Saturday, November 18, 2017

TN34b - Thiên Chúa phán xét theo tiêu chuẩn duy nhất: tình yêu đối với tha nhân



CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 34 Thường Niên
Lễ Chúa Kitô Vua


(26-11-2017)

Bài đào sâu

Thiên Chúa phán xét theo tiêu chuẩn duy nhất:
tình yêu đối với tha nhân



  TIN MỪNG: Mt 25,31-46

Cuộc Phán Xét chung



CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1.   Ngày phán xét, Vua Vũ Trụ sẽ phán xét con người dựa trên tiêu chuẩn nào? Ngài đã báo trước tiêu chuẩn ấy trong Tin Mừng chưa? 
2.   Ngài chỉ phán xét theo tiêu chuẩn duy nhất ấy thì có hợp lý không? Ta phải sống thế nào để trở nên công chính trong ngày phán xét ấy?


Suy tư gợi ý:

1. Phải tôn vinh Đức Giêsu là Vua của bản thân ta trước đã

Chúng ta tôn vinh Đức Giêsu là Vua Vũ Trụ, điều đó thật chính đáng. Nhưng nếu Ngài chỉ là Vua vũ trụ, chứ không phải là vua chính bản thân ta, mà vua của bản thân ta luôn luôn là «cái tôi» của ta, là những tham vọng của ta, thì việc tôn vinh ấy ích lợi gì? Ngài muốn được thật sự làm Vua của lòng ta, hơn là muốn ta tôn vinh, thờ phượng Ngài như là Chúa Tể của những gì không phải là ta. 

Chỉ khi nào Ngài thật sự là Vua của lòng ta, thì việc ta tôn vinh Ngài là Chúa Tể vũ trụ mới có ý nghĩa. Chỉ khi ấy, bản thân ta mới trở thành Nước Trời: «Nước Trời ở trong anh em» (Lc 17,21). Chính bản thân mỗi người có trở thành Nước Trời, thì gia đình, đoàn thể, Giáo Hội và thế giới mới trở thành Nước Trời được. Vậy, để xây dựng Nước Trời, ta phải bắt đầu từ chính bản thân ta đã, tương tự như lộ trình mà Khổng Tử đã đề ra: «tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ».

Vậy, điều trước tiên ta phải làm là nhận Đức Giêsu là Vua của chính bản thân mình đã. Nghĩa là trong mọi tình huống cuộc đời, ta phải coi Ngài quan trọng hơn chính bản thân và tất cả mọi thứ khác, coi thánh ý của Ngài quan trọng hơn ý riêng của ta hay của bất kỳ ai, nghĩa là hoàn toàn quy phục Ngài, tuân theo thánh ý Ngài được biểu lộ qua những đòi hỏi của tình yêu trong lòng ta. 

Vì bản chất của Ngài là tình yêu, nên nhận Ngài làm Vua của lòng mình, trong thực tế là luôn luôn làm theo đòi hỏi của tình yêu trong lòng mình. Đó cũng chính là nội dung giới luật yêu thương của Ngài, và cũng là tiêu chuẩn chính yếu nhất và duy nhất để vào được Nước của Ngài. Làm sao ta vào được Nước của Ngài khi ta chưa nhận Ngài là Vua của bản thân ta, khi tình yêu đối với Ngài chưa thật sự thống trị lòng ta?



2. Ngày phán xét, Thiên Chúa phán xét theo tiêu chuẩn nào?

Bài Tin Mừng hôm nay mặc khải cho ta biết vào ngày phán xét, Ngài xét đoán mọi người theo tiêu chuẩn nào. Bài Tin Mừng cho thấy Thiên Chúa chỉ phán xét theo một tiêu chuẩn duy nhất, đó là mỗi người đã yêu thương tha nhân, đặc biệt những người nghèo hèn bé mọn như thế nào. Bài Tin Mừng không nói đến việc Ngài xét về chuyện ta đã thờ phượng Thiên Chúa ra sao, đã cầu nguyện nhiều hay ít, có siêng năng tham dự hay cử hành các nghi thức tôn giáo hay không, có góp phần xây dựng thánh đường, Giáo Hội không, có vào hội đoàn nào hay không…

Tất cả những sinh hoạt tôn giáo ấy đều chỉ là những phương tiện nhằm giúp con người đạt được mục đích duy nhất là trở nên giống Thiên Chúa, Đấng mà bản chất là tình yêu. Nhờ đó con người trở nên yêu thương nhiều hơn, tốt hơn, cao thượng hơn, từ đó mạnh mẽ hơn, bình an và hạnh phúc hơn. 

Nếu thực hiện những sinh hoạt tôn giáo mà không đạt được mục đích ấy, thì ích lợi gì? Có được những chiếc xe tuyệt hảo, tối tân, đắt tiền để đi đến một nơi cần thiết nào đó, nhưng cuối cùng chẳng tới được nơi ấy, thì đâu ích lợi bằng một người đi bộ mà đến được đích. 

Nếu không đạt được tình yêu chân thật trong lòng, điều ấy có nghĩa là có một điều gì đó không ổn trong những sinh hoạt tôn giáo của ta. Có thể ta chưa nắm rõ mục đích của những sinh hoạt ấy, hoặc ta đã thực hiện chúng với tâm tình vị kỷ, vụ lợi, hoặc chưa thật sự gặp gỡ được Thiên Chúa trong những sinh hoạt ấy…

Để vào Nước Trời, Nước của Tình Yêu, điều kiện tất yếu không có không được, đó là tình yêu chân thực đối với Thiên Chúa, được thể hiện thành tình yêu đối với tha nhân. Vì không ai có thể vào được Nước của Thiên Chúa, nếu người ấy không giống Thiên Chúa. Mà bản chất của Thiên Chúa là tình yêu (x. 1Ga 4,8.16), do đó, giống Thiên Chúa có nghĩa là có tình yêu, hay nói đúng hơn, là trở nên hiện thân của tình yêu.


3.   Tiêu chuẩn duy nhất để phán xét là tình yêu đối với tha nhân

Ngày phán xét, Thiên Chúa chỉ xét theo tiêu chuẩn duy nhất là tình yêu thì thật là hợp lý. Vì khi Đức Giêsu xuống trần gian để thành lập Nước Trời, Ngài chỉ ban cho con người một giới răn duy nhất, đó là: «Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em» (Ga 13,34). Nếu Ngài còn đưa ra nhiều giới răn khác, thì khi phán xét, Ngài sẽ phải xét theo nhiều tiêu chuẩn khác nữa. Nhưng Ngài đã chỉ đưa ra một giới răn duy nhất, nên khi phán xét, Ngài không thể xét theo một tiêu chuẩn nào khác với giới răn duy nhất Ngài đã ra. Thật là vô lý khi chỉ yêu cầu mọi người tuân giữ một điều duy nhất, rồi đến khi phán xét lại xét theo nhiều tiêu chuẩn khác ngoài điều duy nhất ấy!

Đức Giêsu đã nhấn mạnh đến giới răn này và nhấn mạnh tầm quan trọng của nó đến nỗi không hề đưa ra một giới răn nào khác, để những người theo Ngài tập trung nỗ lực vào điều duy nhất ấy, không quá phân tâm vào những chuyện phụ thuộc khác. Bài Tin Mừng này rõ ràng lại nhấn mạnh thêm một lần nữa điều quan trọng ấy. 

Nhưng thật lạ lùng và buồn cười thay, nhiều Kitô hữu lại chẳng quan tâm đến điều Ngài đã nhấn mạnh rõ ràng đến như thế, mà lại cứ quan tâm những chuyện phụ thuộc khác! Vì thế, công giữ đạo của họ cuối cùng hóa ra «công cốc», đúng như câu: «Dã tràng xe cát biển Đông, nhọc nhằn mà chẳng nên công cán gì»! Ngài đã từng trách những người Pharisêu biết bao nhiêu lần, là cứ đặt quá nặng những điều phụ thuộc, còn điều chính yếu thì lại coi quá nhẹ, lại còn dạy người ta như thế nữa: «Các người nộp thuế thập phân về bạc hà, thì là, rau húng, mà bỏ những điều quan trọng nhất trong Lề Luật là công lý, tình thương và lòng chân thành» (Mt 23,23; x. 23,16-22). Vì thế, Ngài đã gọi họ là «quân dẫn đường mù quáng!» (Mt 23,16.24; x. 15,14). Thế mà lạ lùng thay, ta lại cứ đi vào vết xe đã đổ của họ!



4.   Đừng để mình phải ngạc nhiên trong ngày phán xét

Điều đáng ta suy nghĩ và quan tâm là sự ngạc nhiên của cả người được chúc phúc và người bị chúc dữ. Cả hai loại đều hỏi Chúa hai câu tương tự nhau: «Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà (không) cho ăn, khát mà (không) cho uống; v.v…» (Mt 25,37-39.44). Rất có thể vào ngày đó, chính chúng ta cũng ngạc nhiên như vậy, cho dù Ngài đã từng báo trước rất rõ ràng trong các sách Tin Mừng rằng Ngài sẽ phán xét theo tiêu chuẩn duy nhất ấy, và Ngài tự đồng hóa Ngài với tha nhân của ta.

Suốt cuộc đời ta, chẳng bao giờ ta thấy Ngài hiện ra trước mặt để ta có thể làm một điều tốt lành nào đó cho Ngài cả. Thế thì tại sao Ngài lại khen những người bên phải là đã làm cho Ngài đủ chuyện, và trách những người bên trái là đã chẳng làm cho Ngài điều gì? 

Thật ra, Ngài luôn luôn hiện thân thành những tha nhân bên cạnh ta: cha mẹ, vợ con, anh chị em, bạn bè, hàng xóm, người cùng sở làm… Và hiện thân cụ thể nhất của Ngài chính là những người nghèo khổ, ốm đau, bị áp bức, tù đày… Tất cả những gì ta làm cho họ là làm cho chính Ngài, và sở dĩ ta trở nên công chính là do chính ta đã thể hiện tình thương với họ. Tất cả những gì ta không làm cho họ, cũng là không làm cho chính Ngài, và ta trở nên người bị chúc dữ chính vì ta đã không thể hiện tình thương với họ.

Nhưng theo thói thường, ta chỉ tỏ ra yêu thương và đối xử tốt với những người mà ta hy vọng có thể đem lại cho ta lợi lộc, chức quyền, danh vọng: những kẻ giàu có, quyền thế, có địa vị… Thật ra, khi đối xử tốt với những người này, là ta đối xử tốt với chính ta chứ không phải với Thiên Chúa. Đức Giêsu khuyên: «Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng mời bạn bè, anh em, hay bà con, hoặc láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại ông, và như thế ông được đáp lễ rồi. Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc» (Lc 14,12-14). Nói chung, chỉ khi nào ta làm điều gì cho người khác vì tình yêu, một cách vô vị lợi, không nhằm ích lợi gì cho mình về sau, thì mới là làm cho chính Thiên Chúa.



CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, con muốn nhận Đức Giêsu là Vua của cõi lòng con. Ngài chính là Tình Yêu. Xin cho cõi lòng con trở nên Nước Trời, Nước của Tình Yêu, để Tình Yêu thống trị lòng con, chi phối mọi ý tưởng, lời nói và hành vi của con suốt cuộc đời.


No comments:

Post a Comment