Làm sao có được đức tin vững mạnh
vào Thiên Chúa và vào Đức Giêsu?
Bài đào sâu cho Chúa nhật thứ 4 Mùa Chay
(11/3/2018)
vào Thiên Chúa và vào Đức Giêsu?
Bài đào sâu cho Chúa nhật thứ 4 Mùa Chay
(11/3/2018)
1. Đức tin vào Thiên Chúa phải dựa trên những kinh nghiệm trong quá khứ về tình yêu và quyền năng của Ngài
Bài Tin Mừng trong Chúa nhật thứ 4 Mùa Chay (Ga 3,14-21), khi nói chuyện với ông Nicôđêmô, Đức Giêsu nói đến sự cần thiết của niềm tin vào Ngài để được cứu độ và không bị kết án. Toàn bài nhấn mạnh đến sự cần thiết phải tin vào Đức Giêsu để có được sức mạnh trong đời sống thực tế thường ngày của mỗi người, và để thắng được những cám dỗ có thể dẫn ta đến tội lỗi. Nhờ tin vào tình yêu và quyền năng của Đức Giêsu, hiện thân của Thiên Chúa, chúng ta mới có đủ sức mạnh để vượt qua những khó khăn, và thực hiện những gì cần thiết cho hạnh phúc và cuộc sống của ta.
Đành rằng tin là chấp nhận những gì trước mắt chưa rõ ràng và chắc chắn, nhưng Thiên Chúa không bao giờ đòi hỏi chúng ta tin Ngài cách mù quáng, không có bằng chứng xác đáng. Ngài chỉ đòi hỏi chúng ta tin những gì đáng tin mà thôi. Trước khi đòi hỏi ta tin vào tình yêu và quyền năng của Ngài, Ngài luôn luôn tạo cho chúng ta cơ hội để kinh nghiệm thật sự về tình yêu và quyền năng của Ngài. Kinh nghiệm ấy sẽ trở thành nền tảng để chúng ta tin vào Ngài trong những hoàn cảnh hay tình huống mới.
Trong đời thường, khi hùn một số vốn thật lớn để làm ăn chung với ai, ta phải tin vào lương tâm và khả năng làm ăn của người ấy. Làm sao ta có thể tin người ấy một cách vững vàng, nếu ta chưa hề thấy người ấy chứng tỏ sự đáng tin của họ? Phải dựa vào đâu để biết được họ đáng tin?
– Trước khi hùn một số vốn lớn để làm ăn với ai, ta phải có thời làm ăn với họ trong những vụ làm ăn nhỏ. Khi làm ăn nhỏ, nếu họ tỏ ra đáng tin, ta mới dám tiếp tục làm ăn với họ trong những vụ lớn hơn.
Kinh nghiệm về những thành quả quá khứ sẽ trở thành nền tảng cho niềm tin trong hiện tại và tương lai. Những người tự tin vào mình cũng đều có kinh nghiệm về khả năng của mình trong quá khứ. Có thấy được khả năng của chính mình trong quá khứ qua những thành công nho nhỏ, ta mới dám tự tin vào mình trong những chuyện lớn hơn.
Niềm tin được xây dựng trên kinh nghiệm của quá khứ như thế mới là niềm tin khôn ngoan và mới vững mạnh được. Niềm tin vào Thiên Chúa cũng phải dựa vào kinh nghiệm quá khứ như thế.
2. Thiên Chúa chỉ mời gọi ta tin và thử thách đức tin của ta khi đã cho ta những kinh nghiệm về Ngài
Khi đặt niềm tin vào một người, có hai thái độ nên tránh:
– một là chưa có kinh nghiệm gì về sự đáng tin của người ấy mà đã vội tin. Đây là thái độ cả tin, nhẹ dạ, rất nguy hiểm và thiếu khôn ngoan.
– hai là đã thấy người ấy tỏ ra rất đáng tin trong những chuyện nhỏ, mà vẫn không dám đặt niềm tin vào người ấy trong những chuyện khác hoặc chuyện lớn hơn một chút. Như vậy, dù người ấy có đáng tin tới mức độ nào, ta cũng không dám tin. Điều này khiến ta mất đi nhiều cơ hội quý trong cuộc đời. Một người làm ăn mà có thái độ này thì không bao giờ làm ăn lớn được, và không bao giờ giàu có được.
Khi tin vào Thiên Chúa, ta cần tránh hai thái độ cực đoan ấy. Thiên Chúa không bao giờ mời gọi hay đòi hỏi ta tin điều gì mà ta chưa hề có kinh nghiệm về sự đáng tin của nó. Khi Ngài mời gọi hay đòi hỏi ta tin, thì chắc chắn trước đó Ngài đã từng chứng tỏ tình yêu và quyền năng của Ngài để ta có cơ sở cho niềm tin của ta trong những trường hợp xảy ra sau đó.
Nhưng khi ta đã có kinh nghiệm nhiều lần về tình yêu và quyền năng của Ngài, thì Ngài thường thử thách niềm tin của ta. Nếu ta không dám tin vào quyền năng của Ngài mà ta đã từng có kinh nghiệm trong quá khứ để vượt qua thử thách Ngài tạo ra, thì ta sẽ không có thêm kinh nghiệm về quyền năng ấy. Đức tin của ta sẽ dừng lại đó, không lớn mạnh thêm, mà trái lại, có thể bị hao hụt đi. Ngược lại, nếu ta tin và chứng tỏ niềm tin ấy bằng sự dấn thân cụ thể, ta sẽ kinh nghiệm thêm lần nữa về quyền năng của Ngài. Nhờ đó đức tin của ta lớn mạnh hơn. Một đức tin vững mạnh sẽ biến đổi ta thành «con người mới» (Ep 2,15; 4,24; Cl 3,10) và đời sống ta thành «đời sống mới» (Rm 6,4; 8,11; Cl 3,3).
Chẳng hạn, khi dân Do Thái chưa có kinh nghiệm về Ngài, thì Ngài cho họ kinh nghiệm ấy. Ngài cho họ vượt qua Biển Đỏ cách lạ lùng và cứu họ khỏi đất Ai Cập. Lần đó, Ngài đã làm cho nước ở Biển Đỏ rẽ ra trước rồi sau đó mới bảo họ bước xuống biển (x. Xh 14,21-22). Lúc đó, Ngài không đòi hỏi họ lòng tin vì họ chưa có kinh nghiệm về quyền năng của Ngài.
Nhưng khi dân Chúa đã có kinh nghiệm về quyền năng của Ngài khi vượt qua Biển Đỏ, thì khi các tư tế khiêng hòm bia qua sông Giođan (x. Gs 3,1-17), Ngài không còn làm cho nước rẽ ra trước như khi vượt qua Biển Đỏ, mà yêu cầu họ bước xuống sông khi nước sông vẫn còn tràn bờ. Lần này Ngài mới đòi hỏi họ phải thể hiện niềm tin bằng hành động cụ thể, vì họ đã có kinh nghiệm về quyền năng của Ngài trước đó. Và họ đã chứng tỏ niềm tin của họ bằng hành động cụ thể là dám bước xuống sông khi còn đầy nước. Và Thiên Chúa đã không để họ mất niềm tin: khi chân họ vừa đụng xuống mặt nước, thì nước lập tức rẽ sang hai bên để họ đi qua (x. Gs 3,13).
Cũng vậy, để chuẩn bị và củng cố niềm tin cho các tông đồ vào sự sống lại của Ngài, Đức Giêsu đã cố ý cho các tông đồ một kinh nghiệm vô cùng sống động về quyền năng phi thường của Ngài (x. Ga 11,4.15). Đó là Ngài làm cho Ladarô sống lại (x. Gs 11,34-44), chưa kể trước đó Ngài đã từng làm kẻ chết sống lại nhiều lần trước mặt các tông đồ (x. Mt 9,25; Lc 7,14-15; Ga 4,50-53).
Thế mà khi Đức Giêsu chết, nhiều tông đồ đã mất hết niềm tin đến nỗi thất vọng và sợ hãi. Các ông không rút được bài học từ những kinh nghiệm đã trải qua về quyền năng của Thầy mình. Cũng vậy, Thiên Chúa cũng cho chúng ta biết bao kinh nghiệm về tình yêu và quyền năng của Ngài, thế mà khi đối diện với những thử thách, chúng ta vẫn tỏ ra chưa dám tin vào Ngài.
Tại sao vậy? Có thể vì đức tin của ta chỉ là thứ đức tin thuần lý, tin một cách lý thuyết, chứ không phải là thứ đức tin thực nghiệm, dựa trên những thực chứng về tình yêu cũng như về quyền năng của Thiên Chúa mà ta đã có được trong quá khứ. Hoặc đức tin của ta tuy thực nghiệm nhưng còn quá yếu do chúng ta không dám dấn thân để vượt qua những thử thách về đức tin để có thêm những kinh nghiệm sâu sắc hơn.
Lãnh vực đức tin cũng tương tự như lãnh vực hiểu biết. Có hai thứ hiểu biết.
3. Hai thứ hiểu biết
Sự hiểu biết có hai thứ: hiểu biết như là kiến thức, và hiểu biết như là kinh nghiệm. Chẳng hạn trước khi ra Hà Nội lần đầu, tôi đã nghiên cứu nhiều về thành phố này, bản đồ của Hà Nội như được chụp hình trong tâm trí tôi. Cái biết ấy chỉ là kiến thức, là biết cách lý thuyết. Về sau, tôi có dịp ra Hà Nội nhiều lần, sống, làm việc và tiếp xúc với nhiều người ở đây trong nhiều tháng. Tôi có dịp tham quan các hồ, các công viên, các di tích lịch sử… tại đây. Những gì tôi thấy, cảm nghiệm bây giờ đều đúng như những gì tôi biết cách lý thuyết trước khi ra đây. Nhưng cái biết của tôi bây giờ khác với cái biết hồi trước, vì cái biết của tôi bây giờ về Hà Nội là kinh nghiệm, là cái biết thực nghiệm.
Để hiểu biết như là kiến thức, hay hiểu biết cách lý thuyết thì chỉ cần học ở trường, đọc sách, nghe đài, coi truyền hình là có được. Còn hiểu biết như là những kinh nghiệm, hay hiểu biết cách thực nghiệm thì phải từng sống, từng tiếp xúc, từng hưởng thụ hay từng chịu khổ vì người hay vật ta biết. Cái biết sau là cái biết thâm sâu, cái biết đi vào chính hữu thể của đối tượng biết. Tương tự, biết hay nghiên cứu về rượu, dù thấu đáo đến đâu cũng không bao giờ làm ta say; chỉ khi uống rượu – tức có kinh nghiệm về rượu – thì mới say được. Đó chính là sự khác biệt căn bản giữa hai thứ hiểu biết vừa nói, và hai thứ đức tin sắp nói đến.
4. Hai thứ đức tin
Một cách tương tự, có hai loại niềm tin: tin cách lý thuyết và tin cách thực nghiệm.
● Tin cách lý thuyết là tin rằng điều mình nghe nói, học hỏi, đọc trong sách báo hay trông thấy qua hình ảnh, tivi… là đúng, là chân thật.
● Còn tin cách thực nghiệm là niềm tin đã được sống, đã được kinh nghiệm trong thực tế, nhờ đó ta tin một cách thâm sâu và xác tín.
Khi học giáo lý, ta được dạy rằng Thiên Chúa luôn quan phòng, yêu thương bảo vệ ta. Ta tin vì cho rằng đó là những điều Thiên Chúa mặc khải qua Đức Giêsu, được Giáo Hội lưu truyền lại, và người dạy ta (các linh mục, các giáo lý viên) không hề nói dối hoặc nói sai. Đó là niềm tin lý thuyết. Nhưng khi gặp nhiều nguy hiểm, khó khăn trong cuộc đời, ta áp dụng niềm tin đó vào thực tế bằng cách phó thác mọi sự cho Chúa, thì thấy lần nào Ngài cũng bảo vệ ta thoát khỏi hiểm nguy, giúp ta giải quyết những khó khăn một cách thật kỳ diệu. Lúc ấy niềm tin của ta vào sự quan phòng yêu thương của Thiên Chúa là một niềm tin thực nghiệm.
Trong Tin Mừng, khi đọc câu chuyện Đức Giêsu đi trên mặt nước (x. Mt 14,22-33) thì ta tin như vậy. Đó là tin cách lý thuyết. Nhưng các tông đồ được thấy tận mắt Ngài đi trên mặt nước đến với mình, riêng Phêrô còn đích thân đi trên mặt nước đến với Ngài, thì niềm tin của các ông vào việc Ngài có khả năng đi trên mặt nước là một niềm tin thực nghiệm.
Tuy nhiên, tin rằng chính mình có thể đi trên mặt nước được thì tất cả các tông đồ đều tin như vậy, nhưng vẫn chỉ là tin trên lý thuyết; chỉ riêng Phêrô, người đã thật sự đi trên mặt nước, thì niềm tin của ông về điều này mới là niềm tin thực nghiệm. Ông kinh nghiệm rằng chính niềm tin vững chắc của ông vào khả năng ấy khiến ông làm được điều ấy, vì khi ông nghi ngờ về khả năng ấy, lập tức ông bị chìm xuống.
5. Đời sống tâm linh vững mạnh dựa trên đức tin thực nghiệm
Dường như người Kitô hữu nào sau khi học giáo lý cũng đều tin có Thiên Chúa, tin Ngài có ba ngôi, tin Đức Giêsu là Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người, tin có thiên đàng, tin có hỏa ngục… Các nhà thần học thì còn tin cả hàng trăm tín điều được ghi trong sách Enchiridion Symbolorum dày cả 5,6 trăm trang, do nhà thần học Heinrich Denzinger đã thu thập lại thành sách. Nhưng đức tin ấy đối với phần đông Kitô hữu chỉ là đức tin lý thuyết, cho dù họ có thể tuyên xưng ra ngoài rất mạnh mẽ, và ai tuyên xưng khác với họ thường bị họ kết án hoặc tẩy chay. Tuy nhiên chỉ khi gặp thử thách trong thực tế đời sống, họ mới nhận ra đức tin của mình rất yếu kém, đôi khi có vẻ như chẳng tin gì cả.
Chẳng hạn người Kitô hữu nào cũng tin có thiên đàng, hỏa ngục, luyện ngục, nhưng biết bao người có thể phạm tội một cách dễ dàng dù họ tin rằng phạm tội thì có thể sa hỏa ngục hay phải đền tội ở luyện ngục. Nhiều khi họ phạm tội một cách dễ dàng hơn là phạm một sai lầm về kinh doanh khiến việc làm ăn của họ có thể bị lỗ hay thất bại. Biết bao người sẵn sàng phạm tội chỉ để được một lợi lộc rất chóng qua ở đời này! Điều đó chứng tỏ họ chỉ tin một cách rất lý thuyết chứ không phải tin một cách thực tế! Vì thế, đời sống tâm linh của họ không tiến triển được bao nhiêu suốt bao năm sống đạo, đôi khi còn thụt lùi nữa.
Một người thật sự tin vào tình yêu và sức mạnh của Thiên Chúa thì khó có thể yếu đuối được! Vì đức tin làm nên sức mạnh. Đức Giêsu nói: «Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải thôi, thì dù anh em có bảo núi này: "rời khỏi đây, qua bên kia!" nó cũng sẽ qua, và sẽ chẳng có gì mà anh em không làm được» (Mt 17,20). Vụ lạm dụng tình dục bùng nổ ở Mỹ trong những thập niên qua cho thấy ngay cả những thầy dạy về đức tin vẫn có nhiều người chẳng tin bao nhiêu những điều mình dạy người khác tin. Nhiều hiện tượng khác cũng chứng minh điều ấy.
6. Muốn có đức tin thực nghiệm, phải thật sự sống những điều mình tin
Phêrô thấy Đức Giêsu đi trên mặt nước, ông liền tin rằng Ngài cũng có thể cho ông đi trên mặt nước như Ngài. Nếu ông không thật sự dám bước ra khỏi thuyền để đi trên mặt nước, thì niềm tin ấy mãi mãi chỉ là tin cách lý thuyết. Nhưng ông thử nghiệm ngay điều ông tin xem sao, và ông thấy chính ông đã đi trên mặt nước được. Thế là niềm tin ấy đã trở thành niềm tin thực nghiệm. Khi thử nghiệm những điều tin khác nữa, ông cũng sẽ thấy nó thật sự đúng. Từ đó, đức tin của ông ngày càng vững chắc hơn vì nó mang tính thực nghiệm.
Cũng vậy, không ai có được đức tin thực nghiệm nếu không thử sống thật, sống đúng như những điều mình tin. Khi đem những điều mình tin cách lý thuyết ra để sống trong thực tế, ta sẽ dần dần chứng nghiệm được những điều mình tin ấy là đúng thật. Cứ tiếp tục như thế, đức tin của ta ngày càng vững mạnh hơn.
Sở dĩ ta chưa có đức tin thực nghiệm, là vì ta chưa thật sự dấn thân cho niềm tin của mình. Nếu ta đã tin cách lý thuyết vào sự quan phòng của Thiên Chúa, thì ta hãy thử sống niềm tin ấy cách cụ thể khi gặp thử thách xem: chẳng hạn khi lương tâm ta đòi hỏi phải làm một điều gì có thể nguy hiểm cho bản thân mà ta vẫn dám dấn thân làm, thì chỉ khi ấy ta mới thực nghiệm được sự quan phòng bảo vệ thật sự của Thiên Chúa đối với ta. Hay ta hãy thử dấn thân theo Chúa bằng việc từ bỏ mình và từ bỏ mọi sự cách triệt để, ta sẽ cảm nghiệm lời Chúa nói là hoàn toàn chính xác: «Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau» (Mc 10,29-30).
Vấn đề cuối cùng là ta có dám thử sống đúng như ta tin hay không!
Việc thử nghiệm đức tin cũng tương tự như có ai chỉ cho ta một phương pháp rất dễ dàng để tăng cường sức khỏe. Ta nghe và biết rất thấu đáo những chỉ dẫn ấy. Đó là cái biết lý thuyết. Nếu ta tin người ấy, thì niềm tin ấy cũng chỉ là niềm tin lý thuyết. Nhưng nếu ta thử thực hành điều người ấy chỉ dẫn để xem phương pháp ấy có hiệu quả không, và khi ta thấy nó có hiệu quả thật sự, thì niềm tin của ta vào phương pháp ấy là niềm tin thực nghiệm.
●●●
Để đời sống tâm linh phát triển, ta cần có những kinh nghiệm thật sự và phong phú về Thiên Chúa, về tình yêu và quyền năng của Ngài. Nếu không có kinh nghiệm về Thiên Chúa, dù ta có là tiến sĩ thần học, thông thạo mọi lý thuyết về Thiên Chúa, thì đời sống tâm linh ta vẫn có thể nghèo nàn hơn một bà cụ ít học nhưng luôn cảm nghiệm rõ ràng sự hiện diện cụ thể của Thiên Chúa và tình yêu đầy quyền năng của Ngài trong đời sống bà.
Nguyễn Chính Kết
No comments:
Post a Comment