga 4,24), nghĩa là chủ yếu bằng tâm linh bên trong, chứ không phải chỉ bằng hình thức bên ngoài. Những gì xuất phát từ bên trong, vì dồi dào mới tràn ra thành hình thức bên ngoài, thì đó mới chính là sự thật. Nếu một điều gì không có ở bên trong mà vẫn có hình thức bên ngoài, hoặc hình thức bên ngoài không phù hợp với những gì có bên trong, thì đó là giả dối. Một người thờ phượng Thiên Chúa trong giả dối sẽ chẳng nhận được sức mạnh đích thực từ nơi ngài.
Khi chúng ta quá đặt nặng hình thức bên ngoài thì điều đó chứng tỏ ta thiếu cái cốt yếu bên trong. Nghĩa là ta không nhận ra và đón nhận được «Thần Khí sự thật», vì cũng như thế gian, ta «không thấy và cũng chẳng biết Người» (Ga 14,17). Tại sao ta không thấy và không biết Ngài? Vì ta quá chú tâm vào những nghi thức tôn giáo bên ngoài, mà không quan tâm gì đến sự hiện diện của Ngài trong chính bản thân ta. Ta cứ mải tìm Ngài ở bên ngoài ta, nên ta không thấy. Cũng như thánh Âu-Tinh xưa đã than: «Lạy Chúa, con đã hoài công tìm Chúa ở bên ngoài con, đang khi Chúa lại ở ngay trong con».
Thật vậy, ta thường tìm Thiên Chúa ở đâu đâu bên ngoài ta, đang khi chính Đức Giêsu xác nhận: «Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em» (Ga 14,17). Thánh Phaolô cũng quả quyết: «Anh em không biết thân xác anh em là Đền Thờ của Thánh Thần sao? Thánh Thần đang ngự trong anh em chính là Thánh Thần mà Thiên Chúa đã ban cho anh em» (1Cr 6,19; x. 1Cr 3,17; 2Cr 6,16).
Thiên Chúa muốn trực tiếp tiếp xúc và ban ơn, ban sức cho ta, nên Ngài đã phải chọn hiện hữu bằng Thánh Thần của Ngài ở ngay bản thân ta. Nhưng ta lại tìm Ngài ở bên ngoài, và cầu cạnh ơn của Ngài qua trung gian người này người nọ, chứ không trực tiếp tiếp xúc với Ngài, trực tiếp nhận ơn và sức mạnh của Ngài ngay trong chính bản thân ta. Ngài nói: «Thầy sẽ không để anh em mồ côi» (Ga 14,18), và Ngài muốn thật gần gũi với ta: «Anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em» (Ga 14,20). Nhưng ta sống y như thể Ngài để ta mồ côi, nên cứ phải cậy dựa vào người khác chứ không phải vào Ngài, và hành xử như thể Ngài ở tận đâu đâu, hoàn toàn ở bên ngoài bản thân ta.
Không ai gần gũi với ta hơn chính ta, ngoại trừ Thiên Chúa. Thánh Âu-Tinh nói: «Thiên Chúa còn thân mật với tôi hơn cả chính bản thân tôi (thân mật với tôi)» (Deus intimior intimo meo). Chắc chắn Thiên Chúa không bao giờ lại muốn ta phải tiếp xúc và nhận của ơn Ngài qua trung gian một ai, khi mà chính Ngài đang ở ngay trong bản thân ta, và ta cũng đã biết Ngài đang ở trong ta.
3. Thái độ cần có đối với Thánh Thần hay Thiên Chúa
Là người Kitô hữu, đáng lẽ ta phải ngạc nhiên, thậm chí rất ngạc nhiên, khi nhận ra rằng: ta theo Đức Kitô biết bao năm, nhưng ta đã không thánh thiện, không được bình an, hạnh phúc, không dồi dào sức mạnh hơn những kẻ không theo Ngài. Một đằng ta xác tín Kitô giáo là đạo thật, rằng ơn Chúa rất mạnh mẽ và hữu hiệu; nhưng đằng khác ta lại không thấy mình khá hơn những người ngoài, thế mà ta không hề ngạc nhiên hay đặt vấn đề gì cả! Thái độ không hề ngạc nhiên của ta quả cũng đáng ngạc nhiên! Vì không ngạc nhiên, nên ta thấy không cần thay đổi gì cả. Vậy, cần nghiêm túc đặt lại vấn đề: tại sao ta theo Chúa biết bao năm mà chẳng thay đổi bao nhiêu?
Biết bao năm qua, thái độ của chúng ta đối với Thiên Chúa, cũng như với Đức Giêsu, đó là coi Ngài như một thần tượng để thờ phượng, để tôn sùng, để đề cao, hơn là đối tượng để sống với, để làm bạn, để thân thiết, gần gũi, để yêu mến, để đồng hóa, để lắng nghe, để bắt chước, để vâng theo, để kín múc sức mạnh… Thái độ trước đưa Ngài lên quá cao và quá xa, tách rời Ngài ra khỏi chúng ta. Cao và xa đến nỗi chúng ta không dám trực tiếp gặp Ngài, không thể nhận lãnh trực tiếp ân sủng và sức mạnh từ Ngài, mà cứ luôn luôn phải qua những trung gian này nọ, và phải lệ thuộc vào những trung gian ấy. Ngay cả những trung gian này nhiều khi cũng không trực tiếp gặp Ngài và nhận được sức mạnh từ nơi Ngài! Với thái độ như thế đối với Ngài, làm sao ta có tràn đầy sức mạnh, dồi dào ân sủng từ Ngài được?
Đức Giêsu không nói: «Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em hãy thờ phượng và suy tôn Thầy». Nhưng Ngài nói: «Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em hãy giữ các điều răn của Thầy» (Ga 14,15); «Ai giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy» (Ga 14,21). Đương nhiên thờ phượng và suy tôn Thiên Chúa và Đức Giêsu là điều phải lẽ, nhưng không phải là điều chính yếu. Cũng không phải là điều Ngài mong muốn nhất nơi ta: Ngài không vị kỷ và thích được đề cao như tâm lý chung của con người.
Điều chính yếu nhất ta phải làm, cũng là điều Ngài mong muốn ta thực hiện, chính là vâng phục Ngài, tuân theo thánh ý Ngài. Đức Giêsu nhấn mạnh đến điều chính yếu này không biết bao nhiêu lần, nhưng ta dường như không thèm để ý: «Chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào (Nước Trời) mà thôi» (Mt 7,21); «Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành» (Lc 8,21); v.v… (x. Mt 7,24; Ga 4,34; 5,30b; 6,38; Dt 10,9; Mt 26,39b).
Nếu chúng ta quan tâm đến điều chính yếu này, thì đời sống tâm linh của chúng ta đã tiến bộ từ lâu. Và nhất là nếu ta nhận ra Ngài chính là nguồn mạch sự sống, sức mạnh, trí tuệ và tình yêu ở ngay trong bản thân ta, thì ta đã biết cách nhận được mọi sự từ nguồn mạch phong phú ấy. Nhưng dường như ta chỉ biết điều này trên lý thuyết, chứ không hề tìm cách đem ra thử nghiệm, nên chưa hề kinh nghiệm được chân lý này! Đáng tiếc thay!
CẦU NGUYỆN
Lạy Cha, Thần Khí của Cha, của Đức Giêsu ở ngay trong bản thân con, nhưng con lại không nhận ra. Con cứ tìm Cha, tìm nguồn sức mạnh, tìm nguồn hạnh phúc ở tận đâu đâu bên ngoài con, nên con chẳng tìm ra. Con giống y như một nhà kia có cả một kho tàng vĩ đại chôn trong nhà mà không biết, nên suốt đời đành cam phận nghèo nàn của một kẻ ăn xin. Xin cho con nhận ra Thần Khí của Cha chính là kho tàng vĩ đại ấy ở trong con. Và cho con biết khai thác kho tàng ấy để sống dồi dào và hạnh phúc.
Nguyễn Chính Kết
Bấm vào đây để trở về bài chia sẻ/để đọc bài đào sâu:
Chỉ người tuân giữ giới răn yêu thương của Đức Giêsu mới được Thiên Chúa tỏ mình và ban Thánh Thần
(https://chiasethanhuu.blogspot.com/2020/05/ps6a.html).
Bấm vào đây để trở về bài chia sẻ/để đọc bài đào sâu:
Chỉ người tuân giữ giới răn yêu thương của Đức Giêsu mới được Thiên Chúa tỏ mình và ban Thánh Thần
(https://chiasethanhuu.blogspot.com/2020/05/ps6a.html).
No comments:
Post a Comment