Cách nhìn của Thiên Chúa
1. Tại sao Thiên Chúa chọn Nadarét làm nơi sinh trưởng của Đức Giêsu?
Đức Giêsu thụ thai và sinh trưởng tương đối bình yên tại Nadarét, miền Bắc nước Do Thái, cách rất xa Giêrusalem, thủ đô tôn giáo của Do Thái ở miền Nam. Nadarét thuộc xứ Galilê, bị Kinh Thánh gọi là «vùng đất của dân ngoại» (Is 8,23; Mt 4,15). Vì thế, mọi người đều biết Ngài là người Galilê (x. Mt 21,11; Lc 23,5-6; 22,59; Mc 14,70).
Tại sao Thiên Chúa lại chọn Nadarét, chứ không phải Giêrusalem, là thủ đô của tôn giáo Ngài thành lập, để Đức Giêsu thụ thai và trưởng thành? Điều thật trớ trêu là khi cha nuôi của Đức Giêsu phải về Bêlem, vốn rất gần với Giêrusalem, để đăng ký hộ khẩu theo lệnh vua, khiến Đức Giêsu đã phải sinh ra tại Bêlem, thì nơi đây chẳng những không tiếp nhận Ngài, mà còn bách hại và tìm cách giết Ngài dù Ngài vừa mới sinh ra (x. Lc 2,7; Mt 2,16). Ngài cũng đã chết tại Giêrusalem, trung tâm tôn giáo của đất nước Ngài (x. Mc 10,33; Lc 18,31-33), và chết vì tay của những vị lãnh đạo tôn giáo của Ngài (Mt 17,1). Điều đó không phải là không có ý nghĩa. Và đó chính là điều chúng ta nên suy nghĩ.
Cũng chính vì Đức Giêsu sinh trưởng tại Nadarét mà người Do Thái có cớ để không tin Ngài là Đấng Cứu Thế. Vì theo cách suy nghĩ của loài người, họ cho rằng đã là Đấng Cứu Thế thì phải sinh trưởng tại vùng có truyền thống tôn giáo mạnh mẽ nhất. Họ nghĩ Thiên Chúa cũng phải suy tính giống như họ. Thật vậy, khi nghe Philípphê giới thiệu về Đức Giêsu, Natanaen đã thốt lên: «Từ Nadarét, làm sao có được điều gì hay?» (Ga 1,46). Thế nhưng con người tuyệt vời nhất trần gian, đặc biệt về mặt tôn giáo, lại xuất phát từ cái địa danh bị mang tiếng là «miền đất của dân ngoại» (Is 8,23; Mt 4,15), và sinh ra bởi một người nữ mà dưới mắt người đời chẳng có gì đặc biệt!
Thiên Chúa nhìn vào tâm linh con người, vào cốt lõi của vấn đề, và đánh giá theo cái nhìn ấy, chứ không nhìn vào những thứ bên ngoài, cho dù là tính tôn giáo, địa vị hay giai cấp trong tôn giáo, v.v… Trong cuộc đời Đức Giêsu, ta không hề thấy Ngài tỏ ra nể trọng ai chỉ vì người ấy giàu có, có địa vị hay quyền bính trong tôn giáo cũng như ngoài xã hội vốn được mọi người nể trọng. Ngài không ngần ngại khiển trách những người này khi họ ham được ca tụng, đề cao, lợi dụng quyền bính để hà hiếp kẻ yếu thế, hay làm ra vẻ đạo đức, v.v… Ta cũng không thấy Ngài tỏ ra khinh thường ai chỉ vì người ấy nghèo hèn, khốn khó, có địa vị thấp hèn trong tôn giáo hay xã hội. Nói chung Ngài quý trọng và yêu thương mọi người, bất kỳ ai, kể cả những kẻ thù ghét Ngài, vì họ đều là con cái Thiên Chúa, là anh em với Ngài.
Vì thế, những người theo Chúa cũng cần phải tập nhìn và đánh giá như thế. Thế nhưng đôi khi chúng ta, những người tự hào là theo Chúa, vẫn thường nhìn và đánh giá, theo những gì bên ngoài chứ không phải theo bản chất bên trong, để rồi trọng vọng hay khinh thường. Nhiều khi ta vẫn có cái nhìn và đánh giá kiểu người đời, coi trọng những thực tại trần gian chẳng kém gì dân ngoại.
2. Tại sao Thiên Chúa chọn cô Maria làm Mẹ Đấng Cứu Thế?
Maria là một thiếu nữ thuộc thành phần nghèo nàn, gia thế không có gì đặc biệt, chắc hẳn sắc đẹp và tài năng cũng chẳng có gì trổi vượt. Thế mà Thiên Chúa lại chọn cô làm mẹ của Đấng Cứu Thế. Tại sao vậy? Điều gì khiến Thiên Chúa lại chọn cô chứ không phải chọn một cô gái nào đó con của một tư tế, một luật sĩ, hay một vị nào có thế giá trong tôn giáo Do Thái? Ta cần suy nghĩ để nhận ra cách quan niệm và hành động của Thiên Chúa.
Điều quan trọng đối với Thiên Chúa không phải là sắc đẹp, tài năng, kiến thức, gia thế, địa vị trong xã hội hay trong tôn giáo… Điều Ngài ưa thích là tính chân thật, khiêm cung, coi nhẹ «cái tôi» hay ý riêng của mình, nhưng coi Thiên Chúa và thánh ý của Ngài là trên hết, luôn yêu thương và sẵn sàng phục vụ tha nhân. Những đặc tính ấy ta có thể thấy được nơi thiếu nữ Maria.
Tâm lý của các phụ nữ Do Thái thời ấy là muốn lập gia đình, vì họ mong được vinh dự làm mẹ Đấng Cứu Thế mà các ngôn sứ đã loan báo trước đó mấy trăm năm. Tâm lý này phần nào tương tự như trong cộng đoàn Kitô hữu xưa nay vẫn có những bậc cha mẹ cho con đi tu, với mong ước con mình làm linh mục, tu sĩ, để chính mình cũng được mọi người trọng vọng, gọi mình bằng «ông cố», «bà cố»… Còn Maria, cô chủ trương «không biết đến việc vợ chồng» (Lc 1,34), cô không màng vinh dự ấy. Ham muốn vinh dự ấy là điều rất tự nhiên, không có gì xấu, nhưng nó nói lên khuynh hướng mong «cái tôi» của mình được đề cao. Chiều theo khuynh hướng này là điều thuận lợi cho tính kiêu ngạo và các tham vọng phát sinh.
Chính vì tâm hồn đơn sơ, khiêm tốn, không tơ vương chuyện này, mà tâm hồn cô nổi bật lên trước con mắt Thiên Chúa. Tính khiêm cung nơi con người vốn là một vẻ đẹp hấp dẫn Ngài hơn bất kỳ điều gì, như Ngôn sứ Isaia từng xác định: «Đấng muôn trùng cao cả vẫn ở với tâm hồn khiêm cung» (Is 57,15).
Một điểm khác khiến Maria rất đẹp, rất có giá trị trước mặt Thiên Chúa, đó là tính coi rất nhẹ ý riêng của mình, nhưng luôn nhạy cảm trước thánh ý Thiên Chúa và sẵn sàng làm theo ý Ngài. Maria không muốn «biết đến việc vợ chồng» (Lc 1,34), không màng đến chuyện có con, nhưng khi Thiên Chúa muốn cô sinh con, cô sẵn sàng chấp nhận, bất chấp những khó khăn sẽ xảy đến: nào là Giuse bạn cô có thể hiểu lầm (x. Mt 1,19), người đời sẽ dị nghị chuyện chưa chồng đã có thai, cho cô là đồ mất nết, nào là luật pháp có thể trừng trị rất nghiêm khắc, ném đá cô đến chết (x. Lv 20,10; Đnl 22,22-23; Ga 8,5)… Nhưng cô phó thác cho Thiên Chúa mọi việc, để tùy Ngài sắp xếp tất cả (x. Lc 1,38).
Khiêm cung và coi nhẹ ý mình để sẵn sàng thuận phục ý Thiên Chúa chính là hai điều cốt yếu nhất của sự thánh thiện (x. Mt 16,24; Mc 8,34). Đó là hai hệ quả tất yếu của một tình yêu đích thực đối với Thiên Chúa và tha nhân.
3. Tại sao Maria lại được gọi là «Người đầy ân phúc»?
Maria được thiên sứ chào là «Người đầy ân phúc» (Lc 1,28). Nhưng rõ ràng cuộc đời cô là một cuộc đời đầy nghịch cảnh, bị thử thách trăm chiều vì người con của mình. Do đó, điều gọi là «ân phúc» trước mặt Thiên Chúa có thể lại là điều mà thế nhân chẳng mong muốn chút nào nếu không cho là tai họa. Ngược lại, điều mà thế nhân coi là có phúc thì rất có thể Thiên Chúa chẳng coi là có phúc (x. Lc 6,24-26). Vì Thiên Chúa nhìn vào tâm hồn, nhìn vào những gì có tính lâu dài, vĩnh cửu, còn con người chỉ nhìn thấy những cái bên ngoài, nhất thời, ngay trước mắt. Người có phúc trước mặt Thiên Chúa là người có tâm hồn trong sáng, không bị hoen ố vì khuynh hướng vị kỷ, mà trái lại, biết xả kỷ, yêu thương. Tinh thần «tám mối phúc thật» (Mt 5,1-12) nói lên điều ấy.
Tương tự như các bậc cha mẹ, khi thấy con cái mình lười biếng, ham chơi, vô trách nhiệm, thì tuy thấy chúng đang được vui thú hay đắc chí trong hiện tại, nhưng vẫn thấy chúng vô phúc và tội nghiệp cho chúng, vì thấy trước tương lai của chúng rất mờ mịt. Trái lại, khi thấy con cái chịu khó học hành, thì tuy thấy chúng mệt mỏi, vất vả trong hiện tại, nhưng lại mừng cho chúng, vì thấy tương lai của chúng rất tươi sáng. Cũng vậy, khi sứ thần đến truyền tin, lúc đó Maria chỉ là một thôn nữ nghèo, và cuộc đời trước mắt của cô đầy dẫy những khổ đau vất vả, nhưng sứ thần thấy cả một tương lai vĩnh cửu sáng lạn đang chờ đợi cô. Vì thế, sứ thần đã chào Maria là «Đấng đầy ân phúc». Cách nhìn của sứ thần phản ánh cách nhìn của Thiên Chúa. Chúng ta phải tập cho mình có cách nhìn như thế.
***
Cách nhìn của con người nhiều khi rất thiển cận và trần tục, không vượt ra khỏi những gì thấy được bên ngoài hoặc trước mắt. Người theo Chúa cần phải tập nhìn theo cách của Thiên Chúa, nghĩa là biết nhìn vào chiều sâu tâm hồn và xuyên suốt thời gian, không để những vẻ hào nhoáng bên ngoài của trần gian, của tôn giáo cản trở cái nhìn tâm linh của mình. Chỉ cái nhìn vào chiều sâu tâm hồn và xuyên suốt thời gian mới là cái nhìn trung thực và đúng nhất. Có được cái nhìn ấy, ta mới dễ dàng suy nghĩ và hành xử đúng với thánh ý Thiên Chúa.
Nguyễn Chính Kết
No comments:
Post a Comment