Tuesday, January 17, 2017

Có gì sai khi nói Đức Giêsu là vị thánh đã thành, còn chúng ta là những vị thánh đang thành?


Có gì sai trong câu:
«Đức Giêsu là vị thánh đã thành,
còn chúng ta là những vị thánh đang thành»?


Kính Quí Vị,

Điện thư này xin gửi đến những ai đã đọc bài Chia Sẻ Tin Mừng Chúa Nhật 17 Quanh Năm (28-7-2002) của Nguyễn Chính Kết, được đăng trên Vietcatholic Network, đặc biệt những ai có thắc mắc về bài này. (*)



I. Vấn đề

Trong bài Chia Sẻ Tin Mừng Chúa Nhật 17 Thường Niên (28-7-2002), tôi có viết một đoạn sau đây: «Đức Giêsu chính là gương mẫu nên thánh của chúng ta, Ngài là vị thánh đã thành, còn chúng ta là những vị thánh đang thành. Ngài đang mời gọi chúng ta nên thánh đấy!»

Chắc chắn có nhiều người không đồng ý với tư tưởng này, và có một người đã nói lên sự bất đồng ý đó qua điện thư có nội dung như sau:

«Kính quý Cha,

«Con nghe nhiều người không đồng ý về bài suy niệm của Nguyễn Chính Kết, ngày thứ bảy 20/7/2002 (Dụ ngôn kho báu và cỏ lùng).

«Theo con, tác giả Nguyễn Chính Kết đã copy câu nói của Đức Phật Thích Ca nói với môn đệ mình "Ta là Phật đã thành, còn các con là Phật sẽ thành". Rồi tác giả so sánh Chúa là vị Thánh đã thành, còn chúng ta là vị Thánh đang thành. Điều này hoàn toàn sai, coi thường Chúa Giêsu, vì chính Ngài đã là Thiên Chúa, Ngài là Infinitive, chứ Ngài không phải qua một quá trình để trở thành Thánh, không bao giờ Finitive có thể trở thành Infinitive được cả. Thánh đã thành, tức là phải qua một quá trình không phải thánh rồi mới thành Thánh. Thứ hai Ngài là tạo hóa, có bao giờ tạo vật trở thành tạo hóa không?

«Thứ ba, lấy câu nói của một loài thụ tạo rồi áp đặt cho Thiên Chúa là không đúng, và sai với tư tưởng thần học.

«Kính Chúc qúy Cha vui mạnh. God Love You.

«NS»

Với tư cách là tác giả viết những bài Chia sẻ Tin Mừng nói trên, tôi xin chân thành cám ơn ông NS đã thẳng thắn góp ý để sửa sai, đúng với tinh thần của Đức Kitô trong Mt 18,15-17, hầu mọi người nên hoàn hảo hơn. Rất mong Ông cũng như mọi người tiếp tục sống tinh thần bác ái ấy.

Tuy nhiên, tôi cũng xin được biện hộ cho tư tưởng của mình.



II. Ngôi Hai Thiên Chúa và Đức Giêsu

Tôi không phải là một nhà thần học, nên không có đủ thẩm quyền để nói lên tiếng nói chính thức của Giáo Hội về vấn đề này. Tuy nhiên, dù chỉ có một số vốn hạn hẹp về triết lý và Kinh Thánh, tôi đã từng suy nghĩ về vấn đề này. Vậy tôi xin được trình bày ra đây thiển ý của tôi để mọi người rộng đường suy nghĩ. Tôi e rằng những suy nghĩ này vẫn còn nông cạn, nên rất mong được những bậc cao minh chỉ giáo thêm cho. Nhất là mong được những người có thẩm quyền nói lên lập trường chính thức của Giáo Hội mà tôi luôn luôn sẵn sàng đón nhận như ý kiến cuối cùng. Xin chân thành cảm tạ. 

Trên nguyên tắc, Đức Giêsu chính là Thiên Chúa, nhưng lại là một Thiên Chúa nhập thể. Như vậy giữa Đức Giêsu và Thiên Chúa có sự khác biệt về hình thái hiện hữu (mode d'existence), mặc dù về yếu tính (essence) thì hoàn toàn đồng nhất. Khi nhập thể làm người, Ngôi Hai Thiên Chúa vốn vô hạn, bất biến, tuyệt đối đã biến thành một Giêsu hữu hạn, thay đổi, tương đối. Nếu không có sự biến đổi về hình thái hiện hữu như thế thì không còn là nhập thể nữa..

Nói một cách quảng diễn hơn, thì xét về yếu tính, Đức Giêsu là Thiên Chúa, hoàn toàn đồng nhất với Thiên Chúa, nói cách khác, Thiên Chúa và Đức Giêsu là một. Nhưng xét về hình thái hiện hữu, thì Đức Giêsu là Thiên-Chúa-làm-người, với hai bản tính – vừa là Thiên Chúa vừa là người – chứ không chỉ là Thiên Chúa thuần nhất với một bản tính là bản tính Thiên Chúa. Như vậy, Ngài khác với Thiên Chúa, hay Thiên Chúa và Đức Giêsu là hai. Xét về hình thái hiện hữu thì Thiên Chúa là vô hạn, bất biến, tuyệt đối, còn Đức Giêsu – xét theo bản tính con người – là hữu hạn, thay đổi, tương đối. 

Tương tự như xét về yếu tính thì tôi lúc nhỏ và tôi bây giờ là một, nhưng xét về những yếu tố khác như cách thức hiện hữu, khả năng, tính tình, thì tôi lúc nhỏ và tôi bây giờ là hai dạng khác nhau. .

Khi Thiên Chúa nhập thể thành con người, thì Ngài trở thành bị giới hạn. Sự việc này phần nào giống như một nhà bác học nọ, khi ở trong phòng thí nghiệm của ông với đầy đủ mọi máy móc tân kỳ, mọi chất liệu thượng hảo hạng, thì ông có thể chế tạo ra bất cứ chất nào có trên trần gian này. Nhưng khi ông đến chơi nhà một người học trò có một phòng thí nghiệm đơn sơ nghèo nàn, thì tại đó, ông chỉ có thể chế tạo được một số chất nào đó thôi, với một độ tinh khiết cũng rất giới hạn. Tài năng của ông vẫn y nguyên, nhưng điều kiện để thể hiện khả năng ấy đã thay đổi, nên kết quả cũng thay đổi. Khả năng chế tạo của ông tại nhà người học trò bị giới hạn vì bị lệ thuộc vào những điều kiện quá hạn chế.

Để nói về những giới hạn của một vị Thiên Chúa vô hạn, nhưng lại nhập thể làm con người hữu hạn, thánh Phaolô viết:

– Ngài «mang thân phận yếu hèn» (2Cr 13,4; x. 1Tm 3,16), nhưng Thiên Chúa thì đâu có yếu hèn!

– «Người đã phải nên giống anh em mình về mọi phương diện» (Dt 2,17). Ngoại trừ tội lỗi ra, Ngài giống như tất cả mọi người về mọi phương diện, kể cả việc chịu ma quỉ cám dỗ.

– «Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội» (Dt 4,15);

– Thậm chí Phaolô còn nói mạnh bạo hơn câu nói của tôi rất nhiều: «vì yếu đuối, nên người phải dâng lễ đền tội cho dân thế nào, thì cũng phải dâng lễ đền tội cho chính mình như vậy» (Dt 5,3). «Dâng lễ đền tội cho chính mình» có hàm ý Ngài cũng có tội chăng?

Như vậy, xét về bản chất thì Thiên Chúa và Đức Giêsu là một. Nhưng xét về cách hiện hữu thì Thiên Chúa và Đức Giêsu là hai, nghĩa là cách hiện hữu của Ngôi Hai Thiên Chúa và của Ngôi Hai Nhập Thể có những điểm khác nhau. Tương tự như: xét về bản chất thì tôi lúc nhỏtôi bây giờ chỉ là một, nhưng xét về những yếu tố khác như cách hiện hữu, khả năng, tính tình, thì tôi lúc nhỏ và tôi bây giờ là hai. 

Trong bài chia sẻ Tin Mừng nói trên, tôi nói về Đức Giêsu chứ không nói về Thiên Chúa: «Đức Giêsu chính là gương mẫu nên thánh của chúng ta, Ngài là vị thánh đã thành, còn chúng ta là những vị thánh đang thành». Nói về Thiên Chúa như vậy thì quả là một sai lầm nghiêm trọng, nhưng ở đây, tôi nói về Đức Giêsu, với cách hiện hữu đầy giới hạn của một con người đích thực!

Tôi thiết tưởng Đức Giêsu phải tập luyện bản thân để nên hoàn hảo hơn, chứ không phải sự hoàn hảo của Ngài là có sẵn. Những câu sau đây của Phaolô chứng tỏ điều đó:

– «Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục» (Dt 5,8). Như vậy nếu không trải qua đau khổ, Ngài đâu học được đức vâng phục!

– «Thiên Chúa (…) đã làm một việc thích đáng, là cho Đức Giêsu trải qua gian khổ mà trở thành vị lãnh đạo thập toàn, dẫn đưa họ tới nguồn ơn cứu độ» (Dt 2,10 ). Rõ ràng là Ngài «trở thành» chứ không phải Ngài bẩm sinh vốn là một vị lãnh đạo thập toàn.

– «Khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người» (Dt 5,9). Ngay cả việc cứu độ, rõ ràng theo Phaolô, Ngài trở nên nguồn ơn cứu độ, chứ không phải vốn là nguồn ơn cứu độ.

Qua những câu Kinh Thánh trên, tôi nghĩ Ngài cũng như chúng ta, phải cố gắng lắm, phải «trầy da tróc vẩy» mới nên hoàn hảo, mới nên thánh đúng với bản chất của mình. Ngài chỉ khác với chúng ta ở chỗ Ngài đã cố gắng hơn chúng ta gấp bội, nên Ngài không bao giờ bị thất bại, nghĩa là không bao giờ rơi vào tình trạng tội lỗi mà thôi! 

Có nghĩ như thế ta mới thấy thương Ngài vô cùng, và được yên ủi biết bao khi ta phải cố gắng đến «trầy da tróc vẩy» để nên thánh! Còn nếu Ngài đã là thánh từ bẩm sinh, chẳng cần phải cố gắng chút nào cả, thì tôi sẽ có cớ để lười lĩnh: làm sao tôi bắt chước Ngài nổi? Ngài vốn đã là thánh, còn tôi là người phàm mà! Làm sao tôi nên thánh giống Ngài được!?

Nhưng chính Ngài đã khuyên chúng ta: «Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Ðấng hoàn thiện» (Mt 5,48). Không biết Đức Giêsu có nói quá không khi dùng cùng một chữ «hoàn thiện» để áp dụng cho cả Thiên Chúa Cha lẫn chúng ta! Nhất là lại có chữ «như» giữa hai vế!

Xin đưa ra một minh họa què quặt để tạm lý giải: Quả là phi lý nếu có ai là người mà lại mời gọi con chó trở nên người giống như mình! Nhưng nếu có một con chó y hệt những con chó khác nhưng nhờ khổ công tu luyện mà thành người, thì sau khi thành người, «con người gốc chó» ấy mới có tư cách để mời gọi mọi con chó khác cố gắng tu luyện thành người chứ!

Nếu nói rằng Ngài không trở thành thánh, thành hoàn hảo, vì Ngài vốn đã là thánh, là hoàn hảo rồi, không cần luyện tập gì cả, tôi nghĩ rằng nói như thế mới là sai thần học, đặc biệt thần học của Phaolô.

Khi làm thần học, rất nhiều người không phân biệt Ngôi Hai Thiên Chúa và Đức Giêsu, nên sinh ra nhiều hệ luận thần học sai lầm. Họ hoàn toàn đồng hóa hai «Đấng» ấy là một. Nói chính xác thì hai Ngài là một xét về bản chất, nhưng là hai xét về cách hiện hữu. Thiết tưởng câu thơ Việt Nam

«Mình với ta tuy hai mà một, 
 «Ta với mình tuy một mà hai»

có thể áp dụng rất đúng cho trường hợp này.

***

Rất mong được những bậc cao minh trao đổi và nếu tôi sai thì sửa sai cho tôi. Tôi thiết nghĩ những tư tưởng trong các bài Chia sẻ Tin Mừng của tôi chắc chắn không thể tránh được những sai sót về mặt thần học. Rất mong những người đọc tôi khi thấy tôi sai sót chỗ nào thì cứ mạnh dạn nói lên như ông NS, để tôi có dịp mà trình bày lập trường của mình. 

Một lần nữa xin chân thành cám ơn ông NS, nhờ Ông nêu lên vấn đề mà vấn đề trở nên sáng tỏ. Rất mong nhận được ý kiến của Ông và mọi người về cách lý giải của tôi.

Kính

Nguyễn chính Kết
(nguyenchinh2007@gmail.com)

_______________


(*) Bài này hiện còn được lưu lại trong trang:  http://www.simonhoadalat.com/Suyniem/chunhat/NamA/CN17QN-Ket.htm chia sẻ về bài Tin Mừng Mt 13,44-46 về "Dụ ngôn kho báu và ngọc quý". Và được post lại trong trang: http://chiasethanhuu.blogspot.com/2017/01/tan-dung-ban-chat-thanh-de-nen-thanh.html

No comments:

Post a Comment