Sunday, June 17, 2018

SN Gioan Tẩy Giả 2 − Lời chứng do chứng kiến hay cảm nghiệm thật sự mới có giá trị




CHIA SẺ TIN MỪNG

Sinh Nhật Gioan Tẩy Giả

(24-6-2018)

Bài đào sâu

Lời chứng do chứng kiến
hay cảm nghiệm thật sự mới có giá trị




ĐỌC LỜI CHÚA


  TIN MỪNG: Ga 1,6-12

Gioan đến để làm chứng

(6) Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gioan. (7) Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin. (8) Ông không phải là ánh sáng, nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng. (9) Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người. (10) Người ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người. (11) Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận. (12) Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa.




CHIA SẺ

Gioan Tẩy Giả đã xuất hiện trước Đức Giêsu để chuẩn bị cho Ngài đến. Sứ mạng và vai trò của ông là làm sứ giả và làm chứng cho Ngài trước dân chúng Do Thái. Ông đã hoàn thành sứ mạng ấy một cách tuyệt vời. Vì thế, Gioan Tẩy Giả là một mẫu gương và là thầy dạy chúng ta về việc làm chứng cho Thiên Chúa. 

Ta thử tìm hiểu cách làm chứng của Gioan để áp dụng trong cuộc đời Kitô hữu và chứng nhân của ta.



1. «Ông đến để làm chứng và làm chứng cho ánh sáng» (Ga 1,7)

Gioan Tẩy Giả sinh ra và sống trong thế gian là để làm chứng. Trong các tòa án, người làm chứng phải là người chứng kiến tận mắt sự việc xảy ra, và phải chịu trách nhiệm về lời chứng của mình. Nếu lời chứng bị phát hiện là gian dối, họ phải chịu một hình phạt của tòa án. Để lời chứng có giá trị, đôi khi người làm chứng phải thề để mọi người tin rằng điều mình nói là sự thật. Có những người sẵn sàng chấp nhận chịu những đau khổ khủng khiếp và cả cái chết để chứng tỏ lời chứng của mình là sự thật. Một lời chứng như thế thật đáng tin.

Người làm chứng phải là người có kinh nghiệm thật sự về điều mình làm chứng: hoặc thấy tận mắt sự việc, hoặc cảm nghiệm được sự việc. Nếu mình làm chứng về một điều mà mình chỉ nghe nói, nghe thuật lại, thì lời chứng của mình kém hẳn giá trị. Vì thế, để là một người làm chứng cho Thiên Chúa, thì chính người ấy phải có kinh nghiệm đích thực về Thiên Chúa, phải cảm nhận được tình yêu và quyền năng của Ngài trong đời sống mình. 

Nếu mình chỉ học được một mớ lý thuyết thần học, chỉ nghiên cứu Kinh Thánh hay Lời Chúa như một nhà khoa học nghiên cứu một bản văn, thì mình chưa đủ tư cách làm chứng. Nếu mình chỉ tin Thiên Chúa cách lý thuyết, chính mình chưa xác tín và thật sự sống điều mình làm chứng, thì mình chẳng thể sống chết cho niềm tin ấy, lời chứng của mình sẽ chẳng mấy giá trị

Do đó, chỉ những ai có kinh nghiệm thật sự về Thiên Chúa mới có thể làm chứng cho Ngài một cách hợp tình hợp lý mà thôi. Mình chưa có kinh nghiệm mà đã làm chứng, nhất là làm chứng một cách quả quyết, thì lời chứng ấy đã vượt quá khả năng của mình. Chẳng khác gì một người chỉ nghe nói một sự việc mà đã quả quyết 100% là sự việc ấy có thật như thể mình chứng kiến sự việc ấy.

Gioan đến để «làm chứng cho ánh sáng» (Ga 1,7b.8b). Ánh sáng tượng trưng những gì tích cực, như chân lý, công lý, tình thương… Ngược với ánh sáng là tối tăm. Tối tăm tượng trưng những gì tiêu cực như gian dối, bất công, hận thù… Người của ánh sáng không thể làm chứng cho tối tăm, cũng không thể đồng lõa với tối tăm bằng sự bất động, không phản ứng gì trước những gian dối, bất công, hận thù… Im lặng bất động trong những trường hợp này không phải là tư cách của một người làm chứng đích thực. 

Để làm chứng, đôi khi phải chấp nhận trả giá. Không chấp nhận trả giá thì lời chứng của mình không đáng tin. Chấp nhận trả giá càng cao, lời chứng càng giá trị, càng đáng tin. Đức Giêsu, Gioan Tẩy Giả, các tông đồ đã chấp nhận trả giá cho lời chứng của mình bằng cái chết. Chính vì thế, lời chứng của các ngài mới được thế giới tin theo.



2. Tinh thần xóa mình khi làm chứng

Thánh sử Gioan nói về Gioan Tẩy giả: «Ông không phải là ánh sáng, nhưng ông đến để làm chứng cho ánh sáng» (Ga 1,8). Khi làm chứng cho ánh sáng, ông không tự đồng hóa mình với ánh sáng, không tự nhận mình là đại diện hay biểu trưng của ánh sáng để được mọi người nể trọng, và cũng không lợi dụng ánh sáng để tìm vinh danh hay lợi lộc cho mình. Ông chỉ biết sứ mạng của mình là làm chứng cho ánh sáng thôi. 

Khi làm chứng, người ta tưởng ông là Đấng Kitô. Ông thành thật nói mình không phải. Người ta nghĩ ông là một ngôn sứ, nhưng ông không tự nghĩ mình là ngôn sứ, mặc dù đời sau coi ông là ngôn sứ cuối cùng của thời Cựu ước. Như vậy, tuy ông thực hành vai trò ngôn sứ, nhưng ông không hề tự phong cho mình danh hiệu ấy. Danh hiệu ngôn sứ là do người đời sau ban tặng cho ông. 

Ông hoàn toàn xóa mình, không tự coi mình là quan trọng, là một nhân vật cao cả. Ông chỉ tự xưng «là tiếng người hô trong hoang địa» (Ga 1,23), một người xem ra chẳng là gì cả, chẳng mấy ai quan tâm chú ý tới. Đối với Đức Giêsu, người mà ông làm chứng cho, ông luôn chủ trương: «Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ đi» (Ga 3,30). Người làm chứng có chịu để cho mình nhỏ đi, thì người mình làm chứng mới lớn lên được!

Còn chúng ta, khi làm việc cho Chúa, làm tông đồ, ta muốn được mọi người tôn vinh, ta thích tự đề cao mình, tự phong cho mình một chức vụ quan trọng, tự xưng là đại diện cho một nhân vật cao cả để mọi người trọng vọng ta. Ta muốn mọi người phải gọi ta bằng danh này hiệu nọ, nếu không được thì ta buồn bực, khó chịu… Đang khi đó, có thể ta chẳng làm chứng cho Thiên Chúa, cho ánh sáng, cho chân lý hay công lý được bao nhiêu, là vì ta muốn mình lớn lên nên Ngài phải nhỏ đi. Trước mặt Thiên Chúa, có khi ta chẳng hơn ai, nhưng ta muốn mọi người phải kính nể ta và dành nhiều ưu đãi cho ta, chỉ vì ta nghĩ mình đang làm việc cho Thiên Chúa…


3. «Có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết» (Ga 1,26)

Gioan muốn làm chứng về «một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết» (Ga 1,26). Rất có thể chính Đức Giêsu đang ở giữa chúng ta, trong chúng ta, bên cạnh chúng ta… mà chúng ta không mấy khi ý thức được. Thật vậy, ít khi ta ý thức Ngài đang hiện diện trong chính bản thân ta. Do đó, sự hiện diện của Ngài trong ta trở nên thụ động tương tự như khi Ngài ngủ trên thuyền của các tông đồ giữa cơn phong ba bão tố (x. Mt 8,23-27). Vì thế, giữa cuộc đời bão tố, ta vẫn cảm thấy cô đơn, lo lắng, sợ hãi, tưởng như chẳng ai sẵn sàng cứu giúp ta, chẳng ai tiếp sức mạnh cho ta, khiến ta vẫn yếu đuối, khiếp nhược. Ta vẫn muốn chạy đến cầu khẩn, van xin một Thiên Chúa, một Đức Giêsu ở bên ngoài ta, ở xa ta, qua trung gian một ai đó. Vì thế, ta không nhận được sức mạnh từ một Thiên Chúa ở trong ta.

Ngoài ra, Thiên Chúa còn hiện diện rất sống động bên cạnh ta, nơi những người đang sống quanh ta, nhưng ta không hề nghĩ đến sự hiện diện ấy. Ta vẫn không hề cảm nhận được Thiên Chúa đang ở nơi họ, để đối xử với họ như những hiện thân cụ thể của Ngài.

Do đó, Thiên Chúa đối với ta dường như vẫn rất trừu tượng, vô hình, im lặng, vắng mặt, không sao cảm nhận được! Và lời chứng của ta về Thiên Chúa vẫn là lời chứng của một người chỉ biết Ngài cách lý thuyết, vì chỉ nghe người khác nói về Ngài. Nên lời chứng ấy không phải là lời chứng sống động, mạnh dạn và đầy thuyết phục về một Thiên Chúa mà đúng ra chính ta phải cảm nhận được cách rất cụ thể.




CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, nhiều khi con tự hào rằng con là chứng nhân của Cha, của Thiên Chúa, của Đức Giêsu. Nhưng thật ra, con chưa có kinh nghiệm nhiều về Cha, về Thánh Thần, về Đức Giêsu, chưa có quan hệ mật thiết với Cha, với Đức Giêsu, và chưa gắn bó với Cha đến độ có thể sống chết vì Cha. Con chỉ biết và tin vào Cha cách lý thuyết sau khi đã học hỏi một mớ giáo lý hay thần học về Thiên Chúa, về Đức Giêsu một thời gian. Thế là con đã cảm thấy mình có thể làm chứng về Thiên Chúa, về Đức Giêsu cho mọi người, như một nhà làm chứng chuyên nghiệp. Nghĩ lại, nhiều khi con cảm thấy mình hơi hợm hĩnh. Xin Cha giúp con cảm nghiệm được đích thực về Cha, về Đức Giêsu đang sống động trong bản thân con và trong đời sống của con, đồng thời thật sự sống những gì con cảm nghiệm, để lời chứng của con trở nên xác đáng hơn, giá trị hơn, đáng tin hơn. Amen.


No comments:

Post a Comment