Monday, March 30, 2020

LeLab - Với tình yêu và sự dũng cảm cao độ, Đức Giêsu xứng đáng là Vua mọi tâm hồn




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật Lễ Lá

(05-04-2020)

Bài đào sâu

Với tình yêu và sự dũng cảm cao độ, 
Đức Giêsu xứng đáng là Vua mọi tâm hồn



  TIN MỪNG: Mt 27, 11-54

Cuộc tử nạn của Đức Giêsu



Câu hỏi gợi ý:
1. Philatô có tìm cách tha cho Đức Giêsu không? Tại sao ông lại không tha được? Ông can đảm ở điểm nào và hèn nhát ở điểm nào? Nếu ở địa vị của ông ta, tôi có hành xử khá hơn ông không? Nếu ông ta ở địa vị của tôi hiện nay khi đối diện với những bất công, ông sẽ hành xử kém hay khá hơn tôi?

2. Tình yêu và lòng dũng cảm của Đức Giêsu thế nào? Ngài có xứng đáng là Vua Nước Trời, tức vương quốc tình yêu không? Để là công dân trong Nước Ngài, thì tình yêu và lòng dũng cảm có cần thiết không? Cần thiết đến mức nào?

3. Muốn có tình yêu và lòng dũng cảm theo gương Đức Giêsu, ta phải làm gì?


Suy tư gợi ý:

1.  Thái độ hèn nhát của Philatô

Trong bài Thương Khó, Philatô hỏi Đức Giêsu: «Ông là vua dân Do Thái sao?» (Mt 27,11). Là một vị quan và một nhà chính trị của đế quốc, ông có bổn phận phải xác định lập trường chính trị của Đức Giêsu. Vì thế, xác nhận mình là vua trước mặt Philatô là một điều khá nguy hiểm, thậm chí đến tính mạng, thế mà Đức Giêsu vẫn xác định như thế (x. Mt 27,11b). Tuy nhiên Ngài cũng xác định thêm: «Nước tôi không thuộc về thế gian này» (Ga 18,36). Chính vì xác định này mà Philatô nhận thấy Ngài không phải là một người đối lập nguy hiểm cho đế quốc Rôma.

Phải nói rằng Philatô cũng có ít nhiều lương tâm khi dám lên tiếng bênh vực Đức Giêsu. Ông hỏi các thượng tế và kỳ mục: «Thế ông ấy đã làm điều gì gian ác?» (Mt 27,23); và ông xác định Ngài vô tội: «Ta không tìm thấy lý do nào để kết tội người này» (Ga 18,38). Và ông đã thật sự tìm cách tha cho Đức Giêsu bằng cách đưa một tên cướp nổi tiếng ra cùng với Ngài để dân chúng lựa chọn tha cho ai. Ông không ngờ được là dân chúng lại chọn tha cho Baraba (x. Mt 27,21). Quả là Philatô có phần nào hèn nhát khi đành phải chiều theo ý dân chúng để Đức Giêsu bị giết. Nhưng phải nói rằng ông đã tìm đủ cách để tha Đức Giêsu. Điều ông hy vọng cuối cùng để dựa vào đó làm cơ sở tha cho Ngài là chính Đức Giêsu tự lên tiếng biện hộ cho mình. Ông khuyến khích Đức Giêsu làm điều ấy: «Ông không nghe bao nhiêu điều họ làm chứng chống lại ông đó sao?» (Mt 27,13). Nhưng hy vọng của ông tắt ngấm khi thấy «Đức Giêsu không trả lời về một điều nào» (Mt 27,14), sự im lặng này «khiến ông rất đỗi ngạc nhiên» (nt), và làm cho ông không còn lý do nào mạnh mẽ để tha cho Ngài.

Chúng ta có thói quen kết án Philatô là hèn nhát, và ông ta quả là như thế. Nhưng nếu tự xét mình, thì chính chúng ta, nhất là những người có quyền lên tiếng trước công chúng, hay có nghĩa vụ phải bảo vệ công lý, có thể sẽ nhận ra mình hèn nhát hơn Philatô rất nhiều. Thật vậy, đôi khi ta biết chắc chắn một ai đó là vô tội, thậm chí là người bênh vực Giáo Hội, bảo vệ chân lý hay công lý, nhưng bị kết án oan ức. Thế mà chúng ta đành chấp nhận thái độ hoàn toàn câm lặng, ngay cả một câu như Philatô: «Tôi không thấy người này có tội gì!» (Lc 23,14), chúng ta cách không đủ can đảm nói lên được, cho dù có nói thì ta cũng chỉ bị phiền hà đôi chút chứ chẳng đến nỗi nào. Vì thế, mạnh miệng kết án Philatô là hèn nhát, chúng ta không thể không cảm thấy ngượng ngùng.



2.  Thái độ dũng cảm của Đức Giêsu

Trái với Philatô, sợ bị mất chức, sợ bị phiền nhiễu mà đành để Đức Giêsu bị xử án bất công, Đức Giêsu sẵn sàng chịu đau khổ, chịu chết để cứu mọi người, để làm chứng cho chân lý, công lý và tình thương. Ngài sẵn sàng bênh vực các em nhỏ khi các tông đồ muốn la rầy xua đuổi chúng (x. Lc 18,15-17), Ngài dám chữa lành những con bệnh đến với Ngài cả vào ngày nghỉ lễ bất chấp sẽ bị phiền hà rất nhiều bởi những kẻ đạo đức giả (x. Ga 5,1-18; 9,1-41; Lc 6,6-11; 13,10-17; 14,1-6)

Tình yêu và sự dũng cảm của Ngài đã được thánh Phaolô tóm gọn trong bài đọc 2: «Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự» (Pl 2,6-8). Tình yêu to tát đối với con người khiến Ngài không sợ bị mất địa vị, mất hạnh phúc đang có, mà sẵn sàng chịu đau khổ, chịu hủy diệt. Vì thế, Ngài rất xứng đáng là Vua trong Nước Trời, vương quốc của chân lý, công lý và tình yêu. Tư cách Vua Nước Trời đòi hỏi một tình yêu cao cả và một sự dũng cảm to tát như vậy.

Cũng vậy, để là công dân của Nước Trời, chúng ta cũng phải noi gương tình yêu và sự dũng cảm của Ngài. Nếu không, chúng ta sẽ không xứng đáng là công dân của vương quốc ấy. Làm sao chúng ta có thể vào vương quốc của tình yêu khi ta không có tình yêu hay không đủ tình yêu để có thể dũng cảm hy sinh chút ít theo sự đòi hỏi của tình yêu? Trong vương quốc của tình yêu, sự có mặt của những người không có tình yêu hay có quá ít tình yêu –nếu có– sẽ làm ô nhiễm môi trường tinh khiết ấy, và biến nó trở lại thành trần gian điên loạn này!



3.  Để có được tình yêu và sự dũng cảm theo gương Đức Giêsu

Để xứng đáng vào Nước Trời, điều tối cần là chúng ta không những phải có tình yêu mà còn phải thể hiện tình yêu bằng lòng dũng cảm nữa. Đức Giêsu nói: Để vào Nước Trời, «ai cũng phải dùng sức mạnh mà vào» (Lc 16,16). «Sức mạnh» ở đây chính là sự dũng cảm của tình yêu

Có dũng cảm trong tình yêu mới chứng tỏ tình yêu ấy là tình yêu đích thực, không chỉ trên môi miệng. Muốn có tình yêu và lòng dũng cảm ấy, ta phải thật sự nhận Đức Giêsu làm vua của tâm hồn mình. Nhận Ngài làm vua của lòng mình có nghĩa là coi mệnh lệnh của Ngài lên trên hết tất cả, sẵn sàng thi hành thánh ý của Ngài với bất cứ giá nào. Khi quyết tâm như thế và thường xuyên lập lại quyết tâm ấy hằng giờ hằng phút, đến nỗi nó trở thành ý thức thường hằng trong tâm trí ta, tâm hồn ta sẽ tự động được biến đổi nên giống Ngài. 

Như thế, nhận Ngài làm vua của tâm hồn mình, chính là chấp nhận để «cái tôi» của mình chết đi, cùng với tất cả ý riêng của nó. Chỉ khi «cái tôi» ấy thật sự chết đi, nghĩa là trở nên «đồng hình đồng dạng với Người trong cái chết của Người» (Pl 3,10), thì nó mới được phục sinh hay biến đổi thành «cái tôi» mới, «đồng hình đồng dạng với Người trong tình yêu và sự dũng cảm của Người». Chính khi ta thật sự tôn Ngài làm vua của tâm hồn ta, ta sẽ thấy mình thật mạnh mẽ, và sức mạnh ấy phát xuất từ chính Ngài.



CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, Cha đã ban Đức Giêsu, Con của Cha, cho nhân loại, để nhân loại «được sống và sống dồi dào» (Ga 10,10): dồi dào bình an và hạnh phúc, dồi dào tình yêu và sức mạnh. Nhưng con người có được sống dồi dào hay không lại tùy thuộc vào việc con người có để cho Đức Giêsu làm vua trong tâm hồn mình hay không. Con người thường để «cái tôi» của mình, hoặc tiền bạc, danh vọng… làm vua tâm hồn mình. Nay hạ bệ những thứ ấy xuống để tôn Ngài làm vua là cả một cuộc «đảo chính», một cuộc «đổi đời», một cuộc «cách mạng» vĩ đại của bản thân. Nhưng nếu không nhất quyết thực hiện cuộc cách mạng ấy, thì dứt khoát con người không thể sống dồi dào như họ mong muốn. Xin Cha giúp con thực hiện được cuộc cách mạng bản thân ấy.

Nguyễn Chính Kết




LeLaa - Đức Giêsu, nạn nhân của sự ganh tị và hèn nhát của con người




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật Lễ Lá

(05-04-2020)


Đức Giêsu, nạn nhân của sự ganh tị và hèn nhát của con người



ĐỌC LỜI CHÚA

  Mt 21,1-11: (9) Dân chúng, người đi trước, kẻ theo sau, reo hò vang dậy: Hoan hô Con vua Ðavít ! Chúc tụng Ðấng ngự đến nhân danh Ðức Chúa ! Hoan hô trên các tầng trời. (10) Khi Ðức Giêsu vào Giêrusalem, cả thành náo động, và thiên hạ hỏi nhau : Ông này là ai vậy ? (11) Dân chúng trả lời : Ngôn sứ Giêsu, người Nadarét, xứ Galilê đấy.

  Is 50,4-7: (6) Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu. Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ.

  Pl 2,6-11: (8) Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. 




  TIN MỪNG: Mt 27,11-54 (Bài thương khó)

Ðức Giêsu ra trước toà tổng trấn Philatô

(11) Ðức Giêsu bị điệu ra trước mặt tổng trấn; tổng trấn hỏi Người: Ông là vua dân Dothái sao? Ðức Giêsu trả lời: Chính ngài nói đó. (12) Nhưng khi các thượng tế và kỳ mục tố Người, thì Người không trả lời một tiếng. (13) Bấy giờ ông Philatô hỏi Người: Ông không nghe bao nhiêu điều họ làm chứng chống lại ông đó sao? (14) Nhưng Ðức Giêsu không trả lời ông về một điều nào, khiến tổng trấn rất đỗi ngạc nhiên.


(15) Vào mỗi dịp lễ lớn, tổng trấn có lệ phóng thích cho dân chúng một người tù, tuỳ ý họ muốn. (16) Mà khi ấy có một người tù khét tiếng, tên là Baraba. (17) Vậy khi đám đông đã tụ họp lại, thì tổng trấn Philatô nói với họ: Các ngươi muốn ta phóng thích ai cho các ngươi đây? Baraba hay Giêsu, cũng gọi là Kitô? (18) Bởi ông thừa biết chỉ vì ghen tị mà họ nộp Người.

(19) Lúc tổng trấn đang ngồi xử án, thì bà vợ sai người đến nói với ông: Ông đừng nhúng tay vào vụ xử người công chính này, vì hôm nay, tôi chiêm bao thấy mình phải khổ nhiều vì ông ấy.

(20) Nhưng các thượng tế và kỳ mục lại xúi đám đông đòi tha tên Baraba mà giết Ðức Giêsu. (21) Tổng trấn hỏi họ: Trong hai người này, các người muốn ta tha ai cho các người? Họ thưa: Baraba! (22) Tổng trấn Philatô nói tiếp: Thế còn ông Giêsu, cũng gọi là Kitô, ta sẽ làm gì đây? Mọi người đồng thanh: Ðóng đinh nó vào thập giá! (23) Tổng trấn lại nói: Thế ông ấy đã làm điều gì gian ác? Họ càng la to: Ðóng đinh nó vào thập giá! (24) Tổng trấn Philatô thấy đã chẳng được ích gì mà còn thêm náo động, nên lấy nước rửa tay trước mặt đám đông mà nói: Ta vô can trong vụ đổ máu người này. Mặc các người liệu lấy! (25) Toàn dân đáp lại: Máu hắn cứ đổ xuống đầu chúng tôi và con cháu chúng tôi! (26) Bấy giờ, tổng trấn phóng thích tên Baraba cho họ, còn Ðức Giêsu, thì ông truyền đánh đòn, rồi trao cho họ đóng đinh vào thập giá.


Ðức Giêsu phải đội vòng gai

(27) Bấy giờ lính của tổng trấn đem Ðức Giêsu vào trong dinh, và tập trung cả cơ đội quanh Người. (28) Chúng lột áo Người ra, khoác cho Người một tấm áo choàng đỏ, (29) rồi kết một vòng gai làm vương miện đặt lên đầu Người, và trao vào tay mặt Người một cây sậy. Chúng quỳ gối trước mặt Người mà nhạo rằng: Vạn tuế Ðức Vua dân Dothái! (30) Rồi chúng khạc nhổ vào Người và lấy cây sậy mà đập vào đầu Người. (31) Chế giễu chán, chúng lột áo choàng ra, và cho Người mặc áo lại như trước, rồi điệu Người đi đóng đinh vào thập giá.


Ðức Giêsu chịu đóng đinh vào thập giá

(32) Ðang đi ra, thì chúng gặp một người Kyrênê, tên là Simôn; chúng bắt ông vác thập giá của Người. (33) Khi đến nơi gọi là Gôngôtha, nghĩa là Ðồi Sọ, (34) chúng cho Người uống rượu pha mật đắng, nhưng Người chỉ nếm một chút mà không chịu uống. (35) Ðóng đinh Người vào thập giá xong, chúng đem áo Người ra bắt thăm mà chia nhau. (36) Rồi chúng ngồi đó mà canh giữ Người.

(37) Phía trên đầu Người, chúng đặt bản án xử tội viết rằng: Người này là Giêsu, vua dân Dothái. (38) Cùng bị đóng đinh với Người, có hai tên cướp, một tên bên phải, một tên bên trái.


Ðức Giêsu bị nhục mạ

(39) Kẻ qua người lại đều nhục mạ Người, vừa lắc đầu (40) vừa nói: Mi là kẻ phá được Ðền Thờ, và nội trong ba ngày xây lại được, hãy cứu lấy mình đi! Nếu mi là Con Thiên Chúa, thì xuống khỏi thập giá xem nào! (41) Các thượng tế, kinh sư và kỳ mục cũng chế giễu Người mà nói: (42) Hắn cứu được thiên hạ, mà chẳng cứu nổi mình. Hắn là Vua Ítraen! Hắn cứ xuống khỏi thập giá ngay bây giờ đi, chúng ta tin hắn liền! (43) Hắn cậy vào Thiên Chúa, thì bây giờ Người cứu hắn đi, nếu quả thật Người thương hắn! Vì hắn đã nói: Ta là Con Thiên Chúa! (44) Cả những tên cướp cùng bị đóng đinh với Người cũng sỉ vả Người như thế.


Ðức Giêsu trút linh hồn

(45) Từ giờ thứ sáu, bóng tối bao phủ cả mặt đất, mãi đến giờ thứ chín. (46) Vào giờ thứ chín, Ðức Giêsu kêu lớn tiếng: Êli, Êli, lêma xabácthani , nghĩa là Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con? (47) Nghe vậy, một vài người đứng đó liền nói: Hắn ta gọi ông Êlia! (48) Lập tức, một người trong bọn chạy đi lấy miếng bọt biển, thấm đầy giấm, buộc vào đầu cây sậy và đưa lên cho Người uống. (49) Còn những người khác lại bảo: Khoan đã, để xem ông Êlia có đến cứu hắn không! (50) Ðức Giêsu lại kêu một tiếng lớn, rồi trút linh hồn.

(51) Ngay lúc đó, bức màn trướng trong Ðền Thờ xé ra làm hai từ trên xuống dưới. Ðất rung đá vỡ. (52) Mồ mả bật tung, và xác của nhiều vị thánh đã an nghỉ được trỗi dậy. (53) Sau khi Chúa trỗi dậy, các ngài ra khỏi mồ, vào thành thánh, và hiện ra với nhiều người. (54) Thấy động đất và các sự việc xảy ra, viên đại đội trưởng và những người cùng ông canh giữ Ðức Giêsu đều rất đỗi sợ hãi và nói: Quả thật ông này là Con Thiên Chúa.




CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1. Trong thâm tâm, các vị lãnh đạo tôn giáo Do Thái và Philatô có nhìn nhận Ðức Giêsu là vô tội không? Tại sao họ lại kết án Ngài?

2. Philatô rửa tay để làm gì? Ông muốn chứng tỏ điều gì? Có thật là ông vô can trong việc đổ máu Ðức Giêsu không?

3. Trong đời sống thường ngày, chúng ta có hành động theo kiểu các vị lãnh đạo tôn giáo Do Thái và Philatô không?

Suy tư gợi ý:

1.  Ðức Giêsu bị án tử hình, dù ai cũng nhận thấy Ngài vô tội

Cả cuộc đời Ðức Giêsu, Ngài không làm một điều gì nên tội, nhưng Ngài đã bị kết án ở mức độ nặng nhất: tử hình. Lý do chính khiến Ngài bị kết án chính là sự ganh ghét của giới lãnh đạo tôn giáo (x. Mt 27,18), và sự hèn nhát của cơ quan công quyền mà đại diện là Philatô. Giới lãnh đạo tôn giáo biết Ngài vô tội: 

Các thượng tế và toàn thể Thượng Hội Ðồng tìm chứng gian buộc tội Ðức Giêsu để lên án tử hình. Nhưng họ tìm không ra, mặc dầu có nhiều kẻ đã đứng ra làm chứng gian (Mt 26,59-60). Nhưng họ quyết tâm giết Ngài vì Ngài được dân chúng mến phục và ủng hộ: việc đón rước Ngài vào thành long trọng chứng tỏ điều ấy. Dân chúng còn đánh giá giáo huấn của Ngài cao hơn của họ: «Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Ðấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư» (Mc 1,22). Ảnh hưởng của Ngài trên dân chúng ngày càng lớn, lấn át ảnh hưởng của họ, và họ cảm thấy điều ấy rất nguy hiểm cho chiếc ghế cũng như quyền lợi của họ. Vì thế, để tự bảo vệ, họ quyết tâm giết Ngài, vì Ngài, mặc dù chẳng làm chi sai trái, đã trở thành đối thủ rất nguy hiểm của họ.

Họ muốn giết Ngài, nhưng họ không thể tự ý làm điều ấy, vì làm như thế họ sẽ bị chính quyền truy tố trước pháp luật. Họ đã khôn ngoan bằng cách dùng chính tay chính quyền để giết Ngài. Và họ đã thành công. Philatô ‒ kẻ đại diện cho công lý, pháp quyền của đế quốc Rôma ‒ biết Ngài vô tội: ông thừa biết chỉ vì ghen tị mà họ nộp Người (Mt 26,27). Nhưng ông hèn nhát không dám tha Ngài vì sợ quần chúng đang bị giới lãnh đạo tôn giáo sách động. Ông lo sợ nguy hiểm cho chiếc ghế của mình, và ông đã chủ trương thà bảo vệ chiếc ghế hơn bảo vệ công lý.

Ðiều đó cũng có thể thông cảm được với một người ngoại giáo như ông, vốn không được giáo dục tâm linh như các nhà lãnh đạo tôn giáo. Nhưng điều đáng ghê tởm là sự thiếu thẳng thắn và giả hình của ông: ông «lấy nước rửa tay trước mặt đám đông mà nói: Ta vô can trong vụ đổ máu người này. Mặc các người liệu lấy!» (Mt 27,24). Ông là đại diện cho công lý mà không chịu lên tiếng bênh vực công lý, để cho công lý bị chà đạp. Tội của ông rành rành ra đấy: đồng loã với sự ác để giết một người vô tội, nhưng ông lại muốn được mọi người coi là vô tội. Ông muốn biện minh cho hành động vô trách nhiệm của mình. 

Thật ra, cứ nhận rằng mình hèn nhát, mình ham địa vị thì lại đỡ tội, nhưng ông lại còn muốn tỏ ra mình vô tội, nên tội ông nặng lên rất nhiều. Tương tự như ý nghĩa của câu: «Nếu các ông đui mù, thì các ông đã chẳng có tội. Nhưng giờ đây các ông nói rằng : "Chúng tôi thấy", nên tội các ông vẫn còn!» (Ga 9,41). Trước mặt Thiên Chúa, chính cái tội giả hình, muốn tỏ ra mình vô tội ấy còn nặng hơn tội hèn nhát và vô trách nhiệm kia rất nhiều. Khi tôi còn nhỏ, hễ tôi phạm một lỗi nào, cha tôi chỉ đánh một hai roi, nhưng nếu đã phạm mà lại chối, thì lỗi nặng lên gấp hai ba lần, có thể bị phạt tới 5 hay 10 roi, vì đã phạm tới hai lỗi, mà lỗi sau nặng hơn rất nhiều.



2.  Ta có hành động như Philatô hay các tư tế không?

Thấy người lại nghĩ đến ta. Ta thấy Ðức Giêsu đã bị giết bởi giới lãnh đạo tôn giáo Do Thái vì lòng ganh tị của họ và bởi Philatô vì sự hèn nhát của ông. Nhưng liệu ta có hành động như thế đối với các ngôn sứ đồng thời với mình không? Có thể ta sẽ nói như bọn kinh sư ngày xưa: «Nếu như chúng ta sống vào thời của tổ tiên, hẳn chúng ta đã không thông đồng với các ngài mà đổ máu các ngôn sứ» (Mt 23,29). Nhưng họ có ngờ đâu họ lại phạm chính tội mà tổ tiên họ đã phạm, cái tội mà họ đang dựa vào để chê trách tổ tiên. Và họ còn phạm nặng nề hơn tổ tiên họ rất nhiều, vì họ giết chính Ðấng Mêsia mà họ đang trông chờ. Tại sao? Chỉ vì cái mối tội muốn bảo vệ cái ghế của mình hơn bảo vệ công lý, mối tội ấy họ cũng có không kém gì cha ông mình. Và cái mối tội thứ hai còn lớn hơn thế nữa là đã có tội, lại còn muốn chứng minh mình vô tội. Khi muốn chứng minh mình vô tội, hay muốn biện minh cho tội của mình, người ta dễ có khuynh hướng tìm cho ra một tội nào đấy để gán ghép cho kẻ vô tội mà mình không muốn bênh vực, hầu chứng tỏ sự im lặng hay kết án của mình là hợp lý.

Rất có thể ta cũng đang hành động như thế trong đời sống thường ngày của ta. Nhiệm vụ làm chứng ‒tức chức năng ngôn sứ‒ mà ta đã lãnh nhận khi lãnh bí tích rửa tội, thêm sức, hoặc truyền chức đòi buộc ta phải làm chứng cho Thiên Chúa, cho chân lý, công lý và tình thương. Nhiệm vụ hay chức năng ấy đòi hỏi ta phải sống đúng điều mình chủ trương và rao giảng. 

Ta rao giảng rằng những thực tại siêu nhiên, những giá trị tâm linh cao quí hơn những thực tại trần gian, thậm chí hơn cả mạng sống: «Ðược cả thế giới mà mất linh hồn thì ích lợi gì?» (Mt 16,26). Nhưng trong đời sống thực tế, qua hành động và cách sống của ta, ta lại đích thực coi những thực tại trần gian cao quí hơn những thực tại mà ta vô cùng đề cao khi rao giảng. Ta sẵn sàng hy sinh những giá trị tâm linh để đổi lấy những thực tại cụ thể của trần gian: tiền bạc, quyền lực, địa vị, lạc thú. Ðể bảo vệ những thứ ấy, ta sẵn sàng phạm chính cái tội của các vị lãnh đạo tôn giáo Do Thái sẵn sàng hãm hại hoặc giết những Ðức Kitô trong chính thời đại của chúng ta, hoặc của Philatô xưa đã im lặng đồng lõa để người vô tội bị hãm hại. Những Ðức Kitô ấy có thể là những kẻ thấp cổ bé miệng đang chịu đủ thứ bất công trong xã hội cũng như Giáo Hội, có thể là những người công chính mà sự có mặt hay hành động của họ đang ảnh hưởng bất lợi cho cái ghế của ta.

Nếu nhận ra mình đang lỗi bổn phận làm chứng theo chức năng ngôn sứ của người Kitô hữu, ta hãy thành thực nhận lỗi của mình và tìm cách sửa chữa. Không nên làm như Philatô, đã có tội lại còn muốn chứng tỏ mình vô tội, khiến ta lại càng lún sâu hơn vào tội lỗi hơn.



CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, con là người yếu đuối, con rất dễ trở nên hèn nhát. Ðiều đó chắc hẳn Cha, cũng như Ðức Giêsu, rất dễ cảm thông và tha thứ cho con. Nhưng xin đừng để con hành động như Philatô, đã hèn nhát không dám bênh vực người vô tội, để mặc người vô tội bị giết, lại còn rửa tay để chứng tỏ mình vô tội. Xin đừng để con mắc tội giả hình như thế, là tội mà Ðức Giêsu ghét hơn tất cả mọi thứ tội. Amen.


Thursday, March 26, 2020

Chay5b - Đức tin thực nghiệm trong đời sống Kitô hữu




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 5 Mùa Chay

(29-3-2020)

Bài đào sâu

Đức tin thực nghiệm trong đời sống Kitô hữu



  TIN MỪNG: Ga 11,1-45

Đức Giêsu khiến anh Ladarô sống lại




CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1.   Thiên Chúa có đòi hỏi ta tin vào Ngài một cách không bằng chứng, không cơ sở, không hợp lý không? 
2.   Trước khi mời gọi ta tin vào Ngài, Ngài có cho ta một kinh nghiệm nào về Ngài hầu ta có cơ sở để tin không? 
3.   Tại sao Đức Giêsu cố ý không về gặp Ladarô khi ông còn sống mà để ông chết rồi mới về (x. Ga 11,6)? Mục đích của Đức Giêsu khi làm cho Ladarô sống lại là gì? 


Suy tư gợi ý:

1.  Đức tin vào Thiên Chúa phải dựa trên những kinh nghiệm trong quá khứ về tình yêu và quyền năng của Ngài

Trong 28 câu của bài Tin Mừng, chúng ta thấy có đến 9 chữ «tin». Toàn bài nhấn mạnh đến sự cần thiết phải tin vào tình yêu và quyền năng Thiên Chúa để giải quyết những vấn đề cụ thể của đời sống thực tế và thường ngày của mỗi người. Nhờ tin vào tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa, chúng ta mới có đủ sức mạnh để vượt qua những khó khăn, và thực hiện những gì cần thiết cho hạnh phúc và cuộc sống của ta. 

Đành rằng tin là chấp nhận những gì trước mắt chưa rõ ràng và chắc chắn, nhưng Thiên Chúa không bao giờ đòi hỏi chúng ta tin Ngài cách mù quáng, không có bằng chứng xác đáng. Ngài chỉ đòi hỏi chúng ta tin những gì đáng tin mà thôi. Trước khi đòi hỏi ta tin vào tình yêu và quyền năng của Ngài, Ngài luôn luôn tạo chúng ta cơ hội để kinh nghiệm thật sự về tình yêu và quyền năng của Ngài. Kinh nghiệm ấy sẽ trở thành nền tảng để chúng ta tin vào Ngài trong những hoàn cảnh hay tình huống mới.

Trong đời thường, khi hùn một số vốn thật lớn để làm ăn chung với ai, ta phải tin vào lương tâm và khả năng làm ăn của người ấy. Làm sao ta có thể tin người ấy một cách vững vàng, nếu ta chưa hề thấy người ấy chứng tỏ sự đáng tin của họ? Phải dựa vào đâu để biết được họ đáng tin? 

– Trước khi hùn một số vốn lớn để làm ăn với ai , ta phải có thời làm ăn với họ trong những vụ làm ăn nhỏ. Khi làm ăn nhỏ, nếu họ tỏ ra đáng tin, ta mới dám tiếp tục làm ăn với họ trong những vụ lớn hơn. Kinh nghiệm về thành quả quá khứ sẽ trở thành nền tảng cho niềm tin trong hiện tại. Những người tự tin vào mình cũng đều có kinh nghiệm về khả năng của mình trong quá khứ. Có thấy được khả năng của chính mình trong quá khứ qua những thành công nho nhỏ, ta mới dám tự tin vào mình trong những chuyện lớn hơn. 

Niềm tin được xây dựng trên kinh nghiệm của quá khứ như thế mới là niềm tin khôn ngoan và mới vững mạnh được. Niềm tin vào Thiên Chúa cũng phải dựa vào kinh nghiệm quá khứ như thế.



2.  Thiên Chúa chỉ mời gọi ta tin và thử thách đức tin của ta khi đã cho ta những kinh nghiệm về Ngài

Khi đặt niềm tin vào một người, có hai thái độ nên tránh:

– một là chưa có kinh nghiệm gì về sự đáng tin của người ấy mà đã vội tin. Đây là thái độ cả tin, nhẹ dạ, rất nguy hiểm và thiếu khôn ngoan.

– hai là đã thấy người ấy tỏ ra rất đáng tin trong những chuyện nhỏ, mà vẫn luôn luôn nghi ngờ, không dám đặt niềm tin vào người ấy trong những chuyện khác hoặc chuyện lớn hơn một chút. Như vậy, dù người ấy có đáng tin tới mức độ nào, ta cũng không dám tin. Điều này khiến ta mất đi nhiều cơ hội quý trong cuộc đời. Một người làm ăn mà có thái độ này thì không bao giờ làm ăn lớn được, và không bao giờ giàu có được.

Khi tin vào Thiên Chúa, ta cần tránh hai thái độ ấy. Thiên Chúa không bao giờ mời gọi hay đòi hỏi ta tin điều gì mà ta chưa hề có kinh nghiệm về sự đáng tin của nó. Khi Ngài mời gọi hay đòi hỏi ta tin, thì chắc chắn trước đó Ngài đã từng chứng tỏ tình yêu và quyền năng của Ngài để ta có cơ sở cho niềm tin của ta trong những trường hợp về sau.

Nhưng khi ta đã có kinh nghiệm nhiều lần về tình yêu và quyền năng của Ngài, thì Ngài thường thử thách niềm tin của ta. Nếu ta không dám tin vào quyền năng của Ngài mà ta đã từng có kinh nghiệm trong quá khứ, thì ta sẽ không có thêm kinh nghiệm về quyền năng ấy. Đức tin của ta sẽ dừng lại đó, không lớn mạnh thêm, mà trái lại, có thể bị hao hụt đi. Ngược lại, nếu ta tin và chứng tỏ niềm tin ấy bằng sự dấn thân cụ thể, ta sẽ kinh nghiệm thêm lần nữa về quyền năng của Ngài. Nhờ đó đức tin của ta lớn mạnh hơn. Một đức tin vững mạnh sẽ biến đổi ta thành «con người mới» (Ep 2,15; 4,24; Cl 3,10) và đời sống ta thành «đời sống mới» (Rm 6,4; 8,11; Cl 3,3).

Chẳng hạn, khi dân Do Thái chưa có kinh nghiệm về Ngài, thì Ngài cho họ kinh nghiệm ấy. Ngài cho họ vượt qua Biển Đỏ cách lạ lùng và cứu họ khỏi đất Ai Cập. Lần đó, Ngài đã làm cho nước ở Biển Đỏ rẽ ra trước rồi sau đó mới bảo họ bước xuống biển (x. Xh 14,21-22). Ngài không đòi hỏi họ lòng tin vì họ chưa có kinh nghiệm về quyền năng của Ngài. 

Nhưng khi Ngài yêu cầu các tư tế khiêng hòm bia qua sông Giođan, Ngài không còn làm cho nước rẽ ra trước, mà yêu cầu họ bước xuống sông khi nước sông vẫn còn tràn bờ. Lần này Ngài mới đòi hỏi họ phải tin, vì họ đã có kinh nghiệm về quyền năng của Ngài. Và họ đã chứng tỏ niềm tin của họ bằng hành động cụ thể là dám bước xuống sông khi còn đầy nước. Và Thiên Chúa không để họ mất niềm tin: khi chân họ vừa đụng xuống mặt nước, thì nước lập tức rẽ sang hai bên để họ đi qua (x. Gs 3,13).

Cũng vậy, để chuẩn bị và củng cố niềm tin cho các tông đồ vào sự sống lại của Ngài, Đức Giêsu đã cố ý (x. Ga 11,4.15) cho các tông đồ một kinh nghiệm vô cùng sống động về quyền năng phi thường của Ngài. Đó là Ngài làm cho Ladarô sống lại, chưa kể trước đó Ngài đã từng làm kẻ chết sống lại nhiều lần trước mặt các tông đồ (x. Mt 9,25; Lc 7,14-15; Ga 4,50-53). Thế mà khi Đức Giêsu chết, nhiều tông đồ đã mất hết niềm tin đến nỗi thất vọng và sợ hãi.



3.  Kinh nghiệm cá nhân

Về phương pháp sư phạm của Thiên Chúa để củng cố niềm tin cho mỗi người, tôi xin chia sẻ kinh nghiệm cá nhân của tôi. Hiện nay, tôi tin khá vững vàng vào sự quan phòng của Thiên Chúa trong đời sống tôi. Vì tôi từng kinh nghiệm khá nhiều về việc Thiên Chúa can thiệp và dẫn dắt tôi một cách lạ lùng. Trong đó có việc rất cụ thể là Thiên Chúa lo cho đời sống vật chất của tôi và gia đình trên 20 năm qua (tính từ khi tôi lập gia đình)

Niềm tin của tôi khởi đầu bằng một lập luận. Tôi cho rằng Thiên Chúa đã tạo dựng nên vũ trụ và chính con người tôi một cách vô cùng hoàn hảo. Nếu Ngài đã tạo dựng nên bộ máy tiêu hóa ở trong tôi một cách thật khôn ngoan và thông minh tuyệt vời, chẳng lẽ Ngài lại để cho bộ máy ấy thiếu thức ăn để tiêu hóa. Tôi không thể tin rằng Ngài lại là hạng người «đánh trống bỏ dùi» hay «đem con bỏ chợ»: dựng nên bộ máy tiêu hóa một cách hoàn hảo với những đòi hỏi của nó để rồi lại để nó lâm cảnh thiếu thốn, không có gì để tiêu hóa (xem thêm Mt 6,25-34). Nếu tôi có bị đói hay bị thiếu thốn thì tôi tin rằng đó là do lỗi của tôi: tôi đã vi phạm luật thiên nhiên hoặc luật của Ngài khi không làm theo đúng những gì lương tâm và tình yêu mình đòi buộc.

Tin tưởng như thế, nên khi có sự xung đột giữa tiếng lương tâm và nhu cầu sinh sống –nghĩa là nếu làm theo đòi hỏi của lương tâm hay tình yêu ắt có nguy cơ bị thiếu thốn– thì tôi cứ liều hay can đảm làm theo lương tâm, phó mặc chuyện sinh sống của mình cho Ngài. Kinh nghiệm nhiều lần cho tôi thấy: khi suy nghĩ và hành động như vậy, chẳng những tôi không bị thiếu thốn, mà Ngài còn ban cho tôi đầy đủ hơn nữa. Tôi nhận ra Ngài có trăm ngàn cách kỳ diệu để lo lắng cho tôi khi tôi quyết sống theo đường lối Ngài. Trái lại, khi tôi lo sợ thiếu thốn đến nỗi không dám làm theo thánh ý Ngài, không theo đường lối Ngài, thì tôi thường phải trả giá cho việc ấy bằng một sự thiệt hại nào đó, có thể là sự thiếu thốn hơn.



CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, xin cho con biết dựa vào tình yêu và quyền năng của Cha mà con đã kinh nghiệm trong quá khứ để tin vững vàng hơn hầu quảng đại và can đảm dấn thân theo đường lối và thánh ý Cha.


Nguyễn Chính Kết




Chay5a - Đức Giêsu vừa là Thiên Chúa vừa là con người




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 5 Mùa Chay

(29-3-2020)


Đức Giêsu vừa là Thiên Chúa vừa là con người



ĐỌC LỜI CHÚA

  Ed 37,12-14: (13) Các ngươi sẽ nhận biết chính Ta là Đức Chúa khi Ta mở huyệt cho các ngươi và đưa các ngươi lên khỏi huyệt, hỡi dân Ta. (14) Ta sẽ đặt thần khí của Ta vào trong các ngươi và các ngươi sẽ được hồi sinh. Bấy giờ, các ngươi sẽ nhận biết chính Ta là Đức Chúa, Ta đã phán là Ta làm.

  Rm 8,8-11: (11) Lại nữa, nếu Thần Khí ngự trong anh em, Thần Khí của Ðấng đã làm cho Ðức Giêsu sống lại từ cõi chết, thì Ðấng đã làm cho Ðức Giêsu sống lại từ cõi chết, cũng sẽ dùng Thần Khí của Người đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới.

  TIN MỪNG: Ga 11,3-7.17.20-27.33b-45

Anh Ladarô sống lại

(3) Hai cô Mácta và Maria cho người đến nói với Ðức Giêsu: Thưa Thầy, người Thầy thương mến đang bị đau nặng. (4) Nghe vậy, Ðức Giêsu bảo: Bệnh này không đến nỗi chết đâu, nhưng là dịp để bày tỏ vinh quang của Thiên Chúa: qua cơn bệnh này, Con Thiên Chúa được tôn vinh.

(5) Ðức Giêsu quý mến cô Mácta, cùng hai người em là cô Maria và anh Ladarô. (6) Tuy nhiên, sau khi được tin anh Ladarô lâm bệnh, Người còn lưu lại thêm hai ngày tại nơi đang ở. (7) Rồi sau đó, Người nói với các môn đệ: Nào chúng ta cùng trở lại miền Giuđê!

(17) Khi đến nơi, Ðức Giêsu thấy anh Ladarô đã chôn trong mồ được bốn ngày rồi. (20) Vừa được tin Ðức Giêsu đến, cô Mácta liền ra đón Người. Còn cô Maria thì ngồi ở nhà. (21) Cô Mácta nói với Ðức Giêsu: Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết. (22) Nhưng bây giờ con biết: Bất cứ điều gì Thầy xin cùng Thiên Chúa, Người cũng sẽ ban cho Thầy. (23) Ðức Giêsu nói: Em chị sẽ sống lại! (24) Cô Mácta thưa: Con biết em con sẽ sống lại, khi kẻ chết sống lại trong ngày sau hết. (25) Ðức Giêsu liền phán: Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. (26) Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết. Chị có tin thế không? (27) Cô Mácta đáp: Thưa Thầy, có. Con vẫn tin Thầy là Ðức Kitô, Con Thiên Chúa, Ðấng phải đến thế gian.

(33b) Ðức Giêsu thổn thức trong lòng và xao xuyến. (34) Người hỏi: Các người để xác anh ấy ở đâu? Họ trả lời: Thưa Thầy, mời Thầy đến mà xem. (35) Ðức Giêsu liền khóc. (36) Người Dothái mới nói: Kìa xem! Ông ta thương anh Ladarô biết mấy! (37) Có vài người trong nhóm họ nói: Ông ta đã mở mắt cho người mù, lại không thể làm cho anh ấy khỏi chết ư? (38) Ðức Giêsu lại thổn thức trong lòng. Người đi tới mộ. Ngôi mộ đó là một cái hang có phiến đá đậy lại. (39) Ðức Giêsu nói: Ðem phiến đá này đi. Cô Mácta là chị người chết liền nói: Thưa Thầy, nặng mùi rồi, vì em con ở trong mồ đã được bốn ngày. (40) Ðức Giêsu bảo: Nào Thầy đã chẳng nói với chị rằng nếu chị tin, chị sẽ được thấy vinh quang của Thiên Chúa sao? (41) Rồi người ta đem phiến đá đi. Ðức Giêsu ngước mắt lên và nói: Lạy Cha, con cảm tạ Cha, vì Cha đã nhậm lời con. (42) Phần con, con biết Cha hằng nhậm lời con, nhưng vì dân chúng đứng quanh đây, nên con đã nói để họ tin là Cha đã sai con. (43) Nói xong, Người kêu lớn tiếng: Anh Ladarô, hãy ra khỏi mồ! (44) Người chết liền ra, chân tay còn quấn vải, và mặt còn phủ khăn. Ðức Giêsu bảo: Cởi khăn và vải cho anh ấy, rồi để anh ấy đi.

(45) Trong số những người Dothái đến thăm cô Maria và được chứng kiến việc Ðức Giêsu làm, có nhiều kẻ đã tin vào Người.




CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1.   Ðức Giêsu đã làm cho Ladarô sống lại, điều đó chứng tỏ điều gì? Phải là ai mới có thể thực hiện được điều ấy? 
2.   Bạn còn nhớ nội dung các bài Tin Mừng Chúa Nhật mùa Chay vừa qua không? Loạt bài Tin Mừng mùa Chay muốn chứng tỏ điều gì về Ðức Giêsu? 
3.   Ðức Giêsu xúc động và khóc trước mộ Ladarô cho thấy tình yêu và tình cảm của Ngài thế nào? Ta có cần biểu lộ tình yêu của mình đối với tha nhân một cách cụ thể như thế không?

Suy tư gợi ý:

1.  Ðức Giêsu có khả năng làm cho kẻ chết sống lại

Dùng quyền năng siêu nhiên để làm cho người bệnh nan y được khỏi bệnh thì có khá nhiều người làm được. Nhưng làm cho người đã chết sống lại thì chỉ những người có sứ mạng đặc biệt của Thiên Chúa mới thực hiện được nhờ quyền năng vô biên của Ngài. 

Trong Cựu Ước ta thấy ngôn sứ Êlia đã làm cho con trai của bà góa ở Sarépta sống lại (xem 1Vua 17,17-24), và ngôn sứ Êlisa cũng làm như thế cho đứa con trai của bà Sunêm (xem 2Vua 4,32-37). Trong Tân Ước, ngoài Ðức Giêsu ra, ta thấy có Phêrô cũng đã làm cho bà Tabitha đã chết sống lại (xem Cv 9,39-42). Còn Ðức Giêsu, Ngài đã làm cho người chết sống lại ít nhất 3 lần: cho con trai bà góa thành Nain (x. Lc 7,11-15), cho con gái một ông trưởng hội đường (x. Mt 9,18-26; Mc 5,35-43; Lc 8,49-56), và cho Ladarô như bài Tin Mừng hôm nay tường thuật lại (x. Ga 11,34-45).

Nơi những trường hợp được hồi sinh vừa kể, việc sống lại ‒hầu tiếp tục sự sống ở trần gian ít lâu nữa để rồi cũng lại chết‒ chỉ là một hình ảnh hay dấu chỉ của sự sống lại vĩnh viễn để sống sự sống đời đời. Sự sống lại để sống đời đời này chính Ðức Giêsu đã thực hiện cho chính mình (x. Mt 28,1-8; Mc 16,1-8; Lc 24,1-7; Ga 20,1-10). Ðó chính là bằng chứng bảo đảm cho niềm tin vào sự sống lại của chính chúng ta để hưởng sự sống vĩnh cửu. Thật vậy, «nếu Ðức Kitô không phục sinh, thì niềm tin và lời rao giảng của chúng ta là vô ích» (1 Cr 15,14), là hoàn toàn vô căn cứ, không dựa trên một nền tảng nào. Và việc phục sinh của Ngài cũng chính là bằng chứng để ta tin Ngài là Con Thiên Chúa, đồng thời cũng là Thiên Chúa. Vì trong lịch sử nhân loại, sống lại để sống vĩnh cửu như thế ‒nghĩa là hiện nay, sau 2000 năm, Ngài vẫn đang sống, và sẽ còn sống mãi‒ thì chỉ có một mình Ðức Giêsu mà thôi.



2.  Ðức Giêsu chính là Con Thiên Chúa, là Ðấng Mêsia, và cũng là con người như chúng ta

Các bài Tin Mừng các Chúa Nhật Mùa Chay muốn chứng tỏ Ðức Giêsu vừa là Thiên Chúa vừa là con người, Ngài chính là Ðấng Thiên Sai mà các ngôn sứ đã hứa, mà người Do Thái trông chờ hàng mấy trăm năm.

Việc Ðức Giêsu chịu cám dỗ (Chúa Nhật thứ 1 mùa Chay) cho thấy Ðức Giêsu là người đích thực, Ngài rất thông cảm với sự yếu đuối của con người.

Việc Ðức Giêsu hiển dung (CN 2 mùa Chay) cho thấy thần tính của Ngài, cho thấy Ngài là Con Thiên Chúa, được chính Chúa Cha giới thiệu.

Câu chuyện về nước hằng sống với người phụ nữ Samari (CN 3 mùa Chay) cho thấy Ngài có khả năng đem lại sự sống vĩnh cửu cho con người, và Ngài tự xác nhận mình là đấng Mêsia mà mọi người trông đợi.

Việc làm sáng mắt người mù từ khi mới sinh (CN 4 mùa Chay) cho thấy quyền năng đặc biệt của Ngài và cách Ngài hành xử theo tình yêu hơn là theo lề luật.

Quyền năng ấy lại còn đặc biệt hơn nữa với bài tường thuật Ngài làm cho kẻ chết đã 4 ngày sống lại trong bài Tin Mừng hôm nay (CN 5 mùa Chay). Trong bài Tin Mừng này, Ngài còn tự xác nhận mình chính là sự sống lại và là sự sống, ai tin vào Ngài thì sẽ được sự sống đời đời (x. Ga 11,25-26).

Cuối cùng, Chúa Nhật kế tiếp (CN Phục Sinh) thuật lại việc sống lại của chính Ngài sau khi chịu tử nạn làm hy tế đền tội cho nhân loại. Sự sống lại này là dấu chứng vĩ đại và chắc chắn nhất chứng tỏ Ngài là Con Thiên Chúa, là Ðấng Mêsia.

Bài Tin Mừng hôm nay chứng minh một cách tổng hợp Ngài vừa là Thiên Chúa vừa là con người, một con người đúng là con người, hết sức nhân bản. Ngài là Thiên Chúa, vì có khả năng làm cho kẻ chết sống lại. Là con người, vì khi đến nhà người mình yêu thương đã chết, Ngài cũng «thổn thức trong lòng và xao xuyến» (câu 33b), Ngài đã khóc (câu 35) khi đứng trước mộ Ladarô. Chắc hẳn Ngài đã tỏ ra xúc động rất nhiều đến nỗi những người có mặt ở đấy đã phải thốt lên: «Kìa xem! Ông ta thương anh Ladarô biết mấy!» (câu 36).

Như vậy, Ngài không chỉ yêu thương chúng ta bằng thứ tình yêu đầy tính thần linh của một vị Thiên Chúa, mà còn yêu bằng chính tình cảm đầy tính người của con người. Và dù mang tính con người, tình yêu ấy vẫn rất bao la, rộng rãi, và triệt để: «Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng» (Ga 13,1b). «Ðến cùng» ở đây là tới mức tận cùng của tình yêu con người, không ai ‒kể cả Ngài‒ có thể yêu hơn được nữa: «Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình» (Ga 15,13).



3.  Hãy yêu thương như Ðức Giêsu đã yêu thương

Ðức Giêsu đã yêu thương ta và yêu thương mọi người bằng trái tim con người thế nào, Ngài cũng mời gọi ta yêu thương nhau, yêu thương tha nhân y như vậy: «Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em» (Ga 15,12). Có yêu thương như thế, ta mới chứng tỏ mình theo Ngài: «Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau» (Ga 13,35).

Tình yêu nhân bản của Ðức Giêsu được biểu lộ ra bên ngoài bằng sự xúc động mãnh liệt như trường hợp đối với Ladarô, nhất là bằng những hy sinh đến chết cho nhân loại. Tình yêu tuy ẩn sâu kín trong lòng con người không ai thấy được, nhưng nếu là tình yêu đích thực thì nó luôn luôn được biểu lộ ra ngoài thành những ánh mắt trìu mến, cử chỉ yêu thương, lời nói dịu dàng, và nhất là bằng sự quan tâm, giúp đỡ, hy sinh thật sự cho người mình yêu. 

Tình yêu không thể dấu kín. Tình yêu dấu kín trong lòng là tình yêu đáng nghi ngờ. Nếu đức «tin không có hành động là đức tin chết» (Gc 2,17.26), thì một cách tương tự, tình yêu không được biểu lộ cụ thể bằng hành động là tình yêu giả hiệu. Chính «Thiên Chúa, Ðấng cứu độ chúng ta, đã biểu lộ lòng nhân hậu và lòng yêu thương của Người đối với nhân loại» (Tt 3,4), và Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này: «Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống» (1Ga 4,9). Vì thế, chúng ta hãy biểu lộ tình yêu của mình đối với mọi người bằng những cử chỉ, lời nói và hành động cụ thể.



CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, Cha đã tỏ tình yêu của Cha một cách cụ thể cho nhân loại qua việc sai Ðức Giêsu là hiện thân của Cha đến thế gian chịu chết để cứu chuộc họ. Ðức Giêsu cũng biểu lộ tình yêu của Ngài một cách rất cụ thể qua việc khóc thương Ladarô, và qua việc hiến mình đến chết cho nhân loại. Xin giúp con cũng biết thật sự yêu thương những người chung quanh con, và biểu lộ tình yêu thương ấy thật cụ thể qua ánh mắt, cử chỉ, lời nói và hành động. Amen.

Nguyễn Chính Kết



Bấm vào đây để trở về bài chia sẻ/để đọc bài đào sâu: 

(https://chiasethanhuu.blogspot.com/2020/03/chay5b.html)


Thursday, March 19, 2020

Chay4b - Đức ái là luật cao trọng nhất phải tuân giữ




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 4 Mùa Chay

(22-3-2019)

Bài đào sâu

Đức ái là luật cao trọng nhất phải tuân giữ





  TIN MỪNG: Ga 9,1-41

Đức Giêsu chữa một người mù từ thuở mới sinh


Câu hỏi gợi ý:
1.   Luật Môsê, cũng là luật của Thiên Chúa, cấm rất ngặt không được làm việc ngày sabát. Ai lỗi luật có thể bị tử hình (x. Xh 31,14-15; 35,2). Vậy tại sao Đức Giêsu lại chữa bệnh rất nhiều lần trong ngày sabát bất chấp luật như thế? Ngài làm gương mù hay gương sáng cho chúng ta vậy? 
2.   Nếu có trường hợp thi hành một điều luật nào đó trong luật Chúa hay luật Giáo Hội mà đi ngược lại đòi hỏi của đức ái, tức luật yêu thương của Đức Giêsu, thì ta phải làm theo luật nào?

Suy tư gợi ý:

1.  Hai cung cách giữ đạo khác nhau

Trong bài Tin Mừng này, ta thấy hai não trạng hay hai cung cách giữ đạo khác nhau giữa Đức Giêsu và người Pharisêu. Một đằng nhìn thấy con người để yêu thương, và còn một đằng chỉ nhìn thấy lề luật, nguyên tắc để tuân giữ. Nghĩa là một đằng quan trọng hóa con người, còn một đằng quan trọng hóa lề luật. 

Đức Giêsu khi thấy một người mù cần được giúp đỡ, thì Ngài động lòng thương và ra tay cứu giúp, bất chấp hôm đó là ngày sabát, là ngày mà luật Môsê cấm ngặt không được làm việc. Như vậy, Ngài coi việc cứu người quan trọng hơn việc giữ luật sabát. Còn người Pharisêu coi việc giữ luật sabát quan trọng hơn việc cứu người. Theo họ, thà để người khác bị mù, bị thiệt hại, bị chết, còn hơn là để mình vi phạm lề luật của Thiên Chúa.



2. Quan niệm khác nhau giữa người Pharisêu và Đức Giêsu

Hai thái độ ngược nhau đó luôn luôn tồn tại trong cách giữ đạo của các tín đồ trong mọi tôn giáo. Thái độ nào cũng có những lý do chính đáng của nó. Thái độ nào cũng đúng, nhưng đúng ở những mức độ tâm linh cao thấp khác nhau.

Theo quan điểm của người Pharisêu thì luật giữ ngày sabát là luật Môsê, cũng là luật của Thiên Chúa. Vì thế, người công chính phải tuân giữ lề luật, càng công chính thì càng phải giữ luật một cách chi tiết. Do đó, khi thấy Đức Giêsu chữa bệnh trong ngày sabát, họ bàn thảo với nhau: «Ông ta không thể là người của Thiên Chúa được, vì không giữ ngày sabát» (Ga 9,16). Họ quan niệm: nếu Đức Giêsu là người của Thiên Chúa thì tất nhiên Ngài phải giữ luật Môsê, thậm chí còn nghiêm chỉnh hơn chính họ nữa. Quan điểm của họ quả hết sức hợp lý vì nó hoàn toàn được xây dựng trên rất nhiều đoạn Kinh Thánh khuyên người ta phải giữ luật (x. Đnl 27,26; 30,10; Gs 22,5; 23,6; 1V 2,3; v.v…). Vì thế, đối với họ, việc giữ luật tôn giáo là vô cùng quan trọng. Do đó, nếu có sự xung đột giữa một bên là giữ luật Chúa, một bên là đòi hỏi của lương tâm và đức ái, thì phải ưu tiên cho việc giữ lề luật.

Nhưng quan điểm của Đức Giêsu thì khác hẳn. Đành rằng luật Môsê là luật của Thiên Chúa, nhưng khi có xung đột giữa luật của Thiên Chúa với những đòi hỏi của tình yêu hay đức ái, thì phải ưu tiên tuân theo luật của đức ái. Nếu ngày sabát mà tình yêu hay đức ái đòi buộc phải làm việc, phải chữa bệnh, thì phải chấp nhận lỗi luật sabát mới đúng với ý Thiên Chúa. Đức Giêsu đưa ra trường hợp rất cụ thể khi chữa bệnh cho một người phụ nữ bị quỷ ám: «Còn bà này, là con cháu ông Ápraham, bị Xatan trói buộc đã mười tám năm nay, thì chẳng lẽ lại không được cởi xiềng xích đó trong ngày sabát sao?» (x. Lc 13,10-17).

Vì thế, cho dù lỗi luật sabát, theo luật Môsê, có thể dẫn đến tử hình (Xh 31,14; xem 35,2; Ðnl 5,14), nhưng Đức Giêsu hoặc các tông đồ đã nhiều lần lỗi luật sabát vì lý do bác ái hay vì một lý do chính đáng khác. Chẳng hạn, vào ngày sabát, Đức Giêsu chữa người bị bại tay (x. Mt 12,9-14; Mc 3,1-6; Lc 6,6-11); chữa một phụ nữ còng lưng (Lc 13,10-17); chữa người mắc bệnh phù thũng (Lc 14,1-6); chữa một người đau ốm ở hồ nước tại Bếtdatha (Ga 5,1-18); chữa một người mù từ thuở mới sinh (Ga 9,1-41)các môn đệ Đức Giêsu bứt bông lúa mì (x. Mt 12,1-8; Mc 2,23-28; Lc 6,1-5)tất cả đều được làm vào ngày sabát. 

Ngài đã bị các kinh sư và luật sĩ cảnh cáo nhiều lần về việc Ngài lỗi luật ngày sabát, và tìm cách giết Ngài, nhưng Ngài vẫn bất chấp, vẫn cứ lỗi luật sabát vì lý do đức ái, và bất chấp nguy hiểm. Ngài không hề khuyên bảo người bệnh hãy đến với Ngài vào ngày khác thì Ngài mới chữa bệnh cho. Cũng không bảo họ đừng đến với Ngài vào ngày sabát để Ngài giữ luật sabát cho trọn vẹn. 

Đó chẳng phải là một mẫu gương để chúng ta noi theo sao, hỡi những người theo Đức Giêsu và những kẻ tự hào mình theo Ngài?



3.  Tình yêu hay đức ái ví như hiến pháp,
luật lệ khác ví như các khoản luật

Điều ấy cho thấy luật bác ái cao trọng hơn bất cứ loại luật nào, dù là luật thành văn của Thiên Chúa như luật Môsê, hay luật của Giáo Hội và những luật lệ do con người lập ra. Vì trong Kitô giáo, đức ái được ví như hiến pháp, còn tất cả những luật lệ thành văn khác đều chỉ được ví như luật pháp mà thôi. Luật pháp phải thể hiện tinh thần của hiến pháp, giúp hiến pháp được thực hiện trong những trường hợp cụ thể hơn trong đời sống. Vì thế, trường hợp nào mà thi hành một điều khoản của luật pháp trở thành vi phạm hiến pháp thì trường hợp ấy, ta không nên thi hành khoản luật ấy. Nếu ai vẫn cứ thi hành khoản luật ấy, thì người ấy vi phạm hiến pháp. Nếu vì muốn thi hành cho đúng hiến pháp mà đành phải vi phạm một điều khoản trong luật pháp, thì việc vi phạm đó không còn là vi phạm nữa. Vì mục đích của luật pháp là để thực hiện hiến pháp, chứ không ngược lại.

Đức ái chính là hiến pháp, là luật tối thượng bao trùm tất cả mọi khoản luật, nên thánh Phaolô đã dám quả quyết: «Ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật» (Rm 13,8; x. 18,10); «Anh em hãy mang gánh nặng cho nhau, như vậy là anh em chu toàn luật Đức Kitô» (Gl 6,2). Thánh Giacôbê thì cho đức bác ái là luật cao nhất của Kinh Thánh: «Luật Kinh Thánh được đưa lên hàng đầu là Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình» (Gc 2,8). Lời tuyên bố của hai vị thánh này thật rõ ràng. Thánh Âu Tinh cũng nói: «Cứ yêu đi, rồi muốn làm gì thì làm» (Ama et fac quod vis).

Luật Môsê là luật của Thiên Chúa, được chính Thiên Chúa truyền qua Môsê. Thế mà khi có sự xung đột giữa luật Môsê và đức ái hay điều lương tâm đòi buộc, thì Đức Giêsu đã chấp nhận lỗi luật Môsê (tức luật Chúa) chứ không chấp nhận lỗi đức ái hay lỗi luật lương tâm. Hiện nay, luật của Đức Giêsu đã thay thế luật Môsê, và luật của Ngài là luật yêu thương, nên yêu thương chính là luật tối thượng, đúng như thánh Giacôbê đã nói ở trên (Gc 2,8). Luật Môsê là luật của Thiên Chúa mà còn vậy, huống chi những luật do con người lập ra. Ai coi việc thi hành đức ái nhẹ hơn một khoản luật nào đó do con người lập ra, thì câu sau đây của Đức Giêsu đáng để cho họ suy nghĩ: «Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta. Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân» (Mt 15,8-9)

Vậy, chúng ta phải theo lập trường của Đức Giêsu hay của người Pharisêu?



4.  Mục đích của lề luật là hình thành đức ái trong lòng con người

Cũng như một cây non cần phải buộc vào một cọc thẳng để cây mọc thẳng lên. Nhưng khi cây đã mọc thẳng và các mô mộc trong cây đã cứng cát rồi, thì người ta bỏ cọc đi. Luật lệ giống như cái cọc thẳng ấy để giúp cho tâm linh còn non yếu mọc thẳng lên. Nó có nhiệm vụ hình thành đức ái ở trong ta. Khi đức ái của ta đã được hình thành và trở nên vững chắc, thì ta phải hành động theo sự đòi hỏi của đức ái đã được hình thành ấy ở trong ta. Lúc ấy lề luật đã đóng hết vai trò và nhiệm vụ của nó.

Lề luật đóng vai trò như cái vỏ trứng gà, nó tối cần thiết để bảo vệ sự sống còn của quả trứng. Nhưng khi quả trứng đã trưởng thành để trở thành con gà, vỏ trứng không còn cần thiết nữa, thậm chí nếu con gà không phá vỡ được vỏ trứng để thoát ra ngoài, thì nó sẽ bị chết ngạt trong đó. Trong đời sống tâm linh, luật lệ rất quan trọng để thành hình tình yêu đích thực trong tâm hồn con người. Khi tình yêu đích thực đã thành hình và trưởng thành trong tâm hồn con người, thì tình yêu sẽ trở thành lề luật mới mà con người phải tuân theo, chứ không còn là lề luật nữa.

Thật vậy, theo thánh Phaolô, «lề luật được lập nên không phải cho người công chính», mà cho người tội lỗi tức chưa hiểu biết được cốt tủy của sự công chính (x. 1Tm 1,8-10). Ngài cũng nói: «Không người phàm nào được nhìn nhận là công chính vì đã làm những gì Luật dạy. Ngày nay, sự công chính của Thiên Chúa đã được thể hiện mà không cần đến Luật Môsê» (Rm 3,20-21; x. Gl 3,11). Sự công chính không hệ tại việc giữ luật lệ: «Nếu người ta được nên công chính do Lề Luật, thì hoá ra Đức Kitô đã chết vô ích» (Gl 2,21); mà do việc có thực hành đức ái hay tình thương đích thực ở trong lòng hay không. Vì sự công chính hay thánh thiện hệ tại việc mình có trở nên giống Thiên Chúa hay không, có Thiên Chúa ở trong mình hay không. Mà Thiên Chúa tự bản chất chính là tình yêu, là đức ái (x. 1Ga 4,8.16).



CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, xin cho con hiểu được sự cần thiết của lề luật trong sự phát triển tâm linh. Nhưng cũng cho con hiểu được sự giới hạn và vai trò nhất thời của lề luật. Mục đích của lề luật chính là hình thành đức ái hay tình yêu đích thực ở trong con. Nếu giữ lề luật trọn hảo nhưng đức ái chân thật vẫn không hình thành được trong lòng con, thì việc giữ luật ấy có ích lợi gì? Xin Cha cho con hiểu được điều ấy.

Nguyễn Chính Kết



Bấm vào đây để trở về bài chia sẻ/để đọc bài đào sâu: .