CHIA SẺ TIN MỪNG
Lễ Thánh Phêrô & Phaolô
(29-6-2018)
(29-6-2018)
«Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?»
• Cv 12,1-11: (11) Lúc ấy ông Phêrô mới hoàn hồn và nói : «Bây giờ tôi biết thực sự là Chúa đã sai thiên sứ của Người đến, và Người đã cứu tôi thoát khỏi tay vua Hêrôđê, và khỏi mọi điều dân Do-thái mong muốn tôi phải chịu».
• 2Tm 4,6-8.17-18: (17) Có Chúa đứng bên cạnh tôi, Người đã ban sức mạnh cho tôi, để nhờ tôi mà việc rao giảng được hoàn thành, và tất cả các dân ngoại được nghe biết Tin Mừng.
• TIN MỪNG: Mt 16,13-19
Ông Phêrô tuyên xưng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa
(13) Khi Đức Giêsu đến vùng kế cận thành Xêdarê Philípphê, Người hỏi các môn đệ rằng: «Người ta nói Con Người là ai?» (14) Các ông thưa: «Kẻ thì nói là ông Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Êlia, có người lại cho là ông Giêrêmia hay một trong các vị ngôn sứ». (15) Đức Giêsu lại hỏi: «Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?» (16) Ông Simôn Phêrô thưa: «Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống». (17) Đức Giêsu nói với ông: «Này anh Simôn con ông Giôna, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời. (18) Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. (19) Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy».
CHIA SẺ
(13) Khi Đức Giêsu đến vùng kế cận thành Xêdarê Philípphê, Người hỏi các môn đệ rằng: «Người ta nói Con Người là ai?» (14) Các ông thưa: «Kẻ thì nói là ông Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Êlia, có người lại cho là ông Giêrêmia hay một trong các vị ngôn sứ». (15) Đức Giêsu lại hỏi: «Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?» (16) Ông Simôn Phêrô thưa: «Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống». (17) Đức Giêsu nói với ông: «Này anh Simôn con ông Giôna, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời. (18) Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. (19) Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy».
Câu hỏi gợi ý:
1. Nếu Đức Giêsu hỏi bạn: «Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?», thì bạn trả lời theo những gì bạn chứng nghiệm về Ngài, hay theo sự hiểu biết học được từ người khác?
2. Là Kitô hữu, bạn đã có những cảm nghiệm thực tế và cụ thể về Đức Giêsu chưa, hay chỉ có một mớ những hiểu biết lý thuyết về Ngài, dù rất uyên bác sâu rộng?
3. Bạn có muốn thật sự cảm nghiệm về Ngài không? Bạn đã từng nỗ lực làm điều này chưa? Theo bạn, phải làm sao để cảm nghiệm được Ngài?
Suy tư gợi ý:
1. «Người ta nói…», nhưng «còn anh em…» thì sao?
Khi trình bày về Thiên Chúa, về Đức Giêsu, chúng ta thường trình bày một cách lý thuyết, dựa trên những bài bản có sẵn, do người khác soạn sẵn, suy nghĩ sẵn, chúng ta chỉ việc nói theo đó. Điều đó cũng phần nào hợp lý, vì có dựa trên những bài bản có sẵn đó, thì những người nói về Thiên Chúa hay Đức Giêsu mới có sự đồng nhất với nhau. Nếu mỗi người đều nói theo quan niệm hay suy tư riêng của mình, thì sẽ thành ra mỗi người nói một kiểu, người nghe biết tin theo ai.
Nhưng lý thuyết vẫn luôn luôn là lý thuyết, là cái gì ở ngoài mình, và được áp đặt xuống cho mình. Xét cho cùng đó chỉ là cái «người ta nói», còn ta chỉ là người nói theo thôi. Trong bài Tin Mừng hôm nay, ta thấy Đức Giêsu hỏi các môn đệ hai câu khác hẳn nhau: «Người ta nói Con Người là ai?» (Mt 16,13b) và «còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?» (Mt 16,15). Rõ ràng trong hai câu hỏi, Đức Giêsu coi câu sau quan trọng hơn câu trước rất nhiều. Ngài chỉ dựa vào câu trả lời cho câu hỏi sau để xem ai là người đáng Ngài tin cậy nhất.
2. Điều quan trọng là cảm nghiệm thực tế về Đức Giêsu
Điều quan trọng không phải là những điều chúng ta nghe biết về Thiên Chúa hay Đức Giêsu. Đó là những điều chúng ta học được trong các sách giáo lý, hay đọc được từ những tác phẩm thần học… Đó toàn là những điều «người ta nói» về Ngài, chứ không phải là những điều chính bản thân ta cảm nghiệm được về Ngài. Chính những cảm nghiệm đích thực về Ngài mới có khả năng làm ta yêu mến Ngài và dám dấn thân sống chết cho Ngài. Thật vậy, làm sao có thể yêu mến và dấn thân cho một người mà mình chỉ biết trên lý thuyết, chứ chưa từng gặp mặt, chưa từng có một quan hệ ngoại giao hay tình cảm nào?
Nhưng làm sao có được những cảm nghiệm về Thiên Chúa hay Đức Giêsu? Làm sao có được quan hệ tình cảm riêng tư với Ngài, khi mà Ngài vô hình, ta chẳng hề thấy hay gặp bao giờ?
3. Làm sao cảm nghiệm được Ngài?
Vấn đề rất quan trọng trong đời sống Kitô hữu đích thực là phải cảm nghiệm được sự hiện diện và hoạt động của Ngài trong đời sống của ta, và có được một quan hệ riêng tư và tình cảm với Ngài. Nếu không có được cảm nghiệm và quan hệ này, Thiên Chúa hay Đức Giêsu vẫn chỉ là một ý niệm trong đầu óc ta không hơn không kém. Ý niệm ấy chẳng khác gì ý niệm về ánh sáng hay mầu sắc của một người mù bẩm sinh, sở dĩ có được là do nghe người khác nói.
a) Cần thường xuyên ý thức Ngài hiện diện trong bản thân ta
Cảm nghiệm về Thiên Chúa hay Đức Giêsu phải khởi đi từ niềm tin này, là tin Ngài thật sự hiện diện trong tâm hồn ta. Đây là sự thật làm nền tảng cho đời sống tâm linh của ta, và là một tiêu chuẩn để biết mình có đức tin Kitô hữu hay không. Thật vậy, thánh Phaolô nói: «Anh em hãy tự xét xem mình có còn sống trong đức tin hay không. Hãy tự kiểm điểm xem: anh em chẳng nhận thấy có Đức Giêsu Kitô ở trong anh em sao?» (2Cr 13,5).
Chúng ta không có may mắn gặp hay cảm nghiệm được Ngài bằng xương bằng thịt cách hữu hình như các tông đồ xưa. Tuy nhiên, dẫu có may mắn đó, chưa chắc ta đã «gặp» được Ngài thật sự. Biết bao người sống vào thời Đức Giêsu – chẳng hạn những người Pharisêu hay các kinh sư Do-thái – đã từng thấy Ngài, nói chuyện với Ngài, nhưng đâu có «gặp» được Ngài, đâu có quan hệ riêng tư và tình cảm với Ngài! Vì sao? Vì «hữu duyên thiên lý năng tương ngộ, vô duyên đối diện bất tương phùng» (có duyên với nhau thì dù xa cách ngàn dặm cũng vẫn có thể gặp nhau, còn không có duyên với nhau thì có mặt chạm mặt cũng không thể gặp nhau). Hễ có duyên với Ngài thì sẽ khao khát muốn gặp Ngài và sẽ đi tìm Ngài. Mà hễ đã thật sự đi tìm thì ắt nhiên sẽ gặp, vì «ai tìm sẽ thấy» (Mt 7,8).
Sự hiện diện của Ngài trong bản thân ta đã được chính Ngài xác nhận: «Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế» (Mt 28,20). Thánh Phaolô cũng nói: «Chỉ có Đức Kitô là tất cả và ở trong mọi người» (Cl 3,11); «Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em» (Gl 4,6).
Vấn đề hết sức quan trọng là ta phải thường xuyên ý thức sự hiện diện ấy, đồng thời tin tưởng rằng Ngài là nguồn sức mạnh, nguồn yêu thương; và với Ngài, ta có thể làm được tất cả mọi sự (x. Pl 4,13).
b) Cần tạo điều kiện để Ngài tự do hoạt động trong ta
Điều quan trọng thứ hai để Ngài có thể hoạt động hữu hiệu trong ta là phải để cho Ngài được tự do hoạt động. Điều làm cho Ngài không thể tự do hoạt động trong ta chính là ý riêng của ta và sự thiếu cộng tác của ta. Nếu ta coi nhẹ ý riêng mình để lúc nào cũng sẵn sàng cộng tác với Ngài thực hiện những gì Ngài muốn làm trong ta, thì ta sẽ thấy Ngài dần dần thực hiện được trong ta những thay đổi lớn lao.
Chính Đức Giêsu cũng coi nhẹ ý riêng của Ngài, và luôn cộng tác với thánh ý Chúa Cha: «Tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi» (Ga 6,38); «Tôi không tìm cách làm theo ý riêng tôi, nhưng theo ý Đấng đã sai tôi» (Ga 5,30); «Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy» (Ga 4,34). – Nhưng làm sao biết được ý của Ngài thế nào?
Ý của Ngài được biểu lộ:
(1) trước hết và đặc biệt trong lời của Ngài, được ghi chép trong Kinh Thánh, (2) trong luật của Ngài (được tóm lại trong hai chữ yêu thương), (3) trong tiếng lương tâm của ta,(4) trong các bổn phận và trách nhiệm của ta đối với Thiên Chúa, bản thân, tha nhân, gia đình, xã hội và Giáo Hội, (5) trong các biến cố khách quan –tức xảy ra độc lập với ý muốn của ta– trong đời sống. Ngài dùng những biến cố này để thánh hóa ta.Chỉ cần thực hiện được hai điều quan trọng trên thì tự nhiên giữa ta với Đức Giêsu càng ngày càng có một quan hệ mật thiết hơn. Dần dần, ta nhận ra Ngài đúng là một nhân vật, tuy vô hình nhưng rất «cụ thể», có thể cảm nghiệm được cách sống động và rõ rệt. Ngài đóng một vai trò quan trọng trong đời sống ta, ảnh hưởng và biến đổi đời sống ta một cách mạnh mẽ, hữu hiệu.
4. Người có đức tin sống động là nền tảng của Giáo Hội
Có cảm nghiệm được Ngài, ta mới có thể trả lời đúng ý Ngài câu hỏi: «Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?» (Mt 16,15) Ngài muốn ta trả lời dựa trên chính kinh nghiệm của ta, chứ không phải dựa trên những bài bản, hay trên những gì ta chỉ được nghe và ép lòng mình phải tin. Chỉ lúc đó, đức tin của ta mới trở thành đức tin đích thực, đến từ cảm nghiệm thực tế, chứ không chỉ đến từ một chấp nhận xuông của lý trí với tác động của ý chí. Chỉ đức tin ấy mới đủ sức mạnh để thúc đẩy ta thật sự dấn thân cho Thiên Chúa và tha nhân. Ta phải làm sao nói được như những người Samari xưa: «Không phải vì lời chị kể mà chúng tôi tin, mà vì chính chúng tôi đã đích thân nghe Người nói và nhận ra rằng Người thật là Đấng cứu độ trần gian» (Ga 4,41).
Chỉ lúc đó, Đức Giêsu mới có thể nói với ta như đã nói với Phêrô: «Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi» (Mt 16,18). Theo ngữ cảnh của bài Tin Mừng này, Đức Giêsu nói với Phêrô câu ấy vì ông là người có đức tin mạnh mẽ, chứ không phải vì ông là trưởng nhóm các tông đồ.
Thật vậy, trong thực tế từ xưa đến nay, Giáo Hội được xây dựng và tồn tại trên những đá tảng vững chắc là những người có đức tin sống động, dù họ là giáo dân, tu sĩ hay giáo sĩ. Chứ Giáo Hội không được xây trên những người đạt được những quyền cao chức trọng trong Giáo Hội nhưng lại không có đủ đức tin và tình yêu, không có một tương quan thật sự với Đức Giêsu. Lịch sử Giáo Hội đã chứng tỏ những người này chẳng những không làm vững chắc mà còn làm lung lay tòa nhà Giáo Hội nữa.
Ước gì mỗi người chúng ta có thể nói tương tự như Phêrô, nghĩa là nói bằng chính cảm nghiệm của mình, chứ không phải lập lại một cách máy móc lời của một người khác: «Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống» (Mt 16,16). Đức Giêsu mong muốn chúng ta nói được như thế!
CẦU NGUYỆN
Lạy Cha, đức tin và tình yêu đích thực không hề đến từ những hiểu biết có tính lý thuyết, mà đến từ khát vọng muốn cảm nghiệm được Cha và lòng quyết tâm đi tìm cảm nghiệm ấy. Xin đừng để con thỏa mãn và dừng lại nơi những hiểu biết về Cha, mà quyết tâm tìm cách cảm nghiệm Cha. Đừng để con giống như kẻ «nhai lại bã mía», thấy người ta ăn mía khen ngọt, mình cũng nhai lại những bã ấy và bắt chước họ khen ngọt. Xin hãy cho con cảm nếm được Cha, thưởng thức được sự ngọt ngào của tình yêu Cha dành cho con.
Nguyễn Chính Kết
No comments:
Post a Comment