Friday, January 25, 2019

TN4a - Cốt yếu của sự thánh thiện nằm ở chỗ sống có tình có nghĩa




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 4 Thường Niên

(30-01-2022)


Cốt yếu của sự thánh thiện nằm ở chỗ
sống có tình có nghĩa



ĐỌC LỜI CHÚA

  Gr 1,4-5.17-19: (17) Giavê nói với Giêrêmia: «Còn ngươi, hãy thắt lưng. Hãy chỗi dậy! Hãy nói với chúng tất cả những gì Ta truyền cho ngươi. Trước mặt chúng, ngươi đừng run sợ».

  1Cr 12,31–13,13: (12,31)Trong các ơn huệ của Thiên Chúa, anh em cứ tha thiết tìm những ơn cao trọng nhất. Nhưng đây tôi xin chỉ cho anh em con đường trổi vượt hơn cả. (13,1) Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm chọe xoang xoảng (…) (3) Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì. (…) (7) Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả. Đức mến không bao giờ mất được (…) (13) Hiện nay, đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến.

  TIN MỪNG: Lc 4,21-30

Không ngôn sứ nào
biệt đãi quê hương mình


Khi ấy, (21) Đức Giêsu bắt đầu nói với họ: «Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe». (22) Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người.  Họ bảo nhau: «Ông này không phải là con ông Giuse đó sao?» (23) Người nói với họ: «Hẳn là các ông muốn nói với tôi câu tục ngữ: Thầy lang ơi, hãy chữa lấy mình! Tất cả những gì chúng tôi nghe nói ông đã làm tại Caphácnaum, ông cũng hãy làm tại đây, tại quê ông xem nào!»

(24) Người nói tiếp: «Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình. (25) Thật vậy, tôi nói cho các ông hay: thiếu gì bà goá ở trong nước Ítraen vào thời ông Êlia, khi trời hạn hán suốt ba năm sáu tháng, cả nuớc phải đói kém dữ dội, (26) thế mà ông không được sai đến giúp một bà nào cả, nhưng chỉ được sai đến giúp bà goá thành Xarépta miền Xiđon. (27) Cũng vậy, thiếu gì người phong hủi ở trong nước Ítraen vào thời ngôn sứ Êlisa, nhưng không người nào được sạch, mà chỉ có ông Naaman, người xứ Xyria thôi».

(28) Nghe vậy, mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ. (29) Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành thành này được xây trên núi. Họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực. (30) Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi.



CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1. Lý do nào khiến Đức Giêsu không làm nhiều phép lạ tại quê hương của Ngài như ở những nơi khác? Có phải Ngài chủ trương bạc đãi quê hương Ngài không? 
2. Có phải mình là đạo gốc, là người theo chính đạo, thì mình sẽ chắc chắn được cứu rỗi hơn người ngoại giáo không? Mình có những thuận lợi hơn họ để được cứu rỗi là những thuận lợi nào?

Suy tư gợi ý:

1.  Chú giải về đoạn Tin Mừng

Trong đoạn Kinh Thánh này chúng ta thấy câu Đức Giêsu nói: «Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào được biệt đãi tại quê hương mình» (với động từ ở thể thụ động) có vẻ không phù hợp với ngữ cảnh của toàn đoạn văn. Nếu đổi động từ sang thể chủ động thì ý nghĩa của câu sẽ phù hợp hơn với đoạn trước đó và đoạn sau đó: «Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào biệt đãi quê hương mình».

Thật vậy, khi Đức Giêsu về thăm quê hương, những người đồng hương yêu cầu Ngài hãy làm những phép lạ tại quê hương của Ngài, như Ngài đã từng làm ở những nơi khác. Họ muốn yêu cầu Ngài hãy biệt đãi quê hương mình một chút, và có vẻ như muốn trách Ngài là đã bỏ quên quê hương mình.

Đức Giêsu đáp lại bằng cách kể hai câu chuyện của ngôn sứ Êlia và ngôn sứ Êlisa trong Cựu Ước như sau: Vào những năm đói kém dữ dội, Êlia chẳng cứu giúp bà góa nào ở quê hương ông, mà lại giúp cho một bà góa ở Siđôn (x. 1V 17,7-16), trong khi Siđôn là một vùng thuộc dân ngoại thờ ngẫu tượng, tính tình hung dữ, là một địa danh mà Cựu Ước coi là xấu xa (x. Is 23,2). Chính Đức Giêsu cũng nói đến vùng Siđôn và vùng Tyrô như những vùng tội lỗi (xem Mt 11,21-22)

Còn Êlisa thì đang khi tại Ítraen có biết bao người phong cùi, thế nhưng ông chẳng chữa cho ai, mà lại chỉ chữa cho Naaman, một vị quan người Syria, cũng là một dân thờ ngẫu tượng (xem 2V 5,1-19)

Đức Giêsu muốn minh chứng rằng các ngôn sứ xưa không ưu đãi quê hương riêng của mình, nên Ngài cũng vậy. Chính vì thế, dân thành Nagiarét mới bực tức và muốn hãm hại Ngài.

Tuy nhiên, nếu hiểu câu nói trên của Chúa Giêsu theo nghĩa thụ động thì cũng vẫn đúng, vì nói chung, không mấy ngôn sứ được quê hương của mình, tức những người đồng hương, bạn bè mình chấp nhận và nể phục (xem Mt 13,54). Điều này cũng đúng cho Đức Giêsu tại quê hương Ngài.



2.  Lý do khiến Đức Giêsu không thi ân giáng phúc tại quê hương

Đoạn Tin Mừng hôm nay (Lc 4,21-30) không nói lý do tại sao Đức Giêsu lại không làm phép lạ ở Nagiarét giống như Ngài đã làm ở những nơi khác. Nhưng Tin Mừng Mátthêu nói rõ: «Họ xúc phạm đến Người» (Mt 13,57), và «Người không làm nhiều phép lạ tại đó vì họ không tin» (Mt 13,58).

Đúng ra, ngôn sứ nào cũng có quê hương, và chắc hẳn theo tình cảm tự nhiên thì cũng muốn ưu đãi quê hương mình. Nhưng sự đời lắm chuyện chéo ngoe: nơi mình muốn ưu đãi thì nhiều khi lại không xứng đáng với sự ưu đãi ấy. 

Êlia cứu bà góa thành Sarépta, vì bà ấy rất xứng đáng được cứu giúp (xem 1V 17,9tt). Năm đó vùng ấy bị hạn hán, nhà bà chỉ còn một chút bột để làm bánh. Bà định làm bánh nốt số bột đó để bà cùng các con ăn xong rồi chết. Nhưng khi ngôn sứ Êlia xin ăn, thì bà sẵn sàng nhường chiếc bánh đầu tiên làm được cho ông ăn. Vì thế, để thưởng lòng quảng đại yêu thương của bà ta, Chúa đã làm phép lạ cho hũ bột của bà không bao giờ cạn hết, nhờ vậy mà bà và gia đình sống qua nạn đói. Bà được cứu giúp vì bà xứng đáng được cứu giúp. 

Đức Giêsu không làm được phép lạ nào ở Nagiarét vì người đồng hương của Ngài xúc phạm đến Ngài, và vì họ cứng lòng tin (x. Mt 13,58). Nguyên do nằm ở nơi họ, chứ không phải ở nơi Ngài.


3.  Chúng ta có thể rút ra bài học gì từ đoạn Tin Mừng 

Đừng quá tự hào mình là Kitô hữu, hay là người đạo gốcTa thấy cách xét đoán và xử sự của những ngôn sứ và của chính Đức Giêsu không giống như cách ta thường nghĩ. Các Ngài dường như lúc nào cũng dành ưu tiên cho dân tộc của mình, cho dân riêng của mình, rồi mới tới dân ngoại. Thật vậy, khi sai các tông đồ đi loan báo Tin Mừng, Đức Giêsu nói: «Anh em đừng đi về phía các dân ngoại, cũng đừng vào thành nào của dân Samari. Tốt hơn, hãy đến với các con chiên lạc nhà Ítraen» (Mt 10,5-6), hay «Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc của nhà Ítraen mà thôi» (Mt 15,24)

Nhưng khốn nỗi những người được Ngài dành ưu tiên –tức Dân Ngài, những người mang danh là đạo đức trong Dân Ngài– thì lại tự kiêu và không thèm tin Ngài cũng như không chịu thực hành những điều Ngài dạy là sống yêu thương. Trái lại, chính những người tội lỗi (gái điếm, thu thuế) và lương dân lại tin theo và thực hành lời của Ngài (xem Mt 21,31-32; Cv 8,5; 13,5)

Ngài đã bất bình với chính Dân của Ngài và nghiêng chiều về phía dân ngoại. Ngài nói: «Khốn cho ngươi, hỡi Khoradin, khốn cho ngươi, hỡi Bếtsaiđa, vì nếu các phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm tại Tyrô và Siđôn, thì họ đã mặc áo vải thô, rắc tro lên đầu để tỏ lòng sám hối. Vì thế, Ta nói cho các ngươi hay: đến ngày phán xét, thành Tyrô và Siđôn sẽ được xử khoan hồng hơn các ngươi» (Mt 11,21-22).

Vấn đề quan trọng trong ngày phán xét không phải chuyện chúng ta là đạo Công giáo hay là người ngoại, là đạo gốc hay đạo mới, đạo theo, mà là chúng ta có tin thật sự vào Thiên Chúa, vào Đức Giêsu, và sống có tình có nghĩa với mọi người chung quanh hay không. 

Trong bài đọc 2, thánh Phaolô cho chúng ta thấy «con đường trổi vượt hơn cả» là sống đúng theo những đòi hỏi của yêu thương (x. 1Cr 13,1-3). Ngài xác định hết sức rõ ràng và lập đi lập lại rằng nếu không có tình yêu đích thực ở trong lòng, thì dù có tài năng siêu quần bạt chúng, dù có đức tin chuyển núi dời non, dù có làm được những việc tốt lành vĩ đại, thì tất cả chỉ là những con số không to tướng, chẳng có giá trị gì trước Thiên Chúa cả. 

Và Ngài cũng phân biệt giữa tình yêu thương đích thực và những hành động có vẻ yêu thương: bố thí hết gia tài để được mọi người khen là người đạo đức, được ca tụng là người biết yêu thương, thì chỉ là có vẻ yêu thương, chứ không phải là yêu thương đích thực. Biết bao người trong chúng ta làm những việc bác ái chẳng phải do thương người, mà là để được khen! (x. Mt 6,1-4).

Chúng ta là người Kitô hữu, nên chúng ta là đối tượng ưu tiên của Nước Trời, chúng ta được dạy dỗ và ban ơn để sống tốt lành nhiều hơn người ngoại. Nhưng thật vô phúc cho chúng ta, nếu chúng ta lại sống ích kỷ, lỗi công bằng, thiếu bác ái hơn người ngoại. Biết bao người ngoại nếu được dạy dỗ như chúng ta, có điều kiện học hỏi về Chúa như chúng ta, thì họ đã tốt hơn chúng ta nhiều. Họ đáng được Thiên Chúa ân thưởng hơn chúng ta đấy!



CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, xin cho con biết sống theo ý Chúa, sống tinh thần của Chúa là tinh thần yêu thương. Cho con xác tín rằng tình yêu chân thật đối với mọi người chính là điều cần thiết nhất để nên thánh, nên trọn lành, và cũng là điều Chúa yêu quí nhất. Lạy Cha, xin tăng triển tình yêu trong lòng chúng con. Amen.

Nguyễn Chính Kết



Sunday, January 20, 2019

TN3a - Công việc quan trọng mang tính xã hội của người ngôn sứ




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 3 Thường Niên

(23-01-2022)


Công việc quan trọng mang tính xã hội
của người ngôn sứ



ĐỌC LỜI CHÚA

  Nkm 8,2-4a.5-6.8-10: (9) Tổng trấn Nêhêmi, thầy tế lễ Exơra tuyên bố: «Hôm nay là một ngày thánh dành cho Thượng Đế Hằng Hữu».

  1Cr 12,12-30: (13) Tất cả chúng ta, dầu là Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể, và đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất. (27) Vậy anh em chính là thân thể Đức Ki-tô, và mỗi người là một bộ phận. 

  TIN MỪNG: Lc 4,14-21

Đức Giêsu tại Nadarét

(14) Được quyền năng Thần Khí thúc đẩy, Đức Giêsu trở về miền Galilê, và tiếng tăm Người đồn ra khắp vùng lân cận. (15) Người giảng dạy trong các hội đường, và được mọi người tôn vinh. 

(16) Rồi Đức Giêsu đến Nadarét, là nơi Người sinh trưởng. Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày sabát, và đứng lên đọc Sách Thánh. (17) Họ trao cho Người cuốn sách ngôn sứ Isaia. Người mở ra, gặp đoạn chép rằng: (18) Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm được tha, cho người mù được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, (19) công bố năm hồng ân của Chúa. 

 (20) Đức Giêsu cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường, rồi ngồi xuống. Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. (21) Người bắt đầu nói với họ: «Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe». 



CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1. Sứ mạng của Đức Giêsu và các ngôn sứ là gì? Có phải sứ mạng đó chỉ liên quan đến tâm linh và tôn giáo, không liên quan gì đến cuộc sống đời thường của con người?  
2. Sứ mạng của Đức Giêsu và các ngôn sứ có bao trùm những lãnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội không? Có thể tránh được sự bao trùm ấy không? Tại sao?  
3. Người Kitô hữu có bổn phận phải tranh đấu cho quyền sống và quyền sống cho ra con người không? Tránh né việc tranh đấu ấy có phải là thái độ đúng đắn không?

Suy tư gợi ý:

1.  Sứ mạng của Đức Giêsu và các ngôn sứ

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu đọc sách của Isaia nói về sứ mạng ngôn sứ của ông. Đức Giêsu cũng áp dụng sứ mạng ấy cho chính Ngài qua câu: «Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe» (Lc 4,21). Đức Giêsu hay các ngôn sứ được «Thiên Chúa xức dầu tấn phong» và được Thần Khí Chúa ở cùng, để làm gì? Chắc chắn không phải chỉ để tế lễ hay đọc kinh cầu nguyện, cũng không phải chỉ để lo những chuyện thuần túy tôn giáo như «loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn», mà còn để làm cả những công việc xã hội, việc ngoài đời, như «cho người mù được sáng mắt», cho «kẻ bị giam cầm được tha», «trả lại tự do cho người bị áp bức» (Lc 4,18)

Sách Châm ngôn cũng nói lên một trong những công việc quan trọng mang tính xã hội của người ngôn sứ: «Con hãy mở miệng nói thay cho người câm, và biện hộ cho mọi người bất hạnh. Hãy mở miệng phán xử thật công minh, biện hộ cho những kẻ nghèo nàn khốn khổ» (Cn 31,8-9)

Thật vậy, cuộc đời của Đức Giêsu và của các tông đồ đầy dẫy những công việc như: chữa lành đủ mọi chứng bệnh (x. Mt 4,23; 8,1-16), trừ khử đủ mọi thứ quỉ (Mt 8,28-34; 9,32-34), hóa bánh ra nhiều để lo cho người đói (Mt 14,15-21; 15,32-38)… Sách Công Vụ Tông đồ nói về Đức Giêsu: «Đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó» (Cv 10,38). Việc thi ân giáng phúc của Ngài không phân biệt lãnh vực nào là đạo, lãnh vực nào là đời. 

Gioan Tẩy Giả –cũng là một ngôn sứ– ngoài việc dọn đường cho Đức Giêsu, rao giảng sự hối cải, ông còn làm những công việc mang tính xã hội như lên tiếng cảnh cáo vua Hêrốt không được lấy vợ của anh ruột mình, bất chấp việc cảnh cáo ấy có thể dẫn ông vào tù hay mất mạng (x. Mt 14,3-12). Các ngôn sứ thời trước, ngoài những công việc mang tính tâm linh và tôn giáo, cũng đã từng dấn thân vào những việc xã hội như lên tiếng cảnh cáo vua cũng như toàn dân chúng về những tội ác của họ.



2.  Đức Giêsu đến để giải phóng con người toàn diện

Ta thấy sứ mạng của Đức Giêsu là đến để giải phóng con người một cách toàn diện, cả tâm linh lẫn thể xác, cả cá nhân lẫn xã hội, bao hàm cả ba lãnh vực chính yếu của Kitô giáo là: chân lý, công lý và tình thương (x. Mt 23,23)

Về tâm linh, Ngài giải phóng con người khỏi ách thống trị của tội lỗi, của lề luật, của thói hư tật xấu, khỏi tính yếu đuối của bản tính con người. Thánh Phaolô viết: «Chính để chúng ta được tự do mà Đức Kitô đã giải thoát chúng ta» (Gl 5,1; x. Rm 6,18; Cl 1,13). Ngài cũng đến để giải phóng con người về mặt thể chất: «Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này? Tạ ơn Thiên Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta» (Rm 7,24-25); «Anh em đã chết cùng Đức Kitô và được giải thoát khỏi các yếu tố của vũ trụ» (Cl 2,20). Về mặt xã hội, Ngài đến để thực hiện một xã hội lý tưởng là Nước Trời, không chỉ tại thiên mà còn tại thế, trong đó mọi người đối xử với nhau bằng chân lý, công lý và tình thương. 

Vì thế, từ khi thành lập đến nay, Giáo Hội vẫn tiếp nối sứ mạng của Đức Giêsu là cứu độ con người một cách toàn diện. Chủ trương đó phần nào được diễn tả trong kinh «Thương người có 14 mối», trong đó không chỉ có 7 mối về linh hồn mà còn có 7 mối về thể xác

7 mối về thể xác rất cụ thể là: cứu giúp những kẻ thiếu thốn vật chất (thiếu ăn, thiếu uống, thiếu mặc, thiếu chỗ ở…); an ủi, giúp đỡ và chữa lành những kẻ ốm đau bệnh tật; thăm viếng và tìm cách giải phóng những kẻ bị giam cầm một cách oan ức hoặc bị làm nô lệ; giúp kẻ chết trong cảnh nghèo khổ được chôn cất tử tế. Tất cả đều nhằm giúp cho mọi người –đặc biệt những kẻ nghèo khổ– được sống và chết xứng với phẩm giá cao trọng của con người, là con cái và là hình ảnh của Thiên Chúa.



3.  Người Kitô hữu phải bảo vệ quyền sống cho ra người

Theo gương Đức Giêsu, tiếp tục thực hiện sứ mạng toàn diện của Ngài, nhiều Kitô hữu đã tranh đấu rất mạnh, rất hăng hái để bảo vệ sự sống, chẳng hạn chống phá thai, chống ngừa thai theo những phương pháp trái tự nhiên, v.v... Điều đó thật đáng khích lệ! 

Nhưng phần còn lại cũng rất quan trọng –là làm cho sự sống mà mình đã bảo vệ, được sống cho xứng với phẩm giá con người– thì rất nhiều Kitô hữu lại coi nhẹ hoặc không đặt nặng. Như thế có khác nào «đánh trống bỏ dùi», «đem con bỏ chợ», «đầu voi đuôi chuột»? 

Thử hỏi: bảo vệ cho các thai nhi được quyền sống trên đời, nhưng lại không nuôi dưỡng đầy đủ và bảo vệ cho chúng quyền được sống hạnh phúc, sống đúng với phẩm giá con người, thì việc bảo vệ sự sống cho chúng có ích lợi gì? Ngoài việc bảo vệ sự sống, ta còn có bổn phận phát triển sự sống, để sống có chất lượng. Đừng để những thai nhi mà chúng ta cứu sống khi trở thành người lại phải sống bất hạnh đến nỗi chúng phải than trách ta, những kẻ cứu sống chúng: «Thà để chúng tôi đừng sinh ra thì hơn!», «Tranh đấu cho chúng tôi sinh ra làm gì nếu sau đó lại để chúng tôi lâm vào cảnh lầm than khổ sở thế này?»

Như vậy, tranh đấu cho sự sống là điều rất tốt, nhưng thiết tưởng tranh đấu cho nhân quyền, tức quyền được sống cho ra người, xứng với phẩm giá con người còn quan trọng, cần thiết và tốt đẹp hơn

Nhưng tiếc thay, khá nhiều người chủ trương bảo vệ sự sống lại quên hẳn cái điều còn quan trọng hơn cả việc bảo vệ sự sống!



4.  Phải tranh đấu cho công lý

Muốn mọi người được sống đúng phẩm giá của con người, xứng với địa vị của con cái Thiên Chúa, chúng ta phải loại trừ mọi hình thức bất công trong xã hội. Hiện nay, trong xã hội, sự xuất hiện hay sự thịnh vượng của người này có thể gây khó khăn hay làm giảm bớt quyền lợi của người kia. Vì thế, để được thuận lợi cho mình mọi mặt, người ta tìm đủ mọi cách để tước đoạt hoặc giảm thiểu quyền sống và quyền sống-cho-ra-người của nhau. Vì thế, muốn mọi người được sống đúng với phẩm giá của con người, phải có những người tranh đấu cho quyền ấy

Những kẻ đang tước đoạt quyền làm người của kẻ khác hầu như không bao giờ tự động trả lại quyền ấy cho người bị tước đoạt cả. Họ chỉ trả lại quyền đó khi chúng ta hoặc chính người bị tước đoạt tranh đấu đòi buộc họ phải trả lại. Chỉ dùng cầu nguyện hoặc lời năn nỉ van xin để kẻ ác tự động trả lại sự công bằng cho mọi người quả là một ảo vọng

Nếu «Đức tin không có việc làm là đức tin chết» (Gc 2,17.26) thì tương tự như vậy, lời cầu nguyện xuông không đi đôi với hành động không hẳn là lời cầu nguyện chân thành. Các tu sĩ trong các đan viện cầu nguyện rất nhiều, nhưng đan viện nào cũng có những bảng đề «Ora et Labora» (Cầu nguyện và Làm việc / Cầu nguyện và Hành động), ngụ ý hai việc ấy phải đi đôi với nhau. Cầu nguyện phải đi đôi với hành động, và hành động cũng phải đi đôi với cầu nguyện.

Muốn cho mọi người được sống đúng với phẩm giá của mình, thiết tưởng chúng ta phải tranh đấu mới được, dù là tranh đấu trong ôn hòa, trật tự. Việc tranh đấu cho quyền sống-cho-ra-người cũng phải hăng hái và hữu hiệu như chúng ta đã từng tranh đấu để bảo vệ sự sống vậy! Là người Kitô hữu, được thúc đẩy bởi đức ái Kitô giáo, chúng ta có bổn phận phải tranh đấu cho mọi người có quyền sống và quyền "sống-cho-ra-người". Muốn thế, phải lên tiếng bảo vệ công lý, chống lại những cơ chế phát sinh bất công, nghèo khổ, đồng thời cổ võ mọi người –mà trước hết là chúng ta– hãy sống yêu thương và đùm bọc lẫn nhau.



5.  Tranh đấu như thế có hợp với tinh thần Kitô hữu không?

Việc tranh đấu cho quyền làm người và quyền sống-cho-ra-người như thế tất nhiên ít nhiều phải liên quan tới chính trị. Các ngôn sứ của Thiên Chúa không hề chủ trương làm chính trị. Nhưng khi thực hiện sứ mạng của mình, là làm chứng cho chân lý, công lý và tình thương, các ông không ngại ngùng khi việc làm chứng ấy có dính líu đến những vấn đề chính trị, hay mang tính cách chính trị

Việc lên tiếng hay làm chứng cho chân lý, công lý và tình thương trong xã hội, làm sao tránh được chuyện liên can đến chính trị? cũng như làm sao tránh được chuyện liên can đến văn hóa, xã hội, kinh tế…? Tất cả mọi vấn đề trong xã hội con người đều liên quan đến nhau một cách chặt chẽ. Không thể làm một việc gì trong xã hội mà không bị liên can đến những vấn đề ấy! 

Không muốn liên can đến những vấn đề ấy thì làm sao lên tiếng hay làm chứng cho chân lý, công lý và tình thương trong xã hội được? Muốn vô can thì chỉ có nước là im lặng, bất động, không nói không làm gì cả. Người muốn vô can trong những chuyện ấy chắc chắn không thích hợp với sứ mạng ngôn sứ

Muốn làm ngôn sứ, muốn sống đúng với lương tâm, phải chấp nhận trả giá, đôi khi trả giá rất mắc! Không chấp nhận trả giá, đừng tự hào mình là ngôn sứ, là người sống theo lương tâm!

Một cách tương tự, các ngôn sứ không chủ trương làm mất lòng ai, hay làm ai ghét mình, nhưng nếu vì sứ mạng mà phải làm mất lòng, phải nên cớ cho người ta ghét, thì cũng đành phải chấp nhận. Chẳng lẽ vì sợ làm mất lòng, sợ bị người ta ghét mà mình đành lỗi sứ mạng của mình?! Phải chăng người ngôn sứ được miễn thi hành sứ mạng của mình khi việc thi hành sứ mạng ấy có liên can đến chính trị? 

Đức Giáo hoàng đương kim Phanxicô từng dạy: «Người Công giáo tốt là người biết tham gia chính trị» (bài giảng lễ ngày 16 tháng 9, 2013 tại nhà nguyện Santa Marta). Tham gia chính trị ở đây không phải để tranh giành địa vị, quyền bính cho mình, mà để có những phương tiện hữu hiệu hầu làm cho xã hội trở nên công bình hơn, quyền sống và sống-cho-ra-người được tôn trọng hơn, và người dân được sống an vui hạnh phúc hơn.



CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, nhiều khi chúng con coi những gì liên quan đến chính trị như những điều kỵ húy, như thể chúng phản lại tinh thần Kitô hữu. Thực ra chúng con không thể tránh được sự liên quan ấy khi chúng con làm theo tiếng lương tâm, khi chúng con bảo vệ chân lý, công lý và tình thương. Nhiều khi chúng con coi chuyện tránh né những vấn đề chính trị còn quan trọng hơn cả việc tuân giữ luật tối thượng của Thiên Chúa là luật yêu thương: chúng con sẵn sàng bỏ thi hành luật Chúa khi việc thi hành này có liên quan đến chính trị! Xin cho chúng con ý thức được quan niệm sai lầm của mình và quyết tâm sửa đổi. Amen.

Nguyễn Chính Kết



Sunday, January 13, 2019

TN2a - Phép lạ Cana: biểu tượng của kế hoạch cứu chuộc sau khi kế hoạch sáng tạo bị hư hoại




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 2 Thường Niên

(16-01-2022)


Phép lạ Cana:
biểu tượng của kế hoạch cứu chuộc 
sau khi kế hoạch sáng tạo bị hư hoại



ĐỌC LỜI CHÚA

  Is 62,1-5: (2) Rồi muôn dân sẽ được chiêm ngưỡng đức công chính của ngươi, mọi đế vương sẽ được ngắm nhìn vinh quang ngươi tỏ rạng. Người ta sẽ gọi ngươi bằng tên mới, chính là tên miệng Đức Chúa đặt cho.

  1Cr 12,4-11: (4) Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. (5) Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. (6) Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người. (7) Thần khí tỏ ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung (…). (11) Chính Thần Khí duy nhất ấy đã làm tất cả những điều đó, và phân chia cho mỗi người mỗi cách, tùy theo ý của Người.

  TIN MỪNG: Ga 2,1-11

Tiệc cưới Cana

(1) Ngày thứ ba, có tiệc cưới tại Cana miền Galilê. Trong tiệc cưới có thân mẫu Ðức Giêsu. (2) Ðức Giêsu và các môn đệ cũng được mời tham dự. (3) Khi thấy thiếu rượu, thân mẫu Ðức Giêsu nói với Người: “Họ hết rượu rồi”. (4) Ðức Giêsu đáp: “Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và con? Giờ của con chưa đến”. (5) Thân mẫu Người nói với gia nhân: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo”. 

 (Ga 2) (6) Ở đó có đặt sáu chum bằng đá dùng vào việc thanh tẩy theo thói tục người Dothái, mỗi chum chứa được khoảng tám mươi hoặc một trăm hai mươi lít nước. (7) Ðức Giêsu bảo họ: “Các anh đổ đầy nước vào chum đi!” Và họ đổ đầy tới miệng. (8) Rồi Người nói với họ: “Bây giờ các anh múc và đem cho ông quản tiệc”. Họ liền đem cho ông. (9) Khi người quản tiệc nếm thử nước đã hóa thành rượu (mà không biết rượu từ đâu ra, còn gia nhân đã múc nước thì biết), ông mới gọi tân lang lại (10) và nói: “Ai ai cũng thết rượu ngon trước, và khi khách đã ngà ngà mới đãi rượu xoàng hơn. Còn anh, anh lại giữ rượu ngon cho đến mãi bây giờ”. (11) Ðức Giêsu đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Cana miền Galilê và bày tỏ vinh quang của Người. Các môn đệ đã tin vào Người.



CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1. Hôn nhân hay bậc sống đời gia đình – cùng với những vui thú, trách nhiệm, vất vả của nó – có phải là một lối sống được Thiên Chúa mong muốn và chúc lành không? Hay đó là một bậc sống thấp hèn? 
2. Trường hợp đám cưới này, nhờ sự can thiệp cứu độ của Chúa Giêsu, sự thiếu rượu cuối cùng lại biến thành có rượu, và rượu ấy còn ngon hơn trước, khiến cho đám cưới trở nên tốt đẹp hơn dự tính. Điều đó hàm ý nghĩa gì khi có sự cứu chữa hay can thiệp của Thiên Chúa? 
3. Vai trò của Đức Mẹ trong bối cảnh này quan trọng thế nào? Sự thường trong hoàn cảnh này, nếu không có Đức Mẹ, thì Chúa Giêsu có ra tay cứu chữa không? 
4. Lý do gì khiến Đức Mẹ nhận ra họ thiếu rượu? Mẹ có nhậy bén trước nhu cầu của người khác không? Tại sao Mẹ lại nhậy bén như vậy?


Suy tư gợi ý:

1.  Đức Giêsu tham dự tiệc cưới và cứu chữa thế kẹt cho đám cưới

Ngay từ khởi thủy, «Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ» (St 1,27), để từng cặp nam nữ sống thân thiện yêu thương nhau, trở nên một với nhau, «cả hai trở thành một xương thịt» (St 2,24). Thiên Chúa muốn họ sống với nhau thành một tổ ấm, một gia đình, để yêu thương nhau, nâng đỡ nương tựa nhau, xây dựng hạnh phúc cho nhau, và để sinh con cái hầu duy trì nhân loại đến muôn đời. Vì thế, đôi nam nữ yêu thương nhau, kết hợp với nhau thành vợ chồng, thành gia đình, đồng thời cộng tác với Ngài trong công cuộc tiếp tục sáng tạo con người, là điều hết sức tốt đẹp và thánh thiện, vì đó là kế hoạch khôn ngoan của Thiên Chúa.

Vì thế, đời sống hôn nhân hay gia đình nằm trong kế hoạch đầu tiên –có thể nói là kế thượng sách– của Thiên Chúa, tức kế hoạch sáng tạo. Do đó, ơn gọi sống đời hôn nhân và gia đình là một ơn gọi hết sức cao quí. Chính vì thế, phép lạ mở đầu cuộc đời công khai của Chúa Giêsu, là phép lạ dành cho tiệc cưới Cana. Cả Chúa Giêsu, Đức Mẹ và các môn đệ của Ngài cùng tham dự tiệc cưới này. Điều đó nói lên rằng Thiên Chúa –qua con người Đức Giêsu– đã đánh giá bậc sống hôn nhân gia đình rất cao quí, đáng được ủng hộ và chúc phúc.

Có điều đáng tiếc là kế hoạch đầu tiên này đã bị tội nguyên tổ làm hư hỏng, nên Thiên Chúa đã đưa ra một kế hoạch thứ haikế hoạch cứu chuộc. Ơn gọi linh mục hay tu sĩ nằm trong kế hoạch cứu rỗi này. Trong kế hoạch cứu chuộc này, theo suy nghĩ của Giáo Hội, thì Đức Giêsu đã lập bí tích hôn nhân trong tiệc cưới Cana này.



2.  Kế hoạch cứu chuộc làm kế hoạch sáng tạo thành công tốt đẹp hơn

Trong đám cưới, rượu được đưa ra ban đầu chắc chắn cũng là loại rượu ngon, ngon nhất trong khả năng kinh tế của gia đình đôi tân hôn. Nhưng sự trục trặc đã xảy ra khiến cho nếu không có sự can thiệp cứu chữa của Chúa Giêsu, gia đình đôi tân hôn sẽ bị mất mặt hay mang tiếng, và đám cưới sẽ mất vui rất nhiều. Nhưng chính nhờ có sự trục trặc đó, mà Đức Giêsu mới ra tay cứu chữa. Và một khi Ngài ra tay cứu chữa thì bữa tiệc lại trở nên vui hơn, tốt đẹp hơnkhi không có trục trặc xảy ra. Rượu sau này là loại rượu ngon hơn, chắc chắn khiến khách dự vui hơn, uống được nhiều hơn, và hài lòng hơn bình thường rất nhiều. Điều này có một ý nghĩa rất thâm sâu.

Công trình sáng tạo của Thiên Chúa hết sức tốt đẹp. Nhưng rồi có sự trục trặc xảy ra do tội lỗi con người. Nhưng sự cứu chuộc của Chúa Giêsu không phải chỉ là chữa cho tình trạng đó đỡ xấu đi, mà chắc chắn sẽ làm cho kết quả cuối cùng còn tốt đẹp hơn là khi không xảy ra sự trục trặc. Chính vì thế, trong lễ đêm Phục sinh, Giáo Hội đã không ngần ngại tuyên bố: tội nguyên tổ là một tội hồng phúc. Vì chính nhờ có tội đó mới có kế hoạch cứu chuộc. Và theo sự khôn ngoan và toàn năng của Thiên Chúa, chắc chắn kế hoạch cứu chuộc này không chỉ chữa lại kế hoạch sáng tạo đã bị hư hỏng, mà còn làm cho kế hoạch sáng tạo ấy thành công mỹ mãn, tốt đẹp lên gấp bội. Có hành xử như thế, Thiên Chúa của chúng ta mới đúng là Thiên Chúa cao cả vĩ đại, đầy quyền năng. Và chỉ Ngài mới làm cho điều xấu nhất trở nên tốt nhất mà thôi. Đó chính là lý do để người Kitô hữu luôn luôn sống hân hoan và tràn đầy hy vọng vào tương lai.


3.  Sự đồng công của Đức Mẹ trong công việc của Chúa Giêsu

Sự hiện diện của Chúa Giêsu, Đức Mẹ và các môn đệ, và sự can thiệp đặc biệt của Ngài để cứu nguy cho đám cưới ấy là một dấu hiệu hết sức ý nghĩa. Cuộc hôn nhân hay đám cưới (vốn thuộc kế hoạch thứ nhất) đã lâm vào tình trạng nguy khốn (hình ảnh của sự trục trặc gây ra do tội nguyên tổ) đã được Chúa Giêsu cứu chữa một cách hết sức tốt đẹp (kế hoạch cứu chuộc của Thiên Chúa đã thành công).

Sự cứu chữa ấy có sự đóng góp hết sức quan trọng của Mẹ Maria: Chúa Giêsu đã thực hiện sự cứu chữa ấy theo yêu cầu đầy tính thương người của Mẹ mình. Trong công việc cứu chữa đám cưới này, Đức Mẹ đã tỏ ra tư cách của mình là người Đồng Công Cứu Chuộc với Chúa Giêsu một cách hết sức rõ ràng và cụ thể. Công việc chính yếu là do Chúa Giêsu, nhưng nếu không có Mẹ Maria thì sự cứu chữa ấy có thể đã không xảy ra.

Người Kitô hữu cần ý thức hơn về vai trò rất quan trọng của Mẹ Maria trong việc nên thánhsống đời Kitô hữu của mình. Trong việc nên thánh, những Kitô hữu nào biết cậy nhờ vào sự bảo trợ của Mẹ Maria thì thường là dễ thành công hơn.


4.  Mẫu gương quan tâm đến nhu cầu của tha nhân nơi Mẹ Maria

Lý do khiến Đức Mẹ trở nên Đấng Đồng Công với Chúa Giêsu, chính là tình yêu thương chan hòa của Ngài đối với mọi người, không phân biệt thân sơ, giàu nghèo. Tình yêu thương ấy đã khiến Đức Mẹ trở nên hết sức nhậy bén trước nhu cầu, nỗi khó khăn, đau khổ cũng như niềm vui, niềm hạnh phúc của người khác. Vì thế, trong đám tiệc, khi chủ nhà sắp hết rượu, Đức Mẹ đã nhận ra ngay nỗi lo lắng của họ, cho dù theo lẽ thường họ cố gắng không biểu lộ ra. Chắc chắn có biết bao phụ nữ cùng đi dự đám cưới ấy đã không nhận ra điều ấy.

Sự nhạy bén đó Mẹ có được là do lòng yêu thương của Mẹ khiến Mẹ luôn quan tâm đến người khác, quan tâm đến từng chi tiết của đời sống. Có thể nói tình yêu luôn luôn phải được biểu lộ bằng sự quan tâm. Mặc dù quan tâm không phải luôn luôn là dấu chứng của yêu thương, nhưng chắc chắn rằng không quan tâm thì cũng đồng nghĩa với không yêu thương.

Chúng ta thường nghĩ rằng mình yêu thương người khác, nhất là những người gần gũi chúng ta nhất: cha mẹ, vợ con (hay chồng con), anh chị em ta. Nhưng có đích thật chúng ta yêu thương những người ấy không? chúng ta có thật sự quan tâm đến niềm vui, nỗi buồn, niềm mong ước, hy vọng hay nhu cầu của họ không? chúng ta có sẵn sàng thỏa mãn những nhu cầu ấy bất chấp phải hy sinh ít nhiều thì giờ, tiền bạc, sức lực của ta không? chúng ta sẵn sàng tới mức độ nào?



CẦU NGUYỆN

Lạy Mẹ Maria, xin cho con biết bắt chước Mẹ, biết biểu lộ tình thương của con đối với những người chung quanh một cách cụ thể bằng sự quan tâm thật sự đối với những niềm vui, nỗi buồn, những thuận lợi cũng như những bất lợi của họ. Xin đừng để con thường xuyên vô tình, hay cố tình làm ngơ trước những nhu cầu hay những đau khổ của người khác. Amen.

Nguyễn Chính Kết



Thursday, January 10, 2019

TN1b - Người rao giảng về Đức Giêsu, phải biết tự xóa mình để Ngài nổi bật lên

CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ I Thường Niên
Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa

(09-01-2022)

Bài đào sâu

Người rao giảng về Đức Giêsu,
phải biết tự xóa mình để Ngài nổi bật lên


  TIN MỪNG: Lc 3,15-16.21-22

Đức Giêsu chịu phép rửa



1.  Tinh thần tự hủy của người loan báo về Ðức Giêsu

Trong bài Tin Mừng, ta thấy có hai nhân vật chính: Gioan Tẩy giả và Ðức Giêsu. Trong hai người, Gioan Tẩy giả là người phàm, đến trước để loan báo; còn Ðức Giêsu là Thiên Chúa, là con người thần linh, đến sau để giải phóng nhân loại. Như thế ta thấy: người phàm đến trước loan báo cho con người thần linh đến sau.

Ðể chu toàn nhiệm vụ loan báo, Gioan Tẩy giả phải thực hiện tinh thần tự hủy hoàn toàn, nghĩa là hoàn toàn xóa mình đi, coi mình không là gì cả, có như thế vai trò của người mình loan báo mới được nổi bật lên: «Có Ðấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người» (Mc 1,7); «Người phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi» (Ga 3,30).

Người loan báo hay rao giảng được kêu gọi và lên tiếng không phải vì mình, nhưng vì Ðấng mà mình loan báo hay rao giảng. Vì thế, muốn loan báo hay rao giảng thật sự đúng nghĩa, chúng ta cần phải sống tinh thần tự hủy, tự xóa mình khi thực hiện công việc này. Tuy nhiên, trong thực tế, chúng ta dễ bị cám dỗ coi việc loan báo hay rao giảng Tin Mừng như một phương tiện để làm cho mình nổi bật lên, được mọi người ca tụng là mình đạo đức, viết hay, giảng hay. Tới một lúc nào đó, chúng ta bắt đầu có khuynh hướng vì mình nhiều hơn vì Chúa. Lúc ấy, một cách nào đó, ta biến Chúa trở thành người loan báo cho ta, làm ta nổi bật lên.

Có thể ban đầu ta hoàn toàn vì Chúa, nhờ đó ta rao giảng về Ngài rất hay, mọi người ca tụng ta là người đạo đức, là «có lửa». Nhưng từ khi có danh thơm tiếng tốt ấy, ta bắt đầu bị cám dỗ bảo vệ danh tiếng ấy, và làm cho danh tiếng ấy ngày càng mạnh lên. Danh tiếng ấy có thể giúp ta dễ «thăng quan tiến chức» trong Giáo Hội hay ngoài xã hội. Ta bắt đầu ngày càng trở nên «vì mình» hơn và bớt «vì Chúa» đi. Dần dần ta trở nên kẻ háo danh lúc nào không hay. Từ háo danh đến ham quyền, từ ham quyền đến cố vị chỉ là những bước rất ngắn. Một khi đã ham quyền cố vị rồi, ta dễ dàng bị cám dỗ làm những điều tán tận lương tâm. Vì quyền bính là một con dao hai lưỡi, tuy cần thiết để phục vụ đại chúng, nhưng lại có khả năng tha hóa rất mạnh. 

Vì thế, những người loan báo hay rao giảng Tin Mừng −nhất là những người đã thành công trong lãnh vực này và đang nắm những địa vị quan trọng trong Giáo Hội hay xã hội− rất cần tinh thần phản tỉnh để luôn luôn tỉnh táo đối với chính mình: «Hãy tỉnh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ, vì tinh thần thì hăng say, nhưng thể xác lại yếu hèn» (Mt 26,41; Mc 14,38). Thực tế cho thấy nhiều người khi chưa nắm quyền bính thì tinh thần phục vụ rất cao, nhưng khi đã nắm được quyền bính thì trở nên khác hẳn. Nhiều anh hùng dân tộc, nhiều chức sắc tôn giáo đã bị tha hóa vì quyền lực.



2. Phàm nhân và thánh nhân trong mỗi người

Bài Tin Mừng hôm nay còn có thể hiểu theo một chiều kích khác rất sâu xa: chiều kích tâm linh. Trong đó, Gioan Tẩy giả và Ðức Giêsu tượng trưng cho hai khía cạnh trong cùng một con người: Gioan Tẩy giả tượng trưng cho con người phàm của ta, và Ðức Giêsu tượng trưng cho con người thánh, con người thần linh, siêu phàm ở trong ta. Chính con người thần linh này trong mỗi người là yếu tố cốt yếu khiến con người là «hình ảnh của Thiên Chúa» (St 1,26-27; 9,6), «giống như Thiên Chúa» (St 1,26b). Ðó là chính bản tính Thiên Chúa của Ngài được thông ban cho chúng ta: «Thiên Chúa đã ban tặng chúng ta những gì rất quý báu và trọng đại Người đã hứa, để nhờ đó, anh em được thông phần bản tính Thiên Chúa» (2Pr 1,4). Chính nhờ có bản tính thần linh thánh thiện này trong bản thân ta mà Ðức Giêsu mới có thể mời gọi ta nên thánh: «Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Ðấng hoàn thiện» (Mt 5,48).

Giữa con người với con chó, khoảng cách hữu thể tuy không xa, vì cùng là tạo vật, nhưng con chó không bao giờ có thể trở thành người như con người dù có cố gắng luyện tập đến đâu, vì trong con chó không có bản tính con người. Còn giữa con người với Thiên Chúa tuy là một khoảng cách vô tận, nhưng con người có thể nên hoàn thiện, nên thánh như chính Thiên Chúa, vì trong con người đã có sẵn bản tính Thiên Chúa mà Ngài thông truyền cho. Nếu bản thân con người không có bản tính Thiên Chúa thì lời Ðức Giêsu mời gọi con người nên hoàn thiện như Thiên Chúa là tuyệt đối bất khả thi, và câu nói đó trở thành vô nghĩa.

Tuy nhiên, sống hoàn thiện như Thiên Chúa không phải dễ, vì bên cạnh con người thánh ấy luôn luôn có một con người phàm. Một danh nhân nào đó nói: «Trong lòng mỗi người, vừa có một vị thánh vừa có một con thú». Thật vậy, có những lúc ta suy nghĩ và hành động như một vị thánh, nhưng cũng có rất nhiều lúc ta lại hành động như một con thú. Và dường như vị thánh và con thú trong bản thân ta phải luôn luôn tranh đấu với nhau để dành thắng thế hầu làm chủ bản thân ta. Có người thì vị thánh thường thắng thế và làm chủ, còn lắm người thì bị con thú thường khống chế toàn bộ con người. 

Thánh Kinh có nói đến tình trạng trái ngược giữa hai con người này. Về vấn đề này, Thánh Phaolô viết: «Tính xác thịt thì ước muốn những điều trái ngược với Thần Khí, còn Thần Khí lại ước muốn những điều trái ngược với tính xác thịt, đôi bên kình địch nhau, khiến anh em không làm được điều anh em muốn» (Gl 5,17); «Những ai sống theo tính xác thịt, thì hướng về những gì thuộc tính xác thịt; còn những ai sống theo Thần Khí, thì hướng về những gì thuộc Thần Khí» (Rm 8,5)

Kết quả của hai cách sống đối nghịch ấy là: «Nếu anh em sống theo tính xác thịt, anh em sẽ phải chết; nhưng nếu nhờ Thần Khí, anh em diệt trừ những hành vi của con người ích kỷ nơi anh em, thì anh em sẽ được sống» (Rm 8,13)

a) Con người phàm thì sống theo xác thịt:

Bản chất của con người phàm là chỉ biết sống cho mình, sống ích kỷ, có khuynh hướng «phình to bản ngã». Vì thế, chỉ quan tâm tới những tham vọng hay lợi lộc ích kỷ của mình, tự coi mình là cái rốn của vũ trụ, muốn mọi người phải phục vụ mình, luôn luôn coi ý riêng của mình là quan trọng, thích lèo lái mọi người theo ý riêng của mình. Kinh Thánh nói về tính cách của phàm nhân: «Những kẻ sống theo xác phàm thì hay mơ ước những gì xác phàm đòi hỏi» (Rm 8,5); «Họ khoe mình khôn sáng nhưng đã nên điên dại» (Rm 1,22); «Ý tưởng họ hóa ra tối tăm, vì họ lìa xa sự sống Chúa Trời» (Ep 4,18); «Lòng trí họ miên man theo điều phù phiếm, họ ngu muội đắm chìm trong bóng tối tăm» (Rm 1,21).

b) Con người thánh sống theo Thần Khí:

Con người thánh là con người sống vị tha, sống theo Thần Khí, theo sự hướng dẫn của lẽ phải, của chân lý, công lý và tình thương. Hành động không bị chi phối bởi những động lực vị kỷ, dục vọng, ý muốn riêng tư, mà bởi tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân. Khi không còn sống cho bản thân mình nữa, con người thánh trở nên có nhiều sức mạnh tinh thần, luôn khôn ngoan, sáng suốt, can đảm, tâm hồn luôn bình an hạnh phúc, thứ bình an hạnh phúc nội tâm không ai ban được mà cũng không ai lấy mất được, ngoại cảnh không còn làm họ làm đảo điên, đau khổ nữa.


3.  Phàm nhân có nhỏ lại thì thần nhân mới lớn lên được

Nơi mỗi con người, phàm nhân được khám phá và ý thức trước tiên. Dần dần con người khám phá ra một tiếng nói, một khuynh hướng, một lực lượng thầm kín −nhiều khi rất mạnh mẽ− lôi kéo mình lên khỏi những ích kỷ cá nhân của phàm ngã. Ðó là thần ngã hay con người thánh. Vấn đề là làm sao để thần ngã này lớn lên? Gioan Tẩy giả cho ta một bí quyết: Gioan Tẩy Giả −tượng trưng cho phàm ngã− đã tự hạ, tự hủy để làm cho Ðức Giêsu −tượng trưng cho thần ngãnổi bật lên. Chỗ khác Gioan nói: «Người phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi» (Ga 3,30).

Phàm nhân lúc nào cũng muốn được nổi bật, được phình to lên, nhưng nếu ta chiều theo phàm ngã, thì phàm ngã sẽ lớn mạnh và lấn át thần ngã, làm thần ngã trở nên yếu ớt. Nhưng nếu ta sống tinh thần tự hủy, làm phàm ngã nhỏ lại, thì tự nhiên thần ngã sẽ lớn và mạnh lên. Hai lực lượng ấy luôn luôn tỷ lệ nghịch với nhau: lực này lớn thì lực kia nhỏ lại, lực này yếu thì lực kia mạnh lên. Vì thế, muốn thần ngã lớn lên, thì phải làm cho phàm ngã nhỏ đi. Không gì làm phàm ngã nhỏ đi bằng sống tinh thần tự hủy, tự xóa mình: coi mình chẳng là gì cả, như một người nhỏ bé không có gì là quan trọng, không cố ý làm gì để lôi kéo sự chú ý của người khác. Nhất là không bao giờ đòi hỏi ý riêng của mình phải được thực hiện, mà trái lại sẵn sàng thực hiện thánh ý Thiên Chúa.



CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, xin hãy biến cải con thành một con người mới, con người sống theo Thần Khí chứ không theo những đòi hỏi của phàm ngã. Nhờ đó bản tính thần linh mà Cha đã gieo mầm vào trong bản thân con nẩy mầm và phát triển. Và hy vọng một ngày kia Cha có thể nói với con như xưa Cha đã nói với Ðức Giêsu: «Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con». Xin giúp con đạt được điều ấy.



TN1a - Đức Giêsu chịu phép rửa để đại diện cho nhân loại tội lỗi sám hối trước mặt Thiên Chúa




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ I Thường Niên
Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa

(09-1-2022)

Đức Giêsu chịu phép rửa
để đại diện cho nhân loại tội lỗi
sám hối trước mặt Thiên Chúa



ĐỌC LỜI CHÚA

  Is 40,1-5.9-11: (11) Như mục tử, Chúa chăn giữ đoàn chiên của Chúa, tập trung cả đoàn dưới cánh tay. Lũ chiên con, Người ấp ủ vào lòng, bầy chiên mẹ, cũng tận tình dẫn dắt.

  Tt 2,11-14; 3,4-7: (5) Không phải vì tự sức mình chúng ta đã làm nên những việc công chính, nhưng vì Người thương xót, nên Người đã cứu chúng ta nhờ phép rửa ban ơn Thánh Thần, để chúng ta được tái sinh và đổi mới. (6) Thiên Chúa đã tuôn đổ đầy tràn ơn Thánh Thần xuống trên chúng ta, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Đấng cứu độ chúng ta.


  TIN MỪNG: Lc 3,15-16.21-22

Đức Giêsu chịu phép rửa

(15) Hồi đó, dân đang trông ngóng, và trong thâm tâm, ai nấy đều tự hỏi: biết đâu ông Gioan lại chẳng là Đấng Mêsia! (16) Ông Gioan trả lời mọi người rằng: «Tôi, tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa».

 (21) Khi toàn dân đã chịu phép rửa, Đức Giêsu cũng chịu phép rửa, và đang khi Người cầu nguyện, thì trời mở ra, (22) và Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình dáng chim bồ câu. Lại có tiếng từ trời phán rằng: «Con là Con của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con».



CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1. Tại sao người Do Thái lại tự hỏi: «Biết đâu ông Gioan lại chẳng là Đấng Mêsia»? Thái độ của Gioan thế nào? Ta học được gì nơi thái độ ấy?

2. Đức Giêsu vô tội, tại sao Ngài lại lãnh nhận phép rửa của Gioan? Ngài muốn làm gương cho chúng ta? Hay Ngài sám hối thay cho cả nhân loại?

3.  Ta có thể bắt chước Ngài trong việc sẵn sàng gánh tội cho người khác, sám hối và sẵn sàng chịu đau khổ để đền tội thay cho họ không?


Suy tư gợi ý:

1.  Gioan Tẩy Giả được dân chúng hy vọng là Đấng Cứu Thế?

Các ngôn sứ chính thống của Thiên Chúa bắt đầu xuất hiện với Samuel, Êlia, Êlisê trước công nguyên khoảng 1000 năm, và kết thúc với những ngôn sứ cuối cùng là Malakhi, Giôen, Giôna… khoảng 350 năm trước công nguyên. Suốt trong khoảng 350 năm đó, dường như không có ngôn sứ nào xuất hiện. Nhưng dân Do Thái tin rằng khi Đấng Cứu Thế đến thì truyền thống ngôn sứ sẽ xuất hiện trở lại (x. Ge 2,28-29)

Khi Gioan Tẩy giả xuất hiện, nói năng đúng theo kiểu các ngôn sứ thời xưa, nghĩa là kêu gọi khẩn cấp phải quay trở về với Thiên Chúa để tránh hình phạt đổ xuống. Dân chúng thấy vậy thì vô cùng phấn khởi, họ tin rằng triều đại của Đấng Cứu Thế mà các ngôn sứ thời xưa loan báo đang đến. Rất nhiều người nghi ngờ rằng Gioan chính là Đấng Cứu Thế mà muôn dân hàng trông đợi. Khi thấy nhiều người nghĩ mình như thế, Gioan liền cải chính: «Có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người» (Lc 3,16b). Đó chính là lòng thành thật và sự khiêm nhường của ông: hai nhân đức rất căn bản mà người Kitô hữu cần có.



2.  Phép rửa của Gioan và phép rửa của Đức Giêsu

Gioan kêu gọi mọi người sám hối và chịu phép rửa bằng nước của ông. Nhưng ông tiên báo Đấng đến sau ông sẽ «làm phép rửa trong Thánh Thần và lửa» (Lc 3,16c). Phép rửa bằng nước của Gioan chỉ là một nghi thức và biểu tượng tỏ lòng sám hối để được Thiên Chúa tha thứ. Nó có tác dụng tâm lý, tạo ấn tượng về sự sám hối để giúp người ta giữ được lâu bền thành quả việc sám hối ấy. Đồng thời nhờ sám hối mà tội lỗi họ được Thiên Chúa tha thứ. Còn phép rửa của Đức Giêsu mang tính tích cực và hữu hiệu: chẳng những được Thiên Chúa tha thứ, mà còn lãnh nhận được Thánh Thần và lửa tình yêu để sống thánh thiện xứng đáng là con cái của Thiên Chúa hầu được sống hạnh phúc vĩnh cửu.

Mặc dù phép rửa của Đức Giêsu cao trọng và hữu hiệu hơn của Gioan, nhưng Đức Giêsu đã lãnh nhận phép rửa của Gioan cũng như bao người tội lỗi khác. Việc này đương nhiên đặt nên nhiều thắc mắc về mặt thần học. Vì nếu ta nhìn nhận Đức Giêsu là hoàn toàn vô tội, tại sao Ngài lại lãnh nhận phép rửa của Gioan? Nếu Ngài vô tội, và việc chịu phép rửa của Ngài chỉ để làm gương, thì rõ ràng việc làm này chỉ mang tính biểu diễn, và có phần nào giả dối, thiếu nền tảng chân lý. Điều này không thích hợp với tư cách của Đức Giêsu! Trong nhiều trường hợp, không thể giải thích việc làm của Đức Giêsu theo kiểu Ngài làm như thế là để làm gương cho chúng ta. Giải thích như thế có phần nào gượng ép và hạ tư cách của Ngài. Làm gương mà không xứng hợp với tư cách của mình thì không được hay lắm!



3.  Đức Giêsu đại diện nhân loại, và gánh tội trần gian

Đức Giêsu đến trần gian, để nhập thể làm người, để đại diện cho nhân loại tội lỗi (x. Dt 2,17; 5,1-3) hầu gánh lấy toàn bộ tội lỗi của trần gian trên mình (x. Ga 1,29), và để chấp nhận một hình phạt nào đó xứng đáng hầu đền tội thay cho nhân loại (x. Dt 10,12). Vì thế, mặc dù Ngài vô tội, nhưng một khi đã đại diện cho kẻ có tội, thì Ngài phải mặc lấy tâm tình của kẻ có tội, và hành xử như người có tội trước mặt Thiên Chúa. Tương tự như cha mẹ xin lỗi ai thay cho con cái mình, thì chính cha mẹ ấy phải sẵn sàng hạ mình nhận lỗi trước mặt người ấy. Chẳng những Đức Giêsu tự coi mình là kẻ có tội, mà chính Thiên Chúa cũng coi Ngài – với tư cách đại diện nhân loại tội lỗi – là có tội, nên đã sẵn sàng giáng những hình phạt khủng khiếp xuống trên Ngài.

Khi thấy Gioan làm phép rửa sám hối, Đức Giêsu ý thức sứ mạng gánh tội trần gian của mình, nên đã chịu phép rửa của Gioan để đại diện cho cả nhân loại tỏ lòng thống hối trước mặt Thiên Chúa. Hành động này đã làm động lòng Thiên Chúa Cha, khiến Chúa Cha ban «Thánh Thần xuống trên Người dưới hình dáng chim bồ câu» (Lc 3,22a) đồng thời công khai xác nhận trước mọi người rằng Ngài chính là Con của mình: «Con là Con của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con» (Lc 3,22b).



4.  Gương Đức Giêsu gánh tội và sám hối thay cho người khác

Để cứu nhân loại, Đức Giêsu đã gánh tội trần gian trên mình, đã sám hốiđền tội thay cho nhân loại. Đó cũng là một gương tuyệt vời để chúng ta bắt chước. Chung quanh ta, và ngay cả bản thân ta, có biết bao khuyết điểm, lỗi lầm, tội lỗi. Ý thức bản thân mình tội lỗi để sám hối và sẵn sàng đền tội là một điều tốt. Nhưng khi thấy người chung quanh ta lầm lỗi, phạm tội, mà ý thức được tính liên đới trách nhiệm giữa ta với họ, cũng như giữa con người với nhau, để rồi sẵn sàng sám hối và đền tội thay cho họ, là một nghĩa cử hết sức cao đẹp, mà chỉ những tâm hồn hết sức cao thượng mới làm được.

Ta thấy Đức Giêsu có một ý thức rất mạnh về tính liên đới trách nhiệm trong tình trạng tội lỗi của nhân loại, mặc dù Ngài hoàn toàn vô tội. Ngài ý thức mình cũng như mọi người đều mang trong mình bản tính yếu đuối của nhân loại, và cùng với mọi người sống trong một xã hội có nhiều tội ác và bất công. Dù bản thân mình vô tội, nhưng mình là một thành phần của một cộng đồng xã hội có tội, nên mình có trách nhiệm giải hòa cộng đồng xã hội của mình với Thiên Chúa. Đó là thể hiện tinh thần liên đới và yêu thương đối với xã hội.

Khi mặc lấy tâm tình yêu thương và thống hối thay cho mọi người như Đức Giêsu, thì dù ta có thánh thiện hay vô tội tới đâu, ta vẫn dễ dàng yêu thương, cảm thông và sẵn sàng tha thứ cho những người lầm lỗi chung quanh ta. Ta sẽ không kết án cũng không lên mặt đối với họ. Trái lại, ta sẵn sàng đón nhận mọi khổ đau xảy đến cho mình để đền tội cho mình và thay cho họ trước mặt Thiên Chúa. 

Tất cả những đau khổ xảy đến cho ta đều là những dịp quí báu, đều là hồng ân Chúa ban để ta có thể làm một nghĩa cử yêu thương đối với những người tội lỗi. Đó là dùng những đau khổ đó để đền tội thay cho họ. Và tất cả mọi đau khổ của ta đều trở nên có ý nghĩa, đều là dịp để thực hiện tình yêu thương, và đương nhiên có giá trị rất lớn trước mặt Thiên Chúa. Nếu «không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình» (Ga 15,13), thì tương tự như vậy, chịu đau khổ, đền tội thay cho người khác, cũng là một hành vi hết sức cao cả. Khi ta thực hiện như thế, tự nhiên ta có khả năng cảm hóa người khác, và nhiều người tội lỗi sẽ nhờ ta mà trở về với Thiên Chúa.

Trong gia đình, việc gánh tội và đền tội thay cho nhau, giữa vợ chồng, giữa cha mẹ và con cái, giữa anh chị em với nhau là chuyện rất bình thường. Nhưng chuyện đó không xảy ra bình thường giữa những người xa lạ với nhau. Tại sao? Vì trong gia đình có tình yêu đích thực và mãnh liệt. Chỉ có tình yêu đích thực và mãnh liệt mới giúp người ta chịu đau khổ, chịu chết để đền tội thay cho nhau.

Thiên Chúa mời gọi ta yêu thương mọi người, kể cả người xa lạ, thậm chí kẻ thù, bằng thứ tình yêu nào? Tình yêu thật sự hay ngoài môi miệng? Tình yêu pha loãng hay đậm đặc? Quả không có gì là khó hiểu khi mọi người đều hết sức ngạc nhiên thấy linh mục Maximilianô Kolbê sẵn sàng chịu khổ hình và chịu chết thay cho một người có vợ có con đang nheo nhóc ở ngoài đời mặc dù ngài chẳng có bà con ruột thịt gì với anh ta. Cha Kolbê đã đáp lại lời Thiên Chúa mời gọi mình yêu thương tha nhân bằng một tình yêu đích thực và mãnh liệt. 

Thiên Chúa có mời gọi bạn, mời gọi tôi như thế không? Bạn và tôi đã đáp lại lời mời gọi ấy thế nào?



CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, Đức Giêsu đã làm một hành động thật là tuyệt vời! Ngài luôn ý thức sứ mạng của mình là gánh tội trần gian. Ngài muốn liên đới trách nhiệm với nhân loại trong tình trạng tội lỗi của họ. Ngài sẵn sàng cùng với họ sám hối tội lỗi, cùng chịu đau khổ với họ để đền tội. Ngài đã chấp nhận chết thê thảm trên thập giá để đền tội thay cho nhân loại. Xin Cha giúp con có được ý thức, tâm tình yêu thương và lòng dũng cảm như Đức Giêsu, để con cũng biết liên đới trách nhiệm với tội lỗi của những người sống chung quanh con, những người đang cùng sống trong một xã hội với con. Amen.