CHIA SẺ TIN MỪNG
Chúa Nhật Lễ Hiển Linh
(05-01-2020)
Bài đào sâu
(05-01-2020)
Bài đào sâu
Quan tâm thực hiện những phương tiện tốt không đủ, mà phải đạt cho được mục đích mà những phương tiện ấy nhắm tới
• TIN MỪNG: Mt 2,1-12
1. Theo bài Tin Mừng, những kẻ gặp được Ðức Giêsu là người có đạo hay ngoại đạo? Tại sao? Bạn có rút ra được kết luận gì không?
2. Có Kinh Thánh, giáo huấn của Chúa và Giáo Hội trong tay, điều đó đã đủ để ta gặp Chúa chưa? Còn thiếu điều gì nữa?
3. Trong thời đại này, ta có thể tìm gặp Chúa ở đâu? trong nhà thờ? trong phụng vụ? trong các bí tích? hay nơi những người anh em chung quanh ta? Theo tinh thần của Tin Mừng, thì Chúa muốn ta gặp Ngài ở đâu hơn?
Suy tư gợi ý:
1. Người ngoại cũng được vào Nước Trời
Ngày xưa, những người theo đạo Do Thái quan niệm chỉ có những người theo đạo Do Thái, nghĩa là có chịu phép cắt bì mới được cứu rỗi. Sách Công Vụ Tông đồ cho thấy quan niệm ấy của họ: «Có những người từ miền Giuđê đến dạy anh em rằng : "Nếu anh em không chịu phép cắt bì theo tục lệ Môsê, thì anh em không thể được cứu độ"» (Cv 15,1). Ngày nay, nhiều người Kitô hữu cũng có quan niệm tương tự như thế. Nhưng tinh thần của bài Tin Mừng hôm nay mạc khải một sự thật hoàn toàn ngược lại quan niệm ấy.
Qua bài Tin Mừng, ta thấy chính những người Do Thái −mặc dù biết Ðấng Cứu Thế sinh ra tại đâu− lại không thèm tìm kiếm Ðức Giêsu mới sinh ra. Những người tìm kiếm Ngài và đã thấy Ngài, thờ lạy Ngài và dâng tặng vật cho Ngài lại là dân ngoại từ tận đâu đâu đến. Kinh Thánh còn cho ta biết người Do Thái chẳng những không tìm kiếm Ðức Giêsu, mà còn bách hại Ngài nữa.
Vì thế, Nước Trời vốn ưu tiên cho người Do Thái, nhưng vì họ từ chối bằng thái độ lãnh đạm, thậm chí chống đối, nên đã được đem đến cho dân ngoại: Phaolô và Banaba mạnh dạn lên tiếng: «Anh em phải là những người đầu tiên được nghe công bố lời Thiên Chúa, nhưng vì anh em khước từ lời ấy, và tự coi mình không xứng đáng hưởng sự sống đời đời, thì đây chúng tôi quay về phía dân ngoại» (Cv 13,46).
Và lịch sử cho thấy dân ngoại vô số người đã vào Nước Trời −mà dấu chỉ là Giáo Hội− đang khi người Do Thái lại đứng ở ngoài. Thật đúng với câu Ðức Giêsu nói: «Từ phương đông phương tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc cùng các tổ phụ Ápraham, Ixaác và Giacóp trong Nước Trời. Nhưng con cái Nước Trời thì sẽ bị quăng ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng» (Mt 8,11−12). Ðức Giêsu cũng đã dùng nhiều dụ ngôn để nói lên sự thật này: Hai người con kẻ nói vâng người nói không (x. Mt 21,28-32); Những thợ vườn nho sát nhân (Mt 21,33-46); Tiệc cưới (Mt 22,1-14).
2. Bài học cho người Kitô hữu hôm nay
a) Có Kinh Thánh và giáo lý trong tay, không đủ!
Ðiều trớ trêu trong bài Tin Mừng hôm nay là người Do Thái −đặc biệt những tư tế và luật sĩ− có Kinh Thánh trong tay, nên họ biết Ðấng Cứu Thế sẽ sinh ra ở đâu, và lúc nào họ cũng tỏ ra mong chờ Ðấng ấy đến. Thế nhưng những người gặp được đấng Cứu Thế − các đạo sĩ và mục đồng − lại là những kẻ chẳng biết gì về Kinh Thánh. Ðiều ấy chẳng làm cho chúng ta suy nghĩ sao?
Người Kitô hữu hôm nay có đủ mọi phương tiện để được cứu rỗi: Kinh Thánh (Cựu và Tân Ước), giáo lý, giáo huấn Giáo Hội (các văn kiện Tòa Thánh), các sách thần học, tu đức, luân lý, rồi các bí tích, các giờ phụng vụ. Nhưng hãy coi chừng kẻo lịch sử lại lập lại y trang như cách đây 2000 năm. Vì bài Tin Mừng cho thấy: để gặp được Ðấng Cứu Thế, có Kinh Thánh trong tay không đủ, mà còn phải nhạy bén để biết thời điềm, đồng thời thật sự lên đường tìm kiếm Ngài. Người Do Thái −cụ thể là các tư tế và luật sĩ− có nhiều điều kiện để gặp Ngài hơn các đạo sĩ (vì có Kinh Thánh, ở gần nơi Ngài sinh ra, được các đạo sĩ báo về ngôi sao của Ngài), nhưng đã không lên đường tìm kiếm Ngài. Họ muốn yên thân với những tập tục đạo đức của họ, với cách giữ đạo cổ truyền của họ, và họ nghĩ rằng Ðấng Cứu Thế sẽ chủ động đến để gặp họ, đem sự giải phóng đến cho họ. Nhưng sự thật đã xảy ra không phải như vậy.
Nếu chúng ta có đầy đủ phương tiện để được cứu rỗi, nhưng chúng ta chỉ quan tâm thực hiện những phương tiện ấy, mà không hề quan tâm thực hiện mục đích phải đạt được của những phương tiện ấy, là có được cái tâm yêu thương giống như bản tính của Thiên Chúa (x. 1Ga 4,8.16), thì việc thực hiện những phương tiện ấy trở thành vô ích hoàn toàn (x. 1Cr 13,1-3).
Coi chừng chúng ta tưởng lầm rằng Thiên Chúa đánh giá cao việc chúng ta vô cùng quan tâm thực hiện những phương tiện ấy, nhưng thực ra, Ngài vẫn coi ta như những kẻ không công chính. Thật vậy, chúng ta cần suy gẫm lời Đức Giêsu nói trong đoạn này: «Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: “Lạy Chúa! lạy Chúa!” là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Ðấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi. Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng: “Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao?” Và bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với họ: Ta không hề biết các ngươi; xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác!» (Mt 7,21-23 )
b) Ðiều cốt yếu là tình yêu đích thực đối với Thiên Chúa và tha nhân
Bài Tin Mừng hôm nay mời gọi người Kitô hữu xét lại xem: cách sống đạo của chúng ta có giúp chúng ta đến gặp Chúa hay không, nghĩa là có thể đem lại ơn cứu độ cho chúng ta hay không. Chúng ta đừng an tâm tưởng rằng cứ giữ những tập tục đạo đức truyền thống cho tốt là bảo đảm vào được Nước Trời. Như thế không đủ! Ðiều cốt yếu để vào được Nước Trời không chỉ là tin vào Ðức Giêsu mà còn phải thể hiện niềm tin ấy bằng việc sống theo lời Ngài: «Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em» (Ga 13: 34). Nghĩa là chúng ta phải chứng tỏ được tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa và tha nhân. Mà tình yêu đối với Thiên Chúa lại được thể hiện qua tình yêu đối với tha nhân: «Nếu ai nói : "Tôi yêu mến Thiên Chúa" mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối ; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy» (1Ga 4,20).
c) Tình yêu phải được thể hiện thành hành động thật sự
Giấy thông hành để vào Nước Trời chính là tình yêu, mà phải là tình yêu đích thực. Không ai thiếu tình yêu mà vào Nước Trời được, vì Nước Trời là Nước của Tình Yêu. Tình yêu đích thực thì tự nhiên phải được thể hiện thành hành động. Nếu đức tin không có hành động là đức tin chết» (Gc 2,17), thì cũng vậy, tình yêu không có hành động là tình yêu giả hiệu. Với tình yêu giả hiệu, chúng ta không thể vào Nước Trời được.
Nhưng làm sao ta dám nói là ta có tình yêu đích thực đối với anh em mình khi họ lâm nạn mà ta lại khoanh tay đứng nhìn? Làm sao tình yêu của ta là đích thực được khi ta thấy rõ ràng anh em mình đang chịu bất công mà ta lại không chịu lên tiếng hay can thiệp, nhất là khi tiếng nói của ta có thể rất hữu hiệu? Nếu ta thấy anh em mình chịu bất công tỏ tường mà vì muốn yên thân ta lại làm chứng với mọi người rằng đó không phải là bất công, thì tình yêu của ta là chân thực sao được? Nếu cách hành động của ta là như thế, thì dù ta có tuân thủ giữ những tập tục truyền thống trong tôn giáo một cách hoàn hảo, không chê vào đâu được, chúng ta vẫn luôn luôn ở ngoài Nước Trời.
d) Cần cảnh giác với thứ đạo đức hương nguyện, thiếu việc làm
Tệ hơn nữa, là khi chính chúng ta đã không chịu thể hiện tình yêu, mà lại cổ võ một thứ đạo đức không việc làm, luôn luôn đề cao việc đọc kinh cầu nguyện, dâng thánh lễ, mà không hề nhấn mạnh bổn phận phải dấn thân cho anh em, phải quan tâm mưu cầu hạnh phúc cho những người chung quanh, biến cải xã hội nên công bằng và tốt đẹp hơn, thì phải chăng chúng ta đang tiếp tay kẻ ác ru ngủ quần chúng, làm tê liệt sức đấu tranh cho công bằng xã hội của họ? Phải chăng chúng ta đang biến tôn giáo của chúng ta thành thuốc phiện thật sự? Chúng ta quên rằng «điều quan trọng nhất trong Lề Luật là công lý, tình thương và lòng chân thành» (Mt 23,23).
Và có thể chúng ta miệng thì nói về Nước Trời, nhưng thật sự ta lại dẫn quần chúng đến một nơi khác vì những giáo huấn của ta khác hẳn với tinh thần Tin Mừng? Ðức Giêsu nói: «Các người rảo khắp biển cả đất liền để rủ cho được một người theo đạo; nhưng khi họ theo rồi, các người lại làm cho họ đáng xuống hoả ngục gấp đôi các người» (Mt 23,15), liệu câu này có đúng với ta chăng? Vì nhiều khi cứ để họ ngoại đạo, họ lại quan tâm đến việc thể hiện tình yêu với tha nhân hơn khi họ vào đạo? Ðến khi vào đạo, họ lại nghe lời ta nên chỉ biết quan tâm tới những tập tục đạo đức cổ truyền?
Trái lại, những người không có Kinh Thánh trong tay, không có giáo lý hay giáo huấn của Giáo Hội, không có bí tích, nhưng họ lại có tình yêu đích thực, tức có giấy thông hành để vào Nước Trời. Rất có thể họ lại vào Nước Trời trước chúng ta, là đối tượng ưu tiên của Nước Trời, là những kẻ lúc nào cũng nói về Nước Trời mà không hành động cho Nước Trời! Thánh Phaolô nói: «Người ta được Thiên Chúa coi là công chính, không phải vì nghe biết Lề Luật, nhưng là vì tuân giữ Lề Luật» (Rm 2,13), và «nếu người không được cắt bì mà giữ những điều Luật dạy, thì tuy họ không được cắt bì, Thiên Chúa chẳng coi họ như đã được cắt bì sao?» (Rm 2,26). Bài Tin Mừng hôm nay và nhiều dụ ngôn của Ðức Giêsu cho chúng ta thấy viễn cảnh ấy! Và đó cũng là một lời cảnh cáo chúng ta!
CẦU NGUYỆN
Lạy Cha, nhiều khi chúng con làm chuyện hết sức khờ dại. Chúng con luôn luôn đề cao đạo của mình trước mặt mọi người, nhưng chính chúng con lại chẳng sống tinh thần đạo ấy. Ðang khi có nhiều kẻ ngoại giáo lại thật sự sống được tinh thần ấy. Việc đề cao tôn giáo của chúng con, tự nó là một điều rất tốt, nhưng nhiều khi lại xuất phát từ một khuynh hướng kiêu ngạo tập thể chứ không phải là tình yêu. Vì nếu nó xuất phát từ tình yêu đích thực, thì chúng con đã phải thể hiện tình yêu ấy bằng sự dấn thân đích thực cho những anh em đang chịu khốn khổ của mình. Sự im lặng trước bất công, sự thụ động trước cảnh khốn cùng của đồng loại chứng tỏ chúng con chưa có tình yêu đích thực. Vì thế, việc đề cao tôn giáo của chúng con chỉ là một hình thức kiêu căng tập thể, là điều Cha rất ghét. Xin cho chúng con biết sống đích thực tinh thần đạo của mình trước khi đề cao nó, để sự đề cao ấy có giá trị đích thực làm sáng danh Cha. Amen.
Nguyễn Chính Kết
Bấm vào đây
Dân ngoại đón tiếp ơn cứu độ của Đức Kitô, còn Dân Chúa thì sao?
(https://chiasethanhuu.blogspot.com/2019/12/hienlinh-a.html)
Dân ngoại đón tiếp ơn cứu độ của Đức Kitô, còn Dân Chúa thì sao?
(https://chiasethanhuu.blogspot.com/2019/12/hienlinh-a.html)
No comments:
Post a Comment