Sunday, May 13, 2018

HienXuong2 - Làm sao tạo điều kiện để Thánh Thần hoạt động trong ta?




CHIA SẺ TIN MỪNG

Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống

(20-5-2018)

(Bài đào sâu)



Làm sao tạo điều kiện
để Thánh Thần hoạt động trong ta?



1. Thánh Thần là ai?

Khi xem một cuốn phim trên màn ảnh hay trên tivi, hầu như ta chỉ nhìn thấy những hình ảnh chuyển động trong phim chứ không còn trông thấy màn ảnh hay cái tivi nữa. Nhưng thật ra, nếu xét về sự hiện hữu, thì cái màn ảnh hay cái tivi là cái gì có thật làm nền tảng cho những hình ảnh chuyển động kia hiện hữu. Mức độ hiện hữu của màn ảnh hay cái tivi cao hơn những hình ảnh kia rất nhiều. Sở dĩ ta không thấy màn ảnh là vì tâm trí ta bị cuốn hút hoàn toàn bởi những hình ảnh đang xuất hiện trước mắt ta đến nỗi ta không còn trông thấy và ý thức về sự hiện hữu của màn ảnh hay cái tivi nữa. Dù không thấy màn ảnh, nhưng thực ra, khi nhìn vào những hình ảnh chuyển động, là ta đã nhìn vào chính màn ảnh, vì hình ảnh và màn ảnh khi ấy tuy hai mà một. Ta không thấy màn ảnh là vì tâm trí ta bị thu hút hoàn toàn vào những hình ảnh đang diễn ra trên đó, màn ảnh đã bị những hình ảnh «che khuất».

Cũng tương tự như vậy đối với Thánh Thần. Thánh Thần không phải là một thực tại xa cách chúng ta, mà ở ngay trong bản thân ta. Đức Giêsu nói: «Thánh Thần luôn ở giữa anh em và ở trong anh em» (Ga 14,17b); Thánh Phaolô cũng viết: «Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao?» (1Cr 3,16; x.1Cr 6,19)

Tất cả những gì tốt đẹp khởi lên trong tư tưởng ta, những gì tốt đẹp mà ta thực hiện được, đều xuất phát từ Thánh Thần ở ngay trong ta. Và Thánh Thần làm nên tất cả những cái tốt đẹp ấy và là nền tảng của chúng. Nhưng ta dường như chỉ thấy những điều tốt đẹp, mà không thấy Thánh Thần ở sau những điều tốt đẹp ấy. Nếu một số Kitô hữu xưa nói: «Ngay cả việc có Thánh Thần, chúng tôi cũng chưa hề được nghe nói»  (Cv 19,2), thì nhiều Kitô hữu ngày nay cũng chỉ biết Thánh Thần một cách hết sức lý thuyết qua những lời kinh câu bổn học được từ nhỏ, mà nhiều khi ngay cả người dạy cũng chỉ biết được một cách lý thuyết.

Thật ra Thánh Thần là một thực tế rất sống động ở trong ta, là sự sống, là tình yêu, là sự hiện hữu của Thiên Chúa ở trong ta. Không có Ngài, ta chẳng làm nên được một điều gì tốt đẹp, chẳng thể hướng về Thiên Chúa và cầu nguyện với Ngài, chẳng thể yêu thương và hy sinh cho tha nhân. Thánh Kinh xác định: 

− «Không ai biết được những gì nơi Thiên Chúa, nếu không phải là Thần Khí của Thiên Chúa» (1Cr 2,11)

 «Không ai có thể nói rằng: "Đức Giêsu là Chúa", nếu người ấy không ở trong Thần Khí» (1Cr 12,3);

 «Không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em» (Mt 10,20)

 «Chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta» (Rm 8,26)

 «Chính Thần Khí duy nhất ấy làm ra tất cả những điều đó và phân chia cho mỗi người mỗi cách» (1Cr 12,11)

 «Chúng ta biết được Thiên Chúa ở lại trong chúng ta là nhờ Thần Khí» (1Ga 3,24).



2. Làm sao cảm nghiệm được Thánh Thần?

Không mấy ai thấy Thánh Thần hay cảm nghiệm Ngài một cách trực tiếp, mà chỉ có thể cảm nghiệm Ngài cách gián tiếp qua những biểu hiện của Ngài thôi. Cũng tương tự như không ai thấy được dòng điện, nhưng dòng điện trở nên rất cụ thể và rất gần gũi với chúng ta nhờ những biểu hiện của dòng điện, như đèn sáng, quạt quay, bếp nóng lên… Cũng vậy, Thánh Thần sẽ trở nên rất cụ thể và gần gũi với ta, nếu ta nhận ra được những biểu hiện lúc nào cũng có của Ngài trong đời sống của ta và chung quanh ta. 

Chẳng hạn, khi viết bài này, tôi thấy mình có những tư tưởng về Thiên Chúa, về Thánh Thần, và cảm thấy hứng thú vì có thể đem lại ích lợi cho Giáo Hội, cho tha nhân, v.v… Đó là những biểu hiện của Thánh Thần hoạt động ở trong tôi. Hoặc khi bạn đọc bài của tôi, bạn hiểu và cảm thấy hứng khởi để sống tốt đẹp hơn, v.v… Đó là những biểu hiện hay việc làm của Thánh Thần ở trong bạn. Quan niệm như vậy, ta sẽ thấy Thánh Thần –phần nào tương tự như dòng điện vô hình kia– là một thực tại, một đấng, một Thiên Chúa rất cụ thể, sống động và rất gần gũi với ta. Không một giây phút nào ta có thể sống, thở, suy nghĩ, làm những điều tốt đẹp… mà không do Ngài.

Phải thấy Ngài cụ thể và gần gũi như thế, ta mới thân mật được với Ngài, mới nhận được dồi dào sức mạnh, sự sống, tình yêu, ân sủng, và hoa trái của Ngài. Và hoa trái của Ngài là «bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ» (Gl 5,22-23a). Nếu không cảm nghiệm được Ngài như thế, đời sống tâm linh của ta sẽ hết sức trừu tượng, xa vời, thiếu thực tế. Còn nếu cảm nghiệm được Ngài, ta sẽ thấy đời sống tâm linh rất cụ thể, nhiều hứng thú, và đầy những khám phá mới lạ. 

Thánh Thần ở trong ta cũng chính là Thánh Thần đã đưa Đức Giêsu vào hoang địa để chịu ma quỷ cám dỗ  (x. Mt 4,1), đã hiện hình thành chim bồ câu đậu xuống trên Ngài khi Ngài chịu phép rửa (x. Mt 3,16), đã soi sáng và linh hứng Ngài nói lên tất cả những gì cần phải nói để dạy dỗ con người (x. Lc 10,21; Mc 13,11; Cv 2,4), đã ngự xuống trên các tông đồ dưới hình lưỡi lửa vào ngày lễ Ngũ Tuần sau khi Đức Giêsu về trời (x. Cv 2,3), v.v… Chính Thánh Thần đó đang hoạt động trong bản thân ta, đang dần dần biến đổi ta và hướng dẫn ta tới «sự thật toàn vẹn» (Ga 16,13)miễn là ta cho phép Ngài hoạt động trong ta và ta cùng cộng tác với Ngài.



3. Làm sao để Thánh Thần hoạt động hữu hiệu trong ta?

Thánh Thần luôn hiện diện và sẵn sàng hoạt động ngay trong bản thân ta. Sẵn sàng hoạt động có nghĩa là Ngài sẽ hoạt động ngay nếu ta cho phép Ngài hoạt động. Ngài giống như dòng điện đã được thiết kế sẵn sàng ở trong phòng, chỉ cần bật công-tắc lên là đèn sáng, biến căn phòng tối om thành sáng choang. Không bật công-tắc lên, thì điện tuy có trong phòng nhưng vẫn dường như không có, chẳng đem lại lợi ích gì. 

Cũng vậy, nếu ta không «đánh thức» Thánh Thần dậy (tạm nói như vậy, vì ta không ý thức sự hiện diện của Ngài, chứ Thánh Thần có bao giờ ngủ đâu!), thì Ngài cũng giống như Đức Giêsu ngủ say trong thuyền của các tông đồ khi sóng gió đang muốn làm con thuyền lật úp, mà Ngài chẳng làm gì cả (x. Mc 35-41). Nhưng khi Ngài được đánh thức dậy, Ngài lập tức làm cho sóng gió lặng yên. Trong máy vi tính, có nhiều trường hợp ta bị đảo điên vì virus hoành hành, đang khi ta có cả một chương trình chống virus rất hữu hiệu. Sở dĩ virus vẫn hoành hành là vì ta quên rằng máy mình đã có sẵn một chương trình chống virus, hay vì ta không kích hoạt (activate) chương trình ấy để làm cho nó hoạt động. Cũng vậy, Thánh Thần tuy hiện diện thường trực trong ta, nhưng vẫn thụ động, vì ta không tạo điều kiện cho Ngài hoạt động.

Thánh Thần không hoạt động hữu hiệu trong ta khi ta không ý thức sự hiện diện của Ngài trong ta. Những lời kinh như: «Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến!» khiến ta thường lầm tưởng Thánh Thần không ở trong ta, mà ở tận đâu đâu, xa lắm. Đôi khi ta lập đi lập lại lời cầu ấy thật nhiều lần mà dường như Ngài vẫn ở tận đâu đâu, chẳng chịu đến. Thật ra, trước khi ta cầu xin Ngài đến, thì Ngài vẫn ở ngay trong ta từ đời thuở nào rồi (x. 1Cr 3,16; 1Cr 6,19). Nhưng Ngài ở trong ta cách thụ độngnhư một người ngủ, vì ta không đánh thức Ngài dậy bằng cách ý thức sự hiện diện của Ngài trong ta.

Ý thức Thánh Thần ở trong ta là điều kiện tiên quyết để Ngài hoạt động. Nhưng Ngài chỉ hoạt động hữu hiệu khi không bị chính ta và ý riêng của ta cản trở. Một người có «cái tôi» quá lớn, coi mình như «cái rốn của vũ trụ», và coi ý riêng mình là quan trọng nhất trên đời, thì Thánh Thần không có cách nào hoạt động hữu hiệu nơi người ấy được. Một ly nước đã đầy ắp không thể chứa thêm được chút nước nào nữa. Cũng vậy, tâm thức của một người đã đầy ắp «cái tôi» của mình rồi, thì không còn chỗ nào cho Thánh Thần hoạt động nữa. 

Làm sao ta có thể nói được như thánh Phaolô: «Tôi sống nhưng không phải tôi sống, mà là Đức Kitô sống trong tôi» (Gl 2,20), khi mà ta không để Ngài chiếm trọn bản thân ta, và làm mọi việc trong ta theo ý của Ngài? Cũng vậy, Thánh Thần không thể hoạt động và biến đổi ta khi ta không để Ngài làm chủ bản thân ta, mà chỉ coi Ngài như một người khách lạ đến chơi nhà. Một người khách làm sao có thể hoạt động hữu hiệu được trong nhà do một người khác làm chủ? Muốn Thánh Thần hoạt động hữu hiệu trong bản thân ta, biến đổi ta nên con người mới, hãy để Ngài hoàn toàn làm chủ bản thân ta, và ta hãy làm tất cả những gì Ngài muốn ta làm.

Để Thánh Thần làm chủ bản thân ta, để Ngài hoàn toàn tự do làm những gì Ngài muốn ở nơi ta, Ngài sẽ biểu hiện quyền năng vô biên của Ngài trong ta. Ngài chính là kho tàng hay viên ngọc quý ở ngay trong ta mà Đức Giêsu đã giới thiệu trong Tin Mừng (x. Mt 13,44-46). Muốn được viên ngọc quý ấy, ta phải bán hết gia tài mình có mới mua được. Gia tài ta phải bán hết chính là «cái tôi» hay chính bản thân ta, cùng với tất cả ý riêng của ta. Chính khi ta không còn «cái tôi» ích kỷ của mình nữa, thì một «cái tôi» mới sẽ phát sinh, bao hàm trong đó tất cả mọi người mọi vật trong vũ trụ. Lúc đó ta sẽ thấy mọi người mọi vật trong vũ trụ đều là chính bản thân ta, và ta sẽ yêu thương tất cả như ta yêu thương tất cả mọi bộ phận đang có trong thân thể ta. Và trong linh hồn ta lúc ấy, chính Thánh Thần, luôn chủ động làm tất cả mọi việc.


No comments:

Post a Comment