CHIA SẺ TIN MỪNG
Chúa Nhật thứ 5 Mùa Chay
(29-3-2020)
Bài đào sâu
(29-3-2020)
Bài đào sâu
Đức tin thực nghiệm trong đời sống Kitô hữu
• TIN MỪNG: Ga 11,1-45
Câu hỏi gợi ý:
1. Thiên Chúa có đòi hỏi ta tin vào Ngài một cách không bằng chứng, không cơ sở, không hợp lý không?
2. Trước khi mời gọi ta tin vào Ngài, Ngài có cho ta một kinh nghiệm nào về Ngài hầu ta có cơ sở để tin không?
3. Tại sao Đức Giêsu cố ý không về gặp Ladarô khi ông còn sống mà để ông chết rồi mới về (x. Ga 11,6)? Mục đích của Đức Giêsu khi làm cho Ladarô sống lại là gì?
Suy tư gợi ý:
1. Đức tin vào Thiên Chúa phải dựa trên những kinh nghiệm trong quá khứ về tình yêu và quyền năng của Ngài
Trong 28 câu của bài Tin Mừng, chúng ta thấy có đến 9 chữ «tin». Toàn bài nhấn mạnh đến sự cần thiết phải tin vào tình yêu và quyền năng Thiên Chúa để giải quyết những vấn đề cụ thể của đời sống thực tế và thường ngày của mỗi người. Nhờ tin vào tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa, chúng ta mới có đủ sức mạnh để vượt qua những khó khăn, và thực hiện những gì cần thiết cho hạnh phúc và cuộc sống của ta.
Đành rằng tin là chấp nhận những gì trước mắt chưa rõ ràng và chắc chắn, nhưng Thiên Chúa không bao giờ đòi hỏi chúng ta tin Ngài cách mù quáng, không có bằng chứng xác đáng. Ngài chỉ đòi hỏi chúng ta tin những gì đáng tin mà thôi. Trước khi đòi hỏi ta tin vào tình yêu và quyền năng của Ngài, Ngài luôn luôn tạo chúng ta cơ hội để kinh nghiệm thật sự về tình yêu và quyền năng của Ngài. Kinh nghiệm ấy sẽ trở thành nền tảng để chúng ta tin vào Ngài trong những hoàn cảnh hay tình huống mới.
Trong đời thường, khi hùn một số vốn thật lớn để làm ăn chung với ai, ta phải tin vào lương tâm và khả năng làm ăn của người ấy. Làm sao ta có thể tin người ấy một cách vững vàng, nếu ta chưa hề thấy người ấy chứng tỏ sự đáng tin của họ? Phải dựa vào đâu để biết được họ đáng tin?
– Trước khi hùn một số vốn lớn để làm ăn với ai , ta phải có thời làm ăn với họ trong những vụ làm ăn nhỏ. Khi làm ăn nhỏ, nếu họ tỏ ra đáng tin, ta mới dám tiếp tục làm ăn với họ trong những vụ lớn hơn. Kinh nghiệm về thành quả quá khứ sẽ trở thành nền tảng cho niềm tin trong hiện tại. Những người tự tin vào mình cũng đều có kinh nghiệm về khả năng của mình trong quá khứ. Có thấy được khả năng của chính mình trong quá khứ qua những thành công nho nhỏ, ta mới dám tự tin vào mình trong những chuyện lớn hơn.
Niềm tin được xây dựng trên kinh nghiệm của quá khứ như thế mới là niềm tin khôn ngoan và mới vững mạnh được. Niềm tin vào Thiên Chúa cũng phải dựa vào kinh nghiệm quá khứ như thế.
2. Thiên Chúa chỉ mời gọi ta tin và thử thách đức tin của ta khi đã cho ta những kinh nghiệm về Ngài
Khi đặt niềm tin vào một người, có hai thái độ nên tránh:
– một là chưa có kinh nghiệm gì về sự đáng tin của người ấy mà đã vội tin. Đây là thái độ cả tin, nhẹ dạ, rất nguy hiểm và thiếu khôn ngoan.
– hai là đã thấy người ấy tỏ ra rất đáng tin trong những chuyện nhỏ, mà vẫn luôn luôn nghi ngờ, không dám đặt niềm tin vào người ấy trong những chuyện khác hoặc chuyện lớn hơn một chút. Như vậy, dù người ấy có đáng tin tới mức độ nào, ta cũng không dám tin. Điều này khiến ta mất đi nhiều cơ hội quý trong cuộc đời. Một người làm ăn mà có thái độ này thì không bao giờ làm ăn lớn được, và không bao giờ giàu có được.
Khi tin vào Thiên Chúa, ta cần tránh hai thái độ ấy. Thiên Chúa không bao giờ mời gọi hay đòi hỏi ta tin điều gì mà ta chưa hề có kinh nghiệm về sự đáng tin của nó. Khi Ngài mời gọi hay đòi hỏi ta tin, thì chắc chắn trước đó Ngài đã từng chứng tỏ tình yêu và quyền năng của Ngài để ta có cơ sở cho niềm tin của ta trong những trường hợp về sau.
Nhưng khi ta đã có kinh nghiệm nhiều lần về tình yêu và quyền năng của Ngài, thì Ngài thường thử thách niềm tin của ta. Nếu ta không dám tin vào quyền năng của Ngài mà ta đã từng có kinh nghiệm trong quá khứ, thì ta sẽ không có thêm kinh nghiệm về quyền năng ấy. Đức tin của ta sẽ dừng lại đó, không lớn mạnh thêm, mà trái lại, có thể bị hao hụt đi. Ngược lại, nếu ta tin và chứng tỏ niềm tin ấy bằng sự dấn thân cụ thể, ta sẽ kinh nghiệm thêm lần nữa về quyền năng của Ngài. Nhờ đó đức tin của ta lớn mạnh hơn. Một đức tin vững mạnh sẽ biến đổi ta thành «con người mới» (Ep 2,15; 4,24; Cl 3,10) và đời sống ta thành «đời sống mới» (Rm 6,4; 8,11; Cl 3,3).
Chẳng hạn, khi dân Do Thái chưa có kinh nghiệm về Ngài, thì Ngài cho họ kinh nghiệm ấy. Ngài cho họ vượt qua Biển Đỏ cách lạ lùng và cứu họ khỏi đất Ai Cập. Lần đó, Ngài đã làm cho nước ở Biển Đỏ rẽ ra trước rồi sau đó mới bảo họ bước xuống biển (x. Xh 14,21-22). Ngài không đòi hỏi họ lòng tin vì họ chưa có kinh nghiệm về quyền năng của Ngài.
Nhưng khi Ngài yêu cầu các tư tế khiêng hòm bia qua sông Giođan, Ngài không còn làm cho nước rẽ ra trước, mà yêu cầu họ bước xuống sông khi nước sông vẫn còn tràn bờ. Lần này Ngài mới đòi hỏi họ phải tin, vì họ đã có kinh nghiệm về quyền năng của Ngài. Và họ đã chứng tỏ niềm tin của họ bằng hành động cụ thể là dám bước xuống sông khi còn đầy nước. Và Thiên Chúa không để họ mất niềm tin: khi chân họ vừa đụng xuống mặt nước, thì nước lập tức rẽ sang hai bên để họ đi qua (x. Gs 3,13).
Cũng vậy, để chuẩn bị và củng cố niềm tin cho các tông đồ vào sự sống lại của Ngài, Đức Giêsu đã cố ý (x. Ga 11,4.15) cho các tông đồ một kinh nghiệm vô cùng sống động về quyền năng phi thường của Ngài. Đó là Ngài làm cho Ladarô sống lại, chưa kể trước đó Ngài đã từng làm kẻ chết sống lại nhiều lần trước mặt các tông đồ (x. Mt 9,25; Lc 7,14-15; Ga 4,50-53). Thế mà khi Đức Giêsu chết, nhiều tông đồ đã mất hết niềm tin đến nỗi thất vọng và sợ hãi.
3. Kinh nghiệm cá nhân
Về phương pháp sư phạm của Thiên Chúa để củng cố niềm tin cho mỗi người, tôi xin chia sẻ kinh nghiệm cá nhân của tôi. Hiện nay, tôi tin khá vững vàng vào sự quan phòng của Thiên Chúa trong đời sống tôi. Vì tôi từng kinh nghiệm khá nhiều về việc Thiên Chúa can thiệp và dẫn dắt tôi một cách lạ lùng. Trong đó có việc rất cụ thể là Thiên Chúa lo cho đời sống vật chất của tôi và gia đình trên 20 năm qua (tính từ khi tôi lập gia đình).
Niềm tin của tôi khởi đầu bằng một lập luận. Tôi cho rằng Thiên Chúa đã tạo dựng nên vũ trụ và chính con người tôi một cách vô cùng hoàn hảo. Nếu Ngài đã tạo dựng nên bộ máy tiêu hóa ở trong tôi một cách thật khôn ngoan và thông minh tuyệt vời, chẳng lẽ Ngài lại để cho bộ máy ấy thiếu thức ăn để tiêu hóa. Tôi không thể tin rằng Ngài lại là hạng người «đánh trống bỏ dùi» hay «đem con bỏ chợ»: dựng nên bộ máy tiêu hóa một cách hoàn hảo với những đòi hỏi của nó để rồi lại để nó lâm cảnh thiếu thốn, không có gì để tiêu hóa (xem thêm Mt 6,25-34). Nếu tôi có bị đói hay bị thiếu thốn thì tôi tin rằng đó là do lỗi của tôi: tôi đã vi phạm luật thiên nhiên hoặc luật của Ngài khi không làm theo đúng những gì lương tâm và tình yêu mình đòi buộc.
Tin tưởng như thế, nên khi có sự xung đột giữa tiếng lương tâm và nhu cầu sinh sống –nghĩa là nếu làm theo đòi hỏi của lương tâm hay tình yêu ắt có nguy cơ bị thiếu thốn– thì tôi cứ liều hay can đảm làm theo lương tâm, phó mặc chuyện sinh sống của mình cho Ngài. Kinh nghiệm nhiều lần cho tôi thấy: khi suy nghĩ và hành động như vậy, chẳng những tôi không bị thiếu thốn, mà Ngài còn ban cho tôi đầy đủ hơn nữa. Tôi nhận ra Ngài có trăm ngàn cách kỳ diệu để lo lắng cho tôi khi tôi quyết sống theo đường lối Ngài. Trái lại, khi tôi lo sợ thiếu thốn đến nỗi không dám làm theo thánh ý Ngài, không theo đường lối Ngài, thì tôi thường phải trả giá cho việc ấy bằng một sự thiệt hại nào đó, có thể là sự thiếu thốn hơn.
CẦU NGUYỆN
Lạy Cha, xin cho con biết dựa vào tình yêu và quyền năng của Cha mà con đã kinh nghiệm trong quá khứ để tin vững vàng hơn hầu quảng đại và can đảm dấn thân theo đường lối và thánh ý Cha.
Nguyễn Chính Kết
Bấm vào đây để trở về bài chia sẻ:
Đức Giêsu vừa là Thiên Chúa vừa là con người (https://chiasethanhuu.blogspot.com/2020/03/chay5a.html).
Bấm vào đây để trở về bài chia sẻ:
Đức Giêsu vừa là Thiên Chúa vừa là con người (https://chiasethanhuu.blogspot.com/2020/03/chay5a.html).
No comments:
Post a Comment