CHIA SẺ TIN MỪNG
Chúa Nhật Phục Sinh
(12-04-2020)
Bài đào sâu
(12-04-2020)
Bài đào sâu
Làm sao để được biến đổi thành «con người mới»?
• TIN MỪNG: Mt 28,1-10
Câu hỏi gợi ý:
1. Bạn đã trải qua bao nhiêu mùa Chay và mùa Phục sinh rồi? Qua những mùa ấy, bạn có thật sự được biến đổi để thực hiện «con người mới» không? Nếu không thì tại sao? Cần phải biết rõ nguyên nhân.
2. Muốn được biến đổi thật sự nên «con người mới», đâu là điều quan trọng có tính quyết định và tất yếu? Đâu là những điều không quan trọng?
3. Thiên thần nói: «Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết?» Ta có thể tìm gặp Đức Giêsu khi quá chú trọng đến những phương tiện để gặp Ngài không?
Suy tư gợi ý:
1. Qua một mùa Chay, ta đã thấy mình được biến đổi chưa?
Hôm nay là lễ Phục Sinh. Thế là chúng ta đã qua mùa Chay thánh, mùa của ăn năn sám hối, của cải thiện đời sống. Nếu ta sống mùa Chay đúng với tinh thần phải có của mùa Chay, chắc hẳn ta đã cảm thấy mình như được phục sinh trở lại về mặt tâm linh, nghĩa là trở thành «con người mới» như Thánh Phaolô khuyến khích ta (Ep 4,24; Cl 3,10). Nhưng ta thử xét lại xem dịp lễ Phục Sinh này, ta có trở thành «con người mới» thật sự không? Ta đã sống lại cùng với Đức Giêsu Phục Sinh chưa? Cuộc đời ta đã thật sự thay đổi chưa?
Cuộc đời Kitô hữu của ta đã trải qua không biết bao nhiêu là mùa Chay, còn được gọi là «mùa Xuân của Giáo Hội», với bao nhiêu cuộc tĩnh tâm, cấm phòng, canh thức… Nhưng nhìn lại bản thân, nhiều khi ta thấy mình chẳng được biến đổi bao nhiêu. Đáng lẽ mỗi dịp mùa Chay, ta phải tiến lên một bước trên con đường tâm linh. Nhưng hỡi ôi, đôi lúc ta thấy mình như thụt lùi, tình trạng tâm linh của ta hiện nay đôi khi không bằng ngày xưa. Nếu có tiến bộ, thì chẳng bao nhiêu, nghĩa là dường như ta chẳng thay đổi gì cả hay chẳng thay đổi bao nhiêu. Nhất là ta chưa cảm nhận được một sức mạnh đến từ bên trong giúp sống thánh thiện hơn, yêu thương hơn, vui tươi hạnh phúc hơn, đúng như một Kitô hữu đáng lý phải như thế.
Tóm lại, bản thân tôi hiện nay, dù trải qua bao nhiêu mùa Chay và mùa Phục sinh, dường như vẫn chỉ là «con người cũ» (Rm 6,6; Ep 4,22; Cl 3,9), chưa hề được biến đổi ra «con người mới» bao giờ.
2. Quá trình phải có để biến đổi
Làm việc gì, muốn thành công cũng đều phải có phương pháp, phải tuân theo một quá trình hợp lý và hữu hiệu. Vậy phải theo phương pháp hay quá trình nào mới có thể biến từ con người cũ sang con người mới? Bài Tin Mừng hôm nay giới thiệu cho ta hai điều quan trọng,
a) Quá trình biến đổi:
Đức Giêsu được biến đổi thành thân thể phục sinh bằng cách chịu đau khổ và chết đi. Ngài nói trước điều ấy: «Con Người phải bị nộp vào tay phường tội lỗi, và bị đóng đinh vào thập giá, rồi ngày thứ ba sống lại» (Lc 24,7). Chỉ sau khi chết đi, Ngài mới có thể sống lại. Ngài đã từng nói bóng gió về quá trình này, «Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn mãi mãi chỉ là hạt lúa; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác» (Ga 12,24). Do đó, muốn biến đổi «con người cũ» thành «con người mới», thì điều kiện không thể không có là «con người cũ» phải chết đi.
«Con người cũ» ở đây phải được hiểu là «cái tôi ích kỷ» mà ta luôn luôn muốn bảo vệ, muốn đề cao, muốn tất cả mọi người mọi sự phải quy hướng về, muốn là «cái rốn» của vũ trụ, muốn phình to lên để đè bẹp và lấn át những «cái tôi» khác… «Con người cũ» ấy phải chết đi, thì «con người mới» kia mới sinh ra được.
«Chết đi» ở đây không hiểu theo nghĩa đen, mà theo nghĩa tâm linh. «Chết đi» là dù nó đang có, dù ta đang cảm nghiệm nó một cách rất rõ ràng, ý thức về nó một cách rất sâu sắc, nhưng ta hãy coi nó như không có, như nó chẳng là gì cả, như nó không đáng ta phải quá bận tâm. Và tích cực hơn nữa là thái độ sẵn sàng chấp nhận để «cái tôi» ấy bị đau khổ, bị hạ giá, bị mất đi, bị quên lãng, thậm chí bị hủy diệt để ích lợi cho Thiên Chúa và tha nhân. Làm như thế là thực hiện tinh thần xóa mình, quên mình, từ bỏ mình của Đức Giêsu. Ngài đã từng nói: «Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo» (Mt 16,24; Mc 8,34; Lc 9,23).
Thái độ tự xóa này phải là một thái độ chân thành, nghĩa là phải luôn luôn sẵn sàng trở thành hành động thực tế. Điều hết sức nghịch lý là khi «cái tôi» của ta càng sẵn sàng xóa mình, chấp nhận đau khổ hay bị hủy diệt, thì Thiên Chúa và tha nhân càng thấy «cái tôi» ấy của ta giá trị lên, và «cái tôi» ấy càng cảm thấy tràn đầy sức sống, sự mạnh mẽ của Thiên Chúa. Đúng như lời của thánh Phanxicô Assi: «Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân… chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời» (chữ chết đi và vui sống muôn đời ở đây nên hiểu là một thái độ sống, chứ đừng hiểu theo nghĩa đen, mặc dù nghĩa đen cũng có phần đúng).
Bản thân hay con người ta phải trống đi «cái tôi», cùng với những thứ liên quan tới nó như «ý muốn của tôi», «ý kiến của tôi», chỉ khi ấy Thiên Chúa mới lấp đầy bản thân ta bằng sức mạnh của Ngài được. Làm trống rỗng «cái tôi» ấy là cách khôn ngoan nhất để nhận được sức mạnh vô biên của Thiên Chúa.
Hãy dùng một minh họa để dễ hiểu. Giả như ta có một bình nước đang đựng một chất nước không đáng giá. Bây giờ ta muốn dùng nó để đựng một chất nước quý giá gấp ngàn lần. Lúc đó ta phải làm sao? Người khôn ngoan sẽ đổ hết tất cả nước cũ ra ngoài hầu có thể đổ vào đó tối đa thứ nước quý giá kia. Cũng vậy, bản thân ta như cái bình, muốn nhận được sức mạnh vô song của Thiên Chúa thì phải đổ bỏ hoàn toàn nước cũ kém giá trị kia đi là «cái tôi» của ta. Chỉ cần còn lại một ít nước cũ trong bình thì chất nước mới sẽ kém chất lượng và không thể chiếm trọn dung tích bình được.
Tóm lại, muốn cho «con người mới» sinh ra, thì «con người cũ» phải chết đi. «Chết đi» được thực hiện trong tinh thần (chứ không phải bằng thân xác) là sẵn sàng chấp nhận đau khổ, nhục nhã, thiệt thòi, bất an, vì tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân. Còn là «con người cũ», ta chỉ có được những hạnh phúc mau qua được xây dựng bằng những thực tại trần gian. Trở thành «con người mới» ta sẽ đạt được bình an và hạnh phúc siêu nhiên, bền vững, không ai lấy mất được (x. Ga 16,22; Rm 8,38-39), và tâm hồn ta mạnh mẽ hơn lên rất nhiều (x. Mt 11,12; Cv 1,8; 4,33; Pl 4,13).
Điều tôi khám phá ra và trở thành một kinh nghiệm quí báu của tôi, đó là khi tôi sẵn sàng chấp nhận bất cứ thứ đau khổ nào xảy đến, thậm chí phải chết đau đớn và nhục nhã, thì khó có điều gì xảy đến có thể làm tôi đau khổ. Vì sẵn sàng chấp nhận như thế, nên tôi phần nào trở nên «vô úy», không sợ hãi những điều mà trước đây tôi luôn luôn lo sợ. Nhờ vậy, tôi thấy tâm hồn mình mạnh mẽ hơn lên rất nhiều. Hóa ra càng sẵn sàng chấp nhận đau khổ, thì nghịch cảnh càng khó làm cho mình đau khổ. Và điều kỳ diệu hơn nữa là nghịch cảnh dường như ít xảy đến với tôi hơn. Các bạn cứ thử thí nghiệm như tôi đi, tôi nghĩ các bạn cũng sẽ thấy như vậy.
b) Bí quyết biến đổi:
Thiên thần hỏi các bà đến thăm mộ Đức Giêsu: «Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết?» (Lc 24,5). Đây là một thái độ thông thường của rất nhiều Kitô hữu. Chúng ta muốn tìm sự sống, nhưng lại tìm ở những nơi, những thực tại không sự sống. Sự sống phát xuất từ Đức Giêsu, từ chính bản thân Ngài, từ Thần Khí của Ngài, hơn là từ lý thuyết của Ngài hay của bất kỳ ai, hơn là từ những công việc của Ngài. Vì thế, muốn tìm sự sống, ta phải gắn bó với bản thân Ngài, tiếp xúc thật sự với chính Ngài, trở nên một với Ngài, chứ không phải với bất kỳ cái gì khác với Ngài, dù là giáo lý của Ngài, lời nói của Ngài, những lý thuyết nói về Ngài…
Chỉ có Ngài hay Thần Khí của Ngài mới có thể ban cho ta sự sống chứ không phải những thứ khác. Giáo lý của Ngài, lời nói của Ngài, những lý thuyết nói về Ngài chỉ là những phương tiện ban đầu giúp ta hiểu Ngài, đến với Ngài, và nhờ đó ta kết hiệp được với Ngài, chứ những thứ đó không hề có khả năng đem lại sự sống cho chúng ta. Những thứ đó thường chỉ ví như những «văn tự chết». Thánh Phaolô nói: «Chữ viết thì giết chết, còn Thần Khí mới ban sự sống» (2Cr 3,6).
Tôi không phủ nhận sự cần thiết của giáo thuyết, giáo lý hay thần học, của các bí tích, các lễ nghi… Nhưng tất cả những thứ ấy chỉ là những phương tiện dẫn ta đến với Thiên Chúa hay Đức Giêsu. Tất cả những thứ ấy tuyệt đối không thể ban cho ta sự sống hay sức mạnh. Nếu ta dùng tất cả những phương tiện ấy mà không nhắm gặp được chính bản thân Đức Giêsu, thì tất cả đều trở nên vô ích. Còn nếu ta quyết tâm tìm gặp chính Đức Giêsu, gặp chính Ngài, cảm nghiệm được Ngài, kết hiệp với Ngài, thì ta mới nhận được sự sống từ Ngài, mà không nhất thiết phải nhờ một phương tiện cố định nào.
Thật vậy, rất nhiều khi ta dâng thánh lễ, hay rước lễ chỉ là để dâng thánh lễ hay rước lễ, chứ không phải là để gặp Đức Giêsu. Tâm trí ta bị thu hút bởi thánh lễ, bởi việc rước lễ, chứ không phải bởi việc gặp Đức Giêsu. Chúng ta bị thu hút hoàn toàn bởi phương tiện ta dùng, mà quên đi chính mục đích. Chính vì thế, rất nhiều khi ta đến với phép Thánh Thể, đến với Thánh Lễ, rước lễ mà chẳng gặp được Đức Giêsu.
Muốn gặp Đức Giêsu, ta phải tìm chính bản thân Đức Giêsu, Ngài rất dễ tìm, vì Ngài hiện diện khắp nơi, trong các tạo vật, nhất là nơi những người sống chung quanh ta, và nơi cung lòng của chính chúng ta.
CẦU NGUYỆN
Lạy Cha, con chỉ có thể trở thành «con người mới» khi «con người cũ» của con chết đi. Xin giúp con chết đi con người ích kỷ của con, để con người vị tha của con có thể sinh ra.
Nguyễn Chính Kết
Bấm vào đây để trở về bài chia sẻ:
Chúa phục sinh, tâm hồn ta cũng phải phục sinh thành con người mới (https://chiasethanhuu.blogspot.com/2020/04/psa.html).
Bấm vào đây để trở về bài chia sẻ:
Chúa phục sinh, tâm hồn ta cũng phải phục sinh thành con người mới (https://chiasethanhuu.blogspot.com/2020/04/psa.html).
Thật sự gặp gỡ Đức Giêsu, con người tự động biến đổi thành con người mới
(x. Lc 19,1-10)
No comments:
Post a Comment