Giai đoạn 4:
Đức Kitô cùng với các tôn giáo
Đức Kitô cùng với các tôn giáo
(tiếp theo Giai đoạn 3 của bài
«Chuyển biến của thần học Kitô giáo trong cái nhìn về các tôn giáo khác» )
Hầu hết các nhà thần học và các Kitô hữu đều dễ dàng chấp nhận sự chuyển biến thần học trong cách nhìn về các tôn giáo khác trong Giáo Hội đến giai đoạn 3, vì lập trường của giai đoạn này đã được Giáo Hội xác định. Nhưng những người thường xuyên đối thoại tôn giáo và những người đã từng tìm hiểu sâu sắc các tôn giáo khác –theo kiểu hành giả chứ không phải học giả– không thể thỏa mãn được với lập trường đó. Họ còn muốn Giáo Hội tiến xa hơn nữa.
Việc người Kitô hữu tự hào rằng chỉ có tôn giáo của mình là đúng nhất, là chuẩn mực, phần lớn dựa vào một số câu Kinh Thánh nào đó, và một phần nào do những nhận định của những nhà nghiên cứu Tây phương về các tôn giáo Đông phương. Những kết quả nghiên cứu này thường không được chính xác, thậm chí sai lạc nữa, khiến cho các Kitô hữu trên thế giới chưa nhận định đúng mức giá trị của các tôn giáo ấy [l*]. Điều này khiến người Kitô hữu dễ tự hào về tôn giáo của mình, và cho rằng chỉ có mình là đúng nhất, là hay nhất.
I. Giáo Hội có thể chưa hiểu đúng về các tôn giáo
1) Khi nhận định và phê bình các tôn giáo khác, chúng ta thường bị sai lầmNhững Kitô hữu nào đã từng nghe những người vô thần đả kích hay nhận xét về tôn giáo của mình mới thấy họ đã hiểu sai tôn giáo của mình rất nhiều. Nếu dựa trên những nhận định không chính xác ấy mà phê bình, thẩm định giá trị, thì những phê bình và thẩm định của họ có thể rất sâu sắc, rất đúng luận lý, rất khách quan, nhưng ta có cảm tưởng thứ tôn giáo mà họ phê bình không phải là thứ Kitô giáo của ta. Các Kitô hữu Việt Nam dưới chế độ cộng sản đã có nhiều kinh nghiệm về việc này.
Cũng vậy, khi chúng ta phê bình và thẩm định giá trị các tôn giáo khác, chúng ta cũng đi vào những sai lầm tương tự. Khi phê bình một tôn giáo mà mình chưa hề sống và cảm nghiệm sự sống của nó, ta chỉ làm công việc «mổ xẻ một xác chết», «một cái xác không hồn» của tôn giáo ấy. Cái xác không hồn ấy chắc chắn không phải là cái tôn giáo đích thật mà ta muốn phê bình.
2) Muốn hiểu một tôn giáo, phải thực hành tôn giáo ấy
Thật vậy, khi tìm hiểu một tôn giáo, ta thường chỉ nhắm tìm hiểu phần giáo lý, kinh điển. Nhưng nếu không từng sống tinh thần tôn giáo ấy, ta khó lòng hiểu đúng lý thuyết của tôn giáo ấy. Vả lại, tôn giáo không phải chỉ có phần giáo lý hay kinh điển. Tôn giáo chính là một cái gì sống chứ không phải cái gì chết, mà văn tự kinh điển là cái gì chết: «Thánh Thần làm cho sống, còn văn tự làm cho chết» (2Cr 3,6).
Thiền Tông Phật giáo cảm thấy ngôn ngữ hầu như bất lực không thể diễn tả đúng được Chân Lý Tối Hậu của Phật giáo, cho dù là các thiền sư đã dùng chính ngôn ngữ của Phật giáo. Như thế chẳng lẽ ta lại chỉ căn cứ vào ngôn ngữ, văn tự của họ để phê bình cách hiểu về Chân Lý Tối Hậu của họ? Khi người thợ chụp ảnh đã xác định rằng tấm ảnh anh ta chụp không trung thực với vật được chụp, thì những nhận định hay phê bình về vật được chụp dựa trên tấm ảnh đó có giá trị không? Chẳng hạn vật được chụp phát ra một thứ ánh sáng cực mạnh, thì chẳng có máy chụp bình thường nào chụp được chính xác cả.
Khi theo một tôn giáo, người ta chấp nhận cái lý thuyết của tôn giáo đó thì ít, mà cảm nghiệm được sự sống của tôn giáo đó thì nhiều. Nhiều Kitô hữu không nắm vững lý thuyết Kitô giáo của mình bằng một người vô thần cố tìm hiểu chỉ để tìm hiểu [m*], nhưng nhờ niềm tin, họ đã nhận được dồi dào sức sống và sức mạnh tinh thần của Kitô giáo. Khi mổ xẻ một xác chết, người ta không bao giờ thấy được sự mầu nhiệm của sức sống hay luồng sinh khí đã từng làm cho xác thân kia hoạt động, suy tư, nói năng, làm việc, cùng với vô số khả năng của nó. Giữa một người và xác chết của chính người ấy, có sự khác biệt nhau một trời một vực. Cũng vậy, giữa những điều ta nghiên cứu về lý thuyết một tôn giáo và những điều chính những người trong tôn giáo đó cảm nhận được cũng khác nhau như thế.
Thật vậy, về những nhà học Phật không sống đạo Phật, thiền sư Nhất Hạnh viết: «… Phạm Quỳnh, Phan văn Hùm, Louis de la Vallée Poussin chẳng hạn. Hay như Linh Mục Trần Thái Đỉnh (một tiến sĩ về Phật học) đã viết mấy bài khảo luận về Đạo Phật, ai cũng nhận là công phu và không thiên lệch, không chủ quan [n*]. Tôi cũng thấy Linh Mục Đỉnh viết rất công phu. Nhưng tôi lại không thấy được cái gì là Đạo Phật trong những bài ấy cả. (…). Linh Mục Đỉnh đối chiếu, so sánh, nhận xét triết học Đạo Phật với những triết thuyết khác một cách tỉ mỉ; bài của Linh Mục đầy dẫy những danh từ triết học và Phật học, mà kỳ lạ, tôi vẫn không thấy trong các bài ấy không khí của nền đạo học và triết học mà trong đó tôi đã sống, đã thở từ gần hai mươi năm nay. Tôi có cảm tưởng Linh Mục phân tích một cái xác Phật học cứng đờ, và dù cố gắng, cái sinh khí của Phật học vẫn không ốp đồng về nhập vào ngòi bút của Linh Mục» [o*].
Hòa thượng Thích Minh Châu, viện trưởng viện Phật học Vạn Hạnh, cũng có ý tưởng tương tự khi nói về cuốn Amida (A-Di-Đà) của linh mục Henri de Lubac. Hòa thượng cho rằng linh mục Lubac phê bình rất sâu sắc với những lập luận rất chặt chẽ. Nhưng tiếc rằng đối tượng phê bình của linh mục lại không phải là thứ Phật giáo như Hòa thượng hiểu.
3) Khi cảm nghiệm được những cái hay đẹp trong các tôn giáo khác
Những Kitô hữu đã thực sự cảm nghiệm được cái hay cái đẹp, cái sức sống mãnh liệt trong các tôn giáo khác, và nhất là nhờ tôn giáo đó mà cảm nghiệm được Thực Tại Tối Hậu một cách sống động hơn, nhận được an vui và sức mạnh nhiều hơn, khó có thể chấp nhận rằng chỉ có Kitô giáo mới đúng, mới là chuẩn mực… Cũng như một người chưa hề ra nước ngoài hay chưa được hiểu biết trung thực về các nước khác có thể dễ dàng tự hào hoặc chấp nhận việc đồng bào mình tự hào rằng chỉ có nước mình là đẹp nhất, giàu nhất, tốt nhất… Nhưng những người đã từng đi chu du khắp đó đây thì quả khó mà chấp nhận được sự tự hào đó. Cũng vậy, khi thực sự hiểu biết các tôn giáo khác, sự tự hào chủ quan đó tự nhiên biến mất, nhất là khi đã hiểu thâm sâu và múc được sức sống tràn trề từ các tôn giáo ấy.
4) Tín đồ nào cũng tự hào về tôn giáo mình
Những người đã từng giao tiếp trao đổi về đạo pháp với những bậc cao minh trong những tôn giáo khác đều thấy rằng những tín đồ tôn giáo khác cũng rất tự hào về tôn giáo của họ, và sự tự hào đó không phải là không có cơ sở. Đang khi mình thấy tôn giáo của họ không bằng tôn giáo mình, thì ngược lại, họ lại thấy tôn giáo của họ hơn xa tôn giáo của mình. Trong khi mình thấy giáo thuyết của họ có nhiều điều phi lý không thể chấp nhận được [p*], thì ngược lại, có nhiều điều trong tôn giáo của mình bị họ cho là phi lý, và họ không sao hiểu được tại sao mình lại có thể tin được những điều phi lý ấy [q*].
Đang khi ta thấy tôn giáo của mình là siêu việt thì họ cũng thấy tôn giáo của họ là siêu việt, thậm chí siêu việt hơn của ta nhiều. Ta nói tôn giáo mình siêu việt vì những lý do này, họ nói tôn giáo của họ siêu việt vì những lý do kia. Nếu họ không thấy tôn giáo của họ siêu việt bằng của ta, thì họ đâu còn theo tôn giáo của họ nữa. Cũng như nếu ta không thấy tôn giáo của mình siêu việt bằng tôn giáo của họ, thì ta cũng đâu còn theo tôn giáo mình làm gì? Có lẽ ta không nên tiên thiên cho rằng những lý do của họ không thể vững chắc bằng của ta.
5) Một niềm tự hào của Phật giáo
Khi giao tiếp với người Phật giáo, tôi thấy họ tự hào rằng những điều Đức Phật nói cách đây trên 2.000 năm, có rất nhiều điều thuộc phạm vi khoa học hay tâm lý học, mà cho tới nay, chưa thấy có điều nào bị coi là mâu thuẫn với khoa học thời nay cả. Có nhiều điều Phật nói từ thời đó mà mãi đến thế kỷ 19 hay 20 này khoa học mới khám phá ra. Chẳng hạn như sự hiện hữu của «hằng hà sa số chúng sinh trong ly nước» mà chúng ta thường uống, hay ngoài trái đất mà chúng ta đang sống, còn «hằng hà sa số» những tinh tú khác. Khoa tâm lý học của Đức Phật đã đi trước thời đại cả hai chục thế kỷ. Những nhà phân tâm học như Carl Jung hay Erich Fromm cũng đã phải thán phục khoa tâm lý của Đức Phật đã đi trước mình. Phật đã nói tới cái mà các nhà phân tâm học gọi là tiềm thức, vô thức, tiềm thức tập thể… và giải thích rất tường tận. Khi so sánh đặc tính đó với kinh điển của nhiều tôn giáo khác, người Phật tử rất tự hào về trí tuệ của giáo chủ mình.
6) Không nên nhân danh niềm tin của mình để phủ nhận…
Lập trường của những người chủ trương «Đức Kitô cùng với các tôn giáo» này thường không được các Kitô hữu theo truyền thống chấp nhận, nếu không muốn nói là bài xích. Tuy nhiên, chúng ta không nên nhân danh niềm tin của mình để phủ nhận những lập trường nào đi ngược lại niềm tin đó, bất chấp thực tại đang xảy ra.
Sự kiện các phán quan thời Trung Cổ kết án thầy dòng Galilêô và linh mục Brunô là một bài học cho những ai thích nhân danh niềm tin vững chắc của mình để phủ nhận và kết án những người chủ trương ngược với mình. Việc vua Tự Đức cho rằng những điều mà Nguyễn Trường Tộ đã «mắt thấy tai nghe» ở Tây phương về kể lại là hoàn toàn láo khoét, chỉ vì thấy chúng ngược hẳn lại quan niệm của mình, cũng là một sự kiện giúp chúng ta có một thái độ thích hợp trong việc dung hòa giữa niềm tin và thực tế.
Niềm tin không hẳn lúc nào cũng phù hợp với thực tế. Do đó, cần phải có một đầu óc thật khách quan để nhận ra điều đó. Thật vậy, nếu trong quá khứ niềm tin của cha ông ta có những điều không phù hợp với thực tế, thì chúng ta có dám chắc niềm tin của mình sẽ hoàn toàn phù hợp với thực tế không? Nếu không dám chắc điều đó, chúng ta đừng quá cố chấp trong niềm tin của mình. Hãy sẵn sàng chấp nhận một «mêtanoia» (=sám hối, nhận mình sai) về mặt tư tưởng.
Khi chưa ngã ngũ sự thật ra sao, chúng ta nên giữ vững niềm tin của mình, vì rất có thể niềm tin vào một nhân vật đáng tin giúp ta gần với chân lý hơn cả. Tuy nhiên, ta cũng nên suy tư khách quan chừng nào có thể. Vì niềm tin của chúng ta có thể chưa được tinh ròng để xứng đáng gọi là Đức Tin chân chính, nên ta đừng để niềm tin của mình làm mình mất đi tính khách quan. Nhất là trong khi đối thoại tôn giáo, ta không nên coi những gì mình đang tin đã là chân lý khách quan rồi, để rồi ép buộc người khác chấp nhận như mình. Nên nhớ: Niềm tin chỉ là dự phóng về chân lý chứ không phải là chân lý. Vì thế, đừng bao giờ đồng hóa niềm tin với chân lý.
Chân lý bao giờ cũng giá trị hơn niềm tin, và giá trị hơn rất nhiều. Do đó, người đích thực yêu chân lý sẵn sàng hy sinh niềm tin của mình cho chân lý, chứ không bao giờ ngược lại. Có những người phải hy sinh niềm tin mới đạt được chân lý. Chân lý thường đi đôi với sự khách quan hơn chủ quan, còn niềm tin thường mang tính chủ quan hơn khách quan.
II. Các tôn giáo cần đến nhau để quan niệm đầy đủ hơn về Thiên Chúa
Nếu thực sự Thiên Chúa là một thực tại vô hạn, đa diện và vô cùng phong phú, thì chắc chắn không một tôn giáo nào có thể tự hào mình biết và cảm nghiệm được đầy đủ mọi khía cạnh của Ngài. Tương tự như người cha trong gia đình, mỗi đứa con có thể quan niệm cách khác nhau về người cha ấy, và người cha cũng có thể cư xử cách khác nhau đối với từng đứa con của mình. Vì thế, mỗi đứa con chỉ có thể hiểu được cha mình một phần nào thôi, và thường hiểu theo cách thức người cha đối xử với mình. Nghĩa là, đứa con ngoan có thể cho rằng cha mình rất dễ chịu, hiền lành; đứa con hư cho rằng cha mình rất khó và nghiêm khắc. Đứa có tình cảm ướt át sẽ quan niệm về cha mình khác với đứa khô khan tình cảm. Đứa đã lớn quan niệm khác với đứa còn nhỏ. Muốn hiểu về cha mình cách toàn diện, những đứa con phải trao đổi những kinh nghiệm riêng tư của mình về người cha. Quan niệm của đứa con nào dù có đúng đắn đến đâu cũng đều phiến diện cả. Đứa con nào tự cho rằng chỉ có quan niệm của mình về cha là đúng nhất, là chuẩn mực nhất, e rằng nó đã xâm phạm đến sự hiểu biết và kinh nghiệm của nhưng anh em khác một cách bất công. Quan niệm hẹp hòi của đứa con ấy xuất phát từ sự kém hiểu biết về thực tại, vì nó cho rằng thực tại vốn chỉ có đơn thuần một mặt.
Cũng vậy, các tôn giáo cần đến nhau để vươn tới mầu nhiệm Thiên Chúa hay Thực Tại Tối Hậu, và cần trao đổi với nhau những kinh nghiệm và bằng chứng về Thiên Chúa hay Thực Tại Tối Hậu, là những của ăn tinh thần vẫn hằng nuôi dưỡng đời sống tâm linh các tín đồ của mình. Vậy, để việc đối thoại trở nên dễ dàng và đi đến kết quả tốt đẹp, mọi tôn giáo nên lấy mầu nhiệm Thiên Chúa hay Thực Tại Tối Hậu làm trọng tâm đối thoại.
Vì thế, một số nhà thần học đang nghiên cứu những quan điểm mới: lấy Thiên Chúa –chứ không phải Đức Kitô– làm trọng tâm đối thoại. Đa số các tôn giáo chấp nhận có Thiên Chúa (có thể họ gọi Ngài bằng những tên khác nhau, và có những quan niệm rất khác nhau về Ngài), và lấy Thiên Chúa làm trung tâm đời sống tôn giáo của mình. Mỗi tôn giáo đều có những kinh nghiệm riêng về Đấng mà ta gọi là Thiên Chúa.
III. Lập trường của cha “Raimundo Panikkar”
1) Phân biệt giữa Đấng Kitô phổ quát và Đức Giêsu cá biệtMột trong những người đại diện điển hình và xứng đáng nhất cho chủ trương này –Đức Kitô cùng với các tôn giáo– là cha Raimundo Panikkar. Ngài là một linh mục công giáo có cha là người Ấn và mẹ người Tây Ban Nha. Theo cha, không tôn giáo nào có thể tham dự đối thoại nếu ngay từ đầu tôn giáo đó quả quyết rằng mình là mẫu mực chuẩn xác cho tất cả các tôn giáo khác. Hẳn nhiên các tôn giáo khác sẽ cho đó là một lập trường kiêu hãnh, đầy tự mãn. Lập trường «khó chơi» này sẽ dập tắt tất cả mọi cuộc đối thoại, mọi thiện chí đối thoại. Và nếu có lập trường dứt khoát như thế, thì trong cuộc đối thoại, chỉ có truyền giáo chứ không có đối thoại đúng nghĩa.
Hiện nay, thế giới đang chuyển biến đòi buộc phải giải thích lại cách hiểu cổ truyền về tính duy nhất và phổ quát của Đấng Kitô. Vì thế, cha Panikkar đề nghị phải phân biệt giữa Đấng Kitô phổ quát và Đức Giêsu cá biệt.
2) Chỉ có một Đấng Kitô phổ quát duy nhất
Theo cha Panikkar, Đấng Kitô là «một biểu tượng sống động của toàn thể thực tại: con người, thần linh và vũ trụ». Ngài là trung tâm của thực tại, là điểm kết tinh để con người, thần linh và vật chất có thể xoay quanh đó mà phát triển. Ngài là sự duy nhất sinh động của Thiên Chúa, con người và thế giới. Ngài là LỜI (logos), là hiện thân Đấng Tối Hậu, là sự thông ban Đấng Tối Hậu, là «hành vi lịch sử của Chúa Quan Phòng đang thôi thúc nhân loại qua nhiều đường nẻo khác nhau, đưa đời sống con người tới chỗ viên mãn». Chỉ có một Đấng Kitô duy nhất, là tư tế với chức tư tế vũ trụ, soi sáng và thôi thúc khắp nơi, trong tất cả mọi dân tộc và mọi nền văn hóa [r*].
3) Đấng Kitô phổ quát đã trở thành Đức Giêsu cá biệt
Đấng Kitô –Ngôi Lời– này, Đấng vĩnh cửu và phổ quát này đã nhập thể thành Đức Giêsu Nazarét. Nhưng sự nhập thể này không phải là sự nhập thể duy nhất và chuẩn mực. Trong những năm gần đây, cha Panikkar xác nhận rằng không có một cái tên lịch sử nào có thể được coi là tên cuối cùng của Đấng Kitô. Đấng này không thể được cụ thể hóa hay hiện thực hóa trong một nhân vật chỉ có tính cách lịch sử, đến nỗi trên dương gian này ta sẽ không bao giờ biết Đấng Kitô hoàn toàn đầy đủ cả. Và Đấng Kitô phổ quát ấy đã trở thành cụ thể nơi Đức Giêsu, và đối với các Kitô hữu, Đức Giêsu ấy chính là hình ảnh tối hậu của Đấng Kitô đó. Đó là điều mà mọi Kitô hữu phải cương quyết khẳng định. Họ phải tin vững chắc rằng ơn cứu độ của mình là do Ngài.
4) Đấng Kitô còn có những danh hiệu khác
Nhưng nếu Đức Giêsu chính là Đấng Kitô, thì điều đó không có nghĩa là Đấng Kitô chỉ là Đức Giêsu. Trong lịch sử, nơi những nền văn hóa khác, cụ thể là trong kinh điển của các tôn giáo khác, Đấng Kitô có thể được gọi bằng nhiều danh hiệu khác như Rama, Krishna, Isvara, Purusha, Tathagata… Nhưng không vì thế mà Đức Giêsu cá biệt kia không còn luôn luôn cần thiết và thích đáng nữa.
5) Quan điểm của cha Panikkar ngược với Kinh Thánh?
Quan điểm của cha Panikkar tuy có thể chấp nhận được đối với những người đã từng tìm hiểu sâu xa các tôn giáo hay những người đã từng đối thoại nhiều với các tôn giáo khác, nhưng rất khó chấp nhận đối với các Kitô hữu có đức tin truyền thống. Vì nhiều chỗ trong Kinh Thánh xác định sự duy nhất của Đức Giêsu. Chẳng hạn như:
- «Chỉ có một Thiên Chúa, chỉ có một Đấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người: đó là một con người, Đức Giêsu Kitô» (1Tm 2,5).
Như vậy, nếu cứ hiểu theo nghĩa đen của Kinh Thánh thì lập trường của cha Panikkar khó đứng vững.
6) Có nên hiểu Kinh Thánh theo nghĩa đen?
Nhưng chấp cứng vào nghĩa đen của Kinh Thánh và coi lời Kinh Thánh là tuyệt đối, bất di bất dịch, có phải là thái độ đúng đắn nhất không? Vì: nếu hiểu theo nghĩa đen lời Đức Kitô: «Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng không thể qua đi được» (Mt 5,18) được nói trong bối cảnh Do Thái giáo, thì ắt nhiên Luật Môsê (tức Lề Luật) sẽ còn phải được giữ mãi đến tận thế. Nhưng thực ra, chỉ sau khi Chúa Giêsu về trời một thời gian ngắn, các Tông Đồ đã bãi bỏ Lề Luật này (x. Cv 15,1-2.5-6.19-20.27-29) Làm sao có thể hiểu theo nghĩa đen lời Thiên Chúa hứa cho Abraham rằng con cháu ông sẽ «đông như sao trên trời, cát dưới biển»? (St 15,5), hay lời của Đức Giêsu «Các ông cứ phá hủy Ðền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại»? (Ga 2,19; x. Mt 26,31; 27.40). Chính vì hiểu theo nghĩa đen và tuyệt đối hóa lời dạy của Kinh Thánh (x. Gs 10,1214) mà các phán quan thời Trung Cổ đã nhất quyết cho rằng mặt trời phải quay chung quanh trái đất, nên đã thiêu sống oan linh mục Bruno và kết án chung thân thật bất công thầy dòng Galilêô.
7) Hiểu Kinh Thánh theo nghĩa đen có thể dẫn đến những sai lầm nghiêm trọng
Chính vì hiểu một số câu Kinh Thánh theo nghĩa đen, mà nhiều giáo phụ, cũng như Luther, Calvin, và rất nhiều giáo phái Tin Lành cho rằng bản tính con người đã hoàn toàn hư hỏng, nên họ khinh rẻ phần tự nhiên trong con người, coi rẻ những nỗ lực tự nhiên của con người đóng góp vào việc cứu chuộc, và chỉ coi trọng những gì là siêu nhiên xuất phát từ Thiên Chúa mà thôi. Họ cho rằng mọi cố gắng tự nhiên của con người đều vô giá trị, thậm chí còn là tội lỗi nữa, nhất là khi dùng những cố gắng riêng của mình để tìm hiểu về Thiên Chúa, vì như thế là kiêu ngạo. Theo họ, nếu có gì tốt đẹp trong các tôn giáo khác, thì điều tốt đẹp ấy phải được gọi là xấu, là tội lỗi mới đúng.
Và cũng chính vì hiểu lời Kinh Thánh theo nghĩa đen mà người Do Thái xưa quan niệm Đấng Mêsia phải là người thuộc hoàng tộc, có vương quyền trần gian với binh hùng tướng mạnh, và sẽ mộ binh khởi nghĩa để cứu dân Do Thái khỏi ách thống trị của đế quốc Rôma. Từ đó họ đi đến một tai hại khủng khiếp là không thể chấp nhận «anh Giêsu nghèo hèn kia» chính là Đấng Mêsia phải đến. Và họ đã giết Ngài một cách thảm thương trên thập giá…
Như vậy, hiểu Kinh Thánh theo nghĩa đen đôi khi dẫn đến những tai hại nghiêm trọng. Và đó chính là điều mà Giáo Hội cũng như mọi Kitô hữu nên rút kinh nghiệm, để tránh những chuyện đáng tiếc tương tự như trên có thể xảy ra.
8) Làm sao giải thích… ?
Vậy, câu Kinh Thánh của Phaolô: «Chỉ có một Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người: đó là một con người, Đức Giêsu Kitô» (1Tm 2,5) hay câu «Dưới gầm trời này, không có một danh nào khác được ban cho nhân loại để chúng ta nhờ đó mà được cứu độ» (Cv 4,12), phải được hiểu thế nào?
Trong câu Kinh Thánh Cv 4,12, chữ «danh» không chỉ có nghĩa là một tên gọi, vì trong văn hóa Do Thái, «danh» hay «tên» còn có nghĩa là chính bản thân người có tên ấy. Do đó, câu «không có một danh nào khác» (Cv 4,12) phải được hiểu là «không có một Đấng nào khác», và Đấng ấy chính là Đấng Kitô phổ quát, trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và con người. Tuy nhiên, Đấng Kitô không phải chỉ là Đức Giêsu ở Nazarét, mà Ngài có thể mặc lấy nhiều thân xác khác, trong những nền văn hóa khác. Tất cả những thân xác ấy chỉ là một Đấng Kitô duy nhất, là trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và con người.
9) Rút kinh nghiệm trong Cựu Ước
Hiểu như thế quả không có gì là quá đáng khi so sánh với cách hiểu hiện nay về lời Thiên Chúa hứa với Abraham là sẽ cho ông «sinh ra một dòng dõi nhiều như sao trời, và như cát ngoài bãi biển, không tài nào đếm được» (Dt 11,12). «Dòng dõi» ở đây không thể hiểu theo nghĩa thường hiểu là «con cháu theo máu mủ» (vì hiểu theo cách này thì rõ ràng cho tới nay lời hứa đó chưa được thực hiện), mà phải hiểu là «con cháu theo niềm tin». Thời Chúa Giêsu trở về trước, có lẽ không người Do Thái nào có thể chấp nhận được lối giải thích «trớ trêu» như thế. Nhưng lối «trớ trêu» ấy lại đúng, và lối «thường tình» kia ngờ đâu lại sai!
Hay làm sao người Do Thái thời Chúa Giêsu trở về trước lại có thể hiểu những lời tiên tri của các ngôn sứ về Đấng Mêsia như chúng ta hiểu hiện nay được? Cứ theo nghĩa đen của Kinh Thánh thì khi Đấng Mêsia tới, Ngài sẽ phải có binh hùng tướng mạnh để giải phóng Dân Ngài khỏi ách thống trị ngoại bang, đem lại vinh quang cho «Dân tộc riêng» của Ngài. Còn cách hiểu nào khác có thể chấp nhận được nữa? Nếu có ai giải thích cách nào khác –chẳng hạn như cách chúng ta đang hiểu hiện nay– chắc chắn người thời đó không ai chấp nhận được. Nhưng ngờ đâu cách không thể chấp nhận được ấy mới đúng với thực tế, và cách mà ai cũng nghĩ sẽ xảy ra và mong muốn sẽ xảy ra, trong thực tế đã không xảy ra!
Rất nhiều câu Kinh Thánh được Đức Giêsu, các ngôn sứ hay các thánh sử nói hay phát biểu mang tính cách văn chương, thì cần phải hiểu theo nghĩa văn chương, chứ không nên hiểu theo nghĩa triết học, hay như một định lý toán học. Trong ngôn ngữ thường dùng, người ta hay nói: «cao quá trời», «nhà chọc trời», «tóc còn xanh», «công ơn trời biển», v.v... không thể hiểu theo nghĩa đen được. Cũng vậy trong Kinh Thánh, chẳng hạn như những câu: «Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi» (St 2,7), hay «Ta sẽ làm cho dòng dõi ngươi nên đông, nên nhiều như sao trên bầu trời, như cát ngoài bãi biển» (St 22,17), hay «Đời sống con người chóng qua như cỏ, như bông hoa nở trong cánh đồng» (Tv 103,15), hay «Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa» (Mc 10,25), hay như khi Đức Giêsu mô tả hỏa ngục là «nơi giòi bọ không hề chết và lửa không hề tắt» (Mc 9,48), v.v...
Tương tự như thế, không hẳn hai câu Kinh Thánh 1Tm 2,5 («Chỉ có một Thiên Chúa, chỉ có một Đấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người: đó là một con người, Đức Giêsu Kitô») và Cv 4,12 («Dưới gầm trời này, không một danh nào khác được ban cho nhân loại để chúng ta nhờ đó mà được cứu độ») kể trên sẽ được ứng nghiệm đúng theo nghĩa đen của chúng.
10) Muốn hiểu Kinh Thánh, cần có tình yêu và lòng khiêm nhượng
Sự gì đã từng xảy ra trong lịch sử cũng có thể sẽ xảy ra trong tương lai. Do đó, chúng ta không nên chấp cứng vào thành kiến có sẵn của mình kẻo sẽ vấp phải những lầm lỡ tai hại như những người Do Thái xưa, lầm lỡ đến nỗi đã giết chính Con độc nhất của Thiên Chúa. Không khéo chúng ta sẽ vấp phải «hòn đá vấp phạm» (Is 28,16; Rm 9,33) của Thiên Chúa chỉ vì hiểu lời Chúa theo nghĩa đen.
Để hiểu Kinh Thánh, chúng ta cần phải có tình yêu và lòng khiêm nhường. Tính kiêu ngạo muốn đề cao cá nhân hay tập thể của mình, đồng thời muốn hạ thấp người khác, và tính thiếu yêu thương không muốn chia sẻ hạnh phúc và vinh quang của mình cho người khác hay tập thể khác có thể khiến người ta hiểu sai Lời của Thiên Chúa, Đấng vốn là Tình Yêu, Đấng không ưa những tâm tình kiêu căng (x. Lc 18,9-17), bè phái (x. Mc 9,38), Đấng thích mặc khải chân lý cho những tâm hồn khiêm nhường (x. Mt 11,25).
Phải có cùng một tâm tình, ý hướng với Đức Kitô, ta mới có thể hiểu đúng ý Ngài. Làm sao ta có thể hiểu đúng ý Ngài khi ta cứ muốn tôn mình lên, tôn tập thể của mình lên, đồng thời hạ thấp người khác hay tập thể khác xuống? hay khi trong vô thức, ta chỉ muốn Thiên Chúa ban cứu rỗi cho những người trong tôn giáo của mình thôi? Những tâm tình ích kỷ và kiêu căng như thế luôn luôn bị Đức Kitô kết án, Ngài luôn luôn kết án những kẻ thích kết án người khác (x. Mt 7,1; Lc 18,9-17), những kẻ không có lòng thương xót (x. Mt 18,23-35; 25,41-46).
11) Đấng Kitô trong các tôn giáo khác
Như vậy, theo cha Panikkar, Đấng Kitô phổ quát có thể tự biểu hiện một cách cá biệt trong các tôn giáo khác, để mặc khải và cứu độ con người một cách thích ứng và phù hợp với các nền văn hóa cá biệt của nhân loại. Do đó, các tôn giáo ấy cũng có thể là những tôn giáo tuy khác với Kitô giáo, nhưng cũng phát xuất từ Thiên Chúa. Vì thế, các tôn giáo cần phải đối thoại và tìm hiểu lẫn nhau để có một nhãn quan đầy đủ và đa diện hơn về Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa không phải là một thực tại đơn diện (một mặt) để nhãn quan của một tôn giáo có thể bao trùm hết được. Nghĩ rằng những «chân lý» trong tôn giáo của mình có thể bao trùm được hết cả Thực Tại Thiên Chúa thì quả là «coi trời bằng vung», là thái độ «ếch ngồi đáy giếng». Thái độ đó là thái độ vô tình vũ nhục Thiên Chúa.
IV. Quan niệm của nhà Thần học Stanley Jedidiah Samartha
Thần học gia S.J. Samartha, đại diện của Giáo Hội Nam Ấn, là người phụ trách chương trình «Đối thoại với những người khác tín ngưỡng và khác ý thức hệ» của «Hội Đồng Đại Kết các Giáo Hội» (COE) từ 1968 đến 1980, cũng chủ trương tương tự như vậy. Theo ông, tất cả mọi tôn giáo đều tương đối nhưng cần thiết, và Thiên Chúa đã gặp gỡ chúng ta qua nhiều trung gian cá biệt. Còn Kitô giáo nên theo gương Đức Kitô tìm lại hướng đi lấy Thiên Chúa làm trung tâm của mình. Đức Kitô đâu có tự lấy mình làm trung tâm cho hiện hữu của mình cũng như cho sự hiện hữu của người khác. Ngài luôn luôn lấy Thiên Chúa, Cha Ngài làm trung tâm: Nhất cử nhất động Ngài đều làm theo ý của Cha Ngài (x. Mt 26,39.42; Ga 4,34; v.v...)
Với hướng này, các Kitô hữu mới dễ gặp gỡ những anh em khác tôn giáo với mình. Gặp gỡ và chia sẻ yêu thương với đồng loại, cho dù họ khác tôn giáo với mình, đó chẳng phải là điều hợp thánh ý Thiên Chúa sao? Với tư cách là Kitô hữu, và với những Kitô hữu khác (tức đồng đạo với mình), chúng ta cứ việc lấy Đức Kitô làm trung tâm theo quan niệm và niềm tin của mình. Nhưng khi đối thoại với những người khác tôn giáo, ta nên cùng với họ, lấy Thiên Chúa hơn là Đức Kitô làm trung tâm. Chúng ta không nên vì Đức Kitô mà trở nên xa cách với đồng loại của mình, mà không gần gũi và đối thoại được với họ.
Khi còn sinh thời, Đức Kitô chẳng phải là người luôn luôn tìm cách phá bỏ mọi hàng rào ngăn cách giữa người với người sao? Những hàng rào ngăn cách đó thường là sự khác biệt về địa vị, giai cấp, mức độ thánh thiện, và cả tôn giáo nữa. Chỉ khi gần gũi và thân tình đối thoại với mọi người, với những người trong các tôn giáo, ta mới có thể làm chứng và tuyên xưng rằng «không có nơi nào mà đau khổ và cái chết lại bị chiến thắng một cách quyết liệt bằng trong cuộc tử nạn và phục sinh của Đức Giêsu Kitô». Lời tuyên tín này sẽ là lời chứng cho Đức Giêsu, Đấng Mặc Khải mà các Kitô hữu nhìn nhận, mà không hề có ý phủ nhận những Đấng Mặc Khải khác.
V. Bối cảnh tôn giáo khác nhau giữa Đông và Tây phương
1) Não trạng «duy Kitô Giáo» tại Tây phương
Quan niệm «ngoài Giáo Hội không có ơn cứu độ» đương nhiên phát sinh dễ dàng trong một bối cảnh văn hóa xã hội vốn chỉ có Kitô giáo như thế. Trong bối cảnh ấy, nếu có những tôn giáo địa phương khác, thì đó chỉ là những «bán tôn giáo» mà các nhà thần học gọi là các «tôn giáo vũ trụ» (cosmic religions), thường không quan niệm có đời sau, và không có nền tảng giáo thuyết vững chắc. Các thần học gia Tây phương thời đó chưa biết một tôn giáo nào khác có nền tảng lý thuyết vững chắc ngang tầm với Kitô giáo cả. Nếu có biết thì cũng biết một cách không chính xác, thậm chí sai lạc nữa. Và họ đánh giá các tôn giáo lớn ở Đông phương không hơn gì các tôn giáo địa phương của họ. Thực ra, các tôn giáo lớn ở Đông Phương cũng là những tôn giáo «siêu vũ trụ» (metacosmic religions), quan niệm cuộc đời này chỉ là một kiếp ngắn ngủi trong sự tồn tại dài vô tận. Vì thế, với một số câu Kinh Thánh nói lên khả năng cứu độ duy nhất của Chúa Kitô, tất nhiên họ phải đi đến lập trường «duy Kitô giáo», «duy Giáo Hội».
2) Quan niệm «Kitô giáo cùng với các tôn giáo khác» tại Đông phương
Còn các thần học gia tại Á châu sống trong một bối cảnh khác hẳn, nên mang một não trạng khác hẳn, vì tại Á châu, Kitô giáo chỉ là một thiểu số sống giữa những khối tôn giáo khác rất đồ sộ, có nền tảng triết lý rất vững chắc và thâm sâu. Vả lại, giáo thuyết của Kitô giáo –vốn mang nặng tính Tây phương– không có sức thuyết phục dân chúng Á châu hơn những giáo thuyết của các tôn giáo tại đây.
Vào thế kỷ 20, khi việc giao lưu văn hóa trên thế giới phát triển mạnh, các triết gia Tây phương càng ngày càng khám phá ra kho tàng minh triết của các tôn giáo Đông phương, nên cái nhìn của họ về các tôn giáo Đông phương càng ngày càng thay đổi. Người Tây phương càng ngày càng giảm bớt khuynh hướng tự hào về triết lý của mình và càng thán phục nền minh triết Đông phương hơn. Vì thế, khi hiểu thâm sâu và đúng đắn các tôn giáo Đông phương, người ta không thể còn não trạng khinh thị như khi chưa biết chúng. Và những Kitô hữu một khi hiểu biết sâu xa các tôn giáo Đông phương thường khó có thể có cùng một kết luận về các tôn giáo ấy với những Kitô hữu chưa hiểu rõ. Đối với họ, não trạng «duy Kitô giáo» khó có thể chấp nhận được. Trong bối cảnh tôn giáo như thế, các thần học gia Á châu dễ có khuynh hướng quan niệm «Kitô giáo cùng với các tôn giáo khác», ngược lại với quan niệm «Kitô giáo đối nghịch với các tôn giáo khác» của các thần học gia Tây phương xưa.
3) Các tôn giáo là những con đường khác nhau…
Và Giáo Hội toàn cầu, do chủ trương đối thoại với các tôn giáo cũng như những ý thức hệ khác mình, càng ngày càng hiểu các tôn giáo khác hơn, và càng hiểu biết các tôn giáo, Giáo Hội càng trở nên bao dung hơn. Công Đồng Vatican II là một bước tiến vĩ đại hay một cuộc cách mạng lớn trong chiều hướng này. Kinh nghiệm của những người tìm hiểu sâu xa các tôn giáo khác bằng cách sống theo tinh thần những tôn giáo ấy –nghĩa là tìm hiểu theo kiểu hành giả chứ không phải học giả– cho thấy: các tôn giáo khác đều là những con đường khác nhau để tiến tới mầu nhiệm Thiên Chúa, để cảm nghiệm được chính Thiên Chúa, vốn được gọi bằng những tên khác nhau và quan niệm theo nhiều cách khác nhau trong các tôn giáo.
Mỗi tôn giáo có một cách riêng, có thể cách này có ưu điểm hơn cách kia, nhưng tất cả những cách khác nhau ấy đều bổ túc lẫn nhau để có thể hiểu được mầu nhiệm muôn mặt của Thiên Chúa. Còn việc có đạt tới mầu nhiệm Thiên Chúa hay không, không tùy thuộc vào phương tiện hay con đường cho bằng tùy thuộc vào chính con người. Vì «Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông» (Nguyễn Bá Học).
Một hành giả, dù được sinh ra và lớn lên trong một tôn giáo «được giả thiết là tà giáo đi nữa», nhưng hành giả ấy có lòng khao khát gặp được chân lý, và quyết tâm lên đường tìm kiếm ngay trong tôn giáo của mình, đồng thời sẵn sàng hy sinh tất cả cho chân lý, thì cuối cùng hành giả đó sẽ thành công. Còn một học giả, hay một người thiện chí, được sinh ra và trưởng thành trong truyền thống một tôn giáo «được giả thiết là chính đạo», cũng muốn đi tìm chân lý, muốn cảm nghiệm được Thiên Chúa, nhưng lại không dám hy sinh cho Thiên Chúa hay chân lý, người ấy khó lòng đạt tới. Chính Đức Kitô đã nói: «Ai yêu cha mẹ hơn Ta thì không xứng đáng với Ta. Ai yêu con cái hơn Ta thì không xứng đáng với Ta. Ai không vác thập giá mình mà theo Ta cũng không xứng đáng với Ta. Ai tìm sự sống mình sẽ mất, ai sẵn sàng để mất sự sống mình vì Ta thì lại tìm thấy sự sống» (Ga 10,37-39).
Trong rất nhiều câu nói của Đức Kitô, Ngài nói thay cho Thiên Chúa và Chân Lý Tối Thượng hơn là nói về chính Ngài, vì Ngài là cũng theo chủ trương «tự hủy», Ngài không bao giờ muốn tự đề cao mình.
4) Tư tưởng của Giáo Hội không ngừng tiến tới hoàn thiện
Đương nhiên, Giáo Hội sẽ không thể ngừng lại ở quan điểm hiện tại của mình. Nếu trong quá khứ, tư tưởng của Giáo Hội đã từng tiến mãi, thì chắc chắn trong tương lai tư tưởng của Giáo Hội cũng sẽ còn tiến mãi, để càng ngày càng tiến gần đến hoàn hảo hơn. Các Kitô hữu hãy sẵn sàng đón nhận những bước tiến mới càng ngày càng nhanh hơn của Giáo Hội.
Muốn tiến tới chân lý và sự hoàn thiện, Giáo Hội phải gắn bó nhiều hơn với chân lý và tình yêu chứ không phải với những tín điều, những cách diễn tả chân lý hay những nguyên tắc cố hữu của mình. Kinh nghiệm trong lịch sử Giáo Hội cho thấy: những người đưa ra những định thức mới của chân lý, những quan niệm mới hay nhận thức mới về một vấn đề quan trọng nào đó bao giờ cũng bị đả kích, bị coi là lệch lạc, thiếu đúng đắn, thậm chí còn bị coi là phá hoại Giáo Hội. Nhưng về sau, quan niệm của họ nhiều trường hợp lại trở thành quan niệm chính thức của Giáo Hội. Họ quả là những người đi trước thời đại, thấy được những gì mà người đồng thời chưa thấy. Chính vì thế họ phải trả giá bằng sự bạc đãi, bách hại do chính những đồng đạo hoặc bề trên của mình [s*]. Số phận của các ngôn sứ hay tiên tri (=biết trước) bao giờ cũng thế, vì chân lý, họ «bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xoá tên như đồ xấu xa» (Lc 6,22) như Đức Giêsu đã tiên báo.
Những sự kiện như thế đã từng xảy ra trong quá khứ chắc chắn cũng sẽ được lập lại trong hiện tại và tương lai. Vì thế, chúng ta đừng vội lên án những quan niệm khác với quan niệm đang hiện hành trong Giáo Hội mà một vài đồng đạo nào đó của mình đưa ra. Trước khi lên án họ, phải xét xem: họ là người thế nào? có đời sống đạo đức ra sao? là người từng xây dựng hay đả phá Giáo Hội? Rất có thể họ sai lầm. Nhưng cũng rất có thể họ đúng vì họ thấy xa hơn những gì mọi người đang thấy. Rất có thể thế hệ sau –thậm chí nhiều thế hệ sau– nhân loại mới thấy được điều họ đang thấy [t*].
Để có thể kịp tiến bước với tư tưởng thời đại, thiết tưởng chúng ta cần hành động theo đòi hỏi của lương tri chúng ta hơn là theo những tín điều hay các định thức chân lý của thời đại, theo lương tâm của chúng ta hơn là theo những luật lệ [u*]. Vì những tín điều hay luật lệ là những định thức của chân lý, của sự thiện, chỉ phù hợp cho một thời đại nào đó trong một không gian nào đó của con người. Còn lương tri của con người là ân sủng Thiên Chúa ban để soi sáng cho con người nhận biết chân lý và sự thiện trong mọi thời đại. Dựa vào một định tín hay một định thức nào đó để phủ nhận một đòi hỏi nào đó của lương tri con người là một việc làm thiếu đúng đắn, nếu không muốn nói là tội lỗi.
5) Thay đổi một quan niệm cổ hủ không phải chuyện dễ, một sớm một chiều
Chúng ta hãy cùng đọc một đoạn văn trong cuốn truyện «Chiếc lều của chú Tom» của Harriet Beecher-Stowe. Sau đây là một phần cuộc đối thoại giữa hai anh em ruột Augustin và Alfred, một người quyết tranh đấu giải phóng nô lệ và một người cương quyết giữ chế độ nô lệ:
«– Không phải ai sinh ra cũng tự do và bình đẳng. Những người giàu có học thức, có giáo dục, phải được quyền bình đẳng. Những người khác thì không.
-- Không nên nói thế. Họ cũng có giáo dục, nhưng chúng ta không hiểu nền giáo dục đó. Hệ thống xã hội hiện nay của chúng ta là tàn ác và dã man. Chúng ta biến những con người đó thành súc vật! Một ngày nào đó, họ sẽ không chịu để cho bị bán và bị mua như vậy nữa, và họ sẽ nổi dậy!
– Chuyện ngốc nghếch! Nếu tôi nghĩ như anh, tôi sẽ dạy dỗ nô lệ của tôi!
-- Nhưng họ bị hệ thống xã hội của chúng ta đè bẹp! Cầm bằng như đặt trên lưng họ một trái núi và bảo họ đứng dậy! Để họ được giáo dục, nhà nước phải làm một cái gì đó! Augustin trả lời» [v*].
Một đoạn khác:
«Marie Saint-Clare không có chút tôn trọng đối với nô lệ của họ. Nàng không ngớt chê bai họ. (…) Về phần Ophelia, cô chia sẻ quan niệm của Augustin và mím môi tỏ dấu phản đối khi nghe Marie nói:
– Chị không nghĩ rằng Chúa đã tạo ra người da đen cùng một thứ máu như chúng ta sao? Ophelia hỏi Marie.
-- Tôi không nói là không –Marie đáp– Nhưng so sánh linh hồn họ với linh hồn của chúng ta là không thể được».
Người miền Nam nước Mỹ vào thế kỷ 18-19 không thể coi những nô lệ da đen của mình là một người có đầy đủ nhân vị như mình được. Họ có lý của họ chứ không phải là phi lý. Điều tệ hại là ở chỗ này: ai cũng thấy là mình có lý cả! Nhưng ngày nay, ta không thể chấp nhận quan niệm của họ. Nhưng thử hỏi, nếu ta là người ở Mỹ ở Nam Mỹ thời đó thì ta nghĩ sao? Ta có thể có quan niệm khác hơn họ không?
Ta cảm thấy tức cười khi biết về quan niệm của họ. Nhưng con cháu chúng ta có thể tức cười khi biết quan niệm của ta hiện nay. Để xóa bỏ quan niệm không đúng đắn về phẩm giá của người nô lệ, nước Mỹ đã phải tốn biết bao xương máu và thời gian! Cũng vậy, để xóa bỏ những quan niệm chưa đúng đắn của chúng ta –trong đó có cả tôi nữa– nhiều khi cũng phải tốn công sức và thời gian, thậm chí sự hy sinh của nhiều người!
Nếu ta không suy nghĩ theo đòi hỏi của lương tri tự do mà cứ cố chấp vào những quan niệm hiện có của chúng ta, của thời đại chúng ta, chúng ta chẳng những sẽ bị vượt qua, mà còn tạo nên ngăn trở cho đà tiến của xã hội, Giáo Hội và thế giới nữa.
Nguyễn Chính Kết
Trở lại từ đầu, bài «Chuyển biến của thần học Kitô giáo trong cái nhìn về các tôn giáo khác»
Phần chú thích:
[l*] Nhận định của người Kitô hữu về các tôn giáo Đông Phương cũng như của các tín đồ tôn giáo Đông Phương về Kitô giáo thường không chính xác và đúng đắn. Điều này dễ hiểu vì người ta thường dùng lăng kính văn hóa và tôn giáo của mình để nhìn tôn giáo khác vốn không cùng chung một nền văn hóa với mình. Chẳng hạn cuốn Entrez dans l’Espérance (Bước vào Hy Vọng) của Đức GIOAN PHAOLÔ II có những phát biểu về Phật giáo mà các tín đồ Phật giáo cảm thấy rõ ràng là không đúng với tôn giáo của mình.
Xem thêm đoạn văn của thiền sư Nhất Hạnh viết về các nhà Phật Học không sống đạo Phật mà lại viết về đạo Phật ở phía trên.
[m] Tôi –người viết tập sách này– đã từng gặp và nghe Tiến sĩ Dương Ngọc Dũng, một người được CSVN cho đi du học để học về các tôn giáo− nói chuyện và thuyết trình. Anh là một người nổi tiếng uyên bác về các tôn giáo với những cuốn sách đả kích nhóm Giao Điểm bên Mỹ, nhưng dường như anh không theo một tôn giáo nào. Tôi nhận thấy anh rất thông thạo về Thánh Kinh, về thần học Kitô giáo hơn tôi nhiều. Khi cần phải trình bày ngay lập tức triết học hay thần học của thánh Tôma hay thánh Âutinh, thì có thể anh nói khá hơn và đầy đủ hơn rất nhiều linh mục. Về Phật giáo anh cũng uyên bác không kém. Anh nói về Duy Thức học hay quan điểm của Trung Quán Luận một cách thao thao bất tuyệt, rất thuyết phục người nghe. Nhưng việc cảm nghiệm được sức sống của Kitô giáo hay Phật giáo vốn đang làm cho các tín đồ 2 tôn giáo này an vui, phấn khởi và mạnh mẽ thế nào thì tôi nghĩ có thể anh không cảm được bằng một tín đồ thuần thành tuy ít học hơn anh rất nhiều.
[n*] Những chữ tô đậm trong đoạn này là do người viết tập sách này (mà bạn đang cầm trên tay) muốn nhấn mạnh.
[o*] NHẤT HẠNH, Đạo Phật ngày nay, Lá Bối xb, Sàigòn 1965, trang 20-21.
[p*] Chẳng hạn, nhiều Kitô hữu không thể chấp nhận luật luân hồi của Phật giáo, vì họ không thể chấp nhận hiện nay mình là người mà về sau lại thành thú vật được!
[q*] Chẳng hạn, họ cho rằng không thể có một hình phạt nào là vô hạn được, vì không có một tội lỗi nào của con người là vô hạn cả. Con người hữu hạn làm sao phạm được một tội vô hạn? Tội hữu hạn mà lại phạt bằng một hình phạt vô hạn thì còn gì là công bằng nữa? Vì hình phạt phải cân xứng với tội ác thì mới hợp lý và công bằng. Do đó, họ không thể hiểu được sự hợp lý của hình phạt vô hạn về thời gian trong Kitô giáo. Vả lại, trong nhãn quan của họ, mọi hiện tượng đều là vô thường (=biến đổi, không thường hằng – đây là một định luật) làm sao lại có một hình phạt thường hằng được? Đối với họ, chịu một hình phạt vô cùng và vô hạn định như vậy thì còn khổ hơn và khó chấp nhận hơn là bị phạt làm thú vật nữa!
[r*] RAIMUNDO PANIKKAR, The Unknown Christ of Induism, Orbis books,1981, p.27
[s*] Những người này thường tôn vinh các ngôn sứ của những thời đại trước, nhưng lại bách hại chính những ngôn sứ của thời đại mình, như Đức Giêsu đã từng tiên báo: «Các người xây mồ cho các ngôn sứ và tô mả cho những người công chính. Các người nói: “Nếu như chúng ta sống vào thời của tổ tiên, hẳn chúng ta đã không thông đồng với các ngài mà đổ máu các ngôn sứ”. Như vậy, các người tự làm chứng rằng các người đúng là con cháu của những kẻ đã giết các ngôn sứ» (Mt 23,29-31). Chính khi họ bách hại các ngôn sứ, họ vẫn tưởng làm như thế là bảo vệ đạo Chúa: «Sẽ đến giờ kẻ nào giết anh em cũng tưởng mình phụng thờ Thiên Chúa» (Ga 16,2).
[t*] Những tiểu thuyết của Jules Vernes như «Journey to the Center of Earth = Thám hiểm lòng đất» (1864), «From The Earth to the Moon = Từ trái đất đến mặt trang» (1865), «Twenty Thousand Leagues under the Sea = Hai ngàn dậm dưới đáy biển» (1869-70), «Around the World in Eighty Days = Vòng quanh trái đất 80 ngày» (1873), v.v… vào thời của ông được mọi người coi là những giấc mơ hão huyền, nhưng ngày nay tất cả đã trở thành sự thật.
Một số chủ trương của Luther –người sáng lập đạo Tin Lành– bị Giáo Hội không chấp nhận thời ấy nay lại được Giáo Hội thực hiện. Chẳng hạn việc dịch Kinh Thánh sang tất cả các thứ tiếng trên thế giới và việc phổ biến Kinh Thánh cho tất cả mọi người chứ Kinh Thánh không phải chỉ dành riêng cho hàng giáo sĩ.
[u*] Đức Giêsu đã hành động theo lương tri của mình chứ không phải theo lề luật của tôn giáo mình. Đức Giêsu hoặc các tông đồ đã nhiều lần lỗi luật sabát vì lý do bác ái hay vì một lý do chính đáng khác. Chẳng hạn: các môn đệ Đức Giêsu bứt bông lúa mì (x. Mt 12,1-8; Mc 2,23-28; Lc 6,1-5); Đức Giêsu chữa người bị bại tay (x. Mt 12,9-14; Mc 3,1-6; Lc 6,6-11); chữa một phụ nữ còng lưng (Lc 13,10-17); chữa người mắc bệnh phù thũng (Lc 14,1-6); chữa một người đau ốm ở hồ nước tại Bếtdatha (Ga 5,1-18); chữa một người mù từ thuở mới sinh (Ga 9,1-41). Tất cả những việc làm ấy đều là lỗi luật ngày sabát. Ngài đã bị các kinh sư và luật sĩ cảnh cáo nhiều lần về việc Ngài lỗi luật ngày sabát, và tìm cách giết Ngài, nhưng Ngài vẫn bất chấp, vẫn cứ lỗi luật sabát vì lương tâm đòi hỏi phải làm như thế. Ngài đã làm theo đòi hỏi của lương tâm mình bất chấp nguy hiểm bị tôn giáo của Ngài kết án.
[v*] HARRIET BEECHER-STOWE, Chiếc lều của chú Tom,
Nguyễn Chính Kết
No comments:
Post a Comment