Sunday, December 29, 2019

HienLinh-b − Quan tâm thực hiện những phương tiện tốt không đủ, mà phải đạt cho được mục đích mà những phương tiện ấy nhắm tới




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật Lễ Hiển Linh

(05-01-2020)

Bài đào sâu

Quan tâm thực hiện những phương tiện tốt không đủ, mà phải đạt cho được mục đích mà những phương tiện ấy nhắm tới


  TIN MỪNG: Mt 2,1-12

Các nhà chiêm tinh đến bái lạy Ðức Giêsu Hài Nhi



Câu hỏi gợi ý:
1. Theo bài Tin Mừng, những kẻ gặp được Ðức Giêsu là người có đạo hay ngoại đạo? Tại sao? Bạn có rút ra được kết luận gì không? 
2. Có Kinh Thánh, giáo huấn của Chúa và Giáo Hội trong tay, điều đó đã đủ để ta gặp Chúa chưa? Còn thiếu điều gì nữa? 
3. Trong thời đại này, ta có thể tìm gặp Chúa ở đâu? trong nhà thờ? trong phụng vụ? trong các bí tích? hay nơi những người anh em chung quanh ta? Theo tinh thần của Tin Mừng, thì Chúa muốn ta gặp Ngài ở đâu hơn?

Suy tư gợi ý:

1.  Người ngoại cũng được vào Nước Trời

Ngày xưa, những người theo đạo Do Thái quan niệm chỉ có những người theo đạo Do Thái, nghĩa là có chịu phép cắt bì mới được cứu rỗi. Sách Công Vụ Tông đồ cho thấy quan niệm ấy của họ: «Có những người từ miền Giuđê đến dạy anh em rằng : "Nếu anh em không chịu phép cắt bì theo tục lệ Môsê, thì anh em không thể được cứu độ"» (Cv 15,1). Ngày nay, nhiều người Kitô hữu cũng có quan niệm tương tự như thế. Nhưng tinh thần của bài Tin Mừng hôm nay mạc khải một sự thật hoàn toàn ngược lại quan niệm ấy.

Qua bài Tin Mừng, ta thấy chính những người Do Thái −mặc dù biết Ðấng Cứu Thế sinh ra tại đâu− lại không thèm tìm kiếm Ðức Giêsu mới sinh ra. Những người tìm kiếm Ngài và đã thấy Ngài, thờ lạy Ngài và dâng tặng vật cho Ngài lại là dân ngoại từ tận đâu đâu đến. Kinh Thánh còn cho ta biết người Do Thái chẳng những không tìm kiếm Ðức Giêsu, mà còn bách hại Ngài nữa. 

Vì thế, Nước Trời vốn ưu tiên cho người Do Thái, nhưng vì họ từ chối bằng thái độ lãnh đạm, thậm chí chống đối, nên đã được đem đến cho dân ngoại: Phaolô và Banaba mạnh dạn lên tiếng: «Anh em phải là những người đầu tiên được nghe công bố lời Thiên Chúa, nhưng vì anh em khước từ lời ấy, và tự coi mình không xứng đáng hưởng sự sống đời đời, thì đây chúng tôi quay về phía dân ngoại» (Cv 13,46)

Và lịch sử cho thấy dân ngoại vô số người đã vào Nước Trời −mà dấu chỉ là Giáo Hội− đang khi người Do Thái lại đứng ở ngoài. Thật đúng với câu Ðức Giêsu nói: «Từ phương đông phương tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc cùng các tổ phụ Ápraham, Ixaác và Giacóp trong Nước Trời. Nhưng con cái Nước Trời thì sẽ bị quăng ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng» (Mt 8,11−12). Ðức Giêsu cũng đã dùng nhiều dụ ngôn để nói lên sự thật này: Hai người con kẻ nói vâng người nói không (x. Mt 21,28-32); Những thợ vườn nho sát nhân (Mt 21,33-46); Tiệc cưới (Mt 22,1-14).



2.  Bài học cho người Kitô hữu hôm nay

a) Có Kinh Thánh và giáo lý trong tay, không đủ!

Ðiều trớ trêu trong bài Tin Mừng hôm nay là người Do Thái −đặc biệt những tư tế và luật sĩ− có Kinh Thánh trong tay, nên họ biết Ðấng Cứu Thế sẽ sinh ra ở đâu, và lúc nào họ cũng tỏ ra mong chờ Ðấng ấy đến. Thế nhưng những người gặp được đấng Cứu Thế − các đạo sĩ và mục đồng − lại là những kẻ chẳng biết gì về Kinh Thánh. Ðiều ấy chẳng làm cho chúng ta suy nghĩ sao?

Người Kitô hữu hôm nay có đủ mọi phương tiện để được cứu rỗi: Kinh Thánh (Cựu và Tân Ước), giáo lý, giáo huấn Giáo Hội (các văn kiện Tòa Thánh), các sách thần học, tu đức, luân lý, rồi các bí tích, các giờ phụng vụ. Nhưng hãy coi chừng kẻo lịch sử lại lập lại y trang như cách đây 2000 năm. Vì bài Tin Mừng cho thấy: để gặp được Ðấng Cứu Thế, có Kinh Thánh trong tay không đủ, mà còn phải nhạy bén để biết thời điềm, đồng thời thật sự lên đường tìm kiếm Ngài. Người Do Thái −cụ thể là các tư tế và luật sĩ− có nhiều điều kiện để gặp Ngài hơn các đạo sĩ (vì có Kinh Thánh, ở gần nơi Ngài sinh ra, được các đạo sĩ báo về ngôi sao của Ngài), nhưng đã không lên đường tìm kiếm Ngài. Họ muốn yên thân với những tập tục đạo đức của họ, với cách giữ đạo cổ truyền của họ, và họ nghĩ rằng Ðấng Cứu Thế sẽ chủ động đến để gặp họ, đem sự giải phóng đến cho họ. Nhưng sự thật đã xảy ra không phải như vậy.

Nếu chúng ta có đầy đủ phương tiện để được cứu rỗi, nhưng chúng ta chỉ quan tâm thực hiện những phương tiện ấy, mà không hề quan tâm thực hiện mục đích phải đạt được của những phương tiện ấy, là có được cái tâm yêu thương giống như bản tính của Thiên Chúa (x. 1Ga 4,8.16), thì việc thực hiện những phương tiện ấy trở thành vô ích hoàn toàn (x. 1Cr 13,1-3)

Coi chừng chúng ta tưởng lầm rằng Thiên Chúa đánh giá cao việc chúng ta vô cùng quan tâm thực hiện những phương tiện ấy, nhưng thực ra, Ngài vẫn coi ta như những kẻ không công chính. Thật vậy, chúng ta cần suy gẫm lời Đức Giêsu nói trong đoạn này: «Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: “Lạy Chúa! lạy Chúa!” là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Ðấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi. Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng: “Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao?” Và bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với họ: Ta không hề biết các ngươi; xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác!» (Mt 7,21-23 )

b) Ðiều cốt yếu là tình yêu đích thực đối với Thiên Chúa và tha nhân

Bài Tin Mừng hôm nay mời gọi người Kitô hữu xét lại xem: cách sống đạo của chúng ta có giúp chúng ta đến gặp Chúa hay không, nghĩa là có thể đem lại ơn cứu độ cho chúng ta hay không. Chúng ta đừng an tâm tưởng rằng cứ giữ những tập tục đạo đức truyền thống cho tốt là bảo đảm vào được Nước Trời. Như thế không đủ! Ðiều cốt yếu để vào được Nước Trời không chỉ là tin vào Ðức Giêsu mà còn phải thể hiện niềm tin ấy bằng việc sống theo lời Ngài: «Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em» (Ga 13: 34). Nghĩa là chúng ta phải chứng tỏ được tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa và tha nhân. Mà tình yêu đối với Thiên Chúa lại được thể hiện qua tình yêu đối với tha nhân: «Nếu ai nói : "Tôi yêu mến Thiên Chúa" mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối ; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy» (1Ga 4,20).

c) Tình yêu phải được thể hiện thành hành động thật sự

Giấy thông hành để vào Nước Trời chính là tình yêu, mà phải là tình yêu đích thực. Không ai thiếu tình yêu mà vào Nước Trời được, vì Nước Trời là Nước của Tình Yêu. Tình yêu đích thực thì tự nhiên phải được thể hiện thành hành động. Nếu đức tin không có hành động là đức tin chết» (Gc 2,17), thì cũng vậy, tình yêu không có hành động là tình yêu giả hiệu. Với tình yêu giả hiệu, chúng ta không thể vào Nước Trời được.

Nhưng làm sao ta dám nói là ta có tình yêu đích thực đối với anh em mình khi họ lâm nạn mà ta lại khoanh tay đứng nhìn? Làm sao tình yêu của ta là đích thực được khi ta thấy rõ ràng anh em mình đang chịu bất công mà ta lại không chịu lên tiếng hay can thiệp, nhất là khi tiếng nói của ta có thể rất hữu hiệu? Nếu ta thấy anh em mình chịu bất công tỏ tường mà vì muốn yên thân ta lại làm chứng với mọi người rằng đó không phải là bất công, thì tình yêu của ta là chân thực sao được? Nếu cách hành động của ta là như thế, thì dù ta có tuân thủ giữ những tập tục truyền thống trong tôn giáo một cách hoàn hảo, không chê vào đâu được, chúng ta vẫn luôn luôn ở ngoài Nước Trời.

d) Cần cảnh giác với thứ đạo đức hương nguyện, thiếu việc làm

Tệ hơn nữa, là khi chính chúng ta đã không chịu thể hiện tình yêu, mà lại cổ võ một thứ đạo đức không việc làm, luôn luôn đề cao việc đọc kinh cầu nguyện, dâng thánh lễ, mà không hề nhấn mạnh bổn phận phải dấn thân cho anh em, phải quan tâm mưu cầu hạnh phúc cho những người chung quanh, biến cải xã hội nên công bằng và tốt đẹp hơn, thì phải chăng chúng ta đang tiếp tay kẻ ác ru ngủ quần chúng, làm tê liệt sức đấu tranh cho công bằng xã hội của họ? Phải chăng chúng ta đang biến tôn giáo của chúng ta thành thuốc phiện thật sự? Chúng ta quên rằng «điều quan trọng nhất trong Lề Luật là công lý, tình thương và lòng chân thành» (Mt 23,23)

Và có thể chúng ta miệng thì nói về Nước Trời, nhưng thật sự ta lại dẫn quần chúng đến một nơi khác vì những giáo huấn của ta khác hẳn với tinh thần Tin Mừng? Ðức Giêsu nói: «Các người rảo khắp biển cả đất liền để rủ cho được một người theo đạo; nhưng khi họ theo rồi, các người lại làm cho họ đáng xuống hoả ngục gấp đôi các người» (Mt 23,15), liệu câu này có đúng với ta chăng? Vì nhiều khi cứ để họ ngoại đạo, họ lại quan tâm đến việc thể hiện tình yêu với tha nhân hơn khi họ vào đạo? Ðến khi vào đạo, họ lại nghe lời ta nên chỉ biết quan tâm tới những tập tục đạo đức cổ truyền?

Trái lại, những người không có Kinh Thánh trong tay, không có giáo lý hay giáo huấn của Giáo Hội, không có bí tích, nhưng họ lại có tình yêu đích thực, tức có giấy thông hành để vào Nước Trời. Rất có thể họ lại vào Nước Trời trước chúng ta, là đối tượng ưu tiên của Nước Trời, là những kẻ lúc nào cũng nói về Nước Trời mà không hành động cho Nước Trời! Thánh Phaolô nói: «Người ta được Thiên Chúa coi là công chính, không phải vì nghe biết Lề Luật, nhưng là vì tuân giữ Lề Luật» (Rm 2,13), và «nếu người không được cắt bì mà giữ những điều Luật dạy, thì tuy họ không được cắt bì, Thiên Chúa chẳng coi họ như đã được cắt bì sao?» (Rm 2,26). Bài Tin Mừng hôm nay và nhiều dụ ngôn của Ðức Giêsu cho chúng ta thấy viễn cảnh ấy! Và đó cũng là một lời cảnh cáo chúng ta!



CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, nhiều khi chúng con làm chuyện hết sức khờ dại. Chúng con luôn luôn đề cao đạo của mình trước mặt mọi người, nhưng chính chúng con lại chẳng sống tinh thần đạo ấy. Ðang khi có nhiều kẻ ngoại giáo lại thật sự sống được tinh thần ấy. Việc đề cao tôn giáo của chúng con, tự nó là một điều rất tốt, nhưng nhiều khi lại xuất phát từ một khuynh hướng kiêu ngạo tập thể chứ không phải là tình yêu. Vì nếu nó xuất phát từ tình yêu đích thực, thì chúng con đã phải thể hiện tình yêu ấy bằng sự dấn thân đích thực cho những anh em đang chịu khốn khổ của mình. Sự im lặng trước bất công, sự thụ động trước cảnh khốn cùng của đồng loại chứng tỏ chúng con chưa có tình yêu đích thực. Vì thế, việc đề cao tôn giáo của chúng con chỉ là một hình thức kiêu căng tập thể, là điều Cha rất ghét. Xin cho chúng con biết sống đích thực tinh thần đạo của mình trước khi đề cao nó, để sự đề cao ấy có giá trị đích thực làm sáng danh Cha. Amen.


HienLinh-a - Dân ngoại đón tiếp ơn cứu độ của Đức Kitô, còn Dân Chúa thì sao?




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật Lễ Hiển Linh

(05-01-2020)


Dân ngoại đón tiếp ơn cứu độ của Đức Kitô, còn Dân Chúa thì sao?



ĐỌC LỜI CHÚA

  Is 60,1-6: (2) Kìa bóng tối bao trùm mặt đất, và mây mù phủ lấp chư dân; còn trên ngươi Đức Chúa như bình minh chiếu toả, vinh quang Người xuất hiện trên ngươi. (3) Chư dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi, vua chúa hướng về ánh bình minh của ngươi mà tiến bước.

  Ep 3,2-3a.5-6: (6) Mầu nhiệm Đức Kitô là: trong Đức Kitô, nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp với người Dothái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa.

  TIN MỪNG: Mt 2,1-12

Các nhà chiêm tinh đến bái lạy Đức Giêsu Hài Nhi

(1) Khi Đức Giêsu ra đời tại Bêlem, miền Giuđê, thời vua Hêrôđê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông đến Giêrusalem, (2) và hỏi: «Đức Vua dân Dothái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người». (3) Nghe tin ấy, vua Hêrôđê bối rối, và cả thành Giêrusalem cũng xôn xao. (4) Nhà vua liền triệu tập tất cả các thượng tế và kinh sư trong dân lại, rồi hỏi cho biết Đấng Kitô phải sinh ra ở đâu. (5) Họ trả lời: «Tại Bêlem, miền Giuđê, vì trong sách ngôn sứ, có chép rằng: (6) 'Phần ngươi, hỡi Bêlem, miền đất Giuđa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giuđa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Ítraen dân Ta sẽ ra đời». (7) Bấy giờ vua Hêrôđê bí mật vời các nhà chiêm tinh đến, hỏi cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện. (8) Rồi vua phái các vị ấy đi Bêlem và dặn rằng: «Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người. » (9) Nghe nhà vua nói thế, họ ra đi. Bấy giờ ngôi sao họ đã thấy ở phương Đông, lại dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở, mới dừng lại. (10) Trông thấy ngôi sao, họ mừng rỡ vô cùng. (11) Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Maria, liền sấp mình thờ lạy Người. Rồi họ mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến. (12) Sau đó, họ được báo mộng là đừng trở lại gặp vua Hêrôđê nữa, nên đã đi lối khác mà về xứ mình.





CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1. Các kinh sư Do Thái có tôn giáo chân chính do chính Thiên Chúa thiết lập, còn các nhà chiêm tinh là dân ngoại, bị dân Do Thái coi là theo tà giáo. Nhưng trong bài Tin Mừng này, ai là người gặp được Đấng Cứu Thế Hài Nhi? Tại sao lại như vậy? Có phi lý không? 
2. Có tôn giáo chân chính có phải là điều bảo đảm sẽ gặp Thiên Chúa, sẽ được vào Nước Trời không? Không có tôn giáo chân chính có phải là không thể gặp Thiên Chúa hay không thể vào Nước Trời không? Vấn đề chính yếu hệ tại điều gì?


Suy tư gợi ý:

1.  Một sự kiện xảy ra một cách oái oăm, nghịch lý

Điều đáng lưu ý trong bài Tin Mừng lễ Hiển Linh chính là việc Thiên Chúa mặc khải chân lý –ở đây là việc giáng sinh của Đấng Cứu Thế– một cách không chính thức cho dân ngoại, là những người không thuộc tôn giáo chính thống của Ngài, và họ đã đạt được chân lý hay đã gặp được Đấng Cứu Thế.

Trong bài Tin Mừng này, ta thấy có hai hạng người:

a) Dân Do Thái, cụ thể là giới lãnh đạo xã hội và tôn giáo, là dân được Thiên Chúa tuyển chọn và có tôn giáo chính thống của Thiên Chúa. Dân Do Thái đã được Thiên Chúa chính thức mặc khải việc Đấng Cứu Thế sẽ sinh ra qua các ngôn sứ trước đó hàng mấy trăm năm, mặc khải này đã được ghi lại trong Kinh Thánh, và toàn dân đều mong đợi Đấng Cứu Thế đến. Có Thánh Kinh trong tay, giới lãnh đạo xã hội và tôn giáo của Do Thái biết Đấng Cứu Thế sẽ sinh ra tại Bêlem.

b) Dân ngoại, mà đại diện là «mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông» (Mt 2,1). Họ không có tôn giáo chính thống của Thiên Chúa, cũng không có Kinh Thánh trong tay, vì thế họ không biết chính xác Đấng Cứu Thế sẽ sinh ra và sinh ra ở đâu. Nhưng Thiên Chúa cho họ biết Đấng Cứu Thế đã sinh ra nhờ một phương tiện khác, có thể là kiến thức khoa học hay tôn giáo riêng của họ.

Kết quả là những người có tôn giáo chính thống, có Kinh Thánh trong tay, biết được chính xác nơi sinh ra của Đấng Cứu Thế lại không gặp được Ngài vì họ không thèm đi tìm. Còn những người không có tôn giáo chính thống, chỉ biết được Ngài sinh ra một cách rất mơ hồ, lại gặp được Đấng Cứu Thế, vì họ đã quyết tâm tìm kiếm Ngài. Sự kiện này phải làm chúng ta suy nghĩ và rút ra bài học.



2.  Biết xuông không đủ, phải biến cái biết thành cuộc sống

Sự kiện trên cho chúng ta thấy: việc có tôn giáo chính thống hay biết được những mặc khải chính thức của Thiên Chúa là một điều rất thuận lợi để đạt được chân lý hay để gặp được Thiên Chúa. Nhưng có đạt được chân lý hay có gặp được Thiên Chúa hay không còn tùy thuộc vào thiện chí và nỗ lực tìm kiếm của con người. Những người Do Thái –cụ thể nhất là giới lãnh đạo Do Thái giáo– tuy biết được chính xác Đấng Cứu Thế sẽ sinh ra tại Bêlem, nhưng họ chỉ biết để mà biết, để rao truyền, để thông tin cho người khác, chứ không phải để sống hay để thực hiện điều mình biết. Nên cuối cùng những thuận lợi hay kiến thức ấy trở thành vô ích cho họ. 

Còn dân ngoại –mà các nhà chiêm tinh là một điển hình– tuy được Thiên Chúa mặc khải chân lý một cách mù mờ không chính xác, nhưng nếu họ có thiện chí, và nỗ lực tìm kiếm để đạt đến chân lý, để gặp Thiên Chúa, thì cuối cùng Ngài cũng giúp họ đạt được điều họ tìm kiếm. Đúng như lời của Đức Giêsu: «Ai tìm thì sẽ thấy, ai gõ cửa thì cửa sẽ mở cho họ» (Mt 7,8). Vậy vấn đề quan trọng là ta có nỗ lực đi tìm hay thực hiện điều mình biết hay không.

Nếu các nhà chiêm tinh cũng có não trạng như giới lãnh đạo tôn giáo Do Thái, thì khi «thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông» (Mt 2,2), họ cũng sẽ chỉ coi đó như một kiến thức như bao kiến thức khác chẳng ảnh hưởng gì đến họ, và họ sẽ chẳng gặp được Đấng Cứu Thế. Nhưng trong thực tế họ đã quyết tâm lên đường tìm kiếm Ngài. Và Thiên Chúa đã giúp họ bằng cách cho ngôi sao dẫn đường đến nơi Đấng Cứu Thế sinh ra. Điều khiến họ hơn hẳn những người được chính thức mặc khải là việc dấn thân tìm kiếm. Kết quả cho thấy nỗ lực tìm kiếm chân lý hay Thiên Chúa có giá trị hơn việc biết được những mặc khải chính thức rất nhiều.



3.  Đừng vội tự mãn về việc mình có tôn giáo chân chính

Vì thế, chúng ta đừng vội tự hào rằng tôn giáo của chúng ta là tôn giáo chân chính, và cứ thế mà an tâm vì chúng ta đã được Thiên Chúa mặc khải cho những chân lý bảo đảm nhất. Nếu chúng ta quyết tâm lợi dụng tôn giáo chính thống hay những mặc khải chính thức để tìm gặp Thiên Chúa, thì chúng ta có lợi thế hơn người ngoại giáo rất nhiều. Nhưng nếu chúng ta ỷ lại vào lợi thế đó để khỏi phải cố gắng sống đúng theo những mặc khải đó thì coi chừng chúng ta sẽ chẳng đạt được gì cả. 

Chuyện ngụ ngôn thỏ và rùa chạy đua là một bài học rất đích đáng cho những người có tôn giáo chính thống như chúng ta. Thỏ có nhiều thuận lợi để thắng cuộc hơn rùa rất nhiều, nhưng chính vì ỷ lại vào những thuận lợi đó mà thỏ đã thua cuộc. Cũng vậy, người đi bộ hay đi chiếc xe đạp cọc cạch mà quyết tâm tới đích thì vẫn bảo đảm sẽ tới đích hơn là người có chiếc xe hơi thật tốt thật nhanh nhưng lại không quyết tâm đi tới đích ấy.

Qua bài Tin Mừng về lễ Hiển Linh, ta thấy để gặp được Thiên Chúa, cần có hai yếu tố

− Về phía Thiên Chúa, ta cần phải được Thiên Chúa soi sáng, chỉ dẫn, mời gọi và giúp sức; 

− Về phía ta, chính ta phải đáp lại lời mời gọi và nỗ lực tìm kiếm Ngài. 

Thiếu một trong hai yếu tố đó, việc gặp Thiên Chúa không thể thành tựu được. 

Yếu tố về phía Thiên Chúa luôn là yếu tố khởi động: Ngài mời gọi ta trước, và Ngài để ta được hoàn toàn tự do trong việc đáp lại hay từ chối lời mời gọi của Ngài. 

Yếu tố về phía ta vẫn là yếu tố chủ động mang tính quyết định. Đối với các kinh sư Do Thái, qua Kinh Thánh, Thiên Chúa đã cho họ biết Đấng Cứu Thế sẽ sinh ra. Họ được mặc khải rõ ràng, được mời gọi một cách ưu tiên hơn và trân trọng hơn các nhà chiêm tinh rất nhiều, nhưng họ lại không chủ động đáp lại lời mời gọi ấy. Còn đối với các nhà chiêm tinh, Thiên Chúa đã cho họ thấy vì sao của Đấng Cứu Thế. Họ tuy được mặc khải rất ít, và không được ưu tiên mời gọi, nhưng lại chủ động đáp lại lời mời gọi và lên đường tìm kiếm. Thiên Chúa đã giúp họ tìm kiếm bằng ngôi sao dẫn đường, và họ đã tìm được Đấng Cứu Thế.

Từ đó, ta có thể kết luận: yếu tố quan trọng để gặp Chúa không nằm ở việc có tôn giáo chính thống cho bằng ở chính nỗ lực của con người có quyết tâm đáp lại lời mời gọi của Ngài và có tìm Ngài hay không. 

Người không có tôn giáo chân chính vẫn có thể gặp được Ngài nếu quyết tâm và nỗ lực tìm kiếm Ngài. Ngược lại, người có tôn giáo chân chính mà thiếu nỗ lực đó thì tôn giáo chân chính trở nên vô ích đối với họ. Chính vì thế, Đức Giêsu mới nói: «Từ phương đông phương tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc cùng các tổ phụ Ápraham, Ixaác và Giacóp trong Nước Trời. Nhưng con cái Nước Trời thì sẽ bị quăng ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng» (Mt 8,11-12).

Thánh Phaolô quảng diễn ý tưởng ấy rõ ràng hơn: «Phép cắt bì hẳn là có ích nếu bạn thi hành Lề Luật. Nhưng nếu bạn vi phạm Lề Luật, thì bạn có được cắt bì cũng kể như không cắt bì» (Rm 2,25). Câu này cho thấy phép cắt bì hay rửa tội, dấu chứng của người có tôn giáo chân chính, sẽ trở nên vô ích nếu ta không tuân giữ luật của Thiên Chúa. Thánh Phaolô viết tiếp: «Trái lại, nếu người không được cắt bì mà giữ những điều Luật dạy, thì tuy họ không được cắt bì, Thiên Chúa lại chẳng coi họ như đã được cắt bì sao? Người không được cắt bì trong thân xác mà vẫn chu toàn Lề Luật, người ấy sẽ lên án bạn, vì bạn có Lề Luật ghi chép hẳn hoi và bạn đã được cắt bì, mà vẫn vi phạm Lề Luật» (Rm 2,26-27)

Lời này cho thấy người không được cắt bì hay rửa tội, nếu sống đúng thánh ý Thiên Chúa, tuân giữ luật Chúa được ghi khắc trong lương tâm họ (x. Rm 2,15) –nghĩa là yêu mến Thiên Chúa bằng đời sống yêu thương tha nhân, sống trọn tình trọn nghĩa– thì họ cũng được Thiên Chúa coi như đã được cắt bì hay rửa tội. Vì thế, điều quan trọng đối với chúng ta, người Kitô hữu, là phải làm theo thánh ý Thiên Chúa, giữ đúng luật mới và cũng là duy nhất của Đức Kitô là «Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em» (Ga 13,34). Không giữ luật yêu thương của Ngài thì việc theo Chúa hay có tôn giáo chân chính của ta chẳng những trở nên vô ích, mà còn là lý do để Thiên Chúa kết án ta nữa.



CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, Cha đã mặc khải chân lý cho con qua Đức Giêsu. Đó là một thuận lợi đặc biệt cho con hơn những người ngoài Kitô giáo để sống đúng là con cái Cha và đáng được hưởng hạnh phúc vĩnh cửu mà Cha dành cho con cái mình. Xin giúp con ý thức hồng ân cao cả ấy để con sống đúng là con cái hiếu thảo của Cha, sống đúng thánh ý Cha là sống có tình có nghĩa với Cha và với tất cả mọi người chung quanh con. Nếu không, tất cả những chân lý mà Cha mặc khải cho con đều trở nên vô ích và còn nên cớ cho con bị lên án trong ngày phán xét cuối cùng nữa.


Friday, December 27, 2019

ThanhGia-b - Tâm hồn cao thượng và sự hy sinh rất lớn lao của Thánh Giuse




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật Lễ Thánh Gia

(30-12-2022)

Bài đào sâu

Tâm hồn cao thượng
và sự hy sinh rất lớn lao của Thánh Giuse




  TIN MỪNG: Mt 2,13-15.19-23

Đức Giêsu trốn sang Ai Cập và các anh hài bị giết

Thánh Gia từ Ai Cập về đất Ítraen?



Câu hỏi gợi ý:
1. Qua bài Tin Mừng, bạn thấy Giuse có những nỗi khó khăn nào? Và ông đã có thái độ nào khi giải quyết những khó khăn ấy? 
2. Hạnh phúc gia đình tùy thuộc vào ai nhiều nhất? Tại sao? 
3. Ðể gia đình được hạnh phúc, mọi người trong gia đình cần có tinh thần nào?


Suy tư gợi ý:

1.  Giuse, người chủ gia đình gương mẫu

Bài Tin Mừng hôm nay chủ yếu nói về thánh Giuse với tư cách chủ của gia đình Nadarét. Ngài đã phải hết sức cực nhọc vất vả vì gia đình của mình, nhất là vì con trẻ Giêsu, kể từ khi thấy Ðức Maria mang thai, một cái thai không phải là của mình, nhưng trước mắt mọi người thì lại chính thức là của mình. Thử đặt mình vào địa vị Giuse, ta sẽ thấy vai trò của ngài không phải dễ dàng.

Ðối với con trẻ Giêsu, cho đến lúc lìa đời, thánh nhân luôn luôn phải dùng con mắt đức tin, tin vào lời sứ thần hiện ra trong giấc mơ, để khỏi nghĩ rằng mình đang phải nuôi đứa con của người đàn ông khác. Cuộc đời đâu phải lúc nào cũng phẳng lặng để Giuse có thể yên ổn với niềm tin ấy. Cũng có lúc mưa dồn sóng vỗ, đức tin của Giuse chắc chắn bị thử thách nhiều phen, nhất là những lúc phải vượt thắng những khó khăn vượt quá sức mình như tình huống của bài Tin Mừng hôm nay.

Từ khi nhận Maria về nhà mình đến giờ, khó khăn cứ dồn dập xảy tới. Chưa yên thân với Maria tại nhà mình, thì có lệnh phải đưa Maria  đang mang thai đã đến thời sinh nở từ miền Bắc vào miền Nam, từ Nadarét xứ Galilê đến Bêlem xứ Giuđê theo lệnh kiểm tra dân số của Hoàng Ðế Augústô (x. Lc 2,1-6). Cuộc hành trình mà theo đường chim bay đã dài tới 120km, và đương nhiên phải đi bằng một phương tiện rất thô sơ của những người nghèo thời đó, có thể chỉ là một con ngựa hay con la. 

Người nghèo đi tới đâu cũng gặp khó khăn, chẳng mấy ai giúp đỡ. Và Maria đã bị buộc phải sinh hạ con trẻ Giêsu −mà Giuse tin là đấng Thiên Sai− trong một chuồng bò lừa. Là chủ gia đình, chắc chắn Giuse không tránh khỏi đau lòng và nhục nhã trước sự nghèo nàn và bất lực của mình! Nhưng nào đã hết! Con trẻ mới sinh chưa được bao lâu, đang chuẩn bị đưa hai mẹ con hồi hương, thì lại có lệnh của thiên thần  cũng lại trong giấc mơ  buộc phải đưa cả hai mẹ con trốn sang Ai Cập. Khoảng cách thẳng đường chim bay từ Bêlem tới biên giới Ai Cập mà thôi đã là 100km. Hành trình lần này chắc chắn vất vả hơn lần trước, vì có thêm con trẻ Giêsu hết sức yếu đuối, dễ nhiễm bệnh. 

Ở nơi đất khách quê người, Giuse phải tìm cho ra chỗ ở, việc làm tạm thời để nuôi sống cả gia đình, chắc hẳn điều ấy không luôn luôn dễ dàng. Rồi cuối cùng lại phải đưa cả gia đình về Nadarét. Tại đây Giuse phải bao bọc, che chở và nuôi sống gia đình, đồng thời giáo dục con trẻ Giêsu nên người. Ðối với Ðức Giêsu, câu «công Cha như núi Thái Sơn» chắc chắn cũng rất đúng khi áp dụng cho cha nuôi của mình. Tất cả những khó nhọc vất vả ấy đòi hỏi Giuse phải có rất nhiều tình yêu và nhiều đức tính mới có thể vượt qua một cách tốt đẹp

Nếu Giuse và Maria sống đời vợ chồng bình thường, thì những khó nhọc của Giuse sẽ được bù đắp bởi những giây phút hạnh phúc thân mật bên Maria. Nhưng theo niềm tin Công giáo, Giuse bảo vệ cho Maria sống đồng trinh trọn đời, nên tình yêu đầy tính thiên thần và hết sức cao thượng của Giuse đối với Maria phải hết sức lớn lao. Ngài thật là một người đàn ông cao cả, và là một người chủ gia đình hết sức gương mẫu. Thiết tưởng bất kỳ người chủ gia đình nào bắt chước Giuse cũng sẽ làm cho gia đình mình yên vui hạnh phúc.




2.  Hạnh phúc gia đình tùy thuộc người chồng rất nhiều

Hạnh phúc gia đình có hay không, và đến mức nào, tùy thuộc vào tất cả mọi thành viên trong gia đình, nhất là vào cách đối xử của hai vợ chồng đối với nhau. Muốn gia đình hạnh phúc, mọi thành viên phải thực hiện những điều Thánh Phaolô đề nghị trong bài đọc 2: «Người làm vợ hãy phục tùng chồng, như thế mới xứng đáng là người thuộc về Chúa. Người làm chồng hãy yêu thương chứ đừng cay nghiệt với vợ. Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là điều đẹp lòng Chúa. Những bậc làm cha mẹ đừng làm cho con cái bực tức, kẻo chúng ngã lòng» (Cl 3,18-21).

Nhưng nếu so sánh giữa hai vợ chồng, thì theo sự thường, nghĩa là trong đa số các trường hợp, hạnh phúc và sự êm ấm trong gia đình tùy thuộc vào người chồng nhiều hơn. Câu nói trên của thánh Phaolô hàm ẩn những điều kiện trong đó. Muốn «vợ phục tùng chồng», thì trước tiên, «Người làm chồng hãy yêu thương chứ đừng cay nghiệt với vợ», mà phải biết thông cảm, hy sinh, thường xuyên giúp đỡ vợ trong mọi việc, nỗ lực bao bọc che chở vợ mình trong mọi hoàn cảnh. Người vợ có cảm thấy được chồng yêu thương, có cảm phục chồng vì tính quảng đại, cao thượng, bỏ qua mọi lầm lỗi nhỏ nhặt, thì mới dễ dàng phục tùng chồng. Nói chung, tâm lý của mọi người là chỉ tự nguyện phục tùng những ai mình nể phục và yêu mến mà thôi. Người vợ không thoát ra ngoài tâm lý chung ấy. 

Người chồng không nên lấy quyền làm chồng, hoặc dùng bạo lực hay áp lực kinh tế để ép buộc vợ phải phục tùng mình. Làm như thế thì có khác gì mình đang thực hiện một chế độ độc tài nho nhỏ trong gia đình. Người vợ cảm thấy mình bị áp bức một cách bất công, tất nhiên  như một định luật  là sẽ có ngày nổi loạn, nhất là khi người chồng trở nên yếu thế, không còn khả năng về kinh tế hay thể chất nữa. Lúc đó người chồng không thể chỉ biết trách vợ, mà trước tiên hãy nhận ra lầm lỗi của mình.

Ngược lại, muốn được chồng yêu thương, người vợ cũng cần phải tỏ ra mình là một người dễ thương, nghĩa là nói năng dịu dàng, ngọt ngào, biết chiều ý chồng, biết hy sinh tận tụy phục vụ gia đình, làm tròn mọi bổn phận của mình trong gia đình, nhất là biết tỏ ra nể phục chồng. Mình không dễ thương thì dù là chồng mình cũng chẳng thể thương mình được.

Tâm lý chung của mọi người đàn ông là dễ đem lòng yêu thương những phụ nữ tỏ ra nể phục mình, và tâm lý chung của mọi phụ nữ là dễ yêu thương những người mà mình nể phục. Nhưng làm sao người phụ nữ có thể yêu thương một người mà mình khinh thường vì thấy không có gì đáng nể phục? Và làm sao người đàn ông có thể yêu thương được người vợ không kính nể mình? Do đó, để gia đình hạnh phúc, yếu tố rất quan trọng là người chủ gia đình phải có một điều gì đấy, một đức tính nào đấy khiến người vợ cũng như con cái trong nhà nể phục. Có thể chỉ cần một đức tính nào đó thật nổi bật, không cần nhiều. Nhưng càng nhiều thì càng tốt! Nhưng đức tính không thể thiếu được nơi người chồng là lòng độ lượng, bao dung, và sự hy sinh quả cảm.

Gia đình thánh gia rất dễ có hạnh phúc, một phần rất lớn là vì Giuse, người chủ gia đình, có rất nhiều đức tính đáng để Maria kính phục. Có thể nói bản lĩnh, cách hành xử cao thượng, và sự quảng đại trong yêu thương của người đàn ông là nền tảng và là yếu tố đầu tiên cần thiết cho hạnh phúc của cả gia đình. Thiếu nó, gia đình khó có hạnh phúc.



3.  Quên mình để yêu thương hữu hiệu, là bí quyết gây hạnh phúc gia đình

Một trong những trở ngại lớn nhất của hạnh phúc gia đình là cái tôi và ý riêng của mỗi thành viên. Nói chung, ai cũng coi cái tôi và ý riêng của mình là quan trọng, và tỏ ra rất bực mình khó chịu khi thấy cái tôi và ý muốn của mình bị coi thường, hoặc không được ai để ý tới. Ai cũng bị cái tôi và ý riêng của mình thu hút đến độ quên đi cái tôi và ý muốn của người khác vốn cũng thu hút hết tâm trí của họ. Ai cũng muốn cái tôi và ý kiến của mình được mọi người quan tâm chú ý, nhưng chẳng ai muốn quan tâm đến cái tôi và ý kiến của kẻ khác. Chính vì thế, chẳng ai được thỏa mãn, cuộc sống chung do đó chẳng hạnh phúc, thậm chí biến thành hỏa ngục. 

Muốn làm cho người khác hạnh phúc, nghĩa là làm cho họ được thỏa mãn vì cảm thấy cái tôi và ý kiến của họ được tôn trọng, thì chính tôi phải quên cái tôi và ý riêng của mình đi để đặt nặng cái tôi và ý kiến của họ lên. Như thế họ cảm thấy hạnh phúc khi ở bên cạnh tôi. Nếu người ấy cũng biết làm như thế đối với tôi, thì tôi cũng cảm thấy hạnh phúc, và thế là cả hai đều hạnh phúc. Nhưng cách tốt nhất và bảo đảm nhất để được hạnh phúc là tôi lấy hạnh phúc của người tôi thương làm hạnh phúc của mình. Như thế tôi sẽ hạnh phúc khi làm cho họ được hạnh phúc.

Hạnh phúc gia đình luôn luôn đòi hỏi phải có một ai đó trong nhà biết quên mình, biết quên cái tôi của mình đi, để quan trọng hóa cái tôi của người khác lên. Thái độ ấy như một cái ngòi khởi động, làm cho những người khác trong nhà cũng hành động như vậy, và nhờ đó, hạnh phúc gia đình mới bùng lên. Thái độ khởi động ấy phải được lập lại hàng ngày hàng giờ trong đời sống gia đình. Ai sẽ khởi sự thái độ quan trọng ấy nếu không phải là chính bạn, là người ý thức được bí quyết hạnh phúc đó, bất kể bạn là vợ hay chồng? Thật vô phúc cho gia đình nào không có ai tự nguyện làm cái ngòi khởi động tình yêu thương ấy hàng ngày trong cuộc sống!



CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, Cha đã chọn thánh Giuse là người đứng đầu gia đình Nadarét với những đức tính rất cần thiết của một người làm chủ gia đình để gia đình ấy được hạnh phúc. Xin cho tất cả những người làm chủ trong các gia đình Kitô hữu biết noi gương bắt chước Ngài, biết coi nhẹ cái tôi của mình để thường xuyên quan tâm đến hạnh phúc của mọi thành viên khác trong gia đình. Xin cho những người làm vợ và làm mẹ noi gương Ðức Maria biết luôn tỏ ra dễ thương, dịu dàng, và biết hy sinh ý riêng của mình cho hạnh phúc gia đình. Và xin cho mọi con cái trong gia đình Kitô hữu biết noi gương Ðức Giêsu luôn kính trọng và vâng phục cha mẹ mình. Amen.


ThanhGia-a - Nghịch cảnh và đau khổ trong gia đình có thể là phương tiện thánh hóa của Thiên Chúa




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật Lễ Thánh Gia

(30-12-2022)

Nghịch cảnh và đau khổ trong gia đình
có thể là phương tiện thánh hóa của Thiên Chúa



ĐỌC LỜI CHÚA

  Hc 3,3-7.14-17a: (3) Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm, (4) ai kính mẹ thì tích trữ kho báu. (5) Ai thờ cha sẽ được vui mừng vì con cái, khi cầu nguyện, họ sẽ được lắng nghe. (6) Ai tôn vinh cha sẽ được trường thọ, ai vâng lệnh Đức Chúa sẽ làm cho mẹ an lòng. (14) Lòng hiếu nghĩa đối với cha mẹ sẽ không bị quên lãng, và sẽ đền bù tội lỗi cho con.

  Cl 3,12-21: (14) Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo. (18) Người làm vợ hãy phục tùng chồng, như thế mới xứng đáng là người thuộc về Chúa. (19) Người làm chồng hãy yêu thương chứ đừng cay nghiệt với vợ. (20) Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là điều đẹp lòng Chúa.

  TIN MỪNG: Mt 2,13-15.19-23

Đức Giêsu trốn sang Ai Cập và các anh hài bị giết

(13) Khi các nhà chiêm tinh đã ra về, thì sứ thần Chúa hiện ra báo mộng cho ông Giuse rằng: «Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai Cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hêrôđê sắp tìm giết Hài Nhi đấy!» (14) Ông Giuse liền trỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai Cập. (15) Ông ở đó cho đến khi vua Hêrôđê băng hà, để ứng nghiệm lời Chúa phán xưa qua miệng ngôn sứ: Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai Cập.

Từ Ai Cập về đất Ítraen

(19) Sau khi vua Hêrôđê băng hà, sứ thần Chúa lại hiện ra với ông Giuse bên Ai Cập, (20) báo mộng cho ông rằng: «Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người về đất Ítraen, vì những kẻ tìm giết Hài Nhi đã chết rồi». (21) Ông liền trỗi dậy đưa Hài Nhi và mẹ Người về đất Ítraen. (22) Nhưng vì nghe biết Áckhêlao đã kế vị vua cha là Hêrôđê, cai trị miền Giuđê, nên ông sợ không dám về đó. Rồi sau khi được báo mộng, ông lui về miền Galilê, (23) và đến ở tại một thành kia gọi là Nadarét, để ứng nghiệm lời đã phán qua miệng các ngôn sứ rằng: Người sẽ được gọi là người Nadarét.




CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1. Việc Đức Giêsu bị bách hại khiến Thánh Gia phải trốn sang Ai Cập là do lòng độc ác của vua Hêrôđê, nhưng có phải cũng nằm trong kế hoạch của Thiên Chúa không? – Những hoạn nạn của ta do lòng độc ác của người khác có tương tự như thế không? 
2. Thiên Chúa muốn Đức Giêsu và Thánh Gia Thất bị hoạn nạn đau khổ như thế để làm gì? do Ngài thương yêu hay ghét bỏ Thánh Gia Thất? Nếu do yêu thương, thì phải giải thích thế nào? 
3. Khi gia đình ta gặp đau khổ thử thách, thì cách khôn ngoan nhất để gia đình vẫn có thể bình an và hạnh phúc là gì??


Suy tư gợi ý:

1.  Đau khổ mà Thiên Chúa dành cho Đức Giêsu và Thánh Gia

Bài Tin Mừng cho thấy ngay khi vừa sinh ra, Đức Giêsu đã trở thành đối tượng bị bách hại, là nạn nhân thoát chết của sự độc ác nơi con người. Thật vậy, vừa sinh ra, Ngài đã bị vua Hêrôđê tìm giết, chỉ vì ông tưởng rằng trong tương lai Ngài sẽ chiếm mất ngai vàng của ông. 

Thánh Gia cũng gặp biết bao thử thách ngay khi vừa mới thành lập, do sự vô tình, hiểu lầm và vô lương tâm của con người. Thật vậy, khi Giuse và Maria vừa thành gia thất, hai người đã phải chịu búa rìu của dư luận về việc Maria mang thai khi chưa chính thức làm đám cưới; và việc Giuse chấp nhận lấy Maria làm vợ dù con trong bụng nàng không phải là của mình. Rồi vừa mang thai được mấy tháng thì phải về tận Bêlem để đăng ký hộ khẩu, và do nghèo mà không được ai giúp đỡ, Maria đã phải sinh con trong chuồng súc vật. Thật nhục nhã và đau lòng! Chưa hết, vừa sinh con ra, hai ông bà đã phải vượt biên trốn sang Ai Cập, chịu bao đắng cay và khổ nhục!

Những khổ nhục ấy không chỉ do con người gây ra, mà còn do sự sắp đặt của chính Thiên Chúa trong kế hoạch của Ngài nữa. Phải nói rằng con người mà Thiên Chúa Cha yêu thương nhất chính là Đức Giêsu! Nhưng chính Ngài lại là con người bị Thiên Chúa đày đọa nhiều nhất: «Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ» (Dt 5,8)

Cũng vậy, gia đình mà Thiên Chúa lưu tâm nhất chính là Thánh Gia Nadarét. Nhưng đó cũng là gia đình mà Thiên Chúa thử thách và làm cho đau khổ nhiều nhất! Thật kỳ diệu, khó hiểu và đầy mâu thuẫn! Nhưng đó chính là thánh ý của Ngài! Thiên Chúa có điên chăng? Không, Ngài rất khôn ngoan, nếu chúng ta không hiểu được chính vì sự khôn ngoan ấy vượt quá khả năng suy nghĩ và hiểu biết của chúng ta!



2.  Nhưng đau khổ lại là nguồn hạnh phúc và vinh quang

Nhìn lại kết quả của những thử thách ấy, ta thấy: Đức Giêsu và Thánh Gia hiện nay đang được tôn sùng nhất, cao sang nhất, vinh quang nhất không chỉ ở dưới đất mà còn cả trên trời nữa! Nhìn thế ta mới thấy rõ sự ưu ái mà Thiên Chúa dành cho Đức Giêsu và gia đình của Ngài. Một sự ưu ái đầy công bằng khiến cho không ai trên trần lẫn trên trời có thể ganh tị được! Sự công bằng của Thiên Chúa đòi hỏi phải có sự tỷ lệ thuận giữa đau khổ và hạnh phúc, giữa nhục nhã và vinh quang, giữa tự hạ và được nâng lên… 

Thiên Chúa luôn luôn dùng đau khổ để thánh hóa và tinh luyện tình yêu của con người, dùng nhục nhã để đưa con người đến vinh quang. Tuy nhiên, những đau khổ chịu ở đời này quả là quá nhỏ bé so với hạnh phúc và vinh quang mà Thiên Chúa ban thưởng vì những đau khổ ấy: «Những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta» (Rm 8,18).

Vấn đề quan trọng và tùy thuộc nơi con người là: con người có chấp nhận luật công bằng đó hay không, có chấp nhận để Thiên Chúa thánh hóa và tinh luyện tình yêu của mình không. Nghĩa là khi chịu đau khổ, con người có nhận ra đó là thánh ý Thiên Chúa để vui lòng chấp nhận không? Thiếu sự vui lòng chấp nhận này, thì hạnh phúc và vinh quang không thể thành tựu được. Thánh Phaolô viết: «Nếu ta cùng chết với Người, ta sẽ sống với Người; nếu ta cùng đau khổ với Người, ta sẽ thống trị với Người» (2Tm 2,11-12a), nhưng thánh nhân cũng thêm: «Nếu ta chối bỏ Người, Người cũng sẽ chối bỏ ta» (2Tm 2,12b).



3.  Hãy thực hiện thánh ý Chúa trong mọi tình huống của gia đình

Trong đời sống gia đình, ta cũng sẽ gặp thử thách và đau khổ do sự thiếu tình thương, vô tình, hiểu lầm, tính ích kỷ và độc ác của người khác, thậm chí của chính những người trong gia đình mình. Chính ta cũng gây ra những thử thách và đau khổ tương tự như thế cho tha nhân, và cho cả những người trong gia đình mình. Nhưng những thử thách đó đều nằm trong kế hoạch của Thiên Chúa nhằm thánh hóa và tinh luyện tình yêu nơi bản thân ta cũng như những người thân trong gia đình ta. Điều quan trọng là ta phải nhận ra thánh ý Thiên Chúa trong những thử thách đó, và luôn luôn sẵn sàng làm theo thánh ý Ngài

Gia đình Nadarét xưa cũng gặp rất nhiều đau khổ, nghịch cảnh như gia đình chúng ta đã gặp. Có biết bao hoàn cảnh khiến người trong gia đình hiểu lầm nhau, tạo nên những xung đột, v.v… làm cho nhau đau khổ, và đòi buộc mọi người phải chịu đựng, tha thứ lẫn nhau. Chính trong thử thách và đau khổ, con người mới chứng tỏ được tình yêu của mình đối với Thiên Chúa và tha nhân, đặc biệt đối với những người trong gia đình mình.

Nếu Thiên Chúa đã để cho Đức Giêsu, cũng như Đức Maria và Thánh Giuse phải đau khổ để thánh hóa, tinh luyện tình yêu các Ngài hầu ân thưởng bội hậu các Ngài, thì Thiên Chúa cũng đang thực hiện như vậy đối với ta và gia đình ta. Nên nhớ rằng: «Vinh quang sẽ đến sau những đau khổ đó» (1Pr 1,11). Thiên Chúa muốn dành cho ta những hạnh phúc và vinh quang lớn lao. Nhưng sự công bằng của Ngài đòi hỏi ta phải ít nhiều xứng đáng với hạnh phúc và vinh quang ấy, nên Ngài phải thử thách ta chút ít để ta chứng tỏ được tình yêu của ta. Vì thế, hãy lấy làm vui mừng khi được Ngài thử thách: «Được chia sẻ những đau khổ của Đức Kitô bao nhiêu, anh em hãy vui mừng bấy nhiêu, để khi vinh quang Người tỏ hiện, anh em cùng được vui mừng hoan hỷ» (1Pr 4,13).

Điều quan trọng là chúng ta phải có tình yêu đích thực đối với tất cả mọi người trong gia đình ta. Và biểu hiện của tình yêu đích thực – tức «hoa quả của Thần Khí» – là «bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ» (Gl 5,22-23)

Nếu «yêu nhau không phải là nhìn nhau, mà là cùng nhau nhìn về một hướng» như Saint-Exupéry nói, thì trong gia đình, hướng chung đó phải là cùng nhau xây dựng hạnh phúc gia đình, hạnh phúc chung của mọi thành viên trong đó. Muốn thực hiện được hạnh phúc ấy thì điều cần thiết là mọi người đều phải đặt thánh ý Thiên Chúa là tối quan trọng, và luôn luôn thi hành thánh ý Ngài. Mà thánh ý Ngài chính là mọi người trong gia đình yêu thương và hy sinh cho nhau (x. Ga 13,34-35).

Hạnh phúc gia đình phải được xây dựng trên nền tảng là cùng nhau thực hiện thánh ý Thiên Chúa thì mới vững bền. Cổ nhân nói: «Thuận Thiên giả tồn, nghịch Thiên giả vong» (= thuận theo Trời thì còn, thì hạnh phúc, nghịch với Trời thì mất, thì đau khổ). Câu này đúng trong mọi trường hợp, đặc biệt trong mọi tình huống của gia đình. Nếu không quan tâm thực hiện thánh ý Ngài, con người càng tìm hạnh phúc thì càng gặp đau khổ.

Nếu vì chính bản thân ta không hy sinh và nỗ lực tạo hạnh phúc cho gia đình mình nên gia đình ta không hạnh phúc, thì ta nên xét lại cách cầu nguyện và cách sống đạo của ta. Rất có thể ta đã cầu nguyện và sống đạo một cách sai lạc, không đẹp lòng Thiên Chúa. Rất có thể ta thể hiện tính ích kỷ của ta rõ ràng nhất khi ta cầu nguyện, ta chỉ nghĩ đến bản thân ta khi cầu nguyện, và không hề tỏ ra có một chút tình yêu nào đối với tha nhân khi cầu nguyện cảCần sám hối và sửa sai. Đừng tưởng cứ cầu nguyện cho nhiều là làm đẹp lòng Thiên Chúa! Cần cầu nguyện cho có phẩm chất hơn là cầu nguyện cho nhiều. Cầu nguyện có phẩm chất đòi hỏi lòng chân thành và tâm tình yêu thương thật sự, hay ít nhất là hướng đến việc gia tăng tình yêu trong lòng mình. Hiệu quả tất yếu của việc cầu nguyện đích thực là tình yêu trong lòng mình ngày càng gia tăng. Dựa vào đó, ta có thể biết mình có thật sự cầu nguyện hay cầu nguyện đẹp lòng Chúa hay không.



CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, đời sống gia đình có biết bao khó khăn, thử thách và đau khổ, chẳng những đến từ ngoại cảnh, từ xã hội, mà còn đến từ chính những người trong gia đình. Xin cho con nhận ra mọi đau khổ thử thách đều là những phương tiện Cha dùng để thánh hóa, tinh luyện tình yêu của bản thân con và gia đình con, để chúng con có được những cơ hội quý giá chiếm được những phần thưởng vô cùng lớn lao mà Cha muốn dành cho chúng con. Xin ban cho con mọi người trong gia đình con đủ tình yêu để gia đình con trở thành một tổ ấm hạnh phúc, thành một hình ảnh của thiên đàng mai sau.


Sunday, December 22, 2019

GiangSinh - Bài học đầy nghịch lý trong sự kiện Chúa Giáng Sinh




CHIA SẺ TIN MỪNG

Lễ Giáng Sinh

(25-12-2022)


Bài học đầy nghịch lý
trong sự kiện Chúa Giáng Sinh



ĐỌC LỜI CHÚA

  Is 9,1-6: (5) Một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta, một người con đã được ban tặng cho ta.

  Tt 2,11-14: (12) Chúng ta phải từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục, mà sống chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian.

  TIN MỪNG: Lc 2,1-20

Đức Giêsu sinh ra tại Bêlem

(1) Thời ấy, hoàng đế Augustô ra chiếu chỉ, truyền kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ. (2) Đây là cuộc kiểm tra đầu tiên, được thực hiện thời ông Quiriniô làm tổng trấn xứ Xyri. (3) Ai nấy đều phải về nguyên quán mà khai tên tuổi. (4) Bởi thế, ông Giuse từ thành Nadarét, miền Galilê lên thành vua Đavít tức là Bêlem, miền Giuđê, vì ông thuộc gia đình dòng tộc vua Đavít. (5) Ông lên đó khai tên cùng với người đã thành hôn với ông là bà Maria, lúc ấy đang có thai. (6) Khi hai người đang ở đó, thì bà Maria đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa. (7) Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ.

 (8) Trong vùng ấy, có những người chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ đàn vật. (9) Bỗng sứ thần Chúa đứng bên họ, và vinh quang của Chúa chiếu toả chung quanh, khiến họ kinh khiếp hãi hùng. (10) Nhưng sứ thần bảo họ: «Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: (11) Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít, Người là Đấng Kitô Đức Chúa. (12) Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ». (13) Bỗng có muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa rằng: (14) «Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương».

(15) Khi các thiên sứ từ biệt mấy người chăn chiên để về trời, những người này bảo nhau: «Nào chúng ta sang Bêlem, để xem sự việc đã xảy ra, như Chúa đã tỏ cho ta biết». (16) Họ liền hối hả ra đi. Đến nơi, họ gặp bà Maria, ông Giuse, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ. (17) Thấy thế, họ liền kể lại điều đã được nói với họ về Hài Nhi này. (18) Nghe các người chăn chiên thuật chuyện, ai cũng ngạc nhiên. (19) Còn bà Maria thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng. (20) Rồi các người chăn chiên ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được mắt thấy tai nghe, đúng như đã được nói với họ.




CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1. Tại sao Đức Giêsu không sinh ra trong cảnh giàu sang, uy quyền cho xứng với địa vị Con Thiên Chúa, mà lại sinh trong cảnh thấp hèn nhất của con người? 
2. Toàn dân Do Thái đều trông đợi Đấng Cứu Thế đến, thế mà khi Ngài đến, Ngài lại không báo cho ai, kể cả những người chính thức đại diện cho dân, mà chỉ báo cho các mục đồng, là những kẻ hèn kém nhất trong dân? 
3. Những người quyền thế trong dân về tôn giáo cũng như xã hội khi biết Đức Giêsu sinh ra tại Bêlem, họ đã làm gì? phản ứng thế nào? Tại sao họ phản ứng như vậy? Não trạng của họ đúng đắn và hợp với đường lối của Thiên Chúa không?


Suy tư gợi ý:

1.  Hoàn cảnh ra đời của Đức Giêsu

Theo thông lệ đã bao đời, cứ 14 năm một lần, hoàng đế Rôma lại ra lệnh kiểm tra dân số trên toàn đế quốc để có cơ sở thu thuế và tuyển lính. Mọi người dân đều phải về nguyên quán mình để khai hộ khẩu. Vì Bêlem là nơi sinh trưởng của vua Đavít, tổ tiên Giuse, nên ông phải đưa Maria vợ mình đang mang thai từ Nadarét về đấy khai hộ khẩu. Hành trình từ Nadarét về Bêlem khoảng 80 dậm (tức khoảng 130 km). Vì phương tiện di chuyển quá đơn sơ, hai vợ chồng nghèo phải vất vả lắm mới tới nơi. Nơi đất lạ, vì nghèo không tìm được chỗ trọ, hai vợ chồng phải tá túc đỡ ở một chuồng súc vật ngoài đồng cỏ. Không may, Maria đã đến ngày sinh con, hai vợ chồng nghèo đành phải sinh con ngay tại nơi trọ nghèo nàn ấy.



2.  Đức Giêsu chấp nhận cảnh thấp hèn ngay từ khi sinh ra đời

Không có gì nhục nhã và đau lòng cho bằng phải ra đời trong một chuồng súc vật, chẳng những thiếu đủ mọi thứ mà còn dơ bẩn, hôi hám! Thử hỏi: cả 90 triệu dân Việt, một dân tộc hiện đang bị xếp vào loại nghèo khổ nhất thế giới, đã có mấy người phải sinh ra trong cảnh tệ hại như thế? Thế mà Đức Giêsu, Con Thiên Chúa vô cùng cao sang, cũng chính là Vua Vũ Trụ, lại phải sinh ra trong hoàn cảnh như thế! Tuy nhiên, tất cả mọi việc xảy ra đều nằm trong chương trình vô cùng khôn ngoan của Thiên Chúa, và đều ứng nghiệm những gì các ngôn sứ đã loan báo mấy trăm năm trước về Đấng Cứu Thế.

Đang khi nhân loại ai cũng tìm sự giàu sang, quyền thế, địa vị, danh dự cho mình và người thân mình, thì Thiên Chúa Cha lại tìm sự nghèo khó, thấp hèn, nhục nhã cho Người Con vô cùng yêu quí của mình. Suốt đời mình, Đức Giêsu cũng hành động tương tự: Đang khi nhân loại ai cũng tìm đủ cách đưa mình lên thật cao, thì Đức Giêsu lại tìm đủ cách để tự hạ mình xuống thật thấp

Chính vì con người cứ muốn tự đưa mình lên thật cao và sẵn sàng đè người khác xuống nên nhân loại mới phát sinh ra muôn vàn giống tội và phải chịu biết bao khổ ải. Vì thế, muốn cứu chuộc nhân loại, Đấng Cứu Thế phải hành động ngược lại khuynh hướng tội lỗi ấy là tự hạ mình xuống thật thấp để nâng mọi người lên. Đúng như thánh Phaolô nói: «Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có» (2Cr 8, 9)

Để cứu rỗi nhân loại, nếu Thiên Chúa đã phải theo đường lối ấy, thì những kẻ muốn cộng tác với Ngài trong công cuộc cứu rỗi, lẽ nào đi ngược lại đường lối ấy mà lại thành công được? Nghĩa là nếu cứ thích mình được đề cao, thích sống trên đầu trên cổ người khác, thì cứu rỗi được ai? 

Chính vì thế, điều Ngài đòi hỏi những người theo Ngài là: «Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo» (Mt 24,16). Ngài còn nhấn mạnh về sự cần thiết phải «vác thập giá», nghĩa là sẵn sàng chấp nhận đau khổ, mất mát, thiệt thòi vì lý tưởng cao đẹp đối với những người theo Ngài: «Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy» (Mt 10,38).



3.  Những kẻ được loan báo về việc giáng sinh của Đức Giêsu

Có sự nghịch lý quá lớn trong việc Con Thiên Chúa vô cùng cao sang lại chấp nhận cảnh vô cùng nghèo hèn để giáng sinh hầu cứu chuộc con người. Tuy nhiên vẫn còn một nghịch lý rất lớn khác trong biến cố này. Khi Ngài sinh ra thì toàn dân Do Thái –kể cả giới lãnh đạo Do Thái giáo (các thượng tế, tư tế, kinh sư, luật sĩ…)– đang trông chờ và mong đợi Đấng Cứu Thế mà các ngôn sứ đã từng loan báo trước đó mấy trăm năm. Mấy trăm năm toàn dân mong đợi, thế mà khi Đấng Cứu Thế đến, Thiên Chúa đã chẳng sai các thiên sứ đến báo tin cho các vị chức sắc cao cấp trong tôn giáo Do Thái cũng như nhà cầm quyền Do Thái, là những người chính thức đại diện cho tuyển dân của Ngài. Mà chỉ báo tin cho các mục đồng, đại diện cho hạng người hèn kém nhất trong tôn giáo và trong xã hội! Quả thật, dưới con mắt loài người, Thiên Chúa tỏ ra «chẳng biết điều» tí nào! Ngài chẳng biết cách xử sự theo kiểu loài người! Tại sao vậy?

Đối với Thiên Chúa, kẻ có giá trị trước mắt Ngài là những tâm hồn đơn sơ chân thành, sẵn sàng đón nhận chân lý, chứ không phải là những người có chức tước trong xã hội hay tôn giáo, dù có cao cấp đến đâu! Hãy thử xét xem thái độ của các mục đồng và những kẻ quyền thế thời đó. 

− Các mục đồng khi được báo tin, thì hối hả đến và thờ lạy Đấng Cứu Thế vừa sinh. Họ có thể tin ngay rằng đứa bé yếu đuối và nghèo nàn kia, được sinh ra trong cái chuồng súc vật của họ, chính là Đấng Cứu Thế muôn dân đang trông đợi. Cho dẫu chính họ, những kẻ thấp hèn nhất trong xã hội và tôn giáo, cũng không bao giờ nỡ sinh con mình ở cái nơi dơ dáy thấp hèn ấy! Tuy nhiên, cảnh thấp hèn ấy không phải là điều cản trở họ tin. Bài Tin Mừng cho biết niềm tin và thái độ của họ sau khi gặp hài nhi Giêsu: «Các người chăn chiên ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa» (Lc 2,20b).

− Còn những kẻ quyền thế trong xã hội và tôn giáo thì sao? Họ không thể tin được điều ấy. Não trạng họ rất khác với các mục đồng! Làm sao họ có thể tin và chấp nhận được Đấng Cứu Thế của toàn dân lại sinh ra thấp hèn như vậy! Mà dẫu họ có được báo tin, họ cũng chẳng thèm đến với Đấng Cứu Thế thấp hèn và nghèo nàn ấy làm gì! Người khác phải đến với họ, chứ làm gì có chuyện họ phải đến với người khác, trừ trường hợp người khác đó giàu sang hay có địa vị cao hơn họ! Cứ xem phản ứng của họ thì biết: Khi được các nhà chiêm tinh phương Đông tới báo tin Đấng Cứu Thế đã sinh ra thì vua Hêrôđê và những nhà lãnh đạo tôn giáo đã làm gì? Hêrôđê thì cho quân đi tìm giết con trẻ Giêsu ngay, bất chấp phải giết oan bao đứa trẻ khác. Các vị thượng tế và kinh sư thì cũng chỉ ngồi nhà chờ các nhà chiêm tinh đến cho biết kết quả, mặc dù biết rất rõ Đấng Cứu Thế phải sinh ra tại Bêlem. Và khi các nhà chiêm tinh không trở lại, họ cũng bỏ qua luôn.



4.  Hai thái độ khác nhau

Truyền thống Kitô giáo cho rằng Tổng lãnh Thiên thần Luxifer vì không chấp nhận được Con Thiên Chúa nhập thể làm người, nghĩa là Thiên Chúa mà lại sống trong thân phận hèn kém hơn mình, nên đã phản loạn chống lại Thiên Chúa. Não trạng đó cũng là não trạng của rất nhiều người, kể cả các Kitô hữu bình dân và cao cấp! Mặc dù Đức Giêsu làm nhiều phép lạ tỏ tường, được dân chúng tin theo rất đông, nhưng giới lãnh đạo tôn giáo Do Thái xưa không thể chấp nhận được Ngài là Đấng Cứu Thế. Tại sao? Vì họ thấy Ngài là người nghèo hèn (x. Mt 8,20), thất học (x. Ga 7,15), lại nói và làm rất nhiều điều ngược lại quan niệm của họ, như lỗi luật ngày sábát (x. Mt 12,1-14; Lc 6,6-11; ...), không chịu ăn chay (x. Mt 9,14), ăn không rửa tay (x. Mt 15,1-2; Lc 11,38), giao thiệp với những hạng người tội lỗi (x. Mt 9,10-11; Lc 5,29-30), v.v… Họ cho rằng họ là chân lý, nên ai nói hay hành động khác với họ đều sai. Nếu những người ấy có quyền phép thì đó là quyền phép ma quỷ (x. Mt 9,34; 12,24).

Đối với họ, chỉ những điều mà người có uy quyền trong tôn giáo nói mới là chân lý thôi! Chân lý không thể phát xuất từ môi miệng những hạng bình dân, thấp kém trong xã hội hay tôn giáo được. Do đó, khi các ngôn sứ xuất hiện –thường xuất thân từ giới bình dân, nghèo hèn– thì đều bị họ chê bai và ném đá vì những lời nói mà họ cho là ngang ngược (x. Mt 23,37; Lc 6,23). Họ chỉ ca tụng và ưu đãi những ngôn sứ giả là những người có uy quyền, lại nói vừa lòng họ, lọt lỗ tai họ (x. Lc 6,26). Cũng vậy, khi Đức Giêsu đến, những mặc khải mới về chân lý của Ngài không sao lọt tai họ được, nên họ phải tìm cách trừ khử cho bằng được!

Ngày nay, con người –kể cả các tín đồ trong mọi tôn giáo– vẫn thường có não trạng như thế. Người có thế giá trong tôn giáo nói bất cứ điều gì cũng được họ cho là đúng, là có giá trị, cho dù họ thấy có gì đó không hợp lý. Cũng có khi họ mù quáng đến độ không thể thấy được sự bất hợp lý trong những lời nói đó. Còn những người bình dân, thấp hèn mà nói, thì dù có hợp lý đến đâu, cũng đều vô giá trị. Chính vì thế, nếu thời nay những ngôn sứ của Thiên Chúa có đến, chắc chắn cũng các vị cũng phải đồng số phận hẩm hiu với những ngôn sứ các thời đại trước thôi! Và dẫu chính Đức Giêsu có đến lần nữa, Ngài cũng sẽ bị đối xử tương tự. Ngài lúc nào cũng vẫn là «viên đá vấp phạm» (x. Rm 9,33; 1Pr 2,8) cho nhiều người. Nhưng «phúc thay những ai không vấp phạm vì Ngài!» (Mt 11,6; Lc 7,23).



CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, xin cho con nhận thức rằng người được Thiên Chúa sai đến, dù có thấp hèn đến đâu cũng vẫn là người của Thiên Chúa. Xin cho con ý thức được rằng chân lý dù được phát biểu bởi trẻ con hay người thấp hèn dốt nát cũng vẫn là chân lý. Còn sai lầm dù được phát biểu bởi kẻ cao sang quyền thế cũng vẫn là sai lầm. Đừng để con đồng hóa lý của kẻ mạnh, kẻ có quyền với chính chân lý. Để nhờ đó, con có thể nhận ra Cha nơi những anh em nghèo hèn chung quanh con, và nhận ra chân lý dẫu được phát biểu bởi những người mà con cho là thấp kém.

Nguyễn Chính Kết