Friday, May 29, 2020

HienXuong2 - Làm sao tạo điều kiện để Thánh Thần hoạt động trong ta?




CHIA SẺ TIN MỪNG

Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống

(31-05-2020)

Bài đào sâu

Làm sao tạo điều kiện
để Thánh Thần hoạt động trong ta?
► Video: https://www.youtube.com/watch?v=ZCwq4Tuoa98



  TIN MỪNG: Ga 20,19-23

Đức Giêsu hiện ra với các môn đệ



Câu hỏi gợi ý:
1.   Thánh Thần là gì đối với bạn? Bạn hiểu về Ngài thế nào? Ngài là một thực tại trừu tượng và xa vời, hay cụ thể và gần gũi bạn?

2.   Làm sao cảm nghiệm được Thánh Thần? Cảm nghiệm được Ngài có phải là chuyện khó khăn quá không?

3.   Làm sao để Thánh Thần có thể biến đổi ta nên con người mới? hoạt động trong ta một cách tự do và dễ dàng?


Suy tư gợi ý:

1.  Thánh Thần là ai?

Khi xem một cuốn phim trên màn ảnh hay trên tivi, hầu như ta chỉ nhìn thấy những hình ảnh chuyển động trong phim chứ không còn trông thấy màn ảnh hay cái tivi nữa. Nhưng thật ra, nếu xét về sự hiện hữu, thì cái màn ảnh hay cái tivi là cái gì có thật làm nền tảng cho những hình ảnh chuyển động kia hiện hữu. Mức độ hiện hữu của màn ảnh hay cái tivi cao hơn những hình ảnh kia rất nhiều. Sở dĩ ta không thấy màn ảnh là vì tâm trí ta bị cuốn hút hoàn toàn bởi những hình ảnh đang xuất hiện trước mắt ta đến nỗi ta không còn trông thấy và ý thức về sự hiện hữu của màn ảnh hay cái tivi nữa. Dù không thấy màn ảnh, nhưng thực ra, khi nhìn vào những hình ảnh chuyển động, là ta đã nhìn vào chính màn ảnh, vì hình ảnh và màn ảnh khi ấy tuy hai mà một. Ta không thấy màn ảnh là vì bị những hình ảnh che khuất.

Cũng tương tự như vậy đối với Thánh Thần. Thánh Thần không phải là một thực tại xa cách chúng ta, mà ở ngay trong bản thân ta: «Thánh Thần luôn ở giữa anh em và ở trong anh em» (Ga 14,17); «Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao?» (1Cr 3,16; x.1Cr 6,19). Tất cả những gì tốt đẹp khởi lên trong tư tưởng ta, những gì tốt đẹp mà ta thực hiện được, đều xuất phát từ Thánh Thần ở ngay trong ta. Và Thánh Thần làm nên tất cả những cái tốt đẹp ấy và là nền tảng của chúng. Nhưng ta dường như chỉ thấy những điều tốt đẹp, mà không thấy Thánh Thần ở sau những điều tốt đẹp ấy. Nếu một số Kitô hữu xưa nói: «Ngay cả việc có Thánh Thần, chúng tôi cũng chưa hề được nghe nói» (Cv 19,2), thì nhiều Kitô hữu ngày nay cũng chỉ biết Thánh Thần một cách hết sức lý thuyết qua những câu kinh bổn học được từ nhỏ, mà nhiều khi người dạy cũng chỉ biết được cách lý thuyết.

Thật ra Thánh Thần là một thực tế rất sống động ở trong ta, là sự sống, là tình yêu, là sự hiện hữu của Thiên Chúa ở trong ta. Không có Ngài, ta chẳng làm nên được một điều gì tốt đẹp, chẳng thể hướng về Thiên Chúa và cầu nguyện với Ngài, chẳng thể yêu thương và hy sinh cho tha nhân. Thánh Kinh xác định: «Không ai biết được những gì nơi Thiên Chúa, nếu không phải là Thần Khí của Thiên Chúa» (1Cr 2,11); «Không ai có thể nói rằng: “Đức Giêsu là Chúa”, nếu người ấy không ở trong Thần Khí» (1Cr 12,3); «Không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em» (Mt 10,20); «Chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta» (Rm 8,26); «Chính Thần Khí duy nhất ấy làm ra tất cả những điều đó và phân chia cho mỗi người mỗi cách» (1Cr 12,11); «Chúng ta biết được Thiên Chúa ở lại trong chúng ta là nhờ Thần Khí» (1Ga 3,24).



2.  Làm sao cảm nghiệm được Thánh Thần?

Không ai thấy Thánh Thần hay cảm nghiệm Ngài một cách trực tiếp, mà chỉ có thể cảm nghiệm Ngài cách gián tiếp qua những biểu hiện của Ngài thôi. Cũng tương tự như không ai thấy được dòng điện, nhưng dòng điện trở nên rất cụ thể và rất gần gũi với chúng ta nhờ những biểu hiện của dòng điện, như đèn sáng, quạt quay, bếp nóng lên… Cũng vậy, Thánh Thần sẽ trở nên rất cụ thể và gần gũi với ta, nếu ta nhận ra được những biểu hiện lúc nào cũng có của Ngài trong đời sống của ta và chung quanh ta. Chẳng hạn, khi viết bài này, tôi thấy mình có những tư tưởng về Thiên Chúa, về Thánh Thần, và cảm thấy hứng thú vì có thể đem lại ích lợi cho Giáo Hội, cho tha nhân, v.v… Đó là những biểu hiện của Thánh Thần hoạt động ở trong tôi. Hoặc khi bạn đọc bài của tôi, bạn hiểu và cảm thấy hứng khởi để sống tốt đẹp hơn, v.v… Đó là những biểu hiện hay việc làm của Thánh Thần ở trong bạn

Quan niệm như vậy, ta sẽ thấy Thánh Thần – phần nào tương tự như dòng điện vô hình kia – là một thực tại, một Đấng, một Thiên Chúa rất cụ thể, sống động và rất gần gũi với ta. Không một giây phút nào ta có thể sống, thở, suy nghĩ, làm những điều tốt đẹp… mà không do Ngài.

Phải thấy Ngài cụ thể và gần gũi như thế, ta mới thân mật được với Ngài, mới nhận được dồi dào sức mạnh, sự sống, tình yêu, ân sủng, và hoa trái của Ngài. Và hoa trái của Ngài là «bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ» (Gl 5,22-23a). Nếu không cảm nghiệm được Ngài như thế, đời sống tâm linh của ta sẽ hết sức trừu tượng, xa vời, thiếu thực tế. Còn nếu cảm nghiệm được Ngài, ta sẽ thấy đời sống tâm linh rất cụ thể, nhiều hứng thú, và đầy những khám phá mới lạ

Thánh Thần ở trong ta cũng chính là Thánh Thần đã đưa Đức Giêsu vào hoang địa để chịu ma quỷ cám dỗ (x. Mt 4,1), đã hiện hình thành chim bồ câu đậu xuống trên Ngài khi Ngài chịu phép rửa (x. Mt 3,16), đã soi sáng và linh hứng Ngài nói lên tất cả những gì cần phải nói để dạy dỗ con người (x. Lc 10,21; Mc 13,11; Cv 2,4), đã ngự xuống trên các tông đồ dưới hình lưỡi lửa vào ngày lễ Ngũ Tuần sau khi Đức Giêsu về trời (x. Cv 2,3), v.v… Thánh Thần đó đang hoạt động trong bản thân ta, đang dần dần biến đổi ta và hướng dẫn ta tới «sự thật toàn vẹn» (Ga 16,13), miễn là ta cho phép Ngài hoạt động trong ta và ta cùng cộng tác với Ngài.



3.  Làm sao để Thánh Thần hoạt động hữu hiệu trong ta?

Thánh Thần luôn hiện diện và sẵn sàng hoạt động ngay trong bản thân ta. Sẵn sàng hoạt động có nghĩa là Ngài sẽ hoạt động ngay nếu ta cho phép Ngài hoạt động. Ngài giống như dòng điện đã sẵn sàng ở trong phòng, chỉ cần bật công-tắc lên là đèn sáng, biến căn phòng tối om thành sáng choang. Không bật công-tắc lên, thì điện tuy có trong phòng nhưng vẫn dường như không có, chẳng đem lại lợi ích gì

Cũng vậy, nếu ta không đánh thức Thánh Thần dậy, thì Ngài cũng giống như Đức Giêsu ngủ say trong thuyền của các tông đồ khi sóng gió đang muốn làm con thuyền lật úp, mà Ngài chẳng làm gì cả (x. Mc 35-41). Nhưng khi Ngài được đánh thức dậy, Ngài lập tức làm cho sóng gió lặng yên. 

Trong máy vi tính, có nhiều trường hợp ta bị đảo điên vì virus hoành hành, đang khi ta có cả một chương trình chống virus rất hữu hiệu. Sở dĩ virus vẫn hoành hành là vì ta quên hay không kích hoạt (activate) chương trình ấy để làm cho nó hoạt động. Cũng vậy, Thánh Thần tuy hiện diện thường trực trong ta, nhưng vẫn thụ động, vì ta không tạo điều kiện cho Ngài hoạt động.

Thánh Thần không hoạt động hữu hiệu trong ta khi ta không ý thức sự hiện diện của Ngài trong ta. Những lời kinh như: «Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến!» khiến ta thường lầm tưởng Thánh Thần không ở trong ta, mà ở đâu xa lắm. Đôi khi ta lập đi lập lại lời cầu ấy thật nhiều lần mà dường như Ngài vẫn ở tận đâu đâu, chẳng chịu đến. Thật ra, trước khi ta cầu xin Ngài đến, thì Ngài vẫn ở ngay trong ta từ đời thuở nào rồi (x. 1Cr 3,16; 1Cr 6,19). Nhưng Ngài ở trong ta cách thụ động, như một người ngủ, vì ta không đánh thức Ngài dậy bằng cách ý thức sự hiện diện của Ngài trong ta.

Ý thức Thánh Thần ở trong ta là điều kiện tiên quyết để Ngài hoạt động. Nhưng Ngài chỉ hoạt động hữu hiệu khi không bị chính ta và ý riêng của ta cản trở. Một người có «cái tôi» quá lớn, coi mình như «cái rốn của vũ trụ», và coi ý riêng mình là quan trọng nhất trên đời, thì Thánh Thần không có cách nào hoạt động hữu hiệu nơi người ấy được. Một ly nước đã đầy ắp không thể chứa thêm được chút nước nào nữa. Cũng vậy, tâm thức của một người đã đầy ắp «cái tôi» của mình rồi, thì không còn chỗ nào cho Thánh Thần hoạt động nữa. 

Làm sao ta có thể nói được như thánh Phaolô: «Tôi sống nhưng không phải tôi sống, mà là Đức Kitô sống trong tôi» (Gl 2,20), khi mà ta không để Ngài chiếm trọn bản thân ta, và làm mọi việc trong ta theo ý của Ngài? Cũng vậy, Thánh Thần không thể hoạt động và biến đổi ta khi ta không để Ngài làm chủ bản thân ta, mà chỉ coi Ngài như một người khách lạ đến chơi nhà. Một người khách làm sao có thể hoạt động hữu hiệu được trong nhà do một người khác làm chủ? Muốn Thánh Thần hoạt động hữu hiệu trong bản thân ta, biến đổi ta nên con người mới, hãy để Ngài hoàn toàn làm chủ bản thân ta, và ta hãy làm tất cả những gì Ngài muốn ta làm.

Để Thánh Thần làm chủ bản thân ta, để Ngài hoàn toàn tự do làm những gì Ngài muốn ở nơi ta, Ngài sẽ biểu hiện quyền năng vô biên của Ngài trong ta. Ngài chính là kho tàng hay viên ngọc quý ở ngay trong ta mà Đức Giêsu đã giới thiệu trong Tin Mừng (x. Mt 13,44-46). Muốn được viên ngọc quý ấy, ta phải bán hết gia tài mình có mới mua được. Gia tài ta phải bán hết chính là «cái tôi» hay chính bản thân ta, cùng với tất cả ý riêng của ta. Chính khi ta không còn «cái tôi» ích kỷ của mình nữa, thì một «cái tôi» mới sẽ phát sinh, bao hàm trong đó tất cả mọi người mọi vật trong vũ trụ. Lúc đó ta sẽ thấy mọi người mọi vật trong vũ trụ đều là chính bản thân ta, và ta sẽ yêu thương tất cả như ta yêu thương tất cả mọi bộ phận đang có trong thân thể ta. Và linh hồn ta lúc ấy chính là Thánh Thần, luôn chủ động làm tất cả mọi việc.




CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, Thánh Thần luôn ở ngay trong con. Nhưng Ngài không hoạt động được ở trong con, vì con thường xuyên không ý thức sự hiện diện của Ngài ở trong con. Và vì con không để Ngài được tự do hoạt động ở trong con, không cho phép Ngài được hoàn toàn làm chủ bản thân con. Xin hãy giúp con làm tất cả những gì để Thánh Thần có thể biểu lộ quyền năng của Ngài ở trong con, để biến con thành một con người mới, hoàn toàn do Thánh Thần hướng dẫn trong mọi sự.


HienXuong - Bình an tâm hồn là điều kiện cần thiết để phát triển đời sống tâm linh




CHIA SẺ TIN MỪNG

Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống

(31-05-2020)


Bình an tâm hồn là điều kiện cần thiết
để phát triển đời sống tâm linh

► Video: https://www.youtube.com/watch?v=W9oe4rVas5g



ĐỌC LỜI CHÚA

  Cv 2,1-11: (1) Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, (2) bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. (3) Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. (4) Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho.

  1Cr 12,3b-7.12-13: (4) Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. (5) Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. (6) Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người. (7) Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung.

  TIN MỪNG: Ga 20,19-23

Ðức Giêsu hiện ra với các môn đệ

(19) Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Dothái. Ðức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: Bình an cho anh em! (20) Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. (21) Người lại nói với các ông: Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em. (22) Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. (23) Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.




CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1.   Từ xưa đến nay, bạn có quan tâm tới bình an trong tâm hồn, thứ bình an luôn tồn tại trong lòng bất chấp giống tố hay thử thách trong cuộc đời không? Ðã bao giờ bạn cảm thấy hạnh phúc vì nếm được sự bình an ấy chưa? Nếu chưa, bạn hãy xét xem tại sao? Vì đúng ra, đã là Kitô hữu thì phải có sự bình an ấy!

2.   Bạn có biết sự bình an mà Ðức Giêsu cầu chúc cho các môn đệ của Ngài rất cần thiết để phát triển đời sống tâm linh không? Muốn có sự bình an ấy phải làm thế nào?

3.   Có bao giờ bạn nghĩ rằng tính ích kỷ, thiếu bụng chung của mình là nguyên nhân khiến mình không lãnh nhận được Thánh Thần không? Bạn có biết tại sao không?


Suy tư gợi ý:

1.  Bình an tâm hồn, điều kiện quan trọng để phát triển tâm linh

Trong Tin Mừng, sự bình an, đặc biệt sự bình an trong tâm hồn, được coi là một giá trị hết sức quan trọng. Khi Ðức Giêsu sinh ra, muôn vàn thiên thần đã hát mừng: «Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương» (Lc 2,14). Ðiều Ðức Giêsu khuyên các môn đệ làm khi vào nhà mọi người để loan báo Tin Mừng là: «Vào nhà nào, anh em hãy chào chúc bình an cho nhà ấy» (Mt 10,12; x. Lc 10,5). Sau khi chữa lành bệnh cho ai, Ðức Giêsu cũng chúc bình an cho người ấy (x. Mc 5,34; Lc 8,48). Khi gặp các môn đệ, nhất là những lần sau khi phục sinh, Ðức Giêsu luôn luôn cầu chúc: «Bình an cho anh em!» (Lc 24,36; Ga 20,19; 20,26). Thánh Phêrô và Phaolô gọi Tin Mừng mà các ngài loan báo là «Tin Mừng bình an» (Cv 10,36; Ep 2,17; 6,15).

Trong cuộc sống đời thường, bình an là một điều kiện quan trọng để sống vui tươi hạnh phúc và để phát triển; trong đời sống tâm linh cũng vậy. Sự bình an trong tâm hồn là điều kiện quan trọng để đời sống tâm linh cũng như niềm vui nội tâm phát triển. Không có bình an trong tâm hồn, đời sống tâm linh không phát triển được. Và người có đời sống tâm linh phát triển thì tâm hồn luôn luôn bình an, bất chấp những xáo trộn, bất an do ngoại cảnh. Có bình an mới có hạnh phúc. 

Sự bình an mà Tin Mừng nói đến, mà Ðức Giêsu cầu chúc hoặc hứa ban, chủ yếu là thứ bình an trong tâm hồn hơn là thứ bình an bị lệ thuộc vào ngoại cảnh. Bình an bên ngoài thuộc thể chất hay vật lý thì người thế gian cũng có thể ban cho ta được, nhưng họ khó có thể ban được bình an trong tâm hồn. Còn Ðức Giêsu chủ trương ban sự bình an ấy: «Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian» (Ga 14,27). Sự bình an cũng như niềm vui nội tâm ấy «không ai lấy mất được» (Ga 16,22). Ðó là một thứ bình an và niềm vui độc lập với ngoại cảnh, không vì khó khăn hay rắc rối bên ngoài mà bị mất.

Người Kitô hữu cần phải đạt được sự bình an và niềm vui nội tâm ấy. Ðể đạt được, họ chỉ cần thật sự tin tưởng vào Tin Mừng và sống tinh thần Tin Mừng, vì Tin Mừng này là «Tin Mừng bình an». Sống tinh thần Tin Mừng là: sống yêu thương thật sự, tin tưởng và phó thác vào tình thương quan phòng của Thiên Chúa, luôn tha thứ không để tâm chấp nhất lỗi lầm của bất kỳ ai, nhất là sống tinh thần tự hủy, không đặt quá nặng cái tôi của mình, nhận ra thánh ý Thiên Chúa luôn luôn khôn ngoan và đem lại nhiều ích lợi hơn ý riêng của mình, có tinh thần siêu thoát, không quá gắn bó với những thực tại chóng qua của trần gian.



2.  Bình an nội tâm, điều kiện để lãnh nhận Thánh Thần

Trong bài Tin Mừng hôm nay, có lẽ không phải vô tình mà Ðức Giêsu trước khi thổi hơi và ban Thánh Thần cho các tông đồ đã lập lại một lần nữa lời cầu chúc «Bình an cho anh em!» (Ga 20,19b.21a). Như vậy phải chăng để nhận lãnh Thánh Thần, thì điều kiện quan trọng là phải có tâm hồn bình an? Và đồng thời bình an cũng lại là kết quả của một tâm hồn tràn đầy Thánh Thần (x. Gl 5,22)? Thực ra, điều kiện quan trọng để nhận được Thánh Thần là phải có tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân, phải có tâm hồn trong sạch. Chính vì thế mà Giáo Hội buộc những ai lãnh nhận bí tích thêm sức  tức lãnh nhận Thánh Thần  phải sạch tội, nghĩa là có ân nghĩa với Thiên Chúa, yêu mến Thiên Chúa. Mà một khi đã sạch tội, sống trong ân nghĩa với Thiên Chúa, sống theo tinh thần của Ngài thì đương nhiên sẽ có sự bình an trong tâm hồn.

Bình an này chỉ đến với hoặc ở với những ai xứng đáng với nó, tức những người sống theo tinh thần Tin Mừng là tinh thần yêu thương, tinh thần Tám Mối Phúc của Ðức Giêsu (x. Mt 5,3-12), là lối sống siêu thoát: «Ai đáng hưởng bình an, thì bình an sẽ ở lại với người ấy» (Lc 10,6). Những người chạy theo tinh thần thế tục, coi trọng tiền bạc, danh vọng, địa vị hơn tình nghĩa, sống ích kỷ, vụ lợi, tham lam. không thể có được thứ bình an sâu xa này. Do đó, thay vì nói có ân nghĩa và tình yêu đối với Thiên Chúa là điều kiện để lãnh nhận Thánh Thần, có thể nói cách khác: bình an nội tâm là điều kiện để lãnh nhận Thánh Thần. Thánh Thần có thể được ban cho người không có bình an vật lý hay thể lý, nhưng chắc chắn không thể ban cho người không có bình an nội tâm.

Những ai đã cảm nghiệm được sự bình an và niềm vui nội tâm thật sự  nghĩa là thứ bình an lâu dài và thường xuyên đều cảm thấy đó là một phần thưởng rất lớn và xứng đáng cho việc sống theo tinh thần Tin Mừng của mình; vì họ đã được phần nào nếm trước hạnh phúc thiên đàng ngay tại trần thế này, thứ hạnh phúc tự tại trong lòng họ, không ai lấy mất được. Ðang khi những người khác cho họ là dại dột vì từ bỏ những lợi lộc và thú vui trần tục, thì họ lại cảm thấy chính những người theo đuổi những thứ chóng qua và dễ bị cướp đoạt ấy mới là dại dột. Những người này đã từ bỏ một cái gì quí giá, sâu xa và trường tồn để đổi lấy cái mau qua, dễ mất. 

Các tông đồ và các Kitô hữu tiên khởi đã suy nghĩ như thế vì thật sự cảm nghiệm được sự bình an và Thánh Thần Ðấng ban bình an luôn ở với họ. Các ngài đã quí Thánh Thần và sự bình an ấy hơn cả mạng sống và mọi thứ của cải trần gian. Còn chúng ta, những kẻ đang mang danh Kitô hữu, thì sao?



3.  Nhận lãnh Thánh Thần để được sai đi

Ngay trước khi thổi hơi để ban Thánh Thần cho các tông đồ, Ðức Giêsu không chỉ chúc bình an, mà còn nói: «Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em» (Ga 20,21). Như vậy, việc lãnh nhận Thánh Thần còn có một mục đích quan trọng là để làm công việc của Thiên Chúa. Trong sách Công Vụ Tông Ðồ, ngay sau khi lãnh nhận Thánh Thần, các tông đồ lập tức làm việc cho Thiên Chúa: rao giảng Tin Mừng một cách mạnh dạn, không sợ sệt, và còn làm được nhiều điều kỳ diệu: các ngài nói một cách rất bình thường nhưng ai nấy đều nghe thấy các ngài nói ngôn ngữ của mình, các ngài còn có thể trừ quỉ ám hay chữa khỏi những bệnh nan y trong chốc lát.

Thánh Thần được ban xuống trên những ai xứng đáng lãnh nhận với nhiều quyền năng kèm theo, không phải để phục vụ cho lợi ích riêng của người ấy, mà vì lợi ích chung của mọi người: «Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung» (1Cr 12,7). Vì thế, những ai được ơn đặc biệt của Thánh Thần đều phải dùng ơn ấy để phục vụ mọi người, nhất là để loan báo Tin Mừng, để thăng tiến đời sống tâm linh con người, để giúp ích cho Giáo Hội, cho xã hội và thế giới. Không ai lãnh nhận ơn Thánh Thần lại được phép dùng ơn ấy cho lợi ích riêng của mình: để được danh tiếng, được kính nể, nhờ đó được lên chức, được nắm quyền, được dồi dào tiền bạc, v.v. Những người có những ý hướng vị kỷ ấy cho dẫu có làm những công việc tốt đẹp, cũng không thể lãnh nhận Thánh Thần. 

Vậy, muốn lãnh nhận Thánh Thần, chúng ta cần phải có bụng chung, biết lo lắng cho công việc chung, của Giáo Hội hay xã hội, của tập thể hay cộng đoàn, của quê hương đất nước. Vừa tha thiết xin Thánh Thần đến với mình, vừa giữ tính ích kỷ, chỉ biết vun quén cho mình, không hề nghĩ đến người khác thì chẳng khác gì muốn thổi cơm mà lại đổ cát vào nồi. Thật là công dã tràng, nhưng có biết bao Kitô hữu đang làm như vậy! Bạn có làm như vậy không? Ðừng chờ đợi có ơn Thánh Thần rồi mới làm tông đồ, hãy hăng say làm tông đồ trước đi rồi tự động Thánh Thần sẽ được ban cho ta!



CẦU NGUYỆN

Tiếng Chúa nói với tôi: «Sự bình an của Cha rất quí giá, nên đã có biết bao người sẵn sàng hy sinh tất cả để có được sự bình an ấy! Họ là những người khôn ngoan. Vì chỉ có thứ bình an ấy mới làm cho họ hạnh phúc, thứ hạnh phúc mà thế gian không thể ban được, cũng không thể hủy hoại được. Thứ bình an ấy, Cha chỉ ban cho những người xứng đáng, những người dám thật sự sống Tin Mừng của Cha. Con chắc chắn sẽ được sự bình an ấy nếu con thật sự sống đúng những đòi hỏi của Tin Mừng. Con có dám sống như thế không? Nếu không dám thì con cũng đừng lấy làm lạ và thắc mắc tại sao Cha không ban thứ bình an ấy cho con!»


Sunday, May 10, 2020

PS6b - Dù đã lên trời, nhưng Đức Giêsu vẫn ở với chúng ta




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 6 Phục Sinh

(17-05-2020)

Bài đào sâu

Dù đã lên trời, nhưng Đức Giêsu vẫn ở với chúng ta




  TIN MỪNG: Ga 14,15-21

Đức Giêsu hứa Đấng Bảo Trợ khác




CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1.   Đấng Bảo Trợ mà Đức Giêsu hứa sẽ đến sau khi Ngài về trời là ai? Có phải là một ai đó khác với Ngài không? Hay vẫn là chính Ngài nhưng trong một cách hiện hữu khác?

2.   Bạn hiểu những câu sau đây của Đức Giêsu thế nào: «Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế» (Mt 28,20); «Thầy sẽ không để anh em mồ côi. Thầy đến cùng anh em» (Ga 14,18); «Anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em» (Ga 14,20)?

3.   Bạn có thật sự tin và hành động đúng như mình tin về sự hiện diện của Đức Giêsu ở trong bạn không? Bạn có cảm nghiệm được sự hiện diện ấy không?

Suy tư gợi ý:

1.  Đấng Bảo Trợ mà Đức Giêsu hứa

Đã đến lúc Đức Giêsu phải từ giã các môn đệ để về với Chúa Cha, vì sứ mạng hiện diện cách hữu hình ở trần gian của Ngài đã hết. Ngài ra đi thì lợi cho các môn đệ và con người hơn ở lại. Ngài nói: «Thầy ra đi thì có lợi cho anh em. Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em» (Ga 16,7). Thật vậy, nếu Đức Giêsu ở lại trần gian cách hữu hình, thì sự hiện diện của Ngài sẽ chẳng khác gì sự hiện diện của một vị giáo hoàng hay một vị vua ở tận đâu đâu, nên số người gặp được Ngài chỉ là một tỷ lệ vô cùng nhỏ so với cả nhân loại. Như thế, Ngài không thể trực tiếp tiếp xúc với mọi người và từng người để phục vụ, cứu giúp, ban ơn, thêm sự sống và sức mạnh cho họ. 

Vì thế, để mỗi người có thể tiếp xúc với Ngài dễ dàng và nhanh chóng, trong bao lâu và thường xuyên tới đâu cũng được, Ngài đã quyết định ở lại với con người một cách vô hình, bằng Thần Khí của Ngài là Thánh Thần, ở ngay trong tâm hồn mỗi người. Bằng cách này, Ngài tuy vô hình nhưng luôn thật sự hiện diện cách sống động trong tâm hồn mỗi người. Và ai cũng có thể gặp được Ngài trong bất kỳ hoàn cảnh nào, bất kỳ ở đâu, vào giờ nào. Đúng như Ngài nói: «Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế» (Mt 28,20).

Đấng Bảo Trợ mà Ngài hứa sẽ đến chính là Thánh Thần. Và Thánh Thần chính là sự sống, là sự hiện diện vô hình của Thiên Chúa, của Đức Giêsu trong tâm hồn mỗi người. Chỉ cần ý thức Ngài đang hiện diện tuy vô hình nhưng thật sự trong bản thân ta, là ta có thể nói với Ngài bất kỳ điều gì. Và nếu ta lắng nghe Ngài, ta cũng sẽ thấy Ngài nói với ta. Thông thường, khi cầu nguyện, ta chỉ nói chứ không mấy khi lắng nghe, chỉ quan tâm xin xỏ chứ không hề quan tâm đến những gì Ngài muốn ta thực hiện để điều ta xin hoặc mong muốn thành tựu. 

Đúng ra, điều tối quan trọng trong đời sống tâm linh là ta phải tập lắng nghe tiếng Ngài nói trong tâm hồn. Chúng ta chỉ có thể cầu nguyện đích thực khi chúng ta biết lắng nghe Ngài nói. Nếu không, cầu nguyện chỉ là độc thoại, thường không đem lại hiệu quả tâm linh bao nhiêu. Vì tất cả những gì ta nói thì Ngài đã biết, thậm chí trước khi ta có ý tưởng để nói. Vậy ta cần nghe Ngài nói hơn là nói với Ngài, và cần hơn rất nhiều.



2.  Đừng tìm Thánh Thần hay Thiên Chúa ở bên ngoài ta

Đức Giêsu giới thiệu về Đấng Bảo Trợ: «Đó là Thần Khí sự thật, Đấng mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Người» (Ga 14,17). Vì là «Thần Khí sự thật», nên muốn thờ phượng và tiếp xúc với Ngài, phải thờ phượng và tiếp xúc «trong thần khí và sự thật» (Ga 4,24), nghĩa là chủ yếu bằng tâm linh bên trong, chứ không phải chỉ bằng hình thức bên ngoài. Những gì xuất phát từ bên trong, vì dồi dào mới tràn ra thành hình thức bên ngoài, thì đó mới chính là sự thật. Nếu một điều gì không có ở bên trong mà vẫn có hình thức bên ngoài, hoặc hình thức bên ngoài không phù hợp với những gì có bên trong, thì đó là giả dối. Một người thờ phượng Thiên Chúa trong giả dối sẽ chẳng nhận được sức mạnh đích thực từ nơi ngài. 

Khi chúng ta quá đặt nặng hình thức bên ngoài thì điều đó chứng tỏ ta thiếu cái cốt yếu bên trong. Nghĩa là ta không nhận ra và đón nhận được «Thần Khí sự thật», vì cũng như thế gian, ta «không thấy và cũng chẳng biết Người» (Ga 14,17). Tại sao ta không thấy và không biết Ngài? Vì ta quá chú tâm vào những nghi thức tôn giáo bên ngoài, mà không quan tâm gì đến sự hiện diện của Ngài trong chính bản thân ta. Ta cứ mải tìm Ngài ở bên ngoài ta, nên ta không thấy. Cũng như thánh Âu-Tinh xưa đã than: «Lạy Chúa, con đã hoài công tìm Chúa ở bên ngoài con, đang khi Chúa lại ở ngay trong con». 

Thật vậy, ta thường tìm Thiên Chúa ở đâu đâu bên ngoài ta, đang khi chính Đức Giêsu xác nhận: «Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em» (Ga 14,17). Thánh Phaolô cũng quả quyết: «Anh em không biết thân xác anh em là Đền Thờ của Thánh Thần sao? Thánh Thần đang ngự trong anh em chính là Thánh Thần mà Thiên Chúa đã ban cho anh em» (1Cr 6,19; x. 1Cr 3,17; 2Cr 6,16).

Thiên Chúa muốn trực tiếp tiếp xúc và ban ơn, ban sức cho ta, nên Ngài đã phải chọn hiện hữu bằng Thánh Thần của Ngài ở ngay bản thân ta. Nhưng ta lại tìm Ngài ở bên ngoài, và cầu cạnh ơn của Ngài qua trung gian người này người nọ, chứ không trực tiếp tiếp xúc với Ngài, trực tiếp nhận ơn và sức mạnh của Ngài ngay trong chính bản thân ta. Ngài nói: «Thầy sẽ không để anh em mồ côi» (Ga 14,18), và Ngài muốn thật gần gũi với ta: «Anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em» (Ga 14,20). Nhưng ta sống y như thể Ngài để ta mồ côi, nên cứ phải cậy dựa vào người khác chứ không phải vào Ngài, và hành xử như thể Ngài ở tận đâu đâu, hoàn toàn ở bên ngoài bản thân ta. 

Không ai gần gũi với ta hơn chính ta, ngoại trừ Thiên Chúa. Thánh Âu-Tinh nói: «Thiên Chúa còn thân mật với tôi hơn cả chính bản thân tôi (thân mật với tôi)» (Deus intimior intimo meo). Chắc chắn Thiên Chúa không bao giờ lại muốn ta phải tiếp xúc và nhận của ơn Ngài qua trung gian một ai, khi mà chính Ngài đang ở ngay trong bản thân ta, và ta cũng đã biết Ngài đang ở trong ta.



3.  Thái độ cần có đối với Thánh Thần hay Thiên Chúa

Là người Kitô hữu, đáng lẽ ta phải ngạc nhiên, thậm chí rất ngạc nhiên, khi nhận ra rằng: ta theo Đức Kitô biết bao năm, nhưng ta đã không thánh thiện, không được bình an, hạnh phúc, không dồi dào sức mạnh hơn những kẻ không theo Ngài. Một đằng ta xác tín Kitô giáo là đạo thật, rằng ơn Chúa rất mạnh mẽ và hữu hiệu; nhưng đằng khác ta lại không thấy mình khá hơn những người ngoài, thế mà ta không hề ngạc nhiên hay đặt vấn đề gì cả! Thái độ không hề ngạc nhiên của ta quả cũng đáng ngạc nhiên! Vì không ngạc nhiên, nên ta thấy không cần thay đổi gì cả. Vậy, cần nghiêm túc đặt lại vấn đề: tại sao ta theo Chúa biết bao năm mà chẳng thay đổi bao nhiêu?

Biết bao năm qua, thái độ của chúng ta đối với Thiên Chúa, cũng như với Đức Giêsu, đó là coi Ngài như một thần tượng để thờ phượng, để tôn sùng, để đề cao, hơn là đối tượng để sống với, để làm bạn, để thân thiết, gần gũi, để yêu mến, để đồng hóa, để lắng nghe, để bắt chước, để vâng theo, để kín múc sức mạnh… Thái độ trước đưa Ngài lên quá cao và quá xa, tách rời Ngài ra khỏi chúng ta. Cao và xa đến nỗi chúng ta không dám trực tiếp gặp Ngài, không thể nhận lãnh trực tiếp ân sủng và sức mạnh từ Ngài, mà cứ luôn luôn phải qua những trung gian này nọ, và phải lệ thuộc vào những trung gian ấy. Ngay cả những trung gian này nhiều khi cũng không trực tiếp gặp Ngài và nhận được sức mạnh từ nơi Ngài! Với thái độ như thế đối với Ngài, làm sao ta có tràn đầy sức mạnh, dồi dào ân sủng từ Ngài được?

Đức Giêsu không nói: «Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em hãy thờ phượng và suy tôn Thầy». Nhưng Ngài nói: «Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em hãy giữ các điều răn của Thầy» (Ga 14,15); «Ai giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy» (Ga 14,21). Đương nhiên thờ phượng và suy tôn Thiên Chúa và Đức Giêsu là điều phải lẽ, nhưng không phải là điều chính yếu. Cũng không phải là điều Ngài mong muốn nhất nơi ta: Ngài không vị kỷ và thích được đề cao như tâm lý chung của con người. 

Điều chính yếu nhất ta phải làm, cũng là điều Ngài mong muốn ta thực hiện, chính là vâng phục Ngài, tuân theo thánh ý Ngài. Đức Giêsu nhấn mạnh đến điều chính yếu này không biết bao nhiêu lần, nhưng ta dường như không thèm để ý: «Chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào (Nước Trời) mà thôi» (Mt 7,21); «Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành» (Lc 8,21); v.v… (x. Mt 7,24; Ga 4,34; 5,30b; 6,38; Dt 10,9; Mt 26,39b)

Nếu chúng ta quan tâm đến điều chính yếu này, thì đời sống tâm linh của chúng ta đã tiến bộ từ lâu. Và nhất là nếu ta nhận ra Ngài chính là nguồn mạch sự sống, sức mạnh, trí tuệ và tình yêu ở ngay trong bản thân ta, thì ta đã biết cách nhận được mọi sự từ nguồn mạch phong phú ấy. Nhưng dường như ta chỉ biết điều này trên lý thuyết, chứ không hề tìm cách đem ra thử nghiệm, nên chưa hề kinh nghiệm được chân lý này! Đáng tiếc thay!




CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, Thần Khí của Cha, của Đức Giêsu ở ngay trong bản thân con, nhưng con lại không nhận ra. Con cứ tìm Cha, tìm nguồn sức mạnh, tìm nguồn hạnh phúc ở tận đâu đâu bên ngoài con, nên con chẳng tìm ra. Con giống y như một nhà kia có cả một kho tàng vĩ đại chôn trong nhà mà không biết, nên suốt đời đành cam phận nghèo nàn của một kẻ ăn xin. Xin cho con nhận ra Thần Khí của Cha chính là kho tàng vĩ đại ấy ở trong con. Và cho con biết khai thác kho tàng ấy để sống dồi dào và hạnh phúc.


PS6a - Chỉ người tuân giữ giới răn yêu thương của Đức Giêsu mới được Thiên Chúa tỏ mình và ban Thánh Thần




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 6 Phục Sinh

(17-5-2020)

Chỉ người tuân giữ
giới răn yêu thương của Đức Giêsu
mới được Thiên Chúa tỏ mình
và ban Thánh Thần cho



ĐỌC LỜI CHÚA

  Cv 8,5-8.14-17: (15) Hai ông (Phêrô và Gioan) cầu nguyện cho họ, để họ nhận được Thánh Thần. (16) Vì Thánh Thần chưa ngự xuống một ai trong nhóm họ: họ mới chỉ chịu phép rửa nhân danh Chúa Giêsu. (17) Bấy giờ hai ông đặt tay trên họ, và họ nhận được Thánh Thần.

  1Pr 3,15-18: (15) Ðức Kitô là Ðấng Thánh, hãy tôn Người làm Chúa ngự trị trong lòng anh em. Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em. (16) Nhưng phải trả lời cách hiền hoà và với sự kính trọng.

  TIN MỪNG: Ga 14,15-21

Báo trước Ðấng Bảo Trợ

Khi ấy, Ðức Giêsu nói với các môn đệ: (15) Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy. (16) Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Ðấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. (17) Ðó là Thần Khí sự thật, Ðấng mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Người. Còn anh em biết Người, vì Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em. 

(18) Thầy sẽ không để anh em mồ côi. Thầy đến cùng anh em. (19) Chẳng bao lâu nữa, thế gian sẽ không còn thấy Thầy. Phần anh em, anh em sẽ được thấy Thầy, vì Thầy sống và anh em cũng sẽ được sống. (20) Ngày đó, anh em sẽ biết rằng Thầy ở trong Cha Thầy, anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em. 

(21) Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy.





CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1.   Ðức Giêsu nói: «Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy» . Các điều răn của Thầy ở đây là những điều răn cụ thể nào? Hãy lấy Kinh Thánh chứng tỏ điều ấy.

2.   Ðức Giêsu có đưa ra một tiêu chuẩn nào để dựa vào đó ta có thể biết ai là người yêu mến Thiên Chúa đích thực, là môn đệ đích thực của Ngài không?

3.   Ðức Giêsu hứa ban Thánh Thần cho những ai? Bạn quan niệm thế nào về Thánh Thần? Và muốn lãnh nhận Thánh Thần ta phải làm gì?

Suy tư gợi ý:

1.  «Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy»

Người Kitô hữu, theo định nghĩa, là người có Ðức Kitô nhờ theo Ngài và yêu mến Ngài. Người không yêu mến Ngài, không theo Ngài, thì không có Ngài, nên không phải là Kitô hữu đích thực. Khi yêu mến Ngài, thì ta sống trong tình trạng: «Anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em» (Ga 14,20). Thật vậy, người ta chỉ sống trong nhau, vì nhau, cho nhau, khi người ta yêu thương nhau thật sự. Vì thế, chúng ta chỉ sống trong Ðức Kitô, và được Ðức Kitô sống trong ta, khi ta yêu mến Ngài.


Nhưng làm sao yêu mến Ngài được, khi mà một cách hữu hình ta không hề thấy Ngài, nghe Ngài nói, động chạm đến Ngài? Ngài cho chúng ta một tiêu chuẩn để dựa vào đó mà biết mình có yêu Ngài hay không: «Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy» (Ga 14,15)

Nhưng điều răn của Ngài là gì? Có phải là đi lễ, đọc kinh hay cầu nguyện hằng ngày? Ðiều ấy chắc chắn là đúng, nhưng chắc chắn chưa phải là điều cốt yếu. Ðiều cốt yếu trong giới răn của Ngài đã được chính Ngài xác định rõ ràng như sau: «Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau» (Ga 12,34). Ngài cũng xác định luôn cả mức độ yêu: «Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em» (nt)

Như vậy, câu nói của Ngài «nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy» (Ga 14,15) có nghĩa là «nếu anh em yêu mến Thầy, thì anh em phải yêu thương nhau». Nói khác đi, ai yêu thương những người lân cận hay những người chung quanh mình mới là người thật sự yêu mến Thiên Chúa hay Ðức Giêsu. Nói cách khác nữa, ai không yêu những người gần gũi mình, những người mình gặp gỡ hằng ngày, người ấy không thật sự yêu mến Thiên Chúa. Thánh Gioan đã diễn giải điều này rõ hơn nữa: «Nếu ai nói : "Tôi yêu mến Thiên Chúa" mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy»  (Ga 4,20).



2.  Làm sao phân biệt Kitô hữu đích thực và không đích thực?

Ðức Giêsu còn đưa ra một tiêu chuẩn để nhận ra ai là môn đệ đích thật của Ngài: «Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau» (Ga 12,35). Ðọc lời Kinh Thánh trên, tôi nghĩ ngay đến những tiêu chuẩn mà tôi thường dùng để phân biệt hàng hóa nào là thật, hàng nào là giả mạo. Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều hàng giả mạo, thậm chí tiền cũng bị giả mạo nữa. Nhưng những người có kinh nghiệm nghề nghiệp vẫn luôn luôn có những tiêu chuẩn để phân biệt, nhờ vậy họ ít khi bị lầm. Chẳng hạn tôi đã có dịp so sánh hai loại tiền thật và giả. Loại giả thì giấy mỏng hơn, không cứng và dai bằng loại thật, màu sắc cũng không tươi nhuận bằng. Nhờ tiêu chuẩn ấy, cứ nhìn và cầm tiền giả trong tay là tôi biết ngay.

Cũng vậy, Ðức Giêsu đã đưa ra một tiêu chuẩn để mọi người có thể nhận ra ai là môn đệ đích thực của Ngài và ai là người chỉ mang danh hiệu môn đệ Ngài mà thôi. Ðó là dựa trên tình yêu của người ấy đối với đồng loại, cụ thể là những người gần gũi sống chung quanh họ. Tình yêu cụ thể đối với đồng loại là tính chất đặc trưng nhất của những người thật sự theo Ðức Giêsu
●  Hễ thấy ai có đặc trưng ấy, ta biết người ấy là môn đệ Ðức Giêsu. 
●  Ai không có đặc trưng ấy, thì dù có mang danh là môn đệ Ngài, họ cũng chỉ là thứ môn đệ hữu danh vô thực, giả hiệu mà thôi.

Thánh Phaolô nói: «Người Dothái chính hiệu không phải là căn cứ vào cái thấy được bên ngoài, phép cắt bì chính hiệu không phải là căn cứ vào cái thấy được bên ngoài, nơi thân xác. Nhưng người Dothái chính hiệu là người Dothái tận đáy lòng, phép cắt bì chính hiệu là phép cắt bì trong tâm hồn, theo tinh thần của Lề Luật chứ không phải theo chữ viết của Lề Luật» (Rm 2,2829)

Nếu đúng như vậy, thì một cách tương tự, không thể căn cứ vào danh hiệu Kitô hữu, vào việc có rửa tội hay không để xác định người ấy có phải là Kitô hữu đích thực hay không, mà phải căn cứ vào việc người ấy có tình yêu đối với tha nhân hay không.



3.  Thầy sẽ xin cho anh em một Ðấng Bảo Trợ khác

Ðức Giêsu hứa ban Thánh Thần cho những ai giữ các điều răn của Ngài: «Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy. Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Ðấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. Ðó là Thần Khí sự thật, Ðấng mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Người. Còn anh em biết Người, vì Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em» (Ga 14,15-17). Mà giới răn của Ngài là «Anh em hãy yêu thương nhau» (Ga 13,34)

Như vậy, phần thưởng lớn nhất mà Thiên Chúa dành cho những ai yêu mến Ðức Giêsu, được thể hiện cụ thể bằng việc yêu thương tha nhân, chính là được Ngài ban Thánh Thần cho

Nhưng Thánh Thần là ai? Ðược ban Thánh Thần thì có gì đặc biệt?

Trước hết, theo Ðức Giêsu, Thánh Thần là «một Ðấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi» (Ga 14,16). Theo tinh thần của câu này, thì Ðức Giêsu là một Ðấng Bảo Trợ đến trước, còn Thánh Thần là một Ðấng Bảo Trợ khác đến sau Ngài. Thánh Thần là «Thần Khí sự thật» (Ga 14,17). Ai yêu sự thật, muốn biết rõ sự thật, ắt hẳn sẽ thấy Thần Khí sự thật này rất cần thiết cho mình và xã hội, hay thế giới. Nhưng vì thế gian không yêu sự chân thật, nên Ðức Giêsu mới nói Thánh Thần là «Ðấng mà thế gian không thể đón nhận» (nt).

Thánh Thần hay Thần Khí của Thiên Chúa là một thực tại được nói đến rất nhiều trong Thánh Kinh, nhất là Tân Ước. Có thể nói Thánh Thần là sức sống, là tình yêu, sức mạnh, là sự khôn ngoan, thánh thiện của Thiên Chúa. Và Thiên Chúa đã ban Thánh Thần của Ngài cho Giáo Hội, cho chúng ta, nhất là cho những ai yêu mến Thiên Chúa hay Ðức Giêsu, được thể hiện qua việc yêu thương tha nhân.

Ðọc sách Tông đồ Công vụ, ta nhận thấy mọi hoạt động trong Giáo Hội thời ấy đều do Thánh Thần soi sáng, hướng dẫn, thúc đẩy. Ngài tác động trực tiếp trên tâm trí người này người kia. Và những người được tràn đầy Thánh Thần qua việc đặt tay của các tông đồ để được biến đổi một cách kỳ diệu: họ trở nên yêu mến Thiên Chúa, yêu mến Giáo Hội và sẵn sàng hy sinh cho tha nhân một cách hăng say, trở nên mạnh mẽ, can đảm, không sợ khó khăn, nguy hiểm, hay cả cái chết, trở nên khôn ngoan, sáng suốt phi thường, có thể làm nên những phép lạ. Ðặc biệt họ trở nên bình an, hạnh phúc bất chấp những hoàn cảnh khó khăn bên ngoài như bị bách hại, ghen ghét. Tư cách của những người được tràn đầy Thánh Thần trở nên hết sức phi thường. Thánh Phaolô đã diễn tả những đức tính mà những người đã lãnh nhận Thánh Thần có được như sau: «Hoa quả của Thần Khí là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ» (Gl 5,2223).

Theo lời Ðức Giêsu hứa, nếu ta tuân giữ các giới răn của Ngài, cụ thể là yêu thương tha nhân như chính Ngài đã yêu thương ta và yêu thương họ, thì ta sẽ nhận được Thánh Thần. Nhờ đó, đời sống của ta sẽ được biến đổi một cách kỳ diệu và phi thường. Và chắc chắn ta sẽ đạt được sự sống vĩnh cửu, vì «kết quả của Thần Khí là sự sống đời đời» (Gl 6:8). Vậy muốn được tràn đầy Thánh Thần, ta phải yêu thương tha nhân.



CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, qua bài Tin Mừng trên, con nhận ra một cách rất hữu hiệu để được Cha và Ðức Giêsu yêu mến, tỏ mình ra cho, đồng thời được ban tràn đầy Thánh Thần, đó là tuân giữ giới răn yêu thương của Ðức Giêsu. Xin cho con xác tín rằng tình yêu của con đối với Cha hay Ðức Giêsu phải được thể hiện ra bằng việc yêu thương tha nhân, cụ thể là yêu những người trong gia đình con, những người cùng làm việc với con trong xưởng thợ, những người hàng xóm, những bạn bè con gặp hằng ngày. Xin giúp con yêu họ cụ thể bằng sự quan tâm đến những niềm vui hay nỗi đau khổ của họ, đồng thời sẵn sàng hy sinh để giúp họ hạnh phúc hơn.

Nguyễn Chính Kết



Bấm vào đây để trở về bài chia sẻ/để đọc bài đào sâu: 
Dù đã lên trời, nhưng Đức Giêsu vẫn ở với chúng ta (https://chiasethanhuu.blogspot.com/2020/05/ps6b.html)


Sunday, May 3, 2020

Ps5b - Chúng ta có thể nhìn thấy Thiên Chúa ở đâu?




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 5 Phục Sinh

(10-5-2020)

Bài đào sâu

Chúng ta có thể nhìn thấy Thiên Chúa ở đâu?



  TIN MỪNG: Ga 14, 1-12

Nói với các môn đệ sau tiệc ly





Câu hỏi gợi ý:
1.   Thiên Chúa của chúng ta là một Thiên Chúa Ba Ngôi, Ba Ngôi đa dạng và khác biệt nhau, Ngài tạo dựng nên vũ trụ cũng vô cùng đa dạng và đầy khác biệt. Điều đó có ý nghĩa gì? Trong bối cảnh ấy, câu nói của Đức Giêsu: «Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở» (Ga 14,2) có ý nghĩa gì?

2.   Đức Giêsu nói: «Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha» (Ga 14,9). Chúa Cha vô hình, Đức Giêsu hữu hình, sao lại nói như thế được? Câu này phải hiểu thế nào?

3.   Bây giờ đâu ai thấy Đức Giêsu nữa. Vậy thì có cách gì khác để thấy Thiên Chúa? Có thể nói: «Ai thấy tha nhân là thấy Chúa Cha» không? Tại sao?


Suy tư gợi ý:

Trong bài Tin Mừng này, Đức Giêsu nói về hai thực tại siêu hình mà không ai ở trần gian này có thể hiểu thấu hay kinh nghiệm trực tiếp được. Trước hết Ngài nói về Nhà Cha Ngài, nơi Ngài và những kẻ theo Ngài sẽ đến. Ngài đã đến đó trước để chuẩn bị cho chúng ta, những người sẽ đến sau này. Kế đó, Ngài nói đến chính Thiên Chúa, Cha của Ngài.



1. Đức Giêsu nói về Nhà Cha Ngài, hay Thiên Đàng

Ngài nói: «Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở» (Ga 14,2). Nếu Thiên Chúa của chúng ta là một Thiên Chúa với Ba Ngôi khác nhau nhưng lại bằng nhau, đã tạo dựng nên một vũ trụ hết sức đa dạng với đủ mọi giống loài khác nhau, ắt Thiên Chúa của chúng ta phải là một Thiên Chúa rất thích sự đa dạng và tinh thần bình đẳng. Tất cả mọi sự Ngài dựng nên đều đa dạng, đều gồm nhiều loại khác nhau. Riêng con người, là «hình ảnh của Ngài», và «có nam có nữ» (St 1,26-27; 5,1), có nhiều chủng loại (da trắng, da đen, da màu), nhiều dân tộc, nhiều quốc gia, nhiều tôn giáo, nhiều nền văn hóa, nhiều tính tình, nhiều khuynh hướng khác nhau. Ngay trong cơ thể một con người thì cũng gồm nhiều cơ quan rất khác nhau. Như thế, ắt ở trên thiên đàng, Ngài cũng phải tạo lập nhiều «chỗ ở» rất khác nhau phù hợp với sự đa dạng của con người.

Thiên Chúa của chúng ta vốn đa dạng ngay từ bản tính (vì là Ba Ngôi khác nhau), và sự đa dạng ắt phải là bản chất mọi đường lối của Ngài. Thế nhưng con người – vốn được tạo dựng nên rất đa dạng – do lòng ích kỷ, tự kiêu và óc bè phái của mình, lại có khuynh hướng thích độc dạng. Họ không muốn những ai khác mình, có niềm tin, chủ trương hay đường lối khác mình… được tồn tại và phát triển. Họ chỉ muốn bè phái mình, văn hóa của mình, ý thức hệ của mình, tôn giáo của mình tồn tại và phát triển mà thôi. Vì thế, họ tìm cách thuyết phục hoặc ép buộc người khác phải giống mình, theo mình. Khuynh hướng này chính là nguồn gốc của tính độc tài, độc đoán, gây nên biết bao đau khổ cho nhân loại.

Họ muốn thống nhất mọi sự trong sự đồng dạng hay độc dạng, và dạng mà họ muốn mọi người đều phải có, chính là dạng của họ. Đó chính là một ước muốn đi ngược lại tự nhiên, ngược lại đường lối của Thiên Chúa. Vì thế, càng muốn thống nhất, càng không chấp nhận sự khác biệt của nhau, con người càng bị chia rẽ. Câu chuyện về tháp Baben (St 11,1-9) là một bài học điển hình mà con người suốt bao thế hệ học mãi vẫn không thuộc. Con người muốn thống nhất mọi sự: «Ta hãy xây cho mình một thành phố và một tháp có đỉnh cao chọc trời. Ta phải làm cho danh ta lẫy lừng, để khỏi bị phân tán trên khắp mặt đất» (St 11,4). Nhưng điều đó ngược lại thánh ý Thiên Chúa, nên Ngài đã quyết định «làm xáo trộn tiếng nói của mọi người, và phân tán họ ra khắp nơi trên mặt đất» (St 11,9).

Trong quá khứ, Giáo Hội Công giáo cũng đã từng bị cám dỗ muốn thống nhất trong đồng dạng hơn là hiệp nhất trong đa dạng. Lịch sử cho thấy mỗi lần Giáo Hội thống nhất thêm một chi tiết về đức tin thì lại có thêm một bè rối hoặc một giáo phái ly khai. Vì thế, hiện nay sự hiệp nhất trong Giáo Hội đã bị sứt mẻ rất nhiều. Trong Tông Thư «Tiến Tới Thiên Niên Kỷ Thứ Ba» (Tertio Millennio Adveniente), Đức Gioan-Phaolô II đã kêu gọi Giáo Hội sám hối vì trong thiên niên kỷ thứ hai, Giáo Hội một phần nào đã «phá hỏng sự hiệp nhất mà Thiên Chúa muốn có nơi Dân Ngài» (số 34)

Và hiện nay Giáo Hội đang muốn sửa chữa lại những sứt mẻ ấy. Nhưng thiết tưởng Giáo Hội chỉ có thể thành công nếu chủ trương hiệp nhất chứ không thống nhất. Hiệp nhất là tập hợp những con người hay tập thể khác nhau, có chủ trương khác nhau thành một tập thể lớn có một đường hướng chung, nhưng vẫn tôn trọng sự khác biệt của nhau. Còn thống nhất là dẹp bỏ tất cả những khác biệt để trở nên một khối đồng nhất, đồng dạng. Hiện nay, sau công đồng Vatican II, trên lý thuyết, Giáo Hội đang chủ trương hiệp nhất trong đa dạng. Ước mong chủ trương ấy đang được thực hiện.

Đang khi Đức Giêsu muốn dọn chỗ cho mọi người trên thiên đàng, thì lại có nhiều người muốn hạn chế số người được vào thiên đàng vì họ mong rằng chỉ những ai cùng tôn giáo, cùng niềm tin, cùng chủ trương với mình mới được vào đấy mà thôi. Tôi e rằng chính những người này sẽ không thích hợp với một thiên đàng «có nhiều chỗ ở», rất phong phú và đa dạng theo ý muốn của Thiên Chúa.



2. Đức Giêsu nói về Thiên Chúa hay Cha của Ngài

Chẳng ai thấy được Thiên Chúa vì Ngài vô hình đối với mọi giác quan con người. Nhưng kinh nghiệm về Thiên Chúa thì ai cũng có thể có được. Tương tự như dòng điện chẳng ai có thể thấy được, nhưng thời nay, ai cũng có đầy ắp kinh nghiệm về điện, cho dù là trẻ con. Thật vậy, khi cả phố đang bị cúp điện mà bắt đầu có điện lại, là ta thấy đám trẻ con trong xóm la ầm lên ngay: «Có điện rồi!» Dòng điện không thể thấy được, vậy tại sao khi có điện chúng lại nhận ra ngay? Chính vì chúng thấy dòng điện biểu hiện thành đèn sáng, quạt quay, tivi có hình, v.v… Cũng vậy đối với Thiên Chúa. 

Tất cả những gì hiện hữu và hoạt động ở trong bản thân ta và chung quanh ta đều là những biểu hiện của Thiên Chúa. Vì không có Thiên Chúa thì không thể có tất cả những thứ ấy. Vì thế, thật là ngớ ngẩn khi Philípphê yêu cầu Đức Giêsu: «Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha» (Ga 14,8). Yêu cầu ấy cũng ngớ ngẩn y như yêu cầu của một em bé đang coi tivi dưới ánh đèn sáng choang: «Bố ơi, xin cho con thấy điện là gì? ở đâu?» Bố em sẽ chỉ vào tivi đang có hình và bóng đèn đang sáng, nói: «Điện đấy con!».

Thiên Chúa không thể thấy được, nhưng biểu hiện rõ nét nhất của Ngài là Đức Giêsu, Con yêu quý của Ngài (và tất cả mọi người cùng với tất cả những gì hiện hữu). Thánh Phaolô viết: «Người là phản ánh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa» (Dt 1,3; x. Cl 1,15). Vì thế, Đức Giêsu mới nói với Philípphê: «Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha» (Ga 14,9), phần nào tương tự như: ai thấy đèn sáng là thấy dòng điện. 

Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, Ngài giống Thiên Chúa Cha chắc chắn không phải ở thân xác, mà chủ yếu là ở tình yêu vô biên của Ngài đối với nhân loại và vũ trụ. Không gì biểu hiện Thiên Chúa cách trung thực cho bằng tình yêu chân thật, nhất là thứ «tình thương của người dám hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình» (Ga 15,13). Ai càng có nhiều tình yêu chân thật thì càng giống Thiên Chúa, vì từ bản chất, «Thiên Chúa là tình yêu» (1Ga 4,8.16), mà Đức Giêsu là người có tình yêu cao cả nhất. Vì thế, tình yêu mới chính là bản chất cốt yếu của sự thánh thiện, hơn là việc có nhiều nhân đức hay sự trong sạch. Trong sạch như thiên thần, đầy nhân đức như Đức Mẹ mà thiếu tình yêu thì cũng giống như một dãy số không (= 0 hay zêrô) thiếu số 1 đứng đầu.

Tuy nhiên, biểu hiện của Thiên Chúa không chỉ có Đức Giêsu, mà còn là tất cả những gì hiện hữu và hoạt động trong vũ trụ, vì không gì có thể hiện hữu hay hoạt động mà không do Thiên Chúa, hoặc không có nền tảng là Thiên Chúa. Nhưng một trong những biểu hiện rất rõ nét và cụ thể của Thiên Chúa chính là những người sống chung quanh ta, những người mà ta gặp trong cuộc đời. Họ cũng chính là hiện thân và là hình ảnh của Thiên Chúa đối với ta. Kinh Thánh đã xác nhận điều đó trong rất nhiều câu như: «Mỗi lần các ngươi làm (/không làm) điều gì cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm (/không làm) cho chính Ta» (Mt 25,40.45)

Vì thế, ta không cần phải tìm gặp Thiên Chúa ở đâu xa. Lời Đức Giêsu nói với Philípphê có thể đổi lại thành: «Ai thấy tha nhân là thấy Chúa Cha». Tình yêu và cách đối xử của ta đối với tha nhân sẽ được Thiên Chúa chính thức coi là tình yêu và cách đối xử thực tế nhất với chính Ngài, hơn là những biểu lộ tình yêu đối với Ngài trong những nghi thức tôn giáo bề ngoài. Rất nhiều Kitô hữu không nắm được điều cốt yếu và cần thiết này, nên có thể họ sẽ rất ngạc nhiên khi thấy Chúa nói với họ trong ngày phán xét: «Ta không hề biết các ngươi; hỡi bọn làm điều gian ác» (Mt 7,23).



CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, con cảm nghiệm về Cha cách sâu xa và dễ dàng nhất khi con cảm nghiệm về chính bản thân con. Bản thân con chính là tác phẩm của Cha với biết bao kỳ diệu hàm ẩn trong đó. Vì thế, biểu hiện cụ thể nhất, dễ cảm nghiệm nhất về sự hiện hữu của Cha đối với con chính là sự hiện hữu đầy kỳ diệu của chính bản thân con. Con cũng chính là biểu hiện của Cha. Xin Cha hãy biến con thành một biểu hiện trung thực của Cha trước mặt mọi người bằng cách đổ tràn tình yêu chân thật của Cha vào trong con, để con yêu thương mọi người như chính Đức Giêsu yêu thương con. Để qua tình yêu chân thật của con, mọi người đều nhận ra Cha ở nơi con.

Nguyễn Chính Kết



Bấm vào đây để trở về bài chia sẻ: 
Bao dung, tha thứ, chấp nhận khác biệt nơi tha nhân, là đức tính cần thiết của mọi công dân Thiên Đàng
(https://chiasethanhuu.blogspot.com/2020/05/ps5a.html)