CHIA SẺ TIN MỪNG
Chúa Nhật thứ 24 Thường Niên
(17-9-2017)
Bài đào sâu
(17-9-2017)
Bài đào sâu
Tha thứ để được tha thứ
• TIN MỪNG: Mt 18,21-35
Anh em hãy tha thứ cho nhau
Dụ ngôn tên mắc nợ không biết thương xót
Dụ ngôn tên mắc nợ không biết thương xót
CHIA SẺ
Câu hỏi gợi ý:
1. Bạn nghĩ sao về người không chịu tha nợ cho bạn mình một món nợ nhỏ khi cha mẹ của người bạn ấy đã tha cho mình một món nợ lớn gấp ngàn lần? Chúng ta có xử sự giống như vậy không khi không chịu tha thứ cho tha nhân chung quanh chúng ta?
2. Tại sao ta lại phải tha thứ mãi như thế? Ta có bao giờ phạm lỗi với ai giống như người đã phạm lỗi với ta không? Lúc đó ta có mong được thông cảm, tha thứ không?
3. Giữ lòng hận thù chứ không chịu tha thứ thì có hại gì cho ta không? Nếu hai đứa bé cứ trả thù nhau bằng cách đánh qua đánh lại thì ai là người bị đau đớn và thiệt hại? Bị đau mà không trả thù thì bị thiệt hại ít hay nhiều hơn trả thù?
Suy tư gợi ý:
1. Phải tha thứ mãi, tha thứ hoài, tha thứ vô giới hạn
Luật Cựu ước chủ trương «mắt đền mắt, răng đền răng, tay đền tay, chân đền chân, vết bỏng đền vết bỏng, vết thương đền vết thương, vết bầm đền vết bầm» (Xh 21,24-25; x. Lv 24,20; Đnl 19,21). Các rabbi Do Thái dạy rằng phải tha thứ cho những người xúc phạm mình, nhưng chỉ ba lần thôi. Phêrô nghĩ rằng Đức Giêsu chủ trương rộng lượng hơn, nghĩa là số lần tha thứ phải đạt tới con số trọn vẹn hay hoàn hảo là 7 (người Do Thái quan niệm số 7 là con số trọn hảo). Nhưng ông không ngờ Ngài đòi hỏi ông tha thứ không giới hạn: «Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy» (Mt 18,22).
Lý do Ngài đưa ra – qua dụ ngôn người đầy tớ mắc nợ mà không biết thương xót – là vì: ta đã từng mắc nợ Thiên Chúa những món nợ lớn lao vô cùng, và Ngài đã tha cho ta. Thế mà tha nhân bên cạnh ta – là hiện thân của Ngài ở bên ta – nợ ta chẳng bao nhiêu, chẳng lẽ ta lại không sẵn sàng tha cho họ?
Nếu đứa con ông chủ của ta nợ ta một món tiền nhỏ mà ta cứ nằng nặc đòi trả cho bằng được, trong khi chính ta đã nợ ông chủ gấp triệu lần món tiền ấy và đã được ông tha cho ta tất cả, thì hành động như ta có phải là bất trung bất nghĩa và dại dột vô cùng không? Ta hành động như thế, làm sao ông chủ có thể tiếp tục tha nợ cho ta được? Cũng vậy, nếu ta không tha thứ lỗi lầm cho những người sống chung quanh ta, là những người mà Đức Giêsu đã tự đồng hóa với chính ngài (x. Mt 25,40.45; 10,40; 18,5; Lc 10,16), thì Thiên Chúa cũng sẽ không tha thứ tội lỗi cho ta.
Trong kinh Lạy Cha ta thường đọc nhiều lần mỗi ngày, ta xin Thiên Chúa cứ dựa theo cách ta tha tội cho tha nhân mà tha tội cho ta. Lời kinh này không khéo sẽ trở thành rất bất lợi cho ta, vì nếu ta không quảng đại tha thứ cho tha nhân thì Ngài cũng căn cứ theo cách ấy mà đối xử với ta, vì ta đã cầu xin Ngài như vậy.
Ngược lại, nếu lúc nào ta cũng tha thứ cho anh em mình vô điều kiện, không đòi họ phải xin lỗi mới tha, thì Thiên Chúa cũng sẽ tha thứ cho ta cách vô điều kiện như vậy, vì Ngài không thể kém quảng đại hơn ta. Vì thế, sẵn sàng tha thứ cho tha nhân vô điều kiện là một thái độ hết sức khôn ngoan.
Khi ta tha thứ cho anh em thật nhiều lần, ta sẽ có thói quen tha thứ, nhân đức tha thứ, nhất là bản tính hay tha thứ, rất ích lợi cho sự phát triển tâm linh, sự bình an và hạnh phúc của ta trong cuộc đời.
2. Tại sao ta nên tha thứ cho tha nhân?
Nếu ta nhận ra mọi sự ta có được đều là hồng ân Chúa ban cho ta, ta sẽ thông cảm với những người nhận được ít ơn Chúa hơn ta. Được ít ơn Chúa hơn ta, đương nhiên họ dễ phạm lầm lỗi hơn ta. Xét lại bản thân, chính ta cũng đã từng phạm lỗi tương tự như vậy với họ hoặc với một ai đó, khi đó ta mong họ thông cảm, tha thứ cho ta. Thử nghĩ xem, nếu ta ở trong tình trạng y như họ: hoàn cảnh éo le ít nhiều buộc họ phải xử tệ với người khác, thêm vào đó là trình độ tâm linh, văn hóa hay khả năng suy nghĩ của họ còn kém, tâm hồn còn yếu đuối, còn nhiều tính ích kỷ chưa vượt thắng được… thì chắc hẳn ta cũng sẽ hành động không khác gì họ.
Người thánh thiện thường rất dễ thông cảm với những người yếu đuối, tội lỗi hơn mình, và chính vì thế họ mới là người thánh thiện. Họ thường nghĩ như Phaolô: «phải hiền hoà, luôn luôn tỏ lòng nhân từ với mọi người, vì xưa kia ta cũng ngu xuẩn, không vâng lời, lầm lạc, làm nô lệ cho đủ thứ đam mê và khoái lạc, sống trong gian ác và ganh tị, đáng ghét và ghen ghét lẫn nhau» (Tt 3,2-3), nên họ cảm thấy phải rất thông cảm với những ai yếu đuối giống như họ xưa kia.
Người cảm thấy mình còn yếu đuối, còn hay lầm lỗi, thì càng có lý do mạnh hơn để thông cảm với những người cùng yếu đuối và hay lầm lỗi như mình. Nếu ta hay lầm lỗi mà lại không thể thông cảm được với những người hay lầm lỗi như ta thì ta thật quá ích kỷ và đáng bị trừng phạt biết bao!
3. Tai hại của giận hờn, thù hận
Một lý do rất nhân bản và tự nhiên để ta dễ dàng tha thứ cho tha nhân, đó là khi ta để lòng giận hờn, phiền trách ai, thì tâm hồn ta sẽ nặng trĩu u buồn, bực bội, tức giận. Cảm xúc tiêu cực này khiến ta không thoải mái, máu ta sinh ra nhiều chất độc, lục phủ ngũ tạng của ta cũng bị thương tổn. Nếu ta thường xuyên ở trong tình trạng u uất này, ta dễ sinh ra những bệnh nan y, khó chữa, như cao huyết áp, tiểu đường, ung thư…
Khi tha nhân xúc phạm hay làm hại ta, nếu ta buồn giận họ và không tha thứ cho họ, thì chẳng những ta bị thiệt hại hay mất mát vì những gì họ trực tiếp gây ra, mà ta còn tự làm cho chính ta bị thiệt và mất mát nhiều hơn thế bội phần. Do đó cứ nuôi giận hờn mà không chịu tha thứ quả là thiếu khôn ngoan. Nếu ta không tiêu diệt giận hờn thù oán, thì hờn oán sẽ tiêu diệt ta.
Nếu ta tìm cách trả thù người hại ta bằng cách gây đau khổ lại cho họ, thì ta càng tự làm thiệt hại ta bội phần hơn nữa. Khi ta thù hận, ta dễ lâm vào tình trạng mất sáng suốt. Tục ngữ có câu: «cả giận mất khôn». Trong tình trạng mất sáng suốt ấy mà lại muốn gây đau khổ cho người khác, ta rất dễ lâm vào tình trạng phạm pháp, và hậu quả tai hại nhiều khi không lường được. Nhiều người tức giận quá đã đi đến chỗ đả thương hay giết người, để sau đó bị tù tội hay phải sạt nghiệp vì đền mạng.
Người bị ta trả thù gây khổ thường là sẽ trả thù lại ta khiến ta còn phải chịu khổ nhiều hơn nữa. Và nếu cứ thế tiếp tục – người trả thù qua, người trả thù lại – thì oán thù sẽ chồng chất, thậm chí đời này sang đời khác. Đức Phật nói: «Lấy oán báo thù, oán thù chồng chất. Lấy đức báo oán, oán tự tiêu tan». Không thể dùng oán thù mà giải quyết được oán thù. Chỉ có tình thương mới tiêu diệt được oán thù mà thôi. Cũng như không thể lấy một cái sai để giải quyết một cái sai khác, vì hai cái sai cộng lại không thể thành cái đúng mà thành cái sai lớn gấp bội. Cái sai chỉ có thể hóa giải bằng những cái thật đúng mà thôi.
Cách trả thù tốt nhất là làm những điều tốt lành nhất cho người hại mình, và chỉ mong cho họ toàn những điều tốt lành, để biến họ thành người tốt hay thành bạn mình. Biến họ thành bạn mình chính là một cách diệt được kẻ thù cách khôn ngoan nhất, trong đó không có ai bị hại, mà ta lại còn có thêm bạn. Đó là cách mà thánh Phaolô đề nghị: «Kẻ thù ngươi có đói, hãy cho nó ăn; có khát, hãy cho nó uống; làm như vậy, ngươi sẽ chất than hồng lên đầu nó. Đừng để cho sự ác thắng được mình, nhưng hãy lấy thiện mà thắng ác» (Rm 12,20-21). Đó cũng là thực hành điều Đức Giêsu dạy: «Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em» (Lc 6,27).
CẦU NGUYỆN
Lạy Cha, Đức Giêsu đã dạy con phải yêu thương cả kẻ thù huống gì những người anh em có lỗi với con. Vì tình yêu đích thực đòi hỏi con phải sẵn sàng thông cảm và tha thứ cho người đã xúc phạm đến con. Chính con cũng đã biết bao lần lầm lỗi, xúc phạm đến tha nhân và đã từng được họ quảng đại tha thứ. Xin cho con thật sự nhận ra những giới hạn, yếu đuối và lầm lỗi của chính mình, để dễ dàng thông cảm và tha thứ cho giới hạn, yếu đuối và lầm lỗi của người khác.
Nguyễn Chính Kết
Bấm vào đây để trở về bài trước.
No comments:
Post a Comment