Friday, November 3, 2017

Gặp gỡ Thiên Chúa dễ hay khó?



Gặp gỡ Thiên Chúa dễ hay khó?




I. Có thể gặp gỡ Thiên Chúa ở đâu?

Nhiều câu Thánh Kinh xác định Thiên Chúa ở ngay trong bản thân ta, chẳng hạn như câu của thánh Phaolô: «Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao? … Đền thờ ấy chính là anh em» (1Cr 3,16-17) và còn nhiều câu khác nữa (như 1Cr 6,19; 2Cr 6,16; Ep 2,20-22, v.v...)

Vậy thì gặp gỡ Thiên Chúa quá dễ dàng mới đúng, tại sao có người lại cho rằng việc đó quá khó?


Thiên Chúa ở trong ta hay ở ngoài ta?
Tôi nghĩ có lẽ vì truyền thống Kitô giáo xưa nay dường như quá nhấn mạnh đến sự hiện diện của Thiên Chúa trong giáo đường, trong các bí tích, đến nỗi các Kitô hữu không mấy lưu tâm đến sự hiện diện của Thiên Chúa nơi chính mình, nơi tha nhân. Nói đến sự hiện diện của Thiên Chúa thì người ta liền nghĩ ngay đến nhà thờ, đến phép Thánh Thể, chẳng mấy ai nghĩ đến Thiên Chúa ngự ngay trong mình, trong những người chung quanh, trong vũ trụ vạn vật, dù sự hiện diện này được Kinh Thánh nói đến nhiều hơn. Đa số vẫn ở trình độ chỉ nhìn thấy được bằng con mắt thể chất, chưa nhìn được bằng con mắt tâm linh.

Chính Kinh Thánh dường như không ưa việc định vị Thiên Chúa một cách quá lệ thuộc và hạn định vào không gian vật chất như thế. Đức Giêsu đã phản đối việc định vị nơi chốn để gặp gỡ Thiên Chúa khi người phụ nữ Samari đặt vấn đề: «Cha ông chúng tôi đã thờ phượng Thiên Chúa trên núi này; còn các ông lại bảo: Giêrusalem mới chính là nơi thờ phượng Thiên Chúa» (Ga 4,20). Đức Giêsu liền trả lời: «Này chị, hãy tin tôi: đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giêrusalem. Các người thờ Ðấng các người không biết (…). Nhưng giờ đã đến và chính lúc này đây (là) giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế. Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật» (Ga 4,21-24) (xin xem chú thích 1* bên dưới).


II. Những điều kiện để gặp gỡ Thiên Chúa

a. Gặp gỡ Thiên Chúa ngay trong chính bản thân ta
Nói chung, truyền thống Kitô giáo xưa nay vẫn quá chú trọng tới sự có mặt của Thiên Chúa ở bên ngoài bản thân ta, chứ chưa nhấn mạnh đủ đến sự hiện diện của Ngài ngay trong chính bản thân ta. Chính thánh Augustinô đã phải than phiền về chuyện này. Vị thánh viết: «Lạy Chúa, Chúa vốn ở trong con, mà con lại… tìm Chúa ở bên ngoài con» (Confessions, X,27); Và đó chính là lý do khiến thánh  nhân đã không gặp được Chúa. Ông than: «Con đã tìm Chúa ở ngoài con, nên con đã không gặp được Chúa của lòng con» và «Con đã yêu Chúa quá muộn… Chính Chúa vẫn ở trong con, còn con thì lại ở ngoài con» (Confessions, VI,1) 
ở ngoài con», tôi hiểu là thánh nhân đã ở ngoài bản thân mình khi tìm Thiên Chúa, nghĩa là không tìm Ngài bằng «thần khí», bằng tâm linh, bằng chính «cõi lòng» hay bằng «nội tâm» của mình, mà chỉ bằng «ngoại tâm», bằng những gì thuộc thể chất, những gì hữu hình thấy được bên ngoài. «Ngoại tâm» là thứ tâm hướng về bên ngoài, còn «nội tâm» là cái tâm hướng vào bên trong).

Quả thật, không có nơi nào ta dễ gặp gỡ Thiên Chúa cho bằng ngay trong chính bản thân ta. Cho dầu Ngài cũng hiện diện trong vũ trụ vạn vật hay những nơi khác, và ta có thể nhìn thấy hay gặp được Ngài ở những nơi đó; nhưng nơi gặp gỡ Ngài lý tưởng nhất vẫn là «nội tâm» ta, vì Ngài là «thần khí», là «tâm linh», mà «nội tâm» của ta cũng là «thần khí», là «tâm linh». Tâm-linh-gặp-tâm-linh chắc chắn phải dễ hơn, thâm sâu, thân mật hơn là thể-chất-gặp-tâm-linh rất nhiều. 
Sách Sáng Thế viết: «Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật» (St 2,7). Con người có sự sống và linh hồn hay tâm linh là do hơi thở của Thiên Chúa thổi vào. Hơi thở của Thiên Chúa được gọi là «thần khí». Tâm linh hay nội tâm của con người vì thế là «thần khí» xuất phát từ «hơi thở của Thiên Chúa».
Thiên Chúa hiện diện khắp nơi, trong mọi thực thể của vũ trụ vạn vật, nhưng Ngài hiện diện «đặc sệt» nhất, với «mật độ» cao nhất, hầu như trong chính bản thân ta. Vì các thực thể khác trong vũ trụ là thể chất, còn nội tâm ta là «thần khí», trong khi Thiên Chúa cũng là «thần khí» như Kinh Thánh đã xác định. Và ta có gặp được Thiên Chúa nơi bản thân mình, thì mới hy vọng gặp được Ngài ở những nơi khác.

Ấn Độ giáo cho việc tìm kiếm Thiên Chúa để gặp gỡ Ngài giống như một con cá ở biển đi tìm nước. Nghe chuyện ấy ta thấy tức cười, nhưng đích thực khi ta tìm kiếm Thiên Chúa, ta cũng làm một việc tương tự. Thật thế, có nơi nào mà không có Thiên Chúa? Chúng ta và vạn vật hiện hữu, sinh sống, làm bất cứ việc gì cũng đều do Thiên Chúa cả. Làm sao ta có thể suy nghĩ, viết lách, đi lại, cựa quậy, thậm chí làm những việc dễ dàng nhất như chớp mắt, hít thở, mà không cần đến Thiên Chúa? 

Thiên Chúa hiện diện khắp nơi, trong tất cả vạn vật, trong tất cả mọi sinh hoạt dù nhỏ nhất của ta. Nhất cử nhất động đều nói lên sự có mặt của Thiên Chúa. Bản thân ta, lúc nào cũng chìm ngập trong Thiên Chúa, thế nhưng nhiều người đã tìm kiếm Ngài hoài mà chẳng hề gặp! Như vậy có khác gì con cá dưới biển tìm nước hoài mà vẫn không thấy nước, không gặp được nước! Chỉ vì nó không ý thức rằng nó đang ở trong nước, và nước cũng đang ở trong chính bản thân nó. 

Cũng trong truyền thống Ấn Độ, có chuyện một đệ tử hỏi thầy của mình: «Thầy có bao giờ gặp được Thiên Chúa không?» Ông thầy trả lời: «Tôi thường gặp gỡ Ngài y như tôi đang gặp gỡ anh bây giờ». Đệ tử liền nói: «Vậy thì xin Thầy chỉ cho con cách gặp gỡ Thiên Chúa như Thầy đi!» Ông thầy trả lời: «Dễ lắm, anh cứ mở mắt ra là thấy, chứ có gì khó đâu!». 

Nhưng người đệ tử chẳng hề nhìn thấy Thiên Chúa, vì anh ta không nhìn bằng «con mắt đức tin», bằng tâm linh của anh để thấy rằng tha nhân, cỏ cây, vạn vật trước mắt anh, và ngay chính bản thân anh, đều có Thiên Chúa đang hiện diện rất sống động trong ấy. Thánh Kinh nói rất rõ về sự hiện diện của Ngài trong tha nhân, trong cỏ cây, vạn vật, v.v... (x. St 28,16; Gs 2,11; 1V 8,27; Tv 139,7-8; Cn 15,3; Is 57,15; Gr 23,24; Mt 18,20; Cl 1,17; v.v...) (xin xem chú thích 2* bên dưới). 

Như vậy, vấn đề là chúng ta có con mắt đức tin để nhận ra Thiên Chúa đang có mặt cách sống động trong những thực tại ấy hay không. Hay chúng ta y hệt như con cá ngoài biển, cứ tìm nước hoài mà suốt đời chẳng bao giờ gặp được nước!


b. Muốn gặp gỡ Thiên Chúa, phải «có duyên» với Ngài
Tuy nhiên, nếu ta có con mắt đức tin để nhìn thấy được Thiên Chúa trong tất cả vạn vật, chưa chắc chúng ta đã gặp gỡ Ngài thật sự, vì còn một điều kiện khác rất quan trọng, để có thể gặp Ngài thật sự, đó là phải «có duyên» với Ngài. 

Việc gặp gỡ Thiên Chúa đích thực không phải là gặp gỡ bằng thể chất, mà phải bằng tâm linh, vì Đức Giêsu nói rất rõ: «Thiên Chúa là thần khí» (Ga 4,24); nghĩa là Thiên Chúa không phải là vật chất hay thể chất, mà là tâm linh, nên phải dùng tâm linh để gặp Ngài (Chữ «thần khí» ở đây viết thường chứ không viết hoa, nên có nghĩa là «linh», là «tâm hồn», «tâm linh», chứ không có nghĩa là «Thánh Thần»). Mà dù ta có thật sự gặp gỡ bằng thể chất, gặp Ngài tận mặt, thì chưa chắc đó đã là sự gặp gỡ đích thực đúng với nghĩa của nó. 

Ngày xưa người Pharisêu, các tư tế và luật sĩ đã gặp Đức Giêsu, đã đối chất, bắt bẻ Ngài nhiều chuyện, rõ ràng họ đã gặp Ngài về mặt thể chất, nhưng «lòng trí họ thì lại xa Ngài» (x. Mt 15,8). Tôi chắc chắn có biết bao người rước lễ, đem Chúa vào lòng mình một cách thể chất, nhưng đâu có gặp gỡ được Ngài. Rước lễ như vậy thì tôi chẳng xác định được có ích lợi gì hay có hại gì không. Chỉ gặp gỡ ngoài thể chất, chưa phải là gặp gỡ đúng nghĩa và trọn vẹn.

Văn chương Việt Nam đã từng mô tả hai kiểu gặp gỡ thể chất và tâm linh qua câu: «Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ; Vô duyên đối diện bất tương phùng», nghĩa là: Có duyên với nhau thì dù xa cách nhau ngàn dậm vẫn có thể gặp nhau, không có duyên với nhau thì dù có mặt đối mặt cũng chẳng phải là gặp nhau (việc gặp nhau trong cả hai câu này rõ ràng không phải là gặp bằng thể chất, mà bằng tâm hồn). Như vậy, theo câu thơ trên thì điều kiện để gặp gỡ nhau bằng tâm hồn thì phải có duyên với nhau. 

Có duyên với nhau, có nghĩa là đồng cảm với nhau,  quan niệm và suy nghĩ khá giống nhau, nhất là giống nhau về bản chất, giống nhau về tâm hồn. Do đó, muốn gặp gỡ Thiên Chúa thì phải giống Thiên Chúa về quan niệm, về cách nhìn, nhất là về bản chất. Mà bản chất của Thiên Chúa là gì? Thánh Gioan từng định nghĩa bản chất của Ngài: «Thiên Chúa là tình yêu» (Ga 4,8.16)

Như vậy, nếu chúng ta không có tình yêu đích thực, nghĩa là nếu chúng ta là một tâm hồn vị kỷ, ích kỷ, lúc nào cũng coi trọng «cái tôi» của mình hơn mọi người, đặt nặng hạnh phúc, đau khổ, quyền lợi, danh dự của mình hơn hạnh phúc, đau khổ, quyền lợi, danh dự của mọi người, thì chúng ta khác với Thiên Chúa quá nhiều, nghĩa là ta không «có duyên» với Ngài, thế thì làm sao ta gặp được Ngài thật sự, nghĩa là gặp được Ngài bằng tâm hồn?



III. Nếu chưa thật sự gặp gỡ Thiên Chúa, ta phải làm gì để gặp được Ngài?

a. Trước hết, phải xác tín Thiên Chúa hiện diện sống động ngay trong chính bản thân ta

Như vậy, ta cần phải hoàn chỉnh lại quan niệm cũ, cho rằng Thiên Chúa chỉ ở trong nhà thờ, chỉ hiện diện trong các bí tích, và chỉ gặp gỡ được Thiên Chúa khi đọc kinh, tham dự thánh lễ, v.v... Tất cả những việc ấy đều cần thiết để có thể gặp được Ngài, nhưng chưa đủ. Gặp gỡ qua những phương cách ấy chỉ tương tự như gặp gỡ bằng thể chất, hay bằng sự tưởng nhớ, v.v... chứ chưa phải gặp bằng tâm linh, bằng «thần khí» (x. Ga 4,23-24)Thánh Augustinô đã gặp gỡ Ngài theo kiểu đó một thời gian dài trước khi giác ngộ ra rằng mình mới chỉ tìm kiếm Thiên Chúa ở bên ngoài bản thân nên chưa thật sự gặp gỡ được Ngài, vì chưa tìm kiếm hay gặp Ngài ngay trong bản thân mình.

Quả thật, Thiên Chúa hiện diện khắp nơi, đặc biệt trong phép Thánh Thể, trong các bí tích, trong nhà thờ qua phép Thánh Thể… v.v... Nhưng sự hiện diện ấy là ở bên ngoài ta, hoặc không «đặc sệt» như trong chính bản thân ta (x, 1Cr 3,16.17b; 1Cr 6,19). Sự hiện diện của Ngài trong bản thân ta được thánh Augustinô diễn tả rất sâu sắc qua câu «Deus est intimior intimo meo» (tạm dịch: Thiên Chúa thân mật với tôi còn hơn chính tôi thân mật với tôi nữa), và «Deus est interior intimo meo et superior summo meo» (tạm dịch: Thiên Chúa còn ở sâu thẳm trong tôi hơn cả nội tâm của tôi, và cao cả hơn cái cao cả nhất ở nơi tôi) (Confessions, III, 6.11). Hai câu này có thể diễn tả cách dễ hiểu hơn, là «Thiên Chúa còn "là tôi" hơn chính tôi "là tôi" nữa»

Sự hiện diện này của Thiên Chúa −tức hiện diện trong bản thân ta− đã được thánh Phaolô diễn tả cho Hội đồng Arêôpagô ở kinh đô của Hy Lạp và được tác giả sách Tông Đồ Công Vụ trích dẫn: «Thực sự, Người không ở xa mỗi người chúng ta. Thật vậy, chính ở nơi Người mà chúng ta sống, cử động, và hiện hữu, như một số thi sĩ của quý vị đã nói: 'Chúng ta cũng thuộc dòng giống của Người» (Cv 17,27b-28). Nghĩa là mọi hoạt động, hành động, cử động, dù chỉ là chớp mắt hay thở ra thở vào của chúng ta, đều do Ngài chủ động. Và thánh Phaolô còn nói rõ hơn: «Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi» (Gl 2,10). Ngài sống trong tôi, làm mọi việc tốt đẹp ở trong tôi, thế mà tôi không hề ý thức.

Tóm lại, tôi giống như con cá sống trong nước mà cứ đi tìm nước, và cứ nghĩ mình chẳng gặp thấy nước bao giờ cả. Thật ra, con cá chỉ cần giác ngộ rằng mình đang được bao phủ bởi nước, mình sống được là nhờ nước, và nước chiếm tới 7, 8 chục phần trăm ngay trong bản thân mình, thì lập tức nó sẽ gặp được nước ngay tức khắc.

Do đó, điều quan trọng để gặp gỡ Thiên Chúa, là phải tập thành thói quen để luôn luôn ý thức rằng Thiên Chúa đang hiện diện trong ta, và mọi hành động, mọi cử động của ta, ngay cả sự hiện hữu của ta đều do Thiên Chúa cả. Và phải nhìn mọi sự bằng «con mắt đức tin» để thấy Ngài trong chính bản thân, trong tha nhân, và trong tất cả mọi sự, mọi vật hiện hữu.

Tuy nhiên, ý thức như vậy mới chỉ là gặp gỡ Ngài một cách nào đó cao hơn sự gặp gỡ bằng thể chất, cao hơn chút ít thôi. Để gặp gỡ thật sự thì phải gặp gỡ Ngài bằng «thần khí» (x. Ga 4,23-24), nghĩa là bằng tâm linh hay tâm hồn.



b. Cần tập quan niệm và nhìn mọi sự giống như Đức Giêsu, và có tâm yêu thương giống như Ngài

Gặp gỡ Thiên Chúa thật sự, chính là kết hiệp với Người, trở nên một với Người. Muốn thế thì phải tập trở nên giống như Ngài. 

Dầu và nước có thể trộn lẫn với nhau, nhưng không thể hòa tan vào nhau được, và cuối cùng thì dầu và nước tách biệt. Do đó, nếu khác biệt nhau quá rõ ràng về bản chất, thì dù có ở cạnh nhau, sát bên nhau, cũng không hòa hợp với nhau được.

Tuy nhiên, nước và rượu có thể hòa tan với nhau thành một hỗn hợp duy nhất, vì hai chất có nhiều yếu tố giống nhau. Tương tự như vậy, ta tuy không thể giống Ngài hoàn toàn, và tuyệt đối không thể, nhưng ta có thể giống Ngài phần nào đến nỗi có thể kết hiệp nên một với Ngài, nghĩa là gặp gỡ Ngài thật sự.
Nước và rượu, tuy hòa tan với nhau thành một hỗn hợp duy nhất, nhưng chỉ là hỗn hợp, chứ không phải là đồng chất. Phân tử nước vẫn là phân tử nước, phân tử rượu vẫn là phân tử rượu. Tuy là một hỗn hợp duy nhất, nhưng vẫn là hai chất khác nhau hòa tan thành một. Cũng vậy, khi kết hợp với Thiên Chúa, dù ta nên một với Ngài theo nghĩa kết hợp, nhưng vẫn là hai thực thể khác nhau. Lúc đó, «Ngài với ta tuy hai mà một, ta với Ngài tuy một mà hai».
Giống Ngài phần nào, nghĩa là phần nào cùng quan điểm như Ngài, nói cách khác, là cách quan niệm, cách nhìn vấn đề, cách suy nghĩ và cách hành động của ta phần nào giống như Ngài. Đương nhiên, càng giống càng tốt.

Muốn thế, chúng ta cần phải đọc và suy niệm Lời của Ngài, qua Thánh Kinh, để biết Ngài nhìn mọi sự như thế nào, Ngài quan niệm vấn đề thế nào, Ngài nói và hành động thế nào, để rồi ta tập nhìn mọi sự như Ngài đã nhìn, quan niệm mọi vấn đề như Ngài quan niệm, để hành động giống như Ngài hành động. Như vậy thì ta mới «có duyên» để gặp gỡ hay kết hiệp với Ngài như đã nói ở trên (mục II,b).


Tuy nhiên, bản chất của Ngài là tình yêu, như thánh Gioan đã xác định «Thiên Chúa là tình yêu» (1Ga 4,8.16). Ta muốn giống Ngài thì phải giống ở bản chất. Quan niệm, nhìn vấn đề và suy nghĩ giống Ngài mới chỉ tương tự như ở mức độ nghe và hiểu Lời Ngài thôi. Điều quan trọng nhất, và là cuối cùng để giống Ngài là sống, là thực hành đúng như Ngài hay mình đã quan niệm, đã nhìn và đã suy nghĩ, nghĩa là yêu thương thật sự. Thật vậy, Đức Giêsu nói: «Ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá (…) Còn ai nghe những lời Thầy nói đây, mà chẳng đem ra thực hành, thì ví được như người ngu dại xây nhà trên cát (…)» (Mt 7,24-27).

Tất cả những gì mà ta tu tập được, như thường xuyên ý thức được Ngài hiện diện trong ta, hay nhìn mọi sự như Ngài đã nhìn, v.v... mà cuối cùng không đạt được cái «tâm yêu thương» đối với Thiên Chúa cũng như với mọi người, thì chưa thể gặp gỡ Ngài thật sự được, và sự thánh thiện của ta cũng chưa đi đến đâu cả. Thật thế, thánh Phaolô đã từng viết: «Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì. Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi» (1Cr 13,1-3). «Đức mến» mà thánh Phaolô nói trong câu này, chính là cái «tâm yêu thương» được thể hiện ra bằng những hành động yêu thương cụ thể.

***

Tóm lại, để gặp gỡ Ngài, chúng ta cần phải ý thức được Ngài ở đâu để mà gặp; rồi phải «có duyên» với Ngài, nghĩa là đồng cảm với Ngài và phải phần nào giống như Ngài, nhất là giống Ngài về bản chất. Muốn thế, ta phải tập luyện từ ý thức, quan niệm, tư tưởng cho tới hành động.

Quả thật, với một số người đã tập luyện như thế, thì việc gặp gỡ Thiên Chúa quả là dễ dàng, nhưng với nhiều người khác thì quả là khó khăn. 

Dễ hay khó tùy thuộc vào quyết tâm của ta. Gặp gỡ được Thiên Chúa như thế, quả không dễ, nhưng chắc chắn không phải là quá khó. Nếu ta quyết tâm thực hiện thì chắc chắn thực hiện được. 

Tôi nghĩ rằng qua những gì tôi vừa viết, tôi đã nêu được một vài lý do căn bản khiến ta gặp gỡ được Thiên Chúa cách đích thực hay vẫn chưa gặp được Ngài.

Nguyễn Chính Kết


____________________

Chú thích:


(1*) Giải thích câu «Thờ phượng Thiên Chúa trong thần khí và sự thật» (Ga 4,23)

Đây là cách thờ phượng Thiên Chúa tốt nhất, hợp với ý muốn của Ngài nhất. Chính Đức Giêsu xác định điều đó. Ngài nói: «Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật»

● «Thờ phượng Thiên Chúa trong thần khí»:  Chữ «thần khí» trong một số bản dịch Việt ngữ, có lẽ vì muốn dịch sát với từ bằng tiếng Do Thái hoặc Aram (vốn có ý nghĩa «hơi thở của Thiên Chúa»), khiến người bình thường đọc trở nên khó hiểu, thậm chí nhiều người chẳng hiểu nó là gì. Các bản dịch như Vulgata bằng tiếng Latinh (là bản chính thức của Giáo Hội) và các bản tiếng Anh hoặc tiếng Pháp dùng chữ spiritusspirit hoặc esprit khiến người đọc hiểu liền, không cần giải thích. 3 chữ spiritus (latinh), spirit (Anh) hoặc esprit (Pháp) khiến tôi hiểu ngay  ý nghĩa của nó là tâm linh, tinh thần
(Bản Vulgata dịch 2 câu Ga 4,23-24 là «Sed venit hora et nunc est quando veri adoratores adorabunt Patrem in spiritu et veritate nam et Pater tales quaerit qui adorent eum; spiritus est Deus et eos qui adorant eum in spiritu et veritate oportet adorare»).
Chữ «thần khí» này trong Kinh Thánh có khi viết thường, có khi viết hoa với hai ý nghĩa khác nhau. Khi viết hoa thì phải hiểu là Thánh Thần hay Thánh Linh, còn khi viết thường thì hiểu là tinh thần, tâm linh. Trong hai câu Ga 4,23-24, chữ «thần khí», dù trong bản Vulgata hay nhiều bản dịch khác, đều viết chữ thường (kể cả bản dịch của nhóm «Các Giờ Kinh Phụng Vụ»).
(Tuy nhiên, bản Nova Vulgata (bản dịch mới), mới phát hành tại Rôma ngày 25/4/1979 dưới thời Đức Gioan-Phaolô II, dịch hai câu trên là «Sed venit hora, et nunc est, quando veri adoratores adorabunt Patrem in Spiritu et veritate; nam et Pater tales quaerit, qui adorent eum; Spiritus est Deus, et eos, qui adorant eum, in Spiritu et veritate oportet adorare». Bản này đổi tất cả chữ «spiritus» (viết thường) thành «Spiritus» (viết hoa), nên nghĩa chữ là «tâm linh» hay «tinh thần» đều phải đổi thành «Thánh Thần» hay «Thánh Linh», khiến ý nghĩa của câu này trở nên khác hẳn với bản Vulgata cũ. 
(Với bản mới, nếu dịch câu Ga 4,24 là «… Thiên Chúa là Thánh Thần ...» thì không hiểu có còn đúng với thần học của Giáo Hội từ trước đến nay không. Vì nói «Thánh Thần là Thiên Chúa» thì đúng, nhưng nói «Thiên Chúa là Thánh Thần» thì rõ ràng là thiếu logic. Cũng như nói «Đức Phanxicô là con người» thì quá đúng, nhưng nói «Con người là Đức Phanxicô» thì làm sao đúng được? Vì nếu như vậy, thì mọi người trên thế giới đều có thể lý luận: vì tôi là con người, nên tôi là Đức Phanxicô). Vả lại, khi nói về Thánh Thần, Giáo Hội dùng chữ Spiritus Sanctus, hay Creator Spiritus, chứ không dùng chữ Spiritus một mình. 
(Vấn đề phải đặt ra là Đức Giêsu đã nói theo ý nghĩa nào khi nói với một phụ nữ đơn sơ như người phụ nữ Samari? Bản Vulgata cũ và bản mới bản nào gần với bản gốc Hy Lạp hơn? Và động lực nào khiến bản mới đã sửa lại như vậy? Sửa lại cho hợp với quan điểm thần học của người dịch, hay vì khám phá ra bản gốc Hy Lạp là đều viết hoa những chữ ấy? v.v...)
Tôi nghĩ, để dễ hiểu, có thể dịch câu trên (theo bản Vulgata cũ) là «… những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha bằng tâm linh và sự thật...» (Ga 4,23) và câu kế tiếp là «Thiên Chúa là tâm linh, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng bằng tâm linh và sự thật» (Ga 4,24).

Như vậy, việc thờ phượng Thiên Chúa chủ yếu là phải xảy ra trong nội tâm con người, hơn là xảy ra ở bên ngoài (ngoại cảnh, hữu hình, thấy được, tức bằng những nghi thức), mặc dù việc thờ phượng bên ngoài ấy vẫn cần thiết (với điều kiện phải có cái chủ yếu bên trong). Nếu những nghi thức bên ngoài không kèm theo nội dung hay cái chủ yếu bên trong, thì nó trở thành vô giá trị, tương tự như trái trứng bị rỗng ruột, hay những bao bì rất đẹp không đựng gì cả. Vỏ trứng và bao bì rất cần thiết để bảo vệ cái chính yếu bên trong, nhưng khi chỉ còn là vỏ không thì thường bị bỏ vào sọt rác.

Đức Giêsu đã giải thích tại sao lại phải thờ phượng Thiên Chúa bằng tâm linh: Vì «Thiên Chúa là tâm linh» nên cách tốt nhất, thích hợp nhất là dùng tâm linh hay nội tâm của mình để thờ phượng Ngài, và muốn gặp Ngài, thì cũng phải gặp bằng tâm linh của mình. Điều đó thật dễ hiểu, dễ hiểu hơn và dễ dàng hơn là việc dùng thể chất để gặp một thực tại tâm linh.

«Thờ phượng Thiên Chúa bằng sự thật»: Trong lịch sử con người, đã có hai cách thờ phượng Thiên Chúa là thờ phượng bằng những nghi thức thấy được (như sát tế con vật, lễ toàn thiêu, dâng hương, dâng thánh lễ, cầu nguyện, đọc kinh, rước sách, v.v...), và thờ phượng Thiên Chúa bằng tâm linh (việc thờ phượng chủ yếu xảy ra trong nội tâm con người như sát tế «cái tôi» và những gì thuộc về «cái tôi» như ý riêng, những ham muốn, v.v...). Thiên Chúa muốn con người thờ phượng Ngài theo cách sau hơn là cách trước.

Cách trước là thờ phượng Thiên Chúa qua những nghi thức tôn giáo thấy được, mà Cựu Ước chủ trương. Việc «Thờ phượng Thiên Chúa bằng sự thật» đòi hỏi những gì bên ngoài phải phù hợp với tâm tình bên trong nội tâm. Sự phù hợp đó chính là sự thật. Nếu trong và ngoài không phù hợp với nhau, thì đó là giả dối. Nếu miệng ta nói «Lạy Chúa, con tin Chúa, con yêu Chúa, con phó thác mọi sự cho Chúa» nhưng thực tế của đời ta không phản ảnh điều ta nói với Ngài như vậy, thì đó là một hình thức giả dối. Nếu miệng ta nói một đằng, mà thực tế trong lòng ta, hoặc đời sống của ta lại là đằng khác, thì rõ ràng đó không phải là «Thờ phượng Thiên Chúa bằng sự thật» như Ngài đòi hỏi. Nếu khi mua một món đồ, ngoài bao bì giới thiệu đúng là món đồ ta muốn mua, nhưng khi mở ra thì thấy đó không phải là món đồ đúng như bao bì giới thiệu. Lúc đó ta nghĩ sao? phản ứng của ta thế nào?

Việc thờ phượng Thiên Chúa trong giả dối như thế, Thiên Chúa chẳng ưa chút nào. Đức Giêsu có nói về cách thờ phượng này: «Dân này thờ kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta. Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích» (Mt 15,8-9a)

Thiên Chúa qua miệng ngôn sứ Isaia cũng đả kích kiểu thờ phượng giả dối ấy: «Đức Chúa phán: "Ngần ấy hy lễ của các ngươi, đối với Ta, nào nghĩa lý gì? Lễ toàn thiêu chiên cừu, mỡ bê mập, Ta đã ngấy. Máu bò, máu chiên dê, Ta chẳng thèm! Khi các ngươi đến trình diện Ta, ai khiến các ngươi phải giẫm lên khuôn viên của Ta? Thôi, đừng đem những lễ vật vô ích đến nữa. Ta ghê tởm khói hương; Ta không chịu nổi ngày đầu tháng, ngày sa-bát, ngày đại hội, không chịu nổi những người cứ phạm tội ác rồi lại cứ lễ lạt linh đình. Ta chán ghét những ngày đầu tháng, những đại lễ của các ngươi. Những thứ đó đã trở thành gánh nặng cho Ta, Ta không chịu nổi nữa. Khi các ngươi dang tay cầu nguyện, Ta bịt mắt không nhìn; các ngươi có đọc kinh cho nhiều, Ta cũng chẳng thèm nghe. Vì tay các ngươi đầy những máu. Hãy rửa cho sạch, tẩy cho hết, và vứt bỏ tội ác của các ngươi cho khỏi chướng mắt Ta. Đừng làm điều ác nữa. Hãy tập làm điều thiện, tìm kiếm lẽ công bình, sửa phạt người áp bức, xử công minh cho cô nhi, biện hộ cho quả phụ"» (Is 1,11-17).
***


(2*) Một số câu Thánh Kinh nói về sự hiện diện của Ngài khắp nơi, trong tha nhân, trong cỏ cây, vạn vật, v.v... như: 

● St 28,16 => «Gia-cóp tỉnh giấc và nói: "Quả thật, có Đức Chúa ở nơi này mà tôi không biết!"».
● Gs 2,11 => «Thiên Chúa của các ông, là Thiên Chúa ngự chốn trời cao cũng như nơi đất thấp».
● 1V 8,27 => «Này, trời cao thăm thẳm còn không chứa nổi Ngài, huống chi ngôi nhà con đã xây đây».
● Tv 139,7,8 => «Đi mãi đâu cho thoát thần trí Ngài, lẩn nơi nào cho khuất được Thánh Nhan? Con có lên trời, Chúa đang ngự đó, nằm dưới âm ty, vẫn gặp thấy Ngài».
● Cn 15,3 => «Mắt Đức Chúa ở mọi nơi mọi chỗ, hằng dõi theo kẻ dữ người lành».
● Is 57,15 => «Ta ngự chốn cao vời và thánh thiện, nhưng vẫn ở với tâm hồn khiêm cung tan nát».
● Gr 23,24 => «Có ai ẩn mình trong nơi bí mật mà Ta lại không thấy».
● Mt 18,20 => «Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ».
● Cl 1,17 => «Người có trước muôn loài muôn vật, tất cả đều tồn tại trong Người».
v.v...

No comments:

Post a Comment