CHIA SẺ TIN MỪNG
Chúa Nhật thứ 3 Mùa Chay
(15-3-2020)
Bài đào sâu
(15-3-2020)
Bài đào sâu
Thờ phượng Thiên Chúa «trong thần khí và sự thật» là gì?
• TIN MỪNG: Ga 4,5-42
1. Có thực tại trần gian nào thỏa mãn được những khát vọng vô hạn của con người không? Những thực tại siêu nhiên thì sao? Thực tại nào có thể thỏa mãn những khát vọng của con người để họ được hạnh phúc?
2. Người ta có luôn luôn thật sự gặp gỡ Thiên Chúa trong kinh nguyện, trong thánh lễ, trong các bí tích không? Muốn thật sự gặp gỡ Thiên Chúa phải có những yếu tố nào?
3. Thế nào là thờ phượng, gặp gỡ Thiên Chúa trong thần khí và sự thật?
Suy tư gợi ý:
1. Khát vọng của con người không bao giờ được thỏa mãn
Khát nước, đó là tình trạng thiếu thốn mà ai cũng đều kinh nghiệm hằng ngày. Khát nước đòi người ta phải uống nước để thỏa mãn cơn khát. Nếu không thỏa mãn, con người sẽ bị cơn khát dằn vặt rất đau khổ. Uống rồi thì hết khát, nhưng chỉ một thời gian (một tiếng hay hai tiếng sau) cơn khát lại trở lại, và cứ thế mãi. Ðói cũng tương tự như khát.
Ngoài nước uống và thức ăn, con người còn đói khát nhiều chuyện khác: tình cảm, tình yêu, tình dục, tiếng khen, tiền bạc, địa vị, quyền lực, hiểu biết, trở nên hoàn hảo, v.v... Nhưng tất cả những thứ ấy, dù đạt được như lòng mong ước, thì con người cũng chỉ thỏa mãn một thời gian rất ngắn, để rồi lại tiếp tục cảm thấy thiếu thốn. Nếu không tiếp tục thỏa mãn, con người cảm thấy đau khổ. Khi không có chiếc xe đạp, ta cảm thấy thiếu và mong có được chiếc xe đạp. Khi đã có chiếc xe đạp, ta lại thấy thiếu và mong có chiếc gắn máy. Cứ thế, chẳng bao giờ ta hết thiếu thốn, hết đói khát, hay hết khát vọng cả. Hạnh phúc của con người vì thế chỉ luôn luôn tạm thời: được no đủ trong giây lát để rồi lại đói khát triền miên.
Như vậy, con người cứ phải nô lệ cho những cơn khát đủ loại của mình, cứ phải vất vả để tìm đủ cách thỏa mãn chúng. Trong khi tìm cách thỏa mãn chúng, nhiều khi con người phải hy sinh cả gì mình quí nhất: mạng sống, lương tâm, tình cảm vợ chồng, tình nghĩa anh em, v.v... Vì thế, cơn khát này chưa được thỏa mãn thì mình lại gây nên những cơn khát loại khác. Cứ thế mà con người lâm vào vô số những vòng luẩn quẩn trói chặt con người vào đau khổ.
2. Làm sao để hết khát vọng? để khỏi đau khổ?
Ðức Giêsu nói: «Ai uống nước này, sẽ lại khát» (Ga 4,13). Thật vậy, những cách thỏa mãn khát vọng của con người đều chỉ là tạm thời. Ðược thỏa mãn rồi lại tiếp tục khát vọng. Khát vọng siêu đẳng nhất của con người là muốn có một giải pháp để thỏa mãn vĩnh viễn mọi khát vọng, và không còn phải khát vọng nữa.
Làm sao có được giải pháp đó trên đời? Ðức Giêsu đã cho ta biết Ngài có giải pháp đó: «Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời» (Ga 4,14). Ngài cho biết giải pháp của Ngài «sẽ trở thành một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời» nơi người dùng giải pháp ấy. Có sẵn trong người một mạch nước thì ta sẽ không bao giờ khát nữa, mà trái lại còn có thể làm thỏa mãn cơn khát của người khác. Mạch nước ấy đem lại sự sống đời đời.
Mạch nước ấy là gì? Là chính Thiên Chúa, được hiện thân thành Ðức Kitô. Chỉ cần thật sự gặp gỡ Thiên Chúa hay Ðức Kitô, ta sẽ có được mạch nước đem lại sự sống ấy ở trong ta. Lịch sử Giáo Hội cho thấy nhờ thật sự gặp được Thiên Chúa, các vị thánh đã được biến đổi hoàn toàn, các ngài cảm thấy hạnh phúc vô biên bất chấp nghịch cảnh, đã yêu thương và có một sức mạnh tinh thần rất lớn để dấn thân và hy sinh cho Thiên Chúa và đồng loại không mệt mỏi. Vậy vấn đề mấu chốt là có thật sự gặp gỡ Thiên Chúa hay Ðức Kitô hay không.
3. Làm sao để thật sự gặp gỡ Thiên Chúa?
Nhiều khi ta đến để gặp Chúa trong nhà thờ, bằng đọc kinh cầu nguyện, bằng việc dâng thánh lễ, v.v... nhưng ta lại không thật sự gặp được Chúa. Ta cầu nguyện, đi lễ theo thói quen, theo giờ giấc, theo luật buộc, một cách hoàn toàn hình thức. Ta đối diện với Chúa trước nhà tạm, ta rước Chúa vào tận trong lòng mình, nhưng ta vẫn không thật sự gặp Chúa. Cũng như các kinh sĩ Do Thái xưa, họ nói chuyện với Chúa, ở bên cạnh Chúa, đối diện với Chúa, nhưng không gặp Chúa. Cổ nhân có câu: «Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ, vô duyên đối diện bất tương phùng» (Có duyên với nhau thì dù xa ngàn dặm cũng vẫn gặp được nhau, không có duyên với nhau thì dù có mặt đối mặt cũng không gặp nhau).
Như thế, sự gặp gỡ thật sự đòi hỏi phải có duyên với nhau, có sự đồng cảm, sự giống nhau nào đó. Cổ nhân còn nói: «Ðồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu» (Cùng âm thanh thì phụ họa nhau, cùng tính tình, khuynh hướng, tài năng thì tìm gặp nhau). Bản chất của Thiên Chúa là tình yêu (x. 1Ga 4,8.16), nên chỉ những ai biết yêu thương nghĩa là giống Thiên Chúa mới có thể gặp gỡ Thiên Chúa một cách đích thực: «Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa. Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa» (1Ga 4,7a-8). Chữ «biết» ở đây có nghĩa là cảm nghiệm, gặp gỡ Thiên Chúa. Vì thế, kẻ gian ác, kẻ ghen ghét, người không biết yêu thương thì không thể gặp được Thiên Chúa.
Ðức Giêsu nói: «Ðã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giêrusalem» (Ga 4,21). Như vậy, để gặp gỡ Thiên Chúa, thì không gian tức chỗ này chỗ kia không phải là chuyện quan trọng: «Ðấng Tối Cao không ở trong những ngôi nhà do tay người phàm làm ra» (Cv 7,48; 17,24). Ðức Giêsu cũng nói: «Giờ đã đến và chính là lúc này đây những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật» (Ga 4,23). Như vậy, muốn thật sự gặp gỡ Thiên Chúa, ta cũng phải gặp gỡ Ngài «trong thần khí và sự thật».
4. Gặp gỡ Thiên Chúa «trong thần khí và sự thật»
Ðể giải thích điều này, Ðức Giêsu nói: «Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật» (Ga 4,24). Nếu Thiên Chúa là thần khí, thì để gặp Ngài, con người cũng phải dùng thần khí của mình tức tâm hồn mình để gặp Ngài. Vì chỉ có thần khí mới gặp được và hòa nhập được với thần khí. Như vậy nghĩa là phải gặp Ngài trong chính tâm hồn mình. Thật vậy, nơi dễ gặp gỡ Thiên Chúa nhất, chính là cung lòng của mỗi người chúng ta.
Không gì linh thánh bằng con người, hay tâm hồn con người, vì con người là hình ảnh của Thiên Chúa (x. St 1,26-27; 9,6; Kn 2,23). Và cũng không nơi nào linh thiêng bằng cung lòng con người: «Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Ðền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao? Ðền Thờ Thiên Chúa là nơi thánh, và Ðền Thờ ấy chính là anh em» (1Cr 3,17; x. 6,19).
Có gặp được Thiên Chúa ở ngay cung lòng mình, mình mới có thể gặp gỡ Thiên Chúa ở nơi khác, trong Thánh Thể, trong nhà thờ, trong tha nhân, trong thiên nhiên. Thiên Chúa ở ngay cung lòng mình mà mình không gặp được, thì mong gì gặp được Thiên Chúa ở bên ngoài? Thánh ÂuTinh đã từng than thở: «Con đã tìm Chúa ở ngoài con, nên con đã không gặp được Chúa của lòng con» (Confession, cuốn VI, chương 1).
Muốn thật sự gặp gỡ Thiên Chúa, còn phải gặp Ngài «trong sự thật» (Ga 4,24b). Thiên Chúa của chúng ta là Thiên Chúa của sự thật, vì thế, người gian dối, không thành thật với lòng mình, với mọi người, và với Thiên Chúa, thì không thể gặp được Ngài. Như vậy để thật sự gặp được Thiên Chúa, cần phải có một tâm hồn ngay thẳng, thành thật, chân chất, «có nói có, không nói không» (Mt 5,36), không quanh quéo, uẩn khúc. Không thể gặp được Thiên Chúa những người nghĩ một đằng, nói một ngả, hay nói một đằng, làm một nẻo.
Trong việc thờ phượng Thiên Chúa, nếu hình thức bên ngoài và nội dung bên trong không phù hợp với nhau, thì đó là giả dối. Nếu những lễ nghi tôn giáo bên ngoài không phản ảnh tâm tình thật sự bên trong, thì đó là thờ phượng Thiên Chúa trong giả dối. Nếu lời kinh mình đọc ngược lại với tâm tình bên trong thì đó là giả dối trong cầu nguyện. Thiên Chúa không thích kiểu thờ phượng hay cầu nguyện như thế.
CẦU NGUYỆN
Tôi nghe thấy tiếng Chúa: «Ðã đến lúc trình độ tâm linh con người phải tiến cao hơn một bậc nữa. Con người không nên thờ phượng Thiên Chúa theo kiểu vụ hình thức, vụ không gian, vụ thời gian, vụ vật chất nữa. Con người cần thờ phượng và gặp gỡ Thiên Chúa bằng thần khí chứ không phải qua vật chất, qua hình thức nữa. Con người cần gặp gỡ Thiên Chúa ngay trong bản thân mình hơn là ở một nơi nào bên ngoài. Con người cần hiểu biết Thiên Chúa theo sự thật, bằng chính bản chất của Ngài hơn là bằng những hiện tượng, danh từ, ngôn ngữ hay cách diễn tả đặc thù của mỗi tôn giáo, mỗi nền văn hóa. Có gặp gỡ Thiên Chúa đích thực, con người mới được biến đổi để trở nên hoàn hảo và hạnh phúc hơn.»
Nguyễn Chính Kết
Bấm vào đây để trở về bài chia sẻ:
Đức Giêsu là mạch nước hằng sống (https://chiasethanhuu.blogspot.com/2020/03/chay3a.html)
Đức Giêsu là mạch nước hằng sống (https://chiasethanhuu.blogspot.com/2020/03/chay3a.html)
No comments:
Post a Comment