CHIA SẺ TIN MỪNG
Lễ Các Thánh
(1-11-2017)
(1-11-2017)
Nên thánh hay không,
tùy thuộc vào thái độ của ta
đối với «cái tôi» của mình
tùy thuộc vào thái độ của ta
đối với «cái tôi» của mình
• Kh 7,2-4.9-14: (9) Tôi thấy : kìa một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ. Họ đứng trước ngai và trước Con Chiên, mình mặc áo trắng, tay cầm nhành lá thiên tuế. (10) Họ lớn tiếng tung hô : «Chính Thiên Chúa chúng ta, Đấng ngự trên ngai, và chính Con Chiên đã cứu độ chúng ta».
• 1Ga 3,1-3: (2) Hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa; nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ. Chúng ta biết rằng khi Đức Kitô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy.
• TIN MỪNG: Mt 5,1-12a
Tám mối Phúc
(1) Thấy đám đông, Đức Giêsu lên núi. Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên. (2) Người mở miệng dạy họ rằng : (3) «Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ. (4) Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp. (5) Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an. (6) Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng. (7) Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương. (8) Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa. (9) Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. (10) Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ. (11) Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. (12) Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.
CHIA SẺ
(1) Thấy đám đông, Đức Giêsu lên núi. Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên. (2) Người mở miệng dạy họ rằng : (3) «Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ. (4) Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp. (5) Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an. (6) Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng. (7) Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương. (8) Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa. (9) Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. (10) Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ. (11) Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. (12) Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.
Câu hỏi gợi ý:
1. Bạn có ý thức rằng chính bạn được Thiên Chúa mời gọi nên thánh, nghĩa là sống đúng với phẩm giá của mình là con cái Thiên Chúa, sống trung thực với bản chất của mình là hình ảnh của Thiên Chúa không?
2. So sánh ơn gọi nên thánh của mỗi người Kitô hữu với ơn gọi làm linh mục, tu sĩ, ơn gọi nào quan trọng hơn, cao cả hơn, cần thiết hơn? Cái nào là phương tiện để phục vụ cái nào?
3. Có phải việc nên thánh hệ tại việc giữ cho đúng những tập tục tôn giáo cổ truyền không (đọc kinh sớm tối, ngày Chúa Nhật phải tham dự thánh lễ, v.v…)? Hay điều cốt yếu để nên thánh nằm ở chỗ khác? chỗ khác đó là chỗ nào?
Suy tư gợi ý:
1. Ơn gọi lớn nhất của con người: nên thánh
Thông thường, khi nói về ơn gọi, người ta nghĩ ngay tới ơn gọi làm linh mục, ơn gọi làm tu sĩ. Và tới thế kỷ 20, giáo dân cũng bắt đầu được coi là một ơn gọi: ơn gọi giáo dân. Nhưng cho tới nay, một chủng sinh hay tu sĩ mà bỏ tu ra làm giáo dân, thì nhiều người – kể cả linh mục, giám mục, hay những nhà trí thức trong Giáo Hội – nói rằng người đó «mất ơn gọi». Người ta làm như thể chỉ có linh mục, giám mục, tu sĩ là có ơn gọi, và họ coi ơn gọi của những vị ấy hết sức cao cả. Còn giáo dân thì chẳng sợ bị mất ơn gọi, vì giáo dân có ơn gọi đâu mà mất! Thật ra người ta quên rằng bất cứ Kitô hữu nào cũng có một ơn gọi rất cao cả là nên thánh.
Sau Công Đồng Vatican II, quan niệm trên đã trở nên lỗi thời. Hiện nay Giáo Hội quan niệm rằng ơn gọi lớn nhất, cao cả nhất của mọi Kitô hữu là nên thánh, như Đức Giêsu từng mời gọi: «Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện» (Mt 5,48). Công Đồng Vatican II cũng lập lại ý tưởng đó: «Mọi Kitô hữu, dù ở địa vị nào, bậc sống nào, đều được Chúa kêu gọi đạt tới sự trọn lành thánh thiện như Chúa Cha trọn lành, tùy theo con đường của mỗi người» (GH 11§3).
2. Không hẳn cứ phải làm linh mục / tu sĩ mới nên thánh được
Nên thánh là ơn gọi chung cho tất cả mọi người, dù là giáo dân, linh mục, giám mục, hay giáo hoàng, và là ơn gọi cao cả nhất. Tất cả mọi người – chứ không phải chỉ các linh mục và tu sĩ – đều được kêu gọi nên thánh. Cũng không phải tất cả mọi người đều được kêu gọi làm tu sĩ, linh mục, giám mục, hồng y hay giáo hoàng. Đó chỉ là những con đường nên thánh cá biệt, chứ không phổ quát. Làm tu sĩ, linh mục, giám mục… thiết tưởng là việc tương đối dễ và không hẳn là cần thiết hay quan trọng lắm, làm thánh mới là khó và cần thiết hay quan trọng hơn rất nhiều.
Đối với mỗi cá nhân Kitô hữu, ơn gọi nên thánh quan trọng hơn rất nhiều so với ơn gọi làm các chức vụ trong Giáo Hội, cho dù cao đến đâu! Vì thử hỏi: làm linh mục, giám mục, hồng y hay giáo hoàng, dù có hiển hách lẫy lừng đến đâu, nếu bản thân không nên thánh thì có ích lợi gì? Tương tự như «được cả trần gian mà mất linh hồn thì được ích gì?» (Mt 16,26). Tóm lại, để làm thánh thì không nhất thiết là phải làm linh mục hay tu sĩ; và không phải hễ là linh mục hay tu sĩ thì tất nhiên là thánh.
Trong Giáo Hội hiện nay, vẫn còn có những quan niệm sai lầm, nhưng rất phổ biến, nhất là tại Việt Nam, là làm như ơn gọi làm linh mục, giám mục… thì cao trọng hoặc quí trọng hơn ơn gọi nên thánh phổ quát của mọi Kitô hữu! Thiết tưởng, dưới con mắt của Thiên Chúa, một vị thánh – cho dù là giáo dân, dù là một người có địa vị thật thấp kém trong xã hội – vẫn luôn luôn cao cả và giá trị hơn một linh mục, giám mục, hay giáo hoàng mà không thánh, thậm chí giá trị hơn hàng triệu lần! Nhưng người ta vẫn thích nhìn bằng con mắt của người đời hơn bằng con mắt của Thiên Chúa! Sở dĩ có quan niệm này là vì đã một thời Giáo Hội có khuynh hướng thượng tôn các chức thánh, chẳng hạn coi chức linh mục còn cao trọng hơn cả chức vị các thiên thần… (xem cuốn Tôi muốn làm linh mục, xuất bản trước 1975).
Để chỉnh lại quan niệm này, cần tự hỏi và xác định: Thiên Chúa muốn ta nên thánh hay muốn ta làm tu sĩ, linh mục, giám mục…? Nên thánh, và nên linh mục, giám mục… cái nào cần thiết cho chúng ta hơn? Cần phải quan niệm cho đúng: quan niệm có đúng thì hành xử mới đúng được!
3. Làm tông đồ, không nhất thiết cứ phải là linh mục hay tu sĩ
Cũng vậy, qua bí tích Rửa tội và Thêm sức, Thiên Chúa kêu gọi tất cả mọi Kitô hữu làm tông đồ, hoạt động cho Nước của Thiên Chúa. Để làm tông đồ, người ta có thể làm giáo dân, hay đặc biệt hơn, làm tu sĩ, linh mục, giám mục hay giáo hoàng, nhưng rõ ràng là không phải cứ làm linh mục, giám mục hay giáo hoàng thì người ta mới trở nên tông đồ đích thực. Nhiều linh mục, giám mục, giáo hoàng không phải là tông đồ đúng với nghĩa của từ ấy. Trái lại, người ta có thể là vừa giáo dân mà cũng vừa là tông đồ đích thực của Chúa! Vấn đề cần phải đặt lại nghiêm chỉnh là: Giáo Hội cần những tông đồ đích thực hơn là cần những linh mục, giám mục hay giáo hoàng mà không phải là tông đồ thật sự! Các chủng viện, tu viện, cần đào tạo nên những tông đồ, những vị thánh, hơn là chỉ bằng lòng với việc tạo nên những linh mục, tu sĩ mà thôi! Linh mục, tu sĩ hay bất kỳ ai mang danh làm tông đồ mà không thánh thiện, thì cũng chỉ như muối mà không mặn, đèn mà không sáng thôi! (x. Mt 5,13-16).
4. «Tám mối phúc»: bí quyết để nên thánh
Hôm nay, khi mừng kính lễ các Thánh, Giáo Hội muốn nhắc lại ý thức căn bản này, là tất cả mọi Kitô hữu đều được mời gọi nên thánh, và một khi ý thức được lời mời gọi ấy, thì ai cũng có thể nên thánh được. Bài Tin Mừng hôm nay chỉ cho chúng ta bí quyết để nên thánh. Điều rất đáng tiếc là bí quyết này, nhiều người Kitô hữu không thèm biết tới, không thèm quan tâm suy niệm để thực hiện, mà chỉ quan tâm thực hiện những tập tục tôn giáo được truyền từ đời cha ông đến đời con cháu. Những tập tục ấy rất tốt, rất nên bảo tồn, nhưng đó không phải là điều cốt yếu để nên thánh. Giữ những tập tục ấy thật hoàn hảo, tốt đẹp, mà không sống tinh thần «tám mối phúc» của bài Tin Mừng hôm nay thì việc nên thánh sẽ chẳng đi đến đâu! Rốt cuộc cũng chỉ là «công dã tràng»!
Cả 8 mối phúc đều xây dựng trên nền tảng căn bản này: tinh thần tự hủy hay từ bỏ mình của Đức Kitô. Tinh thần tự hủy hay từ bỏ mình là tinh thần coi nhẹ «cái tôi» và những «cái của tôi» trước Thiên Chúa và tha nhân: «Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ đi» hay «Người phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi» (Ga 3,30). Có coi nhẹ «cái tôi» của mình thì mới có thể yêu thương đích thực và mới dễ dàng thể hiện tình yêu thương ấy ra hành động. Một khi «cái tôi» đã được coi nhẹ, thì «tám mối phúc» cũng như việc bác ái yêu thương trở nên rất dễ thực hiện. Trái lại, còn đặt nặng «cái tôi» thì những việc tốt đẹp ấy trở nên rất khó khăn.
Kinh nghiệm trong đời sống tâm linh của tôi là: mọi thánh giá ta phải vác hằng ngày dù nhẹ đến đâu cũng đều trở nên nặng nề khi «cái tôi» của ta đã bị chính ta coi nặng. Tôi thấy câu «tâm không thông, vác bình không cũng nặng» rất đúng! Mà «tâm không thông» chính là tâm trạng coi «cái tôi» của mình quá nặng. Ngược lại, mọi thánh giá, dù nặng đến đâu, cũng đều trở nên nhẹ nhõm khi «cái tôi» của ta được chính ta coi nhẹ. Coi nhẹ «cái tôi» của mình giúp ta trở nên sáng suốt, thông đạt, lạc quan, khách quan, mạnh mẽ, hạnh phúc, vui tươi, nhẹ nhõm… Còn đặt nặng «cái tôi» của mình khiến ta trở nên u tối, bi quan, chủ quan, yếu đuối, buồn bã, nặng nề hơn.
Tình cờ tiếng Việt trở thành sâu sắc khi gọi ngôi thứ nhất là «tôi», vì «tôi» (không dấu) có nghĩa là tôi tớ, người phục vụ. Khi nào ta đặt nhẹ «cái tôi» để có thể trở nên như tôi tớ, để phục vụ tha nhân, thì ta sống đúng với ý nghĩa của «cái tôi», lúc đó ta trở nên đúng đắn, sáng suốt. Khi ta ý thức quá sâu sắc về «cái tôi» của mình, thì «cái tôi» trở thành «tôi sắc tối», nghĩa là u mê, tối tăm. Khi để cho «cái tôi» của mình lười biếng, ươn hèn, ủy mị, chiều chuộng (tượng trưng bằng dấu huyền) «cái tôi» mình quá, «cái tôi» trở thành «tôi huyền tồi», nghĩa là tồi tệ. Và khi đặt nặng «cái tôi» của mình quá, thì «cái tôi» trở thành «tôi nặng tội», nghĩa là tội lỗi, xấu xa.
Có thể nói bí quyết để nên thánh một phần rất lớn nằm ngay trong thái độ coi nhẹ của ta đối với chính «cái tôi» của ta. Thái độ ấy chính là tinh thần tự hủy hay từ bỏ mà Tin Mừng luôn đề cao.
CẦU NGUYỆN
Lạy Cha, Cha ban cho con một «cái tôi» thật là kỳ diệu. Con càng coi nó là nhỏ, là nhẹ, thì giá trị của nó trước mặt Cha càng lớn, càng nặng. Trái lại, con càng coi nó là lớn, là nặng, thì giá trị của nó trước mặt Cha càng nhỏ, càng nhẹ. Xin cho con ý thức được rằng ngoài ân sủng của Cha ra, việc nên thánh của con trở nên dễ dàng hay khó khăn tùy thuộc rất nhiều vào thái độ của con đối với chính «cái tôi» của con. Xin cho con biết coi nhẹ «cái tôi» của mình, để trở nên ngày một thánh thiện hơn.
Nguyễn Chính Kết
No comments:
Post a Comment